Friday, 24 January 2020 01:30

Còn Chăng Nỗi Khát Khao Ơn Tha Thứ Và Chữa Lành? Featured

Mary Nguyễn Hòa

Hội Dòng Mến Thánh Giá - Qui Nhơn

 

"Bí tích Hòa Giải là phương thức hiệu quả nhất để qua đó lòng thương xót của Thiên Chúa đến với thân phận người tội lỗi. Ngang qua Bí tích Hòa Giải, tội nhân thực sự được giao hòa với Thiên Chúa và Hội Thánh".

***

 

Con người luôn mang trong mình thân phận tội lỗi vì những yếu đuối và bất toàn, hơn nữa xu hướng sa ngã ngày càng trở nên dễ dàng hơn giữa một thế giới đầy những cám dỗ luôn hấp dẫn và mời mọc, cuốn hút con người sa vào. Tệ hại hơn, người ta cứ sa vào tội lỗi nhưng không ý thức mà nhận ra con đường tội lỗi để quay trở về hoán cải, không còn biết khao khát và tìm kiếm sự tha thứ và chữa lành nơi Bí tích Hòa Giải.

Hằng này chúng ta thấy nhan nhản trên báo chí, truyền thanh, truyền hình, các trang mạng,… con người làm bao điều tự bản chất sai trái, vô luân, phi nhân như gian dối, lừa lọc, giết người, cờ bạc, phá thai, nô lệ tình dục mà ngày xưa hiếm khi thấy. Người ta có thể ra tay sát hại đồng loại, thậm chí sát hại cả ông bà, cha mẹ, ân nhân, người yêu, bạn bè, đồng nghiệp,... như giết con gà, con vịt.

Con người ngày nay đang mất dần cảm thức về tội, đơn giản hóa tội lỗi của mình, coi thường hay không muốn đến với Bí tích Hòa Giải nữa. Dần dần, lương tâm không còn độ nhạy bén để nhận ra những lỗi lầm mình phạm đến Chúa và tha nhân để hòa giải và tìm bình an nội tâm. Một chút bình tâm, ta tự hỏi: liệu con người ngày nay có còn khao khát kiếm tìm sự tha thứ và ơn chữa lành của lòng Chúa thương xót ngang qua Bí tích Hòa Giải nữa chăng?

I. TỘI LỖI VÀ ƠN THA THỨ TRONG KINH THÁNH

1. Trong Cựu Ước

Ý niệm về tội lỗi xuất hiện trong nhiều tôn giáo, tín ngưỡng cũng như trong nhiều nền văn hóa và xã hội với những ý nghĩa khác nhau. Trong Kinh thánh, ta thấy ý niệm về tội một mặt vừa phản ánh tư tưởng bình dân giống như bao tôn giáo và tín ngưỡng khác; mặt khác lại nêu bật mối tương quan với Giao ước giữa Thiên Chúa và dân được tuyển chọn. Tựu trung, dân phạm tội hay phản lại Giao Ước khi không đi đúng đường hướng của Thiên Chúa; đó cũng có thể là một lối sống quanh co, lệch lạc; hay là nổi loạn chống lại Đức Chúa.[1]

Tội lỗi làm con người xa lìa Tình yêu Thiên Chúa và hậu quả là phải chết. Nhưng tình thương của Thiên Chúa vượt lên trên mọi mức độ của tội lỗi và không ai có thể đặt ra những giới hạn cho Tình yêu tha thứ của Ngài. Ngài không bỏ mặc con người trong án phạt trầm luân của tội lỗi nhưng ngược lại cứu họ khỏi tội và sự chết qua việc hứa ban Đấng Cứu Thế. Thiên Chúa đã chuẩn bị dân Israel là dân riêng và Ngài trực tiếp dạy dỗ họ qua các vị tổ phụ, các bậc thủ lãnh, ngôn sứ. Ngài hết mực yêu thương, bảo vệ và chiến đấu giúp họ chống lại các thế lực lân bang đang tìm cách triệt hạ họ với những chiến công hiển hách khiến dân Israel phải ghi lòng tạc dạ. Qua Giao ước mà Thiên Chúa ký kết với dân, họ phản bội và Thiên Chúa trừng phạt bằng cách này hay cách khác, dân tỏ lòng sám hối ăn năn. Thiên Chúa tỏ lòng nhân hậu, xót thương và ra tay cứu giúp, dẫn đưa họ trở về con đường hạnh phúc.

Lịch sử Dân Riêng diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa, bao hàm sự hiện diện hữu hình của tình yêu, nghĩa là trung thành, cho đi cách nhưng không và thứ tha, không mặc cả, không so đo, tính toán. Ngài luôn hiện diện trong lịch sử nhân loại với tư cách là Đấng Gần Gũi, Đấng Chăm Lo, Đấng Cứu Độ và Đấng Xót Thương. Một minh chứng thật đẹp về tình yêu của Thiên Chúa, vốn được tiên tri Hôsê ví như tình yêu người cha dành cho đứa con của mình:

“Thuở Israel còn là đứa trẻ, Ta đã yêu nó, và từ Aicập, Ta đã gọi con Ta về. Nhưng Ta càng gọi chúng, chúng càng lìa xa Ta… Chính Ta, Ta đã tập đi cho Ephraim, đã đỡ cánh tay nó, nhưng chúng không hiểu là Ta chữa lành chúng. Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má; Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn” (Hs 11,1-4).

Tội lỗi và việc tha thứ không thể chỉ giới hạn một điều sai trái, vi phạm một kỷ luật,… nhưng tội lỗi còn được đặt trong mối tương quan với Thiên Chúa. Một khi mối tương quan này gãy đổ thì con người trở nên vong thân; do đó cần phải nhanh chóng đi đến cuộc hòa giải để nối lại mối tương quan. Nhờ việc hòa giải mà chúng ta khám phá ra tình thương của Thiên Chúa, và được tình thương đó chữa lành. Tiên tri Isaia diễn tả tình thương đó rất cụ thể: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49,15).

“Nhẫn nại và hay thương xót” là hai phẩm tính thường thấy trong Cựu Ước để diễn tả bản tính của Thiên Chúa, vượt lên trên sự trừng phạt và hủy diệt. Các Thánh vịnh chứng thực những dấu chỉ cụ thể về Lòng thương xót:

"Chúa giải phóng các tù nhân,

Chúa mở mắt cho người mù lòa,

Chúa nâng dậy người ngã xuống,

Chúa yêu chuộng người công chính,

Chúa phù trợ khách ngoại kiều,

Người nâng đỡ kẻ mồ côi và góa bụa,

nhưng phá vỡ mưu đồ bọn ác nhân" (Tv 146,7-9).

