Friday, 24 January 2020 01:41

Hôn Nhân - Gia Đình Theo Quan Điểm Nhân Chủng Học Và Xã Hội Học Featured

Thanh Tuyền, OP.

 

 
I. MỘT VÀI DỮ KIỆN NHÂN CHỦNG HỌC VÀ XÃ HỘI HỌC LIÊN QUAN ĐẾN HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH
 
A. Chức Năng Xã Hội về Hôn Nhân và Gia Đình
 
1. Hôn nhân giữa lòng muốn và luật lệ: Hôn nhân là một trong những chức năng nền tảng của con người, mà qua đó con người biểu tỏ sự ưng thuận với những sự khác biệt, nhận hiểu người khác, và đón nhận. Nguời kết hôn là người thuận theo sự khác biệt nơi người khác, đồng thời cũng chấp nhận khuyết điểm chính tự bản chất nơi mình, là cái bất toàn nơi hữu thể mình. Người ta phải chân nhận ra mình chẳng phải là đấng toàn năng khi biết mình là “một trong bao la những người khác.” Sự khao khát luôn luôn gắn chặt trong con người, đặc biệt là sự khát khao tình dục. Vì thế đây chính là một nguy hiểm rất lớn nếu sự khao khát ấy vẫn mãi âm ỉ trong bản thân mình: Một mặt, có những người chạy theo nguy cơ ấy và biến mình thành những “đồ vật” ; mặt khác, xã hội con người đã tự đánh mất tính liên đới của mình (tính hợp quần theo như định nghĩa của xã hội học): sự khao khát ấy sẵn sàng bộc phát bất cứ lúc nào khi nó bị đánh thức, việc thiếu tiết độ sẽ lôi kéo các cá nhân và sự tranh dành giữa họ sẽ xảy ra hầu làm sao có thể chiếm đoạt được những “đồ vật” mà họ theo đuổi. Xã hội sẽ không thể tồn tại nếu mỗi thành viên của mình không biết tiết độ cái khát khao ấy.

Sự tiết độ này sẽ thể hiện khi tương quan với những người khác nhờ việc ngăn ngừa tình trạng loạn luân mà chúng ta có thể nhận thấy nơi xã hội nào cũng có, dẫu rằng mỗi xã hội đều có những dạng thức hay nguyên tắc khác biệt. Đây không chỉ đơn giản là luật lệ trong những xã hội với nhau mà thôi; tận sâu thẳm, chính là Thiên Luật vậy. Thiên Luật cho phép hình thành nên cấu trúc xã hội con người, vì thế Luật này sẽ là Luật cần được đặt giữa các luật khác. Trong việc ngăn ngừa tình trạng loạn luân, người ta tách khoái lạc nhục dục (bản năng) ra khỏi sự vận hành của xã hội.
 
Hôn nhân là một chiều kích căn bản của xã hội: vì một mặt, hôn nhân đụng đến sự khác biệt về tính dục con người, mà sự khác biệt ẤY mang tính người (người ta có thể không sống được nếu như không tự thẩm định tính dục nơi bản thân mình). Đây là sự giới hạn căn bản của thân phận con người mà được khắc sâu vào xác thân con người của mình. Mặt khác, về phía bản thân, hôn nhân thiết lập nên mối tương giao hỗ tương với người phối ngẫu của mình: “ta” đây nhưng cũng là “mình” nữa, và “mình” kia nhưng cũng là “ta” vậy. “Ta” với “mình” là một, cũng như “mình” với “ta” như nhau mà thôi vậy. Sự khác biệt này sẽ được hiển lộ bằng việc trao đổi lời nói và đời sống chung đụng, mà qua đó cũng bao hàm cả đời sống tình dục nữa.
 
2. Cấu trúc xã hội: xã hội được cấu thành nên từ những đơn vị nho nhỏ, hoặc từ những tế bào, mà được gọi là gia đình. Lễ thành hôn là một sự kiện cho việc khởi sự công trình sáng tạo cho một cấu trúc căn bản và hoàn toàn mới mẻ, và thế là xã hội đã có và thừa nhận một thành tố vừa được khai sinh.
 
3. Tính Liên Tục của Xã Hội qua việc “Sản Xuất” những Con Trẻ: Tế bào hôn nhân chính là chốn sẽ sản sinh ra những thành tố mà có thể làm cho xã hội tồn tại và tăng trưởng. Xét trên bình diện xã hội học, chức năng hôn nhân là thế này: sản sinh và giáo dục con trẻ: “con trẻ chính là một minh chứng sống động của hôn nhân.” Đây là lý do tại sao hôn nhân dị giới, chế độ một vợ một chồng và sự bền vững vẫn luôn được coi là một hôn nhân chuẩn mực ở mức cao nhất, và cũng thế: hôn nhân dị giới là cần thiết vì chỉ qua đó mới có điều kiện sinh con đẻ cái; và để cho con trẻ có một cấu trúc đúng thì chúng cần phải ở trong môi trường sống quân bình, nơi mà chúng có thể biểu tỏ vai trò và căn tính của chính mình; chế độ một vợ một chồng là quan trọng, vì qua đó, tự do cũng như phẩm giá con người trong cộng đồng được tôn trọng nhiều hơn cả; sự bền vững là thiết yếu vì cấu trúc con người nơi con trẻ đòi hỏi cần có một cộng đồng vững bền. Đấy là lý do tại sao xã hội cũng cần tôn trọng và khích lệ sự kết hợp trong hôn nhân: vì điều này liên quan đến sự sống còn của xã hội.
 
Hôn nhân làm cho chức năng sinh sản của người nam và người nữ được hợp thức hóa, trong sáng và khuôn khổ. Tình yêu là nhiệm mầu, thế nhưng tình yêu lại chẳng có liên quan gì đến Nhà nước hay thể chế xã hội nào cả; Theo hôn nhân dân sự, không có hai chữ “tình yêu.” Trong xã hội của chúng ta ngày nay, rõ ràng hôn nhân đã nói cho chúng ta biết được những tính cách của con người sẽ không thể nào sống động nếu không có tình yêu. Quan điểm xã hội như thế quả là lý thú, nhưng vẫn chưa trọn vẹn.
 
B. Mô Hình Truyền Thống của Đôi Lứa
 
1. Sự Qui Chiếu về Gia Đình: Mô hình truyền thống của đôi lứa trước tiên được định nghĩa trong mối quan hệ gia đình, dòng tộc, và thị tộc. Đôi vợ chồng khám phá mình được hòa nhập vào trong một bối cảnh gia đình nào đó, mà chính nơi ấy là một thể thống nhất để sản sinh ra những con người cho xã hội, và cũng chính nơi ấy mà mỗi thành viên đều có chỗ đứng và vai trò của mình vốn đã được định trước. Nói chung, đây là mô hình cho những xã hội được gọi là truyền thống; tuy nhiên, xã hội Châu Âu cũng theo mô hình này cho đến thế kỷ XIX. 
 
2. Một Số Truyền Thuyết:
 
* Truyền thuyết về giới mày râu: Theo truyền thống, người đàn ông được xem như đã tự đầy đủ nơi chính mình, còn người phụ nữ chỉ hữu ích khi thực hiện hành vi sinh nở mà thôi. Để có thể trợ giúp vào trong những lãnh vực khác, người đàn ông khác còn có hiệu năng hơn là một người phụ nữ nữa. Phụ nữ bị quan niệm một cách rất tiêu cực, chẳng hạn sự hiện hữu của họ bị xem như là một tai họa vậy. Trong bộ luật xã hội truyền thống, thông thường phụ nữ có một cương vị xã hội vô cùng thấp kém. Chẳng hạn như:
 
§ Luật Manou của ông Solon thuộc người Athène (640 – 558 tcn), luật Lê-vi, cổ luật La Mã, luật Coran (Hồi giáo), luật Do Thái.
 
