Friday, 24 January 2020 01:25

Hướng Dẫn Vào Các Thánh Vịnh Và Thánh Ca - Kinh Sáng Và Kinh Chiều (2) Featured

HƯỚNG DẪN VÀO CÁC THÁNH VỊNH VÀ THÁNH CA

KINH SÁNG VÀ KINH CHIỀU

***

***

CHÚA NHẬT TUẦN II

 

Kinh Chiều I

Tv 118, 105-112: Suy niệm Lời Chúa trong luật Người ban
Yêu mến Thiên Chua là tuân giữ các điều răn của Người (1 Ga 5,3).
 
          I. Trong đoạn 14 của thánh vịnh 118, vịnh gia hứa sẽ tuân giữ các điều răn của Chúa, bởi vì ông nhìn nhận rằng luật Chúa là ngọn đèn soi trong bóng đêm (vì thế được dùng vào  kinh chiều).
II. Ánh sáng đích thực là Đức Ki-tô; chính Người khẳng định điều này khi công bố: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh áng đem lại sự sống” (Ga 8,12).
III. Giáo Hội đã phải trải qua những lúc đen tối; nhưng luôn vượt qua được những khó khăn thử thách, bởi vì Giáo Hội tìm thấy nơi luật Chúa ngọn đèn soi chiếu cuộc hành trình của mình.
IV. Khi bóng tối của thử thách ập xuống, chúng ta hãy nhớ rằng Thiên Chúa đang ở kề bên chúng ta, và soi sáng cuộc sống của chúng ta bằng luật pháp của Người.
 
Tv 15: Chúa là phần gia nghiệp
Thiên Chúa đã giải thoát Đức Giê-su khỏi những đau khổ do thần chết gây nên mà cho Người sống lại (Cv 2,24).
 
 
I. Thánh vịnh 15 khuyến khích hãy coi Thiên Chúa như là gia nghiệp đích thực cho hết mọi người; đây là một đỉnh cao của tư tưởng tôn giáo thời Cựu Ước.
II. Vào ngày lễ Ngũ Tuần, thánh Phê-rô đã trưng dẫn câu thánh vịnh: “Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty, cũng không để Vị Thánh của Ngài phải hư nát” (Cv 2,27).
III. Nhờ Đức Ki-tô, Giáo Hội biết được thực tại của cuộc sống trên trời, đặt niềm hy vọng vào nó, hưởng nếm nó nhờ chiêm niệm; vì thế Giáo Hội cầu nguyện thánh vịnh này trong tất cả mọi chiều kích phong phú của nó.
IV. Đối với chúng ta, Thiên Chúa phải là điều Thiện hảo tuyệt đối, phần gia nghiệp đích thực; chúng ta hãy hân hoan vì đã đặt mạng sống của mình trong tay Người, bởi vì ở trước nhan Người chúng ta sẽ được vui mừng luôn mãi.
 
Tc Pl 2,6-11: Đức Ki-tô, tôi trung của Thiên Chúa
 
I. Có lẽ đây là một bài thánh ca phụng vụ đã có trước thánh Phaolô, trình bày Đức Ki-tô tự nguyện trở thành người tôi tớ của Thiên Chúa; chính vì thế mà Người được tôn vinh.
II. Bài thánh ca nhắc lại những biến cố trong cuộc sống của Ngôi Lời Nhập Thể: từ điạ vị cao sang, Người đã tự hạ xuống đến chỗ thẳm sâu nhất, để đạt đến vinh quang phục sinh.
III. Với bài thánh ca này, Giáo hội tin nhận sự hằng hữu của Chúa Ki-tô và thiên tính của Người, đồng thời nhắc nhớ rằng nhân tính của Người được tôn vinh sau khi đã trải qua cuộc khổ nạn và cái chết trên thập giá.
IV. Bài thánh ca này chuẩn bị cho chúng ta cử hành hàng tuần sự phục sinh của Chúa Ki-tô, nhắc nhở chúng ta rằng chỉ có con đường thập giá mới dẫn đến vinh quang.
 
Kinh Sáng
 
Tv 117: Tiếng reo mừng chiến thắng.
Đức Giê-su Ki-tô là viên đá mà quý vị là thợ xây đã loại bỏ, chính viên đá ấy lại trở nên đá tảng góc tường (Cv 4,11).
 
I. Thánh vịnh 117, một ca khúc của niềm vui và chiến thắng, là thánh vịnh cuối cùng của bộ Hallel, tưởng nhớ lại những việc Chúa làm để giải thoát dân tộc Do Thái khỏi Ai Cập và khỏi hết mọi địch thù.
II. Đức Giê-su nhắc lại ý nghĩa về Đấng Mêsia nói trong thánh vịnh này, khi nói đến viên đá mà những người thợ xây loại bỏ nhưng lại trở nên đả tảng góc tường (x. Mt 21,41-45).
III. Giáo Hội nhận thấy thánh vịnh 117  tiên báo các mầu nhiệm của cuộc đời Đức Ki-tô; vì vậy Giáo hội đọc thánh vịnh này trong mỗi Thánh lễ của tuần bát nhật Phục Sinh và trong giờ kinh phụng vụ các ngày Chúa nhật.
III. Là đoàn dân mới, đoàn dân được tuyển chọn, chúng ta hãy khám phá nơi thánh vịnh này những lời diễn tả việc  khẩn nguyện, lòng tín thác vào Chúa, niềm hy vọng, tâm tình biết ơn và tạ ơn.
 
Tc Đn 3,52-57: Muôn thọ tạo  hãy ca tụng Chúa
Đấng Tạo Hóa đáng chúc tụng muôn đời (Rm 1,25).
 
I. Bài thánh ca thúc giục mọi thụ tạo hãy ca ngợi Chúa; ba thiếu nhi được cứu thoát cách diệu kỳ khỏi ngọn lửa hồng rực cháy, mời gọi tất cả muôn vật hãy tán dương Thiên Chúa, Đấng xứng muôn lời chúc tụng và tôn vinh.
II. Sau khi được giải thoát khỏi cái chết, Đức Ki-tô dâng ca khúc này lên Chúa Cha, nhìn nhận Ngài là Đấng thấu suốt mọi vực sâu lòng đất, Đấng ngự trên ngai vinh hiển trên trời.
III. Được Thiên Chúa hộ phù, Giáo Hội nhân danh toàn thể nhân loại, dâng ca khúc ngợi khen Thiên Chúa, Đấng cứu thoát thoát con người ra khỏi lò lửa vĩnh viễn.
IV. Được Thiên Chúa luôn chở che hộ phù, chúng ta hãy hiệp tâm tình trong bài thánh ca để dâng lời kinh tạ ơn và chúc tụng lên Thiên Chúa là Đấng tạo dựng và cứu chuộc chúng ta.



