Friday, 24 January 2020 01:14

Nhân Bản Vô Tính: Thực Trạng Kỹ Thuật Và Lượng Giá Về Đạo Đức

Tác giả: Marciano Vidal

Chuyển ngữ: K’Bao

 

Tập san Nature (số ra ngày 27.2.1999) đưa tin về bước đột phá khoa học do tiến sĩ Ian Willmut và các đồng nghiệp của ông thực hiện tại Viện Roslin thành phố Edinburgh: nhân bản vô tính một con cừu từ một tế bào đã biệt hóa. Việc nhân bản vô tính đó được thực hiện với một loài hữu nhũ cao cấp và, hơn hết, từ một con vật trưởng thành hay từ một tế bào biệt hóa, đã đem lại cho thành tựu khoa học đó một ý nghĩa đặc biệt không chỉ trong công luận nhưng còn trong tập thể khoa học. Khả năng nhân bản vô tính con người lại càng gần gũi hơn bao giờ hết. Việc phân chia những phôi người (nhân bản vô tính những tế bào phôi toàn năng) đã được thực hiện vào năm 1993, nhưng giờ đây khả năng nhân bản vô tính những con người qua những tế bào biệt hóa đã ở trên một lực đẩy mới. Một tờ báo đã diễn tả khả năng này dưới một tựa đề có phần báo động: ‘Hôm nay, là con cừu; ngày mai, sẽ là người chăn cừu’.

Trong những trang sau đây, tôi sẽ phân tích chiều kích đạo đức của việc nhân bản vô tính, trong ý nghĩa tổng quát của nó, dĩ nhiên là đặc biệt lưu ý đến việc nhân bản vô tính con người. Vì là một bài trong tập san Concilium, nên chỉ có thể trình bày chung chung. Mặc dù là đề cập chi tiết những dữ kiện khoa học và kỹ thuật, tôi xin bắt đầu bằng việc nêu lên một số ví dụ để miêu tả thực trạng việc nhân bản vô tính. Tôi làm điều này với một cái nhìn khái quát về những lối tiếp cận cần thiết cho việc đánh giá đạo đức. Hai phần này tương ứng với hai phương diện nêu ở tựa đề: một phân tích về nhân bản vô tính như một thực trạng kỹ thuật và trong chiều kích đạo đức của nó.

I. THỰC TRẠNG VIỆC NHÂN BẢN VÔ TÍNH

1. Thuật ngữ và thực trạng

Thuật ngữ ‘dòng vô tính’ đến từ tiếng Hylạp và có nghĩa là ‘cành’ hoặc ‘cành giâm’. Nó được dùng trong sinh học để nói đến những cơ thể có nguồn gốc từ những thứ khác không qua việc sinh sản tính dục nhưng qua việc phân chia hoặc tách chẻ. Trong sinh học, việc sinh sản tính dục giả thiết một việc làm giàu và một sự biến cách; nó tạo nên một hữu thể với một mã gien nhị bội (diploid), đến từ phân nửa gien (haploid) của mỗi một trong những tế bào thời phôi thai của nó.

Nhân bản vô tính là tiến trình qua đó sản sinh những cơ thể giống nhau y chang; nghĩa là, với cùng một mã gien (DNA) như cơ thể đi trước nó. Sản sinh qua việc phân chia vốn đã có trong thiên nhiên, và đó cũng là sản xuất những cơ thể hoàn toàn như nhau về mặt gien: điều này là sản sinh qua parthenogenesis (trinh nguyên) hoặc qua autogenesis (tự tạo). Tuy nhiên, nhân bản vô tính được khảo sát ở đây không phải là điều cần được miêu tả như là ‘tự nhiên’, song điều đó xảy ra qua sự can thiệp đặc biệt của con người.

