Friday, 24 January 2020 01:38

Câu Trả Lời Cho Luận Điểm Muốn Xét Lại Vấn Đề "Tính Bất Khả Tiêu Của Bí Tích Hôn Nhân" (3) Featured

Vũ Văn An

 

Tính bất khả tiêu của hôn nhân: một tín lý dứt khoát

RG cho rằng lý do chính để tin các cuộc hôn nhân giao ước không thể bị tiêu hủy ngoại trừ sự chết là lời Chúa Giêsu tuyên bố rằng những ai ly dị và tái hôn là phạm tội ngoại tình. Các tác giả nhất lãm nhất trí rằng Chúa Giêsu có chủ trương đó, và sự chính xác lịch sử trong các trình thuật của các ngài đã được khoa chú giải gần đây nhìn nhận (125). Các thực hành của Giáo Hội trong việc tiêu hủy một số cuộc hôn nhân chưa hoàn hợp (126) và chấp thuận cho tiêu hủy một số cuộc hôn nhân không có tính giao ước (127) là nhất quán với giáo huấn của Chúa Giêsu, và ta sẽ không thể hợp lý khi cho câu “porneia” của Thánh Mátthêu như dẫn khởi một luật trừ thực sự (128). Do đó, chủ trương rằng có thể tiêu hủy một cuộc hôn nhân đã thành hiệu và hoàn hợp bằng bất cứ điều gì ngoại trừ sự chết là ngụ ý cho rằng giáo huấn của Chúa Giêsu không đúng sự thật, rằng lời Thiên Chúa dẫn ta tới sai lầm.

Lối giải thích trên đây về một số đoạn Thánh Kinh liên hệ đã được thánh truyền, tức giáo huấn của Công Đồng Trent và giáo huấn cũng như thực hành của Giáo Hội Công Giáo từ CĐ Trent trở về sau, xác nhận. Thánh truyền này biểu lộ niềm tin của Giáo Hội vào các chân lý được Chúa Giêsu mạc khải.

Giáo huấn dứt khoát của Công Đồng Trento

Sắc lệnh của Công Đồng Trent về Bí Tích Hôn Nhân ngày 11 tháng 11 năm 1563 có hai phần: lời nói đầu có tính học lý và 12 qui tắc (canons). Lời nói đầu như sau: Được Chúa Thánh Thần linh hứng, thủy tổ nhân loại đã công bố hôn nhân như một sợi dây vĩnh viễn và bất khả tiêu khi ngài nói: cuối cùng, đây mới là xương bởi xương tôi, và thịt bởi thịt tôi… Cho nên, người đàn ông sẽ rời cha mẹ mình và dính kết với vợ, và cả hai sẽ nên một thân xác.

Chúa Kitô, Chúa chúng ta, dạy một cách công khai hơn rằng hai người đơn lẻ phải phối hợp và dính kết với nhau bằng sợi dây trên khi, nhân lúc nhắc tới các lời vừa được trích dẫn như là lời của Thiên Chúa, Người cho hay, Do đó, họ không còn là hai mà chỉ còn là một thân xác, và liền đó Người tiếp tục xác nhận bản chất lâu bền của cùng một sợi dây mà trước đây chỉ được một mình Adong tuyên bố, bằng những lời sau đây: Do đó, sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, con người không được phân ly.

Chính Chúa Kitô, Đấng thiết lập và là Đấng kiện toàn các bí tích cực thánh, qua sự thống khổ của Người, đã ban cho chúng ta ơn thánh để hoàn hảo hóa tình yêu tự nhiên, củng cố sự hợp nhất bất khả phân ly [indissolubilem unitatem confirmaret] và thánh hóa các người phối ngẫu. Thánh Phaolô nói rõ điều này khi cho rằng các người chồng phải yêu vợ mình như Chúa Kitô yêu Giáo Hội và hiến mình vì Giáo Hội, và sau đó nói thêm ngay rằng: Đây là một mầu nhiệm lớn lao, tôi muốn nói về Chúa Kitô và Giáo Hội.

“Vì ơn thánh nhờ Chúa Kitô mà nhận được đã nâng hôn nhân thời Tin Mừng lên trên sự phối hợp của luật cũ, nên các giáo phụ và công đồng thánh thiện và trọn bộ truyền thống phổ quát của Giáo Hội luôn dạy rằng nó đáng được kể vào số các bí tích của luật mới. Chống lại giáo huấn này, người dữ và hoang đàng của thời nay không những nghĩ xấu về bí tích đáng kính này mà, ngụy cậy vào tin mừng, nhân khi lén đưa vào đó sự dung túng xác thịt, họ còn nói và viết khá nhiều điều xa lạ đối với tâm tư của Giáo Hội Công Giáo và đối với phong tục tập quán [probata consuetudine] từ thời các Tông Đồ, gây nhiều thiệt hại cho các tín hữu Kitô Giáo. Để chống lại các ý kiến thiếu suy nghĩ của họ, công đồng thánh thiện và phổ quát này đã quyết định nhổ tận gốc các sai lạc và lạc giáo rành rành hơn của những người có tư tưởng ly giáo này, để sự tiêm nhiễm đầy tác hại của họ khỏi lây lan, và ra các lệnh tuyệt thông chống lại những người lạc giáo này và các sai lầm của họ như sau” (129).

Chống lại các mưu toan nhằm lấy Thánh Kinh chứng tỏ rằng lưỡng hôn và ly dị là có thể chấp nhận được về luân lý và hôn nhân Kitô Giáo là phàm tục chứ không thánh thiêng, Công Đồng Trent đã rút tỉa các giáo huấn Công Giáo về hôn nhân từ Thánh Kinh và thánh truyền.

Với sự chính xác chặt chẽ, công đồng đưa ra ba điểm trong hai đoạn đầu tiên. Thứ nhất, công đồng giải thích lời cảm thán của Adong “Cuối cùng, đây mới là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!” như là lời quả quyết được Chúa Thánh Thầnh linh hứng rằng hôn nhân là sợi dây vĩnh viễn và bất khả tiêu. Thứ hai, công đồng chỉ rõ rằng sau khi trích dẫn chính lời Đấng Tạo Hóa nói (“vì thế, người đàn ông sẽ rời cha mẹ mình và dính kết với vợ, và cả hai trở nên một thân xác”), Chúa Giêsu dạy rằng hôn nhân là đơn hôn khi Người quả quyết: “vì thế, họ không còn là hai mà chỉ là một thân xác”. Thứ ba, công đồng giải thích câu kết luận “do đó, sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, con người không ai được phân ly” như là lời Chúa Kitô, Chúa chúng ta, quả quyết “bản chất lâu dài” của sợi dây hôn phối, nghĩa là tính bất khả tiêu của sợi dây này, là bản chất trước đó, chỉ duy nhất có Adong xác quyết. Sau đó, Trent tiếp tục dạy rằng Chúa Kitô đã ban ơn thánh để, cùng với nhiều điều khác, củng cố tính nên một bất khả tiêu của lứa đôi. Khi dạy rằng ơn thánh của Chúa Kitô củng cố sự hợp nhất bất khả tiêu, công đồng không ngụ ý cho rằng tính bất khả tiêu của hôn nhân tùy thuộc tính bí tích của nó. Đúng hơn, vì chỉ những gì vốn đã hiện hữu mới có thể được củng cố, nên giáo huấn này ngụ ý cho rằng ơn thánh tăng tiến tính nên một bất khả tiêu vốn là của hôn nhân như Thiên Chúa đã thiết lập nên. Công đồng dạy rằng sự thật về ơn thánh của Chúa Kitô và các hoa trái của nó đã được Thánh Phaolô gợi ý (xem Thư Eph. 5:32, 35). Liền đó, công đồng quả quyết rằng, vì ơn thánh của Chúa Kitô đã nâng bí tích của Kitô hữu lên trên hôn nhân của giao ước cũ, nên “các thánh giáo phụ và các công đồng của ta và toàn thể truyền thống của Giáo Hội luôn dạy rằng nó đáng được kể vào số các bí tích của luật mới” (130). Như thế, trong khi trực tiếp rút tỉa tính bất khả tiêu của hôn nhân từ Sách Thánh ra, công đồng Trent quả quyết tính bí tích của hôn nhân như là một kết luận mà theo truyền thống vốn được rút ra từ ơn phúc ơn thánh Chúa Kitô dành cho hôn nhân.

Cuối cùng, Trent giải thích rằng các qui định sau đây có mục đích đối chất các tuyên bố và soạn tác “xa lạ đối với tâm trí Giáo Hội Công Giáo” và để bênh vực giáo huấn của Giáo Hội, như vừa tóm tắt, chống lại “các sai lạc và lạc giáo rành rành hơn” của thời ấy (131). Do đó, các qui định, trong đó có ba qui định trực tiếp liên quan tới tính bất khả tiêu, phải được hiểu dưới ánh sáng giáo huấn của lời nói đầu.

Qui định một là “nếu ai nói rằng hôn nhân theo nghĩa chân thực và nghĩa hẹp không phải là một trong bẩy bí tích của thời Tin Mừng, do Chúa Kitô thiết lập, mà chỉ là một sáng chế của con người trong Giáo Hội, và nó không ban ơn thánh, thì người đó hãy bị tuyệt thông” (132). Tuy không dùng hạn từ giao ước, qui định này vẫn xác định chân lý cho rằng hôn nhân Kitô Giáo không phải chỉ là một việc phàm tục. Trong lời nói đầu có tính học lý, Trent dạy rằng ơn thánh của Chúa Kitô củng cố tính bất khả tiêu của hôn nhân; cùng với qui định một, khi xác định rằng hôn nhân là một bí tích thông ban ơn thánh, công đồng loại bỏ một cách dứt khoát ý niệm cho rằng sự cứng lòng của nhân loại sa ngã là điều không thể tránh được đến nỗi Chúa Giêsu không bao giờ mong chờ ngay cả các Kitô Hữu sống đúng tính bất khả tiêu do Thiên Chúa ban mà Người đã quả quyết (133). Chúa Giêsu không những dạy những gì Thiên Chúa có ý định muốn cho hôn nhân trở thành, mà, khi ban ơn thánh cho những người đàn ông và đàn bà sa ngã, và khi biến hôn nhân thành một bí tích, Người còn giúp mọi người phối ngẫu Kitô Giáo vượt thắng được sự cứng lòng và tiếp tục trung thành cho tới chết.