Lòng Thương xót của Thiên Chúa không phải là một ý tưởng trừu tượng, nhưng là một thực tại cụ thể, nhờ đó, Ngài mặc khải Tình Yêu của Ngài như Tình Yêu của một người cha và của một người mẹ mà con cái nằm sâu trong con tim của họ. Đó thực sự là một Tình yêu mãnh liệt. Tình Yêu ấy đến từ tận nơi kín nhất và thẳm sâu, nhưng tất nhiên là được thúc đẩy bởi sự trìu mến và bởi sự cảm thông, bởi lòng khoan nhân và sự tha thứ. Qua hình ảnh Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế được Thiên Chúa gởi đến, thời kỳ chuẩn bị của Cựu Ước đã khép lại, và thời Tân Ước đã mở ra. Người đã chịu khổ hình, bị đóng đinh và chết, hy sinh mạng sống để giao hòa thế gian với Chúa Cha. Người chết để cứu con người khỏi phải chết, và mang lại cho con người niềm hy vọng vào sự sống vĩnh cửu.

2. Trong Tân Ước

Điểm độc sáng trong Tân Ước là con người được loan báo ơn giải thoát khỏi tội lỗi và bản chất của tội lỗi được nhìn dưới ánh sáng lòng bao dung tha thứ của Thiên Chúa. Điều mới mẻ trong quan niệm về tội lỗi thời Tân Ước là đặt tội của con người ở trong bối cảnh của Giao ước tình yêu, và đặt việc sám hối trong bối cảnh của việc mặc khải kế hoạch hòa giải của Thiên Chúa trong Đức Kitô.[2] Con người đã phạm tội, đã bị tước mất vinh quang Thiên Chúa. Thế nhưng, bằng lời nói và hành động, Đức Giêsu bày tỏ hình ảnh của Thiên Chúa như là Cha, là lương y đi tìm tội nhân để chữa lành và tha thứ cho họ. Lòng thương xót của Thiên Chúa thể hiện khi Ngài cúi xuống trên nỗi khốn khổ của con người và bày tỏ lòng từ bi của Ngài cho những ai cần đến sự cảm thông, chữa lành và tha thứ.

Thật vậy, chính Ngài là lòng thương xót mà thánh Luca cho chúng ta gặp thấy qua ba dụ ngôn về lòng thương xót: con chiên bị mất, đồng bạc bị mất, và dụ ngôn về người con hoang đàng. Lòng thương xót của Ngài không dừng lại ở giá trị công bằng hay tính toán thiệt hơn, nhưng là niềm vui của việc tìm lại những gì đã thất lạc, đánh mất. Nơi đây, niềm vui của Thiên Chúa đánh động, niềm vui mà Thiên Chúa cảm nhận được khi Ngài tìm được và tha thứ cho một tội nhân. Mỗi chúng ta là con chiên lạc, là đồng tiền bị đánh mất, là người con đánh đổi tự do chân chính của mình bằng những ảo tưởng về hạnh phúc và giả tạo. Thiên Chúa luôn nhẫn nại chờ đợi chúng ta, tôn trọng tự do và sự lựa chọn của chúng ta. Và khi chúng ta trở về, Ngài luôn chào đón chúng ta như những đứa con khác, vì Ngài không bao giờ ngừng một giây phút nào mà không chờ mong chúng ta với tất cả tình yêu. Ngài luôn tìm kiếm chúng ta và lòng Ngài vui mừng khi thấy chúng ta trở về, sự vui mừng được diễn tả bằng hình ảnh xúc động của người tìm được chiên lạc “Có một người kia đi tìm con chiên lạc, và khi tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai” (Lc 15,5).

Thiên Chúa không xét đoán tội con người nặng đến đâu và cũng không lên án người phạm tội không phải vì ngài đồng tình với người có tội, nhưng Ngài cảm thông cho giới hạn, yếu đuối và bất toàn của con người và luôn mở rộng lòng đón nhận, tha thứ khi con người đã thật sự hoán cải quay về với đường ngay nẻo chính. Thái độ của Chúa Giêsu với người phụ nữ ngoại tình là một bài học nêu gương cho chúng ta trong tương quan đối xử với anh chị em xung quanh: “Tôi không lên án chị đâu, thôi chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11); cũng ánh mắt yêu thương ấy của Chúa đã cứu Giakêu và Matthew khỏi vòng nô lệ bạc tiền, đã giúp người đàn bà ngoại tình và Magdalena không còn kiếm tìm hạnh phúc nơi thụ tạo, đã khiến Phêrô khóc lóc vì trót phản bội Chúa và đã hứa Thiên Đàng cho người trộm cướp có lòng ăn năn.[3]

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cảm nhận sâu xa lòng thương xót của Thiên Chúa nơi Bí tích Hòa Giải, và ngài đã chia sẻ trong ngày Giới trẻ thế giới tại Ba Lan rằng:

“Khi cha mười bảy tuổi, lòng thương xót Chúa đã xảy ra vào một ngày khi cha đi ra ngoài với vài người bạn, cha quyết định dừng lại để vào nhà thờ trước đã. Cha gặp một linh mục, người đã gợi cho cha niềm tin tưởng lớn lao, và cha thấy ước mong mở lòng mình trong Bí tích Hòa Giải. Lần gặp gỡ đó đã thay đổi đời cha! Cha khám phá ra rằng khi chúng ta mở lòng mình với lòng khiêm tốn và trong sáng, chúng ta có thể chiêm ngưỡng lòng thương xót của Chúa trong một cách thức rất cụ thể. Cha chắc chắn rằng trong con người của vị linh mục đó, Thiên Chúa đã sẵn sàng chờ đợi cha từ trước khi cha bước vào nhà thờ đó. Chúng ta tiếp tục kiếm tìm Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa vẫn ở đó trước chúng ta, Ngài luôn đi tìm chúng ta, và Ngài thấy chúng ta trước. Có lẽ một trong chúng con cảm thấy điều gì đó nặng nề nơi cõi lòng của chúng con. Chúng con đang nghĩ: Tôi đã làm điều này, tôi đã làm điều kia… Đừng sợ! Thiên Chúa đang chờ đợi chúng con! Thiên Chúa là Cha, và Ngài luôn chờ đợi chúng ta! Thật tuyệt vời biết bao khi cảm nhận được cái ôm đầy lòng thương xót của người Cha trong Bí tích Hòa Giải, để khám phá ra rằng tòa giải tội là nơi của lòng thương xót, và để cho chính chúng ta được chạm đến bởi tình yêu xót thương của Thiên Chúa, là Đấng hằng tha thứ cho chúng ta”!.[4]