Nên lưu ý rằng vật được nhân bản vô tính thì ‘giống y chang’ với vật đi trước nó chỉ trong bản chất gien, chứ không phải trong toàn bộ thực tại của nó. Nó đồng nhất ở trong típ gien chứ không trong típ pheno, nghĩa là, trong những gì đến từ môi trường (bắt đầu với tiến trình thụ thai và kết thúc trong ảnh hưởng văn hóa), từ việc huấn luyện, từ tự do, và từ những ảnh hưởng khác tạo nên căn tính của một cá vật. Trong việc đánh giá này, tôi muốn nói đến một việc nhân bản vô tính con người có thể xảy ra. Như vậy, ta cần loại bỏ khỏi óc tưởng tượng việc nhân bản vô tính những thiên tài hoặc các bậc thánh nhân. Vì không thể nào tái tạo lại một thánh Gioan Thánh Giá từ thứ nguồn gien hoặc giản lược Johann Sebastian Bach vào bản chất sinh học có thể nhân bản vô tính được của ông. Thực ra, những vật được nhân bản vô tính thì kém đồng nhất bằng những cặp sinh đôi từ một hợp tử hoặc đơn noãn hoàng.

2. Những cơ thể khả dĩ nhân bản vô tính được

Nhân bản vô tính, xét như một can thiệp đặc biệt của con người vào tiến trình sinh sản, có thể được tiến hành trong mọi địa hạt của thiên nhiên: trong những vi thể, trong vương quốc thực vật và động vật, và trong loài người.

Việc điều khiển các vi thể (virus và vi khuẩn) cho những mục tiêu kỹ thuật sinh học đã kéo theo hiện tượng nhân bản vô tính. Ví dụ, người ta đã nhân bản vô tính khi đưa các gien của con người vào vi khuẩn để cho những gien người đó có thể tự tái tạo và như vậy làm nên chất liệu hữu cơ, chẳng hạn chất insulin, interferon, kích thích tố tăng trưởng, v.v… Cũng một nền tảng tái tạo như vậy đã được sử dụng để tạo nên các virus và vi khuẩn cho những mục tiêu khác: để tẩy những mảng dầu, tiêu diệt những bệnh dịch, sản xuất phân bón nitrogen, và còn chế tạo cả những vũ khí sinh học nữa. Những hình thức sinh sản các vi thể, cho dù chúng giả thiết việc sản xuất những bản sao hoàn toàn như nhau, đều không nằm trong giới hạn đạo đức của việc nhân bản vô tính đúng nghĩa.

Cũng có thể nói như vậy về nhiều can thiệp trong việc sản sinh nơi vương quốc thực vật. Việc tái tạo ở các loài thực vật là một thực hành thông dụng. Nó được thực hiện theo một đường lối không lấy gì làm hiện đại khi một nhà nông tháp ghép những cây ăn trái: việc tháp ghép không có gì khác hơn một phần của cơ thể có trước (cây ăn trái khác), vốn tái tạo nó nơi một cây hoang dại, mà qua việc tháp ghép đã biến thành cây ăn trái. Ở một trình độ kỹ thuật cao hơn, nhân bản vô tính ở loài thực vật được tiến hành qua việc biến đổi gien, tái tạo những loài đã được biến đổi về gien (khoai tây, cà chua, bắp, lúa mì, đậu nành). Mục đích của tiến trình này là tăng sản lượng nông nghiệp, về lượng cũng như phẩm.

Nhân bản vô tính lại càng trở nên một hiện tượng ý nghĩa hơn, khi nó được tiến hành nơi động vật. Trong thế kỷ này, những tiến bộ trong sinh học tế bào và mô đã đạt đến việc phân cắt phôi (sản xuất nhân tạo những cặp sinh đôi) vào những năm 1930; việc nhân bản vô tính những loài lưỡng thê (cóc) qua những tế bào biệt hóa vào những năm 1960; nhân bản vô tính loài chuột, sử dụng những tế bào phôi, vào những năm 1980, và tiếp đó là loài cừu và khỉ, tất cả đều dùng những tế bào phôi. Như tôi đã nói, việc nhân bản vô tính con cừu Dolly vào năm 1997, từ một tế bào biệt hóa, đã đánh dấu một bước tiến hết sức ý nghĩa về mặt khoa học và kỹ thuật. Vì cho đến thời điểm đó, chưa có ai thành công trong việc nhân bản vô tính loài hữu nhũ bằng những tế bào cơ thể (của vật trưởng thành).