§ Theo Aristote, phụ nữ chẳng qua chỉ là đàn ông bị thoái hóa.
 
§ Trong lời nguyện kinh sáng của Do Thái giáo, chúng ta cũng đọc thấy câu: “Lạy Đức Chúa, con xin tạ ơn Ngài vì Ngài đã không dựng nên con là người phụ nữ.”
 
§ Đối với thánh Tô-ma, người phụ nữ cần phải câm nín vì “lý trí của họ rất kém cỏi,” nên không có khả năng trình bày và diễn tả tư tưởng mình hầu hướng dẫn người khác, cũng như không thể điều hành hoặc trở thành người bênh vực được (Chú giải 1 Co 14,34).
 
* Truyền thuyết về phái yếu: Thông thường, phụ nữ bị đối xử như trẻ con. Phải đến thế kỷ XX thì tình trạng này mới chấm dứt. Hơn nữa, khi chúng ta nhìn qua Âu Châu, đặc biệt là ở Pháp, “năng lực xét xử” của phụ nữ đã được chấp thuận vào năm 1938, nhưng mãi đến năm 1946 thì họ mới có quyền đầu phiếu. Sự yếu đuối của phụ nữ đối chiếu với sức mạnh thể lý của đàn ông được coi như là một biểu hiện rõ nét hơn của toàn thể cái kém cỏi của họ.
 
Tại sao chúng ta lại đề cập đến những truyền thuyết ấy? Vì ngày nay, rõ ràng chúng ta được biết vai trò của phụ nữ trong đời sống hôn nhân cũng quan trọng không kém gì đàn ông trong công việc mà xã hội trao phó. Trong những xã hội Tây phương, thực tại của phụ nữ trước kia vốn từng bị giới hạn và gò bó trong những công việc nội trợ và giáo dục thì đã phát triển rõ rệt vào thế kỷ XIX, và sau đó được hồi sinh vào thế kỷ XX. Thế nhưng xét về mặt lịch sử, người ta nhận thấy những sự kiện ấy biểu tỏ một cách khác: Martine Segalen giải thích rằng, tại những vùng nông thôn, phụ nữ làm việc trên những cánh đồng hoặc trong các trang trại; còn những con trẻ thì được bà hoặc người lớn trông nom; trong những gia đình nhân công, phụ nữ cố gắng phải tìm cho được một công việc nào đó làm tại nhà để họ còn có thể trông nom con cái mình. Chính họ là người sẽ tạo nên nền tảng cơ chế trong gia đình (những chi tiêu nho nhỏ, kinh tế, tính toán, lo toan bữa ăn). Nếu những vai trò này bị tách biệt cách nghiêm ngặt thì phải coi đây là những gia đình trưởng giả vậy.
 
3. Phụ nữ nội trợ: Vai trò truyền thống được trao phó cho người phụ nữ là những gì thuộc về công việc nội trợ. Quả vậy, xét theo thực tại sinh vật học, sự thật có những lý do của nó để hiện hữu, miễn là với điều kiện không ép buộc phụ nữ nhất thiết phải ở trong nhà, như tình trạng đã xảy ra ở Hy Lạp trước kia (khuê phòng). Trong mô hình truyền thống của người phụ nữ nội trợ, có sự tách biệt tình dục khỏi những trách nhiệm hay đời sống vợ chồng. Phụ nữ được định tính qua chức năng làm mẹ của mình. Theo mô hình này, người đàn ông đóng vai trò chính trong việc lo kế sinh nhai, là người cung cấp tài chính cho gia đình, còn phụ nữ là người điều hành trong lãnh vực nội trợ và giáo dục con cái.
 
II. HÔN NHÂN NGÀY NAY
 
A. Những biến chuyển của vợ chồng ngày nay
 
1. Thông số: Kể từ năm 1965 trở đi, và chỉ trong khoảng thời gian rất vắn vỏi, tất cả những tài liệu và tin tức về dân số đã đánh dấu bước ngoặc rất quan trọng: sự giảm thiểu nhanh chóng chỉ số sinh và hôn nhân; chỉ số ly dị tăng vọt khủng khiếp, mỗi lúc một gia tăng những cặp chưa hợp thức hóa về mặt pháp lý (sống chung với nhau mà chưa làm lễ kết hôn), sinh con ngoài giá thú cũng tăng nhanh, và gia tăng số trẻ sơ sinh của người cha nhưng không có mẹ hay ngược lại.
 
Qua những số liệu trên, thiết nghĩ chúng ta cần chú trọng đến những mối quan hệ trong hôn nhân: người ta nhận thấy, chỉ số những cặp có tổ chức lễ kết hôn giảm ghê gớm; Trái lại, số cặp ly dị và những cặp sống chung tăng rất nhanh chóng (những cặp sống chung có thể là do họ theo đuổi nhau, nhưng cũng có thể là hôn nhân của họ cứ bị đổ vỡ hoài), cũng như sự gia tăng số trẻ sơ sinh ngoài giá thú ngày càng nhiều vô kể. Qua đây, chúng ta nhận thấy có một thái độ mới đối với hôn nhân, đó là dần dần con người không còn muốn dấn thân vào xã hội nữa, và tình trạng đổ vỡ trong hôn nhân ngày càng xuất hiện nhiều hơn.
 
Sự trùng lắp những số liệu trên chẳng phải là ngẫu nhiên; đó là kết quả của sự đảo ngược chưa từng có về não trạng xã hội liên quan đến hôn nhân và đời sống vợ chồng.
 
2. Những nguyên nhân đưa đến “sự khủng hoảng hôn nhân”: Có rất nhiều nguyên nhân cũng như có nhiều cách giải thích về vấn nạn này.
 
* Yếu tố đầu tiên là kềm chế khả năng sinh sản, đặc biệt là việc sử dụng thuốc ngừa thai gần như mang lại hiệu quả tuyệt đối, và kể từ năm 1970 sự kiện tránh thai này càng ngày trở nên phổ biến hơn. Kể từ đó, các cặp vợ chồng đã có nhiều cách thế để có bao nhiêu con theo như ý muốn cũng như khi nào họ muốn có con.
 
Phải nói rằng bối cảnh kinh tế và xã hội đã đổi thay rất nhiều: trong những xã hội truyền thống, tỉ lệ tử đã tăng cao. Rất nhiều trẻ thơ đã vào đời rất sớm, trong số này có một số trẻ đã phải già trước tuổi và đã thực hiện chức năng kinh tế để nuôi sống một nhóm người nào đó. Ngày nay, chỉ số tử trẻ con đã được hạn chế; còn trong những gia đình bình dân hay gia đình có điều kiện sống trung bình, việc hạn chế có con là một điều kiện tiên quyết cho sự thành đạt trong xã hội và sự nghiệp (những số liệu thống kê đã cho thấy rõ về sự kiện này).
 