Qui định năm nói như thế này: “nếu người nào đó nói rằng dây hôn phối có thể bị tiêu hủy vì lạc giáo, hay khó sống chung, hay vì sự cố tình bỏ trốn của một trong hai người phối ngẫu, thì họ hãy bị tuyệt thông” (134). Qui định này xuất hiện lần đầu vào ngày 7 tháng 8, năm 1563, chỉ ba tháng trước khi Trent hoàn tất sắc lệnh của mình về hôn nhân (135). Nó phát sinh từ một đề nghị vào ngày 24 tháng 7 của Đức HY thành Lorraine rằng nên có một qui định lên án các sai lạc được ngài gán cho Calvin: theo đó một cuộc hôn nhân có thể bị tiêu hủy vì khác đạo (disparity of cult), hay sống không hòa thuận, hay vắng mặt lâu (136). Vào ngày hôm sau, Đức TGM Thành Sens đề nghị một công thức bắt đầu như thế này: “nếu người nào đó nói rằng việc cố ý vắng mặt của một trong hai người phối ngẫu” (137). Trong hai tuần kế tiếp, đề nghị này được sự ủng hộ của rất đông nghị phụ (138). Thành thử, qui định năm được cho vào dự thảo mới gồm các qui định được đề xuất vào ngày 7 tháng 8, và đã được thông qua nguyên vẹn trong Sắc Lệnh của Trent về Hôn Nhân (139).

Mặc dù không đưa ra một tuyên bố tổng quát rằng hôn nhân là điều bất khả tiêu, nhưng công đồng Trent, trong lời nói đầu có tính học lý của mình, có quả quyết cả hai điều rằng Chúa Thánh Thần linh hứng cho Adong tuyên bố rằng hôn nhân là sợi dây bất khả tiêu và rằng Chúa Giêsu đã tái xác định tính bền chặt của sợi dây mà Adong đã tuyên bố. Như thế, Trent đã rút ra tính bất khả tiêu của hôn nhân từ Thánh Kinh và đã đưa ra, không hẳn minh nhiên cho bằng mặc nhiên, câu tuyên bố tổng quát kia rằng hôn nhân bất khả tiêu là một chân lý do Thiên Chúa mạc khải. Khi nhanh chóng xác định sự bất khả tiêu hủy hôn nhân dựa trên cơ sở được gán cho Calvin, các nghị phụ công đồng Trent đã biểu lộ sự quyết tâm bênh vực tính bất khả tiêu đến nỗi ta có lý khi tin rằng các ngài sẽ sẵn sàng ấn định một tuyên bố tổng quát rằng hôn nhân là bất khả tiêu nếu có Nhà Cải Cách nào dám bác bỏ nó.

Kém trực tiếp hơn qui định năm, qui định bẩy bênh vực tính không sai lầm trong lối giải thích của Giáo Hội Công Giáo về giáo huấn của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Mátthêu chống lại những ai nghĩ rằng câu “porneia” tạo nên một luật trừ thực sự: “nếu người nào đó nói rằng Giáo Hội sai lầm vì đã dạy và vẫn còn dạy rằng phù hợp với học lý Tin Mừng và tông truyền, dây hôn phối không thể bị tiêu hủy vì một trong hai người phối ngẫu ngoại tình, và cả hai người, ngay cả bên vô tội không tạo ra bất cứ nguyên cớ gì cho sự bất trung, có thể đính ước một cuộc hôn nhân khác khi người kia còn sống; và rằng người chồng nào ly dị người vợ ngoại tình rồi tái hôn và người vợ nào ly dị người chồng ngoại tình rồi tái hôn, cả hai đều phạm tội ngoại tình, thì người đó hãy bị tuyệt thông” (140).

Khi nói rằng “vì đã dạy và vẫn còn dạy rằng phù hợp với học lý Tin Mừng và tông truyền”, công đồng Trent muốn nói tới chính các tái xác quyết của mình về tính bất khả tiêu của hôn nhân, rút từ Thánh Kinh trong lời nói đầu có tính học lý. Khi khẳng định rằng mưu toan tái hôn của một trong hai người phối ngẫu kết cục ở tội ngoại tình, công đồng Trent muốn làm sáng tỏ điều này: sự bất khả trong việc tiêu hủy các cuộc phối hợp hôn nhân do Thiên Chúa đem lại, dù vì ngoại tình, cũng vẫn độc lập đối với cả lỗi lầm và phái tính.

Bản thảo của qui định bẩy được đem ra xem sét vào ngày 11 tháng 8 năm 1563, 3 tháng trước khi Trent hoàn tất sắc lệnh của mình về hôn nhân, đáng lẽ ra đã trực tiếp xác định việc không thể tiêu hủy các cuộc hôn nhân trên cơ sở ngoại tình, như qui định năm đã làm dựa trên các cơ sở khác, hơn là chỉ bênh vực tính không sai lầm của giáo huấn Giáo Hội, như qui định bẩy sau cùng đã làm (141). Nhưng các lãnh thổ đông Địa Trung Hải do Venice chiếm giữ nơi các Kitô hữu Hy Lạp, là những người chấp nhận việc tái hôn sau khi ly dị người vợ ngoại tình, sống dưới sự lãnh đạo của các giáo phẩm được Rôma thừa nhận. Các nhà ngoại giao của Venice cho hay: vẫn có hy vọng đem những Kitô hữu trên gần lại Rôma hơn, dù việc ra vạ tuyệt thông cho chủ trương của họ về ly dị có thể khiến họ hoàn toàn thoát ly khỏi Tòa Thánh. Bởi thế, người Venice thúc giục công đồng chấp nhận phương thức gián tiếp được chính họ đề nghị trong một dự thảo (142).

Người thứ nhất lên tiếng về đề xuất của Venice cho rằng theo Trent, Giáo Hội không sai lầm trong giáo huấn của mình, là Đức HY thành Lorraine, người ủng hộ đề xuất nhưng đề nghị nên thêm điều này “juxta Scripturas” (phù hợp với Thánh Kinh) (143). Dù muốn thỏa mãn nhu cầu mà người Venice đã nêu ra, ngài cũng thẳng thắn muốn có một xác định để người ta thấy rằng giáo huấn của qui định về tính bất khả tiêu là phù hợp với Thánh Kinh, và phần lớn các nghị phụ lên tiếng về đề xuất này đều nhất trí (144).

Dự thảo kế tiếp của Sắc Lệnh (ngày 5 tháng Chín, 1563) chấp nhận phương thức gián tiếp của Venice trong qui định bẩy và thêm “iuxta evangelicam et apostolicam doctrinam” (phù hợp với học lý Tin Mừng và tông truyền) [145]. Cũng là lần đầu tiên, dự thảo mới đề nghị điều sẽ trở thành ba đoạn rưỡi đầu tiên của lời nói đầu có tính học lý của Sắc Lệnh, trong đó, công đồng rút từ Thánh Kinh và thánh truyền điều Giáo Hội đã và đang dạy (146). Đức HY thành Lorraine một lần nữa lại là người đầu tiên lên tiếng về dự thảo mới. Ngài hoan nghênh lời nói đầu có tính học lý, còn về qui định bẩy, ngài đề nghị rằng “matrimonium” (hôn phối) được thay thế bằng “matrimonii vinculum” (dây hôn phối) để qui định, ba mặt một lời nói, rõ tính bất khả tiêu của dây hôn phối [147]. Phần lớn các nghị phụ đã nhất trí, như kết quả sau cùng cho thấy rõ.

Từ lịch sử nói trên, RG cho rằng ta có thể có kết luận sau đây. Giống các qui định khác, qui định bẩy bênh vực giáo huấn của Giáo Hội, được tóm tắt trong lờinói đầu, chống lại một trong các lạc giáo thời ấy. Tuy nhiên, không như các qui định khác, qui định bẩy tự tham chiếu chính mình (self-referential): đây là một điển hình giáo huấn cho rằng phù hợp với học lý Tin Mừng và tông truyền, qui định tự khẳng định một cách dứt khoát mình không sai lầm.

Kenneth Himes và James Coriden và Ủy Ban Thần Học Quốc Tế (ITC) về Công Đồng Trento

HC tóm lược giáo huấn của công đồng Trent như sau: “công đồng quả quyết rằng Adong (trong St 2:23-24) tuyên bố hôn nhân là sợi dây (nexum) vĩnh viễn và bất khả tiêu. Công đồng cực lực không cho rằng: một người phối ngẫu có thể tiêu hủy sợi dây hôn phối ‘dựa trên cơ sở lạc giáo, khó sống chung, hay tiếp tục vắng mặt’ hay nó bị tiêu hủy bởi sự ngoại tình của một trong hai người phối ngẫu (ở đây, xin hết sức thận trọng để đừng kết án thực hành của các Giáo Hội Đông Phương vốn cho phép tái hôn trong trường hợp ngoại tình)” (148).

Theo RG, HC vừa không hiểu ý nghĩa của lời nói đầu có tính học lý của Sắc Lệnh vừa không bàn tới các vấn đề do phần này đặt ra trong dự án của họ. Thực vậy, ở đây, họ chỉ xem sét câu đầu tiên của lời nói đầu. Việc họ diễn giải lời tuyên bố của Adong, trong câu ấy, về tính bất khả tiêu của hôn nhân đã bỏ sót điều này: ngài “được Chúa Thánh Thần linh hứng”.

Khi tóm tắt các qui định, HC theo chân Tanner trong hai lầm lẫn. Họ thêm “bởi một người phối ngẫu” ở qui định năm, thay đổi “tiêu hủy” thay vì “vắng mặt”; như thế, ngược với ý nghĩa đích thực của qui định, xem ra nó chỉ phạt tuyệt thông những ai nói rằng các người phối ngẫu có thể tiêu hủy cuộc hôn nhân của họ (149). Lầm lẫn khác nữa là: khi tóm lược qui định bẩy, họ dịch “propter adulterium” là “bởi ngoại tình” thay vì đúng hơn phải dịch là “trên cơ sở ngoại tình”, như thế là làm cho qui định trở thành mơ hồ, đến độ có thể hiểu như chỉ phạt tuyệt thông những ai nghĩ rằng hôn nhân được tiêu hủy bởi chính hành vi ngoại tình [150]. Với hai lối dịch sai lầm này, xem ra các qui định của Trent đã cho phép các cuộc hôn nhân “đã tan vỡ hoàn toàn” được tiêu hủy, như HC đề nghị [151].

