Friday, 24 January 2020 01:50

Những Nẻo Đường Tâm Linh: Linh Đạo Dòng Đức Bà Truyền Giáo Featured

Đaminh Nguyễn Minh Tân

Giuse Nguyễn Văn Huy

 

DẪN NHẬP

Người ta có thể thực sự mô tả một linh đạo, định nghĩa một tinh thần, giải thích được một đặc sủng không? Phải chăng đó là những thực tại sâu xa, cao vời, vượt khỏi mọi khả năng? Thật vậy, vì chỉ có một mình Thiên Chúa mới biết được sự bí ẩn trong đời sống nội tâm của một tâm hồn, cũng như mối liên hệ thân mật với Ngài. Và như vậy, mọi cố gắng để khám phá bí mật đó có thể coi như một sự liều lĩnh! Tuy nhiên, ta có thể nói, linh đạo đời tu như là một kinh nghiệm Kitô giáo trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân, nhờ ân sủng và Thần Khí.

Tuy chung một nền tảng nhưng kinh nghiệm Ki-tô giáo có muôn vàn cách diễn tả. Thánh Phaolô, trong thư gửi giáo đoàn Cô-rin-tô, đã nói rõ được điều này theo lối văn súc tích: “Có nhiều đặc sủng khác nhau nhưng chỉ có một Thần Khí, có nhiều việc phục vụ khác nhau nhưng chỉ có một Chúa, có nhiều hoạt động khác nhau nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người.” (1Cr 12,4-6).

Thật ra tất cả các nhà linh đạo dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần đều chỉ có một mục đích là yêu mến Thiên Chúa và làm môn đệ Chúa Ki-tô. Họ đã muốn đón nhận trọn vẹn và sống tận căn Tin Mừng, nhưng Thánh Thần khởi hứng nơi họ một ý tưởng nào đó trong Phúc Âm, một khía cạnh nào đó nơi mầu nhiệm Chúa Ki-tô. Linh đạo của Hội dòng Đức Bà Truyền giáo có như thế không? Chúng ta cùng tìm hiểu xem.

I. LỊCH SỬ LINH ĐẠO - VỊ SÁNG LẬP - ĐẶC SỦNG

1. Vị sáng lập và đặc sủng

a. Vài nét tiểu sử về vị sáng lập

Chị Euphrasie Barbier sinh ngày 4 tháng Giêng năm 1829 tại Caen thuộc vùng Normandie, miền Đông Bắc nước Pháp, trong một gia đình lao động nghèo nhưng có một niềm tin Ki-tô giáo sâu xa. Từ thời niên thiếu, Euphrasie đã bị thu hút mạnh mẽ bởi lời mời gọi sống đời sống tông đồ truyền giáo của một vị giám mục thừa sai ghé qua xứ Caen, năm 1846. Đến năm 1848, được cha linh hướng dẫn dắt, Euphrasie xin gia nhập một dòng truyền giáo mới được thành lập: “Các nữu tu Calvaire”. Ngay từ những ngày đầu, các khó khăn đã liên tục chồng chất lên Hội dòng non trẻ này: Đấng sáng lập bị rút phép thông công, chị bề trên trẻ của dòng qua đời cách bất ngờ!

Năm 1851, Euphrasie tuyên khấn lần đầu, sau đó, được sai đi Luân Đôn với một nữ tu khác để tìm đường duy trì sự sống còn của Dòng… Dòng được sự bảo trợ tận tình của các cha Oratoriens, nhưng với quyền bảo trợ, các cha đã thay đổi tên và mục đích của Dòng. Euphrasie cảm thấy bị lạc hướng,…

Năm 1860, do quyết định của cha bề trên Dòng Oratoriens, Euphrasie bị cách chức giáo tập và cố vấn Dòng. Chị khiêm tốn đón nhận biến cố này trong lòng tin. Chị tin rằng Thiên Chúa luôn hiện diện can thiệp. Ngài vít lối đi ấy đối với chị để mở ra một lối đi mới khác đúng với thánh ý Ngài hơn: Thánh Thần đang hé mở cánh cửa về phía truyền giáo hải ngoại. Trong thời gian này, được biết Đức cha Viard thuộc dòng Maristes, đang cần một nữ tu cho Wellington (Tân Tây Lan), Giáo phận của Ngài, chị Euphrasie liên hệ với cha Faber, bề trên của dòng Maristes, và xin Tòa Thánh chuyển Dòng. Phép đã được ban ngày 7/8/1861.

