Friday, 24 January 2020 01:45

Các Bí Tích Theo Thánh Kinh Featured

Tim Gray

 

Ý nghĩa của các Bí tích chảy trào từ Thánh Kinh tựa như dòng nước chảy ra từ con suối. Điều gì sẽ xảy ra khi dòng sông bị cắt đứt khỏi nguồn mạch của nó? Cắt đứt các Bí tích khỏi Thánh Kinh, thì sự hiểu biết và nhận thức về các Bí tích ắt sẽ cạn khô. Các Bí tích rất thường được giảng dạy mà không có bất kỳ một tham khảo nào về mối tương quan của chúng với Thánh Kinh, và vì thế rất nhiều người Công Giáo không có được sự am hiểu vững vàng các Bí tích là gì. Chẳng hạn như, hầu hết những người Công Giáo đã chứng kiến một nghi thức Rửa Tội. Nhưng ít ai hiểu nước được sử dụng trong Bí tích Rửa Tội có liên quan đến Cựu Ước và Tân Ước như thế nào. Không có sự hiểu biết này, thì người tín hữu cũng không thể mở lòng mình ra để hiểu được ý nghĩa và những mầu nhiệm của các Bí tích.[1]

Các Bí tích có hiệu lực ân sủng bởi chính việc cử hành của chúng, đấy là ý nghĩa của nguyên tắc thần học trong tiếng Latin, ex opere operato.[2] “Tuy nhiên, hoa trái của các Bí tích cũng phụ thuộc vào sự chuẩn bị của người lãnh nhận các Bí tích ấy”.[3] Làm thế nào để người ta hoàn toàn sẵn lòng đón nhận ân sủng các Bí tích nếu như người ấy không có sự hiểu biết về điều mà Bí tích biểu thị? Vì không có khóa đào tạo Thánh Kinh thỏa đáng, nên người ta có khả năng coi các Bí tích đơn thuần là những nghi lễ của Giáo Hội mà không hiểu tại sao nó đem lại ân sủng - một sự hiểu biết như thế khiến nhiều người rời xa Giáo Hội, để rồi coi giáo huấn Công Giáo về các Bí tích như một thứ duy lễ nghi hay thậm chí là phép thuật.

Trước khi giải nghĩa Thánh Kinh tuôn trào nguồn sáng trên ý nghĩa của các Bí tích như thế nào, thì quả là hữu ích khi đưa ra một tổng quan vắn tắt xem Bí tích là gì. Đây là một định nghĩa đơn giản về Bí tích: Bí tích là dấu chỉ bên ngoài nhằm đem lại ân sủng bên trong”. Như Thánh Thomas Aquinas đã viết: “Các Bí tích là những dấu chỉ khả thị về những gì bất khả thị mà bởi đó con người được thánh hóa.[4]

Một Bí tích gồm hai phần:chất thể(matter)mô thể” (form). Đây là thuật ngữ triết học được Thánh Thomas Aquinas lấy lại của triết gia Aristotle người Hy Lạp, có thể ra như hơi trừu tượng đối với chúng ta, nhưng thực ra là khá đơn giản. Chất thể thì liên quan đến những yếu tố hữu hình của Bí tích, cònmô thể liên quan đến những ngôn từ được đọc lên. Cả hai đều cần thiết. Chẳng hạn như Bí tích Rửa Tội bao gồm chất thểnước, và mô thể là lời đọc: “Tôi rửa ÔBACE... nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần”. Cả nước lẫn công thức Ba Ngôi đều cần phải có cho Bí tích Rửa Tội. Mỗi Bí tích có một dấu chỉ bên ngoài (chất th) kèm theo những lời đọc (mô thể). Thánh Augustin đã nhận thấy yếu tố hữu hình và lời đọc là nền tảng của một Bí tích như thế nào: “Lời liên kết với một yếu tố vật chất và nó trở thành một Bí tích”.[5]

I. NGÔN NGỮ DẤU CHỈ

Ý nghĩa của Bí tích được gắn kết trong dấu chỉ. Hiểu được điều mà các dấu chỉ của Bí tích biểu lộ tức là đã tìm ra chìa khóa để hiểu các Bí tích. Dấu chỉ là gì? Thưa, là một điều gì đó được dùng để truyền đạt một điều khác. Một dấu chỉ tự nhiên là khói chẳng hạn. Khi chúng ta thấy khói, chúng ta biết ắt phải có lửa. Đám mây đen là dấu chỉ về cơn dông đang tới. Những bầy chim đang hướng về phương nam là dấu chỉ mùa đông sắp đến. Chúng ta thấy những dấu chỉ tự nhiên này và chúng truyền đạt một điều gì đó cho chúng ta.

Các dấu chỉ nhân tạo cũng giống như vậy. Theo qui ước, những dấu chỉ này chỉ ra điều gì đó ở phía bên kia của chính chúng - bởi con người gán cho những dấu chỉ ấy một ý nghĩa. Những biển hiệu giao thông là ví dụ thích hợp cho những dấu chỉ nhân tạo. Một biển hiệu hình bát giác màu đỏ gắn bên cột trụ cao khoảng 2,4 mét báo cho biết, chúng ta phải dừng lại. Chẳng có cái gì thuộc về màu sắc và hình dạng của biển hiệu ấy gắn với hàm ý là dừng lại. Biển hiệu đó truyền đạt cho chúng ta rằng, chúng ta cần phải dừng lại, đơn giản thôi vì đấy là qui ước; tức là, luật giao thông đã gán cho biển hiệu ấy một ý nghĩa riêng: Màu đỏ được chọn để gây sự chú ý cho người ta, còn hình bát giác là để dành cho những ai mắc chứng mù màu. Khi lái xe đến một giao lộ, người ta thấy biển hiệu stop màu đỏ nhưng họ lại phải nghĩ trong đầu rằng, đấy có nghĩa là dừng lại. Dấu chỉ khả thị đưa họ nghĩ đến một ý nghĩa bất khả thị. Nhìn thấy điều này nhưng lại hiểu ra chuyện khác. Dấu chỉ vốn có khả năng to lớn nhằm truyền đạt thông điệp vượt quá chính dấu chỉ ấy.