Đứng trên quan điểm khoa học thì không loại trừ, khả năng nhân bản vô tính nơi loài người. Trong năm 1993, việc phân chia phôi con người được thực hiện ở Đại Học George Washington tại Hoa Kỳ. Hiện nay thì chưa biết rõ có đạt được việc nhân bản vô tính con người từ những tế bào biệt hóa hay không. Điều này được coi như tột đỉnh trong việc nhân bản vô tính, và việc thực hiện nó đã làm nảy sinh những vấn đề đạo đức hết sức gay gắt.

3. Những Kỹ thuật đã được sử dụng (hay có thể được sử dụng) cho việc nhân bản vô tính nơi các loài động vật (và nơi loài người)

Có hai tiến trình cơ bản. Lối thứ nhất được tiến hành ở giai đoạn phôi trước khi cấy vào tử cung. Trong những thời kỳ kế tiếp việc thụ tinh, những tế bào là toàn năng, nghĩa là chúng có khả năng làm nảy sinh một hữu thể mới. Nếu cái phôi được phân chia vào thời kỳ này (từ 2 đến 8 tế bào), thì có thể sản xuất ra nhiều vật giống hệt nhau về mặt gien học. Những cặp sinh đôi từ một hợp tử thì tự nhiên phát xuất ở thời kỳ này. Khi có sự can thiệp đặc biệt của con người, thì có việc nhân bản vô tính bằng việc cắt ra hoặc tách đôi tế bào. Kỹ thuật này thường là giả định việc thụ thai in vitro.

Lối thứ hai hệ tại việc tái chuẩn bị nhân của tế bào biệt hóa (nơi vật trưởng thành, hoặc cơ thể) qua việc chuyển nó đến phần trứng trước đó đã bị lấy mất nhân. Việc này thường diễn ra qua ba giai đoạn:

- Thứ nhất, lấy một tế bào thân thể từ cơ thể mà người ta muốn tái tạo hoặc nhân bản vô tính.

- Thứ hai, nhân của tế bào thân thể đó được chuyển đến một cái trứng lấy ra từ một cá vật khác và đã được ‘khử nhân’; tế bào phôi mới đó gồm chứa mã gien của cá vật đầu tiên. Khi đó, cái trứng đã thụ tinh được đặt vào tử cung của một cá vật khác, vật này sẽ mang thai.

Tiến trình thứ hai này đã được sử dụng trong trường hợp con cừu Dolly. Tế bào thân thể được sử dụng là tế bào vú (từ đầu vú). Đã tạo ra được 277 hỗn hợp với bằng đó trứng đã khử nhân; con số những hỗn hợp đó chỉ sản xuất được 29 phôi có sự sống, 13 trong số đó được cấy vào tử cung, và chỉ có 1 là đi đến đích. Nhóm khai triển kỹ thuật thừa nhận là đã sản sinh ra những quái vật trước khi đạt đến thành công.

Tiến trình thứ nhất – phân chia phôi trước khi được cấy – được tiến hành nơi những loài gần gũi với con người. Các nhà khoa học ở Oregon đã thành công trong việc tạo nên hai con khỉ từ những phôi vô tính. Như đã biết, việc phân chia những phôi con người ở thời kỳ trước khi được cấy thì cũng đã thành công, nhưng không tiếp tục khai triển xa hơn nữa (1993).

Cần nhấn mạnh rằng tiến trình thứ hai, tức là nhân bản vô tính từ những tế bào biệt hóa, thì gây chú ý hơn, vì đó là kỹ thuật đã đạt đến mục đích sau cùng của việc nhân bản vô tính: biết được cá vật cần được tái tạo, có được sự đồng nhất hết sức gần gũi với cá vật đó, và có khả năng tái tạo cũng một bản sao đó thật nhiều lần. Điều này đã dẫn một số nhà khoa học đi đến chỗ dành thuật ngữ và khái niệm ‘nhân bản vô tính’ cho tiến trình này, gọi đó là ‘việc tách hoặc phân thành đôi’ đầu tiên. Trong bài này, tôi dùng từ nhân bản vô tính cho cả hai phương pháp.

