Friday, 24 January 2020 01:25

Những Điệp Ca "O" Từ Ngày 17 Dến Ngày 23 Tháng 12 Trong Mùa Vọng Featured

Lm. Giuse Nguyễn Văn Hiển, OP.

 

Bảy ngày trước lễ Giáng Sinh, Phụng vụ Giáo hội bước vào giai đoạn gấp rút của việc đón Chúa đến. Đây là thời gian đặc biệt quan trọng, thể hiện bằng cuộc canh thức liên nỉ. Trong khi Phụng vụ bài đọc thứ nhất trong thánh lễ liên tục nhắc đến việc Thiên Chuá sẽ thực hiện lời hứa của Người với dân, và những hình ảnh về Đấng Thiên sai được sinh ra từ cung lòng của một phụ nữ ; phụng vụ các Giờ kinh giờ Kinh ban chiều qua các điệp ca dẫn vào bài ca Magnificat là những lời cầu xin khiển thiết hướng về Thiên Chúa, Đấng sẽ đến thực hiện lời hứa cứu độ qua cảm thán từ « O : Ôi, hỡi ! », « veni : hãy đến ».

Chúng ta cùng tìm hiểu ý nghĩa của những điệp ca « O » trong các Giờ Kinh Phụng vụ ban chiều.

1.-  Điệp ca « O »

Các  điệp ca này được gọi là các điệp ca « O », hay những điệp ca đặc biệt. Được trích dẫn từ Kinh Thánh, tóm tắt những lời ngôn sứ về Đấng Cứu Độ. Được bắt đầu bằng chữ cảm thán từ « O » hướng đến Đấng Thiên Sai và một lời cầu xin Đấng ấy « veni » hãy đến. Cảm thán từ « O » trong tiếng việt được hiểu là « Hỡi », « Ôi » hay « lạy ». Những điệp ca này được hát với những cung độ khác nhau theo từng ngày, có cùng một nội dung là khẩn nguyện. Và chúng cũng được coi như một dẫn nhập đặc biệt trước khi cử hành lễ Giáng Sinh.

Những  điệp ca này đã xuất hiện có lẽ từ thế kỷ thứ VI. Chúng được hát một cách đặc biệt trang trọng vào thời Charlemagne. Ban đầu gồm có 12 điệp ca và được hát dẫn vào Thánh Ca Tin mừng Benedictus, vào Kinh Sáng. Vào thế kỷ thứ IX, chúng được hát dẫn vào Thánh Ca Tin mừng Magnificat, giờ Kinh Chiều. Điều này theo quan điểm của Dom Guéranger, chúng ta đợi chờ Đấng Thiên Sai là Đấng Cứu Độ, và Đấng ấy đến từ cung lòng Đức Trinh Nữ Maria. Trong một số nhà thờ, chúng được lặp lại sau mỗi đoạn bài ca. Ngày nay trong nghi thức Roma vẫn còn giữ điều mà chúng ta thực hiện từ ngày 17 tháng 12 đến trước lễ Giáng Sinh. Những điệp ca này được này được hát trước và sau bài Thánh ca Tin Mừng Magnificat, nên cũng được gọi là các điệp ca Tin mừng.

2.- Cấu trúc nội dung của các điệp ca « O »

Có ba hình thức cấu tạo nội dung của điệp ca « O ».

- Là những lời cầu khẩn hướng về Đấng Thiên Sai. Đấng ấy sẽ xuất hiện đôi khi dưới hình thức là một biểu tượng, hoặc dưới một danh hiệu. Chẳng hạn : « O Sapientia » (Ôi, Đấng Khôn Ngoan », « O Radix Jesse » (Ôi, cội rễ Jésse).

- Những biểu tượng hay danh hiệu này được phát triển trong một câu liên hệ.

- Điểm cao nhất của câu liên hệ này là lời cầu xin khẩn thiết Đấng Thiên Sai : veni (hãy đến) cứu độ.