Do đó, HC không xem sét cả các trở ngại chống lại đề nghị của họ đối với việc duyệt xét được qui định năm của sắc lệnh Trent về hôn nhân trình bày. Nhưng họ có cố gắng loại bỏ trở ngại được qui định bẩy trình bày:

“Tuyên bố năm 1978 của Ủy Ban Thần HỌc Quốc Tế (ITC) về hôn nhân bao gồm một cảnh giác (caveat) quan trọng đối với lời tuyên bố của Công Đồng Trent ở qui định bẩy về hôn nhân. Tại Trent, các giám mục chú tâm vào việc luận bác giáo huấn của Các Nhà Cải Cách, nhất là của Luther, trong việc ông này bác bỏ thẩm quyền về hôn nhân của Giáo Hội. Đó là chủ đề đích thực của giáo huấn và ITC chấp nhận cách hiểu hẹp như thế về mục tiêu của Trent. ‘Như thế người ta không thể nói rằng công đồng có ý định long trọng xác định tính bất khả tiêu của hôn nhân như là một chân lý đức tin’. Cũng không có lý do nào để tin rằng Trent coi giáo huấn này như một học lý dứt khoát” (152).

Trong tài liệu của ITC, đoạn được HC trích dẫn là câu kết luận rút ra từ tiền đề này: “Vì các nghi ngờ trong lịch sử (các ý kiến của Ambrosiaster, Catharinus, và Cajetan) và vì một vài lý do ít nhiều có tính đại kết, nên Công Đồng đã tự giới hạn vào việc tuyên bố vạ tuyệt thông cho những ai bác bỏ thẩm quyền của Giáo Hội về vấn đề này” (153).

Nhưng theo RG, tiền đề của ITC sai. Giữa ngày 20 tháng Bẩy và 11 tháng Tám năm 1563, ngày người Venice yêu cầu Công Đồng theo phương thức gián tiếp, các nghị phụ đã được nghe nhiều luận chứng chống lại việc tuyệt thông những ai nói rằng hôn nhân có thể bị tiêu hủy trên cơ sở ngoại tình, dựa vào Ambrosiaster (một công trình lúc ấy bị lầm lẫn gán cho Thánh Ambrose), các nhậy cảm của Kitô hữu Chính Thống Hy Lạp vân vân [154]. Ngày 26 tháng Bẩy, Đức Giám Mục thành Segovia cho rằng cần có một qui định kết án những ai nói rằng Giáo Hội đã sai lầm (phương thức gián tiếp): “Nếu người nào nói rằng Giáo Hội đã sai lầm khi cho rằng dây hôn phối không bị tiêu hủy bởi sự ngoại tình, người ấy hãy bị tuyệt thông” [155].

Ấy thế nhưng, đa số đã thẳng thừng bác bỏ mọi luận chứng này, vì dự thảo ngày 7 tháng Tám vẫn trực tiếp phạt tuyệt thông những ai nói rằng hôn nhân có thể bị tiêu hủy trên cơ sở ngoại tình. Chỉ có lời kêu gọi của Venice trên cơ sở mục vụ là chiếm được đa số ủng hộ phương thức gián tiếp (156). Hơn nữa, theo RG, kết luận của ITC cũng sai. Dù Trent không có ý định long trọng xác định tính bất khả tiêu của hôn nhân nói chung như một chân lý của đức tin, nhưng với qui định năm, công đồng quả có long trọng xác định nó trên mọi cơ sở quen thuộc ngoại trừ ngoại tình.

Fransen nói về qui định bẩy

Ngay sau đoạn nói tới ITC, HC viết tiếp: “Trong lời giải thích của mình về Trent, ITC nhất trí với một loạt tiểu luận gây ảnh hưởng do Piet Fransen công bố về việc giải thích công đồng này. [Bỏ ghi chú]. Fransen chứng minh rằng các tham dự viên tại Trent biết rất rõ các quan điểm khác nhau liên quan tới tính bất khả tiêu được các thần học gia giáo phụ và trung cổ chủ trương cũng như việc thực hành khác nhau trong Giáo Hội Hy Lạp. Các Nghị Phụ Công Đồng không muốn bao gồm mọi điều này trong lời phạt tuyệt thông của các ngài mà chỉ tập chú vào Luther mà thôi” (157).

Vì HC và nhiều người được họ căn cứ hay trích dẫn ý kiến theo lối giải thích của Fransen về qui định bẩy của Trent, nên RG sẽ phê bình quan điểm của tác giả này như chính ông tóm tắt trong bài báo được HC trích dẫn. Fransen tập trung vào ba chữ sau đây: errare (sai lầm), juxta (phù hợp với), và vinculum (sợi dây).

Errare (sai lầm)

Fransen bắt đầu bằng việc tập chú vào Luther: “trong tác phẩm De captivitate babylonica (Về cảnh giam cầm tại Babylon), mà Trent chủ yếu nhắc tới, lập trường của Luther vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, ông khá rõ ràng về điểm ‘cho rằng vấn đề này không thể do giáo hoàng hay do các giám mục quyết định được’. Do đó, Giáo Hội Công Giáo đã hành động ‘như một bạo chúa’ nghĩa là, đã vượt quá năng quyền của mình”. Fransen tiếp tục ngay sau đó để cho rằng qui định bẩy “vẫn còn vụng về và kềnh càng vì Công Đồng muốn… trích dẫn chính Luther theo ý kiến được chính ông tóm tắt ngày 16 tháng Tư năm 1547” (158). Sau đó, các nhận xét ban đầu về Luther được Fransen tham chiếu khi ông giải thích nghĩa của câu “nếu người nào nói rằng Giáo Hội sai lầm”. Fransen cho rằng:

“Đây là một công thức khéo léo nhằm bảo đảm rằng vạ tuyệt thông duy nhất nhắm vào các tuyên bố của các Nhà Cải Cách rằng trong thực hành pháp chế của mình, Giáo Hội, qua ‘phương thức bạo chúa’, đã vượt quá năng quyền của mình trong vấn đề ly dị. Tôi đã chứng tỏ trên đây rằng chỉ có Luther đã tuyên bố rõ ràng lập trường của ông về điểm đặc thù này mà thôi. Do đó, phải hiểu hạn từ ‘errare’ theo nghĩa này” (159).

Công Đồng Trent quả có cố gắng trả lời nhiều thách thức khác nhau của Luther đối với Giáo Hội Rôma và một số thách thức này cho rằng luật lệ và thực hành của Giáo Hội này đôi lúc vượt quá năng quyền của nó. Trong các vấn đề như thế, nói rằng Giáo Hội sai lầm là nói rằng Giáo Hội lạm dụng thẩm quyền của mình hay vượt quá năng quyền của mình. Tuy nhiên, RG muốn chứng minh rằng qui định bẩy không liên quan tới vấn đề như thế.

Dù Fransen trích dẫn chính xác các nhận định có tính khích động của Luther về Giáo Hội Rôma, nhưng các nhận định này không xuất hiện trong bản tóm lược ngày 16 tháng Tư, năm 1547 được ông nói tới. Thay vào đó, cho dù vấn đề trọng yếu không rõ ràng đối với Luther, ba tuyên bố trọng yếu đã được gán cho cuốn De captivitate babylonica của ông. Bản văn của Luther tuy không bao gồm, nhưng ít nhất đã gợi ý hai câu nói tới việc tái hôn mà một câu minh nhiên bác bỏ điều này: tái hôn không dẫn tới ngoại tình (160). Câu thứ ba thực sự xuất hiện trong De captivitate babylonica: “Ấy thế nhưng tôi vẫn hết sức ngạc nhiên, tại sao họ lại buộc một người đàn ông phải ở vậy sau khi tách rời khỏi người vợ vì ly dị, và tại sao họ không cho phép ông ta tái hôn” (161).

Nhưng câu đó không góp được gì vào việc lên công thức cho các qui định của Trent. Một tài liệu vào tháng Tám năm 1547 được soạn thảo cho cuộc tranh luận của các Nghị Phụ Công Đồng trong đó có liệt kê các nguồn thần học có thế giá, bắt đầu là Thánh Máccô, Thánh Luca, và Thánh Phaolô, để hỗ trợ cho đề xuất: dây hôn phối không thể bị tiêu hủy per fornicationem (bởi sự dâm ô, hay ngoại tình) [162] và liệt kê một số nguồn, bắt đầu với Thánh Mátthêu, xem ra đã hỗ trợ điều ngược lại (163). Đến ngày 29 tháng Tám, một qui định đã được lên công thức để kết án câu thứ nhất trong ba câu tuyên bố được gán cho Luther trong bản tóm lược ngày 16 tháng Tư, nhưng với lời thêm này: “cả người đàn ông rẫy bỏ người vợ ngoại tình và tái hôn cũng không phạm ngoại tình” (164). Câu thêm này minh xác rõ: tính bất khả tiêu tuyệt đối đang là vấn đề và vấn đề này được tranh luận trong các buổi họp toàn thể các ngày từ 2 tới 6 tháng Chín năm 1547 (165).

Trong cuộc tranh luận này, người ta không thấy nhắc tới Luther hay năng quyền của Giáo Hội. Năm Nghị Phụ, trong đó có Đức HY de Monte, chủ tọa đầu tiên của công đồng, dựa vào Thánh Mátthêu, chủ trương rằng Chúa Kitô cho phép ly dị và tái hôn trong trường hợp ngoại tình. Nhưng dựa trên các đoạn Thánh Kinh khác, lời giải thích chúng của các tiến sĩ, và nguyên tắc cho rằng Thánh Kinh phải được hiểu phù hợp với tuyên bố của Giáo Hội, 11 Nghị Phụ đã biện luận rằng việc chấp nhận cho ly thân trên cơ sở ngoại tình chỉ là phân ly về ăn nằm (bed) chứ không phân ly về dây hôn phối (166). Bản tóm lược cuộc tranh luận kết luận: “Nhưng đại đa số xác nhận rằng hôn phối không thể bị tiêu hủy trên cơ sở ngoại tình, và người ngoại tình là người vợ còn sống mà đi cưới người khác, và không thể có phân ly nào khác ngoại trừ phân ly ăn nằm” (167). Do đó, vấn đề chính được tranh luận là liệu các câu porneia của Thánh Mátthêu có đánh dấu một luật trừ thực sự đối với tính bất khả tiêu tuyệt đối hàm ý trong giáo huấn của Chúa Giêsu rằng mưu toan tái hôn là ngoại tình hay không.