4. Lợi và hại

Những ích lợi mà việc nhân bản vô tính đem lại là hiển nhiên. Trước hết là lợi ích cho khoa học. Việc khám phá nền tảng là một trong những hành vi xác định của con người. Một thế giới nghiên cứu đang được kiến tạo quanh việc nhân bản vô tính, ở đó đạt được một trong những lưu ý lớn lao của con người, đó là việc thủ đắc được kiến thức khoa học.

Nhân bản vô tính cũng có lợi cho việc nghiên cứu áp dụng. Trong vương quốc thực vật, nó có thể đem lại những lợi ích đáng kể trong việc làm tăng số lượng và chất lượng những nguồn lợi nông nghiệp; nó cũng hữu dụng trong việc bảo vệ những giống loài đang gặp nguy cơ tuyệt chủng. Trong vương quốc động vật cũng vậy, ở đó tái tạo được những con vật đích thực là ‘siêu sản xuất’, chẳng hạn, về len hoặc sữa. Việc nhân bản vô tính động vật có thể đem lại những ích lợi trực tiếp cho con người như sau:

- Sản xuất và nghiên cứu nhiều dược liệu mới;

- Nghiên cứu những bệnh về gien, như ung thư chẳng hạn;

- Cung cấp túc những cơ quan và mô cho việc ghép những cơ quan.

Trong kỹ thuật sinh học, nó khơi lên những niềm hy vọng lớn lao để có được những dược phẩm từ những sinh vật. Quả thực, một hãng dược phẩm đã tài trợ cho dự án Dolly, với những lợi ích đi kèm: giá trị cổ phần tăng 65% như kết quả của lợi tức thành đạt từ thí nghiệm đó.

Việc nhân bản vô tính những con người có thể mang lại lợi ích là tạo nên những mô được dùng trong việc tháp ghép; việc sản xuất những con người hoàn toàn giống nhau cũng tăng thêm mức độ thành công của việc tháp ghép. Người ta cũng đã nói đến thứ ‘y học vô tính’, để nhấn mạnh đến những lợi ích trị liệu mà việc nhân bản vô tính những con người có thể đem lại.

Tạm gác việc nhân bản vô tính con người sang một bên, thì những nguy cơ mà việc thực hành này hàm chứa trong vương quốc thực vật và nhất là trong vương quốc động vật, có thể được xếp loại thành những nhóm sau:

- Nó có thể dẫn tới việc phá đổ những rào chắn giữa các loài, và như vậy gây nên tranh chấp sinh học nơi các tạo vật;

- Nó có thể chống lại tính dị biệt sinh học: qua việc loại bỏ một số loài, đồng hóa những loài khác, và hiện thời phá hủy một số gien mà trong tương lai thì thuận lợi và có khi là cần thiết nữa;

- Rất có thể là nó gây nên những bệnh dịch, cả về nội cũng như ngoại.

Cân nhắc những lợi hại vẫn chưa phải là suy xét về mặt đạo đức với đầy đủ ý nghĩa, trừ phi là giản lược nền luân lý vào việc tận dụng những điểm lợi và hại. Đây không phải là lối hiểu đạo đức của bài này. Đã hẳn, sự phân biện về mặt đạo đức phải tính đến mọi ý nghĩa của thực tại, trong đó phải tính đến những lợi hại về mặt kinh tế.

5. Những biến cách trong "trí tưởng tượng của con người"

Không thể miêu tả đầy đủ thực tại việc nhân bản vô tính nếu không nói đến những ý nghĩa siêu-khoa học của nó. Nhân bản vô tính đã trở thành ẩn dụ lớn cho thực tại; người ta nói đến những chính trị gia, những thương nhân, các linh mục được nhân bản vô tính… Và không chỉ có thế: thực tại việc nhân bản vô tính còn vang vọng với những ước muốn, không tưởng, sợ hãi và những dự phóng, tất cả những thứ đó góp phần cho trí tưởng tượng của con người. Dường như việc nhân bản vô tính hứa hẹn sẽ hiện thực được những giấc mơ của chúng ta về:

- ‘Tự sinh’: ước muốn của Faust là chúng ta được trường tồn cho đến vô tận;

- Việc sinh sản ‘trinh toàn’: sinh sản mà không có sự can thiệp tính dục, không có sự ‘pha trộn’, không có sự vẩn đục của ‘ước muốn’: việc sinh sản ‘sạch sẽ’, vô trùng và kỹ thuật.