Kế hoạch sinh sản cũng giúp cho người phụ nữ có thể duy trì lợi tức một cách hiệu quả nhất: những phụ nữ nào mà muốn sinh nhiều con cái thì dần dần năng xuất công việc của họ sẽ kém hơn, bởi họ bắt đầu bận rộn hơn với vai trò làm mẹ, vì thế sẽ ngưng công việc bên ngoài; trái lại, những phụ nữ chỉ muốn có một hay hai con, rất hiếm khi có ba, sẽ dễ dàng thăng tiến hơn trong công việc, nhất là họ có thể duy trì lương bổng được dài lâu, và sẽ không phải gặp trục trặc nhiều so với người phụ nữ thường được cho nghỉ phép nhiều lần vì phải chăm sóc nhiều con nhỏ. Vì vậy, phụ nữ vẫn có thể duy trì được mối quan hệ trong công việc nhưng vẫn có được sự tự do của nữ giới trong đời sống hôn nhân nhờ việc kế hoạch sinh sản vốn ngày nay không có nhiều nguy cơ lắm.
 
* Yếu tố thứ hai, đó là sự gia tăng công việc của nữ giới; đây là thời đại mà những cô gái trẻ có thể theo đuổi việc học vấn cách dễ dàng hơn nhiều, thậm chí có người theo đuổi chương trình học vấn dài hạn nữa. Để gặt hái được nhiều kết quả từ việc học vấn này, chẳng hạn để có thể hành nghề sau khi đã kết thúc việc học, trước hết họ phải có chân trong thế giới thị trường. Để thành đạt trong công việc chuyên môn của mình, người phụ nữ cần phải gác qua một bên những công việc nội trợ. Để có thời gian cống hiến cho sự nghiệp tương lai của mình, người phụ nữ cần phải rảnh rang chuyện con cái vì chúng sẽ gây rất nhiều phiền nhiễu; họ phải duy trì vị trí nơi công sở, vì thế thông thường họ chỉ muốn có một hoặc hai con mà thôi. Cái khó khăn để duy trì công việc là công việc ấy phải làm sao cũng tương xứng với số con cái để không quá bị ngập đầu với một việc nào đó mà ảnh hưởng đến việc kia.
 
* Những vấn đề trên đã gây ảnh hưởng không nhỏ trong hôn nhân. Người ta nhận thấy rằng, xã hội đã có một hình ảnh mới về người phụ nữ từ khi sự học vấn mở ra cho họ. Quả vậy, người phụ nữ đi vào môi trường xã hội là do nhiều nguyên nhân:
 
§ Nguyên nhân tài chính, trong hoàn cảnh kinh tế bấp bênh
 
§ Lo lắng về hiệu quả sau khi hoàn tất chương trình học vấn
 
§ Mong muốn được tự do và tự lập
 
§ Tìm kiếm niềm vui qua công việc cũng như những tương quan trong công việc
 
§ Không muốn bị gò ép trong vai trò làm mẹ và nội trợ, hoặc có thể vai trò ấy bị xem như là giảm giá, hèn kém.
 
§ Nhu cầu muốn ra thoát khỏi vai trò làm mẹ và công việc nội trợ càng ngày càng gia tăng
 
Hình ảnh người phụ nữ đã thay đổi rất nhiều: phụ nữ đã chuyển nhượng vai trò của mình hầu lựa chọn một vai trò khác; hầu hết toàn thể mọi người đã công nhận quyền bình đẳng giữa người nam và người nữ– nhưng có thể vẫn không hoàn toàn là thế trong công việc – Quyền bình đẳng là yêu sách căn bản của nữ giới. Thế nhưng quyền bình đẳng này phải được đặt chỗ nào?
 
- Trong việc tôn trọng phẩm giá con người: Hình như ở Tây phương, người ta đã thoả thuận với nhau về quan niệm phẩm giá bình quyền của người đàn ông và người phụ nữ, cũng như đã công nhận trên bình diện luật pháp của xã hội và được thể hiện trên bình diện thực tế.
 
- Trong việc phân bổ công việc, đặc biệt là việc nội trợ: Phẩm giá bình quyền của hai người không có loại trừ sự khác biệt về mặt giới tính trong vai trò và bổn phận của đời sống hôn nhân. Vậy, người ta nhận thấy có sự chênh lệch đáng kể giữa các ý hướng, nguyên tắc, và thực tế. Đúng là trong lịch sử nhân loại, vị trí truyền thống dành cho phụ nữ ít cho phép họ được thể hiện phẩm giá bình quyền này.
 
Thật thế, mỗi cặp vợ chồng, cũng như mỗi người, đều có thể có quan niệm đúng đắn về quyền bình đẳng trong đời sống hôn nhân, và có thể biểu tỏ thái độ thích hợp nào đó đối với phụ nữ trong thực tế.
 
v Chung qui, giá trị của đời sống hôn nhân đã được điều chỉnh; những người phụ nữ ấy có thể tự bảo vệ chính mình, đây cũng là quyền lợi của họ vậy. Vì thế, mô hình truyền thống đã bị loại bỏ.
 
v Một giá trị khác cũng xuất hiện: giá trị đó thuộc về tình yêu: giá trị này trở thành tiêu chuẩn duy nhất cho sự kết hợp giữa hai người, tuy nhiên sự kết hợp này có thể mang hoặc không mang chiều kích hôn nhân. Tình cảm-yêu thương này trở thành một tiêu chuẩn Nền Tảng. Thế nhưng với lý do này, tình yêu thương biểu hiện một sự mơ hồ rất lớn:
 
- Một mặt, tình yêu này làm nảy sinh ra tính chủ quan và căn tính đặc thù bên trong, dưới sự tác động của tình cảm, sẽ mở ra một tương lai hoàn toàn mù mờ mà đương sự không thể biết trước được; quả vậy, kẻ lạ mặt mà tôi sẽ gặp này có thể chiếm một chỗ rất lớn trong căn tính của tôi, và nó sẽ hiển lộ ra bên ngoài để điều chỉnh lại chính con người tôi hoặc nó sẽ vạch mặt tôi. Vì thế, thật là hữu ích biết bao để tôi không tự dối lòng mình, và khoảng khắc khi tôi gặp thấy nó lúc ban đầu sẽ là khoảng khắc mà tôi có thể bắt đầu nhìn lại bản thân và trù định về cách thức phân định của tôi để xem xem người kia có thật sự tương hợp với căn tính đặc thù của tôi không. Vì vậy, người phối ngẫu cần phải biết “chọn lọc.”
 
- Mặt khác, tầng vô thức khổng lồ và căn bản này sẽ cản trở sự nhận thức của đương sự về tình yêu chiếu theo những gì thuộc về tình cảm vốn nảy sinh từ việc gặp gỡ và tương quan với người khác, và tầng vô thức này sẽ được người kia gặp gỡ và rồi đón nhận một cách trọn vẹn. Trong tâm tưởng, chúng ta thường cho rằng “tình yêu thì trái ngược hoàn toàn với sự chọn lựa,” nên từ đó người phối ngẫu đã tự gò ép mình vào ý tưởng ấy, như là một biểu hiện tức thì, mà người ấy sẽ không còn có cơ hội phản tỉnh.
 
“Tình thương yêu được khắc sâu vào trong tính cách bình thường của tiến trình đồng nhất tính nơi con người” (J-C Kaufmann), đây là một sự “khuyếch trương cái ngã vị” mà, trong trường hợp tương quan hỗ tương, sự khuyếch trương này cho phép thiết lập nên một kiểu khế ước đặt trên nền tảng của sự trao đổi tình cảm hỗ tương (cũng như những thứ khác nữa). Cũng vậy, trong căn tính người yêu sẽ được củng cố, và sẽ nhận được một sự nâng đỡ trong việc xây dựng nhân cách của mình vốn được củng cố nhờ vào một người nào đó.
 
