Max. Kolbê Hoàng Văn Thái, OC.
Giuse Nguyễn Văn Đạt, OP.
DẪN NHẬP
Linh đạo là con đường thiêng liêng, là cách thức sống đời tâm linh, bao gồm việc cầu nguyện, các việc đạo đức, khổ chế, khám phá ý nghĩa và giá trị của những vấn đề cuộc sống, khám phá những chân lý mạc khải, sự thật nơi mỗi con người trong tương quan với chính mình, với Thiên Chúa, tha nhân và vạn vật… Những con đường siêu nhiên ấy giúp con người đến cội nguồn chân lý, về sự sống đời đời mà không còn phụ thuộc vào những thứ vật chất bên ngoài. Vật chất chỉ còn là yếu tố phụ thuộc, là dấu chỉ, phản ảnh, bí tích của sự huyền nhiệm trong đó. Vì vậy, mục đích của linh đạo mà thánh thần tác động là nhằm đáp ứng những khát vọng và nhu cầu của con người thời đại. Mỗi người được mời gọi dấn thân sống một khía cạnh nào đó nhằm đáp ứng những nhu cầu sống của mình cũng như nhu cầu của thời đại đang cần đến.
Con người không ai có thể sống một lần hết mọi khía cạnh cuộc sống nơi Đức Ki-tô, mỗi người đều có một ơn gọi, đặc sủng riêng mà Thánh Thần ban cho để hoạt động, để sống trong nhiệm thể Chúa Ki-tô và Giáo hội. Mỗi người đóng một vai trò riêng nhưng không có sự tách rời khỏi thân mình Hội Thánh. Mỗi đặc sủng được hình thành và phát triển là hoa quả của Thánh Thần nhằm đáp ứng những nhu cầu thời đại trong từng hoàn cảnh khác nhau. Mỗi thời đều có những hoàn cảnh, văn hoá, con người, tâm thức, lối sống… khác nhau. Đó là những nhu cầu khác nhau mà con người cần đến trong hoàn cảnh của mình. Và sự xuất hiện linh đạo trong bối cảnh không những là một chứng nhân mà còn đáp ứng được nhu cầu của thời đại.
Dòng tiểu Muội do chị Magdeleine sáng lập để đáp ứng những nhu cầu của thời đại như thế nào? Chúng ta cùng đi vào phần tìm hiểu tiếp sau đây.
I. ĐẤNG SÁNG LẬP
Chị Magdeleine Hutin sinh ngày 26/4/1898 tại Paris. Chị là người con út trong một gia đình ngoan đạo có 6 người con, gốc vùng Meuse.
1. Ước mơ thời thơ ấu và tuổi thanh xuân
Ngay từ ngày còn thơ bé có một hành động gây ấn tượng mạnh nơi chị. Đó là, để cứu sống một đứa bé trai người Ả-Rập sắp chết vì chứng bệnh bạch hầu, cha chị, một bác sỹ quân y đang phục vụ tại Tunisia, vừa bị tai nạn và chưa hoàn toàn bình phục, đã không ngần ngại phóng ngựa đi tìm thuốc để cứu em bé đó. Hành động này đã gây thiệt hại cho sức khoẻ và đường công danh của vị bác sỹ trẻ này một cách vô phương vãn hồi. Nhưng chị không bao giờ nghe thấy cha chị hối tiếc về hành động đó. Ngay từ thời thơ ấu, cha tôi đã khắc vào tâm trí tôi lòng yêu mến Châu phi và người Ả-Rập[1]
“Và sau này nếu ai có hỏi tôi về ơn gọi của tôi, tôi sẽ trả lời là tôi sinh ra với ơn gọi này. Vừa đến tuổi có trí khôn, tôi đã nói đến châu phi và các người du mục. Tôi đã nghĩ đến chuyện đi tu khi còn thơ bé. Càng lớn khôn, mơ ước đó của tôi cũng càng lớn theo. (thư 9.11.40)”[2].
Năm 1921, cuốn tiểu sử của cha Foucauld do René Bazin viết được xuất bản. Đọc nó Magdeleine bị giao động mạnh vì chị nhận ra trong cuốn sách này các trực giác mà chị đang ấp ủ trong lòng.
Chị nói: “tôi tìm thấy nơi anh Charles tất cả lý tưởng mà tôi đang mơ ước: sống phúc âm thực sự, sống nghèo khó hoàn toàn, sống chôn vùi giữa những bộ tộc bị bỏ rơi… và nhất là thực thi bác ái yêu thương một cách trọn vẹn.”[3]
Chị Magdeleine xác tín rằng Thiên Chúa kêu mời chị nên bước theo con đường này. Tuy tình trạng sức khoẻ không cho phép chị thực hiện ý muốn đi Sahara, nhưng chị vẫn tiếp tục mơ nghĩ đến ngày có thể hiện thực ơn gọi này.
Trong những năm đó (1928) tôi không ngừng van xin Chúa cho mau đến giờ tôi được khởi hành đến vùng hồi giáo trong sa mạc Sahara để bước theo dấu vết anh Charles, tiểu đệ Chúa Giê-su. Vì cho dù đây là điều thật khó tin do tình trạng sức khoẻ của tôi lúc bấy giờ, tôi vẫn xác tín rằng Chúa kêu gọi tôi một ngày kia sẽ trở thành một trong những “tiểu Muội” mà Anh Charles hằng mơ ước.
2. Chị Magdeleine lập dòng
Vào năm 1939 Chị bắt đầu lập huynh đoàn, sau hơn 20 năm chờ đợi. Và Chị phải vượt qua rất nhiều thử thách về gia đình và sức khoẻ, và cuối cùng Thiên Chúa mới nhận lời cầu xin của chị Magdeleine và cho chị đến đất hồi giáo về phía sa mạc Sahara để tìm lại dấu vết anh Charles Chúa Giê-su.