Mười lăm năm sau (1563), “các tiểu thần học gia” tranh luận một số chủ đề, trong đó có vấn đề “sau khi rẫy bỏ vợ mình trên cơ sở ngoại tình, và khi nàng vẫn cò sống, người ta được phép tái hôn, và sai lầm là ly dị trên một cơ sở khác hơn ngoại tình” (168). Chủ đề này rõ ràng được rút từ Luther (169). Nhưng tên ông lại không được nhắc tới trong tài liệu chuẩn bị, và cuộc thảo luận ngày 17-25 tháng Giêng cũng không liên quan gì tới Luther hay năng quyền của Giáo Hội, mà là sự thật của vấn đề, được chủ yếu biện luận dựa trên các bản văn Thánh Kinh và giáo phụ (170).

Cuối cùng, qui định năm của Trent thẳng thừng kết án các sai lầm được gán cho Calvin và dứt khoát dạy rằng hôn nhân không thể bị tiêu hủy trên các cơ sở khác nhau hơn là ngoại tình” (171).

Tóm lại, xin lỗi Fransen, câu của qui định bẩy “nếu người nào nói rằng Giáo Hội sai lầm vì đã dạy và còn dạy rằng” không chủ yếu chứ đừng nói là duy nhất có nghĩa: “nếu người nào nói rằng Giáo Hội vượt quá năng quyền của mình khi đã dạy và còn dạy rằng”. Nó chủ yếu, nếu không muốn nói là duy nhất, dạy rằng “nếu người nào nói rằng Giáo Hội quả quyết các mệnh đề sai lầm khi đã dạy và còn dạy rằng”.

Luxta (phù hợp với)

Fransen cũng cho rằng khi nói rằng giáo huấn của Giáo Hội về tính bất khả tiêu phù hợp với (juxta) học lý Tin Mừng và tông truyền, các nghị phụ Công Đồng đã bác bỏ hai kiểu nói cực đoan không có chữ juxta. Một trong hai kiểu nói này, tức câu “ecclesiam errare cum evangelicam et apostolicam doctrinam docuit et docet”, đã biến giáo huấn của Giáo Hội thành đồng nhất với “những gì được Tin Mừng và Thánh Phaolô giảng dạy”. Câu khác, tức câu “sai lầm và giảng dạy một điều vượt quá [praeter] giáo huấn Tin Mừng và tông truyền”, chỉ nói rằng giáo huấn của Giáo Hội không sai lầm khi dạy “ngược lại hay vượt quá” Thánh Kinh. Fransen kết luận rằng Trent theo hướng đứng giữa bằng cách dùng chữ juxta để nói rằng “giáo huấn trong các qui định thánh này được linh hứng bởi Thánh Kinh” (172).

Tuy nhiên, juxta không có nghĩa chiểu tự là “được linh hứng” và Fransen không hề cung cấp được chứng cớ nào cho thấy Trent dùng chữ juxta với nghĩa đó. Trái lại có chứng cớ ngược lại. Ngay sau khi người Venice khẩn khoản yêu cầu phương thức gián tiếp, ngày 11 tháng Tám năm 1563, Đức HY thành Lorraine đề nghị thêm “juxta Scripturas” (phù hợp với Thánh Kinh) (173). Nhiều vị ủng hộ đề nghị này hay một điều tương tự, và câu “iuxta evangelicam et apostolicam doctrinam” xuất hiện trên bản soạn lại ngày 5 tháng Chín của qui định bẩy (174). Hướng đi của Công Đồng trong vấn đề này đã được xác định, và không bao giờ thay đổi nữa. Hai câu mà Fransen cho là “cực đoan” không được đưa ra cho tới ngày 9 tháng Chín (175). Câu thứ hai được Giám Mục thành Segovia đưa ra. Ngài muốn qui định được tu chính để nói “sai lầm và [đã dạy và hiện đang dạy] vượt quá hay ngược lại Sách Thánh” vì ngài hiểu chính xác nhưng bác bỏ câu “iuxta evangelicam et apostolicam doctrinam”. Ngài bảo câu này có nghĩa: “việc tín điều này phát sinh từ Thánh Kinh là điều không rõ ràng” (176).

Như thế, xin lỗi Fransen, Trent không hề chủ trương dung hòa khi nói rằng điều Giáo Hội đã dạy và còn đang dạy rằng hôn nhân là bất khả tiêu, là “iuxta evangelicam et apostolicam doctrinam” (phù hợp với học lý Tin Mừng và tông truyền). Đúng hơn, bốn ngày trước khi “những người cực đoan” đưa ra các câu thay thế cho câu này, Công Đồng đã chấp nhận nó rồi như một tu chính đối với đề nghị của người Venice. Câu này, theo RG, hợp lý được coi như có nghĩa: các chân lý được qui định bẩy bênh vực quả phát sinh từ Thánh Kinh. Dĩ nhiên, chúng không đồng nhất với học lý Tin Mừng và tông truyền, nhưng các chân lý mà Giáo Hội vốn dạy một cách dứt khoát về Chúa Kitô cũng không đồng nhất với các nguồn Thánh Kinh của chúng. Trong cả hai trường hợp này, Giáo Hội không những giảng dạy một cách trung thành mà còn giải thích và bênh vực các chân lý liên hệ, là các chân lý được quả quyết trong Thánh Kinh hay được các chân lý được Thánh Kinh quả quyết đòi hỏi.

Vinculum (sợi dây)

Fransen cũng nhận định rằng kiểu nói “hôn nhân không thể bị tiêu hủy” đã bị thay đổi thành “sợi dây hôn phối không thể bị tiêu hủy” (matrimonium trở thành matrimonii vinculum). Ông cho rằng sự thay đổi này cho thấy qui định này chỉ liên quan tới tính bất khả tiêu nội tại (vợ chồng không thể tiêu hủy) chứ không liên quan tới tính bất khả tiêu ngoại tại (không quyền lực nhân bản nào hay không một nguyên cớ nào ngoài sự chết có thể tiêu hủy). Ông cho hay sự thay đổi này được đưa ra để vạ tuyệt thông chỉ áp dụng “đối với chủ trương của Luther, chứ không áp dụng cho Giáo Hội Đông Phương” là Giáo Hội cho rằng hôn nhân có thể tiêu hủy một cách ngoại tại, trong khi Luther cho rằng nó khả tiêu cả về phương diện nội tại nữa. Fransen quả quyết rằng việc lồng chữ vinculum vào cho thấy “Công Đồng không đưa ra tuyên bố nào về việc liệu Giáo Hội có thể tuyên bố một cuộc ly dị hay không” (177).

Luận điểm trên không vững vàng. Trước khi câu “dây hôn phối” (matrimonii vinculum) xuất hiện trong qui định bẩy (ngày 13 tháng Mười năm 1563), nó đã được sử dụng trong qui định năm rồi (ngày 7 tháng 8 năm 1563), nhằm trả lời Calvin, là người quan tâm tới việc tiêu hủy ngoại tại bởi thẩm quyền công cộng (178). Hơn nữa, luận điểm của Fransen tiền giả thiết điều này: “dây hôn phối” chỉ về một điều gì đó thực sự khác biệt với “hôn phối”. Nhưng như chính HC nhận định, đối với Trent, hôn nhân là một sợi dây: “Công Đồng quả quyết rằng Adong (trong Sáng Thế 2:23-24) tuyên bố hôn nhân là sợi dây [nexuum] vĩnh viễn và bất khả tiêu” [179]. Do đó, câu tuyên bố của Trent “dây hôn phối không thể bị tiêu hủy” có nghĩa là: hôn phối không thể bị tiêu hủy. Nếu quả các nghị phụ Công Đồng muốn nói điều Fransen cho là các ngài muốn nói, các ngài hẳn đã nói rằng một người phối ngẫu hay các người phối ngẫu không thể tiêu hủy cuộc hôn nhân của họ trên cơ sở ly dị. Thay vào đó, cả trong qui định năm lẫn qui định bẩy, Trent sử dụng thể thụ động mà không nhắc chi tới các người phối ngẫu hay bất cứ tác nhân nào. Như thế, Công Đồng gán tính bất khả tiêu cho chính dây hôn phối và minh xác rằng tình thế sự việc được xác định rõ trong mỗi qui định không làm cơ sở cho luật trừ nào đối với giáo huấn của Chúa Giêsu rằng bất cứ mưu toan tiêu hủy điều Thiên Chúa đã kết hợp và tái hôn đều kết thúc bằng tội ngoại tình.

Tóm tắt lời phê bình Fransen trên đây

Về vấn đề ly dị, theo RG, các tham dự viên tại Công Đồng Trent chủ yếu quan tâm tới việc xác minh chân lý mạc khải của Thiên Chúa và quả quyết chân lý này chống lại các sai lầm đối ngịch. Fransen chứng minh rằng các nghị phụ Công Đồng Trent biết rõ các quan điểm khác nhau liên quan tới tính bất khả tiêu được các thần học gia giáo phụ và trung cổ chủ trương cũng như các thực hành khác nhau của Giáo Hội Hy Lạp. Nhưng Fransen không chứng minh được rằng các nghị phụ của Công Đồng này tập chú vào các nhận xét có tính gây khích động của Luther, hay trong qui định bẩy, các ngài dùng chữ errare với nghĩa “vượt quá năng quyền”, hoặc các ngài dùng chữ juxta với nghĩa “trong tinh thần” hay các ngài sử dụng chữ matrimonii vinculum để phân biệt tính bất khả tiêu nội tại và tính bất khả tiêu ngoại tại.

RG cho rằng: xin lỗi HC và những ai họ trích dẫn để hỗ trợ quan điểm của họ, qui định năm của Trent long trọng xác định thành một chân lý của đức tin câu này rằng hôn nhân không thể bị tiêu hủy trên ba cơ sở khác hơn là ngoại tình; còn qui định bẩy thì long trọng xác định rằng Giáo Hội đã không sai lầm và hiện không đang không sai lầm khi dạy rằng hôn nhân không thể bị tiêu hủy trên cơ sở ngoại tình. Vì tuyên bố nào cũng một là đúng hai là sai, nên nếu Giáo Hội không sai lầm khi dạy câu ấy, thì câu ấy phải đúng. Mặt khác, qui định bẩy, như RG đã nhận định trên đây, có tính tự qui (self-referential) và nay thì đã rõ câu “phù hợp với học lý Tin Mừng và tông truyền” có nghĩa: qui định bẩy là một tín điều phát sinh từ Thánh Kinh, một tín điều phải được chấp nhận như là chân lý mặc khải và phải được đức tin thần thiêng và Công Giáo tuân giữ (180).

