Friday, 24 January 2020 01:33

Học Thuyết Tôma Và Thần Học Đương Đại Về Chức Linh Mục Featured

Bài viết: Học Thuyết Thánh Tôma Aquinô và Thần học đương đại[1]

Tác giả: Émile MARCUS, Tổng Giám mục Giáo phận Toulouse

Chuyển ngữ: Mộc Đức

 

Trong phần nghiên cứu này, trước hết, chúng tôi sẽ trình bày những đóng góp có tính quyết định của thánh Tôma, bằng cách phân tích những quan niệm then chốt mà thánh nhân đã sử dụng, hoặc những luận đề chủ đạo mà ngài đã có công khai triển nhằm đáp ứng những nhu cầu suy tư về chức linh mục ở thời đại mình. Chúng tôi cũng sẽ gợi ra cái khả thể mà công trình của thánh Tôma khai mở cho chúng ta trong việc đặt chức linh mục và các vấn đề liên quan vào trong một toàn cảnh rộng lớn hơn về mầu nhiệm Kitô giáo.

1. Các quan niệm then chốt và các luận đề chủ đạo 

Về những điều chúng tôi sắp trình bày, hẳn chỉ có các chuyên viên mới có đủ thẩm quyền để xác định xem tư tưởng của thánh Tôma đã đem lại những đóng góp mới đến mức độ nào. Như cha Congar đã nói, dầu gì mặc lòng thì “thánh Tôma đã có những nét mới” so với hai điểm tiêu biểu trong cái quan niệm phổ biến về chức linh mục thừa tác ở vào thời của ngài cũng như cả một thời gian dài trước đó. Cha Congar đã chứng tỏ sự mới mẻ này ở hai khía cạnh[2]: trước hết, thánh Tôma đã nhận định về chức linh mục trong mối tương quan nền tảng và tiên quyết với phép Thánh Thể (thay vì chú trọng vào quyền nắm giữ chìa khoá; điều này vốn được phần đông các tác giả thời đó quan niệm như là điều tiên quyết: linh mục được quan niệm chủ yếu như là người dự phần cùng với thánh Phêrô trong việc nắm giữ quyền mở cửa trời); tiếp đến, khi bàn về chức linh mục, rõ ràng thánh nhân đã dựa trên cơ sở các dữ kiện Kitô học, trong khi các tác giả tiền bối lại muốn nhìn chức linh mục trong mối dây liên tục với các khuôn thức của Cựu ước.

Vậy, đâu là những quan niệm mấu chốt hay những luận đề chủ đạo của thánh Tôma? Hẳn đó sẽ phải là những điều mà việc nắm bắt được ý nghĩa của chúng sẽ góp phần đem lại những suy tư thần học sâu xa hơn, đáp ứng được những mong đợi của thời đại ngày nay vốn đang phải đối diện với vô số vấn đề. Chúng tôi ghi nhận năm điểm sau đây. 

Sự quy chiếu vào năng quyền cử hành Thánh Thể

Thánh Tôma đã định nghĩa chức linh mục thừa tác trong mối liên hệ với bí tích Thánh Thể, nghĩa là xét trong năng quyền thánh hiến mình và máu Chúa Kitô.

Sở dĩ tôi nêu điều này trước tiên, đó là vì như người ta vẫn nói, nó chính là “điều khoản đệ nhất trong thần học của thánh Tôma về Bí tích truyền chức”[3].

Như tất cả các nhà chú giải Tôma đã làm và hiện vẫn còn đang làm, ít nhất kể từ Công đồng Vaticanô II, ở đây chúng ta cũng cần nhìn nhận rằng có một sự chênh lệch giữa một lập trường như thế so với sự phân biệt giữa chức giám mục và chức linh mục; đây là sự phân biệt mà kể từ nay không còn phải bàn cãi. Đối với thánh Tôma, chức giám mục không khác chức linh mục; xét theo khía cạnh bí tích thì chức giám mục không cao trọng hơn chức linh mục, vì cả hai đều có quyền như nhau trong việc thánh hiến phép Thánh Thể. Chỉ có sự khác biệt khi xét trong tương quan với Nhiệm thể, xét vì chức giám mục được thiết lập để cai quản Dân Thiên Chúa. Thánh Tôma giải thích, do việc được thánh hiến, các giám mục nhận được các năng quyền nhằm thực thi sứ vụ cai quản của họ.