Vấn đề ở đây là điều gì đúng và điều gì không đúng khi cả hai người phối ngẫu đều lãnh nhận vai trò của xã hội. Vì thế, người ta muốn tìm lại sự tôn trọng quyền tự lập và tự do nơi mỗi người, tính độc lập là biểu hiện sự bình quyền và bảo đảm cho người phụ nữ: khi trong trường hợp mối dây yêu đương bị phá vỡ, thì người phụ nữ sẽ không còn thấy mình bị thua thiệt. Đây là lý do tại sao những người bảo vệ quan điểm này đã “bình đẳng” phân bổ công việc nội trợ cho cả vợ lẫn chồng, công việc của hai người đều mang tính bổn phận cả, việc đầu tư vào vai trò làm cha mẹ cũng ít bận rộn hơn, và đây là chính sách không có cam kết về mặt pháp chế.
 
Thời gian ban đầu luôn luôn cần được ý thức một cách thực tế hơn trong đời sống hôn nhân: vấn đề ở đây là làm sao thiết lập nên những dữ kiện căn bản về ý thức trách nhiệm trong công việc đã được thoả thuận trong đời sống hôn nhân; căn tính nơi người này cần phải được đối diện trực tiếp với căn tính nơi người kia. Cần thiết phải học biết sống cùng nhau và hiểu ý nhau , điều này trái ngược với hình ảnh mà người ta đã diễn tả về tình yêu như ở trên.
 
Từ sự đổ vỡ của những cặp vợ chồng ngày nay khi họ đặt quá cao về cảm tính, họ sẽ gặp khó khăn khi đối diện với những va chạm không thể tránh được trong đời sống hằng ngày của hai người.
 
* Chúng ta cũng cần nói thêm rằng, tự bản chất con người vốn mang tính chủ quan. Ngày nay tình cảm được quan niệm như là đối nghịch với chiều kích xã hội về hôn nhân: tình cảm đã bị bỏ lỡ, nó chỉ liên quan đến cá nhân tôi và người bạn tình của tôi mà thôi, xã hội cũng chẳng cần biết đến nó làm gì; người ta không đồng ý những tương quan tình cảm mà được định nghĩa bởi bất cứ thể chế nhà nước nào.
 
3. Sự khủng hoảng của đời sống hôn nhân? Nếu người phụ nữ đòi quyền tự do cho mình, thì cũng có nghĩa là chỉ số hôn nhân sẽ giảm thiểu và số ly dị gia tăng. Vậy phải chăng người ta có thể suy ra rằng, đời sống hôn nhân đang gặp khủng hoảng không? Người ta bắt đầu đưa ra nhiều lối phân tích và giải thích về vấn đề này. Thế nhưng, ngày nay các nhà xã hội học đã trả lời không một chút do dự là không phải thế: phần lớn mọi người vẫn duy trì lý tưởng và khát khao đời sống lứa đôi; lối phân tích sống động này về con người (lưu ý đến khoảng thời gian dài) cho thấy rằng đôi lứa vẫn tham khảo đời sống nơi những người trưởng thành. Tuy nhiên, đối với sự khác biệt này mà đời sống hôn nhân được dệt nên qua nhiều giai đoạn; từ đo, nhiều giai đoạn vốn là tạm thời và ngắt quãng sẽ đan kết vào nhau một cách đơn lẻ. Hôn nhân đang gặp khủng hoảng, có lẽ điều này không thể chối cãi được nữa; bấy nhiêu thôi cũng làm cho người ta chẳng muốn đề cập đến các cặp hôn nhân. Thế thì cần phải định nghĩa lại sao cho rõ ràng về điều mà người ta gọi là “khủng hoảng” của đôi vợ chồng. Vậy, nếu người ta biết được mô hình truyền thống vốn vững bền và độc đáo đã bị đổ vỡ thì người ta có thể nói về sự khủng hoảng rất ư là hay. Thế là, người ta nhận thấy sẽ còn có nhiều mô hình vợ chồng nữa.
 
B. Sự vận hành mới của đôi vợ chồng
 
1. Sự hình thành đời sống vợ chồng: ngày nay, đời sống hôn nhân đã biểu tỏ đặc tính qua bản chất có tiến trình. Hôn nhân “truyền thống” đã trở nên ăn khớp nhịp nhàng với nhau: đó là, bước vào tình trạng của người trưởng thành, kết hôn, sống đời vợ chồng, thực hiện hành vi tính dục, và tách khỏi môi trường gia đình gốc. Ngày nay tình trạng truyền thống này không còn nữa. Thông thường, thật là khó để nói rằng khi nào đời sống vợ chồng được coi như đã khởi sự, bởi chính việc hình thành nên đời sống vợ chồng xem ra như chậm chạp vì có nhiều giai đoạn liên tiếp nảy sinh. Các tiêu chuẩn truyền thống trước kia bây giờ không còn ăn khớp với nhau nữa. Đây là sự kết hiệp được thiết lập nên “từ những bước nhỏ” (J-C Kaufmann). Theo như nhiều người nhận biết, vấn đề là ở chỗ xác nhận khả năng thực hiện công việc kết hợp ấy của đời sống hôn nhân với người nào đó. Người ta không có tin tưởng ngay vào khoảng thời gian ấy, họ muốn hưởng nếm những cái bảo đảm trước; nhất là người phụ nữ muốn được duy trì sự tự do tự lập, họ muốn duy trì quyền tự lập và lương bổng của bản thân, đặc biệt là khi gặp phải trường hợp “cuộc sống không trôi chảy”; ai ai cũng muốn tự do cả.
 
2. Sự vận hành của đôi vợ chồng:
 
* Trong hôn nhân truyền thống, người chồng là động cơ vận hành chính của vận mệnh người phụ nữ. Thực vậy, trong phạm vi hôn nhân, người phụ nữ không đánh giá cao mấy về thành quả học tập vì họ không phải đi làm việc. Ngược lại, phụ nữ lại chấp nhận cho chồng đề cao việc học vấn của chồng, nên người chồng có thể được miễn trừ những công việc nội trợ và giáo dục con cái. Nhưng ngược lại, nhiệm vụ của chồng là đóng góp vào sự thu nhập kinh tế cho gia đình. Mô hình này là một mô hình theo kiểu phối hợp (tất cả mọi sự đều có thể được chung chia tuỳ theo giới tính đặc thù của mình hầu cùng nhau dựng xây mái ấm hạnh phúc). Như vậy, mô hình này được xem như là chân dung của người vợ mẫu mực, kín đáo nhưng hiệu quả, không bị gò bó nhưng tận tuỵ tận tâm.
 