Euphrasie cùng với một tập sinh Dòng Compassion đến Lyon đúng vào ngày 15/8. Chị nhận được sự giúp đỡ tận tình của các cha Maristes. Ý Chúa nhiệm mầu, Đức cha Viard đã tìm được người, không cần đến chị nữa. Qua biến cố quan phòng này, cha Faber, Bề trên Tổng quyền Dòng Maristes, đề nghị chị đứng ra lập một dòng nữ tu truyền giáo, thay vì chính chị đi truyền giáo. Chị Euphrasie đã đáp lời “Fiat” trong tin yêu và phó thác. Dòng Đức Bà Truyền Giáo ra đời cùng ngày sinh nhật Chúa Giêsu: ngày 25/12/1861.

Năm 1864, bốn Soeurs Dòng Đức Bà Truyền Giáo đầu tiên tuyên khấn. Họ được sai đến xứ truyền giáo thứ nhất của dòng ở Napier, Tân Tây Lan. Từ đó, đều đặn Dòng luôn có các chị em được sai đi truyền giáo.

b. Đặc sủng

Chị Euphrasie được đặc ân nhận ra:

* Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn gốc của mọi hoạt động truyền giáo[1].

* Đức Maria là thụ tạo đầu tiên được tham dự vào sứ vụ của Ba Ngôi[2].

2. Lịch sử linh đạo

Trong việc định hình linh đạo của Dòng, chị Euphrasie Barbier đã chịu ảnh hưởng rất lớn từ tinh thần của các Dòng nữ tu và các bậc cha anh, cụ thể là Dòng De la Compassion và các vị linh hướng đã dẫn dắt chị trong giai đoạn đầu của đời sống tu trì, sau đó là những tác phẩm tu đức mà chị đọc dùng để nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện.

Những ơn nhận được, sự suy niệm Kinh Thánh và các tác giả thần bí, các chứng nhân đã gặp, những trào lưu thiêng liêng và các việc sùng kính của thời đại (ba khuynh hướng sùng mộ chính yếu nổi bật ở nước Pháp vào thế kỷ 19 là: việc tôn sùng Thánh Thể, tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria), tất cả đã giúp chị Euphrasie Barbier nhận ra được con đường chị phải đi. Chính từ trung tâm của cuộc phiêu lưu thiêng liêng này, chị đã dần khám phá ra ơn gọi riêng của mình, ân sủng của Chúa Thánh Thần. Vì rốt cuộc chỉ có Thánh Thần của Thiên Chúa mới có thể mạc khải nơi nội cung sâu thẳm nhất của con người, chính mầu nhiệm của Thiên Chúa và chỉ có Ngài mới hướng dẫn và điều khiển chị tới công trình mà Ngài đã khơi dậy và sắp được khai sinh: Dòng Đức Bà Truyền Giáo.

Trở thành vị sáng lập một dòng truyền giáo mà không hề mong muốn hay tìm kiếm, chị Euphrasie sẽ kín múc được những cảm hứng từ những nguồn suối sâu thẳm nhất. Đi trước những khám phá tối tân chị thấy mình được Chúa Thánh Linh thúc đẩy đến sự chiêm ngắm Thiên Chúa Ba Ngôi và các sứ vụ thiêng liêng phát xuất từ Ba Ngôi để đem ơn cứu rỗi cho mọi người.

Chị Euphrasie nhận luật Thánh Âu tinh làm nền tảng cho đời sống tu trì. Ngày 6/7/906 hiến pháp của dòng được Đức Giáo Hoàng Piô X chuẩn nhận.

II. NỘI DUNG LINH ĐẠO: THEO GƯƠNG ĐỨC MARIA

1. Chiêm ngắm và kín múc sức sống từ suối nguồn Ba Ngôi Thiên Chúa

Tham dự vào sứ vụ thần linh chính là hội nhập vào sự hiệp thông tình yêu giữa lòng Ba Ngôi Thiên Chúa. Chỉ có tình yêu đó mới đem lại cho đời người nữ tu Truyền Giáo một ý nghĩa. Cũng từ đó phát sinh ra lòng nhiệt thành cứu rỗi loài người vì vinh quang Thiên Chúa, lòng nhiệt thành ấy đã được vị sáng lập dòng coi như dấu chỉ đặc biệt của dòng và của mọi chị em[3].