- Cuộc phục hận nữ quyền nhờ việc sinh sản ‘không cần đến đàn ông’;

- Tất cả dự phóng của ‘người cha’ đi vào người con hoàn toàn giống như mình – và điều này diễn ra trong một xã hội mà ở đó hình ảnh người cha đang mất dần tầm quan trọng;

- Sự hiện hữu thực sự của ‘cặp đôi’, của ‘sosias’, của ‘cặp song sinh’ (Castor và Pollux của Dioscuri, sosias của Dostoyevsky, chân dung Dorian Gray của Oscar Wilde, v.v...).

Những ảnh hưởng trên của việc nhân bản vô tính trong tưởng tượng của xã hội không chỉ đến nguyên từ sự kiện khoa học kỹ thuật, nhưng cũng còn từ những biểu tượng của nó trong những phim như Những đứa con trai từ Braxin và Công viên Kỷ Nguyên Jura, và trong hàng lố sách khởi đầu với cuốn Thế Giới Can Đảm Mới của Aldous Hoxley. Việc đánh giá đạo đức về nhân bản vô tính phải tính đến những hàm ý ‘tưởng tượng’, làm thế nào để đưa vào chúng tính chất hợp lý. Đạo đức không thể bị công thức hóa dựa trên nền tảng ‘những giới hạn xa xôi nhất’ của trí tưởng tượng, chỉ dựa trên nền tảng những giới hạn cho lý luận chân thành của con người.

II. NHỮNG LỐI TIẾP CẬN VIỆC PHÂN BIỆN ĐẠO ĐỨC

1. Từ phản ứng tự phát đến suy xét hợp lý

Những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc nhân bản vô tính đã làm nảy sinh những phản ứng tự phát trong cả công luận lẫn cộng đoàn khoa học. Việc nhân bản vô tính con cừu Dolly đã được so sánh với việc mở Chiếc Hộp của Pandora: rất nhiều ‘nỗi lo sợ’ đến từ việc nhân bản vô tính, nhưng vẫn còn là ‘niềm hy vọng’ – trong trường hợp này là niềm hy vọng vào bản chất đạo đức của khoa học[1].

Phản ứng tự phát đối với việc nhân bản vô tính thường rơi vào hai loại sau:

- Một đằng, là thán phục với thành tựu đạt được; một sự tăng liều việc ‘tự tôn’ vốn có ngay từ lúc khởi đầu loài người, một sự tự tôn vẫn thường diễn ra qua những cuộc chiến tranh, bất công, không khoan nhượng; khoa học dường như muốn tạo nên thành trì bất khả xâm phạm của niềm kiêu hãnh con người;

- Đằng khác, là sợ hãi về những lạm dụng mà kiến thức khoa học có thể gây nên; trong trường hợp này, nỗi lo sợ lớn nhất là nhân loại gặp phải sự phân cực nhân bản vô tính.

Phản ứng tự phát không thể dừng lại ở đây: nó phải dẫn đến việc xem xét hợp lý. Chính vào giai đoạn này thì đó là ‘suy xét’ (chứ không phải là ‘phản ứng’) hợp lý (không phải ‘tự phát’) mà đạo đức can thiệp vào như một lối tiếp cận quan trọng để con người đưa ra được những quyết định hợp lý.

Trong khía cạnh này, tưởng cũng nên xét đến phát biểu của đạo đức trong những cuộc cách mạng sinh học hiện nay. Điều này không xảy ra khi tiến hành đối chiếu nghiên cứu và thực nghiệm trong lãnh vực vật lý. Việc tách phá nguyên tử không lôi kéo theo suy tư đạo đức như việc tách tế bào hiện nay. Đạo đức sinh học là một trong những đóng góp đáng lưu ý nhất của tâm trí con người vào thời cuối thế kỷ XX.

