Friday, 24 January 2020 01:47

Những Nẻo Đường Tâm Linh - Linh Đạo Của Các Ẩn Sĩ Sa Mạc Featured

Giuse Đinh Tiến Hưng, OP.

 

I. NHẬP ĐỀ

Khi nghiên cứu các nền linh đạo trong Giáo Hội, chúng ta có dịp tiếp cận với rất nhiều hình thức đáp lại lời mời gọi của Đức Giêsu: “Ai muốn nên trọn lành... hãy theo Thầy !”. Đó là những cách thế thể hiện khác nhau trong sứ vụ của Ngôi Lời. Nói cách khác, đó là những kiểu cách hoạ lại chân dung của Vị Thầy Chí Thánh. Cũng một Đức Giêsu bằng xương bằng thịt, lang thang khắp nơi thi hành sứ mạng cứu độ ; cũng con người mang thần tính ấy nhưng được các môn đồ phác họa nhiều cách khác nhau. Lời mời gọi của Người được biết bao thế hệ, và sẽ còn nhiều thế hệ tin theo. Thế nhưng, sống và thực thi lời mời gọi ấy như Tin Mừng Người loan báo quả không dễ. Dù xem ra rất giản đơn : “Hãy theo thầy”, nhưng nó mênh mông và bao la vô tận, đến nỗi đã hơn hai ngàn năm mà nhân loại vẫn chưa thể khám phá hết mọi chiều kích sâu xa và thâm thuý của nó. Vì vậy, khi thực hành lời mời gọi này, mỗi người sẽ diễn tả theo nhãn quan hay một linh đạo riêng biệt nhờ sự tác động của Thánh Linh.

Khi tìm hiểu về lịch sử các nền linh đạo, chúng ta không thể không trở về nơi khai sinh của nó. Sa mạc, nơi được đồng hóa với sự hoành hành của ma quỷ, lại chính là nơi Vị Thầy vào đó, sống một mình, trong thinh lặng 40 đêm ngày để khởi đầu cho sứ vụ loan báo. Cũng chính sa mạc là nơi các vị khai sinh ra đời sống tu trì trong Giáo Hội tìm đến để sống, cầu nguyện và thăng tiến trên đường trọn lành. Các ẩn sĩ sa mạc, các thầy khổ tu bên Ai Cập là những người như thế. Bằng đời sống, họ làm chứng cho thế giới rằng, con đường tử đạo không chỉ là con đường đổ máu đào, nhưng có thể trải dài nhiều năm tháng. Trên đó, từng phút giây trong suốt cuộc đời lữ hành là thành quả của quá trình khổ chế, chay tịnh, thực hành nhân đức… hầu góp phần vào công cuộc “tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên”.

II. KHÁI NIỆM

1. Từ ngữ

Danh từ “ẩn sĩ” (ẩn tu) dịch từ tiếng Latinh: Ermite (tiếng Anh là Hermit, tiếng Pháp là Ermite), từ này có nguồn gốc từ tiếng Hy lạp là êrhmithj, từ này dẫn xuất bởi danh từ êrhmoj, có nghĩa là :[1]

+ Một mình, cô độc, vắng vẻ, quạnh hiu, hoang vắng.

+ Hoang mạc, sa mạc, nơi không thể trồng tỉa, cấm địa, vùng cấm.

+ Người cách bị cách ly, người vợ bị chồng rẻ rúng, người từ chối liên hệ “vợ chồng”.

Danh từ này về sau được dùng để chỉ những người không lập gia đình, sống đơn lẻ trong nơi hoang vắng, từ chối những vinh hoa trần thế, sống cuộc đời khổ hạnh, chuyên chăm cầu nguyện và thực tập nhân đức, đó là các ẩn sĩ. Như vậy, danh từ ẩn sĩ được gắn liền với chữ sa mạc[2].

2. Ý nghĩa biểu tượng của sa mạc

Truyền thống Do thái vẫn coi “sa mạc” là nơi ở của quỷ dữ, là nơi bị chúc dữ vì không thích hợp cho sự sống, nơi không thể trồng tỉa. Tuy nhiên, cũng chính sa mạc là nơi Thiên Chúa gặp gỡ dân người.

Ngày xưa đang khi chăn chiên, Môsê gặp Thiên Chúa trong sa mạc. Trong thời xuất hành, Thiên Chúa ban giới luật cho dân trong sa mạc Sinai. Ngôn sứ Hôsê đã nhắc lại lời mời gọi vào sa mạc : “này ta sẽ dẫn ngươi vào sa mạc, ở đó ta sẽ thổ lộ tâm tình với ngươi” (Hs 2,16)…..

Thời Tân Ước, Gioan tiền hô đã sống trong sa mạc và cũng từ sa mạc, ông bắt đầu loan báo về việc Đấng Cứu Thế sẽ đến (Mc 1,3-4). Đến lượt Đức Giêsu, sau khi chịu phép rửa, Người đã vào sa mạc để chiến đấu với cơn cám dỗ của ma quỷ (xc Mt 4,1-11 ; Mc 1,12-13).

Trong phần tìm hiểu này, chúng ta cùng tìm hiểu về Linh Đạo Của Các Ẩn Sĩ Sa Mạc với những ý nghĩa của sa mạc như vừa trình bày.