Cung điệu của các điệp ca này bày tỏ sự khâm phục và ước muốn cao độ. Người ta nghe ở đó không chỉ là tiếng câu xin của dân Cựu Ước nhưng còn là tiếng của dân ngoại hướng về Đấng Cứu Độ. Chúng là những lời cầu xin với Đấng Cứu Độ, xin Đấng sẽ được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ hướng mặt từ trời cao về muôn dân.

Cấp độ tiến triển của các lời cầu xin này được thấy rõ ràng, trước nhất nói về Con Thiên Chúa trong đời sống vĩnh cửu trước thời gian (điệp ca 1 : O Sapientia !), Đấng ở trong Giao ước cũ (điệp ca 2-4 « O Adonaï !, O Radix jesse !, O Clavis David !, ») ; Đấng ở trong thiên nhiên (điệp ca 5 : O Orient !), là Vua của dân ngoại (điệp ca 6 : O Rex gentium !) và là Thiên Chúa ở với chúng ta (điệp ca 7 : O Emmanuel !).

3. Ý nghĩa của các điệp ca « O »

3.1.- Ngày 17 tháng 12 : « O Sapientia ! » : « Hỡi Đấng Khôn Ngoan, phát xuất từ miệng Đấng Tối Cao. Ngài điều khiển mọi nơi và an bài mọi sự, mạnh mẽ nhưng dịu dàng. Hãy đến chỉ dạy cho chúng con, con đường của sự khôn ngoan » (Sirac 24,3).

Lời cầu xin này ám chỉ đến đời sống của Con Thiên Chúa trước thời gian và sự biểu tỏ của Người trong tạo vật. Tạo vật là hình ảnh của vương quốc bởi ơn sủng mà trong đó Đấng Cứu Độ « hướng dẫn tâm hồn con người bằng sức mạnh và sự dịu dàng ».

Trong lời nguyện của ngày hôm nay, chúng ta cầu xin : Ôi sự Ngôn Ngoan của Chúa Cha, Bánh Hằng Sống đến từ trờ cao, hãy đến nhanh với chúng con, để chúng con được chiếu sáng nhờ ánh sáng của Người ; hãy cho chúng con sự khôn ngoan để dẫn chúng con đến ơn Cứu Độ.

3.2.- Ngày 18 tháng 12 : « O Adonaï ! » : « Ôi Thiên Chúa của Giao ước và là chủ nhà Israël, đã xuất hiện với Môsê trong đám lửa rực cháy và đã ban luật trên núi Sinaï. Hãy đến và giang tay ra giải cứu chúng con ».

Ngôi vị thứ hai của Ba Ngôi chí Thánh đã có một sự linh động trong việc tạo dựng mà chúng ta đã hát trong ngày 17. Trong lời nguyện của ngày hôm nay, chúng ta thấy hình ảnh vương quốc của Thiên Chúa của Giao Ước cũ. Đức Kitô là « Thiên Chúa của giao ước » của dân được chọn. Người đã thực hiện giao ước với Noë, Abraham, Issaac, Jacob, Moïse, Người đã hướng dẫn dân Israël đi qua lịch sử.

Điệp ca biểu tỏ hai khía cạnh thánh thiêng : bụi gai đang cháy rực và việc ban luật trên núi Sinaï. Hai biểu tỏ này liên quan đến ánh sáng Noël. Ánh sáng ám chỉ sự giải thoát khỏi ách nô lệ và điều này trở nên hình ảnh về sự giải thoát của chúng ta khỏi lanh vuốt của satan.

Sự khẩn thiết của lời cầu xin nhắm đến sự xuất hiện của Thiên Chúa trong ánh vinh quang trên Jérusalem, và từ đó cứu độ dân khỏi tay kẻ thù.

3.3.-Ngày 19 tháng 12 : « O Radix Jesse !» : « Ôi chồi non từ gốc tổ Jéssé, mọc lên như hậu dệu của muôn dân. Muôn vua chuá phải ngậm thinh kính cẩn ; muôn dân tộc tôn kính thờ lậy. Hãy đến giải thoát chúng con, đừng trì hoãn nữa » (Is 11,10 ; 52,15).