Do ảnh hưởng của trường phái Âu tinh và các bậc tôn sư thuộc trường phái Pháp, chị Euphrasie Barbier được Thánh Linh soi dẫn luôn hướng đến sự chiêm ngắm Thiên Chúa Ba Ngôi cùng các Sứ Vụ Thần Linh nhằm việc cứu rỗi nhân loại. Chị nhắm thẳng mầu nhiệm then chốt của đức tin Ki-tô giáo. Karl Rahner cũng đã có lần ghi nhận nỗi e sợ tự nhiên của một tâm hồn khi đứng trước cái siêu việt của Thiên Chúa Ba Ngôi. Ông viết: “Tự đề tài là một cái gì kinh khiếp vì mầu nhiệm tối cao này cũng là cái gì tối tăm nhất!. Thế nhưng, mọi sự đều bắt nguồn từ mầu nhiệm này, và đời sống con người hoàn tất trong ấy”.

Như chúng ta đã biết, ngay khởi điểm, khi rửa tội, đời sống Ki-tô hữu mang dấu ấn của Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa này vượt trổi muôn trùng trên mọi thụ tạo của Ngài, Đấng siêu việt không trong tầm với của con người tự nhiên, Ngài cũng là Đấng đã đến gần con người. Đấng mạc khải cho con người, tự hiến cho con người, Đấng ở tận cung thẳm lòng con người. Trong những trang suy niệm về thần học mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và mầu nhiệm của cuộc sống, Jean Danielou trình bày rõ ràng và ngắn gọn thực tại ưu việt của mầu nhiệm này: “Cõi thẳm sâu cuối cùng của thực hữu, mầu nhiệm của sự sống đều tìm thấy trong mầu nhiệm Ba Ngôi, mầu nhiệm này là nguyên tắc và khởi nguyên của sự sáng tạo và cứu chuộc, mặt khác, cuối cùng rồi mọi sự sẽ qui hợp về mầu nhiệm ấy trong sự chúc tụng và tôn thờ. Và điều này không được mặc khải riêng cho các thần học gia, mà là cho tất cả những ai bé nhỏ hèn mọn. Chúa Ki-tô đã phải vui mừng thốt lên nỗi kinh ngạc của mình trước kế hoạch tình yêu của Chúa Cha: ‘Lạy Cha, con xưng tụng Cha là Chúa tể trời đất, vì Cha đã giấu những điều này cho những kẽ khôn ngoan mà bày tỏ cho những kẻ bé nhỏ thấp hèn’ (Lc10,12)”.

Mỗi hữu thể là duy nhất, con đường thiêng liêng của mỗi người là duy nhất, và tương quan với Thiên Chúa thật là cá biệt: “Thánh Phanxicô khó nghèo đã gặp gỡ Chúa nhờ cuộc chiêm niệm vũ trụ, vì ngài nhận thấy trong vũ trụ món quà cao cả và tuyệt diệu do tình yêu Chúa ban tặng, mỗi nét đẹp là mỗi ánh vinh quang của Ba Ngôi Thiên Chúa. Còn đối với Thánh Âu Tinh, Ba Ngôi được nhận thấy từ gốc rễ bản thể con người: “Thiên Chúa và linh hồn”. Từ cung thẳm của tâm hồn, thánh nhân đã múc lấy suối nguồn Ba Ngôi không ngừng tuôn chảy: “có một ai đó trong tôi, còn hơn cả tôi trong tôi nữa!”. Như vậytrong mối tương quan với Thiên Chúa, mỗi người điều có cách thức riêng, phù hợp với tâm tư, tình cảm của mình.