2. Một dạng thức đạo đức cho việc nhân bản vô tính

Lý luận về mặt đạo đức đã có một chỗ trong lối diễn từ mà ở đây tôi gọi là ‘dạng thức’. Tôi chống lại hai dạng thức đạo đức mà một bên là hình thức đơn giản hóa (biện chứng) và một bên là lập trường bảo thủ (độc đoán và ngoan cố):

- Một bên nói ‘không’ với bất cứ thứ gì, dường như bao gồm sự thay đổi, biến đổi, biến cách một trật tự được coi là ‘thánh thiêng’ (tự nhiên) và bất biến (khách quan);

- Một bên nói ‘thêm nữa’ với bất cứ điều gì trong lãnh vực khoa học kỹ thuật vốn chạy nhanh về phía trước, mà không suy nghĩ xem nó muốn đi đâu, hoặc điều nó đang sử dụng để tiến tới thì có nghĩa gì.

Tôi ưa dùng một dạng thức phân biện đạo đức, trong đó những nhân tố sau được nối kết với nhau: một thái độ tích cực đối với bất cứ thứ gì có ý nghĩa tiến bộ; việc thể hiện lưỡng giá của tiến bộ – có thể hướng đến những mục đích tốt hoặc xấu; việc kêu gọi con người có trách nhiệm để điều hướng lộ trình của tiến bộ; việc cần thiết một tiêu chuẩn tổng quát để hướng dẫn tính trách nhiệm một cách khách quan và tiếp theo đó là đem lại cho tiến bộ một ý nghĩa. Những dòng sau lưu ý đến một số nhân tố trong dạng thức này.

Việc phân biện đạo đức cần phải được thực tập bằng cách tính đến tính lưỡng giá của mọi tiến bộ nhân loại. Ngày hôm nay, hoàn cảnh đó được diễn tả qua thuật ngữ ‘xã hội rủi ro’. Chúng ta sống trong thời điểm lịch sử khi ta có những quyết định về mặt kỹ thuật: để làm điều đó, chúng ta phải ước lượng những rủi ro của chúng, và tiếp đó là xem xét những lựa chọn cùng với những thuận lợi và trở ngại của chúng[2].

Đối mặt với hoàn cảnh rủi ro này, không thể có thái độ đạo đức nào khác hơn là tinh thần trách nhiệm. Triết gia người Đức là H. Jonas đặc biệt nhấn mạnh đến nguyên tắc bổn phận về đạo đức trong thời này, trước hết là qui chiếu về những tiến bộ khoa học kỹ thuật[3]. Tinh thần trách nhiệm phải bao gồm việc tính đến những thế hệ tiếp theo: chúng ta phải sử dụng việc sáng tạo và có những tiến bộ đang khi phải tính đến việc những thế hệ tiếp sau cũng cần phải được hưởng những lợi ích chúng ta làm nên.

Hai điểm qui chiếu đó – xem xét rủi ro và kêu gọi tinh thần trách nhiệm – lại dẫn đến tiêu chuẩn thứ ba của bản chất cốt lõi. Những rủi ro và tinh thần trách nhiệm phải được đo lường bởi một giá trị của tiến trình nhân bản hóa chân chính. Chính tiêu chuẩn của việc nhân bản hóa mới đem lại ý nghĩa và phương hướng cho những quyết định cần phải có trong lãnh vực tiến bộ khoa học và kỹ thuật. Nhân bản hóa, như được xác định trong thông điệp Populorum progressio, có nghĩa là thể hiện ‘toàn vẹn nhân vị và mọi nhân vị’, nghĩa là đi tìm thiện hảo toàn vẹn của mọi người như một người[4].

3. Những giá trị đạo đức căn bản

Nhờ dạng thức đạo đức vừa được phác thảo soi sáng, những giá trị căn bản sau có thể được đề nghị như chủ đề cho sự phân biện đạo đức về nhân bản vô tính, phân biệt giữa một bên là nhân bản vô tính thực vật và động vật, còn một bên là nhân bản vô tính con người:

a/. Nhân bản vô tính động vật và thực vật

Tự nó, việc nhân bản vô tính động vật và thực vật không gợi lên cũng một mức độ đạo đức như việc nhân bản những con người. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng:

- Những can thiệp về gien học nơi thực vật và động vật cần phải được suy nghĩ và tiến hành với quan điểm mưu lợi chung cho nhân loại; bằng cách chấp nhận lợi ích bình thường từ những đầu tư trong lãnh vực này cũng như ở các lãnh vực khác, chúng ta không được rơi vào những hình thức mới của chủ nghĩa đế quốc kinh tế, mà trong trường hợp này là chủ nghĩa đế quốc kỹ thuật sinh học;