Giáo huấn vô ngộ của huấn quyền phổ quát thông thường

Bắt rễ trong Thánh Kinh, giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về tính bất khả tiêu luôn ngăn ngừa việc tiêu hủy các cuộc hôn nhân đã thành hiệu và hoàn hợp. Lời nhập đề có tính học lý và các qui định của Công Đồng Trent đã lên khuôn cho giáo huấn và thực hành của Giáo Hội trong các thế kỷ sau đó, và các người Công Giáo trung thành vốn tin giáo huấn này và hợp tác vào việc thực hành nó. Các sự kiện này chứng minh rằng việc bất khả tiêu hủy các cuộc hôn nhân đã thành hiệu và hoàn hợp vốn được giảng dạy cách vô ngộ bởi huấn quyền phổ quát thông thường.

Các điều kiện của giáo huấn vô ngộ này

Khi xử lý phương thức giáo huấn vô ngộ này, Vatican II quả quyết rằng các giám mục “công bố học lý Chúa Kitô một cách vô ngộ, dù họ rải rác khắp thế giới, khi họ duy trì sự hiệp thông với nhau và với vị kế nhiệm Thánh Phêrô, giảng dạy hợp thẩm quyền về vấn đề đức tin và luân lý, và nhất trí trong một phán quyết rằng một điều gì đó phải được tin một cách dứt khoát” (181). Để một giáo huấn được huấn quyền phổ quát thông thường đề xuất một cách vô ngộ, bốn điều kiện sau đây cần được thỏa mãn.

Thứ nhất, các giám mục công bố giáo huấn này phải hợp nhất với nhau và với Đức Giáo Hoàng. Điều này không có nghĩa họ phải hành động chính thức như một bộ phận, mà chỉ cần họ không tách biệt khỏi sự hiệp thông hợp đoàn. Như thế, việc chấp nhận ly dị và tái hôn bởi các giàm mục tách biệt khỏi hiệp thông hợp đoàn không ngăn cản sự đồng thuận cần có để huấn quyền thông thường dạy một cách vô ngộ rằng hôn nhân là bất khả tiêu.

Thứ hai, các giám mục phải giảng dạy hợp thẩm quyền về vấn đề đức tin và luân lý. Điều này có nghĩa họ không giảng dạy như những cá nhân tư mà như những giám mục, về vấn đề thuộc phạm vi thẩm quyền của họ. Dù đang có tranh luận về việc đức tin và luân lý bao gồm những điều gì, nhưng chắc chắn nó bao gồm bất cứ vấn đề nào minh nhiên được bàn tới trong Thánh Kinh ảnh hưởng tới cuộc sống Kitô Giáo một cách trầm trọng.

Thứ ba, các giám mục phải nhất trí trong một phán quyết. Điều này có nghĩa các ngài như một toàn thể cùng dạy một điều như nhau, dù cho một số vị chưa bao giờ nhắc đến vấn đề và một số vị bất đồng. Khi điều kiện này đã có, thì tính phổ quát cần thiết không bị triệt tiêu bởi việc thiếu đồng thuận sau đó.

Thứ tư, các giám mục phải đề xuất giáo huấn như một chân lý được tin giữ một cách dứt khoát. Điều kiện này không có nghĩa đề xuất cần phải được long trọng định tín, vì vấn đề ở đây là giáo huấn thông thường của các giám mục. Đứng hơn điều kiện này có nghĩa giáo huấn không bị đề xuất như một nhiệm ý hay chỉ là chuyện có thể, mà phải là một điều gì đó người Công Giáo có bổn phận phải chấp nhận là đúng một cách chắc chắn. Đề xuất một điều gì đó như là chân lý của đức tin, nghĩa là một chân lý phải được tin như do Thiên Chúa mặc khải, càng cần phải được đề xuất như một chân lý phải tin dứt khoát.

HC chỉ nhắc đến tính vô ngộ của huấn quyền phổ quát thông thường có một lần [182]. Họ nhắc tới Richard Gaillardetz, người bác bỏ việc có thể giải quyết “các vấn đề hiện đang được tranh luận” bằng cách “nại tới giáo huấn của huấn quyền phổ quát thông thường” (183) và cố gắng bác bỏ các luận điểm được đưa ra để chống lại quan điểm này của Lawrence Welch[184]. Cách riêng, Gaillardetz lý luận rằng sự kiện hiện các thần học gia chưa đồng thuận về việc một điều nào đó được giảng dạy một cách vô ngộ bởi huấn quyền thông thường cho thấy việc này chưa có (185). Rồi Welch trả lời luận điểm này; ông cũng giải thích lý do tại sao sự bất đồng sau đó không được kể để chống lại một chân lý đức tin khi chân lý này đã được nhận diện và được tin giữ bởi cộng đồng Kitô Giáo như một toàn thể (186). Gaillardetz chưa lên tiếng trả lời Welch, nhưng hai người đã thảo luận các quan điểm của Francis Sullivan, người đã lên tiếng trả lời.

Về sự đồng thuận thần học, Sullivan viết: “tôi không chủ trương rằng việc vắng bóng đồng thuận của các thần học gia có nghĩa là không có một giáo huấn dứt khoát của huấn quyền phổ quát thông thường” (187). Tuy nhiên, ông nhấn mạnh “Tôi không tin rằng người ta có thể nại tới một đồng thuận trong quá khứ của các giám mục như là vô ngộ nếu họ không còn nhất trí trong việc giảng dạy học lý đó nữa. Lấy một thí dụ: các giám mục tại Công Đồng Florence dạy rằng mọi người ngoại giáo và Do Thái Giáo đều xuống hỏa ngục nếu họ không trở thành người Công Giáo trước khi chết” (188). Tuy nhiên thí dụ của Sullivan liên quan tới một giáo huấn công đồng chứ không liên quan tới một giáo huấn của huấn quyền phổ quát thông thường (189). Hơn nữa, sự nhất trí của các giám mục tương lai không cần thiết để giám mục đoàn giảng dạy một điều gì đó cách vô ngộ vào lúc này hay để chúng ta nhìn nhận một giáo huấn vô ngộ như thế (190).

Các điều kiện trên từng được thỏa mãn

Trong mấy năm gần đây, một số học giả Công Giáo gợi ý rằng ngay cả các cuộc hôn nhân đã thành hiệu và hoàn hợp cũng có thể bị tiêu hủy, và chắc chắn HC sẵn sàng nhắc tới bất cứ điều gì được bất cứ ai thấy là có ích cho lập trường của họ. Do đó, họ đã hết sức chú tâm tới việc tìm được sự hỗ trợ cho lập trường của họ nơi các Thánh Basilêô và Kim Khẩu, nơi hai tác giả các sách ân giải, nơi lá thư bị nhiều người tranh luận của Đức Grêgôriô, nơi Vatican II và cả Trent nữa, đến nỗi hoàn toàn câm nín đối với chứng từ của các giáo phụ và tiến sỹ khác của Giáo Hội, của các vị giáo hoàng và các công đồng (191).

Như đã thấy, Công Đồng Trent tái khẳng định điều Giáo Hội vốn giảng dạy và còn giảng dạy về tính bất khả tiêu, và bênh vực các yếu tố bị thách thức của chân lý bằng các qui định dứt khoát. Bằng cách rút tỉa từ Thánh Kinh chân lý tổng quát về tính bất khả tiêu, Công Đồng Trent rõ ràng, dù có mặc nhiên, dạy rằng cả chân lý này nữa cũng phải tin giữ bằng đức tin. Sau Trent, các thần học gia Công Giáo giải thích và bênh vực các giáo huấn của Công Đồng, trong đó có giáo huấn về hôn nhân và tính bất khả tiêu của hôn nhân (192).

Từ Trent tới Vatican II, nhiều tuyên bố của các vị giáo hoàng, của nhiều nhóm giám mục, cũng như của các cá nhân giám mục đã tái khẳng định giáo huấn này trước sự bác bỏ nó của Thệ Phản và của luật ly dị dân sự. Ngay trong nửa thế kỷ vừa qua, cũng rất ít chứng cớ cho thấy có sự bất đồng của các giám mục đối với lập trường mà các nghị phụ của Vatican đã hầu như đồng thanh tái khẳng định (193).

Như một phần trong cuộc cải cách của Trent, các chủng viện đã được thiết lập và, tới tận Vatican II, các giáo sư chủng viện sử dụng các sách giáo khoa do các giám mục chuẩn nhận. Các linh mục khắp thế giới học hỏi từ các sách giáo khoa này điều cần giảng dạy và phải thi hành công tác mục vụ của họ ra sao. Các tác giả được chuẩn nhận đồng loạt dạy rằng các cuộc hôn nhân đã thành hiệu và hoàn hợp đều tuyệt đối bất khả tiêu. Phần lớn trích dẫn Thánh Kinh để hỗ trợ giáo huấn này và do đó hàm ý như Trent rằng đây là một chân lý mạc khải đòi người ta phải lấy đức tin mà thuận theo. Bằng cách sử dụng Thánh Kinh để hàm ý rằng giáo huấn này được Thiên Chúa mạc khải, Sách Giáo Lý Rôma (194) và các tàiliệu giáo lý dựa trên nó cũng cho thấy: chân lý tổng quát dạy rằng hôn nhân bất khả tiêu là một chân lý phải được tin giữ như là được Thiên Chúa mạc khải.