Giống như các dấu hiệu thiên nhiên và nhân tạo, các dấu chỉ Bí tích cũng truyền đạt một thông điệp, và còn hom thế nữa. Một trong những đặc điểm quan trọng nhất của dấu chỉ Bí tích chính là hữu hiệu (efficacious). Có nghĩa là dấu chỉ gây hiệu lực trên điều mà nó biểu thị. Trái lại, lấy một dấu chỉ làm ví dụ về việc không hữu hiệu. Biển hiệu stop đặt ở một giao lộ tượng trưng cho hàm ý xe cộ cần phải dừng lại, nhưng nó lại không có khả năng gây hiệu lực trên việc dừng lại của chúng. Một người nào đó đang vội, có thể quyết định lờ đi tấm biển hiệu và lái xe qua giao lộ. Để biển hiệu stop trở nên hữu hiệu, thì nó không chỉ truyền đạt rằng, chiếc xe cần dừng lại, nhưng còn phải có năng lực để cụ thể hóa việc đó. Đấy là điều mà duy chỉ các Bí tích mới có; chúng có năng lực được Thiên Chúa trao ban để gây hiệu năng thực sự đối với những gì chúng biểu thị.

II. NHỮNG KỲ CÔNG CỦA THIÊN CHÚA

Theo Sách Giáo Lý, Chúa Thánh Thần là Thần Linh Kiến Tạo “những kỳ công của Thiên Chúa”, tức bảy bích trong Giao Ước Mới.[6] Điều làm cho các Bí tích thành “những kỳ công” vĩ đại trong công trình của Thiên Chúa chính là điều Thiên Chúa đã phú bẩm nơi các dấu chỉ của các Bí tích, để chúng thực sự sinh hiệu lực trên những gì chúng biểu thị. Không chỉ dừng lại ở việc biểu thị niềm tin, các Bí tích là căn nguyên làm cho ân sủng của Thiên Chúa được hiện tại hóa. Đây là đặc tính minh nhiên của các Bí tích trong giáo huấn Công Giáo.

Trong ngôn ngữ Kinh viện, người ta thường nói đến những dấu chỉ được Thiên Chúa gởi trao trong cả Tân Ước lẫn Cựu Ước như là các Bí tích. Ví dụ như phép cắt bì vốn được xem là một Bí tích. Đấy là dấu chỉ để bày tỏ niềm tin vào Thiên Chúa của Israel. Nhưng các nhà thần học Kinh viện, chẳng hạn như Thánh Thomas Aquinas, lại luôn phân biệt giữa các Bí tích của Giao Ước Cũ với các Bí tích của Giao Ước Mới. Các Bí tích thuộc Giao Ước Cũ là những dấu chỉ, nhưng chúng không hữu hiệu.

Martin Luther và những nhà cải cách Thệ Phản đã chối bỏ sự khác biệt này nơi các Bí tích Cựu Ước và Tân Ước. Martin Luther biện bác: “Thật là sai lầm khi cố giữ rằng, các Bí tích của Luật Mới khác với Bí tích của Luật Cũ vì nhắm đến giá trị hiệu lực của chúng. Cả hai đều có cùng một ý nghĩa”.[7] Theo Luther, các dấu chỉ của Giao Ước Mới chẳng có hiệu lực gì hơn so với các Bí tích của Giao Ước Cũ trong việc trao ban ân sủng.

John Calvin cũng từ chối bất kỳ khái niệm nào cho rằng các Bí tích của Giao Ước Mới có hiệu lực đặc biệt:(Thoáng nhìn thì thấy rằng), giáo điều (dogma) Kinh viện phải bị bác bỏ hoàn toàn. Theo đó, họ quá nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa các Bí tích, các ân ban của thời cũ và thời mới, theo đó, cái trước không làm nên điều gì mà chỉ là hình bóng hướng đến ân sủng của Thiên Chúa, trong khi cái sau lại được ban quyền... Quan điểm cả hai đều có cùng một hiệu lực của chúng ta, thì họ lại cảm nghiệm theo lối của họ - thế nên, các Bí tích trở thành những dấu ấn của ân huệ thần linh dành cho họ, liên quan đến niềm hy vọng cứu độ muôn đời.[8]John Calvin đã trình bày rõ cái nhìn của những nhà cải cách Thệ Phản giữ ý kiến cho rằng, các Bí tích đơn thuần là những dấu chỉ về niềm tin, những dấu chỉ ấy không có bất kỳ hiệu lực hoặc thay đổi nào nơi những người lãnh nhận. Các Bí tích được cử hành để gia tăng và bày tỏ niềm tin, nhưng trong cái nhìn của ông, các Bí tích không có năng lực hay hiệu lực siêu nhiên.

III. DẤU CHỈ HAY BÍ TÍCH

Để làm sáng tỏ các dấu chỉ của Cựu Ước khác với các dấu chỉ Tân Ước như thế nào, chúng ta hãy lấy ví dụ về Bí tích Thánh Thể.