Mang thân phận con người yếu đuối, cám dỗ luôn là mối nguy rình rập chúng ta như “sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1Pr 5,8). Do đó mỗi người cần thức tỉnh để có thể đương đầu với những khó khăn, thử thách này và không ngừng sám hối, canh tân đời sống. Trước khi cử hành thánh lễ, trong nghi thức thống hối, Giáo Hội không ngừng mời gọi con cái mình ý thức, bén nhạy và huấn luyện lương tâm khỏi chai lỳ trong tội lỗi, cũng như cậy trông vào Lòng Thương xót và tha thứ của Thiên Chúa mà hướng đến cuộc hoán cải và canh tân triệt để. Nói cho cùng, tự sức con người không thể vượt qua những thử thách và khó khăn này nếu không cậy trông vào lòng thương xót của Chúa trợ lực.

Thiên Chúa luôn sẵn lòng ban ơn nâng đỡ dù tội lỗi con người có nặng nề đến đâu đi nữa, nếu biết tin tưởng và chạy đến nài xin Ngài tha thứ, thì Chúa sẽ cho ta lấy lại tình thương của Ngài bởi “Ngài là Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (x. Xh 34,6). Ngài luôn chê ghét tội lỗi nhưng lại yêu thương, cảm thông và tha thứ cho các tội nhân. Tình thương của Ngài còn lớn gấp nhiều lần tội lỗi con người. Thiên Chúa đã sáng kiến để thể hiện Lòng thương xót của Ngài cách cụ thể và sống động nơi Bí tích Hòa Giải. Bí tích này bắt nguồn từ nhiệm cuộc cứu độ của Thiên Chúa trải qua dòng lịch sử cứu độ,[5] được thực hiện trong chính cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô. Chính vào đêm Vượt Qua, nơi các môn đệ ở các cửa đều đóng kín, Đức Giêsu đến đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho các con”. Người thổi hơi và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,21-23).

Khi thiết lập Năm Thánh Lòng Thương Xót, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã có ý muốn cho con cái mình suy niệm sâu xa về tình thương bao la vô vị lợi của Thiên Chúa thể hiện nơi Chúa Kitô: “Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. Đó là một Đức Giêsu Kitô, Đấng đã tự hiến làm giá chuộc cho muôn người” (1Tm 2,5-6), và cũng là cơ hội quý giá cho mọi tín hữu nhớ đến lòng thương xót bao la của Thiên Chúa để thêm quyết tâm sống cho phù hợp với lòng thương xót đó. Cách cụ thể với những ai đang sống thờ ơ hay cách xa lòng thương xót Chúa, đều được mời gọi chạy đến với lòng thương xót và lãnh nhận lòng thương xót này qua Bí tích Hòa Giải. Lòng thương xót của Thiên Chúa không bao giờ làm cho con người đánh mất giá trị của cuộc sống cũng như đánh mất phẩm giá cao quý làm người dù họ đầy tội lỗi và lầm lỡ. Ngài muốn thụ tạo giống hình ảnh Ngài luôn sống trong hạnh phúc, và niềm vui của họ cũng là niềm vui của Ngài: “Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống” (Ed 33,11).

II. TÁI KHÁM PHÁ DUNG MẠO LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA NƠI BÍ TÍCH HÒA GIẢI

A. Tầm quan trọng và nhu cầu khẩn thiết của Bí tích Hòa Giải

Tình thương của Thiên Chúa vẫn theo con người trong suốt hành trình trần thế, tội lỗi làm vong thân và làm mờ hình ảnh Thiên Chúa thánh thiện nơi con người thì Lòng nhân hậu và khoan dung của Thiên Chúa đang tái lập lại mối hiệp thông con người với Thiên Chúa trong ân nghĩa cứu độ. Khi con người mang lấy tội lỗi nơi mình là làm rạn nứt mối tương quan tình yêu với Thiên Chúa và cần hòa giải với Ngài nơi Bí tích Hòa Giải.

Bí tích Hòa Giải (Reconciliation) là một trong các bí tích ban ơn cứu độ rất quan trọng và cần thiết mà Chúa Kitô đã trao cho các Tông đồ trước tiên và cho Giáo Hội ngày nay cử hành để ban ơn tha thứ của Chúa cho các hối nhân còn tin tưởng nơi lòng thương xót tha thứ của Chúa. Hội Thánh có nhiều hình thức khác nhau nhằm giúp các tội nhân ăn năn tội lỗi của mình như: nghi thức sám hối trong Thánh lễ, các cuộc hành hương, các việc làm bác ái, ăn chay hãm mình… Tuy nhiên, “không có hành vi nào có ý nghĩa hơn, có hiệu quả thần linh hay cao quý hơn, và đồng thời xét như là nghi thức, lại gần tầm tay cho bằng Bí tích Hòa Giải”.[6]

Bí tích Hòa Giải là phương thức hiệu quả nhất để qua đó lòng thương xót của Thiên Chúa đến với thân phận người tội lỗi. Ngang qua Bí tích Hòa Giải, tội nhân thực sự được giao hòa với Thiên Chúa và Hội Thánh:

“Nhờ sự chết và sự Phục sinh của Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của Ngài, tình yêu xóa bỏ tội lỗi của con người. Việc giao hòa với Thiên Chúa trở nên khả thi nhờ mầu nhiệm Vượt Qua và trung gian của Giáo Hội. Thiên Chúa luôn sẵn sàng trong việc tha thứ, và không bao giờ trở nên mệt mỏi trong việc thương xót với những cách thức mới mẻ và bất ngờ”.[7]

Hơn nữa, việc nhận lãnh Bí tích Hòa Giải nhắc nhở chúng ta rằng chỉ khi nào chúng ta được hòa giải với Chúa Cha trong Đức Giêsu Kitô và với anh chị em mình, thì chúng ta mới thực sự được bình an. Chúng ta chỉ có thể cảm nhận được điều này trong tâm hồn khi chúng ta đi xưng tội với gánh nặng đè trên tâm hồn, chúng ta sẽ nhận được bình an do chính Chúa Giêsu ban cho.