2. Nuôi dưỡng sứ vụ truyền giáo bằng đời sống chiêm niệm và hiệp thông

Trong các sứ vụ của mình, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần luôn giữ tương quan với Ngôi Cha. Ngôi Con nhập thể và Thánh Thần hiện xuống không thực hiện một việc “ra đi” thứ hai khỏi Ngôi Cha. Trong tương quan Cha-Con hoặc giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, trong sứ vụ chỉ có thể là tương quan nguyên thủy, trong đó tự ngàn đời, Ngôi Con phát xuất từ Ngôi Cha, Thánh Thần tự Ngôi Cha và Ngôi Con. Tự vô cùng, Cha sinh ra con và vào lúc của thời gian lịch sử mà sứ vụ của Ngôi Con bắt đầu thì Ngôi Cha sinh ra Con trong xác thịt. Thế hệ muôn đời của Ngôi Con nhận được danh xưng trong thế giới này là bản tính nhân loại của Đức Ki-tô. Như vậy, đối với sứ vụ của Thiên Chúa, chính là lịch sử con người được dẫn vào trong mầu nhiệm Ba Ngôi nhiều hơn là Thiên Chúa đến giữa con người. Nói cách khác, lịch sử của con người trở thành lịch sử của Thiên Chúa, và điều xác thực đối với sự Nhập Thể và Hiện Xuống cũng xác thực đối với ơn của Thiên Chúa giữa lòng tín hữu làm cho họ trở nên đền thờ Chúa Thánh Thần. Chính trong lòng con người mà Ngôi Con, trong Thánh Linh, thốt lên: “Abba: Cha” (Ga, 4,6).

Trong số 79 hiến pháp của dòng có viết như sau: “Đời sống của chúng ta chủ yếu là sự kết hiệp giữa chiêm niệm và sứ mạng, đặt trọng tâm vào Chúa Kitô, chính Người là tình yêu của Cha và nhân loại trong Thánh Thần. Sống sự kết hiệp này đòi hỏi chúng ta một sự quân bình sâu xa, để giúp kết hợp hài hòa sự chiêm niệm và đời sống hoạt động”. Nếu sự minh chứng một đời sống hiệp nhất với Thiên Chúa tự nó đã là một sự loan báo thinh lặng của Tin Mừng; điều đó không có nghĩa là các nữ tu khép mình trong nhà dòng để đắm chìm trong chiêm niệm. Trái lại, với lòng nhiệt thành và quảng đại của ơn gọi thừa sai của họ, họ quên mình trong các công việc tông đồ.

Trong một đoạn suy niệm của Berulle về sự thinh lặng của Đức Trinh Nữ Maria đứng trước mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể: “…Và Trinh Nữ im lặng. Đó là bản chất, là con đường, là sự sống của Mẹ. Cuộc sống của Mẹ làm bằng sự im lặng chiêm ngắm Ngôi Lời vĩnh cửu. Được nhìn trên tay mình, trong lòng mình Lời ấy, Lời trong Chúa Cha, Lời giờ đây phải im lặng vì là một đứa bé, Đức Mẹ đi vào một im lặng mới và được biến đổi qua đó giống như Ngôi Lời Nhập Thể, con của Mẹ cũng là Thiên Chúa và tình yêu duy nhất của Mẹ”. Và tinh thần của dòng cũng đi theo đường hướng này.

Mọi Kitô hữu chắc chắn đều được mời gọi để sống một đời sống liên kết cá nhân với Thiên Chúa, nhưng Thần Khí và chỉ Thần Khí trong sự tự phát và tự do, Người lôi kéo một số tâm hồn vào một đời sống chiêm niệm sâu xa hơn, một đời sống mật thiết với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Các nữ tu Đức Bà Truyền Giáo cũng coi ơn gọi thừa sai của mình như một sự tham gia vào Sứ Vụ Thần Linh, do đó sẳn sàng đón nhận sứ mạng sai đi đến tận cùng trái đất. Ơn gọi ấy chỉ có thể sống dưới tác động và sự dẫn dắt của Thánh Thần. Quả thực, chính nhờ Thánh Thần mà Chúa Ki-tô tiếp tục được sứ mạng mình; chính nhờ thánh Thần mà Chúa Ki-tô hiện hữu giữa Giáo hội và trong từng người thừa sai. Hoạt động truyền giáo được thể hiện và thực hiện trong Giáo hội, trong một cộng đoàn, chứ không thể là một cuộc phiêu lưu cá nhân. Giáo hội là sứ vụ, Giáo hội là sự hiệp thông, Giáo hội hiêp thông trong đức tin, trong Thánh Thể, được tìm thấy nền tảng nơi Chúa Ba Ngôi.

3. Chứng tá hiệp nhất, yêu thương, hòa giải, tôn trọng tha nhân và vũ trụ

“Để tất cả nên một, như, lạy Cha, Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta.Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con ” (Ga 17,21).