Dòng chính thức được khởi xướng ngày 8/9/1939 tại Touggourt, sa mạc Sahara giữa những người châu phi và những người du mục. Đây là mảnh đất mà chị yêu thương với tất cả tâm hồn, và cũng là để nối tiếp sự nghiệp của cha charles de Foucauld. Đối với chị, anh Charles chính là vị sáng lập dòng chúng ta. Tôi chỉ là người thông truyền tư tưởng của anh sau khi đã tìm cách thu thập các điều anh muốn giảng dạy qua cuộc đời và cái chết của anh. Năm 1947 được nâng lên Dòng địa phận, và đến năm 1964 trở thành dòng thuộc quyền Giáo hoàng.
II. LINH ĐẠO DÒNG TIỂU MUỘI
Châm ngôn của dòng tiểu Muội: “Giê-su Tình Yêu” là sợi chỉ đỏ trong mọi đường hướng hoạt động của đời sống.
1. Đời sống chiêm niệm giữa đời
Ơn gọi làm tiểu muội Chúa Giê-su bắt nguồn từ lòng ao ước đáp lại một cách vô điều kiện lời mời gọi củaChúa Giê-su hãy bước theo Ngài và bắt chước Ngài. Đây là một ơn gọi sống chiêm niệm, không phải trong cô tịch, thanh vắng của một đan viện mà giữa lòng đại chúng. Đời sống thân mật với Chúa Giê-su là nền tảng ơn gọi này, vì làm một Tiểu muội trước tiên không phải để hoạch định làm việc gì, theo đuổi một lý tưởng nào hay đến sống tại một nơi nào đó theo ý của mình, mà là để mạc khải một “Người”, Đức Giê-su.
Đối với các Tiểu Muội, đời sống chiêm niệm giữa lòng đại chúng, qua những việc tông đồ hằng ngày như những công việc của Đức Giê-su tại Nazareth sống và làm việc trong sự chiêm ngắm và suy niệm đời sống của con trẻ Giê-su tại Bêlem. Chính nơi mầu nhiệm này chị em Tiểu Muội sống tinh thần thơ ấu thiêng liêng như Đức Giê-su. Sống cách khiêm tốn, vâng lời, lệ thuộc, chôn dấu mình đi để cho ý Chúa được lớn lên và thực hiện nơi mình. Đời sống của mình như một công cụ mền dẻo để thi hành sứ mệnh của Chúa.
Nền tảng là sự chiêm ngưỡng không ngừng Nhân tính thánh thiện của Chúa Giê-su sinh ở Bêlem. Chị em chiêm ngắm Ngài như tin mừng đã giới thiệu. Đó là một trẻ sơ sinh, hoàn toàn bất lực, được quấn tã, nằm trong cánh tay Đức Trinh Nữ. Cũng đừng vì thế mà đời sống chị em quên đi sự cao cả Thiên tính của Ngài. Nhưng Ngài đã không bám víu vào đặc ân thuộc về mình (Pl 2,5-8), và chị em đừng quên là Ngài đã nhập thể để chu toàn công trình cứu độ.
Đời sống chiêm niệm còn được thể hiện ra bên ngoài như một sự thống nhất cuộc sống:
“như tính đơn sơ cùng những gì nó kéo theo về sự trung thực, cởi mở. Đó là một trong những dấu hiệu của đức vâng lời nơi chị em. Sự dịu hiền sẽ là một trong những biểu hiện của đức bác ái. Và điều này cũng có thể liên kết ơn gọi của các chị với việc tìm kiếm sự hiệp nhất. các chị muốn quy tụ mọi chủng tộc chung quanh máng cỏ của Hài nhi Giê-su, và tình ưu ái của các chị đối với những người nghèo khổ và bé mọn.”[4]
Chiêm niệm trong mọi sinh hoạt cuộc sống như tại gia đình Nazareth. Môi trường sống của các Tiểu Muội hoạ lại mầu nhiệm Nazareth, để qua đó khám phá nước Thiên Chúa trong thế giới người nghèo, chia sẻ đời sống với họ, đồng thời cũng là để sống ý nghĩa tin mừng về sự nghèo khó trong cuộc sống của mình.
Đời sống chiêm niệm luôn gắn liền với mọi hoàn cảnh sống trong tương quan với tha nhân như là một sự hiệp nhất trong mầu nhiệm nước Thiên Chúa trong đời sống của mình. Đời sốùng chiên niệm không chỉ thiên về một khía cạnh nào đó của Đức Giê-su. Nhưng là toàn bộ từ mầu nhiệm Bêlem cho đến mầu nhiệm thập giá. Đó là quá trình mạc khải của Đức Giê-su mà mỗi người mặc lấy để mặc khải ra cho mọi người chung quanh qua cách thức sống và làm chứng của mình. Như đã nói, các ơn gọi Tiểu Muội không phải là đi tìm một lý tưởng, hay đi tìm một việc nào đó, nhưng là đi làm chứng và mạc khải tình yêu Giê-su Ki-tô làm người trong một thế giới người nghèo.
Chiêm niệm mầu nhiệm Nazareth giữa lòng đại chúng, qua những con người nghèo, hay qua những công việc hèn hạ của mình, như một sự nối dài đời sống đó, để sống và mạc khải cho mọi người mầu nhiệm đó. Đời sống các Tiểu Muội Chúa Giê-su như men trong bột, suốt đời sống hoà mình với mọi người: Ả-rập giữa người Ả-rập, du mục giữa người du mục, công nhân giữa công nhân và trên hết là loài người giữa loài người. Qua những công việc đó, chị em có thể khám phá và cảm nghiệm những giá trị nước Thiên Chúa trong đời sống tương quan.