3. Định nghĩa

Đời sống Ẩn Tu được sách Giáo luật và sách Giáo lý Hội thánh Công giáo xác định :

“Đời sống ẩn tu hay đơn tu, là đời sống nhờ đó những tín hữu Kitô sống xa cách thế gian, sống trong thinh lặng, chăm chỉ cầu nguyện và khổ hạnh để tận hiến đời mình vào việc ngợi khen Thiên Chúa và mưu phần rỗi cho thế giới.”[3]

“Các vị ẩn tu thường không công khai tuyên khấn giữ ba lời khuyên Phúc Âm, "họ dâng hiến cuộc đời để ngợi khen Thiên Chúa và cứu độ thế gian, qua việc triệt để lánh xa trần thế, giữ yên lặng cô tịch, cầu nguyện liên lỉ và sống khổ hạnh đền tội. Họ cho mọi người thấy mặt trong của mầu nhiệm Hội Thánh là sống mật thiết cá nhân với Đức Ki-tô. Dù người đời không nhìn thấy, nhưng đời ẩn tu là bài giảng thầm lặng về Đức Kitô mà vị ẩn tu đã tận hiến cuộc đời cho Người, vì Người là tất cả mọi sự đối với họ. Đó là lời kêu gọi đặc biệt để ngay trong hoang mạc, giữa cuộc đời chiến đấu thiêng liêng, họ gặp được vinh quang của Đấng chịu đóng đinh.”[4]

III. SỰ HÌNH THÀNH ĐỜI SỐNG ẨN TU

1. Đời sống tu trì trước Kitô giáo

Chắc chắn đời sống tu trì không bắt đầu từ Kitô giáo, vì trong các tôn giáo cổ truyền đã có đời sống tu hành. Việc sống riêng lẻ (đơn tu) để thi hành một “sứ mệnh” nào đó đã có từ lâu trong Phật giáo, Ấn giáo… Trong cựu ước, chúng ta cũng thấy những nhân vật đã có ơn gọi từ phía sa mạc. Chẳng hạn ngôn sứ Êlia, sau khi đã giết sạch 950 tên phù thuỷ của hoàng hậu Idêven đã bỏ chạy lên núi Hôrép (1V 18,40). Một vài ngôn sứ cũng đã sống cuộc đời độc thân để lo chu toàn sứ vụ (chẳng hạn ngôn sứ Giêrêmia). Vào thời Chúa Giêsu, đã có những cộng đoàn “tu sĩ” sống với nhau trong “hoang địa”, chẳng hạn nhóm Essceno tại Qumran. Thánh Gioan tẩy giả cũng được coi là đã từng sinh hoạt trong cộng đoàn này.

2. Bối cảnh xuất hiện đời sống ẩn tu Kitô giáo

Với Kitô giáo, đời sống ẩn tu xuất hiện với “tiếng gọi nơi sa mạc” : sống ẩn dật trong sa mạc Ai Cập. Nguồn gốc sâu xa của nó, có lẽ phải kể đến lý tưởng chiêm niệm trong trường phái thần học Alexandria vào thế kỷ thứ ba, với khuôn mặt tiêu biểu như Clêmentê Alexandria. Hoặc cũng có thể bắt nguồn từ trường phái Ngộ đạo Kitô giáo, coi người “chân thật” là người quy hướng hoàn toàn vào việc tìm kiếm Thiên Chúa và đời sống thánh thiện. Tuy nhiên, trước khi có phong trào ẩn tu này, đã có những manh mối trong lòng Giáo Hội thời sơ khai.

3. Thời các Tông Đồ và hai thế kỷ đầu

Vào thời các thánh tông đồ, các Kitô hữu được mời gọi lắng nghe và thực hành Lời Chúa, họ được mời gọi nên hoàn thiện như “Cha anh em trên trời là Đấng Hoàn thiện”. Thánh Phaolô khuyên các tín hữu “không lập gia đình là điều tốt”, người không có vợ (chồng) thì chuyên tâm lo việc Chúa (1Cr 7). Và thực tế cho biết, có những người đã từ chối lập gia đình. Bản thân thánh Phaolô có thể cũng không có vợ, nhờ vậy ngài mới có thể tự do di chu du khắp đó đây rao giảng Tin mừng.