Lòng thương xót được xuất phát từ Thiên Chúa là nguồn mạch và là Cha của Lòng Thương xót. Điều này được thể hiện một cách mãnh liệt và rõ ràng nơi lời tha tội trong Bí tích Hòa Giải: “Thiên Chúa là Cha hay thương xót, đã nhờ sự chết và sống lại của Con Chúa mà giao hòa thế gian với Chúa. Và đã ban Thánh Thần để tha tội, xin Chúa dùng tác vụ của Hội Thánh mà ban cho con ơn tha thứ và bình an”.[8] Thật vậy, sau khi từ cõi chết sống lại và hiện ra với các Tông Đồ, Chúa Kitô đã nói với các ông như sau: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,23). Và trước khi chịu khổ nạn, Ngài cũng trao quyền tha tội cho thánh Phêrô: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 20,19).

Quả vậy, những ai đến với Bí tích Hòa Giải thì nhận được sự tha thứ từ lòng thương xót của Thiên Chúa đối với những xúc phạm đến Ngài, đồng thời họ được hòa giải với Giáo Hội mà họ đã làm tổn thương do những tội của mình. Chúa ban Bí tích Hòa Giải vì Ngài biết con người vốn thân phận yếu đuối và dễ nghiêng chiều về sự dữ vốn đã bị băng hoại vì Tội Nguyên Tổ, thêm vào đó là ý muốn tự do mà Thiên Chúa đã phú ban cho con người để họ sử dụng thế nào cho phù hợp với Thánh Ý Ngài. Một khi con người đã phạm tội thì phải hối cải, Ngài sẵn sàng tha tội. Thiên Chúa là Đấng Chí Thánh không thể dung nạp hay chấp nhận tội lỗi và Ngài cũng đòi buộc con người phải xưng thú tội lỗi đó và làm việc đền bù xứng đáng. Như sách Lêvi đã viết:

“Vậy khi ai mắc lỗi về một trong những điều trên, thì nó phải xưng thú tội mình đã phạm, rồi phải đưa đến dâng Đức Chúa lễ vật đền tội vì đã phạm tội, là một con chiên cái hay một con dê cái làm lễ tạ tội, và tư tế sẽ cử hành lễ xá tội cho nó khỏi tội” (Lv 5,5-6).

Trong thời đại phát triển chủ nghĩa tương đối và mất dần ý thức về bản thân, người ta càng ít đến với Tòa cáo giải như chính Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã nhận định:

“Chúng ta đang sống trong một thế giới bị chi phối bởi não trạng duy hưởng thụ và duy tương đối muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi chân trời cuộc sống và không cổ võ những giá trị có thể giúp con người phân biệt được điều ngay lẽ trái, đồng thời cũng đánh mất ý thức về tội lỗi. Do đó, cần phải hơn bao giờ hết nêu bật sự cần thiết và tầm quan trọng của Bí tích Giải tội là Bí tích giúp con người cảm nghiệm được lòng thương xót của Chúa.[9]

Bởi đó, Hội Thánh mang sứ mạng phục vụ công cuộc hòa giải mà Thiên Chúa đã thực hiện trong Đức Kitô qua Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người. Chính khi loan báo Mầu nhiệm hòa giải của Thiên Chúa, Hội Thánh cũng loan báo những hậu quả khốc hại của tội lỗi. Tội lỗi gây ra sự chia rẽ bất hòa giữa con người với Thiên Chúa, với chính mình, với tha nhân và với vũ trụ.[10] Dẫu vậy, Thiên Chúa là Cha không ngừng yêu thương đứa con lầm lạc, sẵn sàng chạy ra “ôm cổ anh ta mà hôn lấy hôn để” (Lc 15,20) khi thấy anh ta trở về nhà. Qua Bí tích Hòa Giải, Giáo Hội loan báo cho các tội nhân lời yêu thương, sứ điệp hòa giải và ban ơn tha tội. Sứ điệp này đánh động và thay đổi chiều sâu tâm hồn của họ; giúp họ gặp gỡ Thiên Chúa là Đấng hướng dẫn, củng cố Đức tin và niềm hy vọng vào Lòng xót thương của Người. Chính Thiên Chúa thúc đẩy tội nhân bày tỏ lòng hoán cải và khao khát được giao hòa qua việc xin lãnh nhận Bí tích. Qua dấu chỉ Bí tích, Thiên Chúa ban cho hối nhân ơn hòa giải trọn vẹn, chấp nhận cho họ trở về sống thân mật với Người, nhờ hiệp thông với Đức Kitô và Giáo Hội.

Hối nhân chỉ có thể gặp gỡ được Thiên Chúa nơi Đức Kitô tử nạn và Phục Sinh. Nơi Thập Giá Đức Kitô, ơn giao hòa của Thiên Chúa được ban cho nhân loại một lần duy nhất. Bởi thế, mỗi khi cử hành Bí tích nói chung và cách riêng Bí tích Giao Hòa, là Hội Thánh cử hành cuộc Vượt Qua của Đức Kitô, nhờ đó con người đón nhận được ơn tha thứ, được ban cho sự sống mới.[11] Thế nhưng, đứng trước ân huệ cao quý này, không phải con người lúc nào cũng cảm được, không ít lần con người đã xao lãng ân sủng Chúa qua Bí tích bằng những thái độ thờ ơ, lạnh nhạt.

B. Nguyên nhân khiến người ta xao lãng với Bí tích Hòa Giải

Cùng với những phát triển của xã hội, văn hóa, việc nhận thức của con người cũng dần phát triển theo. Thế nhưng, nguyên nhân nào khiến người ta giảm sút niềm tin và lại rời xa Bí tích Hòa Giải đáng lo ngại đến thế?