Đời sống chiêm niệm giữa đời mặc dù không đòi hỏi một môi trường của đan viện nhưng nó đòi hỏi một sự từ bỏ, dấn thân… mới có thể nhận ra giá trị của cuộc sống và tin mừng. Đời sống giản dị, không yêu sách, không đi tìm nhu cầu, không tham vọng, sống với mọi người và như mọi người. Một cuộc sống xem ra rất tầm thường nhưng tràn đầy nội dung và sức sống. Các Tiểu Muội muốn được trở nên như mọi người nghèo, không có thế giá trong xã hội. Như vậy, các chị em không có tham vọng làm những việc lớn : như đóng vai trò điều khiển, giảng dạy, đứng đầu… trong tổ chức cộng đồng. Vì muốn cho đời chiêm niệm được trọn vẹn là chôn vùi mọi khả năng bên ngoài của mình để hoà mình với mọi người vì lợi ích cho họ. Đời sống chiêm niệm phải được thực tế hoá trong tương quan và công việc của mình. Một hành động dính vào cuộc sống người khác và làm cho người ta nhận ra giá trị của công việc và cuộc sống. Điều đó mở ra cho họ một chân trời mới về mầu nhiệm cuộc sống. Mầu nhiệm đó các Tiểu Muội phải dấn thân như một con đường đi xuống để tìm giá trị phận người như Đức Giê-su mặc lấy xác phàm và sống trong cảnh nghèo hèn, sống khiêm tốn, vâng lời, lệ thuộc… Đời sống chiêm niệm không chỉ để chiêm ngắm mầu nhiệm đó, mà phải sống giá trị đích thực của con người tự do trong sự nhập thể của Thiên Chúa, cũng như chiêm ngắm và sống mầu nhiệm nhập thể trong thế giới của những người nghèo những người đau khổ.
Có lẽ, một trong những nét chính yếu ơn gọi chiêm niệm giữa đời là chiêm ngắm mầu nhiệm máng cỏ và mang sứ điệp giáng sinh đi khắp thế giới: để đáp lại sự ghen ghét và phẫn nộ của thế giới, hãy mang sự êm ái và nụ cười của Hài Nhi Giê-su ở Bêlem. Hãy mang sự nhỏ bé và bất lực của một trẻ sơ sinh nơi máng cỏ để đối lại sự kiêu căng của thế giới. Như Chúa Giê-su đã nói : “nếu các con không trở nên như trẻ thơ, các con không vào được nước trời”. Chị Magdeleine ngay từ lúc vừa thành lập dòng đã mạnh dạn giãi bày với các Tiểu Muội rằng: nếu các chị không trở nên giống như trẻ nhỏ, các chị có thể tham dự vào đời sống cộng đoàn chị em Tiểu Muội, nhưng các chị sẽ không đạt được điểm chính yếu và nòng cốt của tinh thần tiểu muội.
Chiêm niệm trong tinh thần thơ ấu liêng liêng : sống tin cậy, phó thác trong vui tươi, sống thanh bần trong đơn sơ và dịu hiền chính là đường tu đức của các Tiểu Muội, những người “em nhỏ Chúa Giê-su”và chiêm niệm cũng là nét đặc trưng trong đời sống cầu nguyện của tiểu muội.
2. Đời sống Nazareth
Nazareth là một nơi nghèo khó, tầm thường, không ai nghĩ đến. “Nazareth có gì hay”. Đó là một cái nhìn khách quan bề ngoài xem ra không có gì, nhưng thực ra đó là một đời sống, một môi trường đầy ý nghĩa. Nơi đây Đức Giê-su đã được sinh ra và sống trọn thân phận con người trong sứ mạng cứu độ. Chỉ những ai dấn thân trong đời sống này mới cảm nghiệm được ý nghĩa và giá trị của nó. Như các môn đệ đầu tiên đã nhận ra được ý nghĩa nước trời khi được Chúa Giê-su mời gọi “hãy đến mà xem”(Ga1,39).
Các Tiểu muội đã sống chiều kích tông đồ, làm chứng và mạc khải nước Thiên Chúa qua nếp sống Nazareth. Cuộc sống này được bắt nguồn từ tinh thần của cha Charle de Foucauld. Tinh thần của sự từ bỏ vào trong mạc với những người nghèo, du mục, khung cảnh phù với gia đình thánh gia. Các chị sống theo tinh thần anh Charles, họ sống giữa những người nghèo, có mặt giữa lòng đại chúng để chia sẻ cách mật thiết đời sống nghèo, tôn thờ Thiên Chúa trong thân phận người nghèo và thực thi tình huynh đệ giống như Chúa Giê-su đã làm.
Sở dĩ đời sống Nazareth của các Tiểu Muội Chúa Giê-su hướng về người nghèo vì hai động lực : sự ý thức cao độ về thực tại của xã hội trong mọi hoàn cảnh, và sự khám phá cách sáng suốt tinh thần tinh tuý đan tu. Tình yêu nơi con người không phải là một chiến thuật, không phải là một phương pháp tuyên truyền. Tình yêu chân chính chẳng bao giờ lại là một phương tiện. Tình yêu đích thực là không đặt điều kiện.
Vậy theo gương Chúa Giê-su hiến mình trong thân phận người nghèo để làm vinh danh Chúa Cha, các Tiểu Muội thực thi một lòng yêu mến duy nhất qua hai hành động của tình yêu : tình yêu tôn thờ Thiên Chúa và tình yêu đối với kẻ nghèo. Đối với tu hội, đời sống Nazareth và đời sống giữa lòng đại chúng chỉ là một.