* Trong hôn nhân hiện đại, người phụ nữ muốn mình là động cơ vận hành chính đối với vận mệnh riêng của mình. Sự triển nở nhân vị là một giá trị lớn cần phải kể đến: với quan điểm này, nhìn chung lại thì chúng ta có thể nhận thấy rằng đời sống hôn nhân ở đây không phải là cái gì tiêu cực, vì hôn nhân hiện đại đã và đang đặt lại sự tương quan trong đời sống vợ chồng. Vì vậy, ở đây quyền tự do tự lập có thể được bảo đảm giữa hai vợ chồng, và mỗi người đều có chốn riêng tư nhất của bản thân mình (chẳng hạn như công việc, quyền, những mối tương quan cá nhân...) mà không ai có thể xâm phạm. Trong trường hợp mối tương quan vợ chồng bị đổ vỡ, người phụ nữ sẽ ít bị thiệt thòi hơn là khi họ sống với mô hình truyền thống (đặc biệt là về mặt thu nhập kinh tế). Theo như các dữ liệu thống kê, các quả phụ thuộc mô hình truyền thống hầu như luôn luôn phải đương đầu với hoàn cảnh nghèo khổ trong những năm sau khi chồng không còn, hoặc là họ phải đi thêm bước nữa.
 
* Một thực tế tinh vi: theo lý thuyết, các kiểu mẫu hôn nhân xem ra rất rõ nét, và chúng có thể ảnh hưởng lẫn nhau. Thế nhưng trên thực tiễn, mỗi cặp vợ chồng đều có “cách thức ứng xử độc nhất vô nhị” của mình mà chẳng cặp nào giống cặp nào (F. de Singly). Cũng vậy, người ta nhận thấy rằng:
 
- Thời gian nội trợ của người phụ nữ trong nhà luôn luôn bị chiếm nhiều hơn là thời gian làm việc của người đàn ông. Cũng thế, khi hai người đều làm việc và khi cả hai đều tán thành việc phân bổ những công việc cho nhau để sao cho bình đẳng nhất, thì luôn luôn người phụ nữ sẽ là người có khuynh hướng đảm trách việc nhà hơn, họ giỏi lo liệu công việc trong nhà hơn cũng như hợp với sở trường của họ hơn. Trong cuốn Công Việc và Đức Tính (Le Travail et la Vertu) của K. Blunden (Paris: Payot, 1969) có dòng chữ đề tặng là “mến tặng tất cả những cô đang ở trong hoàn cảnh thuận lợi nhưng đôi lúc lại gặp ít nhiều khó khăn như kỹ thuật đánh máy chữ cách bừa bãi hoặc muốn sử dụng chiến thuật sao cho có thể hòa giải với chồng, hoặc bất chợt có một lúc nào đó tự hỏi rằng, không biết món trứng ốp-la có đủ cho bữa tối nay không.”
 
- Công việc của người đàn ông lúc nào cũng đi bước trước so với công việc của người phụ nữ vì người đàn ông thường là người kiếm tiền nhiều hơn. Cho dù hai người đều có học vị như nhau và công việc giống nhau, người đàn ông bao giờ cũng kiếm tiền nhiều hơn người phụ nữ độc thân, và người phụ nữ độc thân lại kiếm tiền nhiều hơn người phụ nữ đã có chồng. Thế là, F. de Singly đã đi đến kết luận: “người phụ nữ nội trợ trổi vượt hơn người đàn ông nội trợ, người phụ nữ nội trợ trổi vượt hơn người phụ nữ làm việc bên ngoài, và người đàn ông làm việc bên ngoài trổi vượt hơn người phụ nữ cũng làm việc bên ngoài như thế.” Xét về mặt nghề nghiệp, đời sống hôn nhân luôn luôn thể hiện sự lợi ích cho cánh đàn ông, còn đối với cánh phụ nữ là một cái giá phải trả.
 
3. Chu trình hôn nhân: Chúng ta nhớ lại ở trên, một trong những khó khăn hiện nay khi định nghĩa đời sống vợ chồng - mà J-C Kaufmann đã gọi là “thiết lập một mặt phẳng trên các ngưỡng cửa”, chẳng hạn như sự hình thành nên đời sống hôn nhân qua các giai đoạn - đó là, người ta chẳng biết chính xác lúc nào thì đời sống vợ chồng bắt đầu. Những ngưỡng cửa ấy xem ra không thể nào nhận biết được. Cũng thế, đối với cặp vợ chồng nào đó, thật là khó để mà xác định rằng cặp vợ chồng ấy đang ở trong mức độ của giai đoạn hôn nhân nào. Cấp độ mà cặp vợ chồng nào đó đang cùng nhau tạo nên thì vô cùng khác biệt từ cặp này đến cặp khác, đó là không kể đến khả năng có cặp tụt lùi lại phía sau...
 
Theo Kaufmann, người ta có thể phát hiện ra từng giai đoạn qua điều mà người ta gọi là “chu trình hôn nhân”:
 
* Giai đoạn của những khám phá: khoảng thời gian ban đầu này được đặt trọng tâm trên tình yêu thương và mọi cảm xúc phát sinh: đó là khi người này nhận thấy người kia có thể tái xác định căn tính đặc thù của bản thân với một phong cách khác, trong một tương lai khác mà chính nơi đó người này đã được người kia nhắm tới. Khi đã đặt trọng tâm trên một người cụ thể nào đó, tình cảm sẽ phát sinh và sẽ gây ấn tượng cho người kia từ bên ngoài, đương nhiên là những tình cảm này được đặt trọng tâm trên chính cái tôi của mình và trên sự khám phá lẫn nhau mà họ đã thực hiện từ một căn tính khả thể mới lạ.
 
Nhưng thời gian này cũng là thời gian của sự khám phá được thực hiện từ người kia và cũng từ mối tương quan lẫn nhau, để qua đó họ có thể cùng khám phá, xây dựng và hướng dẫn nhau.
 
* Thời gian lưỡng lự: thời gian này được đặt trọng tâm trên mối tương quan liên vị, đây là mối tương quan mà người ta chỉ muốn nhắm đến tình cảm và gạt đi những gì vốn đã được sắp xếp thương lượng giữa hai người với nhau cũng như cả sự phân bổ vai trò của đôi vợ chồng. Người này sẽ thích ứng với người kia. Người ta không muốn nhận ra những khác biệt nơi nhau, thế nhưng những khác biệt này thật là cần thiết biết bao. Nhưng ít nhiều gì trong ý thức thì người này cũng sẽ tìm hiểu người kia. Họ lượng giá mọi nguy cơ cũng như vận may trong suốt quá trình tương quan tình cảm đôi lứa. Mọi cử chỉ và lời nói cũng chỉ là bấy nhiêu dấu hiệu mà họ cũng sẽ biểu tỏ như thế thành những dạng thức chung chia đời vợ chồng sau này mà thôi. Đây cũng là thời gian rất bấp bênh cho cả hai trong tương lai: vậy thì thời gian bấp bênh này có thể xảy đến không? và do từ thái độ nào? Dần dần sự sắp xếp trên cũng sẽ tiến triển tốt đẹp mà cả hai không mảy may nhận biết được.
 
* Thời gian thư giãn: Dĩ nhiên khi mà cả hai không mảy may nhận biết được điều đó, thì một số thói quen nào đó dần dần sẽ bị đóng băng mà có thể không biết trước được; vai trò của hai người được định hình nhờ trải nghiệm và đời sống vợ chồng rồi sẽ tự tổ chức lấy. Ít nhiều gì mỗi người cũng phải thiết lập lại căn tính mới của chính mình. Mọi tình cảm, cũng như cảm xúc, sẽ có khuynh hướng tự bào mòn, và thay vào đó là sự gắn bó thâm sâu hơn, nhưng ít dữ dội hơn, mà đôi khi hai người cảm thấy sự gắn bó này ra như nhàm chán trong tình yêu. Nguy cơ rơi vào thói quen là thực tế mà nhiều đôi lứa ngày nay không sao tránh khỏi. Lý tưởng hợp nhất đã bị biến mất vì lý tưởng này sẽ không còn nữa thông qua tính bền vững nơi hai căn tính riêng biệt. Có thể khi đã khám phá ra điều này, hay qua những khi trao đổi tương quan liên vị lẫn nhau, họ sẽ cảm thấy bất mãn. Trong trường hợp này, có thể nảy sinh ra sự xung đột kéo theo từ việc tái thẩm định qua những cuộc trao đổi chung chia ấy; hoặc nữa, người ta có thể đi tìm sự bù trừ trong những ảo mộng, hay qua sự tất bật của công việc, hoặc thậm chí có thể đi tìm một tương quan mới khác khởi lại từ đầu hầu lấy lại tiến trình của đời sống lứa đôi.
 
