Friday, 24 January 2020 01:24

Mùa Vọng: Vài Điều Cần Biết Về Khía Cạnh Phụng Vụ Featured

Fr. Joseph Nguyễn Văn Hiển, OP.

 
Giáo hội khởi đầu Năm Phụng vụ bằng thời gian Mùa Vọng. Thời gian này mang ý nghĩa : chuẩn bị mừng mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa, đồng thời hướng đến sự trở lại trong vinh quang của Người trong ngày sau hết. Trong một ý nghĩa rộng, thời gian của Mùa Vọng cũng được coi như một Mùa Chay rút ngắn (theo truyền thống trong một vài thế kỷ đầu tiên của Giáo hội), vì thế nó mang ý nghĩa của sự hoán cải. Nhưng đây cũng là thời gian của lắng nghe, đợi chờ và canh thức trong hy vọng. Việc cử hành phụng vụ Mùa Vọng được diễn tả qua những màu sắc và ý nghĩa của thời gian.

I.- CÓ HAI THỜI KHẮC CỦA MÙA VỌNG

Phụng vụ Mùa Vọng mang hai phần. Phần thứ nhất được thiết lập với ba Chúa nhật đầu tiên của Mùa Vọng. Qua ba Chúa nhật này, các bài đọc và ý nghĩa của những ngày lễ này giành cho việc công bố ngày trở lại lần thứ hai của Đức Kitô vào cuối thời gian. Phần thứ hai của Mùa này được thiết lập trải dài chỉ trong một tuần lễ trước lễ Giáng Sinh, nghĩa là từ ngày 17 đến ngày 23 tháng 12. Những ngày này nói trực tiếp đến việc chuẩn bị lễ Giáng Sinh và sự chờ đợi ngày lễ. Một cách tổng quát, bốn tuần lễ của Mùa Vọng là một sự giới thiệu về những sự kiện đã được thông báo về ngày Giáng Sinh của Ngôi Lời Thiên Chúa.

II.- MÀU SẮC CỦA MÙA VỌNG

Nét đặc trưng của Mùa Phụng Vụ trong Giáo hội lại được biểu tỏ qua những màu sắc và trang trí, mà chúng ta gọi chung là màu sắc trong Phụng vụ.

Trong Phụng vụ Mùa Vọng, những phẩm phục được dùng thường là màu tím, tương tượng như trong Mùa Chay. Màu tím biểu tượng của sự hoán cải và chuẩn bị cho việc gặp gỡ Đức Kitô. Nhưng nhớ rằng, Chúa nhật thứ ba Mùa Vọng lại là Chúa nhật vui mừng (Gaudete : Mừng vui lên !), và màu sắc được trang hoàng trong ngày lễ Chúa nhật này là màu hồng : ý nói đến một sự chờ đợi trong niềm vui tươi. Chúa nhật này cũng tương tự như Chúa nhật thứ bốn của Mùa Chay mà chúng ta quen gọi là Chúa nhật hồng (laetare). Cần ghi nhớ rằng, tất cả sự trang hoàng trong các Chúa nhật Mùa Vọng và Mùa Chay đều được tinh giảm nếu không nói là « cấm », ngoại trừ các Chúa nhật Gaudete và Laetare cũng như canh thức Giáng Sinh.

III. VỀ CÁC CHÚA NHẬT MÙA VỌNG

Các Chúa nhật Mùa Vọng, cũng như Mùa Chay, không đọc hoặc hát kinh Vinh Danh. Tuy nhiên, phụng vụ vẫn hát bài ca « Halleluia », và theo truyền thống (được hội nhập) mỗi Chúa nhật sẽ thắp sáng một cây nến mới (bao gồm 4 cây nến trong Mùa Vọng), tượng trưng cho bốn Chúa nhật chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh. Chúng ta cũng có thể giải thích thế này : cây nến thứ nhất được đốt sáng trong Chúa nhật thứ nhất tượng trưng cho sự « tha tội cho Adam và Eve » ; cây nến thứ hai được thắp lên trong Chúa nhật thứ hai tượng trưng cho niềm tin của các tổ phụ trong miền Đất Hứa ; cây nến thứ ba được thắp lên tượng trưng cho niềm vui của vua Đavít, người đã cử hành Giao ước với Thiên Chúa ; và cây nến thứ tư, cũng là cây nến cuối cùng, tượng trưng cho những giáo huấn của các ngôn sứ, những loan báo về triều đại của An Bình và Công Chính (Tv 84 ; Is 11,6).