1. Nguyên nhân ngoại tại

a/. Ảnh hưởng của khoa học nhân bản và môi trường sống

Các ngành khoa học nhân bản như xã hội học, tâm lý hay phân tâm học với cái nhìn phiến diện cho rằng con người đã bị điều kiện hóa bởi bản năng hay môi trường xã hội nên không còn tự do để chịu trách nhiệm về những quyết định và hành động của mình. Nếu không có tự do thì cũng không có trách nhiệm và làm sao có tội lỗi được. Hơn nữa, sự ảnh hưởng của truyền thông xã hội cũng như khuynh hướng luân lý số đông về những vấn đề như công bằng, sự sống, tính dục,… người ta đưa ra những lập luận giả tạo để biện minh cũng như phủ nhận những sai phạm của mình.

b/. Ngại ngùng khi đi xưng tội

Có nhiều lý do khiến các hối nhân ngại ngùng khi đến xưng tội có thể vì phải xưng tội với các linh mục đã quen thuộc, cũng xưng với bấy nhiêu tội ấy đâm ra đơn điệu, nhàm chán. Cũng có thể họ là những người đã bỏ không đi nhà thờ trong nhiều năm cũng như đã không xưng tội quá lâu, thậm chí không nhớ các điều quan trọng cơ bản về cách xưng tội, có thể việc thiếu sót về vốn liếng giáo lý, do mất quan niệm về tội lỗi, do tự ái, hổ thẹn không muốn tiết lộ tội lỗi của mình với người khác khiến họ không muốn đi xưng tội nữa.

Bên cạnh đó, về phía các thừa tác viên Bí tích Hòa Giải là các linh mục, cũng một số ít linh mục không quan tâm đến việc ngồi Tòa Giải tội và không sẵn sàng đón nhận những người xin xưng tội, coi việc ngồi Tòa Giải tội là một gánh nặng hoặc lạm dụng Bí tích Hòa Giải bằng cách “giải tội chung hay tập thể”, đặc biệt ít lo quan tâm giúp cho người Giáo dân được học hỏi Giáo lý và Bí tích quan trọng này để có được lương tâm nhạy bén trước tội lỗi của mình. Dần dần, khiến người giáo dân rơi vào thái độ coi thường Bí tích Hòa Giải và bỏ hẳn việc xưng tội cá nhân.

c/. Nghi ngờ quyền tha tội của linh mục

Có lẽ có người trong chúng ta cũng thắc mắc tại sao tôi phải xưng tội với một linh mục mà không xưng trực tiếp với Chúa. Các linh mục cũng chỉ là những con người yếu đuối như tôi, việc gì phải xưng tội với các ngài? Những tư tưởng này phát xuất từ việc kém am hiểu về Giáo lý cùng với sự tác động mạnh mẽ các ý thức hệ và tư tưởng vô thần, dễ dàng lung lay trước các vấn đề trên.

Như chúng ta đã biết Chúa Giêsu ban Chúa Thánh Thần cùng ban quyền cho các Tông Đồ để các Ngài thay Người mà tha tội. “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ” ( Ga 20,23). Và trước khi chịu khổ nạn, Ngài cũng trao quyền tha tội cho thánh Phêrô: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 20,19). Giáo Hội nhận năng quyền từ Thánh Phêrô (Tông Đồ trưởng) và trao lại cho các Giám mục là những người kế vị các Tông Đồ, các Giám mục chia sẻ năng quyền này cho các linh mục là những cộng sự viên của các ngài.

2. Nguyên nhân nội tại

a/. Con người đánh mất cảm thức về tội

Trong cuộc sống hằng ngày, con người sợ nhiều thứ: sợ ô nhiễm môi sinh, sợ chiến tranh hạt nhân, sợ khủng bố, sợ bệnh tật, sợ thiên thạch va chạm trái đất, sợ tai nạn, thiên tai, lũ lụt,… nhưng có lẽ người ta ít sợ tội. Không ít người đặc biệt nơi giới trẻ do lối sống thiếu ý thức, sống buông thả, đua đòi, thậm chí muốn khẳng định mình, họ lợi dụng tự do để làm những chuyện trái với lương tâm mà không quan tâm đến hậu quả của việc mình làm. Mặc khác, dường như cảm thức về tội cũng bị đánh mất nên họ chẳng biết phân biệt đâu là đúng, đâu là sai, có khi nại vào quyền tự do lương tâm để làm những gì mình cho là đúng. Điều chúng ta cần ghi nhận là càng ngày ý thức con người về tội lỗi ngày càng giảm sút. Những điều mà trong quá khứ được cho là tội, chúng ta đang vất bỏ dần quan niệm đó. Đức Giáo Hoàng Piô XII đã rất chí lý khi nhận định: “Tội lớn nhất của thời đại hôm nay là đánh mất cảm thức về tội”. Một khi đánh mất cảm thức về tội, người ta phạm tội mà không cho là mình phạm tội, tìm đủ mọi lý do để hợp thức hóa hành động phạm tội của mình.

Người ta không còn cảm thấy xấu hổ với những gì đi ngược với đạo lý luân thường, chai lỳ với tội lỗi và bình thường hóa với các giá trị nhân bản, đạo đức tâm linh. Sức đề kháng với những đam mê, tội lỗi đã bị triệt tiêu. Ý thức luân lý của con người đã trở nên vẩn đục cách nghiêm trọng. Phải chăng con người thời nay đang bị đe dọa vì lương tâm đã xuống dốc, bị biến dạng, bị tê liệt?

Họ cướp bóc, đánh nhau, giết nhau chỉ vì một lý do vớ vẩn, vu vơ. Họ ra tay giết nhau khi đối tượng kia chính là người thân, người yêu, đồng nghiệp, đồng môn. Một Nguyễn Đức Nghĩa ẩn đằng sau cặp kính tưởng như tri thức ấy lại là một kẻ nhẫn tâm tàn bạo, cắt cổ người tình rồi chặt xác phi tang. Một Lê Văn Luyện vì lòng tham xông vào tiệm vàng Ngọc Bích tại Bắc Giang, dùng hung khí giết chết cả gia đình, vơ vét vàng bạc tẩu thoát. phi tang hiện vật, phủi tay coi như không vấy máu. Khi bị bắt, y vẫn thản nhiên, không rõ có tỏ ra chút ăn năn hối lỗi nào. Một Nguyễn Hải Dương đã gây nên vụ thảm sát 6 người trong gia đình ở Chơn Thành, Bình Phước thật sự đã dấy lên không khí đau thương, bàng hoàng trong xã hội. Bên cạnh đó, cùng với nền kinh tế thị trường, vì lợi nhuận mà con người thi nhau làm những điều sai trái, phi nhân như: làm hàng giả, hàng kém chất lượng, gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng, lường gạt, trộm cướp, giết người, buôn bán ma túy, phá hoại môi sinh.