Ngoài ra, cũng cần ghi nhận rằng lập trường của thánh Tôma không đơn giản như người ta vẫn tưởng. Thật vậy, một mặt, “phẩm vị giám mục” (dignité épiscopale - sự khác biệt nằm ở đây) không chỉ đơn thuần là vấn đề thuộc lãnh vực pháp lý; và mặt khác, một linh mục bình thường, cách này cách khác, cũng có dự phần xa xa vào hành động của các giám mục trên Nhiệm thể. Cha Yves Congar đã viết, “tuỳ theo người ta muốn căn cứ vào điều nào, hoặc câu định nghĩa chính thức về Bí tích truyền chức, hoặc sự mô tả về các tác động do linh mục thực hiện, từ đó mà người ta sẽ có thể đưa ra những lượng định khác nhau về thánh Tôma: hoặc họ sẽ cho rằng thánh Tôma đã thu hẹp chức linh mục vào chuyện phụng tự, hoặc lại tán dương ngài vì đã có cái nhìn về chức linh mục mang đậm nét tin mừng và tông đồ”[4].

Định nghĩa Bí tích truyền chức dựa trên năng quyền thánh hiến phép Thánh Thể là điều ai cũng dễ chấp nhận. Một định nghĩa như vậy có thể khiến người ta khó lòng nhận thức được cơ cấu trật tự trong lòng Bí tích này; thế nhưng, với cách đó thì câu định nghĩa lại nêu bật tính duy nhất giữa chức giám mục và chức linh mục, một điều mà xét cách sâu xa thì không phải không có nền tảng. Mặt khác, hẳn chẳng phải ngẫu nhiên mà Công đồng Vaticanô II, trong Sắc lệnh về tác vụ và đời sống linh mục, dù trích dẫn thánh Tôma không nhiều, nhưng lại viện dẫn ba bản văn trích từ bộ Tổng luận Thần học của thánh nhân nói về các linh mục như là các thừa tác viên của Bí tích Thánh Thể. Rõ ràng Công đồng chủ ý nêu rõ tất cả hệ quả xảy đến cho các giám mục và các linh mục, xét như những người cộng tác với nhau trong mọi lãnh vực (kể cả việc loan báo Tin mừng) mà vẫn nhìn nhận mối tương quan theo phẩm trật giữa họ; hệ quả này phát xuất từ sự kiện là tất cả các vị ấy cùng nhau trở thành các thừa tác viên của Đấng, nhờ Thánh Thần của Ngài, vẫn không ngừng thực thi vai trò tư tế của mình đối với chúng ta trong Phụng vụ [và nhất là trong cử hành Thánh Thể]” (xc. Presbyterorum ordinis, s. 5). 

Việc vận dụng quan niệm trung gian

Thánh Tôma viết: “Nhiệm vụ đặc trưng của linh mục là làm người trung gian giữa Thiên Chúa và con người”; và điều này được ngài minh giải như sau: “Một đàng, linh mục kéo xuống trên dân các thực tại thần linh; và đàng khác, linh mục dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện của dân, và cách này hay cách khác đền bồi cho Thiên Chúa về các tội lỗi dân đã phạm” (STh III, q. 22, a. 1). Việc chọn lựa khái niệm này để xác định đặc điểm của linh mục đã cho phép vị Tiến sĩ chung nêu bật khẳng định của 1Tm 2, 5, mà ngài trích dẫn trong STh III, q. 26, a. 1; theo đó, “chỉ có một Đấng Trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Kitô Giêsu”. Điều này cho phép quy gán phẩm cách trung gian cho cả những ai không phải Đức Kitô, và dĩ nhiên khi làm thế thì không phải là không có những sự phân định và cẩn trọng. Sau khi đã nhấn mạnh rằng “duy mình Đức Kitô mới là ĐấngTrung gian hoàn hảo”, thánh Tôma thêm rằng “tuy nhiên, điều ấy không ngăn cản việc một số người, xét về một khía cạnh nào đó, cũng được gọi là người trung gian giữa Thiên Chúa và con người, xét vì họ cộng tác vào việc nối kết con người với Thiên Chúa, theo một cách thức dự chuẩn và phụ thuộc”.