Phúc Âm được rao giảng trước hết bằng chứng tá đời sống, chứng tá của mỗi cá nhân thừa sai, nhưng cũng là của cộng đoàn đã biết sống sự hiệp thông đích thực. Mầu nhiệm Ba Ngôi soi sáng ở đây một thực tại nhân bản: bản chất của hữu thể là hiệp thông: “Xin cho chúng nên một, như chúng ta là một” (Ga17,22). Tất cả chúng ta đều được mời gọi sống kết hiệp với nhau trong Thiên Chúa. Sự hiệp nhất của chúng ta phát xuất từ tình yêu của Cha, Con và Thánh Thần. Thiên Chúa không thể hiện diện trong sự bất hòa, nên chúng ta phải cố gắng mỗi ngày hòa giải với nhau và với Thiên Chúa. Chúng ta chấp nhận nhau với những khả năng và những giới hạn. Hãy làm mọi hy sinh có thể làm để giúp nhau đạt đến một sự hiệp nhất tâm hồn hoàn hảo hơn[4].

4. Song hành với Đức Maria

Lý tưởng của linh đạo truyền giáo mà Mẹ Euphrasie Barbier để lại cho các chị em của ngài có vẻ khó đạt được khi người ta chỉ dừng lại ở mầu nhiệm Ba Ngôi, dù mầu nhiệm này là nguồn xuất phát linh đạo ấy, và mọi ki-tô hữu đều được mời gọi đi vào sự thân mật và sống hiệp thông của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Vị sáng lập dòng ít nói đến Đức Mẹ hơn Chúa Ba Ngôi trong các tài liệu ngài viết. Tuy vậy, Đức Maria vẫn đứng ở trung tâm của linh đạo của dòng.

Khi đặt dòng dưới danh hiệu Đức Bà Truyền Giáo, các chị em tỏ bày lòng tôn kính đặc biệt các sứ mạng thần linh, là đối tượng cho các ước vọng tha thiết của Đức Maria, và Đức Trinh Nữ đã làm vinh hiển các sứ mạng ấy bằng một đời sống thờ lạy sâu xa và đầy yêu mến. Tóm lại, Đức Maria thiết yếu là sự chờ mong, là sự hiện diện và sự toàn hiến cho Ba Ngôi Thiên Chúa; đó là tinh thần mà các chị em Dòng Đức Bà Truyền Giáo cần được thấm nhuần sâu xa để thể hiện trong đời sống hàng ngày.

Hai biến cố trong đời sống và sứ mạng của Đức Bà đã gây chú ý cho mẹ Euphrasie Barbier là “Thăm Viếng” và “Hiện Xuống”, do đó mẹ đã chọn hai ngày lễ này làm lễ bổn mạng dòng. Dù không có lời giải thích rõ rệt sự chọn lựa này, nhưng người ta cũng hiểu rằng tại sao hai mầu nhiệm này được đưa vào lý tưởng linh đạo về Ba Ngôi mà mẹ đã lấy cho dòng.

Đức Trinh Nữ Thăm Viếng là dụng cụ bậc nhất cho sứ mạng thần linh. Kết hiệp với Chúa Cha trong mầu nhiệm của việc thụ thai thần linh, với Chúa Con trong sứ mạng cứu rỗi, với Chúa Thánh Thần trong sự phong nhiêu tông đồ, Đức Maria thật là mẫu mực cho mọi nhà truyền giáo mà sứ mạng duy nhất là loan báo Tin Mừng cứu rỗi, Bà là Đức Bà Truyền Giáo.

III. DÒNG ĐỨC BÀ TRUYỀN GIÁO Ở VIỆT NAM VÀ TRÊN THẾ GIỚI

1. Dòng Đức Bà Truyền Giáo tại Việt Nam

Theo bước chân của Mẹ Euphrasie Barbier, năm nữ tu Đức bà Truyền Giáo lên đường đáp lại tiếng gọi của Chúa Giêsu qua lời mời gọi của Đức cha Marcou năm 1924. Các nữ tu đến Thanh Hóa để thay thế các Seours dòng Phaolô muốn dời khỏi cứ điểm truyền giáo này.

Với sự hăng say của người thừa sai, dù gặp trắc trở lớn do tình hình lúc bấy giờ, các chị dòng Phaolô chưa thể trao lại Thanh Hóa mà trao lại Phát Diệm, nhưng các chị vẫn trụ lại miền đất Bắc trong sự quan phòng của Chúa. Thế nên ngày 22/10/1924, cứ điểm Truyền Giáo Đông Dương ra đời tại Phát Diệm. Và sau đó một số các cơ sở khác được tiếp tục thành lập: Thanh Hóa 1926; Lạng Sơn 1927; Hà Nội 1941.