Tv 150: Hỡi mọi sinh linh, ca tụng Chúa đi
Xin tôn vinh Chúa, trong Hội Thánh và trong Đức Giê-su Ki-tô (Ep 3,21).
 
I. Thánh vịnh 150 kết thúc bộ thánh vịnh, là một vinh tụng ca long trọng; hết mọi tiếng nói trong vũ trụ hiệp chung lời để chúc tụng Thiên Chúa trong thánh điện của Người.
II. Các giáo phụ cho rằng nhân tính của Đức Kitô được ví như nhạc cụ hợp tấu lời ca tụng liên lỉ và hoàn hảo lên Thiên Chúa.
III. Giáo hội cầu nguyện thánh vịnh này vào Kinh Sáng Chúa nhật tuần II và IV; hiệp cùng toàn thể vũ trụ, ngợi khen Chúa Ki-tô phục sinh vào sáng sớm ngày Chúa nhật.
IV. Mỗi người chúng ta là một khí cụ để Thần Khí Chúa kết thành bản hòa nhạc tuyệt vời; vì vậy chúng ta hãy hân hoan ca tụng Chúa, ngõ hầu Thiên Chúa được tôn vinh trong toàn thể Giáo Hội.
 
 
Kinh Chiều II
 
Tv 109, 1-5. 7: Đức Ki-tô là Vua và Thượng Tế
Đức Ki-tô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người(1 Cr 15, 25). 
I. Thánh vịnh 109 nói về Đấng Mêsia, là Vua và Thượng Tế. Điều này cũng được truyền thống Do Thái khẳng định về chức vụ vương giả và tư tế của Đấng Mêsia.
II. Với việc tiến dâng bánh và rượu, Đức Giê-su đã móc nối hy lễ của giao ước mới với nghi thức của vua Men-ki-xê-đê; nghi lễ mới này dành cho tất cả mọi tín hữu, đang khi nghi lễ cũ của Mô-sê chỉ dành riêng cho người Do Thái.
III. Giáo Hội cầu nguyện thánh vịnh này trong kinh chiều II của tất cả các Chúa Nhật và lễ trọng, để cử hành các mầu nhiệm cứu chuộc và để thông phần vào vinh quang của Phu quân của mình.
IV. Là những người được hòa giải với Chúa Cha nhờ máu Đức Ki-tô, và được thông phần vào quyền năng  tư tế và vương giả của Chúa Giê-su; chúng ta phải thực hiện chức vị này cách xứng đáng.
 
Tv 113B: Ca tụng Thiên Chúa chân thật
Anh em đã từ bỏ ngẫu tượng mà quay về với Thiên Chúa, để phụng sự Thiên Chúa hằng sống và chân thật (1 Tx 1,9).
 
I. Thánh vịnh 113 là ca khúc thứ hai của bộ Hallel, ngợi khen Thiên Chúa chân thật; ca khúc này khẳng định tính duy nhất, lòng trung tín, đức công chính và quyền năng của Thiên Chúa của Ít-ra-en; ngược lại với các ngẫu thần, là sản phẩm do bàn tay con người tạo nên.
II. Đức Ki-tô và ánh sáng của Tin Mừng đi tới đâu thì lại tỏ rõ sự điên rồ của những kẻ tôn thờ thụ tạo thay vì tôn thờ Tạo hoá, đồng thời cho thấy cần phải trung thành với Chúa là Thiên Chúa chân thật.
III. Trong lịch sử nhân loại, Giáo Hội đã hợp tác với Đức Ki-tô để chống lại các ngẫu tượng, được biểu lộ chủ yếu nơi nhục dục, tiền bạc và tham vọng.
IV. Chúng ta hãy không ngừng lặp lại lời cam kết lúc chịu phép rửa tội, đó là từ bỏ sa tan, tránh xa ngẫu tượng để phụng thờ Thiên Chúa hằng sống và chân thật.
 
Tc Kh 19,1-7: Hôn lễ Chiên Thiên Chúa
 
I. Đây là bài vinh tụng ca long trọng cuối cùng của sách Khải Huyền, bài thánh ca của niềm vui tiếp theo cuộc chiến thắng của Đức Kitô sau biến cố sụp đổ của Ba-bi-lon.
II. Đức Ki-tô, nguyên thủ của thân thể nhiệm mầu, sau khi chiến thắng quyền lực của sự dữ, dâng bài thánh ca này để tôn vinh Thiên Chúa, nhân danh toàn thể đoàn dân được cứu chuộc.
III. Trong bài thánh ca chúc tụng này, Giáo Hội kết hợp với Đức Kitô, hưởng nếm trước niềm hạnh phúc trên thiên quốc được vị lang quân thần linh dọn sẵn cho mình.
IV. Là những người tôi tớ của Thiên Chúa còn đang trên hành trình hướng về cùng đích,  chúng ta chắc chắn là đã được cứu chuộc; khi chiếm ngắm vinh quang của Đức Ki-tô, chúng ta tưởng đến vinh quang thiên quốc được dọn sẵn cho chúng ta.

 

Tc 1 Pr 2, 21-24
Đức Kitô, tôi trung của Thiên Chúa, đã tự nguyện chịu đau khổ
 
I. Đọc bài thánh ca, chúng ta công bố những gì mà thánh Phê-rô đã viết cho các nô lệ: họ bị đối xử bất công cũng giống như Đức Ki-tô;  để cho những đau khổ đó có giá trị, họ cần phải bắt chước Đức Ki-tô.
II. Đức Ki-tô đã bị kết án cách bất công, nhưng Người đã nhẫn nhục chịu đựng tất cả, và đã dâng những đau khổ của mình lên Chúa Cha, để cứu chuộc nhân loại.



THỨ HAI TUẦN II
 
Kinh Sáng
 
Tv 41: Quy hướng về Chúa và Đền Thánh
Ai khát, hãy đến; và ai muốn, hãy lãnh lấy nước trường sinh (Kh 22,17).
 
I. Thánh vịnh 41 là lời cầu nguyện của một thầy Lê-vi trong thời lưu đày; ông luyến nhớ đền thờ Thiên Chúa nơi quê hương cách sâu xa đến nỗi so sánh tâm trạng của mình với hình ảnh con nai khát nước mong tìm nguồn suối.
II. Ta có thể coi thánh vịnh này như là lời cầu nguyện của Đức Ki-tô, trong khi cử hành nghi lễ vượt qua, mong muốn gặp gỡ Chúa Cha.
III. Hình ảnh con nai khao khát tìm về nguồn suối là một trong những chủ đề phổ biến nhất của trong tranh ảnh Ki-tô giáo thời cổ, đặc biệt trong việc trang trí các giếng rửa tội.
IV. Đọc thánh vịnh này, chúng ta được thúc giục ao ước ân sủng Thiên Chúa, và khát mong vinh quang thiên đường.
 