4. Cuối thế kỷ thứ III và đầu thế kỷ thứ IV

Cuối thế kỷ thứ III và đầu thế kỷ thứ IV, xuất hiện những người độc thân, ẩn mình trong sa mạc, sống cuộc đời khổ hạnh, chay tịnh, hãm mình phạt xác, chuyên tâm cầu nguyện… không theo một thể chế nào, nhưng tự do dưới sự tác động của Thánh Thần. Chẳng hạn thánh Phaolô Thêbere, thánh Antôn[5]... Vì sao có sự xuất hiện của những nhân vật “lạ lùng” này. Người ta đưa ra những câu trả lời khác nhau.
- Dưới thời bách đạo
Lịch sử Giáo hội cho biết, vào khoảng những năm 249-251, dưới thời hoàng đế Décio, một cuộc bách đạo có hệ thống và có tổ chức xảy ra. Vì ý thức được sức mạnh tinh thần của tôn giáo này, Déciô quyết tâm triệt phá bằng được, nhằm chấn hưng đế quốc qua việc củng cố đạo của các thần linh và việc tôn sùng hoàng đế. Cho đến cuối thế kỷ III, đầu thế kỷ IV, nhiều cuộc bách đạo khác vẫn tiếp tục xảy ra. Trước tình hình ấy, bên cạnh nhiều vị chứng nhân anh dùng tử đạo, dám lấy máu đào tuyên xưng Đức Giêsu, có một số tín hữu yếu lòng tin đã chối đạo, một số khác chạy trốn vào sa mạc trú ngụ[6]. Theo thánh Hieronimus, lấy lại lời của Sozomenus, khi thời bình trở lại, một số người đã quen với lối sống ở đây và không trở về làng cũ mà chọn ở lại trong sa mạc[7].
- Dưới thời hòa bình
Đầu thế kỷ thứ IV, Giáo Hội công giáo bắt đầu thời kỳ thanh bình, khởi đi từ sắc chỉ Milano do hoàng đế Constantinô công bố năm 313, trả lại tài sản cho Giáo Hội, thu hồi các luật chống Kitô giáo và cho phép người dân được tự do theo bất cứ tôn giáo nào họ muốn. Kể từ đây, tài sản của Giáo Hội được trả lại, các chức sắc trong Giáo hội được hưởng nhiều đặc ân, mọi sinh hoạt của Giáo hội được tôn trọng. Giáo Hội phát triển mạnh mẽ và rộng khắp đế quốc. Theo nhận định của các sử gia thời đó (Lactantiô trong De mortibus persecutorum, Eusebiô Cesare) thì đây là thời kỳ thịnh vượng của Giáo Hội, đây là lúc Thiên Chúa trừng phạt các lực lượng chống đối, quyết định của hoàng đế Constantinô là do ý định của Thiên Chúa quan phòng trong lịch sử cứu độ[8].

Tuy nhiên, ngày nay nhiều sử gia đã đưa ra những nhận định khác. Chính từ thời hoàng đế Constantinô, bên cạnh việc tự do phát triển, Giáo Hội phải trả một giá khá đắt cho việc bắt tay với chính quyền, Kitô giáo bắt đầu giai đoạn xuống dốc. Khi sống trong tự do và hòa bình, người ta ít quan tâm đến điều cốt lõi, và thường chỉ tập trung vào các hoạt động rầm rộ bên ngoài. Lý tưởng và căn cốt của một Giáo Hội của những vị tử đạo, chứng nhân, bị lu mờ. Tòa nhà Kitô giáo khi đó rất đồ sộ bên ngoài, nhưng dường như không được củng cố kỹ lưỡng nền tảng bên trong. Như vậy, thay vì tuyên bố rằng “đế quốc Rôma đã trở lại với Kitô giáo” thì có lẽ cũng có thể nói ngược lại : “Kitô giáo đã trở lại với Đế quốc Rôma”. Một cách nào đó, có thể nói rằng Giáo Hội khước từ lý tưởng siêu nhiên của mình để bắt tay với quyền lực và danh vọng phàm tục. “Postquam (ecclesia) ad Christianos principes venerit, potentia quidem et divitiis maior, sed virtutibus minor facta est” (Vita S. Malchi 1 : PL 23,55B)[9].

Trước tình trạng đó, và vì muốn tiếp tục chí khí hào hùng trong thời kỳ bách đạïo, tìm về với căn tính của một Giáo Hội lữ hành, một số người đã bỏ vào sa mạc, thực hành các việc khổ chế tự nguyện, sống cuộc đời giản dị, chuyên tâm đọc sách thánh, cầu nguyện và gặp gỡ Chúa trong thinh lặng. Cuộc sống ẩn dật và hy sinh như vậy được ví như một hình thức tử đạo, cuộc tử đạo trắng.

Dù lý giải cách nào thì thực tế đời sống ẩn tu đã xuất hiện tại Ai cập, sau đó lan truyền sang Syria, Palestina. Người tiên phong trong phong trào này được biết đến với thánh Phaolô Thêbere (+347) ; thánh Hiêrônimô coi ngài là tổ phụ của đời ẩn tu.[10] Kế đó là thánh Antôn Ai cập[11], thánh nhân đã tụ tập quanh mình một số đồ đệ, tạo thành một nhóm ẩn sĩ, nhưng vẫn sống độc lập với nhau.

Lúc đầu, hai từ ngữ “ẩn tu” và “sa mạc” gắn liền với nhau, vì sa mạc là nơi các vị ẩn tu trú ngụ ; nhưng dần dần hai thực tại được tách rời. Đời sống ẩn tu khởi đầu từ sa mạc, với thời gian, nó tiến dần vào thành phố và được biến đổi thành nhiều hình thái khác, hình thành nên đời sống cộng đoàn đan tu sau này.

IV. LINH ĐẠO ẨN TU

Cách nhà nghiên cứu nhất trí với nhau rằng thánh Phaolô Thêbere là tổ phụ, là người khai sinh ra đời sống ẩn tu. Nhưng chính thánh Antôn là người đã đưa phong trào này đến sự phát triển thịnh vượng. Hạnh tính của các vị ẩn tu vang đi khắp nơi, cùng với đời sống đạo đức khổ chế và được thêu dệt thêm bằng các việc hành xác rùng rợn, khách hành hương đua nhau đổ về sa mạc, vì trong đó, họ có thể nghe từ các chòi rải rác trên sườn núi, vang lên những bài thánh vịnh sốt sắng hướng về Thiên Chúa, làm cho tâm hồn một số người nao nao, tưởng chừng như thiên đàng đã đến đâu đây rồi. Vậy, linh đạo của các vị ẩn tu có gì nổi bật ?[12]