Sự mất cảm thức về tội là một hình thức hoặc hậu quả của sự phủ nhận Thiên Chúa, không chỉ dưới hình thức chủ nghĩa vô thần, nhưng còn dưới hình thức trào lưu tục hóa. Trong tình trạng đó, việc che mờ hay suy giảm cảm thức về tội phát sinh từ nhiều nguồn: từ chỗ loại bỏ hết mọi qui chiếu về Đấng Siêu Việt, nhân danh khát vọng của cá nhân muốn dành độc lập cho nhân vị, từ sự chấp nhận những khuôn mẫu đạo đức bị áp đặt bởi dư luận và lối sống quần chúng, cho dù bị kết án bởi lương tâm cá nhân; từ những điều kiện bi đát của xã hội và kinh tế đang đè bẹp một phần lớn nhân loại, gây nên khuynh hướng chỉ nhìn thấy các sai sót và lỗi lầm nơi bối cảnh xã hội. Ví dụ: một số người đã thay thế những thái độ phóng đại của quá khứ bằng những lối phóng đại khác: từ chỗ nhình thấy tội ở khắp nơi, họ đi tới chỗ không thấy tội ở nơi nào hết; từ chỗ nhấn mạnh quá đáng về sự sợ hãi án phạt đời đời, tới chỗ rao giảng về một tình yêu Thiên Chúa khai trừ hết mọi hình phạt xứng đáng với tội; từ chỗ khắc nghiệt khi cố gắng sửa chữa lương tâm sai lầm, với việc tôn trọng lương tâm mà không dám nói lên sự thực.[12]

b/. Không cảm nghiệm được Tình yêu Chúa nơi Bí tích Hòa Giải

Không ít khi chúng ta cứ mãi suy nghĩ đến tội lỗi chúng ta xúc phạm đến Chúa, lo sợ trước sức mạnh lan tràn của sự dữ, mà mất lòng cậy trông vào tình thương của Chúa trước. Trong khi đó, Chúa Giêsu dạy: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác. Hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hỏa ngục” (Lc 12,4-5).

Đặc biệt giới trẻ ngày nay còn cho rằng những tội mình phạm rồi lại đi xưng tội, xưng tội rồi lại phạm thì đi xưng tội làm gì. Tội lỗi thì ai trong chúng ta cũng đều mắc phải, không ai dám nói mình là người không có tội nhưng điều quan trọng là đằng sau những vấp ngã và tội lỗi ấy, chúng ta có thật sự dám can đảm đối diện với sự thật, với con người thật của mình để thật sự ăn năn, hối cải và cậy trông vào lòng thương xót của Chúa không? Hãy nhìn vào hình ảnh của Phêrô và Giuđa, một người chối Chúa và một người bán Chúa. Xem ra chưa có thể chắc chắn khẳng định tội ai nặng hơn hay nhẹ hơn nhưng kết cục thì một Phêrô hối hận và biết tín thác vào Lòng thương xót của Thầy mình, còn một Giuđa hối hận trong niềm tuyệt vọng vì đánh mất Lòng thương xót nơi Chúa.

Quả thật, nếu Thiên Chúa không là Đấng Giàu Lòng Xót Thương thì con người đừng hòng nói đến việc sẽ được cứu! Thế nhưng, cho dù tội lỗi con người nặng nề đến mức nào, thì nơi Thiên Chúa, tình yêu và lòng thương xót chan hòa, tình thương của Ngài vượt xa tội lỗi chúng ta, tình yêu đó dành cho chúng ta ngay cả khi chúng ta là những tội nhân như thánh Phaolô đã viết trong thơ gửi tín hữu Rôma: “Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Ngài đối với chúng ta, là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta” (Rm 5,8). Vì thế, hãy tin tưởng Chúa sẽ tha cho ta mọi tội lỗi miễn là ta thành tâm đến và xưng thú lỗi lầm cùng có quyết tâm ăn năn hoán cải vì xúc phạm đến Ngài và thật lòng canh tân.

III. SỐNG BÍ TÍCH HÒA GIẢI NHƯ PHƯƠNG TIỆN GIÁO DỤC VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT

Trên bình diện thiêng liêng, người tín hữu được mời gọi hãy siêng năng đến với Bí tích Hòa Giải như phương tiện để giáo dục Lòng thương xót trong tâm tình ca tụng và cảm tạ tình thương, tha thứ vô biên của Chúa và cũng để nói lên quyết tâm cải thiện đời sống thiêng liêng bằng cố gắng chừa bỏ mọi tội lỗi. Để sống trọn vẹn và cảm nghiệm Lòng Chúa Thương Xót qua Bí tích Hòa Giải, thiết nghĩ cần nêu bật vai trò của các linh mục là thừa tác viên của lòng thương xót.

1. Các linh mục phải là thừa tác viên của Lòng thương xót

Đức Giáo Hoàng Benedict XVI nhấn mạnh: “Chỉ có những ai đã cảm nghiệm được sự cao cả của Bí tích xá giải mới có thể trở thành những nhà rao giảng đầy xác tín và những nhà quản lý của lòng nhân từ Chúa”; và Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Năm Thánh đặc biệt về Lòng Thương Xót, đã nhắc nhở các linh mục như sau: “Tôi nhắc lại với các linh mục rằng, tòa giải tội không phải là phòng tra tấn nhưng là nơi dành cho lòng thương xót của Chúa là điều khích lệ chúng ta làm điều lành càng nhiều càng tốt”.[13]

Tôi sẽ không bao giờ mệt mỏi nhấn mạnh rằng các cha giải tội là dấu chỉ xác thực cho lòng thương xót của Chúa Cha. Chúng ta không tự động trở thành những cha giải tội tốt. Chúng ta chỉ trở thành cha giải tội tốt khi trên tất cả mọi sự, chúng ta để cho mình thành những hối nhân tìm kiếm lòng thương xót của Ngài. Chúng ta không bao giờ được quên rằng là cha giải tội nghĩa là dự phần vào chính sứ mệnh của Chúa Giêsu để trở nên một dấu chỉ cụ thể cho sự bất biến của tình yêu tha thứ và cứu rỗi của Thiên Chúa. Các linh mục chúng ta đã nhận được ân sủng của Chúa Thánh Thần, để tha tội, và chúng ta chịu trách nhiệm về việc này. Không ai trong chúng ta nắm giữ quyền lực trên Bí Tích này; thay vào đó, chúng ta là những tôi tớ trung tín của lòng thương xót Chúa qua Bí Tích ấy. Mỗi cha giải tội phải đón nhận các tín hữu tương tự như người cha trong dụ ngôn người con hoang đàng: một người cha chạy ra ngoài để gặp con trai mình bất kể nó đã phung phí hết phần sản nghiệp của nó. Các cha giải tội được mời gọi để ôm người con trai ăn năn đang trở về nhà và diễn tả niềm vui được có lại người con ấy. Chúng ta cũng đừng bao giờ mệt mỏi đi ra ngoài với người con trai còn lại, là người đứng bên ngoài, không thể vui mừng nổi, để giải thích với nó là phán đoán của nó quá hà khắc, không công bằng và vô nghĩa dưới ánh sáng lòng thương xót vô biên của người cha. Cầu xin cho những cha giải tội đừng đặt ra những câu hỏi vô ích, nhưng giống như người cha trong dụ ngôn, hãy ngắt ngang bài phát biểu đã được chuẩn bị trước của người con hoang đàng; cầu xin cho các cha giải tội học được cách chấp nhận những lời kêu gọi giúp đỡ và lòng thương xót tuôn chảy từ trái tim của mỗi hối nhân. Nói tóm lại, các cha giải tội được mời gọi là một dấu chỉ về sự ưu việt luôn luôn, ở khắp mọi nơi, và trong bất kể mọi tình huống, của lòng thương xót.[14]