 
Tc Hc 36, 1-5.10-13: Cầu cho thành thánh Giê-ru-sa-lem
Sự sống đời đời là nhận biết Chúa Cha, Thiên Chúa duy nhất chân thật, và Đức Giê-su Ki-tô mà Chúa Cha sai đến (Ga 17,3).
 
I. Bài thánh ca diễn tả tâm trạng của những người Do Thái đạo đức vào đêm trước cuộc nổi dậy của anh em nhà Ma-ca-bê; đây là lời cầu nguyện thống thiết cho cuộc phục hồi Ít-ra-en.
II. Thiên Chúa đã đáp lại lời cầu nguyện của dân Người bằng cách gởi anh em nhà Ma-ca-bê đến với họ, nhưng nhất là Người đã sai Con của Người đến cứu độ, không chỉ dân tộc Do Thái mà là tất cả nhân loại.
III. Giáo hội lữ hành, luôn bị đàn áp và bách hại, đọc bài thánh ca này để cầu xin Chúa tái thực hiện những điều kỳ diệu Người đã làm nơi Đức Ki-tô.
IV. Cũng giống như trong lịch sử dân tộc Do Thái, đôi khi nhờ những khó khăn của cuộc sống mà Thiên Chúa nhắc nhở chúng ta trở về đường ngay nẻo chính; bài thánh ca gợi cho chúng ta lời nguyện để xin ơn tha thứ.
 
Tv 18A: Ca tụng Chúa tạo thành
Thiên Chúa khiến vầng đông tự chốn cao vời tỏa xuống hào quang sáng chói, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an (Lc 1,78-79).
 
I. Phần đầu của thánh vịnh 18 là một ca khúc vịnh gia dâng lên Đấng Tạo Hóa, sau khi đã lắng nghe những âm thanh bí ẩn và hùng hồn của các tầng trời loan báo vinh quang Thiên Chúa.
II. Thánh Phao-lô nhắc nhở chúng ta rằng nhờ Đức Ki-tô mà muôn vật đã được tạo thành, mọi sự trên trời và dưới đất, hữu hình và vô hình (x. Cl 1,15).
III. Giáo Hội là bầu trời mới, nơi mà nhờ các tông đồ và các thế hệ liên tiếp vang lên lời loan truyền vinh quang Thiên Chúa.
IV. Là tiếng nói cho tất cả mọi thụ tạo, chúng ta hãy trở thành những các ngôi sao trên không trung của Thiên Chúa, để tường thuật vinh quang của Người, và loan truyền công trình mà Người đã thực hiện.
 
 
Kinh Chiều
 
 
Tv 44,2-10: Hôn lễ quân vương
Kìa Tân Lang đã tới, hãy tiến ra đón Người (Mt 25,6).
 
I. Phần thứ nhất của thánh vịnh 44 đề cập đến một hôn lễ hoàng gia; vịnh gia ca ngợi vẻ đẹp của nhà vua, tán dương quyền lực của vua và khuyến khích nhà vua hãy đấu tranh cho chân lý.
II. Nhà vua, Đấng được Chúa xức dầu, tiên báo Đức Ki-tô; chính ông Gio-an Tẩy Giả giới thiệu Người như  lang quân, còn mình chỉ là bạn của chú rể (x. Ga 3,29).
III. Giáo Hội vui mừng được làm hôn thê của Đấng tuyệt mỹ vô song, Đấng chiến thắng tất cả các kẻ thù, vị thẩm phán công minh.
IV. Thánh vịnh này nhắc nhớ chúng ta về phẩm giá mà mỗi người chúng ta được kêu gọi, khi Thiên Chúa tạo dựng nên chúng ta, và nhất là Người tái tạo chúng ta nhờ các bí tích thánh tẩy và  hòa giải.
 
Tv 44,11-18: Quân Vương và Tân Nương trong hôn lễ
Tôi thấy thành thánh là Giê-ru-sa-lem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm đón chờ Đức lang quân (Kh 21,2).
 
I. Phần thứ hai của thánh vịnh 44 ca ngợi quân vương và vị hôn thê; vịnh gia khích lệ tân nương hãy quên đi dân tộc, gia đình mình để chỉ chú tâm vào vị hôn phu của mình.
II. Trong việc nhập thể, Con Thiên Chúa cử hành hôn lễ với nhân loại, làm cho nhân loại được thông phần vào ân sủng và những phúc lành mà Chúa Cha đã ban tràn trề cho Người.
III. Thánh vịnh 44 là lời loan báo tuyệt vời về Giáo Hội, được giới thiệu như là vị hôn thê của Đức Ki-tô, được trang điểm lộng lẫy bởi ân sủng và được nên phong phú nhờ ân huệ của các bí tích.
IV. Chúng ta cũng được thông hiệp vào cuộc kết hợp của Giáo Hội với Chúa; như thánh Phao-lô nêu rõ: “Tôi đã đính hôn anh em với một tân lang duy nhất là Đức Ki-tô, để tiến dâng anh em cho Người như một trinh nữ thanh khiết” (2Cr 11,2).
 
Tc Ep 1,3-10: Ca tụng Thiên Chúa cứu độ
 
I. Bài thánh ca loan báo kế hoạch của Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ: Thiên Chúa muốn khôi phục tất cả muôn loài trong Đức Ki-tô, để quy tụ tất cả nơi Người.
II. Chúa Ki-tô thâu họp nơi Người tất cả mọi sự trên trời dưới đất.
III. Với bài thánh ca này, Giáo hội nhắc nhở con người đích điểm mà họ phải hướng tới: đó là Thiên Chúa là Cha của họ; và khuôn mẫu mà họ phải noi theo: đó là Đức Ki-tô là người anh của họ.
IV. Chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã chọn chúng ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, Người đã tiền định cho chúng ta trở nên nghĩa tử của Người và đã cứu chuộc chúng ta nhờ bửu huyết của Đức Ki-tô.
 
 
THỨ BA TUẦN II
 
Kinh Sáng
 
 
Tv 42: Quy hướng về Đền Thánh
Tôi là ánh sáng, tôi đã đến thế gian (Ga 12,46).
 