Đến 1954, đất nước chuyển mình, từng lớp người ào ạt vào Nam, theo làn sóng đó, Dòng cũng liều lĩnh ra đi để tìm chân trời mới, sứ mạng mới của bước đầu dò dẫm tìm ý Chúa trong bước ngoặc lịch sử thứ hai. Dưới ánh sáng của Chúa, Dòng đã đến Huế vào năm 1955. Rồi lần lượt các cơ sở phía Nam dần dần được thành lập: Thị Nghè 1957; Thủ Đức 1963, tập viện thực sự hình hành tại đây; Phan Thiết (1960), Đà Lạt (1964), Phước Long (1967), Củ Chi (1970), Vinh Trang (1973). Năm 1974 tỉnh Dòng Việt Nam được thành lập.

Biến cố 1975 xảy ra trên Miền Nam Việt Nam. Tỉnh Dòng Việt Nam dấn bước vào con đường mới - con đường hẹp mà Chúa Giêsu đã mời gọi. Và sau biến cố đó, tình hình miền Nam Việt Nam thật rối ren và bất ổn, tỉnh Dòng Việt Nam cũng không tránh khỏi những khó khăn chung. Nhưng với ơn Chúa quan phòng, dần dần các khó khăn cũng được khắc phục, và năm 1976 cộng đoàn Phan Rang được thành lập nhưng cũng đồng thời đóng cửa cùng năm, sau đó các cứ điểm truyền giáo khác lần lượt ra đời như: Long Khánh được thành lập năm 1978, Long Điền (1982), Muội Xá Thánh Linh (1989), Suối Đá (1991).

2. Dòng Đức Bà Truyền Giáo trên thế giới

Ở Châu Âu: British Isles (United Kingdom & Republic of Ireland), France, Germany, Italy, Roumani. Tại Châu Đại Dương: Aotearoa New Zealand, Australia, Papua New Guinea, Samoa. Châu Á: Bangladesh, India (North East, Central & South), Myanmar, Philippines, Việt Nam. Châu Phi: Kenya, Senegal. Châu Mỹ: Canada, Bolivia, Peru.

Hoạt động của Dòng xoay quanh hai lựa chọn ưu tiên:

* hoạt động tại những nơi chưa nghe biết Tin Mừng, những miền đã mất đức tin,…

* phục vụ người nghèo, phụ nữ, giới trẻ người sắc tộc.

KẾT LUẬN

Có thể nói, việc học hỏi Linh Đạo của Dòng Đức Bà Truyền Giáo đã giúp cho chúng ta thêm một cái nhìn, một hướng đi mới trên con đường truyền giáo, con đường phục vụ đem Tin Mừng đến cho người khác. Con đường truyền giáo ấy được đặt trong tình yêu đối với Thiên Chúa và tình liên đới với mọi người, như trong thư của của vị Bề Trên Tổng Quyền gửi cho tất cả chị em Dòng Đức Bà Truyền Giáo ngày 25/12/1980:

“Thời đại mới đòi hỏi những hình thức phục vụ và hiện diện mới. Truyền thống đích thực không phải là ngưng đọng mà là đi tới. Mỗi thế hệ là một lục địa mới mà chúng ta phải Phúc Âm hóa cùng với não trạng, nền văn hóa và tất cả độc đáo của nó. Theo gương Chúa Ki-tô trong mầu nhiệm Nhập Thể, chúng ta tìm cách hội nhập thực sự vào những nhóm người và những xứ sở chúng ta được gửi đến.

Ý thức được sự nghèo nàn của mình, chúng ta luôn luôn đến với những người khác trong thái độ khiêm tốn, kính trọng và đối thoại, nhằm làm cho họ thành phong phú hơn, bằng những gì chúng ta đã nhận được nhưng không.

Làm chứng bằng đời sống nghèo và bằng sự từ bỏ, đó chính là cách chúng ta có thể dùng để mạc khải cho người thời đại của chúng ta biết Thiên Chúa của các mối phúc, Đấng tỏ hiện qua lòng âu yếm của chúa Kitô và tình Người ưu ái những kẻ khó nghèo”.

 


[1]Xc. Hiến Pháp Dòng Đức Bà Truyền Giáo, số 1.

[2]Xc. HP, số 3.

[3]Xc. Hiến Pháp Dòng Đức Bà Truyền Giáo, số 74.

[4] Xc. Hiến pháp DĐBTG, chương IV.