Trong Bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu đã khai mạc Giao Ước Mới khi nói: “Chén này là Giao ước Mới, lập bằng máu Thầy đổ ra vì anh em” (Lc 22,20). Những lời của Đức Giêsu âm vang những lời của Moses, lúc giao ước đầu tiên được thiết lập với Israel trên núi Sinai: “Đây là máu giao ước ĐỨC CHÚA đã lập với anh em dựa trên tất cả những lời này” (Xh 24,8). Nhiều con vật đã được sát tế trong ngày Giao Ước Cũ được thiết lập. Moses đã lấy một nửa phần máu rồi đổ trên bàn thờ, còn nửa kia ông cho vào những cái chậu, ông lấy máu từ những cái chậu ấy rảy trên dân và công bố, “Đây là máu giao ước”. Tại sao máu lại biểu thị cho giao ước? Thưa vì các giao ước tạo nên mối quan hệ huyết thống. Các giao ước tạo nên những mối ràng buộc gia đình, thế nên hôn ước và việc đón nhận con trẻ là những giao ước, bởi vì chúng đã làm cho hai người từ hai thành phần không có mối liên hệ gia đình trở nên một gia đình, ở mức độ tự nhiên, các gia đình được cấu thành bởi những người thông chia cùng huyết thống, thế nên dấu chỉ gia đình trở thành biểu tượng của mối dây giao ước. Bằng việc đổ nửa phần máu trên bàn thờ và nửa kia trên dân chúng, Moses đã nói qua hành động rằng, dân Israel và Thiên Chúa giờ đây đã được lập giao ước - giờ đây đã trở thành một gia đình. Đó là lý do tại sao các ngôn sứ ví sự bất trung của Israel với sự bất trung của một người vợ ngoại tình: Israel và Thiên Chúa đã được ràng buộc bởi những mối dây gia đình thông qua giao ước.

Máu con vật đổ ra trên bàn thờ đá dưới chân Núi Sinai và rảy trên dân là dấu chỉ giờ đây họ đã thuộc về gia đình Thiên Chúa. Nhưng đây chỉ là dấu chỉ đơn thuần: máu mà họ dự phần cách tượng trưng là máu của những con chiên, con dê. Máu trong huyết mạch của những người Israel không khác đi sau nghi lễ giao ước. Do đó, Giao Ước Cũ có những dấu chỉ, nhưng chúng không hữu hiệu. Vì nếu dấu chỉ của Giao Ước Cũ là máu trở nên hữu hiệu, thì nó sẽ không chỉ biểu thị một tương quan huyết thống, nhưng còn thực sự làm cho nó trở nên có hiệu lực.

Thực vậy, đây mới chính là điều mà máu của Giao Ước Mới làm nên hiệu lực. Lời của Đức Giêsu đọc trên chén rượu trong Bữa Tiệc Ly biến đổi rượu thành Máu. Và khi các tông đồ uống chén này, họ thực sự đã thông phần vào máu của Con Thiên Chúa, Đức Giêsu. Vì thế, Giao Ước Mới - Bí tích Thánh Thể không chỉ biểu thị một mối ràng buộc gia đình giữa Thiên Chúa và dân Người, nhưng còn thực sự làm nên hiệu lực ấy. Nhờ Bí tích Thánh Thể, chúng ta dự phần vào Mình và Máu Đức Kitô, Thiên Chúa thật và là người thật. Bí tích Thánh Thể là một dấu chỉ cho thấy chúng ta là gia đình; và như một dấu chỉ hữu hiệu, Bí tích Thánh Thể thực sự làm cho chúng ta thành gia đình. Vì lý do này, Thánh Phêrô có thể nói rằng, chúng ta “trở thành những người được thông phần bản tính Thiên Chúa” (2Pr 1,4). Đây là nguồn mạch của giáo huấn Tông Truyền, Giáo Hội là Nhiệm Thể Chúa Kitô. Chẳng có gì ngạc nhiên khi các Kitô hữu thời sơ khai gọi nhau là anh chị em trong Đức Kitô, bởi vì nhờ Đức Kitô mà Giáo Hội trở thành Gia đình Thiên Chúa.

Martin Luther và John Calvin bỏ qua sự tương phản cốt yếu giữa máu của Giao Ước Cũ và Giao Ước Mới, sự tương phản giữa biểu tượng của Giao Ước Cũ và khả năng gây hiệu lực của Giao Ước Mới. Làm thế nào mà họ có thể khẳng định rằng các Bí tích Tân Ước không khác biệt với những dấu chỉ trong Cựu Ước? Phép cắt bì là dấu chỉ thân thuộc với Dân Chúa, nhưng Bí tích Rửa Tội lại thực sự tái sinh chúng ta làm con cái Thiên Chúa (x. Gl 3,26-27). Trong Cựu ước có nhiều lễ nghi thanh tẩy, nhưng trong Giao Ước Mới, Bí tích Rửa Tội không chỉ biểu thị sự tẩy rửa, nhưng còn thực sự gây hiệu lực tẩy sạch tội lỗi. Nếu các Bí tích trong Thời Mới không có sức mạnh lớn hơn những dấu chỉ Thời Cũ, thì đâu là sự khác biệt mà Đức Giêsu đã tạo nên?