I. Thánh vịnh 42 diễn tả ước muốn được sống trong đền thờ; vịnh gia cầu xin Thiên Chúa ban ánh sáng và công lý của Người, để ông tìm được niềm vui và hân hoan trong lời kinh ca tụng.
II. Thánh vịnh này diễn tả tâm trạng của Đức Ki-tô trong lúc chịu khổ nạn, khi Ngài cầu nguyện với Chúa Cha xin bảo vệ Ngài khỏi mưu chước kẻ thù.
III. Bàn thờ là hình ảnh của Đức Ki-tô; đó là lý do mà Giáo Hội qua bao thế kỷ đã đọc thánh vịnh này khi bắt đầu cử hành Thánh lễ.
IV. Thánh vịnh 42 nhắc nhở chúng ta rằng , khi cử hành phụng vụ trước bàn thờ Chúa, chúng ta cảm nếm trước phụng vụ thiên quốc, nơi mà chúng ta đang trên hành trình tiến tới.
 
Tc Is 38, 10-14.17-20: Sắp chết thì lo âu, nhưng được lành bệnh thì vui mừng
Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết và nay Ta có quyền trên sự chết (Kh 1,17-18).
 
I. Vua Ê-dê-ki-a, sau khi được chữa lành khỏi căn bệnh hiểm nghèo, đã cất lên bài thánh vịnh này, nhớ lại những lời than vãn về cái chết sắp xảy đến và lời van xin được chữa lành; đặc biệt, ông cảm tạ Chúa vì  đã được bình phục.
II. Đức Ki-tô cũng đã xướng bài thánh ca này, không phải vì đã được chữa khỏi bệnh tật nhưng vì được giải thoát khỏi nỗi buồn phiền xao xuyến bởi cái chết.
III. Nhiều lần cảm thấy buồn phiền vì sự bách hại, Giáo Hội dâng bài thánh vịnh này để cầu xin sự trợ giúp và tạ ơn Thiên Chúa vì Người vẫn luôn cứu trợ.
IV. Chúng ta hãy cầu nguyện với thánh vịnh này, để được giải thoát khỏi tội lỗi là cái chết thiêng liêng, và tạ ơn Thiên Chúa vì đã độ lượng sẵn sàng tha thứ cho chúng ta.
 
Tv 64: Lời tạ ơn long trọng
Thiên Chúa hằng sống, Đấng không ngừng làm chứng cho mình, khi thi ân giáng phúc, ban mưa từ trời và mùa màng sung túc, và cho các bạn được no lòng, được an vui (x. Cv 14,17).
 
I. Thánh vịnh 64 tán dương công trình sáng tạo, nhờ đó Thiên Chúa  đã chiến thắng sự hỗn loạn nguyên thủy, và diễn tả niềm vui của các thụ tạo vì được tình yêu Thiên Chúa chiếu cố.
II. Sự sống và những phúc lành của Thiên Chúa tràn đầy trong thế giới tự nhiên làm chúng ta liên tưởng đến ân sủng và những phúc lành thiêng liêng mà Thiên Chúa, qua Đức Ki-tô, đã đổ tràn xuống cho nhân loại.
III. Đối với người Do thái, thánh vịnh 64 là một bài ca mùa xuân; đối với Giáo hội, đây là một bài thánh thi Phục sinh; do những hình ảnh về nước phong nhiêu, thánh vịnh còn là một bài ca dùng trong bí tích thánh tẩy.
IV. Thánh vịnh này nhắc nhớ chúng ta về những điều kỳ diệu Chúa làm trên thế giới và giúp chúng ta tái khám phá tình yêu Chúa trong mọi sự, thúc đẩy chúng ta ca tụng Chúa.
 
 
Kinh Chiều
 
Tv 48,1-13: Của đời phù vân
Người giàu có khó vào Nước Trời (Mt 19,23).
 
I. Phần thứ nhất của thánh vịnh 48 tuyên bố sự phù vân của tiền của; khi đối diện với vấn đề sự hiện diện của người nghèo và người giàu, vịnh gia quả quyết  rằng mọi người đều bình đẳng trước cái chết.
II. Đức Ki-tô đã chọn cuộc sống nghèo khó tín thác vào Thiên Chúa và coi nó như một giá trị;  đối lại, Người lên án sự giàu có, vì nó trở thành đầu mối lo âu cho người cậy dựa vào nó.
III. Nhớ rằng “người giàu có khó vào Nước Trời” (Mt 19,23), với thánh vịnh này, Giáo Hội nhắc nhở con người của thời đại chúng ta rằng tiền tài là một mối nguy hiểm.
IV. Mỗi khi bị tiền bạc quyến rũ, chúng ta hãy nghe lời Chúa nói: “Đồ ngốc, nội đêm nay người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn sẽ về tay ai?” (Lc 12,20).
 
Tv 48, 14-21: Sự giàu có nguy hại đến ơn cứu độ
Đồ ngốc, những gì ngươi sắm sẵn sẽ về tay ai? Phúc cho những ai lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa (x. Lc 12,20.21).
 
I. Phần thứ hai của thánh vịnh 48 đảm bảo rằng của cải là phù vân, vịnh gia khẳng định rằng những người giàu được hưởng sự sung túc hào nhoáng ở thế gian, nhưng có nguy cơ mất ơn cứu độ đời đời.
II. Đức Ki-tô đã nhiều lần nói về sự nguy hiểm của tiền tài, bởi vì nó bóp nghẹt lời của Chúa trong tâm hồn.
III Ý thức rằng: “Phúc cho những ai lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa” (Lc 12,21), Giáo Hội mời gọi con người đừng đặt niềm tín thác vào tiền của, nhưng hãy nhận ra mối nguy hại nó gây ra cho linh hồn.
IV. Chúng ta hãy suy nghĩ lời thánh Phao-lô đã nói: “Chúng ta đã không mang gì vào trần gian, thì cũng chẳng mang gì ra được. Vậy nếu có cơm ăn áo mặc, ta hãy lấy thế làm đủ” (1Tm 6,7-8).
 
Tc Kh 4,11; 5,9.10.12: Những người được Chúa cứu chuộc, dâng lời ca ngợi Chúa
 
I. Đây là bài thánh ca của những người được Chúa cứu chuộc, được kết hợp từ ba bài thánh ca dâng lên Đức Ki-tô khi Người, là Con Chiên được sát tế, mở ra quyển sách có bảy dấu ấn.
II. Bằng việc sát tế chính mình, Đức Ki-tô đã chinh  phục về cho Thiên Chúa muôn người thuộc mọi chi tộc, mọi ngôn ngữ; do đó Người xứng đáng nhận mọi lời tôn vinh và chúc tụng.
III. Với bài thánh ca này, Giáo Hội dâng lời chúc tụng Thiên Chúa là Đấng tạo dựng vũ trụ, và ngợi khen Đức Ki-tô là Đấng cứu chuộc nhân loại.
IV. Hợp lời với các vị bô lão, bốn con vật và các thiên thần, chúng ta - những người được cứu độ,  hãy dùng thánh ca này để ca ngợi  Đức Ki-tô.
 