Đời sống hoạt động của các Tiểu Muội là ra đi hoà mình vào đám đông nghèo khổ. Họ là những người thợ giữa những anh em thợ, hay họ là những người làm việc đồng áng giữa những người nông dân nghèo, hoặc họ là những người du mục giữa những bộ lạc du mục. Họ cũng có thể là kẻ ăn xin, đánh giày, giúp việc nhà, hay sống như một trong những tù nhân… Họ muốn âm thầm hoạ lại một lối sống Nazareth giữa lòng đại chúng, muốn được hoà mình vào đời sống với kẻ xấu số, vô gia cư, phiêu bạt, nghèo khó… Qua đó, họ có thể khám phá nước Thiên Chúa và làm chứng tình yêu Thiên Chúa cho họ. Tất cả những người nghèo lại trở thành người anh em thân cận, và cũng là người được hưởng phần thưởng sự sống đời đời trong ngày các kẻ lành sống lại (Lc 14,14). Các Tiểu Muội Chúa Giê-su không thể làm thinh trước cảnh khốn cùng của những người xung quanh, họ dấn thân cuộc đời cho những người xấu số và thấp hèn, không tham vọng, không kiếm phần lãnh đạo. Họ không muốn ra khỏi chốn thấp hèn nhất trong xã hội, nhưng họ cũng không thể nào xao lãng với tất cả những gì họ có thể làm để nâng đỡ, cải thiện hoàn cảnh về tinh thần cũng như vật chất của người nghèo.
Anh Charles đã muốn thực sự trở nên với mọi người nghèo, như Chúa Giê-su tại Nazareth. Và thực sự Anh Charles đã trở thành người anh em của những người du mục, da đen, châu phi, những người ẢRập nô lệ… Tinh thần đó đã lôi cuốn các Tiểu Muội dấn thân vào các môi trường của những đám dân nghèo mà không hề quản ngại. Đời sống Nazareth giữa lòng đại chúng, giữa môi trường mình sống. Đó là những khu nhà ổ chuột, nghèo khổ và để sống với họ, với những người bị khinh bỉ, bị áp bức, những người thất nghiệp… Họ thường lập những huynh đoàn nhỏ, đơn sơ, ít người, sống như một gia đình với những phương tiện nghèo nàn, đơn sơ, giản dị. Cuộc sống không có gì khác biệt với những người nghèo. Từ đó, họ có thể dễ dàng tiếp cận để cảm thông, chia sẻ cách trọn vẹn hơn với những người nghèo. Chính cái nếp sống nghèo của mình mà dễ dàng nhận ra được cái nghèo nơi người khác. Đó là một trong những cách khám phá ý nghĩa và giá trị của tin mừng.
Như Chúa Giê-su tại Nazareth “con bác thợ mộc”, các chị muốn sống cuộc đời là một người bình dân, buộc phải sống bằng đồng lương do chính bàn tay mình làm ra. Và để đừng bước ra khỏi địa vị của một người nghèo trong xã hội như Chúa Giê-su đã sống ẩn dật tại Nazareth, các chị sẽ không chấp nhận làm một việc tông đồ nào có tổ chức, cũng không đảm đương một trách vụ điều khiển trong lãnh vực giáo dục hay giảng huấn nào.
Ơn gọi của các Tiểu Muội thúc dục họ phải lập nhà ở giữa những dân tộc sơ khai, trong giới vô sản thành thị và thôn quê, trong những miền còn đang trông đợi phúc Âm cũng như tại những nơi đã bỏ đạo hoặc nghịch đức tin Ki-tô, giữa những thiểu số bị khinh rẻ và bị đàn áp, đặc biệt giữa những người lưu động mà hình thức tông đồ hiện hành khó đạt tới họ được.
Trong nhật ký của mình, chị Magdeleine viết: “tôi đặc biệt nhấn mạnh đến phần “men trong bột” mà tôi gọi đó là “di chúc của tôi” vì phần này giải thích một hình thức tu trì mới, không phải sống cách xa thế gian mà sống chôn vùi trong đại chúng”.[5]
Đó cũng là tinh thần của anh Charles, chị Magdeleine nhận thấy được sứ điệp phúc âm và đặc biệt là đời sống Nazareth, cụ thể và sống động. Chị cảm thấy được lôi kéo bởi lối sống nghèo khó hoàn toàn, chia sẻ cuộc sống của một dân tộc bị bỏ rơi, nhưng nhất là lòng yêu thương sung mãn nơi Anh Charles. Như anh, chị có một tình yêu cuồng nhiệt đối với con người của Chúa Giê-su, một tình yêu đã thúc đẩy anh đi đến tận cùng trái đất để “cao rao phúc âm bằng cả đời sống” mình. Như anh, chị cảm thấy sẵn sàng chết vì phúc âm và ao ước được chết như thế để biểu lộ tình yêu của chị.
Khi nhấn mạnh về đời sống huynh đệ, chị Magdeleine đồng thời cũng nhắc nhở chị em cần sẵn sàng với hàng xóm láng giềng của mình:
“chị em chưa bao giờ hết lòng phục vụ khu xóm, và vì thế có những chị em cảm thấy chán nản khi không tìm thấy trong huynh đoàn lý tưởng của anh Charles, người đã rảo khắp các lều xung quanh Tamanrasset và tiếp đón tại nhà những người đến thăm liên tục… do đóù xung quanh chúng ta, người ta thường nói đi nói lại : các chị ấy chẳng làm gì hết để đỡ đần những người sống gần bên mình.
Nếu chị em không mau chóng làm điều đó, chị em sẽ tự cuộn tròn mình lại trong một huynh đoàn ích kỷ, và chị em sẽ không còn chịu nổi khi có những người đến gõ cửa cầu cứu mình. Mau lên, cần có một chị em hoàn toàn dành cho khu xóm, một chị em luân phiên với chị phụ trách để luôn hiện diện với sự cùng khốn của khu xóm”.