“Nhưng hiện nay, Đức Giêsu đạt được một tác vụ cao trọng hơn nhiều, bởi Người là trung gian của một giao ước tốt đẹp hơn” (Hr 8,6). Tân Ước thường làm nổi bật những điểm khác biệt giữa các giao ước. “L luật chỉ mang hình bóng của những phúc lộc tương lai, chứ không có những hình ảnh ca chính thực tại ấy” (Hr 10,1); thêm nữa, trong thư Coloses, “Tất cả những cái đó chỉ là hình bóng những điều sắp tới, nhưng thực tại là thân thể của Đức Kitô” (C1 2,17). Rõ ràng là có một sự khác biệt to lớn giữa các giao ước Cũ và giao ước Mới, giữa hình bóng và thực tại, giữa dấu chỉ và Bí tích.

Cái gì làm cho các Bí tích có tác động mạnh mẽ như vậy? Tại sao chúng luôn có hiệu lực? Câu trả lời chính là Đức Giêsu Kitô. Các Bí tích được Đức Giêsu thiết lập và ban quyền: “Khi được cừ hành cách xứng đáng trong đức tin, các Bí tích ban ân sủng mà chúng biểu thị. Các Bí tích đều hữu hiệu, bởi vì chính Đức Kitô hành động trong chúng: chính Người là Đấng rửa tội, chính Người là Đấng hành động trong các Bí tích của Người để truyền thông ân sủng mà Bí tích biểu thị”.[9]

Thiên Chúa đã thiết định, khi chất thể hợp thức của Bí tích hiện diện cùng với những lời đọc, thì dấu chỉ ấy hữu hiệu, thế có nghĩa là, dấu chỉ ấy là một Bí tích.

IV. NƯỚC TỪ TẢNG ĐÁ

Trên hành trình ra khỏi Ai Cập tiến về Đất Hứa, dân Israel đã phải lưu lạc trong hoang địa, nguồn lương thực và nước uống trở nên cạn kiệt, khan hiếm,đã làm cho họ nổi giận và kêu trách ông Moses kịch liệt; không những thế,họ còn nghi ngờ không biết Đức Chúa có ở với họ nữa không (x. Xh 17,7). Khi cuộc khủng hoảng đã đến lúc cao trào, lúc dân chúng đòi ném đá Moses, Thiên Chúa đã can thiệp. Thiên Chúa truyền cho Moses đập vào tảng đá ở núi Horeb, và rồi, khi ông làm như vậy, nước từ tảng đá đã chảy ra. Những năm sau, dân chúng một lần nữa lại lâm cảnh nguồn nước cạn kiệt, và rồi họ lại nổi loạn (x. Ds 20,2-5). Một lần nữa Thiên Chúa truyền cho Moses cầm lấy gậy và đến trước tảng đá. Nhưng lần này, Moses không đập vào tảng đá, thay vào đó, ông được chỉ thị, “nói cho tảng đá trước mặt để nước chảy ra” (Ds 20,8).

Lệnh truyền của Đức Chúa nói với tảng đá trong sách Dân Số Chương 20 dạy cho ta biết Bí tích hoạt động như thế nào. Tảng đá mà có lần đã được Moses đập vào tuôn chảy sự cứu thoát cho Dân Israel theo một cách thức nhiệm lạ. Giờ đây, tảng đá ấy không cần được đập vào một lần nữa: Moses chỉ cần truyền lời, và thế là tảng đá sẽ lại chảy ra nguồn nước cứu-sinh.Tảng đá đã được Moses đập vào trước đó là ở Meriba. Ơn cứu độ được thực hiện ở Meriba đã được hiện tại hóa cho dân chúng qua chất thể là tảng đá và cây gậy cùng với những lời mà Moses đã truyền. Như vậy, ơn cứu độ trước kia đã được hiện tại hóa cách hữu hiệu nhờ dấu chỉ và lời đọc. Bí tích hoạt động theo đúng như thế này. Bí tích hiện tại hóa ân sủng cứu độ đã được Thiên Chúa thực hiện khi xưa. Ví dụ, Bí Tích Thánh Thể hiện tại hóa Mình và Máu Đức Kitô. Tuy nhiên, Thánh Lễ không phải là việc đóng đinh Đức Giêsu một lần nữa. Trong Thánh Lễ, Đức Giêsu không chịu hiến tế thêm lần nữa. Ngược lại, cuộc hiến tế một lần cho mãi mãi của Đức Giêsu Kitô trên Thập giá được hiện tại hóa thông qua lời truyền của tư tế trên những thành tố là bánh và rượu.[10]

Sự kiện quá khứ

Được hiện tại hóa

Đập vào tảng đá trong Xuất hành chương 17

Moses đã truyền cho tảng đá trong Dân số chương 20

Nước chảy ra

Nước chảy ra

Sự kiện quá khứ

Được hiện tại hóa

Đức Giêsu chết trên Thập giá

Thánh lễ

Nước và máu chảy ra

Mình và máu hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể

Thật không may, Moses đã không theo “luật chữ đỏ”. Ông đã không truyền cho tảng đá nhưng lại đập vào đó những hai lần bằng cây gậy của ông. Thiên Chúa đã quở trách Moses, Người phán:Bởi vì các ngươi đã không tin vào Ta để biểu dương sự thánh thiện của Ta trước mắt con cái Israel, nên các ngươi sẽ không được đưa đại hội này vào Đất Ta ban cho chúng (Ds 20,12).

Chính quyết định đập vào tảng đá một lần nữa của Moses, mà đúng ra chỉ cần truyền cho nó mà thôi, là một sự thiếu vắng niềm tin. Tín thác rằng chính Chúa sẽ hoạt động qua dấu chỉ và lời truyền tức là đạt đến niềm tin. Tin vào các Bí tích tức là đặt niềm tin vào Thiên Chúa. Tình trạng thiếu khả năng tín thác vào năng lực các dấu chỉ của Thiên Chúa có thể ngăn trở người ta khỏi Đất Hứa.