 
THỨ TƯ TUẦN II
 
Kinh Sáng
 
Tv 76: Hồi tưởng những kỳ công của Chúa
Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp:Đấng đã làm cho Chúa Giê-su trỗi dậy cũng sẽ làm cho chúng tôi trỗi dậy cùng với Đức Giê-su (2 Cr 4, 8.14).
 
I.Thánh vịnh 76 nhắc nhớ rằng Thiên Chúa vẫn thương tái hiện những điều kỳ diệu; vịnh gia kiếm tìm sự an ủi nơi Thiên Chúa giữa những tai ương xảy đến cho Giê-ru-sa-lem, và bất chấp mọi thử thách, ông vẫn hy vọng nơi Chúa.
     II. Cũng như nỗi buồn của dân Israel tập trung vào vịnh gia, thì nỗi buồn của nhân loại cũng tập trung vào Đức Ki-tô; đó là lý do tại sao Người hướng về Chúa Cha với cũng những lời nói: “tâm hồn Thầy xao xuyến”.
     III. Được cứu chuộc nhờ quyền năng Thiên Chúa, nhân loại nhận ra sự cay đắng của tội lỗi, và tìm lại được con đường dẫn tới sự sống mới trong Giáo Hội và trong dòng nước thanh tẩy.
IV. Thánh vịnh 76 dạy chúng ta hãy thông phần vào sự đau khổ của nhân loại; và cũng thúc giục chúng ta nhớ lại lịch sử của nhân loại, để nhìn nhận ra những dấu hiệu rõ ràng của tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta.

Tc 1 Sm 2,1-10: Người khiêm nhường hỷ hoan vì Chúa
Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư, người giàu có lại trở về tay trắng (Lc 1,52-53).
 
     I. Bà Anna, được làm mẹ cách diệu kỳ, hát dâng bài thánh ca lên Chúa, tin chắc rằng Thiên Chúa gìn giữ bước chân người công chính, và Chúa là niềm vui và hy vọng của kẻ khiêm nhu.
     II. Đức Ki-tô đã đến thế gian để phục vụ, Người đã rửa chân cho các môn đệ và chịu kết án với cái chết ô nhục; nhưng Người đã được tôn vinh vào ngày phục sinh.
     III. Theo gương Đức Giê-su là vị sáng lập, Giáo Hội phục vụ con người và đấu tranh chống lại cám dỗ của quyền lực; thật vậy, Thiên Chúa bẻ gãy cung tên kẻ hùng mạnh và bao bọc người yếu thế bằng sức mạnh.
     IV. Chúng ta hãy không ngừng bày tỏ niềm vui và hy vọng vào Thiên Chúa, nhất là khi Người biểu lộ tình thương của Người cách tuyệt vời trên chúng ta.
 
     Tv 96: Chúa vinh quang khi xét xử
Thánh vịnh này có ý nói về việc Chúa cứu độ thế gian và muôn dân tin vào Người (thánh A-tha-na-xi-ô).
 
I. Thánh vịnh 96 tán dương vinh quang Thiên Chúa khi xét xử; vịnh gia nhắc nhớ rằng niềm hy vọng cần phải hướng về cuộc sống mai hậu; niềm hy vọng sẽ mất ý nghĩa nếu chỉ dừng lại ở trần thế này.
II. Thật là thích hợp khi áp dụng cho Đức Ki-tô câu thánh vịnh: “chư thần chư thánh, phục bái Chúa đi”, dù là hiểu về cuộc nhập thể hay là về lúc quang lâm vào ngày chung thẩm.
     III. Giáo Hội lữ hành luôn nghĩ đến cuộc chiến thắng cuối cùng của Đức Ki-tô, khi mà Giáo Hội sẽ được thông phần vinh quang của Đức Lang Quân; chính vì vậy Giáo Hội cầu xin: “lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến” (Kh 22,20).
IV. Theo dòng thời gian, con người quá chú tâm đến những thực tại trần thế; cần phải đánh thức sự chú ý tới ngày Chúa đến.
 
Kinh Chiều
 
     Tv 61: An bình trong tay Chúa
Nguyện xin Thiên Chúa là nguồn hy vọng ban cho anh em được đầy tràn hoanlạc và bình an trong đức tin (Rm 15,13).
 
     I. Thánh vịnh 61 khẳng định rằng chỉ nơi Thiên Chúa chúng ta mới tìm được an bình, bởi vì chỉ mình Người là ơn cứu độ và là thành trì bảo vệ ta; thánh vịnh cũng nhắc nhở nhớ rằng sự tin tưởng vào vũ lực và tiền bạc là  hão huyền.
     II. Trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta; vì vậy chúng ta hãy tìm nương náu và hy vọng nơi Người, vì nhờ Người mà chúng ta đến được với Chúa Cha.
III. Kinh nghiệm của Ít-ra-en về sự dẫn dắt quyền năng của Thiên Chúa được tái diễn trong Giáo Hội là đoàn dân mới, dân được tuyển chọn; vì vậy, cũng như ông Áp-ra-ham, Giáo Hội cương quyết tin tưởng kể cả trong hoàn cảnh mất hy vọng.
IV. Thánh vịnh khích lệ chúng ta hãy tin cậy vào Thiên Chúa ngay giữa những thử thách; bởi vì quyền lực chính trị hay quyền lực  kinh tế không có khả năng giải quyết những vấn đề đích xác của chúng ta, là những vấn đề thuộc lãnh vực tâm linh.
 
Tv 66: Muôn nước hỡi, hãy xưng tụng Chúa
Anh em hãy biết rằng: Ơn cứu độ của Thiên Chúa đã được gửi đến cho dân ngoại (Cv 28,28).
 
     I. Thánh vịnh 66 mời gọi mọi người hãy xưng tụng Chúa; sau một mùa gặt bội thu, vịnh gia cầu xin ban thêm những ân huệ khác, ngõ hầu có thể tỏ cho thế gian thấy dung nhan đích thật và lòng nhân từ của Thiên Chúa.
II. Cuộc khổ nạn và cái chết trên thập giá của Đức Ki-tô làm sáng rõ dung nhan của Thiên Chúa, và mang lại  cho nhân loại sự chúc lành của Chúa Cha.
     III. Truyền thống Giáo Hội nhìn nhận ở nơi thánh vịnh 66 tiếng nói của tông đồ, cầu xin phúc lành của Thiên Chúa cho tất cả mọi dân tộc; Giáo Hội vẫn tiếp tục sứ vụ chuyển cầu này.
     IV. Thánh vịnh này dạy chúng ta hướng lòng từ những thực tại vật chất sang thực tại thiêng liêng; đây cũng là lời khẩn nguyện để cho đạo Chúa được mở rộng, và như vậy mang lại cho lời nguyện của chúng ta tầm mức hoàn vũ..
 