Hãy đề phòng, đừng dựa vào những thói quen, nhiều lần chị em đã nói với tôi: “nhưng trong khu xóm, người ta không cần đến chúng ta… chị em có chắc như thế không? Hãy đến thăm người này người nọ, vào nhà người láng giềng bên phải, bên trái, và chị em sẽ phát hiện bao nhiêu nỗi khổ ẩn bên trong của những người đang cần chúng ta lắng nghe và yêu thương họ… Hãy trở về nguồn… chúng ta là những người chiêm niệm giữa đời, không phải là để cho mình tự khép kín một cách ích kỷ nhưng để là men trong khối bột… để làm cho Đức Kitô được yêu mến qua chúng ta”.[6]
Một lần nữa, Chị Magdeleine nhấn mạnh về sự trung thành với Nazareth : “chúng ta đã chọn cuộc sống Nazareth, và đừng ra khỏi đó… Chúa Giê-su đã muốn sống ẩn dật, trong một ngôi nhà nghèo nàn của người thợ, không làm gì khác hơn là để nêu gương cho chúng ta. Chớ gì người ta để cho chúng ta được bắt chước Ngài về điều đó… đã có nhiều dòng tu khác chọn đời sống hoạt động tông đồ…
Chúng ta đang sống trong một thời đại biến loạn và khó khăn. Các dân tộc và mỗi con người đang có những phản ứng. Khi người ta thấy một linh mục, một tu sĩ, người ta nghĩ : “người đó đến để dạy giáo lí cho chúng ta, để dụ chúng ta theo đạo.” Nếu người khác đã chọn ơn gọi dạy dỗ, rao giảng, có hệ chi nếu họ bị phê phán, họ sẽ được bù đắp bằng niềm vui của người tông đồ. Nhưng chớ gì người ta để chúng ta yên vì đã chọn con đường khác. Chúng ta đã có thể tiếp cận với những người phật giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo, Tin lành, Chính Thống giáo bởi vì họ biết chúng ta yêu thương họ với con người của họ, họ biết chúng ta tôn trọng đức tin của họ, họ biết chúng ta đến với họ chỉ vì tình bạn mà thôi…”[7]
…Và tình yêu tôn trọng của chúng ta sẽ là một cách rao giảng tin mừng tuyệt vời. Tình yêu đó sẽ đánh động những trái tim cứng cỏi nhất.”[8]
3. Chầu thánh thể
Đời sống chiêm niệm của các tiểu muội đặt trung tâm điểm nơi thánh thể để được đồng hoá với Đức Ki-tô trong cử chỉ hiến dâng cho Cha và tự hiến cho anh em. Thánh thể cũng là trung tâm đời sống của mọi hoạt động. Tại tất cả mọi huynh đoàn, dù huynh đoàn nhỏ hẹp đến đâu, các chị cũng dành một nơi để ngày ngày thay phiên túc trực trước thánh thể, trong thinh lặng, và dâng lên Thiên Chúa mọi ý nguyện của Giáo hội hoàn vũ cũng như những vui buồn và hy vọng của những người mà các chị đã muốn đồng lao cộng khổ trong cùng một số phận. Hiệp với sự hiến tế của Chúa Giê-su trong thánh lễ, các chị dâng hiến toàn thân để thế giới được ơn cứu rỗi.
Thánh thể là dấu hiệu tình yêu của Chúa Giê-su, và nơi đó Người tỏ tình yêu ấy ra. Các Tiểu Muội coi thánh thể là nguồn mạch để kín múc tình yêu, sự sống nơi Chúa. Đến chầu thánh thể là để thờ lạy, tôn thờ, chúc tụng, ngợi khen, cảm tạ, cầu xin, kết hiệp, phó dâng, tan biến vì Chúa Giê-su và như Chúa Giê-su.
Như vậy, việc tôn sùng thánh thể đã đánh dấu thời kỳ ở Nazareth này, phải chăng sẽ phát triển thành một đời sống thánh thể, làm cho các Tiểu Muội phám phá ra rằng, người ta không thể tách rời “bí tích bàn thờ” với “bí tích của người anh em”. Sự ưu đãi lạ lùng của Thiên chúa đối với những người xấu số đã đổi mới cái nhìn của các Tiểu muội, và giờ đây, thúc đẩy chị em bước vào một cuộc sống được đánh dấu bởi sự sẵn sàng và chia sẻ huynh đệ với những người bị bóc lột và những người xấu số trong xã hội.
4. Đời sống khó nghèo
Đời sống và tinh thần nghèo khó như Đức Giê-su, Người thợ làng Nazareth, và sống bằng nghề lao động. Sự nghèo khó của một con người muốn từ bỏ mọi vinh hoa thế lực, danh vọng, tiền bạc và sống với một mức sống tầm thường như mọi người nghèo chung quanh.
Chính vì muốn được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giê-su Nazareth, nên các Tiểu Muội đã tự nguyện dấn thân theo con đường nhập thể của Đức Giê-su. Đức Giê-su cũng đang sống và đồng hành trong mọi cái khổ của con người để nâng đỡ và ban ơn cho họ. Và để tiếp nối sứ mạng đó, các chị đã tự nguyện sống khó nghèo ở giữa những người nghèo như một chứng nhân về nước Thiên Chúa, lòng thương xót của Chúa.
Theo chị Magdeleine: “mối ưu tư nên giống Chúa Giê-su và đặc biệt muốn bắt chước Ngài trong cách yêu thương và sống nghèo khó là điểm trội nhất trong tinh thần anh Charles.”