Tảng đá ở Meriba khác với Bí tích ở chỗ năng lực của nó chỉ là một biến cố nhất thời, trong khi bảy Bí tích của Giao Ước Mới có năng lực tiếp nối. Cả dòng nước huyền diệu từ tảng đá lẫn ân sủng tuôn tràn từ các Bí tích đều bắt nguồn từ hiệu lực của chúng là nơi Thiên Chúa. Như Moses, thừa tác viên Bí tích không phải là nguồn năng lực của Bí tích, nhưng đơn thuần chỉ là dụng cụ và là người quản lý mà thôi.

V. NGUỒN NĂNG LỰC TỐI HẬU

Sách Giáo Lý minh định rằng:Hiệu lực của các Bí tích phụ thuộc hoàn toàn vào Đức Giêsu Kitô. Các Bí tích là ‘những năng lực phát ra’ từ thân thể Đức Kitô, Đấng hằng sống và ban sự sống”.[11] Giải thích các Bí tích là “những năng lực phát ra” từ Đức Kitô, sách Giáo Lý ám chỉ câu chuyện Đức Giêsu chữa lành người đàn bà bị băng huyết trong Lc 8,42-48. Khi Đức Giêsu đang cùng đi với đám đông, một người đàn bà mắc bệnh băng huyết tiến đến phía sau và chạm vào tua áo choàng của người (câu 22). Bà ta tập tức được chữa lành. Rồi Đức Giêsu nói: “Có người đã sờ vào Thầy vì Thầy biết có một năng lực tự nơi Thầy phát ra” (câu 46).

Phêrô nhận thấy có nhiều người trong đám đông hẳn đã chạm vào Đức Giêsu, vì đám đông xô đẩy chen lấn Người. Nhưng chỉ có một người tiến đến phía sau và chạm vào Đức Giêsu bằng niềm tin, và điều đó đã cho phép “năng lực” từ Người phát ra. Có bao nhiêu người Công Giáo tham dự Thánh Lễ hoặc lãnh nhận Bí tích Thêm Sức mà chẳng có gì thay đổi trong cuộc đời của mình? Họ giống như đám đông ở ngay bên Đức Giêsu, nhưng đã không chạm vào Người bằng niềm tin. Đây là cách mà Giáo Lý cho biết các Bí tích hoạt động như thế nào. Qua các Bí tích, chúng ta gặp gỡ chính Đức Giêsu, và nếu chúng ta đến với Người bằng niềm tin, hẳn năng lực sẽ phát ra cho chúng ta đúng như đã xảy ra với người đàn bà, nhờ đức tin của mình, đã được ân sủng chạm đến. Các Bí tích như con kênh chuyên chở ân sủng đầy quyền năng của Thiên Chúa, thế nhưng ân sủng ấy sẽ sinh hoa tráitrong đời sống chúng ta, tùy theo tầm mức chu đáo mà với đức tin chúng ta chuẩn bị như thế nào để đón nhận Đức Giêsu nơi các Bí tích.

VI. LỐI NHÌN QUY KITÔ VỀ CÁC BÍ TÍCH

Ân sủng của các Bí tích tuôn trào từ “mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Kitô chịu khổ nạn, chịu chết và sống lại”.[12] Chiến thắng của Thập Giá và Sự PhụcSinh được hiện tại hóa cho Dân Chúa thông qua các Bí tích của Giáo Hội. Các Bí tích là cửa ân sủng, là cách thức Thiên Chúa đã chọn để ở lại với dân Người. Các Bí tích không chỉ đến từ Đức Kitô, mà còn làm cho sự sống của Đức Kitô hiện diện trong cuộc đời chúng ta.Các mầu nhiệm của cuộc đời Đức Kitô là nền tảng cho những gì Người ban phát trong các Bí tích nhờ các thừa tác viên của Hội Thánh Người, bởi vì “điều khả thị nơi Đấng Cứu Độ chúng ta được chuyển vào trong các Bí tích”.[13]

Sách Giáo Lý trích lại giáo huấn của Thánh Léon Cả, vị giáo hoàng nổi danh sống ở thế kỷ thứ V. Khi nói “các mầu nhiệm (mysterion - mysteria - mystery)” của Đức Kitô, Thánh nhân hiểu theo nghĩa đen là các Bí tích. Các Giáo Phụ Hy Lạp đã gọi các Bí tích là các “mầu nhiệm”. Như vậy, sự sống của Đức Giêsu được trao ban trong các Bí tích.

Tại sao vậy? Thánh John Eudes đã khẳng định rằng, mục đích của đời sống chúng ta là tiếp nối đời sống của Đức Kitô. Vì thế, các Bí tích là những phương thế để sống đời sống của Đức Kitô. Thánh John Eudes nói:Chúng ta phải tiếp nối và hoàn thành nơi bản thân chúng ta các giai đoạn của cuộc đời Chúa Giêsu và các mầu nhiệm của Người, và thường xuyên cầu xin... để Người hoàn tất và kiện toàn những điều ấy trong chúng ta và trong toàn thể Hội Thánh Người... Vì Con Thiên Chúa có ý truyền thông, mở rộng và tiếp tục các mầu nhiệm của Người trong chúng ta và trong toàn thể Hội Thánh Người.[14]