1. Từ bỏ thế gian

Ngay cả thời nay, động lực thúc đẩy người tu sĩ dấn thân vào dòng tu cũng chẳng ai giống ai, và thậm chí còn trái ngược nhau. Nhưng dù với động lực nào, khi vào dòng, mọi người đều phải khởi đầu bằng việc từ bỏ thế gian, khước từ tài sản. Ngoài việc khước từ tài sản, thời đó các vị ẩn sĩ còn tách ly khỏi gia đình và xã hội, điều đó bao hàm việc khước từ hôn nhân (không lập gia đình). Chúng ta còn nhớ, các tín hữu thời đó vẫn luôn sống trong niềm hy vọng “ngày quang lâm đã gần kề”, coi thế gian như một nơi tạm bợ. Họ coi mình chỉ là những khách lữ hành trên đường về quê hương vĩnh cửu, cần thoát khỏi những ràng buộc của thế gian bao nhiêu có thể. Hiểu như vậy, mọi giá trị trần thế chỉ có tính cách tương đối, không đáng cho ta bám víu. Các ẩn sĩ một khi đã hoàn toàn thoát khỏi ràng buộc với của cải vật chất, họ chỉ sống cho một mình Thiên Chúa, phụng sự một mình Thiên Chúa mà thôi. (Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được - Mt 6,24 ; Lc 16,13). Nhưng mục đích của việc từ bỏ thế gian còn có một mục đích khác, là được sống trong nơi cô tịch, để chỉ tiếp xúc với một mình Thiên Chúa mà thôi. “Sự cô tịch rất có lợi cho chúng ta, vì nó làm cho các đam mê thiếp ngủ và cho lý trí được rảnh rang dứt bỏ được chúng hoàn toàn khỏi tâm hồn.... Vậy ước gì chốn tu trì được như chỗ của chúng tôi, xa cách khỏi thế gian hỗn tạp, ngõ hầu, không có gì từ bên ngoài có thể làm gián đoạn việc tu luyện.”[13]

2. Cầu nguyện

Sự từ bỏ thế gian mới chỉ là bước đầu. Cầu nguyện là bổn phận quan trọng nhất của người ẩn sĩ, vì mục đích của việc lui vào nơi cô tịch là để tiếp xúc với Thiên Chúa cách mật thiết hơn. Cuộc đời của vị ẩn sĩ là tìm mọi cách để đạt tới sự trọn lành. Một nét đặc trưng rõ rệt, các ẩn sĩ (Đông phương) quan niệm đời sống Kitô hữu như một cuộc chiến đấu thiêng liêng. Vì thế, việc cầu nguyện là điều không thể thiếu, trước là phụng sự Thiên Chúa, sau là xin ơn giúp đỡ hầu chiến thắng các cơn cám dỗ. Chính trong nơi thinh lặng và đơn chiếc, các cơn cám dỗ lại xuất hiện nhiều hơn (chúng ta còn nhớ quan niệm rằng, sa mạc là nơi trú ngụ của ma quỷ, Chúa Giêsu vào sa mạc để chịu ma quỷ cám dỗ).

Theo thánh Antôn, kẻ thù nguy hiểm nhất của con người không ở bên ngoài, nhưng trong nội tâm, ngay tại nơi cô tịch nhất, con người vẫn mang theo bản tính sa đoạ, xu hướng về điều xấu như : kiêu căng, tự mãn, ham mê khoái lạc… Muốn vượt thắng được những yếu hèn đó và gặp được Chúa trong bình an, cần luôn tỉnh thức, tự kiềm chế. Đàng khác ma quỷ cũng hăng say quấy phá những nhà ẩn tu dù nhiệm nhặt nhất qua những cám dỗ về sự kiêu căng, tự phụ, nản chí, mất niềm trông cậy…

Có lẽ các ẩn sĩ đã suy niệm sâu xa và cảm được sự thúc bách từ lời thánh Phaolô khuyên giáo đoàn Êphêsô : “Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ. Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng,… để đối phó và đứng vững trong ngày đen tối”. (Eph 6,11-13 ; xc 1Tm 6,12 ; 2Tim 4,7)

Bằng việc cầu nguyện, người ẩn sĩ tiếp xúc thân tình với Thiên Chúa, cảm nghiệm sự tín thác vào Ngài, và vì thế họ tìm mọi cách để thi hành lời Chúa dạy : “Anh em hãy cầu nguyện không ngừng” (xc 1 Tx 5,17). Thế nhưng, làm thế nào để cầu nguyện không ngừng, vì dù sao cuộc sống của các ẩn sĩ cũng có những công tác phải làm. Các vị “bậc thầy của sa mạc” đã đề ra nhiều phương thức, chẳng hạn tìm cách kết hiệp với Thiên Chúa mọi nơi mọi lúc, luôn nhớ mình đang hiện diện trước nhan Chúa, kể cả khi làm việc hay nghỉ ngơi, hoặc dùng những lời than thở vắn tắt, lặp đi lặp lại. Các ẩn sĩ cũng lưu tâm đặc biệt đến giờ phụng vụ, đặc biệt vào các ngày Thứ Bảy và Chúa Nhật. Vào ngày này, tất cả tụ họp nhau trong một nguyện đường để hiệp thông Lễ Tạ Ơn và cùng nhau lắng nghe lời Chúa[14]. Với họ, một cuộc sống với những giờ cầu nguyện và hát thánh ca, thánh vịnh như thế thật hạnh phúc. “Thử hỏi có gì hạnh phúc hơn được sống như ca đoàn các thiên thần tại thế : thức dậy lúc hừng đông để cầu nguyện và tôn vinh Đấng sáng tạo bằng những khúc hát, những bài thánh thi…”[15]