Tc Cl 1,12-20: Quyền trưởng tử của Đức Ki-tô
Đức Ki-tô được sinh ra trước mọi loài thụ tạo, là trưởng tử của những người được sống lại từ cõi chết.
 
I. Có lẽ bài thánh ca phụng vụ này đã có trước thánh Phao-lô, loan báo quyền bá chủ của Ngôi Lời nhập thể trong trật tự tạo dựng cũng như trong trật tự cứu chuộc.
II. Được sinh ra trước mọi loài thụ tạo, Đức Ki-tô - trong hình dạng con người hữu hình, đã mạc khải cho nhân loại về Thiên Chúa vô hình; Người cũng là trưởng tử trong trật tự sáng tạo, và mở rộng hoạt động ra toàn thể vũ trụ.
III. Qua bài thánh ca này, Giáo Hội mời gọi mọi người nỗ lực trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô, để cho Người trở thành vua của họ.
IV. Chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa vì đã ban cho chúng ta được trở nên công dân nước trời;  tạ ơn Đức Ki-tô vì nhờ bửu huyết của Người đã hòa giải chúng ta với Chúa Cha.
 
 
 
THỨ NĂM TUẦN II
 
Kinh Sáng
 
     Tv 79: Lạy Chúa, xin thăm nom vườn nho của Chúa
Lạy Chúa Giê-su, xin hãy đến (Kh 22,20).
 
     I. Thánh vịnh 79 là lời khẩn cầu Thiên Chúa viếng thăm vườn nho của Người; vịnh gia nhắc lại mối quan tâm của Thiên Chúa dành cho dân Người, ví như gốc nho được bứng từ Ai Cập và đã phủ kín khắp  đất nước.
     II. Chắc hẳn Đức Giê-su đã nhắc lại thánh vịnh này, khi kể dụ ngôn về những người thợ vườn nho bất lương và so sánh mình với cây nho thật.
     III. Giáo Hội là vườn nho của Thiên Chúa, nhưng bị tàn phá bởi những kẻ bắt bớ và những Ki-tô hữu xấu; Giáo Hội trải qua nhiều khó khăn thử thách trong lịch sử và, vì thế Giáo Hội cầu xin Thiên Chúa viếng thăm.
IV. Mầu nhiệm Giáo Hội được tái diễn nơi cuộc đời mỗi Ki-tô hữu là cành nho đích thực của cây nho thật là Đức Ki-tô; chúng ta hãy duy trì sự kết hiệp với Người để trổ sinh hoa trái tốt.
 
     Tc Is 12,1-6: Được cứu chuộc, dân Chúa ca ngợi Chúa
Ai khát, hãy đến với tôi mà uống (Ga 7,37).
 
     I. Bài thánh ca, được xen vào đoạn kết thúc cuốn sách nói về Đấng Em-ma-nu-en (Isaia chương 6-12), là bài ca tạ ơn Thiên Chúa vì những lần Người can thiệp trong lịch sử của dân được tuyển chọn.
     II. Cuộc giải phóng nhân loại được thực hiện nơi Đức Ki-tô là Đấng Em-ma-nu-en đích thật; thật vậy Người  hiện diện trong suốt lịch sử ơn cứu độ và do đó hiện diện trong thời buổi hôm nay.
     III. Là đoàn dân được cứu chuộc, Giáo Hội dâng bài thánh ca này lên Chúa, xin Người luôn là sự cứu thoát và sức mạnh cho mình qua việc tiếp tục thực hiện những điều kỳ diệu.
     IV. Mỗi người chúng ta là một kẻ được cứu độ và có thể có Thiên Chúa đứng bên cạnh; tuy nhiên, chúng ta hãy tìm cách gặp gỡ Người, bởi vì Người không áp đặt gì hết nhưng chờ mong lời thỉnh cầu của chúng ta.
 
Tv 80: Long trọng nhắc lại lời giao ước
Anh em hãy coi chừng, đừng để ai trong anh em có lòng dạ xấu xa và không tin tưởng (Dt 3,12).
 
     I. Thánh vịnh 80 nhắc nhớ  việc tái lập giao ước; Thiên Chúa than vãn về sự bất trung của dân Ít-ra-en nhưng vẫn sẵn sàng lặp lại các điều kỳ diệu của Người; tuy nhiên Người mong đợi dân hãy gắn bó và và tuân phục.
     II. Trong Tin Mừng chúng ta nghe vọng lại phần thứ hai của thánh vịnh trong những lời  của Đức Giê-su: “Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem ...” (Mt 23,37); nhưng tiếng đó vẫn không được lắng nghe.
     III. Phụng vụ Giáo Hội nhắc lại những công trình kỳ diệu Chúa làm trong quá khứ, để khơi lên trong lòng con người hôm nay niềm tin tưởng vào Chúa, Đấng luôn hiện diện trong lịch sử cũng với một tình yêu như xưa.
     IV. Thiên Chúa tiếp tục yêu thương và bảo vệ chúng ta; vì vậy chúng ta hãy lắng nghe tiếng Người và trung thành tuân giữ giao ước với Người.



Kinh Chiều
 
     Tv 71,1-11: Vương quyền của Chúa Ki-tô
Các nhà chiêm tinh mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến Hài Nhi (Mt 2,11).
 
     I. Phần thứ nhất của thánh vịnh 71 loan báo vương quyền của Đấng Mêsia; thánh vịnh này phác hoạ rõ nét hơn cả hình ảnh lý tưởng của nhà vua nhìn dưới bối cảnh của vương quyền Thiên Chúa.
     II. Lối nói cường điệu về những gì liên quan đến một vị vua và vương quốc của ông đã trở nên sự thật lịch sử ở cuộc hiện diện của Đức Kitô là Đấng Mêsia; Đức Giê-su chính là vị vua đã được loan báo.
     III. Các giáo phụ nhận ra trong thánh vịnh này lời cầu nguyện mà Giáo Hội xin cho vương quốc của Chúa Ki-tô ngự đến, để cho tất cả các dân tộc có thể chung phần vào ánh sáng của Ngài.
IV. Là những công dân của vương quốc Đức Ki-tô, chúng ta hãy cùng với vua của Thác-xi và các hải đảo mang lễ vật tiến dâng vị vua của chúng ta, đặc biệt bằng cách gìn giữ lòng trung tín với lời hứa khi lãnh bí tích rửa tội.
 