Thành thử, trong vài thế kỷ, người Công Giáo khắp nơi được dạy rằng hôn nhân bí tích, hoàn hợp chỉ bị tiêu hủy bởi sự chết. Các mục tử đều minh giải giáo huấn này nhất là cho các cặp đang chuẩn bị bước vào hôn nhân. Thực hành của Giáo Hội củng cố giáo huấn bất khả tiêu của mình bằng cách nhất loạt bác bỏ các mưu toan tái hôn sau khi ly dị ngoài dân sự, coi nó như một tội trọng. Các tòa án coi giáo huấn này như một nguyên tắc không có ngoại lệ khi xử lý các vụ án hôn phối (195). Các mục tử thường xuyên cảnh cáo những người toan tái hôn không được rước lễ. Các người Công Giáo có đức tin trong các cuộc “hôn nhân” bất hiệu lực thứ hai này, nếu được học giáo lý vững vàng, đều hiểu là mình đang sống trong tội trọng. Như thế, khoa giáo lý và thực hành mục vụ đều cho thấy rõ, nhất là đối với các cặp đính hôn và các cặp vợ chồng, rằng giáo huấn của Giáo Hội về bất khả tiêu là một phần của đức tin Công Giáo, và tới tận nửa thế kỷ vừa qua, gần như không có bất đồng nào chống lại giáo huấn này trong toàn bộ tín hữu.

Nếu tín điều có nghĩa là một công bố được xác định một cách long trọng, thì không có tín điều nào dạy rằng các cuộc hôn nhân đã thành hiệu và hoàn hợp đúng nghĩa đều tuyệt đối bất khả tiêu. Tuy thế, giáo huấn ấy đã được huấn quyền phổ quát thông thường đề ra như là giáo huấn được Thiên Chúa mạc khải và phải được toàn thể Giáo Hội tin giữ. Các giáo huấn loại này cũng giống như các công bố được xác định một cách long trọng không chấp nhận việc duyệt xét (196).

KẾT LUẬN

Trong nửa thế kỷ qua, nhiều học giả Công Giáo, tức các thần học gia, học giả Thánh Kinh, giáo luật học, và nhiều ngành khác, vốn chú tâm nghiên cứu các dữ kiện khó hòa hợp được với giáo huấn của Giáo Hội về tính bất khả tiêu của hôn nhân. Họ vốn chỉ trích lối giải thích thần học thường có xưa nay về giáo huấn này và đưa ra nhiều luận chứng nhằm kêu gọi người khác đem nó ra nghi vấn. HC lựa các yếu tố từ bộ phận học giả này để xây dựng chủ trương của họ rằng giáo huấn về bất khả tiêu không thuộc đức tin Công Giáo và việc duyệt lại bản chất của nó hiện nay là điều có thể.

Theo RG, lập trường của HC thoạt đầu khá gây ấn tượng vì nó tổng hợp được khá nhiều công trình nghiên cứu gần đây. Tuy nhiên, như RG đã cố gắng chứng minh, một số yếu tố trong bộ phận học giả trên không vững vàng và việc HC sử dụng chúng không có tính phê phán. Hơn nữa, phần lớn họ còn bỏ qua công trình của nhiều học giả Công Giáo trong nhiều thời đại vốn giải thích và bênh vực tính bất khả tiêu của hôn nhân. Trong khi vật lộn với các vấn đề do HC nêu lên, RG buộc phải nhìn vào truyền thống thần học lâu dài hơn. Đặc tính giao ước của hiệp thông phu phụ xuất hiện như là chìa khóa để hòa hợp tính bất khả tiêu của hôn nhân với các dữ kiện Thánh Kinh cũng như với việc Giáo Hội coi là khả tiêu một số cuộc hôn nhân chưa hoàn hợp và không có tính bí tích.

Khi tính tới nền học giả Thánh Kinh vững chãi và đọc học lý Tin Mừng và tông truyền về hôn nhân dưới ánh sáng đặc điểm giao ước của hiệp thông phu phụ, RG cho rằng ta khó có thể có lý khi cho rằng Chúa Giêsu và Thánh Phaolô không dạy tính bất khả tiêu tuyệt đối của hôn nhân giao ước, đã hoàn hợp. Nếu còn nhìn nhận thêm các lầm lẫn từng làm mờ chứng từ của Công Đồng Trent và chứng từ của huấn quyền phổ quát thông thường từ Trent trở đi, ta khó có thể hợp lý khi cho rằng giáo huấn của Giáo Hội không chuyên chở một cách dứt khoát chân lý đã được Thiên Chúa mạc khải về ly dị và tái hôn đã được phát biểu trong học lý Tin Mừng và tông truyền. Do đó, việc duyệt xét bản chất giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về tính bất khả tiêu là điều hiện nay và mãi mãi không thể có được.

Khi tình yêu đích thực dẫn một người đàn ông và một người đàn bà tới chỗ kết hôn với nhau, họ muốn sự kết hợp do họ khởi diễn sẽ kéo dài suốt đời. Ấy thế nhưng họ cũng hiểu rằng nếu sự ưng thuận hỗ tương của họ chỉ là một cam kết, thì nó cũng sẽ có thể bị thu hồi như bất cứ cam kết nhân bản nào khác. Bất khả tiêu là một phần trong ơn phúc Thiên Chúa ban cho cặp vợ chồng. Nếu họ tin Chúa Giêsu và dấn thân sống chân lý của Người trong yêu thương, bao gồm chân lý Người vốn dạy về bất khả tiêu, họ sẽ được chung chia hồng phúc của sự kết hợp giao ước. Giữa gian truân và cám dỗ, họ sẽ được động viên cách mạnh mẽ để kiên trì. Ở đời này, những ai kiên trì sẽ chỉ được thỏa hy vọng một cách bất toàn, kể cả hy vọng của họ đối với cuộc sống hân hoan vợ chồng. Nhưng khi được thừa hưởng vương quốc dứt khoát, họ sẽ thấy rõ mọi đau khổ của những người phối ngẫu nào biết tin tính bất khả tiêu đều không thể sánh được với sự thiện mà Thiên Chúa đã tạo nên dành cho sự cộng tác của họ. Họ sẽ được sống với mọi người diễm phúc trong niềm vui bất tận của tiệc cưới giữa Chúa Giêsu và Giáo Hội của Người và sẽ tìm thấy trong sự hiệp thông giao ước này việc thành toàn tối hậu cuộc hôn nhân của họ với nhau.

Đui mù đối với tính bất khả tiêu của hôn nhân đã gây khốn khổ cho thân phận làm người sau khi sa ngã. Các mục tử có lòng cảm thương nào biết nhìn ra các hậu quả tai hại, vốn không ít ỏi đối với con cái, từng gây ra cho bất cứ xã hội nào coi hôn nhân như khả tiêu đều biết ơn Chúa Giêsu đã chữa lành sự đui mù này và đổi mới hôn nhân. Họ hân hoan khi thấy Giáo Hội, nhờ Chúa Thánh Thần hướng dẫn, đã lên sức mạnh về phương diện bí tích để các cặp vợ chồng biết rằng họ đã nên một một cách bất khả tiêu. Không hề nghĩ rằng Giáo Hội sẽ có lòng cảm thương khi chấp nhận tính khả tiêu như thế gian, các mục tử này hiểu rõ rằng lòng cảm thương có tính mục vụ chân thực mới đem đến cho thế giới sự viên mãn của Tin Mừng, tức mọi hồng phúc mà Thiên Chúa đã ủy thác cho Giáo Hội, trong đó, có hồng phúc hôn nhân giao ước (197).

________________________________

Ghi chú

[125] Xem các số 71, 115–16, 121 ở trên.

[126] Xem bản văn kèm các số 89–100.

[128] Xem bản văn kèm các số 117–24.

[129] Tanner 2:753–54. Một “tập tục được chấp thuận từ thời các tông đồ” là thực hành đã thành nếp thuộc truyền thống tông đồ nói về mạc khải của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu.

[130] Tanner 2:754. Trent không diễn dịch tính bí tích từ thư Êphêsô, như các độc giả bất cẩn thường giả định.

[131] Ibid.

[132] Ibid.

[133] Một số người Công Giáo có thể chấp nhận rằng theo Chúa Giêsu, tái hôn sau ly dị là ngoại tình và Giáo Hội cũng dạy cùng một điều như thế, nhưng họ lại chủ trương rằng giáo huấn ấy chỉ là một lý tưởng bất khả vì, theo họ, những con người sa ngã không thể sống cái lý tưởng quá khó khăn như thế. Những người Công Giáo này chắc đồng ý với HC rằng cả trong trường hợp hôn nhân thành hiệu và hoàn hợp, Giáo Hội nên chấp nhận cho tái hôn sau khi ly dị. Để bênh vực cho lập trường nghịch lý đó, các người Công Giáo này chắc chắn sẽ chấp nhận phương thức vụ luật pháp giống phương thức của Luz: “Chẳng may, điều hết sức cái nhiên là Chúa Giêsu cũng không chống lại việc cố gắng ‘đặt qui định cho các vấn đề của con tim bằng phương tiện luật lệ’ nhưng Người nhất định đã thiết lập ra một nguyên tắc nền tảng” (Luz, Matthew 8–20, 494–95). Nếu các người Công Giáo cho rằng “không ai có thể tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa, kể cả những người đã được công chính hóa và vững ổn trong ơn thánh (Council of Trent, Decree on Justification c. 18; Tanner 2:680), thì họ hẳn không nhận ra rằng cả những lời khó nghe của Chúa Giêsu cũng là tin mừng mà họ có thể sống theo. Nại tới chủ nghĩa duy luật, họ sẽ hợp lý hóa việc gạt ra một bên các giáo huấn khó khăn, không những liên quan tới ly dị và tái hôn, nhưng liên quan cả tới thủ dâm, ngừa thai, kê gian (sodomy), phá thai, và vân vân.

[134] Josef Neuner and Jacques Dupuis, The Christian Faith in the Doctrinal Documents of the Catholic Church, 7th ed., rev. Jacques Dupuis (từ đây viết tắt là Neuner-Dupuis) (New York: Alba House, 2001) no. 1812 (DS 1805).

[135] Concilium Tridentinum: Diariorum, actorum, epistularum, tractatuum,13 vols., 2nd ed., ed. Societas Goerresiana (Freiburg im Breisgau: Herder, 1965) 9:682. Từ đây viết tắt là Trent.

[136] Xem Trent 9:642. Calvin chỉ chấp thuận ly dị do thẩm quyền dân sự: “Calvin cũng tha thiết trong việc bảo vệ chống lại thực hành tiêu hôn tư riêng trước đây của giáo luật y như chống lại việc dung túng các cuộc hôn nhân bí mật của giáo luật truyền thống” (John Witte Jr. and Robert M. Kingdon, Sex, Marriage, and Family in John Calvin’s Geneva, vol. 1, Courtship, Engagement, and Marriage [Grand Rapids, Mich.:Eerdmans, 2005] 46; xem 45–48).