Hẳn nhiên, không có gì gượng ép khi cho rằng “một số trung gian khác” mà thánh Tôma nói đến ở đây phải hiểu về các giám mục và các linh mục. Dầu sao, đây cũng là lối giải thích của phần đông các tác giả hiện đại…nhưng đáng tiếc là họ đã bỏ quên những sự cẩn trọng và những phân định mà vị thánh Tiến sĩ đã thể hiện trong phần trả lời của ngài. Một lối cắt nghĩa như thế sẽ dẫn đến một sự bất tiện nghiêm trọng, nhưng đồng thời cũng mang lại một phúc lợi to lớn.

Sự bất tiện của luận đề linh mục-trung gian nằm ở chỗ nó làm lu mờ sự nhận thức về vai trò trung gian của Hội thánh, xét trong tất cả tầm mức rộng lớn cũng như những thành tố của sự trung gian ấy, là điều góp phần vào sự thành toàn của vai trò trung gian của vị Tư tế duy nhất, ở khắp mọi nơi trên trần gian và trong mọi thời đại. Bởi vậy, mối nguy ở đây là điều có thực, bởi lẽ nó làm cho người ta chỉ còn nhìn Hội thánh như môt thứ môi trường trung chuyển, thậm chí chỉ đơn thuần là một thứ cơ quan điều hành cấp phép cho các người trung gian (các giám mục và các linh mục) thi hành nhiệm vụ của họ. Trong trường hợp xấu nhất, Hội thánh không còn được xét đến như là Dân tư tế, dân mà nhiệm vụ của các giám mục và các linh mục là huấn luyện để họ có thể thực hiện các đặc quyền được xác định trong Hiến chế Lumen gentium, số 10.

Hẳn là sự bất tiện không chỉ dừng ở đó[5]; thế nhưng, nó không được phép làm chúng ta quên đi cách nhận thức thanh cao và phong phú về tác vụ linh mục mà luận đề linh mục-trung gian có thể gợi lên. Chúng ta có thể gặp được một thí dụ trong một tài liệu rất phong phú về mặt đạo lý, và nó lại ăn khớp cách lạ lùng với các vấn đề liên quan đến  chức linh mục vào những năm năm mươi của thế kỷ XX; đó là bức thư mục vụ của đức Hồng y Suhard phổ biến nhân Mùa chay năm 1949[6]. Ở đây linh mục được trình bày như là “người của Chúa” và “người của mọi người”, hiểu theo nghĩa linh mục được chọn giữa muôn người để chăm lo các việc của Thiên Chúa”. Như thế, linh mục là “người của hai tiếng gọi”, và có thể nói, chính mối giằng co nảy sinh từ đó sẽ giữ thế đối trọng cho câu định nghĩa trên kia[7] bằng các năng lực tông đồ và nhất là ơn gọi ngôn sứ của vị linh mục. Cũng chính tài liệu đó chứng tỏ rằng hai khía cạnh này của chức linh mục “tìm được sự tổng hợp sinh động và sự hoà hợp cao nhất trong hy tế thánh lễ” (t. 28).

Nếu như bản văn trên đây khởi hứng một cách đúng đắn từ Thánh Kinh và các giáo phụ, thì chính thánh Tôma lại là người đã cung cấp “ý tưởng chủ đạo” cho nó. Bằng chứng là tác giả đã dựa vào hai đoạn trích dẫn từ bộ Tổng luận Thần học (III, q. 22, a. 1 và q. 26, a. 2) để triển khai thành những dòng suy tư hết sức đặc sắc (x. t. 23). 