4. Chia tay tự nguyện của mối tương quan đôi lứa: ngày nay sự đổ vỡ của mối quan hệ đôi lứa biểu hiện như là một minh chứng hiển nhiên, vì thể chế hôn nhân không còn đóng vai trò thay thế tình yêu trong mối tương quan hôn nhân như trước đây nữa; ngày nay có nhiều cặp vợ chồng đặt trọng tâm trên tình cảm yêu thương mà không hề biết dùng phương thế nào để củng cố hôn nhân hoặc hướng đến lý tưởng khi đương đầu với khủng hoảng. Trên bình diện pháp chế và não trạng của phần lớn mọi người, người ta đã bình thường hóa việc chia tay trong mối quan hệ vợ chồng. Theo dữ liệu thống kê, người ta quan sát thấy rằng, khi người phụ nữ đi làm việc bên ngoài sẽ bị căng thẳng thần kinh hơn, nhưng lại ít bị trầm uất hơn những người phụ nữ nội trợ “vốn thường bị người đời chỉ trích là được sung sướng hạnh phúc, hay chẳng làm được tích sự gì” (de Singly).
 
Hơn nữa, việc xây dựng và củng cố mối dây tình yêu đòi hỏi phải có thời gian và có nội lực mà hai người không phải lúc nào cũng sẵn sàng chịu nương tựa vào nhau, vì “lúc nào cũng tất bật vội vã,” và không phải lúc nào họ cũng nhận thấy tầm quan trọng của thời gian dành cho nhau vốn cần thiết.
 
5. Sự thoả hiệp: hợp nhất một cách tự do: Sự hợp nhất một cách tự do hình thành nên một thoả hiệp giữa hai người với nhau:
 
- Giữa hai phái tính: những người vốn ủng hộ cho lối sống hợp nhất nhưng lại rất tự do là những người rất hay chỉ trích nhất về sự hợp nhất trong hôn nhân: chẳng hạn như chỉ có một thu nhập duy nhất mà người chồng nắm trọn quyền để cung ứng cho gia đình, còn người phụ nữ chỉ có thể đóng góp vào khoản thu nhập duy nhất ấy bằng việc nội trợ và giáo dục con cái trong gia đình mà thôi. Để sống một cách thực tiễn hơn, họ muốn đời sống hôn nhân có sự phân bổ công việc sao cho bình đẳng nhất có thể. Điều này thật là an toàn cho người phụ nữ khi phải gặp trường hợp chia tay. Khi xem tình yêu là quan trọng hơn, nhưng thực tế lại chẳng bảo đảm gì cho cuộc sống, thì người ta cho rằng người phụ nữ làm việc để chu cấp cho nhu cầu bản thân trong những hoàn cảnh thất bại sẽ như là một bằng chứng tình yêu.
 
- Giữa các thế hệ: Theo như chuẩn mực xã hội vốn không ngừng được gầy dựng và củng cố, người ta chỉ kết hôn với nhau khi đã hoàn tất việc học vấn và cuộc sống đã được sắp đặt ổn thoả; người ta cũng chứng tỏ khả năng mình xem có thể chu cấp cho những nhu cầu và duy trì mái ấm của gia đình tương lai của mình không đã. Chuyện gì sẽ xảy ra khi chương trình học vấn của họ kéo dài đằng đẵng, rồi cũng đến lúc tuổi thì mỗi lúc mỗi cao dần trong khi họ đang có giao kèo hôn nhân với nhau. Hơn nữa, khi tâm thức mỗi lúc một tiến triển, và khi lứa tuổi hậu thiếu niên muốn chứng tỏ đặc tính của mình trước mọi người qua việc phát triển tính dục sớm nơi mình mà đôi khi thật khó lòng có thể cản ngăn được chúng, thì con người thời đại càng quan niệm không đúng và thậm chí càng bóp méo đời sống kết hợp trong hôn nhân. Thông thường cha mẹ chấp thuận tình trạng sống chung của con cái mình khi chúng chưa hoàn tất chương trình học vấn, vì rằng giá trị tiên quyết trong mọi gia đình chính là gầy dựng vốn liếng cho con cái mình bằng việc học hành: “Tầm quan trọng của công việc chiếm ưu thế mạnh hơn là tầm quan trọng của hôn nhân” (F. de Singly). 
 
Các nhà xã hội học đã thử phân loại những dạng thức khác biệt của tình trạng sống chung như sau:
 
- Tình trạng sống chung lý tưởng (la cohabitation idéaliste - khi hôn nhân được xem như là một nguy cơ bình thường hóa đời sống vợ chồng vốn chỉ sống chung với nhau khi đã kết hôn mà thôi).
 
- Tình trạng sống chung mang tính chống chủ nghĩa thủ cựu (la cohabitation anticonformiste), qua việc đi ngược lại với xã hội.
 
- Tình trạng sống chung cẩn trọng (la cohabitation de prudence - tức là hôn nhân thử nghiệm).
 
- Tình trạng sống chung trong thời gian đính hôn (la cohabitation de fiançailles), khi hôn nhân đã được quyết định và chấp thuận nhưng chưa được phép sống chung.
 
III. HỘI THÁNH KITÔ GIÁO NÓI GÌ ?
 
A. Hôn nhân Kitô giáo
 
1. Duy trì mối tương quan của hôn nhân Kitô giáo: Thật lạ lùng thay, chỉ số hôn nhân Kitô giáo đã giảm rõ rệt nếu xét theo tỉ lệ, nhưng xét về mức độ thì thấy ít nghiêm trọng hơn là tất cả mọi trường hợp hôn nhân khác. Hay nói cách khác, người ta vẫn thường cử hành Bí Tích Hôn Nhân trong các thánh đường, và không còn cho rằng hôn nhân Kitô giáo đã bị giảm sút trên bình diện hành đạo một cách hợp thức nũa. Việc kháng cự không theo hôn nhân Kitô giáo cũng không làm mất đi ý nghĩa hôn nhân nơi những cặp hôn nhân ngày nay. Vậy, chúng ta cũng có thể nói được rằng nghi lễ hôn phối vẫn còn được duy trì, nhưng đã được cải cách để mặc cho nghi lễ một ý nghĩa khác, hầu có thể phù hợp với sự tiến triển tâm trí của con người ngày nay. Thực thế, chức năng hôn nhân này nay đã thay đổi: Trong khi, trước kia, hôn nhân Kitô giáo truyền thống đã khởi sự đời sống vợ chồng, và được xem như là một đính ước cốt yếu giữa hai người; ngày nay, kiểu mẫu hôn nhân ấy sẽ chấm dứt giai đoạn hình thành tình yêu của hai người, hoàn thiện việc xây dựng lũy tiến (la construction progressive).
 