“Chúng ta chỉ có một mục đích: “trở thành một người trong họ” nghĩa là một người nghèo giữa bao nhiêu người nghèo khác, trong giai cấp những người bé mọn…không bao giờ chúng ta đứng cao hơn họ để điều khiển họ, để giáo dục hay giảng dạy họ, nhưng chúng ta luôn luôn đứng ngang hàng với họ để yêu thương họ, giúp đỡ họ như giúp đỡ bạn bè, anh chị em trong cùng một gia đình hoặc như giúp đỡ một người đồng loại vậy. Đó là con đường duy nhất của chúng ta”.[9]
Ngay nơi anh Charles de Foucauld, chúng ta đã nhận thấy sự khó nghèo trong tinh thần thơ ấu thiêng liêng, nhưng tôi nghĩ điều này còn rõ nét hơn nữa nơi huynh đoàn Tiểu muội Chúa Giê-su. Đối với các chị, tinh thần bé nhỏ này sẽ là một hình thức thiết yếu của sự nghèo khó, bao hàm việc vui vẻ chấp nhận sự khốn cùng, bất lực, thiếu hiểu biết của mình… Sự bé nhỏ này đòi buộc chỉ cậy dựa vào lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, vào sự toàn năng của Ngài, vào sự quan phòng đặc biệt đối với người bé mọn và nghèo khổ, như đã được mạc khải qua bài giảng trên núi. Sự bé nhỏ đó còn đòi hỏi sống trong tâm tình biết ơn của người nghèo, biết rằng không có gì thuộc về mình, hoặc mình chẳng có công trạng gì, nhưng mọi sự mình có đều là hồng ân nhưng không của tình yêu Thiên Chúa. Hình thức khó nghèo này sẽ được sống trong tất cả mọi khía cạnh của cuộc đời Tiểu Muội, và nhất là trong đời sống cầu nguyện.
“Ơn gọi của chúng ta là chia sẻ một cách nghèo nàn cuộc sống với những người chung quanh, trong lời cầu nguyện và chầu thánh thể. Dưới lều, trong xe di động, trong nhà tù, còn hơn nơi nào khác, chúng ta phải chia sẻ công việc và cuộc sống của những người mà mình sẽ cùng đau khổ với họ. Chính đó là chỗ của chúng ta trong Giáo hội. Chính bởi lẽ ấy mà huynh đoàn được thành lập”.[10]
Đời sống khó nghèo của các Tiểu Muội còn được thể hiện qua hai hình thức:
Vật chất: về cơ sở vật chất nhà ở không có nhà cao cửa rộng, sang trọng, nhưng là những căn nhà bình dân, đơn sơ, giản dị. Về thức ăn, áo mặc cũng vậy, làm sao thể hiện một con người nghèo thực sự với mọi người nghèo. Chính những nếp sống nghèo như vậy còn được thể hiện qua việc tiếp đón và chia sẻ cái ít ỏi do tay mình làm ra.
Tinh thần: các tiểu muội sống siêu thoát với chính mình, chấp nhận giới hạn, thất bại, bệnh tật… đồng thời biết loại bỏ những ưu tư quá đáng để bảo đảm cho cuộc sống. Biết sống phó thác vào bàn tay quan phòng yêu thương của Chúa. Đời sống khó nghèo phát xuất từ tình yêu đối với Thiên Chúa và Giáo hội, và huynh đoàn muốn trở nên với những người nghèo nhất và những người bị bỏ rơi.
Sống khó nghèo như Đức Giê-su tại Nazareth, con bác thợ mộc và bà Maria (Mc 6,3) đây là khó nghèo thực sự, thuộc thành phần lao động trong xã hội, chỉ sống nhờ sức lao động, theo mức sinh hoạt của người nghèo và sống chung với họ. Theo đường lối này thì sống khó nghèo không phải là cách thức tập chịu sự khổ hạnh cũng không phải là phương thức để luyện cho tinh thần tự do siêu thoát khỏi sự ràng buộc của các thứ trần gian, song lý do sâu xa nhất đó là tình yêu thúc đẩy một cuộc sống bắt chước Chúa Giê-su đã sống và làm thợ ở Nazareth, bắt chước Ngôi Lời nhập thể làm người, nhưng làm người hèn mọn nhất là nô lệ (x Pl 2,7-8). Theo tinh thần của Anh Charles, sống khó nghèo là dấu hiệu và là bảo chứng rằng mình hoàn toàn trông cậy vào Thiên Chúa, phó thác vào Người như trẻ thơ, để mặc cho Người muốn dắt đi đâu thì đi, ao ước được Người đưa đến cảnh trơ trụi hoàn toàn trên thập giá.
5. Tinh thần sa mạc
Sa mạc là nơi thanh vắng, yên tĩnh, hoang vu, là nơi con người dễ dàng tiếp cận với Thiên Chúa, với chính mình, với thiên nhiên. Sa mạc cũng được bắt nguồn từ thời Chúa Giê-su, phong trào ẩn tu. Sa mạc là nơi lý tưởng cho các tâm hồn tận hiến, nhằm xa lánh trần tục, những nguy cơ có hại cho tâm hồn. Sa mạc cũng là nơi cằn cỗi của những lớp người nghèo và du mục sống ở đó. Vì lý do đó, Cha Foucauld và chị Magdeleine đã yêu thích môi trường phục vụ này.
Đối với chị Magdeleine : “tôi yêu thích sa mạc… sa mạc, mơ ước thời thơ ấu của tôi… nơi mà một ngày nọ tôi đã khám phá ra qua những sách báo, và đã gợi lên nơi tôi một ước muốn vô cùng tận… đối với tôi, sa mạc là hình ảnh đẹp nhất của sự siêu thoát tâm hồn và sự vô biên của Thiên Chúa… không gì cản trở cái nhìn, ngay cả hòn đá nhỏ nhất hoặc cọng cỏ khô cằn nhất. Trong sa mạc, người ta nhận ra sự vô biên của Thiên Chúa, sự siêu thoát với tất cả mọi thụ tạo. Sa mạc làm lộ ra phần sâu kín của con người”.[11]
Các tiểu muội hôm nay không có cơ may trở về sa mạc như các đấng sáng lập ban đầu. Nhưng một cách nào đó, cuộc sống cũng có thể tạo ra cho mình những hình thức sa mạc trong tinh thần, trong những hoạt động giữa lòng đại chúng. Một thứ sa mạc mà các chị em có thể tìm thấy nơi những người vô gia cư, lang thang, người nghèo không có nơi nương tựa.