Ấn tích của Bí tích truyền chức xét như sự thông dự vào chức tư tế của Chúa Kitô

Trước thánh Tôma, giáo lý về ấn tích của bí tích được xây dựng khởi đi từ Bí tích rửa tội. Nói cách khác, ấn tích của Phép rửa là kiểu mẫu đệ nhất. Theo các nhà nghiên cứu, thánh Tiến sĩ đã đảo ngược cách nhìn đó và ngài đã định nghĩa ấn tích khởi đi từ sự thực hiện hoàn hảo nhất của nó: ấn tích của chức linh mục.

Bước tiến triển này xảy ra vào khoảng giữa thời gian chú giải sách Sententiae và thời gian biên soạn bộ Tổng luận Thần học. Ban đầu, một mình ấn tích của Bí tích truyền chức được định nghĩa khởi đi từ chức tư tế của Chúa Kitô (In IV Sent., d. 7, q. 2, ad 1). Nhưng đến bộ Tổng luận Thần học thì toàn bộ giáo lý về ấn tích được phối trí khởi đi từ cái ý tưởng về “sự tham dự vào chức tư tế của Chúa Kitô”, mà chính điều này lại cũng do Chúa Kitô mà có (III, q. 63, a. 3). Nền tảng của ấn tích trong Bí tích truyền chức trở thành nền tảng của mọi ấn tích. Dường như chính nhờ đạt đến những suy tư thấu đáo về chức tư tế của Đức Kitô mà thánh Tôma đã đi đến chỗ chọn lựa theo chiều hướng đó.

Chắc hẳn ở đây ta gặp thấy một tuyến đường thần học mở ra cho sự nhận thức về mối tương quan giữa chức linh mục cộng đồng của các tín hữu và chức linh mục của các thừa tác viên có chức thánh; đây là một vấn đề mà người ta có thể lượng định được tầm quan trọng của nó dựa vào những cuộc tranh luận diễn ra gần đây. Thật vậy, đã rõ là hai chức linh mục ấy mặc dù là những thực tại khác biệt nhau về “bản chất chứ không chỉ về cấp độ”, nhưng “cả hai có thể quy hướng về nhau” (x. LG, s. 10). Một khi khẳng định rằng “cả hai đều thông dự vào chức tư tế duy nhất của Đức Kitô”, thì một cách mặc nhiên, Công đồng đã viện dẫn thánh Tôma. 

Nguồn mạch Kitô học của ba chức năng thuộc về thánh chức

Chúng ta hẳn đã biết Kitô học của thánh Tôma dành một tầm quan trọng đặc biệt như thế nào cho bộ ba (trilogie): tư tế, ngôn sứ, và vương đế. Bộ ba ấy đã xuất hiện rõ nét trong các tập chú giải Sách thánh của Tôma, và còn chi phối suy tư của ngài nhiều hơn nữa trong bộ Tổng luận Thần học: “Đức Kitô nhất thiết là quân vương, ngôn sứ và tư tế”, thánh Tôma đã nêu lên điều đó như một lý chứng mà không cần phải kiểm chứng (III, q. 31, a. 2).

Vấn đề đặt ra là thánh Tôma đã thiết lập mối dây liên kết như thế nào giữa một bên là ba chức năng thuộc về linh mục: thánh hoá, giáo huấn, và cai quản; còn bên kia là cái bộ ba tiên quyết ở nơi Đức Kitô? Các nhà nghiên cứu hiện vẫn còn đang tìm kiếm câu trả lời. Quả thực là bộ ba này không hề thấy xuất hiện trong những chỗ bàn về chức linh mục. Ở đây người ta nhận ra một nguyên tắc phối trí khác vốn được thánh Tôma chú trọng: một đàng, đó là năng quyền theo bí tích mà một sự thánh hiến đem lại - năng quyền này không thay đổi cũng như chính sự thánh hiến kia vậy; và đàng khác, đó là năng quyền theo pháp lý có được là do sự uỷ nhiệm của con người (có thể xem II-II, q. 39, a. 3).