3. Lao động

Một đời sống độc lập với thế giới bên ngoài, cách xa mọi sinh hoạt của “trần thế” không đơn giản chút nào. Chúng ta thử tưởng tượng mình bị bỏ rơi trong một nơi hoang vắng, sẽ cảm thấy mình cô đơn buồn chán biết bao. Hơn nữa, đời sống của các ẩn sĩ, dù không bị hoàn cảnh ép buộc, nhưng nếu chỉ chăm chú cầu nguyện, nghiên cứu Sách Thánh, hãm mình ép xác có thể bị “tẩu hỏa nhập ma”. Việc lao động cũng có những giá trị trong việc quân bình thể lý, ngoài ra còn có những mục đích chính yếu khác như : tránh lười biếng, nhàn cư, đầu mối của bao nhiêu tật xấu ; kiếm của nuôi thân, tự lập tài chính, có cơ hội để làm việc bác ái... Hơn nữa, sống rảnh rỗi, không làm việc là ngược với một trong những mục đích căn bản của đời sống ẩn tu. Mặc dù ít được viết lại, nhưng lao động là việc làm đương nhiê, và chắc chắn các ẩn sĩ vừa làm việc vừa cầu nguyện. “Rồi khi mặt trời bắt đầu rực nắng thì bắt tay làm việc kèm theo sự cầu nguyện ở mọi nơi, có thể nói, để cho việc làm của mình thêm mặn nồng”[16].

4. Khổ chế

Khổ chế không phải là điều đặc trưng của Kitô giáo, bởi vì trước đó đã có, ngay cả ngoài Kitô giáo. Nhưng chắc chắn, việc sống ẩn dật trong sa mạc chính là một hình thức khổ chế lớn lao. Với những điều kiện khắt khe về thời tiết cũng như địa lý, để có thể tồn tại lại lâu dài trong đó, cần phải có những kỷ luật nghiêm ngặt mà các vị ẩn sĩ phải tự đề ra cho mình. Hơn nữa, nhằm hỗ trợ việc chế ngự những dục vọng, cũng như hỗ trợ việc gìn giữ đức khiết tịnh, các ẩn sĩ nghĩ ra những phương tiện khổ chế nghiêm ngặt khác như : ăn chay kiêng thịt, thức khuya dậy sớm, tránh tiếp xúc với người khác giới, hành hạ thân xác....

Riêng việc ăn uống kham khổ được đánh giá là hình thức hy sinh hơn cả việc lao động, đó là việc bắt thân xác quy phục tinh thần. Đa số các vị giữ chay quanh năm, có vị giữ chay nhiệm nhặt hơn khi hai ba ngày mới ăn một bữa[17]. Ăn chay có ý nghĩa của sự sám hối, người ta hy sinh những sự sung sướng trần thế để được phần thưởng thiêng liêng, khi thân xác bị đói thì tâm hồn được nuôi dưỡng, bằng thần khí, lời Chúa. Tuy nhiên, thánh Antôn luôn giữ sự quân bình thích hợp và cấm các môn đệ của mình không được hãm mình thái quá. Đồng thời phải coi trọng sự trong sạch tâm hồn và lòng tín thác nơi Thiên Chúa hơn mọi công việc bề ngoài.

Các đan sĩ thường đổ lỗi cho ma quỷ hầu hết những khó khăn trong đàng thiêng liêng (dĩ nhiên có phần quá đáng). Theo các vị, nó thường cản trở ta bằng những cám dỗ thông thường, cũng có khi là sự ám ảnh, ảo ảnh, hoặc trình bày khéo léo điều xấu dưới dáng vẻ điều tốt. Các đan sĩ giàu kinh nghiệm biết rất rõ những mánh lới của ma quỷ và đã chỉ dẫn cho các đồ đệ của mình cách phòng ngừa. Khi đề cập tới ma quỷ, chính thánh Antôn cũng thú nhận rằng : càng ở bậc thánh thiện bao nhiêu thì càng bị ma quỷ quấy phá bấy nhiêu, chính ngài cũng đã từng là nạn nhân của chúng. Muốn nên hoàn thiện, cần phải tỉnh thức và cầu nguyện, nhất là ăn chay.[18]

5. Thực hành các nhân đức

Đời sống ẩn tu là nơi đầu tiên hình thành việc học tập (thực hành) nhân đức[19]. Các vị ẩn sĩ đề ra nhiều hình thức để tập luyện trong lãnh vực này. Mục tiêu của việc tập luyện phải để ra trước, sau đó cố gắng để đạt đến điều đó. “Cha An tôn nói, ‘kẻ đập sắt, trước hết phải suy nghĩ xem mình sẽ làm ra cái gì, lưỡi hái, thanh gươm hay cái rìu. Cũng vậy, chúng ta phải xem mình muốn đạt tới nhân đức nào để khỏi khổ công vô ích”[20].

Thực hành nhân đức là việc làm tích cực vượt thắng các nết xấu, vì chúng được coi là gốc rễ sinh ra mọi thứ tội. Các ẩn sĩ, đặc biệt thánh Ephrem[21] Phó tế, liệt kê tám thứ nết xấu cần phải vượt qua, theo thứ tự, để tiến tới trên đường nhân đức:[22]

- Ba nết xấu liên quan đến thân xác : Mê ăn uống, mê dâm dục và hà tiện.