Chúng ta không có khả năng sống cuộc đời của Đức Kitô nếu không có ân sủng của Thiên Chúa. Đấy là lý do tại sao Giáo Lý dạy chúng ta về các Bí tích và phụng vụ (những dòng kênh chuyển trao ân sủng của Thiên Chúa) trước khi dạy chúng ta về đời sống luân lý. Có một sự khôn ngoan nơi trình tự của bốn cột trụ trong sách Giáo Lý. Phần đầu tiên là Tuyên Xưng Đức Tin (Cột trụ I), để chúng ta cần phải khởi đi bằng niềm tin vào Thiên Chúa. Kế đến là hoạt động của Thiên Chúa nơi các Bí tích và phụng vụ (Cột trụ II), tức là điều khả dĩ làm cho chúng ta sống cuộc đời của Đức Kitô (Cột trụ III). Để rồi chúng ta có thể cầu nguyện như con cái Thiên Chúa (Cột trụ IV). Ân sủng phải đến trước hoạt động, các Bí tích phải đến trước luân lý.

Duy trì lối tiếp cận Quy Kitô đối với các Bí tích quả là quan trọng. Điều đó mang nhiều ý nghĩa hơn so với chuyện chỉ biết rằng, năng lực các Bí tích có gốc rễ sâu xa nơi Đức Kitô. Đúng hơn, chúng ta cũng phải thấy “điều khả thị nơi Đấng Cứu Độ chúng ta” đã vượt qua trong các Bí tích của Người như thế nào. Mỗi Bí tích đều có gốc rễ sâu xa nơi cuộc đời và cái chết của Đức Giêsu. Bí tích Rửa Tội chẳng hạn, có gốc rễ sâu xa nơi Thập Giá. Thế nên Thánh Phaolô mới nói: “Anh em không biết rằng: tất cả chúng ta đã chịu phép rửa để được kết hợp với Đức Kitô Giêsu, là chúng ta đã chịu phép rửa để được kết hợp với cái chết của Người sao?” (Rm 6,3). Khi chúng ta hiểu đơn giản Bí tích Rửa Tội là sự tái sinh và thanh luyện, nhưng lại tách biệt khỏi cái chết của Đức Kitô, thì chúng ta sẽ không nắm bắt được hoàn toàn ý nghĩa của nó. Mọi Bí tích phải được giáo huấn trong tương quan với Đức Giêsu.Cách mà người ta thường giảng dạy về Bí tích Thêm Sức minh họa cho ví dụ về việc dạy giáo lý có thể hướng người ta lệch khỏi việc tập trung vào Đức Giêsu Kitô như thế nào. Vậy “đâu là sự kiện trong Tân Ước ám chỉ Bí tích Thêm Sức?”. Câu trả lời thường lúc nào cũng chỉ có thế: “Lễ Ngũ Tuần”. Khi tôi báo cho họ biết rằng họ đã sai, họ ngạc nhiên thực sự. Bí tích Thêm Sức không nhận được nguồn viện dẫn chính nơi Lễ Ngũ Tuần. Đúng hơn, như tất cả các Bí tích đều vậy, trước tiên và trên hết, Bí tích Thêm Sức gắn liền với đời sống của Đức Giêsu. Vậy, phần đời nào của Đức Giêsu có liên quan đến Bí tích Thêm Sức?

Phép Rửa của Đức Giêsu là nền tảng của Bí tích Thêm Sức Kitô Giáo. Khi Đức Giêsu được ông Gioan làm phép rửa, Người cũng đã được xức dầu bằng quyền năng của Thần Khí. Hình ảnh chim Bồ câu đậu xuống trên Đức Giêsu là việc xức dầu của Người trong Thần Khí. Thánh Luca thuật lại cho chúng ta biết, từ lúc đó Người tiến bước trong quyền năng của Thần Khí (x. Lc 4,1.14.18). Trong bài giảng đầu tiên về Bí tích Thanh Tẩy được ghi lại, Thánh Phêrô ám chỉ “Đức Giêsu xuất thân từ Nazareth, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người” khi Người được Gioan Tẩy Giả làm phép rửa tại sông Jordan (x. Cv 10,38). Soạn giả Luca cho chúng ta biết rằng, lúc khởi đầu sứ vụ của mình, Đức Giêsu đã được xức dầu với quyền năng của Thánh Thần. Đây là điều vẫn xảy ra nơi Bí Tích Thêm Sức — khi chúng ta được chia sẻ sứ vụ của Đức Giêsu. Cũng giống như các tư tế, ngôn sứ và vua chúa được xức dầu, thì Đức Giêsu cũng thế - và rồi các môn đệ của Người cũng vậy. Chúng ta cần được xức dầu bằng Thánh Thần để sống sứ vụ và đời sống của Đức Giêsu. Đấy là tất cả những gì về Bí tích Thêm Sức.

Thế còn Lễ Ngũ Tuần có liên quan gì tới Bí tích Thêm Sức? Tác giả Luca kể cho chúng ta biết, Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ của Người với việc xức dầu của Thánh Thần. Trong cuốn sách tiếp theo Tin Mừng của mình (sách Công Vụ Tông Đồ), tác giả Luca cũng thuật lại cho chúng ta biết, Giáo Hội khởi đầu sứ vụ của mình với việc xức dầu của Thánh Thần. Tác giả Luca so sánh cuộc xức dầu của Đức Giêsu tại sông Jordan với việc xức dầu của Giáo Hội nơi Căn Phòng Trên Lầu(Phòng Trên: Upper Room). Để thực sự hiểu Lễ Ngũ Tuần có liên quan đến Bí tích Thêm Sức, chúng ta phải hiểu đó là sự mở rộng - là việc hiện tại hóa - của việc xức dầu bằng Thần Khí của Đức Giêsu. Tất cả các Bí tích sẽ được làm sáng tỏ, được đặt nền móng nơi con người và sứ vụ của Đức Giêsu.