Tuy vậy, chúng tôi quả quyết rằng nếu đọc thánh Tôma một cách “quán triệt” thì người ta sẽ có đủ cơ sở để khẳng định rằng ba chức năng của linh mục có nguồn mạch ở nơi Kitô học; và đây cũng là điều mà Sắc lệnh Presbyterorum ordinis mời gọi chúng ta thực hiện. 

Thứ tự liệt kê ba chức năng của chức linh mục thừa tác

Chúng ta đã biết tầm quan trọng của bộ ba này (thừa tác viên giảng Lời, thừa tác viên thánh hoá, thừa tác viên chỉ đạo và điều động), đó là điều mà sắc lệnh Presbyterorum ordinis đã nêu rõ khi mô tả các chức năng của các giám mục và các linh mục. Chúng ta cũng không quên sự thay đổi đầy ấn tượng đối với cái thứ tự mà truyền thống vẫn thường theo khi kể ra các chức năng này. Đang khi các khảo luận thần học phổ biến nhất thường đặt tác vụ cử hành bí tích lên hàng đầu, thì các Nghị phụ Công đồng lại thay vào vị trí đó bằng tác vụ Lời Chúa nhằm nhấn mạnh nhiều hơn đến sự khẩn cấp của việc truyền giáo: “Bởi vì không ai có thể được cứu nếu không tin trước đã, cho nên các linh mục, trong tư cách là cộng tác viên của các giám mục, có nhiệm vụ trước tiên là loan báo Tin mừng của Thiên Chúa cho hết thảy mọi người” (PO, s. 4).

Điều đáng chú ý là chính thánh Tôma khi kể ra các nhiệm vụ này thì đã dành vị trí ưu tiên cho các nhiệm vụ liên quan đến việc loan báo Lời Chúa và việc thánh hoá. Chẳng hạn, trong tiểu phẩm của thánh nhân, Luận giải về Chỉ dụ đầu tiên (§ 1)[8], người ta đọc thấy những lời này: “Khi sai các môn đệ đi rao giảng, Chúa chúng ta đã đề ra cho họ ba mệnh lệnh: trước tiên là giảng dạy lẽ đức tin, thứ đến là ban bí tích cho những kẻ tin”; đây là bản văn mà sắc lệnh Presbyterorum ordinis (s. 4; s. 9) hẳn đã làm dội lại âm hưởng của nó.

Chắc hẳn cũng cần xét đến các yếu tố khác nữa liên quan đến những gì thánh Tôma diễn tả về chức linh mục, cũng như những gì chúng ta biết được về tư tưởng của thánh nhân liên quan đến Bí tích truyền chức, do bối cảnh của những vấn đề cấp bách hiện nay mà chúng tôi đã có dịp gợi ra. Tuy nhiên, những điều mà chúng tôi xét thấy là phải chú trọng đặc biệt ở đây, thì có thể đem lại hai mối lợi: một mặt, chúng cho phép đặt chức linh mục thừa tác vào trong mối tương quan với Chúa Kitô, khi chứng tỏ rằng linh mục thông dự vào chức tư tế của Chúa Kitô và góp phần kiến tạo Nhiệm thể của Ngài; mặt khác, chúng cũng cho phép đặt chức linh mục thừa tác vào trong mối tương quan với chức linh mục cộng đồng của những ai đã chịu phép rửa. Như thế, người ta có được những yếu tố để xây dựng một nền Giáo hội học xuyên suốt. Cha Yves Congar đã chứng tỏ điều đó khi ngài vận dụng các dữ kiện trên đây trong thần học Tôma để tiến đến chỗ xây dựng một tổng hợp mà ngài cho là “toàn diện hơn”[9], đây quả là một diễn ngữ gây ngạc nhiên nhưng cũng đầy ý nghĩa.