Ngoài ra, nghi lễ Kitô giáo được coi như là một nghi lễ có khả năng biểu tỏ ý nghĩa trọn vẹn đối với lời kết ước nhất: có thể vì lẽ chính tự nguồn cội của nghi lễ, nhưng cũng có thể do nghi lễ ấy vừa trang nghiêm vừa long trọng, nên có khả năng mời gọi và khích lệ tất cả mọi thế hệ qua mọi thời. Nghi lễ này sẽ tháp nhập vào bất cứ nền văn hóa nào mà người ta có thể tìm thấy nơi ấy có một sự tiếp nối truyền thống; nhưng không nhất thiết người ta cần phải sống truyền thống ấy một cách đầy đủ. Người kết hôn sẽ được dẫn đến để giới thiệu cho cả cộng đồng được biết giây phút quan trọng nhất đời mình, và việc này sẽ làm cho họ như tự buôc mình vào cộng đồng này. Thông thường hai người chấp thuận ý tưởng là sống với nhau “mãi mãi,” sống “vâng phục” qua nghi thức Rửa Tội, sống theo giáo lý Hội thánh và sống Thánh lễ. Hơn nữa, cũng như trong tất cả mọi nghi lễ Kitô giáo, nghi lễ kết hôn có đặc điểm là “mềm dẻo,” (plasticité) hay nói cách khác là có tính uyển chuyển nào đó, mà có thể cho phép đôi hôn nhân gặp lại nhau nơi thánh đường.
 
2. Hội thánh trần trụi (au dépourvu): Yêu sách trên có vẻ hơi lờ mờ đối với đa phần đôi hôn nhân trẻ; với họ, đôi khi Hội thánh hơi bị khuất bóng, biến mất dạng. Họ không biết bày tỏ thái độ tôn kính nào cho phải trước lời mời gọi hãy chung sống đời hôn nhân như Hội thánh mong muốn, nhưng đặc biệt là họ không hề giảm giá ý nghĩa Bí Tích hôn nhân. Đôi khi, họ rất ý thức về khoảng cách đáng kể giữa “sự trao tặng” và “yêu sách,” và đây là những vấn đề lớn đặt ra cho các vị làm mục vụ. Chúng ta sẽ đề cập đến vấn nạn này sau.
 
Chúng hãy nhận rõ khó khăn ấy để có thể hiểu và thông cảm Hội thánh hơn: những lời lẽ trong ngày lễ kết hôn như “kết hợp,” “bí tích,” “tự do,” “trung thành,” cho đến hai chữ “hôn nhân” không phải lúc nào cũng cùng một ý nghĩa trong địa hạt nhận thức của những người tin cũng như người không tin, và có thể cả những cặp hôn này đến đôi hôn nhân khác. Không phải ai ai cũng hiểu những danh từ đó như nhau cả. Thế thì làm sao có thể xử lý điểm khác biệt này? Làm sao có thể làm cho các đôi lứa hiểu được ý nghĩa đích thực của hôn nhân là gì theo như Hội thánh mong muốn?
 
Thiết nghĩ chúng ta cũng nên đề cập đến sự khác biệt đang gia tăng của những tình huống hôn nhân: hôn nhân hỗn hợp, tái hôn, thiếu niềm tin,... đây là cảnh huống vốn gây khó chịu cho các linh mục đang làm mục vụ hôn nhân.
 
B. Nên Có Chăng Một Khoa Nhân Chủng Học Kitô Giáo Về Hôn Nhân?
 
1. Những xáo trộn của thế kỷ XX: đó là, quan niệm của Kitô giáo về hôn nhân đã thay đổi rất nhiều, nhất là trong giới Công giáo. Sự thay đổi này chính là bước chuyển biến từ quan niệm hướng đích trước kia (LA finalité du mariage = la procréation - mục đích chính yếu của hôn nhân là việc sinh con đẻ cái) đến quan niệm của thuyết nhân vị ngày nay: sự tiến hóa được phê chuẩn 
 
đặc biệt trong hiến chế Gaudium et Spes, số 48, của Công Đồng Vatican II. Qua đó, hôn nhân được định nghĩa là “cộng đoàn sống và yêu” , được thiết lập trên mối tương quan liên vị giữa người nam và người nữ.
 
Trong một thái độ khác, thuyết nhân vị thuộc về truyền thống Kitô giáo, vốn đã có từ thời Trung Cổ, thì Bí Tích hôn nhân nằm ngay trong sự chấp thuận của hai cá nhân tự do và ý thức. Theo Kitô giáo, con người ấy là một thụ tạo độc nhất vô nhị và bất khả chuyển hoán. Thuyết nhân vị này là đặc trưng của nhân chủng học Kitô giáo. Tuy nhiên, vì do những nguyên nhân văn hóa nào đó, nhãn quan đó đã bị che khuất bởi quan điểm pháp lý và luân lý quá chặt, nên chi không hướng đến trọng tâm là tình yêu. May mắn thay, việc tái khám phá chiều kích nhân vị trong thời đại ngày nay đã cho phép chúng ta nối lại truyền thống này và còn có thể tiến xa hơn nữa trong việc hiểu biết con người trên bình diện nhân chủng học.
 
2. Sự hòa hợp các giá trị đương thời nhờ Hội thánh: Quả thế, Hội thánh đã nhìn nhận và đón nhận một số giá trị đương thời nào đó một cách thật tích cực: chẳng hạn, về vị trí và vai trò của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội (như quyền bình đẳng phái tính), cũng như về quyền bình đẳng về phẩm giá nơi hết thảy mọi người.
 
3. Duy trì sự khác biệt nơi phái tính: Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể dễ dàng nhận thấy rằng Hội thánh đã phản ứng ngược lại đối với một số vị trí nào đó trong xã hội mà chúng ta đang sống, chẳng hạn như không thừa nhận hành động hoán chuyển phái tính (l’interchangeabilité des sexes); Hội thánh ưa bàn luận về tính bổ xung bổ trợ hơn, tính bổ xung bổ trợ này sẽ được đặt nền trên sự hiểu biết tính đặc thù của phái tính nơi mỗi người trong đời sống hôn nhân, tính đặc thù này vẫn không thêm hay bớt gì trong sự bình đẳng của con người.
 
- Vì mỗi người đều cần phải được tôn trọng, thừa nhận, và đón nhận quyền bình đẳng phẩm giá của nhau, vì thế chúng ta có thể nói được rằng tính đặc thù ấy không bao giờ đồng nhất hay có thể hoán chuyển phái tính. Qua đó, chính sự khác biệt phái tính này mới là điều quyết định. Do đó, từ sự phân biệt những trách nhiệm, vốn được đặt nền trên việc nhận biết những khả năng thích hợp nơi mỗi người, chúng ta có thể nói về những ơn gọi theo ngôn ngữ thần học như sau:
 
* Nói chung, phong cách thích hợp nhất cho người phụ nữ trong mối tương quan với người khác chính là trở thành “người phát ngôn trong các tương quan với thế giới bên ngoài” của đôi vợ chồng.
 