[137] Trent 9:652.

[138] Xem Trent 9:682 số 3.

[139] Xem Trent 9:682; Tanner 2:754.

[140] Neuner-Depuis số 1814 (DS 1807).

[141] Xem Trent 9:682.

[142] Xem Trent 9:686. 400

[143] Xem Trent 9:687. Giữa ngày 11 và ngày 23 tháng Tám, một nhóm nghị phụ, trong đó có Đức HY thành Lorraine, đề nghị một bản viết lại hoàn toàn theo phương thức gián tiếp (xem 9:742); trong bản này, kiểu nói của người Venice “non debere . . . contrahere ” đổi thành “non posse. . . contrahere, ” để minh xác rằng tái hôn sau khi ly dị là điều không thể xẩy ra, chứ không phải chỉ sai mà thôi.

[144] Xem Trent 9:687–743; tổng kết số phiếu: Trent 9:742–43.

[145] Xem Trent 9:760. Các nhà soạn dự thảo có lẽ đã rút câu “iuxta evangelicam et apostolicam doctrinam” từ một câu tương tự “secundum evangelicam et apostolicam disciplinam” trong điều hiện được coi là qui định 8 của Công Đồng Carthage lần thứ 11 (June 13, 407) (xem Trent 6:410, 9:649; và Crouzel, L’Eglise primitive 312–13). Cả secundum lẫn iuxta đều có nghĩa “phù hợp với”; nhưng nghĩa "gần gũi xát cạnh" trước nhất của juxta (xem Lewis and Short, 1021) cho thấy sự hòa hợp gần gũi giữa giáo huấn của Giáo Hội và các nguồn Thánh Kinh của nó. Cũng thế, cả disciplinam lẫn doctrinam đều có nghĩa “giáo huấn” nhưng chữ sau ít bị hiểu lầm chỉ như một thói quen hay một qui định dễ thay đổi về tác phong (xem Lewis and Short 587, 605). Dự thảo ngày 5 tháng Chín bỏ những chữ “et docet” (“và hiện còn giảng dậy”) mà người Venice vốn lồng vào.

[146] Xem Trent 9:761; dự thảo lúc đầu của lời nói đầu có tính học lý này đã được đưa ra, “nếu các nghị phụ chấp thuận nó mà không tranh luận”, là để thay thế lời nói đầu ngắn ngủ dẫn tới các qui định. Dự thảo khởi đầu với câu “Matrimonii perpetuum inviolabilemque nexum” (sợi dây vĩnh viễn và bất khả vi phạm của hôn nhân). Câu này, trong sắc lệnh sau cùng, đã trở thành “Matrimonii perpetuum indissolubilemque nexum” (sợi dây vĩnh viễn và bất khả tiêu của hôn nhân

[147] Xem Trent 9:779; Đức HY thành Lorraine cũng gợi ý rằng “docuit ” nên đọc trở lại là "docuit et docet.” Cũng nên xem Trent 9:742, ở đây ngài và nhiều vị khác được tường trình là ủng hộ câu “matrimonii vinculum” (dây hôn phối) vốn không có trong dự thảo cho tới tận 7 tháng Tám mới xuất hiện trong qui định 5 mới (xem các số 134-139 trên đây và bản văn đính kèm).

[148] HC 458. Ở chỗ khác, HC quả quyết rằng tại Trent “các giám mục tuyên bố ‘rằng ơn thánh của Chúa Kitô có sẵn đó để biến hôn nhân thành bất khả tiêu một cách bất khả tiêu’ và ngầm ngụ ý rằng các cuộc hôn nhân đã được biến thành bất khả tiêu đều là bí tích” (HC 495–96; trích dẫn từ Theodore Mackin, “Ephesians 5:21–33 and Radical Indissolubility,” trong Marriage Studies 3:1–45, tại số 6). Lời quả quyết này giải thích sai giáo huấn của lời nói đầu về việc ơn thánh của Chúa Giêsu, tính bất khả tiêu hôn nhân và tính bí tích liên hệ với nhau ra sao.

[149] Phiên dịch qui định 5 như HC làm không bị bản La Tinh ngăn cản: “Si quis dixerit, propter haeresim, aut molestam cohabitationem, aut affectatam absentiam a coniuge dissolvi posse matrimonii vinculum: anathema sit” (nếu người nào nói rằng vì lạc giáo, hoặc sống chung khó khăn, hoặc vắng mặt lâu dài, một người phối ngẫu có thể tiêu hủy sợi dây hôn phối, thì họ hãy bị tuyệt thông). Tuy nhiên, 3 xem sét sau đây ngăn cản việc phiên dịch như thế. (1) Nó không phù hợp với sự quan tâm từng sản sinh ra qui định 5, tức là, các sai lạc của Calvin , người vốn bảo vệ chống lại cuộc ly dị do chính hai người phối ngẫu thực hiện (xem số 136 trên đây). (2) Nó bị chính lịch sử biên soạn qui định 5 loại bỏ. Như đã giải thích trên đây, ngày sau khi Đức HY thành Lorraine đề nghị phải có một qui định chống lại các sai lầm của Calvin, Đức TGM thành Sens đề nghị một công thức bao gồm câu “affectatam utriusque coniugis absentiam” (sự vắng mặt lâu dài của một trong hai người phối ngẫu) (Trent 9:652). Với cách hiểu đó, nghĩa là: không tiêu hủy do một người phối ngẫu mà tiêu hủy trên cơ sở bỏ trốn của một người phối ngẫu, đề nghị này sẵn sàng được chấp thuận. (3) Nó dẫn đến việc dịch chữ affectatam thành “tiếp tục” (lâu dài) dù affectatam có nghĩa là cố ý, chứ không hẳn “tiếp tục” hay bất cứ tĩnh từ nào giống như thế.

[150] Ba xem sét sau đây cho thấy: việc dịch đúng chữ “propter” trong qui định 7 không phải là “bởi” mà là “trên cơ sở” (hay “bởi vì”, như trong lối dịch của Neuner-Dupuis được RG sử dụng). (1) Tanner và chính HC dịch “propter ” trong qui định năm là “trên cơ sở” (Tanner 2:754); dịch propter là “bởi” trong qui định năm “propter haeresim . . . a coniuge dissolvi posse” (bởi lạc giáo… người phối ngẫu có thể tiêu hủy) có thể đem tới câu vô lý “có thể bị sự lạc giáo của một người phối ngẫu tiêu hủy” trong Tanner. (2) Per fornicationem, kiểu nói có thể đọc là “bởi việc ngoại tình” xuất hiện năm 1547 trong một văn kiện quan trọng (xem ghi chú số 162 dưới đây), và đáng lý ra công đồng đã sử dụng kiểu nói mơ hồ này nếu nó muốn để ngỏ gúp qui định này có thể đọc là “bởi việc ngoại tình”. (3) Một dự thảo qui định có các chữ “propter adulterium” đã được trình cho các nghị phụ vào ngày 20 tháng Bẩy năm 1563 (xem Trent 9:640); trong cuộc tranh luận sau đó, Đức GM thành Segovia, vào ngày 26 tháng Bẩy, đã đề nghị một kiểu nói khác là “non dissolvi . . . per fornicationem” với nghĩa rõ ràng rằng “không bị tiêu hủy … bởi việc ngoại tình” (xem bên dưới, ghi chú số 155 và bản văn đính kèm). Đề nghị này không được tiếp nhận bao nhiêu; dự thảo tiếp theo của qui định 7 vào ngày 7 tháng Tám vẫn có hai chữ propter adulterium (xem Trent 9:682), như là bản cuối cùng vào ngày 11 tháng Mười Một (xem Trent 9:967; Tanner 2:754).

[151] HC cho rằng Giáo Hội huấn quyền đã dẫn khởi và cũng có thể thay đổi giáo huấn dạy rằng hôn nhân là bất khả tiêu (xem 478 số 79). Họ nói tới “dây ba sợi”, tức luân lý, xã hội, và tôn giáo, và nói rằng chỉ các cặp vợ chồng mới có thể phá vỡ dây luân lý, trong khi chỉ có nhà nước mới giải thoát họ khỏi dây xã hội (xem 487 số 105). Khi gợi ý rằng đặc ân Thánh Phaolô có thể được nới rộng, HC muốn cho thấy: Giáo Hội có thể chính thức chấp nhận việc tiêu hủy hôn nhân sau khi ly dị ngoài dân sự (Xem HC 469 số 51).

[152] HC 462–63; trích từ ITC, “Propositions on the Doctrine of Christian Marriage,” trong International Theological Commission, Texts and Documents: 1969–1985, ed. Michael Sharkey (San Francisco: Ignatius, 1989) 163–83, tại tr. 171. Từ đây, RG sẽ gọi tài liệu này là “ITC.”

[153] ITC 171.

[154] Muốn có bản tóm lược, xin xem Trent 9:680; cũng nên xem Joyce, Christian Marriage 395–96.

[155] Trent 9:657.

[156] Muốn có bản tóm lược phản ứng của các nghị phụ công đồng đối với đề nghị của người Venice, xin xem Trent 9:742–43. Điều xem ra rõ ràng là việc thêm câu “iuxta evangelicam et apostolicam doctrinam” và lời nói đầu có tính học lý đã thuyết phục được đa số những ai trước đây vẫn nhấn mạnh tới chủ trương cho rằng công đồng chấp nhận phương thức gián tiếp mà không hy sinh sự thật về bất khả tiêu.

[157] HC 463. Trong một ghi chú đã bị hủy bỏ, HC trích dẫn Piet Fransen, “Divorce on the Ground of Adultery—The Council of Trent (1563),” Theo Westow dịch, trong The Future of Marriage as Institution , ed. Franz Bockle, Concilium 55 (New York: Herder & Herder, 1970) 89–100. Từ đây, RG gọi tác giả và bài này là “Fransen”. Như HC nhấn mạnh, trong bài này, Fransen tóm lược các yếu tố chủ yếu của một bài trước cũng của ông; ghi chú đầu tiên của bài này có nhắc tới các yếu tố này. Ở đây RG chỉ trả lời Fransen trong phạm vi HC sử dụng ông; nên các phê bình của RG phải được hiểu dưới ánh sáng bài báo được trích dẫn này.