Trong bốn tuần của Mùa Vọng, các bài đọc Kinh Thánh Cựu Ước được trích dẫn từ sách các Ngôn sứ. Những bài đọc này liên hệ trực tiếp đến sự chờ đợi Đấng Thiên Sai của Dân và việc loan báo Đấng Thiên Sai xuất hiện. Phần đông các bài đọc này được trích từ sách ngôn sứ Isaïe. Đặc biệt, hình ảnh về một người phụ nữ trẻ sẽ giáng sinh một người con, và sẽ đặt tên con trẻ là Emmanuel, Thiên Chúa ở với chúng ta.

Các bài đọc thứ hai được trích dẫn từ thư của thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Roma, hoặc trong thư của thánh Giacôbê. Những bài đọc này nói đến sự xuất hiện của Chuá, và về ngày cứu độ cho muôn dân ; đồng thời, mời gọi tất cả cùng thức tỉnh đợi chờ ngày Chúa trở lại.

Các bài đọc Tin mừng được trích đọc theo chu kỳ ba năm (A-B-C). Nhưng cách chung, bài đọc trong Chúa nhật thứ nhất mời gọi toàn dân hãy đợi chờ và thức tỉnh. Bài đọc trong Chúa nhật thứ hai và thứ ba giới thiệu một vị tiền sứ, người đi trước để dọn chỗ cho Đấng Thiên Sai : Gioan Tẩy Giả xuất hiện và làm chứng về Đức Giêsu, Đấng sẽ đến sau ông, bằng bài giảng và chứng tá. Trong Chuá nhật thứ tư, bài đọc nói về thánh Giuse, một hậu duệ của nhà Đavit. Bên cạnh đó là Đức Maria, người được loan báo sẽ làm cho lời loan báo của ngôn sứ Isaïa nên ứng nghiệm, qua việc sinh hạ Hài Nhi Giêsu : Đấng Emmanuel.

Cuối cùng, cũng cần ghi nhớ rằng, trong Phụng vụ Mùa Vọng, những nhân vật lớn trong Kinh Thánh được nói đến nhiều lần và có một ý nghĩa đặc biệt trong những lời nguyện của Thánh Lễ : chẳng hạn Gioan Tẩy Giả và Đức Trinh Nữ Maria  (ẩn hiện trong cả Mùa Vọng, nhất là trong Giờ Kinh Phụng Vụ, và từ ngày 17 đến 23/12).

IV.- NHỮNG BÀI HÁT VÀ THÁNH CA TRONG MÙA VỌNG

Điều rõ ràng là, tất cả các bài hát trong Mùa Vọng được chuẩn bị dưới hai hình thức : hoặc là những bài hát Phụng Vụ bằng tiếng Latin (thánh ca của Giáo hội), đó là những bài hát được viết trên nền nhạc hoặc theo sát nhạc Grégorien về Mùa Vọng ; đó cũng là những bài hát thánh ca bình dân về Mùa Vọng. Tất cả hai hình thức hát này đều mang một bầu khí của sự đợi chờ và chuẩn bị cho Ngày Giáng Sinh và Ngày Chúa Đến.

Hẳn nhiên, chúng ta cũng có thể chọn chung cho bốn tuần lễ những bài hát về Mùa Vọng, nhưng để cho thấy những sắc thái đặc trưng cuả từng thời khắc của Mùa Vọng, cần phải biết linh động tìm chọn bài hát sao cho phù hợp với những sắc thái riêng biệt này.