Và Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã không ngừng nhắc nhở các linh mục: Chúa đã muốn các thừa tác viên của Chúa cũng phải khoác lên người sự yếu đuối để biết đồng cảm với những người đang sống trong u mê và lầm lạc.[15]

Mặc khác, trước khi là thừa tác viên Lòng thương xót mỗi linh mục cũng là người biết đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa. Không ai có thể cho đi một cách nhiệt tình mà mình chỉ kinh nghiệm mong manh. Chính vì thế, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II qua Tông huấn Sám Hối và Hòa Giải, số 31, nhắc nhở các linh mục:

“Chúng ta, các linh mục khởi đi từ kinh nghiệm cá nhân mình, có thể nói cách chắc chắn rằng, càng tìm đến Bí tích Hòa Giải thường xuyên với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chúng ta càng đảm nhận tốt hơn tác vụ giải tội và bảo đảm rằng, các hối nhân sẽ hưởng được ân phúc nhiều hơn. Trái lại, tác vụ này sẽ mất nhiều hiệu năng nếu một cách nào đó, chúng ta không còn là những hối nhân thực thụ nữa”.[16]

Cử hành Bí tích Hòa Giải có nghĩa là được ôm ấp trong một vòng tay ấm áp: là vòng tay của lòng thương xót vô cùng của Chúa Cha.  Mỗi khi chúng ta xưng tội, Thiên Chúa cũng ôm chúng ta, Thiên Chúa cũng ăn mừng! Chúng ta hãy tiến bước trên con đường này.[17] Và trong Tông thư của Năm Thánh Lòng thương xót của Thiên Chúa, Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết:

“Chúng ta hãy đặt Bí tích Hòa Giải ở trung tâm một lần nữa sao cho Bí tích này giúp mọi người chạm vào sự hùng vĩ của lòng thương xót Chúa với những đôi tay của riêng họ. Với mỗi hối nhân, Bí tích này sẽ là nguồn mạch của bình an nội tâm thật sự”.[18]

Ngài cũng cho các linh mục hiểu rõ vai trò thừa tác viên của mình:

“Công việc phục vụ của các Linh mục trong sứ vụ này phát xuất từ Thiên Chúa, để tha thứ tội lỗi là một việc phục vụ rất tế nhị, hệ tại ở việc trái tim của linh mục có bình an hay không; khi trái tim của linh mục bình an, họ không đối xử tệ với các tín hữu, nhưng với lòng nhân từ, yêu thương và thương xót; họ biết gieo vào trái tim các tín hữu niềm hy vọng, và trên hết, họ hiểu rằng, anh chị em của mình đến tòa giải tội là để tìm kiếm sự tha thứ và họ làm điều đó như biết bao nhiêu người đã đến với Chúa Giêsu để được chữa lành. Vị linh mục không có tinh thần ấy thì tốt hơn không nên ban Bí tích Hòa Giải, cho đến khi vị linh mục ấy biết sửa mình… Các linh mục là những người đầy tớ của Bí tích này cần phải nhận ra rằng họ cũng cần ơn tha thứ và chữa lành, và do đó, họ phải thực hiện sứ vụ của mình trong khiêm nhường và với lòng thương xót”.[19]

Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 25.03.2011 dành cho 800 tham dự viên khóa học về Bí tích Giải tội do Tòa Ân Giải Tối Cao tổ chức từ 21.03-11.04.2011, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI nhấn mạnh giá trị sư phạm của Bí tích Giải tội đối với cha giải tội:

Đừng lơ là trong việc dành thời giờ cho việc ban Bí tích Giải tội. Chúng ta đừng quên rằng bao nhiêu cuộc hoán cải và bao nhiêu cuộc sống thánh thiện thực sự đã bắt đầu trong Tòa giải tội. Linh mục có thể chứng kiến những phép lạ đích thực về sự hoán cải, cảm nhận và chiêm ngắm lòng từ bi của Thiên Chúa. Việc nhận biết chiều sâu của tâm hồn, kể cả những khía cạnh đen tối, có thể là một thử thách Đức tin cho chính linh mục, nhưng cũng có thể nuôi dưỡng nơi linh mục xác tín rằng lời nói cuối cùng trên sự ác của con người và của lịch sử chính là của Thiên Chúa, và lòng từ bi của Ngài có thể đổi mới mọi sự. Cha giải tội có thể học được nơi các Hối nhân gương mẫu về đời sống thiêng liêng của họ: sự xét mình nghiêm túc, sự minh bạch trong việc nhận lỗi và ngoan ngoãn đối với Giáo huấn của Giáo Hội, cũng như những chỉ dẫn của cha giải tội. Qua việc giải tội, linh mục có thể nhận được những bài học sâu xa về lòng khiêm nhường và Đức tin, là lời nhắc nhở mạnh mẽ cho linh mục ý thức căn tính của mình.