* Ơn gọi làm mẹ (son charisme maternel) ngay tự bản chất sẽ chuẩn bị cho người phụ nữ biết quan tâm đến những âu lo của người khác: không chỉ trong gia đình mà thôi, nhưng còn trong mọi nhu cầu của hết thảy mọi người. Rõ ràng ơn gọi làm mẹ của người phụ nữ là không thể chối cãi được, dù rằng họ không thực sự làm mẹ theo nghĩa sinh học. Đây chính là ơn gọi mà thúc đẩy người phụ nữ biết trợ giúp mọi người, và hơn thế nữa, họ còn nhận thấy trong người đàn ông mạnh mẽ nhất là một đứa trẻ yếu ớt vẫn cần đến sự giúp đỡ của họ. Trái lại, người đàn ông không có bản năng làm cha: vì ngay tự bản chất, người đàn ông mang tính chinh phục, phiêu lưu và kiến thiết (P. Evdokimov).
 
Qua bí tích hôn nhân, người ta nhận thấy có sự hợp nhất giữa hai ơn gọi vốn được bổ túc lẫn nhau, cũng như một sự nhận biết chung nhất nơi hai người.
 
- Nhân chủng học Kitô giáo không tách khỏi thần học nơi mình: nếu đôi hôn nhân cho việc nhập thể của Thiên Chúa qua Đức Giêsu là quan trọng, đôi hôn nhân sẽ khắc sâu biến cố quyến định này vào lịch sử giải phóng con người mình – đó là biến cố nhập thể, trong đó bao hàm toàn bộ mầu nhiệm phục sinh – và những biến cố này sẽ dần dần được nhận thấy ngay trong đời sống hôn nhân mỗi ngày của mình. Có thể nói được rằng, từ đó, đôi hôn nhân sẽ khắc ghi những nguyên tắc ấy vào trong chương trình của Thiên Chúa, và chương trình của Thiên Chúa cũng sẽ qui hồi về họ hầu mời gọi họ hãy cùng nhau đáp trả lại cách tích cực trong tương quan với Ngài. Vì thế, nếu đẩy cho đến tận cùng, hôn nhân Kitô giáo có một mục đích “siêu vượt khỏi trần thế” này (extra-terrestre), một ý nghĩa linh thánh vốn siêu vượt khỏi thực tại bình thường của trần thế hay loài người.
 
Nhân chủng học Kitô giáo cũng bày tỏ cùng một quan niệm như thế về hôn nhân qua dạng thức của ba yêu sách: duy nhất, không tách lìa, và mở toang trước cuộc sống (l’unicité, l’indissolubilité, et l’ouverture à la vie). Sự duy nhất và không tách lìa mang tính kết hiệp, do bởi trong hôn nhân, người ta chỉ được quyền chọn một người duy nhất và cho trọn cả cuộc đời. Vấn đề là, làm sao có thể tháo gỡ xung năng dục ra khỏi bản năng con người để định vị trên một cá nhân duy nhất mà thôi. Vấn đề quan trọng ở đây chính là lòng trung thuỷ, mà qua đó, đôi hôn nhân phải xử lý làm sao khi tương quan tình cảm phối ngẫu mỗi lúc một trở nên nhàm chán và tâm trí của nhau càng lúc càng phát triển. Nhưng lòng chung thuỷ chính là sự trung thành của lời đã nói và đã trao tặng, như đối với con người thời đại hôm nay thì họ chẳng bao giờ dám đặt để cuộc đời mình trên những cái không được bảo đảm cho lắm: Lòng trung thuỷ chính là lòng tin (la fidélité est confiance), chứ chẳng phải là cái bảo đảm nào: đây chính là một hành vi siêu phàm nhưng đầy nguy hiểm, và cũng là một tự do tuyệt vời. 
 
Cũng như trong ngày kết hôn, tất cả mọi sự đều cần phải được thực hiện.
 
KẾT LUẬN
 
Tất cả những dữ liệu tổng hợp rất vắn gọn trên có thể cần được khảo sát sâu thêm và chính xác hơn bởi chúng ta, những con đẻ của thời đại hôm nay: Thiết nghĩ rằng, vẫn còn rất nhiều điều cần phải trình bày trên bình diện xã hội học và tâm lý học về hôn nhân, ở trên chúng ta chỉ lướt qua một số khía cạnh trong hôn nhân mà thôi; có điều quan trọng là, chúng ta là những Kitô hữu, cho nên những dữ kiện ở trên cần được nhìn trong tinh thần hôn nhân Kitô giáo, nếu không chúng ta sẽ có nguy cơ không hiểu gì những con người đương thời và cũng không thể rao giảng Tin Mừng về hôn nhân Kitô giáo cho những người khác.
 
Cái nhìn thoáng qua và bao quát trên về hôn nhân được đặt trong sự bối cảnh thích ứng với một dữ liệu khác về chính trị xã hội trước kia (đó là, cuối thế kỷ XVIII cho đến thế kỷ XIX): đây là thời kỳ tục hóa hôn nhân. Sự gia tăng các thế lực của những Nhà nước hiện đại, và đặc biệt là ở Pháp, như Đảng Cộng Hòa, đã khẳng định thẩm quyền của Nhà nước trên đời sống hôn nhân bằng việc nhân danh công ích. Từ đó, hôn nhân dân sự (vốn khác với hôn nhân Kitô giáo) đã được khai sinh. Những tương quan trong hôn nhân dân sự với hôn nhân Kitô giáo không phải là không có vấn đề; vì liệu rằng người ta, khi đứng trên bình diện luật pháp dân sự, và chúng ta, đứng trên bình diện luật lệ Kitô giáo, có thể hoặc có khả năng bàn về cùng một điểm nào đó không? Thiết nghĩ câu trả lời có lẽ không đơn giản...
 
 
 
Để hiểu thêm, xin xem:
 

- P. ADNES: “Mariage et vie chrétienne”, Dictionnaire de Spiritualité” X, col. 355-388.

- M. BOZON: “Sociologie de rituel de mariage”, Population 2, 1992, 409-33.

- C. CICCHELLI-PUGEAUT et V. CICCHELLI: Les théories sociologiques de la famille, coll. “Repères”, La Découverte, Paris 1998.

- J. – C. KAUFMANN: Sociologie de couple, PUF, coll. QSJ n 2787, Paris 1993.

- X. LACROIX: Homme et femme. L’insaisassable différence, Paris Cerf.

- H. LERIDON et C. VILLENEUVE-GOKALP: “Les nouveaux couple: nombre, caractéristiques et attitudes”, Population 2, 1988, 331-73.

- R. MOLDO: “Les jeunes et la fidélité. Approche psycho-sociologique et pastorrale des 15/25 ams”, Revue de droit canonique 43/2, juillet-décembre 1993, 223-49.

- L. ROUSSEL: “deux décennies de mutations démographiques (1965-1985) dans les pays industrialisés”, Population 3, 1987, 429-47.

- N.SEGALEN: Sociologie de la famille, coll. “U”, Armand Colin, Paris 1996.

- F. de SINGLY: Fortune et infortune de la femme mariée. Une sociologie de la vie conjugale, coll. “Economie en liberté”, PUF 1987, 3 éd. 1993.

- F. de SINGLY: Sociologie de la famile contemporaine, Nathan 1993.

- F. de SINGLY (dir): La famille. L’état des savoirs, La Découverte, Paris 1997. Particulièrement les chapitres I: “La constitution de la famille” et ll: “Vie de famille”.

- C. VILLENEUVE-GOKALP: “Du mariage aux unions sans papiers: histoire rédente des transformations conjugales”, Population 2,265-97.

- G. VOGELEISEN: “Le couple dans son environment psychologiue”, Colloque sur le mariage, Straabourg 1980, Revue de droit canonique.