III. "NAZARETH" HÔM QUA, HÔM NAY VÀ NGÀY MAI
1. Nazareth hôm qua
Các Tin mừng không mô tả rõ ràng về Nazareth, nhưng người ta có thể tưởng tượng ra đó là một làng nhỏ không quan trọng là bao. Chính trong làng này mà Đức Giê-su đã sống suốt 30 năm. Điều chúng ta quan tâm chính là bối cảnh đã ảnh hưởng đến cuộc sống của Người. “Người sẽ được gọi là người Nazareth” (Mt2,23). Đức Giê-su đã chọn những người thấp hèn để tất cả mọi người cảm thấy dễ dàng đến với Người. Người lấy những ví dụ trong chính cuộc sống bình thường hằng ngày để cho chúng ta biết Nước Thiên Chúa là gì.
Chúng ta có thể chắc chắn là ở Nazareth, Đức Giê-su tham gia vào cuộc sống đời thường: những công việc hằng ngày, những cuộc gặp gỡ với những người hàng xóm, cầu nguyện, ăn uống, ngủ nghỉ… Người chỉ được nhận ra như là con của bác Giu-se thợ mộc. Trong suốt ba năm của đời sống công khai, sự mạc khải của Đức Giê-su đã ảnh hưởng sâu xa bởi những gì Người đã nghe, đã sống ở làng Nazareth.
“Anh Charles bị đánh động bởi đời sống Nazareth nơi mà Thiên Chúa đã đón nhận cuộc sống bình thường hằng ngày của chúng ta, đón nhận cuộc sống và công việc của một gia đình ở làng quê. Một cuộc sống như thế, thì nhìn chung chẳng có biến cố gì là quan trọng. Nhưng chính trong cuộc sống vất vả hằng ngày mà anh Charles cảm thấy thực sự hấp dẫn. Sau đó, anh thực hiện việc thành lập cộng đoàn, điều chắc chắn là Nazareth sẽ là linh đạo nền tảng: các anh tiểu đệ và các chị tiểu muội của anh ấy sẽ bắt chước “dân Nazareth”.[12]
Đối với anh Charles de Foucauld, Nazareth không chỉ là sự chuẩn bị cho cuộc đời công khai của Đức Giê-su, mà còn là một con đường quan trọng để rao giảng tin mừng. Mục vụ của tôi phải là mục vụ về lòng nhân từ. Rao giảng tin mừng bằng cuộc sống của tôi hơn là bằng lời nói. Chính những hành động đích thực trong cuộc sống mới là chứng từ sống động mà các chị Tiểu Muội nhắm đến như một lý tưởng của mình.
Những trực giác của anh Charles về Nazareth phù hợp hoàn toàn với ước muốn của chị Magdeleine về đời sống tu sĩ. Nhưng chị diễn tả điều đó một cách khác. Đối với chị sẽ không có Nazareth nếu không có Bêlem. Bêlem là nơi Đức Ki-tô, con Thiên Chúa, đã chọn để hoàn toàn trao ban qua sự bất lực của một trẻ thơ. Đó là cốt lõi của tin mừng. “Nếu anh em không trở nên như những trẻ thơ, anh em sẽ không được vào nước Thiên Chúa” (Mt18,3). Sự khiêm tốn, hèn mọn, dịu dàng, tất cả cuộc sống của chúng ta như được bắt nguồn từ Bêlem.
Đối với chị Magdeleine, Nazareth là “làm người giữa những con người”. Chúng ta được hình thành để một cách sâu xa trộn lẫn với đám đông như Đức Giê-su trên những con đường Galile, bị lôi kéo và chèn ép từ mọi phía. Đức Giê-su đã không sợ ăn uống với những người tội lỗi.”[13]
2. Nazareth ngày hôm nay
Nazareth ngày hôm nay ở đâu? Cuộc sống bình thường đã không thay đổi nhiều với thời gian. Nó đã là và vẫn là cuộc sống bình thường của phần lớn con người. Các anh tiểu đệ vừa mới xuất bản một cuốn sách ghi lại cuộc sống phục vụ hằng ngày trong nhiều năm, đã có một cách nói độc đáo “đó là tất cả những gì là”.
Nazareth bằng sự chia sẻ với những người bệnh:
Ngày hôm nay có nhiều người mắc phải những chứng bệnh rất nặng: sida, ung thư, sự trở lại của bệnh lao, bị malaria… một chị tiểu muội bị ung thư đã viết:
“Người ta không thể hy vọng trở thành một bệnh nhân gương mẫu. Chính bằng sự nghèo khó, sự yếu đuối của chúng ta mà chúng ta xây dựng tình bạn, những mối hiệp thông. Những điều đó dìm chúng ta vào trong mầu nhiệm của đau khổ. Một người bệnh thì luôn luôn chờ đợi: chờ đợi bác sĩ, chờ xét nghiệm, chờ thuốc… chờ để biết mình có khá hơn hay là…”.[14]
Và có những thảm hoạ khủng khiếp của sida khi mà trên lục địa châu phi của tôi và những lục địa khác, phá huỷ toàn bộ các gia đình, để lại những trẻ em mồ côi. Ở châu phi, cứ bình thường người ta rất đùm bọc lẫn nhau, nhưng họ sống trong sự nghèo khổ như thế! Chúng tôi biết một gia đình sống qua ngày bằng cách thu lượm và bán vỏ chai. Họ vào thành phố để thu lượm vỏ chai, hiện nay đã có cả một số người ở thành phố lớn thu thập vỏ chai và mang đến cho những gia đình.