 
     Tv 71, 12-19: Vương quốc bình an và phúc lành
 
Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo (Mt 16,15).
 
     I. Phần thứ hai của thánh vịnh 71 loan báo một vương quốc hoà bình và phúc lành; theo truyền thống Do Thái, thánh vịnh này ám chỉ rõ ràng  Đấng Mêsia và vương quốc của Người.
     II. Thánh vịnh này đề cập đến vương quốc của Đức Ki-tô, vương quốc công lý và ân sủng, thịnh vượng và hoà bình; vương quốc trong đó những người nghèo nàn, lầm than, bị áp bức đều tìm được ơn giải thoát.
III. Mặc dầu phải vượt qua những thử thách, Giáo Hội khi đọc thánh vịnh này, bày tỏ niềm xác tín rằng vương quốc của Đức Ki-tô đã hiện diện rồi và sẽ tỏ bày hoàn toàn trong ngày sau hết.
     IV. Chúng ta hãy vui mừng vì được thuộc về vương quốc của Đức Ki-tô, trong vường quốc này, mặc dầu vẫn đang phải trải qua muôn vàn thử thách, chúng ta vẫn được hưởng bình an nội tâm và chắc chắc được Thiên Chúa chúc lành.



Tc Kh 11,17-18; 12,10-12: Chúa xét xử thế gian.
 
     I. Trong thánh ca này, phụng vụ kết nối bài hát nói về việc tái lập vương quốc của Đấng Mêsia với lời  công bố sự chiến thắng vang lên trên bầu trời sau khi con rồng bị đánh bại.
II. Đức Ki-tô là Đấng được Thiên Chúa xức dầu; tất cả mọi quyền lực chống đối quyền bính của Người, kể cả sa-tan, đều bị đánh bại.
III. Với bài thánh ca này, Giáo hội tạ ơn Thiên Chúa, bởi vì nhờ Đức Ki-tô, Chúa đã tái lập vương quốc của Người, thưởng công cho các tôi tớ Người và đã tống cổ con rồng xuống đất.
IV. Thật là chính đáng khi tạ ơn Đức Kitô, Đấng đã chiến thắng sa-tan, hoàn thành ơn cứu độ, tái lập vương quốc của Thiên Chúa và ban cho chúng ơn được trở thành  công dân của vương quốc ấy.
 
 
THỨ SÁU TUẦN II
 
Kinh Sáng
 
Tv 50: Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con
Anh em phải đổi mới tâm can, và mặc lấy con người mới (Ep 4,23-24)
 
I. Thánh vịnh 50, do vua Đa-vít soạn ra sau khi phạm tội ngoại tình và sát nhân, là lời khẩn nài của dân Chúa xin ơn tha thứ vì nhiều lần  bất trung phạm đến Người.
II. Chúa Giê-su đền  tội thay thế  cho loài người,  và với thánh vịnh này, Người khẩn nài Chúa Cha  tha thứ; Người xưng thú tội lỗi của tất cả nhân loại và cầu xin Cha thương xót họ.
III. Thánh vịnh được dùng trong các ngày thứ sáu quanh năm và được Giáo Hội dùng trong nghi thức sám hối, nhằm khơi lên sự canh tân tâm hồn và trở thành bài ca chỗi dậy cuộc đời mới.
IV. Khi chúng ta sa ngã phạm tội, thánh vịnh này quả quyết cho chúng ta biết, nếu chúng ta muốn, Thiên Chúa sẽ tạo ra trong chúng ta một trái tim trong sạch và ban cho chúng ta niềm vui vì được cứu độ.
 
Tc Kb 3, 2.4.13.15-19: Thiên Chúa ngự đến xét xử
Anh em hãy ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được giải thoát (Lc 21,27).
 
I. Bài thánh ca loan báo cuộc phán xử của Thiên Chúa trong một cuộc can thiệp vĩ đại để cứu độ người lành và trừng phạt kẻ ác; tiên tri Kha-ba-cúc và dân được Chúa thánh hiến đã tìm được nguồn sức mạnh và tin tưởng.
II. Có thể xem thánh ca này tiên báo về cuộc chung thẩm; khi đọc lên, chúng ta lắng nghe lời của Chúa Giê-su: “thiên hạ sẽ nhìn thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến” (Lc 21,27).
III. Dù lo sợ phán quyết công minh của Thiên Chúa, Giáo Hội vẫn bình thản mong chờ ngày đó; bởi vì Hội thánh đợi chờ với niềm xác tín rằng Thiên Chúa muốn cứu độ dân Người.
IV. Biết rằng Thiên Chúa sẽ nhớ lại lòng thương xót của Người, giống như ông Kha-ba-cúc, chúng ta hãy chờ đợi với lòng tín thác cuộc phán xử của Thiên Chúa, Đấng là sức mạnh của chúng ta.
 
Tv 147: Giê-ru-sa-lem được hưng phục
Lại đây, Ta sẽ cho ngươi thấy Tân Nương, hiền thê của Chiên Con (Kh 21,9).
 
     I. Thánh vịnh 147 loan báo việc tái thiết Giê-ru-sa-lem; vịnh gia mời gọi thành thánh hãy ca ngợi Thiên Chúa, Đấng sáng tạo và thống trị toàn cõi địa cầu.
     II. Sự liên kết giữa Thiên Chúa với loài người được tượng trưng nơi thành phố Giê-ru-sa-lem, đạt đến đỉnh cao nơi biến cố nhập thể, khi Thiên Chúa trở nên con người nơi Đức Kitô.
III. Giê-ru-sa-lem cổ là hình bóng của Giáo Hội, Giê-ru-sa-lem thiêng liêng, “hiền thê của Chiên Con” (Kh 21,29); Giáo hội phải không ngừng ca ngợi và tạ ơn Đấng đã dựng nên mình.
IV. Chúng ta cũng là đối tượng của lòng Chúa yêu thương, được hưởng những ân huệ Chúa thương ban; với thánh vịnh này, chúng ta hãy ca ngợi Chúa, Đấng luôn biểu lộ quyền năng của Người.



Kinh Chiều
 
Tv 114: Lời kinh tạ ơn
Ta phải trải qua nhiều gian khổ mới vào được Nước Thiên Chúa (Cv 14,21).
 