2. Chức linh mục trong nhiệm cuộc cứu độ

Công trình của thánh Tôma cung cấp một số quan niệm then chốt và những luận đề chủ đạo cho nền thần học của thời đại chúng ta về chức linh mục. Nó cũng cho phép chúng ta xác định một cách mạch lạc vị trí của chức linh mục trong diễn luận bao quát về mầu nhiệm của ơn cứu độ thế giới trong Đức Giêsu Kitô. Chúng tôi sẽ không làm gì khác hơn là gợi lên điều ấy, với niềm mong ước là sẽ khơi động được những công trình như thế; và đây cũng sẽ là kết luận của chúng tôi.

Để hiểu về chức linh mục, càng ngày càng thấy nổi bật lên nhu cầu phải đặt nền trên một sự trình bày xuyên suốt về đức tin, do sự nảy sinh của vô số những vấn nạn gai góc về tác vụ linh mục, cũng như về ơn gọi và sứ vụ của các thành viên thuộc các dòng tu và thậm chí của cả các giáo dân trong Hội thánh. Các giải pháp quá manh mún nhằm đáp ứng những vấn đề khẩn cấp trước mắt, xem ra không còn phù hợp.

Yêu cầu trên đây cũng không được miễn chước khỏi những sự hàm hồ vốn khó lường, cũng tựa như một công trình nghiên cứu “an toàn”[10] chẳng hạn, rốt cuộc rất có thể lại không còn tương hợp với đức tin nữa. Nhưng dầu sao mặc lòng, yêu cầu đó vẫn là điều chính đáng. Nó là điều cần thiết chính bởi vì đức tin thì luôn tìm kiếm sự hiểu biết về chính mình, và cung cấp cái khả thể để nắm bắt lại toàn bộ những dữ kiện bao hàm trong đó, hướng đến một sự nhất quán ngày càng sắc nét hơn.

Trong số những khả thể mà học thuyết Tôma cung cấp nhằm đạt đến một sự hệ thống hoá nói trên, tại sao ta lại không xét đến cái cách thức mà thánh nhân đã vận dụng để đặt chức tư tế của Đức Kitô và các dạng thức thông dự khác nhau vào trong chính nhiệm cuộc cứu độ?

 

 


[1] Toàn văn bài viết được tác giả đăng trong tạp chí Revue thomiste 99 (1999), 11-32: “Saint Thomas d'Aquin et les problèmes actuels de la théologie du sacerdoce”. Ở đây chúng tôi chỉ trích dịch phần 2 của bài viết.

[2] Y. CONGAR, “Le sacerdoce du Nouveau Testament, Mission et culte”, dans Les Prêtres, Décrets Presbyterorum ordinis et Optatam totius, Textes latins et traductions françaises, Sous la direction de J. Frisque et Y. Congar, « Unam sanctam, 68 », Paris, Cerf, 1968, p. 233-256.

[3] Ibid., p. 234.

[4] Y. CONGAR, “Le sacerdoce du Nouveau Testament...”, p. 235.

[5] Xc. R. SALAÜN et É. MARCUS, Qu'est-ce qu'un prêtre?, p. 59 s. et 88 s.

[6] Cardinal SUHARD, Le Prêtre dans la Cité, Lettre pastorale du Carême de l'An de Grâce 1949, Paris, Éditions A. Lahure, 1949.

[7] Ở đây hiểu là câu định nghĩa của thánh Tôma, theo đó thì nhiệm vụ chính yếu của linh mục là thánh hiến của lễ trên bàn thờ, tức là gắn với việc phụng tự - chú thích của N.D.

[8] Expositio super primam Decretalem - chú thích của ND.

[9] Xc. Y. CONGAR, Jalons pour une théologie du laïcat, p. 79.

[10] Công trình nghiên cứu “an toàn” ở đây hiểu là một công trình nghiên cứu ngại đụng chạm đến những vấn đề sôi bỏng, hoặc không dám dấn thân ở vùng ranh giới giữa chân lý và sai lầm - ND.