- Có những giới hạn cho những can thiệp kỹ thuật sinh học khi những điều này có thể đem lại những tai hại về mặt sinh thái – việc biến mất một số loài, những mối nguy hiểm mới cho những loài khác – hoặc nguy hiểm cho loài người – việc lan truyền những virus hoặc việc ô nhiễm không kiểm soát nổi.

b/. Nhân bản vô tính những con người

Bất cứ ý định nào muốn xây dựng một nhân loại tốt đẹp hơn đều đáng được ca ngợi, trên nguyên tắc, chúng ta không thể lên án ước muốn đem lại sự cải thiện cho nhân loại, ngay cả trong địa hạt quan trọng như gien học. Tuy nhiên, chúng ta cần ghi tâm khắc cốt rằng có những giới hạn cho những ước muốn cải thiện hoặc biến cách đó, những giới hạn mà đồng lúc cũng là những chỉ dẫn tích cực cho một hướng tiến bộ tốt đẹp hơn.

Xét theo hiện trạng, việc nhân bản vô tính những con người cũng có nhiều chống- chỉ dẫn. Sau đây là một số điểm chính:

- Con người có phẩm giá của các ngôi vị và không thể bị giản lược vào loại ‘đồ vật’; tiến trình nhân bản vô tính đòi hỏi nhiều can thiệp, và do nơi bản chất của con người, những can thiệp đó không thể xử lý thực tại con người như một ‘đồ vật’;

- ‘Những điều khiển’ chính, trước hết phải được tiến hành trên tế bào từ đó lấy được hạt nhân vô tính, mà điều đó có thể làm nảy sinh việc ‘biến dạng’ nghiêm trọng vốn có thể di truyền sang hữu thể mới: như đã nói trên, những người chịu trách nhiệm nhân bản vô tính con cừu Dolly đã thừa nhận rằng trước khi đạt đến kết quả mong ước, thì đã có những quái vật.

- Dị biệt sinh học là một tiêu chuẩn đạo đức cần phải tính đến nơi loài người;

- Suy xét quan trọng nhất chính là những hữu thể con người có căn tính riêng của mình; việc nhân bản vô tính ảnh hưởng trực tiếp đến đòi hỏi cơ bản này là trở thành một ngôi vị.

Những lý lẽ đạo đức làm tiêu tan khả năng hiện thực việc nhân bản vô tính con người như nêu trên không chắp cánh cho nỗ lực của đầu óc con người. Điều này tiếp tục làm phát sinh những vấn đề triết học nghiêm trọng liên quan tới việc tiến hóa nơi con người.

Phải chăng quyền có ‘cơ may’, có ‘dị biệt’ về gien, có ‘khác biệt’ ngôi vị, là một điều gì cơ bản cho tiến hóa của con người? Phải chăng những quyền lợi đó cần được điều tiết với sự khẳng định về ‘tự do chọn lựa’, với một khẳng định cần thiết về ‘tính khác lạ’ trong nguyên tắc việc cá nhân hóa? Nếu những điều khiển về các loài thực vật và động vật là cần thiết để cho con người ‘cất cánh’ khỏi con người thời đồ đá mới, tại sao lại không chấp nhận ‘những điều khiển’ mới khác cho việc cất cánh vào thời kỳ mới mà một số người đã mường tượng, mà họ gọi là Thời Gien Mới? Những câu hỏi đó và những câu hỏi khác phải được nêu lên, thậm chí trong thời gian tới, lý luận đạo đức phải coi việc nhân bản vô tính những con người là không thể thực hiện được về mặt đạo đức.