I. Thánh vịnh 114 là một ca khúc tạ ơn, thánh vịnh thứ ba của bộ Hallel, được đọc cuối bữa tiệc vượt qua để tạ ơn Thiên Chúa đã can thiệp diệu kỳ vào lịch sử của dân Israel.
II. Đức Giê-su đã hát bài ca này sau khi thiết lập tiệc vượt qua mới; Người tạ ơn  Chúa Cha đã ban bí tích Thánh Thể cho loài người.
III. Thật là hữu lý khi Giáo Hội sử dụng  thánh vịnh tạ ơn này, bởi vì cuộc vượt qua mà Giáo hội cử hành cùng với Đức Ki-tô là cuộc giái phóng đích thực.
IV. Cuộc đời mỗi người chúng ta là một lịch sử thánh, được ghi dấu bằng những lần Thiên Chúa liên lỉ can thiệp; mỗi khi chúng ta cầu nguyện với thánh vịnh này thì chính Đức Ki-tô dẫn đưa chúng ta đến cùng Chúa Cha để dâng lời tạ ơn cho chúng ta và với chúng ta.



Tv 120: Chúa là Đấng bảo vệ dân
Họ sẽ không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt hành hạ nữa (Kh 7,16).
 
I. Thánh vịnh 120, một trong những ca khúc lên đền, mời gọi tin tưởng vào Đấng bảo vệ Ít-ra-en; người hành hương thắc mắc muốn biết tìm đâu ra nguồn trợ lực để đạt đến cùng đích;  thánh vịnh này đảm bảo rằng Thiên Chúa sẽ luôn ở kề bên họ.
II. Những điều mà thánh vịnh công bố thì đã được hiện thực nơi Đức Ki-tô; nhờ Mình và Máu của mình, Đức Ki-tô gìn giữ sự sống đời đời cho các chi thể của thân thể nhiệm mầu.
III. Với thánh vịnh này, Giáo hội lữ hành trên dương thế cầu nguyện cho những người tị nạn và lưu vong, khuyến khích họ hãy cắm mắt nhìn về núi thánh của Thiên Chúa trong cuộc hành trình của mình.
IV. Thánh vịnh 120 dạy cho chúng ta biết rằng sự thăng tiến tâm linh tuỳ thuộc vào đức tin tuyệt đối vào ân sủng, và vào sự bảo vệ không ngừng của Thiên Chúa, Đấng chăm sóc chúng ta từ khi sinh ra cho đến lúc chết.
 
Tc Kh 15,3-4: Những người được Chúa cứu chuộc đồng thanh ca ngợi và thờ lạy Chúa
 
     I. Bài thánh ca là thánh thi trên trời tôn vinh Con Chiên hiển thắng, được hát bởi những người trung thành với Đức Ki-tô trong cuộc giao tranh mà sa-tan bày ra để chống lại Đức Ki-tô.
II. Chúa Ki-tô, sau khi cứu rỗi nhân loại, dâng bài thánh ca lên Thiên Chúa, cũng giống như ông Mô-sê đã làm sau khi giải thoát dân khỏi Ai-Cập.
III. Giáo Hội hát dâng bài thánh ca này lên Thiên Chúa, vì Người đã thực hiện biết bao kỳ công, và đã tỏ bày sự thánh thiện và công lý của Người nơi  biến cố nhập thể và cứu chuộc.
IV. Ghi nhớ rằng chúng ta đã được cứu chuộc nhờ máu của Đức Ki-tô, Chiên Thiên Chúa của giao ước mới, chúng ta hãy dâng lên Thiên Chúa, thay cho tất cả mọi người, bài thánh ca mừng ơn giải thoát.
 
 
THỨ BẢY TUẦN II

 

Kinh Sáng


Tv 91: Ca tụng Chúa Hóa Công
Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được (Ga 15,5)
 
I. Thánh vịnh 91 ngợi khen Đấng Tạo Hóa, và bày tỏ niềm vui được cảm nghiệm khi chiêm ngắm những kỳ công của Thiên Chúa và khi suy niệm về sự khôn ngoan mà Người điều hành vũ trụ.
II. Oai nghi và tình yêu của Đấng Hóa Công được biểu lộ cách đặc biệt trong mầu nhiệm nhập thể và cuộc đời Đức Ki-tô.
III. Thánh vịnh 91 tán dương sự khôn ngoan của Thiên Chúa được tỏ ra trong cuộc đời của các thánh, họ là những  cây được trồng và phát triển trong vườn của Thiên Chúa là Giáo Hội.
IV. Thánh vịnh này nhắc đến bí quyết làm nên sự cao cả của chúng ta: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).
 
 
Tc Đnl 32, 1-12: Những ân huệ Chúa ban cho dân Người
Biết bao nhiêu lần Ta đã muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh (Mt 23,27).
I. Trong thánh ca này, ông Môsê trước khi nhắm mắt, đã nhắc lại những ơn lành Thiên Chúa ban cho dân được tuyển chọn, và đã ca tụng quyền năng của Chúa của dân Ít-ra-en, là Thiên Chúa chân thật và duy nhất.
II. Lòng thương xót của Thiên Chúa được biểu lộ nơi Đức Ki-tô, Đấng muốn quy tụ tất cả nhân loại quanh Người, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh (x. Mt 23,27).
III. Nhìn lại lịch sử của mình, Giáo Hội nhận ra tình yêu thương vô bờ của Thiên Chúa và của Đức Ki-tô; vì thế Giáo hội cảm thấy có bổn phận dâng lên Chúa bài thánh ca tạ ơn này.
IV. Lòng nhân từ của Thiên Chúa cũng được biểu lộ nơi cuộc đời của mỗi người chúng ta; vì thế chúng ta hãy chú ý đến mọi cách thức Thiên Chúa tỏ bày tình yêu đối với ta, ngõ hầu dâng lên Người  tâm tình tạ ơn.
 
Tv 8: Oai phong Thiên Chúa và phẩm giá con người
Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Ki-tô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh (Ep 1,22).
 
I. Thánh vịnh 8 tán dương oai phong của Thiên Chúa và phẩm giá của con người; ra như được chiêm ngưỡng vườn địa đàng khi các thụ tạo vừa được bàn tay Chúa tạo dựng.
II. Con người được nhắc đến trong thánh vịnh tiên vàn là Đức Ki-tô, bởi vì chỉ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, là hình ảnh của Thiên Chúa và con người toàn hảo, mà mầu nhiệm con người được sáng tỏ.
III. Với thánh vịnh này, Giáo Hội chiêm ngưỡng oai phong Thiên Chúa, được biểu lộ nơi Đức Ki-tô, nơi mỗi người Ki-tô hữu và nơi toàn thể thụ tạo.
IV. Trong tĩnh lặng của đêm tối, đứng trước bầu trời đầy sao, thực sự chúng ta cảm thấy mình bé nhỏ, nhưng đồng thời cũng ngưỡng mộ sự vĩ đại của Thiên Chúa, Đấng đã đặt chúng ta làm đầu toàn thể thụ tạo.