- Ba nết xấu tiếp theo trong giác dục : hờn giận, buồn chán và lười biếng

- Hai nết xấu cuối cùng và cũng là hai nết xấu khó chiến thắng nhất : háo danh và kiêu ngạo. (Có hai thứ kiêu ngạo, thứ thể xác đưa đến sự không vâng phục, ghen ghét, chỉ trích ; thứ tinh thần tấn công các đan sĩ đã tiến bộ, ngăn họ không đạt được sự trọn lành, bằng cách dụ dỗ họ chỉ cần cậy dựa vào sức riêng mình, coi nhẹ ơn của Thiên Chúa).

Theo tài liệu của thánh Basiliô để lại, các vị ẩn tu, đặc biệt thánh Antôn rất đề cao đức khiêm nhường. “Cha Antôn nói : ‘tôi thấy tất cả những lưới của kẻ thù giăng ra trên mặt đất, và tôi than thở mà nói : ai có thể lọt qua được ? và tôi nghe có tiếng nói với tôi : đức khiêm nhường”[23].

6. Kỷ luật của đời ẩn tu

Tuy con số các ẩn sĩ gia tăng, nhưng họ vẫn sống riêng lẻ trong các “chòi” riêng biệt quanh khu vực vị thầy ở. Họ có những giờ đến thụ giáo với vị thầy, thời gian còn lại chủ yếu họ sống một mình (với Chúa). Các vị ẩn sĩ không có một bản luật nào cố định[24], chính vị thầy là hiện thân của luật, là tôn chỉ cho đời sống. Một khi đã tự do chọn thầy, người ẩn sĩ phải tuyệt đối vâng phục, và vâng phục cách thụ động (như xác chết). Các vị “sư phụ” vẫn chủ trương, vị thầy là đại diện Chúa, một khi người học trò sẵn sàng nghe lời vị thầy, họ sẽ được thánh linh thúc đẩy để tiến tới.

Người ẩn tu không được tự do dời bỏ nơi cô tịch, ngay cả khi nhu cầu của Giáo hội và các linh hồn đòi hỏi. Cô tịch và bác ái là hai bài học bất hủ của thánh Antôn. Nói cách khác, hoạt động và chiêm niệm, cầu nguyện và việc tông đồ là hai trục chính mà xem ra bên ngoài có vẻ mâu thuẫn nhau, nhưng lại hoàn toàn liên kết với nhau[25].

VI. GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VỚI ĐỜI SỐNG ẨN TU HIỆN NAY

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo và Giáo luật cho chúng ta biết quan điểm hiện nay của Giáo hội về đời sống ẩn tu. Giáo Hội trả lại giá trị cho hình thức ẩn tu cũ, nhìn nhận giá trị thiêng liêng cao quý của đời sống ẩn dật này, coi đó như một lời giảng thầm lặng. Giáo Hội cũng bảo vệ những con người dâng hiến đời mình cách thầm lặng trong đời sống này bằng luật pháp.

Tuy nhiên, Giáo Hội không nhìn nhận đây là một tu hội (Institution hay Order), dù hiện nay ở Tây Phương có nhiều người tự nguyện sống theo hình thức này (thời gian dài ngắn khác nhau). Vì thế, ai đã ở trong một tu hội thì không phải là ẩn sĩ, hay đơn tu, muốn sống như vậy phải ra khỏi tu hội. Thực ra giáo hội đã mở ra nhiều triển vọng mới cho những tín hữu muốn sống dưới tác động của Chúa Thánh Thần.

“Họ cho mọi người thấy mặt trong của mầu nhiệm Hội Thánh là sống mật thiết cá nhân với Đức Kitô. Dù người đời không nhìn thấy, nhưng đời ẩn tu là bài giảng thầm lặng về Đức Kitô mà vị ẩn tu đã tận hiến cuộc đời cho Người, vì Người là tất cả mọi sự đối với họ. Đó là lời kêu gọi đặc biệt để ngay trong hoang mạc, giữa cuộc đời chiến đấu thiêng liêng, họ gặp được vinh quang của Đấng chịu đóng đinh” (GLCG, 921).

Giáo luật số 603 cũng cho biết :

§1. Ngoài các tu hội đời sống thánh hiến, giáo hội nhìn nhận đời sống ẩn tu hay đơn tu, nhờ đó những tín hữu Kitô lấy sự xa cách thế gian, sống trong thinh lặng, chăm chỉ cầu nguyện và khổ hạnh để tận hiến đời mình vào việc ngợi khen Thiên Chúa và mưu phần rỗi cho thế giới.

§2. Người ẩn sĩ với tư cách là người hiến mình cho Thiên Chúa trong đời sống thánh hiến, được luật pháp nhìn nhận, nếu công khai tuyên giữ ba lời khuyên phúc âm, được củng cố bằng lời khấn hoặc bằng một dây ràng buộc thánh nào khác, trong tay Giám mục giáo phận và tuân giữ nếp sống riêng của mình dưới sự hướng dẫn của ngài.