4. Tiến đến một sự nhất trí về mặt đạo đức

Có những giá trị đạo đức cần phải được mọi người cùng chia sẻ. Tôi tin rằng một trong những giá trị đó là căn tính gien học của mỗi nhân vị. Có những dấu hiệu tích cực cho thấy một khuynh hướng chung là gạt bỏ việc nhân bản vô tính con người khỏi những tìm kiếm của con người. Ta chỉ cần nhắc lại những quan điểm được thừa nhận bởi những uy tín đạo đức lớn của nhân loại hôm nay:

- Vatican chống lại việc ‘tạo nên một con người mà không gắn liền với tính dục, bằng cách sử dụng đến việc “tách đôi”, nhân bản vô tính, sinh sản trinh toàn’ vì lẽ cơ bản này là điều đó đi ngược với ‘phẩm giá của việc sinh sản con người cũng như việc kết hợp vợ chồng’[5]; hơn nữa, Vatican còn kêu gọi mọi quốc gia thông qua dự luật cấm nhân bản vô tính con người.

- Tổ chức Y Tế Thế Giới đã ra tuyên ngôn chống lại việc nhân bản vô tính (ngày 18.3.1997)[6]. Liên Hiệp Quốc cũng đã công bố một nội dung tương tự, và còn đi xa hơn nữa, đề nghị công bố hệ gien con người là di sản của toàn thể nhân loại[7].

- Quốc hội Âu Châu đã chuẩn y quyết định chống lại việc nhân bản vô tính con người (ngày 12.3.1997)[8].

- Các Ủy ban Quốc gia về đạo đức sinh học tại nhiều nước, gồm nhiều quyền bính chính trị khác nhau, đã tuyên bố chống lại việc nhân bản vô tính con người. Trong số những người theo lập trường đó phải kể đến Tổng thống Mỹ Bill Clinton[9].

Sự nhất trí về mặt đạo đức như vậy đã bắt đầu chuyển sang lãnh vực pháp lý. Trong luật pháp nước Đức về việc Bảo Vệ Phôi (1991), việc nhân bản vô tính bị cấm rõ ràng (khoản 6). Luật hình sự Tây Ban Nha 1995 công bố sẽ trừng phạt ‘việc tạo nên những con người giống hệt nhau qua việc nhân bản vô tính hay qua những tiến trình khác hướng đến việc chọn lọc chủng tộc’ (từ 1 tới 5 năm tù giam và từ 6 tới 10 năm quản chế; khoản 161.2).

Tuy nhiên, chúng ta phải đặt tin tưởng vào sự hiểu biết đạo đức nơi lương tâm toàn thể nhân loại hơn là vào luật pháp và những hình phạt. Chúng ta cần gây ý thức về tinh thần trách nhiệm vốn phải đi liền với những tiến bộ khoa học và kỹ thuật. Khoa học cần phải được hỗ trợ bởi lương tâm nếu chúng ta muốn cho bước đường phiêu lưu của nhân loại phải hướng đến những chỉ tiêu nhân bản hóa cao cấp hơn cho mọi người, đặc biệt là cho những cá nhân và những nhóm người ít được nâng đỡ hơn.

 

(Chuyển dịch theo nguyên tác: Cloning: Technical Reality and Ethical Evaluation của Marciano Vidal)

 

-------------

Bibliographical Note (to 30 June 1997)

1/. P. Ramsey, Fabricated Man. The Ethics of Genetic Control, Newhaven 1970.

2/. H. Jonas, Technik, Medezin, Ethik, Frankfurt 1985, 162-203.

3/. M. F. dos Anjos, ‘Etica e clonagem humana questão dos paradigmas’, in REB 55, 1995, 105-17.

4/. A. Fiori and E. Sgreccia, ‘La clonazione’, Medicina e Morale 47, 1997, 229-39.

 


[1]J-R. Lacadena, ‘Cloning: a New Pandora’s Box? In Critica no 844, 1997, 7.

[2]G. Bechman (ed), Risiko und Gesellschaft. Grumdlagen und Ergebnisse interdisziplinaren Risikoforschung, Opladen 1993.

[3]H. Jonas, The Imperative of Responsibility, Chicago, 1994.

[4]Populorum progressio (1967), số 14.

[5]Donum vitae (1987), I, 6.

[6]Text in Medicina e Morale 47, 1997, 323-5.

[7]Xc N. Lenoir, ‘UNESCO’, Genetics and Human Rights’, Kennedy Institute of Ethics Journal 7, 1997, 31-42.

[8]Text in Medicina e Morale 47, 1997, 323-7.

[9]B. Clinton, “Human values and cloning”, 22-6-1997.