2. Bổn phận của mỗi hối nhân

Mỗi hối nhân được mời gọi quay về với Lòng thương xót Chúa, hãy thay đổi đời sống mình. Phải trông cậy vững vàng vào lòng thương xót của Chúa và quyết tâm canh tân đời sống, quyết tâm đi theo Chúa Kitô “là Đường là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6) mặc dù phải đối đầu với bao khó khăn, thử thách khi sống trong thế giới tục hóa và hưởng thụ. Chính vì ảnh hưởng của trào lưu tục hóa này, mà nhiều Kitô hữu đã thờ ơ với việc sống đạo, lãnh đạm trong việc thờ phượng, cầu nguyện cũng như bình thường hóa lỗi lầm của mình. Do đó, đây là dịp thuận lợi mời gọi mọi người tín hữu chúng ta bắt chước người con đi hoang trong Tin Mừng Thánh Luca, đứng dậy và đi về nhà Cha, Ngài đang giang tay đón chờ và ôm vào lòng để tha thứ lỗi lầm của chúng ta.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô khẳng định rằng việc xét mình giúp hối nhân chân thành cứu xét cuộc sống của mình, đối chiếu với chân lý Phúc Âm và đánh giá nó không chỉ theo các tiêu chuẩn con người mà nhất là theo các tiêu chuẩn của Mạc Khải. Sự đối chiếu cuộc sống với các Giới răn, các Mối phúc thật và nhất là với giới luật yêu thương chính là trường học lớn của Bí tích Giải tội. Các Hối nhân cũng được mời gọi xưng thú trọn vẹn các tội lỗi của mình là dạy dỗ họ về sự khiêm tốn, nhìn nhận thân phận mong manh yếu đuối của mình và đồng thời ý thức cần sự tha thứ của Thiên Chúa. Để huấn luyện lương tâm có độ nhạy bén và tiến bộ trong đời sống thiêng liêng, mỗi người cần năng đến với Bí tích Hòa Giải để xưng thú không những các tội trọng mà cả các tội nhẹ.

Cần tham gia các buổi hành hương trong Năm Thánh Lòng thương xót và đến với Bí tích Hòa Giải để hưởng ơn toàn xá kèm theo lời cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng và các ý chỉ cho thiện ích của Giáo Hội và toàn thế giới, cùng với những việc bác ái giúp cho người đau khổ, bệnh nhân, người già cả, neo đơn.

TẠM KẾT

Ai đã từng sống trong kinh nghiệm được tha thứ sẽ cảm nhận được tình thương và Lòng thương xót cần thiết và cao quý như thế nào cho những bước hành trình cuộc đời trong thế giới đầy thách đố, cam go và khó khăn. Như Thánh Phaolô đã kinh nghiệm về lòng khoan dung mà thánh nhân đón nhận trong cuộc đời mình. Một quá khứ với “lòng nhiệt tâm” bách hại Giáo Hội đã in đậm trong tâm hồn thánh nhân cảm nhận sâu xa: “Tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ vì tôi đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa” (1Cr 15,9). Chính kinh nghiệm này làm cho lòng nhiệt thành của ngài thêm mạnh mẽ. Càng được tha thứ bao nhiêu, thánh nhân càng thấy cần phải trở nên nhân chứng và làm sáng lên sức mạnh của lòng khoan dung đó trong cuộc sống mình bấy nhiêu. Nhờ đó, ngài hiểu được sứ mạng của mình là thừa tác viên ơn hòa giải.[20]

Chúng ta tìm hiểu về Lòng Thương Xót Chúa nơi Bí tích Hòa Giải không như là những chuyên viên, nhưng là những tội nhân đang cảm nhận được tình yêu và sự tha thứ, để trong vai trò là những thừa tác viên phục vụ cho lòng thương xót, chúng ta luôn khiêm tốn, sống hiền hậu, phục vụ một cách tận tình, là nơi đáng tin cậy cho những hối nhân đang sống trong lầm lạc và tội lỗi đến đón nhận ơn Hòa giải với Chúa và anh em.

 

 

 


[1]x. Phạm Quốc Văn, OP., Từ cạnh sườn bị đâm thâu, 2013, tr. 198-199.

[2] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn Reconciliatio et Paenitentia (Hòa Giải Và Sám Hối), Ngày 02-12-1984, số 7.

[3]Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Kinh Năm Thánh Lòng Thương Xót, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chuyển ngữ từ bản tiếng Anh.

[4]Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Sứ điệp gửi Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 31 tại Krakow, Balan.

[5]Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn Reconciliatio et Paenitentia (Hòa Giải Và Sám Hối), Ngày 02-12-1984, số 4: Lịch sử cứu độ cũng là lịch sử Hòa giải: Thiên Chúa là Cha, đã hòa giải thế giới với mình trong Đức Giêsu, Con Một của Người, nhờ đó nhân loại trở thành một gia đình được hòa giải.

[6]Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn Reconciliatio et Paenitentia (Hòa Giải Và Sám Hối), Ngày 02-12-1984, số 28.

[7]Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông Thư Misericordiae Vultus (Khuôn Mặt Xót Thương), Ngày 11-04-2015, số 22.

[8]Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 1992, số 1449.

[9] Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Diễn văn với các tham dự viên khóa Huấn luyện về “Tòa trong” do Tòa Ân Giải tổ chức, Tháng 03. 2010.

[10]x. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông Thư Misericordiae Vultus (Khuôn Mặt Xót Thương), Ngày 11-04-2015, số 15.

[11]x. Phạm Quốc Văn, OP., Từ cạnh sườn bị đâm thâu, 2013, tr. 226-227.

[12]Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông Thư Misericordiae Vultus (Khuôn Mặt Xót Thương), Ngày 11-04-2015, số 18.

[13]Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông Huấn Evangelii Gaudium (Niềm Vui Tin Mừng), Ngày 24-11-2013, số 44.

[14]Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông Thư Misericordiae Vultus (Khuôn Mặt Xót Thương), Ngày 11-04-2015, số 17.

[15]Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Kinh Năm Thánh Lòng Thương Xót, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chuyển ngữ từ bản tiếng Anh.

[16]Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn Reconciliatio et Paenitentia (Hòa Giải Và Sám Hối), Ngày 02-12-1984, số 31, VI.

[17]x. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Bài Giáo Lý về Bí tích Hòa Giải trong buổi triều yết chung thứ Tư hàng tuần tại quảng trường Thánh Phêrô, ngày 19-02-2014.

[18]Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông Thư Misericordiae Vultus (Khuôn Mặt Xót Thương), Ngày 11-04-2015, số 17.

[19]Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Bài Huấn dụ trong buổi triều yết chung thứ Tư hàng tuần tại quảng trường Thánh Phêrô, ngày 20-11-2013.

[20]x. Phạm Quốc Văn, OP., Từ cạnh sườn bị đâm thâu, 2013, tr. 242.