3. Nazareth ngày mai
“Linh đạo Nazareth” có thể được sống ở khắp nơi và bởi mọi người. Xuất phát từ ơn gọi của tôi, tôi tự hoà mình vào những dân cư nghèo nhất, nhưng sự đơn điệu hằng ngày làm nên một phần cuộc sống của mọi người.
“Ở Nazareth” chúng ta phải dành thời gian để chiêm ngưỡng sự quan phòng hằng ngày của Thiên Chúa. Không có gì là xa lạ với Thiên Chúa. Không một ai bị loại trừ. Không có những biên giới. Chúng ta phải học để biết chia sẻ nỗi đau khổ của anh chị em chúng ta, để biết kiên nhẫn giữa những biến cố. Vì niềm hy vọng của chúng ta là biết rằng Đức Giê-su, người đã biết kiểu sống này suốt 30 năm ở Nazareth, là Người có lòng thương xót và Người hiểu được những lối sống đó.
KẾT LUẬN
Dòng tiểu muội Chúa Giê-su được thiết lập vào giữa thế kỷ 20, do chị Magdeleine sáng lập với mục đích là sống chiêm niệm giữa đời. Đời sống được phác họa khung cảnh môi trường Nazareth giữa lòng đại chúng. Đặc biệt là với những con người nô lệ, hèn hạ, tầm thường, ẩn dấu, du mục ở sa mạc Sahara, châu Phi.
Các chị em tiểu muội được mời gọi sống và chiêm niệm đời sống Nazareth và mầu nhiệm máng cỏ giữa lòng đại chúng và trong cuộc đời của mình, để làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa giữa lòng thế giới và nơi những con người nghèo đau khổ. Đó là lý do mà đời sống các chị em không chọn cho mình một mục đích, hay một địa vị nào trên người khác trong xã hội, mà chỉ sống và làm việc với những người bình dân, người nghèo, để cùng chia sẻ và đồng hành với họ.
Để thánh hoá cuộc sống của mình và tha nhân, các tiểu muội không ngừng thay phiên nhau chầu thánh thể để múc lấy nguồn sức sống, rồi từ đó ra đi với cuộc đời. Đời sống các tiểu muội không thể tách rời “bí tích bàn thờ” với “bí tích người anh em”.
Các tiểu muội sống khó nghèo như Chúa Giê-su và như những người nghèo qua một nếp sống giản dị, đơn sơ trong cách ăn mặc, nhà ở, tiếp đón… làm sao thể hiện một con người nghèo, một nếp sống nghèo thực sự như bao người nghèo khác trong xã hội. Từ cái nghèo vật chất sang cái nghèo tinh thần : các tiểu muội sống siêu thoát với chính mình, chấp nhận giới hạn, bệnh tật, đau khổ… đồng thời biết loại bỏ những ưu tư quá đáng để bảo đảm cho cuộc sống, đồng thời biết cậy trông vào tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa.
Đời sống chiêm niệm giữa đời như một thứ sa mạc, nơi đó các tiểu muội chiêm ngắm và sống mầu nhiệm nhập thể nơi mỗi con người để thấy được những đau khổ của phận người. Tinh thần sa mạc cũng làm lộ diện ra con người thật của mình, cũng như nhìn thấy sự vô biên của Thiên Chúa.
Sách tham khảo
1/. Magdeleine, Một tình yêu phổ quát.1998.
2/. Magdeleine, Tôi không muốn làm điều gì khác ngoài một công trình yêu thương. 2002
3/. Petite soeur Magdeleine de Jésus. Rôma –tre Fontane. 2000.
4/. Magdeleine, Huynh đoàn Tiểu Muội Chúa Giê-su.
5/. Magdeleine, Tuổi trẻ và mười năm đầu thành lập huynh đoàn. 1995.
6/. Charles de Foucauld, Chúa là tình yêu.
7/.René voillaume, Giữa lòng đại chúng. 1967.
8/. Les petites soeurs de jésus, Nouvelles des fraternités. 2004.
[1] Xc. Chị Magdeleine, huynh đoàn tiểu Muội Chúa Giê-su. Tr 5
[2] Chị Magdeleine, huynh đoàn tiểu Muội Chúa Giê-su. Tr 5
[3] Chị Magdeleine, huynh đoàn tiểu Muội Chúa Giê-su. Tr 6
[4] Chị Magdeleine, Một tình yêu phổ quát. 1998, tr 151-152
[5] Petite soeur Magdeleine de Jésus. 2000, Tr 34.
[6] Chị Magdeleine, Tôi không muốn làm điều gì khác ngoài một công trình yêu thương. 2002, Tr 74
[7] Chị Magdeleine, Tôi không muốn làm điều gì khác ngoài một công trình yêu thương. 2002, Tr 75
[8] TT.IV tr 556-557
[9] Magdeleine, Huynh đoàn Tiểu muội Chúa Giê-su. Tr 25.
[10] Chị Magdeleine, Một tình yêu phổ quát. 1998, Tr 177
[11] Magdeleine, Tôi không muốn làm điều gì khác ngoài một công trình yêu thương. 2002,Tr 34
[12] Les petites soeurs de jésus, Nouvelles des fraternites. 2004, tr 8.
[13] Les petites soeurs de jésus, Nouvelles des fraternites. 2004, tr 9.
[14] Les petites soeurs de jésus, Nouvelles des fraternites. 2004, tr 10.