VII. KHUNG CẢNH LÀ MỌI SỰ

Văn kiện Chỉ dẫn Tổng quát về việc Dạy Giáo Lýhướng dẫn rằng, giáo lý “đặt các Bí tích trong lịch sử cứu độ”.[15] Khi các Bí tích được giảng dạy, chúng phải được giải thích trong bối cảnh lịch sử cứu độ, nghĩa là Thánh Kinh. Đây là mấu chốt để bàn về Bí tích Thêm Sức. Để giảng dạy Bí tích Thêm Sức thì ngoài biến cố Đức Giêsu được xức dầu hay việc xức dầu của Hội Thánh vào Lễ Ngũ Tuần, thì cũng cần có cái nhìn tách bạch về ý nghĩa của nó. Đây là lý do tại sao Sách Giáo Lý, ở phần đầu mỗi mục về các Bí tích, đều có đoạn dẫn Bí tích ấy vào bối cảnh của lịch sử cứu độ. Ví dụ như phần đầu của mục nói về Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân được đặt tựa đề: “Nền tảng của Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân trong Nhiệm cục Cứu Độ”. Giáo lý có ý muốn nói đến lịch sử cứu độ bằng cụm từ nhiệm cục cứu độ. “Nhiệm cục” (oikonomia) là một thuật ngữ Kinh Thánh, và trong tiếng Hy Lạp, cách chung nó ám chỉ kế hoạch của gia đình hay việc quản lý trong gia thất. Thánh Phaolô và các Giáo phụ ám chỉ lịch sử cứu độ là kế hoạch gia đình của Thiên Chúa - kế hoạch để Thiên Chúa là người Cha chăm sóc dân Người qua dòng thời gian như thế nào.

Các dấu chỉ của Bí tích lấy ý nghĩa chủ yếu từ các sự kiện trong lịch sử cứu độ: những sự kiện này được tiên báo trong Cựu Ước và được hiện tại hóa nơi Đức Kitô. Vì thế, để hiểu các Bí tích thì cả Cựu Ước cũng như Tân Ước đều rất quan trọng. Mầu nhiệm nơi việc xức dầu của Đức Giêsu được bày tỏ trong Tân Ước, nhưng lại được báo trước trong Cựu Ước qua việc xức dầu của các tư tế, ngôn sứ và vua chúa. Cả hai đều soi sáng cho ý nghĩa hiện thời của Bí tích.

Để hiểu được dấu chỉ của Bí tích Thêm Sức, tức là việc xức dầu với dầu thánh Sanctum Chrisma” (S.C.), người ta phải biết dấu chỉ ấy liên hệ với những lần xức dầu được mô tả trong Thánh Kinh. Sách Giáo Lý “giúp chuyển từ dấu ch sang mầu nhiệm”,[16] do đó khi một người được xức dầu bằng dầu thánh trong Bí tích Thêm Sức, thì dấu chỉ hướng dẫn họ chiêm niệm việc xức dầu những người được Thiên Chúa tuyển chọn, đặc biệt hơn cả là Người Con của Thiên Chúa. Đọc ra ngôn ngữ dấu chỉ của Bí tích là mấu chốt để trở nên người Công Giáo. Vì vậy, Công Đồng Vatican nhấn mạnh rằng: “Điều rất quan trọng là làm sao cho các tín hữu dễ dàng hiểu được những dấu ch của các Bí tích, và siêng năng lãnh nhận các Bí tích đã được lập ra để nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu”.[17]

Bởi “cũng từ Thánh Kinh mà... các dấu chỉ có được ý nghĩa của chúng”,[18] nên việc giảng dạy nền tảng Kinh Thánh về các dấu chỉ Bí tích là điều cần thiết; vàđây là lý do tại sao chúng tôi tập trung vào việc đặt để các Bí tích vào bối cảnh của lịch sử cứu độ. Cách tiếp cận được nêu ra ở đây không phải là một phương pháp nghiên cứu được hết mọi khía cạnh của các Bí tích, mà đúng hơn là bước đầu tiên để hướng tới một kỹ năng đọc các dấu chỉ Bí tích bằng Kinh Thánh. Chúng ta không thể hiểu được các dấu chỉ Bí tích một cách dễ dàng nếu không dựa vào Thánh Kinh. Sách Giáo lý nhấn mạnh rằng: Giáo lý về Bí tích phải làm thế nào để con người có thể đọc được “ngôn ngữ dấu chỉ” của các Bí tích một cách thích đáng.Việc dạy giáo lý liên quan đến phụng vụ nhằm đưa con người vào mầu nhiệm Đức Kitô (mystagogia), dẫn từ điều khả thị đến điều bất khả thị, từ dấu chỉ đến thực tại, từ “các Bí tích” tới “các mầu nhiệm”.[19]Khi chúng ta không thể đọc ra các dấu chỉ Bí tích, thì cũng sẽ chẳng có sự chuyển động từ điều khả thị tới điều bất khả thị, từ đấu chỉ sang những gì biểu thị, từ Bí tích đến với Đức Kitô. Bởi vậy chúng ta cần đến viễn cảnh của lịch sử cứu độ để hiểu rõ bản chất của các Bí tích.[20]

VIII. QUÁ KHỨ ĐƯỢC HIỆN TẠI HÓA

Khi chúng ta đọc Kinh Thánh, chúng ta dễ chú ý đến những phép lạ lớn lao và những kỳ công hùng vĩ trong quá khứ, rồi tự hỏi tại sao Thiên Chúa lại không hành động trên cuộc đời chúng ta như vậy. Tuy nhiên, đấy lại là nơi mà các Bí tích và phụng vụ tiến vào. Kitô giáo không phải là “đạo sách thánh” mà ở đó chúng ta chỉ có đọc lên những gì Thiên Chúa đã làm trong quá khứ; không, qua các Bí tích và phụng vụ, Thiên Chúa vẫn tiếp tục hiện tại hóa ơn cứu độ của Người.