Nhận định

Con đường nên thánh của các vị ẩn tu không có gì nổi bật xét trên lãnh vực thần học, nhưng lại nổi bật trên thực tế bằng những việc thực hành đơn giản, cụ thể. Họ tìm kiếm nước Thiên Chúa bằng việc chuyên tâm cầu nguyện, luôn cố gắng để tâm trí không ngừng kết hợp với Ngài. Bằng việc thực hành những việc hãm mình, khổ chế, họ làm chứng cho người đời thấy rằng, những hy sinh gian khổ chúng ta chịu, chẳng đáng gì so với những đau khổ Đức Giêsu chịu trong cuộc Thương khó. Họ sẵn sàng gạt bỏ những gì ngăn cản, hay làm tâm trí họ cách xa Thiên Chúa. Đời sống của các ẩn sĩ sa mạc góp phần hình thành nên đời sống tu trì, và đặc biệt đời sống chiêm niệm sau này trong Giáo Hội. Tuy chỉ tồn tại và “vang bóng một thời”, nhưng những ảnh hưởng từ nếp sống của các ngài còn lưu lại trong việc hình thành các nền linh đạo suốt dòng lịch sử Giáo Hội, nhất là thời Trung cổ.

Ngày nay Giáo Hội tái khẳng định giá trị của đời sống ẩn tu, hơn thế nữa còn tạo điều kiện để những ai, dưới sự tác động của thánh thần, muốn dấn thân vào sống ẩn dật, hòa mình với thiên nhiên, làm chứng trứơc một thế giới ồn ào, tranh đua danh lợi, chèn ép lẫn nhau…

Lịch sử Giáo Hội không ghi lại con số các vị thánh xuất thân từ thành phần ẩn tu, nhưng không vì thế mà ta có thể kết luận rằng linh đạo ẩn sĩ là “không hiệu quả”. Thực tế cho thấy, thời đó chưa có việc Giáo Hội tìm cách phong thánh cho người nào ; tuy nhiên, lịch sử cho biết, (nói một cách thậm xưng) “sa mạc Ai Cập đã một thời trở nên đông đúc hơn thành thị”[26].

Tuy nhiên, vì thành phần vào ẩn tu trong sa mạc thường là những người dân quê mùa chất phác, nên trình độ hay khả năng giáo lý của họ cũng yếu kém[27]. Thêm vào đó, do ảnh hưởng của khí hậu khắc nghiệt trong sa mạc, yếu tố tâm lý tình cảm của các ẩn sĩ dễ trở nên thiếu quân bình, điều gì cũng muốn tuyệt đối đến cực đoan. Chúng ta thấy điều đó cụ thể qua việc một số vị sống trên cột, tự trói chân tay vào gốc cây, chỉ ngồi chứ không nằm… hơn thế nữa, ta còn thấy cảnh các đan sĩ sẵn sàng vác gậy gộc quyết chí “ăn thua đủ” với bọn lạc giáo, nhưng khi “lạc giáo” lọt vào trong chính các phần tử của họ, hậu quả không phải ít, và như vậy cũng thật khó sửa chữa[28]. Chính vì thế ta chẳng lạ gì, một đàng các ẩn sĩ được người dân quý mến, phần thì kéo nhau đến xin những lời chỉ giáo, phần thì giúp đỡ các ngài về vật chất… ; nhưng đàng khác, Giáo quyền lại chẳng mấy ủng hộ lối sống này cho đến khi nó được “cơ chế” hóa với thánh Pacôm, Basiliô bằng những bản tu luật và biến thành đời sống đan tu sau này.

Như thế, dù đã khai sinh từ rất lâu và dường như vắng bóng một thời gian dài trong sinh hoạt của Giáo Hội, đời sống ẩn tu đang có cơ may trở lại. Thực tế cho thấy, nhu cầu của con người thời đại đang muốn tìm trở về với căn cốt của việc xa lánh trần thế, sống trong cô tịch và thinh lặng. Nếu được luật pháp của Giáo Hội nhìn nhận và cổ võ, hẳn đời sống này sẽ trở nên phổ biến hơn trong thời hiện đại dù có thể có sự canh tân và đổi mới. 
 
 

[1] Solitaire, seul, désolé, inhabité
 - pour des lieux : un désert, un lieu désertique, région abandonnée, région non cultivée convenant au pâturage
 - pour des personnes : abandonné des autres, privé de l'aide et de la protection des autres, en particulier d'amis, de relations, délaissé (comme un troupeau abandonné du berger, d'une femme négligée par son mari, que sonmari refuse)

[2] Từ DESERT chúng ta quen hiểu là sa mạc, nhưng nó chỉ có nghĩa là nơi hoang vắng, khó trồng tỉa…. cha ông ta ngày trước còn gọi thánh Antôn ẩn tu là thánh Antôn Tu Rừng. Ngày nay, từ DESERT còn được dịch là hoang địa, (xc Mt 3,1 ; Mc 1,3…. bản dịch của nhóm CGKPV) có lẽ cách dùng này hợp lý hơn. Tuy nhiên, trong bài này, vì thói quen đã lâu, chúng ta vẫn dùng từ sa mạc để dịch từ DESERT, nhưng hiểu trong bối cảnh của nó.