Lời điệp ca giới thiệu Đấng Thiên Sai đi qua lịch sử của các vua Juda. Những chiến thắng của Đavit trên các dân, biểu tượng cho chiến thắng giải thoát trên Golgotha và trong mỗi tâm hồn chúng ta. Điệp ca này được gợi hứng từ đoạn văn của ngôn sứ Isaia về gốc cội nhà Jésse : cành lá (ám chỉ Đức Maria) và hoa (Đức Kitô). Đức Trinh nữ sẽ sinh hạ cho thế giới Đấng Thiên Sai mà họ đang đơị chờ. Vị vua nhỏ đã giang tay để thu hút về Người muôn dân và nhất là khi Người chịu đóng đinh trên thập giá. Những vua chúa hướng mắt nhìn và suy ngẫm về dấu chỉ này với sự kính cẩn, lặng thinh.

3.4.- Ngày 20 tháng 12 : « O Clavis David !» : “Ôi chìa khoá nhà David và điều luật của nhà Israël. Khi Người đã mở ra thì chẳng ai có thể đóng lại; khi Người đã đóng lại thì chẳng ai có thể mở ra. Hãy đến và đưa ra khỏi nhà tù những ai đang ngồi trong bóng tối tử thần” (Is 22, 22; 42,7).

Những người Do thái gọi một biểu tượng sáu cạnh như là khiên thuẫn hoặc chìa khóa nhà Đavit. Đối với những người Do thái, đây là biểu tượng của Thiên Chúa và Danh Thánh của Người. Trong lời cầu xin này, chúng ta nhìn thấy ở đó dấu chỉ của Đấng Thiên Sai đang đến (ánh sao của Balaam, ánh sao của các Đạo sĩ). Đức Kitô là “chìa khóa nhà Đavit”, vì chính Người làm cho các mầu nhiệm và các biểu tượng của Cựu Ước có ý nghĩa.

3.5.- Ngày 21 tháng 12 : “O Orient !” : “Hỡi Ánh Hừng Đông vĩnh hằng, Mặt Trời Công chính. Hãy đến chiếu giãy trên chúng con, những kẻ đang ngủ trong bóng đêm của sự chết” (Lc 1,78-79).

Trong lịch sử ơn cứu độ, chúng ta trải qua thế giới tự nhiên. Trong thế giới đó, chính Đấng Cứu Độ đã tạo dựng một biểu tượng, ánh mặt trời: đó là biểu tượng được loan báo bởi Kinh Thánh, của phụng vụ. Trong  điệp ca này, chu kỳ Noël được tính cách hóa một cách vui tươi nhất. Một phần, vì nhân loại được giới thiệu đang ngồi trong bóng đêm sự chết, đàng khác ánh sáng cứu độ đã phá tan bóng tối này. Hai vị ngôn sứ cùng một tên Zacharia loan báo Đấng Cứu Độ như mặt trời thức giấc: “Này đây con người: Hừng Đông là tên của ta” (Zach 6,12), “bởi những mầm giống của lòng thương xót của Thiên Chúa chúng ta đến viếng thăm chúng ta, ánh sáng mặt trời xuất hiện trên cao” (Lc 1,78).

Lời cầu xin của dân là được yên nghỉ bên Thiên Chúa, nơi thành thánh Giêrusalem.

3.6.- Ngày 22 tháng 12 : “O Rex gentium !” : “Ổi Vua muôn dân, sự ước muốn của muôn dân, đá tảng góc tường đã qui tụ hai dân. Hãy đến và cứu độ con người mà Ngài đã tạo dựng từ bụi của đất” (Ep 2,20; 14).