Như vậy, các Bí tích biến lịch sử quá khứ thành mầu nhiệm hiện tại. Chẳng hạn như ơn cứu độ của Thiên Chúa giúp Israel khỏi cảnh nô lệ AiCập nhờ dòng nước Biển Đỏ, và việc xức dầu Đức Giêsu bằng Thánh Thần tại sông Jordan trở thành hiện tại cho chúng ta nơi Bí tích Thanh Tẩy. Trong Sách Thánh chúng ta nghe được điều Thiên Chúa đã làm cho dân Người trước chúng ta, nhưng qua các Bí tích chúng ta trải nghiệm những kỳ công ấy có hiệu lực với chúng ta như thế nào. Phụng vụ và các Bí tích là cửa ngõ cho chúng ta bước vào câu chuyện lịch sử ơn cứu độ. Vì thế, giao ước không đơn thuần là câu chuyện lịch sử của Israel, Đức Giêsu, các môn đệ và những nhân vật khác, nhưng nhờ sự thông phần của chúng ta vào các Bí tích, khởi đi với Bí tích Rửa Tội, giao ước ấy lại trở thành câu chuyện lịch sử của chính chúng ta.

Chúng ta, những người Kitô hữu, được mời gọi mở ra một tầm nhìn mới để thấy các Bí tích hiện tại hóa quyền năng và sự sống của Đức Kitô trong đời sống chúng ta như thế nào. “Thông điệp giáo lý giúp Kitô hữu định vị bản thân trong lịch sử và gắn kết bản thân mình vào đó, bằng việc cho thấy rằng Đức Kitô là ý nghĩa tối hậu của lịch s này”;[21] Để rồi chúng ta thấy lịch sử cứu độ không chấm dứt với cái chết của các tông đồ, nhưng còn tiếp tục trong thời đại chúng ta. Cuộc đời của chúng ta là một phần của câu chuyện lịch sử - mỗi câu chuyện lịch sử của chúng ta là mỗi chương trong cuộc đời của Đức Kitô qua mọi thời. Đây là mầu nhiệm của nhiệm cục cứu độ, mầu nhiệm Đức Giêsu được tiên báo trong Cựu Ước, đã được tỏ lộ trong Tân Ước, và sau đó được tượng hình (post-figured) bằng việc chúng ta đang sống đời sống của Đức Kitô hôm nay. Đây là cái nhìn thiêng liêng hết sức sâu sắc mà các Bí tích mời gọi chúng ta sống. “Nhưng điều đó cũng đòi hỏi việc dạy giáo lý phải giúp các tín hữu mở rộng tâm hồn, để hiểu được ý nghĩa ‘thiêng liêng’ ấy của nhiệm cục cứu độ, đúng như phụng vụ của Hội Thánh bày tỏ và giúp chúng ta sống”.[22]

 

 

 

 


[1]x. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1095.

[2]“Ex opere operato” là “thuật ngữ trong thần học Bí tích, hàm nghĩa các Bí tích có hiệu lực bời mô thức của chính lễ nghi Bí tích chứ không vì sự xứng đáng của thừa tác viên cử hành hay người tham dự”. (Fr. Peter M. J. Stravinskas, ed., Catholic Dictionary, Hungtington, IN: Our Sunday Visistor, 1993, pp. 205)

[3]x. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1128.

[4]St. Thomas Aquinas, Summa Theologiae, IIa - IIae, q. 61, art. 4.

[5]Augustin, về Tin Mừng theo Thánh Gioan, 80. 3; x. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1228.

[6] x. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1091.

[7]Martin Luther, Babylonian Captivity, chap. 3, part 1, as quoted in E. L. Mascall, The Recovery of Unity (London: Longmans, Green and Co., 1958), pp. 97, footnote 2.

[8]John Calvin, Institutes of Christian Religion,bk. IV, chap. 14, no. 23, as quoted in E.L. Mascall, The Recovery of Unity, pp. 97.

[9]Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1127, nhấn mạnh căn nguyên.

[10]x. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, các số 1366-1367.

[11]Ibid., số 1116.

[12] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium (Phụng Vụ Thánh), số 61.

[13]Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1115.

[14]Ibid., số 521.

[15]Bộ Giáo Sĩ, General Directory for Catechesis (Hướng Dẫn Tổng Quát về Việc Dạy Giáo Lý), 1997, số 108.

[16]Ibidem.

[17]Công Đồng Vatican II, Hiến chế SacrosanctumConcilium (Phụng Vụ Thánh), số 59.

[18]x. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1100.

[19]Ibid., số 1075.

[20]Jean Daniélou, “The Sacraments and the History of Salvation” dựa trên tác phẩm lớn hơn, The Liturgy and the Word of God (Collegeville, MN: Liturgical Press, 1959), pp. 31.

[21]Bộ Giáo Sĩ, General Directory for Catechesis (Hướng Dẫn Tổng Quát về Việc Dạy Giáo Lý), 1997, số 98.

[22]Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1095.