[158] Fransen 90.

[159] Fransen 92; xem chủ trương tương tự tại 93-94.

[160] “Một người đàn bà đã kết hôn tự hiến mình cho một người đàn ông khác hết còn là một bà vợ, đến độ mỗi người phối ngẫu, hay ít nhất người không là nguyên cớ cho ly dị, được tái hôn, nghĩa là, người đàn ông có thể lấy một người vợ khác hay người đàn bà có thể lấy một người chồng khác”; và “một ai đó, sau khi rẫy bỏ người phối ngẫu ngoại tình của mình, lấy một người khác thì không phạm tội ngoại tình” (Trent 6:98 and n. 10).

[161] Trent 6:99; lời dịch trích của Martin Luther, The Babylonian Captivity of the Church, A. T. W. Steinhauser và nhiều người khác phiên dịch, trong Luther’s Works , vol. 36, do Abdel Ross Wentz chủ biên (Philadelphia: Fortress, 1959) 105.

[162] Xem Trent 6:409–12; “Quod per fornicationem non solvatur vinculum matrimonii” (Trent 6:409). Per fornicationem có thể có nghĩa một là “bởi vì ngoại tình [ob hay propter fornicationem]” hai là, như Thánh Gioan Kim Khẩu gợi ý (xem Palmer, “Christian Marriage” 626–27 n. 19), “bởi chính sự ngoại tình” [per fornicationem ipsam]”. Tuy nhiên, bảm tóm lược cuộc tranh luận, tức đoạn cho rằng các nghị phụ “confirmavit matrimonium ob fornicationem dissolvi non posse” (Trent 6:434), cho thấy vấn đề là tiêu hủy vì ngoại tình.

[163] Xem Trent 6:412–13.

[164] Xem Trent 6:402. Với lời thêm này, vấn đề được tranh luận đã phối hợp hai câu tuyên bố đầu tiên vốn gán cho Luther vào tháng Tư (xem ghi chú 160 trên đây)

[165] Xem Trent 6:419–33.

[166] Xem Trent 6:434–35, 434 ghi chú 14, 435 ghi chú 1.

[167] Trent 6:434.

[168] Trent 9:380.

[169] Xem Babylonian Captivity 105.

[170] Xem Trent 9:408–21.

[171] Xem các ghi chú 134-139 trên đây cùng với bản văn đính kèm; cũng nên xem ghi chú 149.

[172] Fransen 95.

[173] Xem Trent 9:687.

[174] Xem Trent 9:760.

[175] Xem Trent 9:785, 789; ngày hôm sau, câu thứ hai được một nghị phụ khác ủng hộ (xem Trent 9:793).

[176 ] Trent 9:785: “Ex hoc canone habetur, quod hoc dogma habetur ex Scripturis, quod non est clarum, sed dicatur: Si quis dixerit, ecclesiam errare et praeter aut contra divinas Scripturas etc.”

[177] Fransen 96. Để hỗ trợ cho lập trường của ông rằng chỉ có tính bất khả tiêu nội tại bị đặt vấn đề, Fransen cho rằng qui định bẩy là một giáo huấn dạy rằng “dây hôn phối không thể bị tiêu hủy bởi sự ngoại tình của một trong các người phối ngẫu”. RG đã đề cập tới việc dịch sai này ở ghi chú 150 trên đây.

[178] Xem các ghi chú 134–39 trên đây và bản văn đính kèm.

[179]HC 458; Tanner 2:753. Như HC đã chỉ ra, nexuumvinculum đồng nghĩa với nhau.

[180] HC cho hay: “năm 1986, Đức HY Ratzinger chủ trương rằng Trent xác định tính bất khả tiêu của hôn nhân như là thuộc về ‘gia sản đức tin’ và không bị thách thức” (464). Thực vậy, viết dưới danh nghĩa bộ trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Đức HY Ratzinger quả quyết rằng “lập trường của Giáo Hội về tính bất khả tiêu của cuộc hôn nhân bí tích và đã hoàn hợp mà cha cho là cần được thay đổi, thực sự đã được xác định tại Công Đồng Trent và do đó thuộc gia sản đức tin rồi” (“Thư gửi Cha Charles Curran Thông Tri Cho Ngài Hay Ngài Không Thể Giảng Dạy Thần Học Công Giáo”, Origins 16 [1986] 201, 203, tại tr. 203). Như thế, xin lỗi HC, Đức HY Ratzinger không cho rằng Trent xác định tính bất khả tiêu của hôn nhân mà xác định lập trường của Giáo Hội về tính bất khả tiêu của hôn nhân (một điều Trent đã làm theo mức độ lập trường này bị các người Cải Cách thách thức). HC viết thêm: “Trong thư hồi đáp Đức HY Ratzinger, Curran nhận định rằng giữa các thần học gia Công Giáo vốn có sự nhìn nhận rộng rãi rằng ‘giáo huấn của Công Đồng Trent không loại bỏ thực hành ‘nhiệm cục’ (economia) trong Giáo Hội Hy Lạp như là trái ngược với đức tin’. Về điểm này, chúng tôi tin rằng Curran rõ ràng chính xác trong quả quyết của mình” (464). Nhưng xin lỗi cả Curran lẫn HC, RG cho rằng dù Trent không kết án thực hành nhiệm cục, qui định bẩy đưa tới việc nếu áp dụng nó vào tái hôn sau khi ly dị là trái với đức tin.

[181] Lumen gentium (21 tháng 11, 1964) số 25.

[182] HC 464 số 32.

[183] Richard R. Gaillardetz, “The Ordinary Universal Magisterium: Unresolved Questions,” Theological Studies 63 (2002) 447–71, tại tr. 466.

[184]Lawrence J. Welch, “The Infallibility of the Ordinary Universal Magisterium: A Critique of Some Recent Observations,” Heythrop Journal 39 (1998) 18–36.

[185] Xem Gaillardetz, “Ordinary Universal Magisterium” 466–67.

[186] Xem Lawrence J. Welch, “Quaestio Disputata: Reply to Richard Gaillardetz on the Ordinary Universal Magisterium and to Francis Sullivan,” Theological Studies 64 (2003) 598–609.

(187) Francis A. Sullivan, S.J., “Reply to Lawrence J. Welch,” Theological Studies 64 (2003) 610–15, at 614–15.

(188) Ibid. 611.

(189) Ngay cả nếu thí dụ của Sullivan có liên quan đi chăng nữa, thì câu của ông “nếu họ không trở nên người Công Giáo trước khi chết” đã viết sai điều kiện cần phải có của Công Đồng Florence là: “trừ phi họ kết hợp [aggregati] với Giáo Hội Công Giáo trước lúc qua đời” (Tanner 1:578). Giáo huấn của Công Đồng Florence có cơ sở vững vàng trong bản chất nếu không muốn nói là đọc lên thấy vui tai trong kết cấu. Bất chấp bề ngoài như thế nào và có lẽ cả các chọn lựa lầm lẫn làm vì ngay tình, người ngoại giáo và Do Thái Giáo có thể kết hợp với Giáo Hội Công Giáo khi họ qua đời, cho dù họ chưa bao giờ trở nên người Công Giáo bằng cách tiếp nhận đức tin và lãnh nhận bí tích rửa tội. Lumen gentium số 16 giải thích việc họ có thể liên hệ với Giáo Hội một cách thoả đáng ra sao để được cứu rỗi (xem Tanner 2:861).

(190) Giả sử mọi giám mục khắp thế giới hiện nhất trí trong việc dạy như một chân lý phải được tuân giữ dứt khoát rằng buôn bán một con người nhân bản luôn luôn là một sai lầm nghiêm trọng, và giả sử Sullivan cũng thừa nhận tình thế ấy. Nhưng trừ phi từ bỏ lập trường hiện nay, nếu không, ông hẳn phải nhấn mạnh rằng sự sai lầm của việc buôn bán một con người nhân bản chưa được giảng dạy một cách vô ngộ bởi huấn quyền thông thường vì các giám mục tương lai rất có thể không còn nhất trí giảng dạy học lý ấy nữa.

(191) Xem Anthony J. Bevilacqua, “The History of the Indissolubility of Marriage,” Proceedings of the Catholic Theological Society of America 22 (1967) 253–308.

[192] Thí dụ, nên xem khảo luận đồ sộ cả về tính bất khả tiêu tuyệt đối của “matrimonium fidelium consummatum” (hôn nhân hoàn hợp của tín hữu) lẫn về các luận bác chống lại Thệ Phản của Đức HY Robert Bellarmine “De sacramento matrimonii” in Opera Omnia , vol. 3, Disputationum Roberti Bellarmini de controversiis . . . (Naples: Josephus Giuliano, 1858) 809–23.

[193] Muốn coi lời tái khẳng định của Vatican II, xin xem các ghi chú 40-53 trên đây, nhất là ghi chú 44 và bản văn đính kèm.

[194] Catechismus Romanus seu Catechismus ex decreto Concilii Tridentini ad Parochos (Vatican City: Libreria Editrice Vaticana, 1989) 907–12, các số 416–25.

[195] Cả bộ giáo luật năm 1917 (xem điều 1118) lẫn bộ giáo luật năm 1983 (xem điều 1141) đều có chương nói về việc vợ chồng ly thân và đều có khoản nói về việc tiêu hủy dây hôn phối khi khẳng định rằng chỉ có sự chết mới tiêu hủy được một cuộc hôn nhân thành hiệu và hoàn hợp.

[196] Tuy nhiên, chỉ có sự xác định long trọng sự thật này: không có bất cứ sự gì, ngoài sự chết, có thể chấm dứt một cuộc hôn nhân giao ước và đã hoàn hợp, chỉ có sự thật này mới hy vọng vượt qua được sự chia rẽ hiện nay giữa các học giả và giáo sĩ Công Giáo. Trong khi chờ đợi một quyết nghị như thế, sự chia rẽ vẫn sẽ còn tiếp tục mang tới tai hại lớn lao cho tín hữu Kitô, điều mà các nghị phụ của Trent đã tìm cách ngăn cản một cách đầy khôn ngoan và xót thương.

[197] RG cám ơn các độc giả được chủ bút tờ Theological Studies cũng như Christian Brugger, Cormac Burke, John Finnis, James Keating, William May, và Russell Shaw chọn để nhận xét về bài báo này.