Hành động đợi chờ Đức Kitô được mở rộng ra với thế giới dân ngoại. Tất cả cùng ước muốn sự xuất hiện của Người. Bức tường của sự ngăn cách đó là bóng tối và sự chết bị phá hủy. Chính  vì thế, lời cầu nguyện này hướng đến Đức Giêsu, Đấng sẽ sinh ra.

Ôi Vua chí thánh, hãy đến nhanh để cứu độ chúng con. Xin hãy nhớ rằng, con người là tạo vật quý giá của Người. Hãy đến, vì Người luôn mãi yêu thương tạo vật của Người.

3.7.- Ngày 23 tháng 12: “O Emmanuel !”. “Ôi Thiên Chúa ở với chúng ta! Ôi Vua của chúng con và là thủ lãnh của chúng con. Người là sự đợi chờ của muôn dân và Đấng cứu độ của họ. Hãy đến mang ơn cứu độ cho chúng con, lạy Thiên Chúa chúng con!” (Is 7,14; 33,22).

Có hai thái độ cho đêm trước buổi canh thức Noël: a) Thái độ vui mừng: sự thức dậy của ánh mặt trời. Giáo hội ca hát với tất cả niềm vui mừng sau một thời gian dài đợi chờ : “Lúc này đây tất cả sẽ được hoàn thành, tất cả những gì đã được loan báo bởi sứ thần về Đức Trinh Nữ Maria”. b) Đó cũng là một cuộc cử hành phụng vụ trang trọng nhất sau những ngày đợi chờ trong lo lắng, sự tĩnh lặng trong sự chắc chắn về việc hoàn thành sứ vụ thấm sâu trong tâm hồn chúng ta.

Điều này mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng rằng Thiên Chúa đã tự bày tỏ trong thiên nhiên, vẫn ở giữa muôn dân. Giờ đây Người đến và ở lại với chúng ta như Đấng Emmanuel. Vua thánh thiện vừa sinh trong một chiếc nôi, chính Người là sự chờ đợi của muôn dân và cũng là sự hoàn thành của tất cả các lời ngôn sứ.

4.- Ngày 24 tháng 12

Vào chính ngày lễ, cao điểm của việc lời hứa được hoàn thành, điệp ca của Thánh ca Tin mừng loan báo : Hãy biết rằng, ngày hôm nay Thiên Chúa sẽ đến. Lời ca được bắt đầu bằng cụm trạng từ “Ngay sáng nay” (anh em sẽ thấy ánh sáng của Người) làm tăng thêm trọng lượng và tính chất quan trọng của lời loan báo. Và vì thế, chẳng thể trậm trễ, chẳng thể trì hoãn việc đón nhận Đấng sẽ đến.

Giáo hội, trong tinh thần này đã mời gọi tất cả những người tin và mong đợi Đấng Cứu Độ hãy có cùng tâm hồn với Giáo hội và chuẩn bị trong niềm vui cao nhất từ tâm hồn và thân xác để đón nhận Đấng Cứu Độ, Đấng đến với Chúa ta. Emmanuel – Giêsu Kitô, bằng bài ca Gloria.

-------------------

Bài này được viết dựa trên

Cæremoniale Monasticum,secundum consuetudinem Congregationis BeuronensisO.S.B. (1908): Pars IV caput II :De tempore Adventus.

Dom Prosper Guéranger Prosper (dom), L’Année liturgique : L’Avent, Paris, Victor Palmé 1901 (1866).

Parsch Pius, Le guide dans l’année liturgique, vol 1er : Le Cycle de Noël, Paris, Casterman, 1935.

Lesage Robert, Cérémoniaire de Paris, 1952.

 

[1] Trong một Tuyên bố, Công đồng Tolède năm 636 loan bao việc cử hành 8 ngày trước lễ Noël. Trong mỗi ngày của tuần bát nhật này sẽ hát một điệp ca « O », được thay đổi từng ngày. Các  điệp ca này diễn tả ước muốn của các tổ tiên và ngôn sứ về sự xuất hiện của Đấng Thiên Sai.