[3] Xc. Giáo luật, 603, § 1

[4] Sách GLCG, số 920, 921

[5] Thánh An tôn Ẩn tu sinh khoảng năm 250, tại Quemean, miền trung Ai cập, gia đình khá giả, khi cha mẹ qua đời, ngài có một em gái. Sáu tháng sau khi nghe tiếng Chúa gọi, ngài bán hết gia tài, phân phát cho người nghèo, gửi em cho cộng đoàn các trinh nữ coi sóc, vào tu trong một nơi thanh vắng, xa dân chúng, sống khắc khổ. Sau 15 năm, để tránh xa dân chúng, ngài vào một hang núi trong dãy Pispir gần biển đỏ, khoảng năm 282. Ngài ở đó 20 năm, có bức tường vây kín, sau đó dân chúng phá đổ bức tường để có thể tiếp xúc và nghe lời người. Người có nét mặt biểu lộ niềm vui…. mặc dầu sống trong sa mạc, người ta không thấy nơi ngài có gì quê mùa, cộc cằn nhưng tất cả nếp sống tỏa ra một sự lịch thiệp tinh tế. Năm 340, ngài đi tìm gặp thánh Phaolô, vị ẩn tu đầu tiên. Ngài qua đời ngày 17 tháng 01 năm 356, thọ khoảng 106 tuổi (trích Lịch sử linh đạo Kitô giáo, Sài Gòn 1996, đoàn thiệu dịch, tr. 61)

[6] Xc. Bùi Đức Sinh, Lịch sử Giáo Hội công giáo, Cangary Canada, 2000, tr. 79

[7] Xc. Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh, tập 2, tr. 99.

[8] Xc. Phan Tấn Thành, Về Nguồn, tập 4, tr. 355

[9] Trích trong : Phan Tấn Thành, sđd, 355

[10] Theo truyền thống, ngày kia thánh Antôn bị cám dỗ kiêu ngạo cho rằng mình là người đầu tiên khai sáng ra hình thức ẩn tu, Thiên Chúa liền cho ngài thấy một thị kiến ở bên Thêbere, có một vị khác đã ẩn tu từ lâu, đó là Phaolô (Thebere).

[11] Các vị ẩn tu khác nữa như thánh Pacôm hai thánh tiến sĩ Basiliô cả, Epphrem phó tế, những người đã từng một thời ẩn tu trong sa mạc.

[12] Xc. Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh, tập 2, tr. 106-109.

[13] Thư của Basilô Cả gửi Grêgoriô de Nazien, xc M. Spanneut, Giáo phụ tập II, tr. 26, bản dịch của ĐCV Giuse Sài Gòn.  

[14] Tuy nhiên, có tài liệu viết rằng, 20 năm đầu của đời sống ẩn tu, thánh Antôn không Rước Lễ, cũng nên nhắc lại, thời đó chưa có luật rõ ràng về lãnh vực này. (Xc Jean Baptiste et la spirituelle du Désert).

[15] Thư của Basilô Cả gửi Grêgoriô de Nazien, xc M. Spanneut, sđd, tr. 27.

[16] Thư của Basilô Cả gửi Grêgoriô de Nazien, xc M. Spanneut, sđd, tr. 27

[17] Dĩ nhiên có những trường hợp muốn phô trương, nhưng thường thì do lòng sốt sáng nhiệt thành.

[18] Lịch sử linh đạo Kitô giáo, sđd, tr. 67-69

[19] Lịch sử linh đạo Kitô giáo, sđd tr. 68

[20] Châm ngôn của các Cha sa mạc, An tôn 7, bản dịch của Lê Văn Chính.

[21] Thánh Éphrem Phó tế, sinh khoảng năm 306 tại Nisiba, miền Mesopotamia, trong gia đình đạo đức. Ngài sớm rởi bỏ mọi sự để sống ẩn tu, chuyên học hành và chiêm niệm. Năm 338 lãnh chức phó tế, và suốt đời ở bậc đó. 10 năm cuối đời ngài dành thời gian viết nhiều tác phẩm còn lưu lại cho tới ngày nay, năm 1920, đức Giáo Hoàng Bênêđictô XV tuyên ngài làm Tiến sĩ giáo hội, là người Syria duy nhất nhận danh dự này.

Thánh Éphrem yêu quý đời sống thanh bạch, khắc khổ trong một hang đá nhỏ ở ngoại ô thành phố Edesa. Ngài cũng thường vào phố để rao giảng. Quan niệm đời sống kitô hữu là cuộc chiến đấu thiêng liêng. Ngài giới thiệu những vũ khí chống lại nết xấu, tám nết xấu đầu mối, và những nhân đức đối lại như : bác ái, trinh khiết, nhẫn nại, khiêm nhường, sám hối… Ngài cũng đặc biệt khuyên chay tịnh, tiết độ, cầu nguyện, đọc sách thánh. (trích Lịch sử linh đạo…, sđd, tr. 62-63.

[22] Xc Lịch sử linh đạo..., sđd tr. 69.

[23] Châm ngôn ….. sđd.

[24] Về sau thánh Pacôm có viết một bản luật cho các học trò của mình, nhưng vì còn nhiều hạn chế nên chưa hoàn bị, sau này thánh Basilio đã bổ túc và làm thành một bản luật đầy đủ hơn, tuy nhiên khi đó đời ẩn tu đã chuyển thành đan tu (sống cộng đoàn), xc Bùi Đức sinh, sđd, tr. 281.

[25] Xc Lịch sử linh đạo Kitô giáo, sđd, tr. 67-69.

[26] Bùi Đức Sinh, sđd, tr. 221

[27] Cũng có những vị xuất sắc như Basilô, Eùprem, Pacome…, thường các vị này, sau một thời gian ẩn tu, trở về thành thị góp phần vào việc hoạt động tộng đổ trong Giáo Hội.

[28] Xc. Bùi Đức Sinh, sđd, tr. 221-222