Friday, 24 January 2020 01:14

Khoa Luân Lý Sinh Học Featured

Bình Hòa

 

Một trong những hệ luận của “luân lý sinh học” là một từ ngữ mà chúng tôi tạm dịch từ bioéthique (pháp) hoặc bioethics (anh). Danh từ này được ghép bởi hai tiếng hy lạp: bios (sự sống) và ethos (luân lý). Đây là một trong những lãnh vực có liên quan đến đời sống hiện đại, vì sự tiến bộ của khoa học hiện đại về sự sống.

Bài này gồm ba phần:

- Lịch sử;

- Những nguyên tắc;

- Sự đóng góp của Giáo hội Công giáo.

I. LỊCH SỬ

Danh từ “bioethics” xuất hiện vào năm 1970 khi Van Rensselaer Potter xuất bản quyển sách mang tựa đề Bioethics: The Science of Survival (= Luân lý sinh học, khoa học của sự tồn vong). Vào năm sau (1971), tác giả cho ra đời một tác phẩm khác với tựa đề Bioethics: Brigde to the Future (= Luân lý sinh học, cây cầu của tương lai). Potter đã phát biểu mối quan tâm trước viễn tượng sống còn của tương lai nhân loại do hậu quả của những khám phá mới của ngành sinh học (biology) mà ông gọi là “quả bom sinh học”. Khoa sinh học sẽ trở thành trái bom đe dọa tương lai của nhân loại thay vì mang lại sự thăng tiến phẩm chất của đời sống, nếu khoa sinh học không biết đối thoại với các ngành khoa học nhân văn. Các cuộc nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cần được hướng dẫn bởi những quan điểm về giá trị luân lý.

Các tác phẩm của Potter ra đời vào lúc mà các đại học y khoa bên Hoa Kỳ bắt đầu du nhập môn nhân văn và luân lý dành cho các bác sĩ tương lai. Vào thập niên 60, dư luận Hoa Kỳ xôn xao trước những nguồn tin về những sự lạm dụng trong việc thí nghiệm trên cơ thể con người, việc khám thai, việc xác định lúc nào thì một người coi như đã chết. Năm 1967, Viện Y tế quốc gia (National Institute of Health) của Hoa Kỳ đã thiết lập một Ủy ban để kiểm soát những cuộc thí nghiệm trên cơ thể con người. Với đà ấy, hai trung tâm nghiên cứu đã được khai sinh: “The Institute of Society, Ethics and the Life Sciences” tại Hastings Center, New York (1969) và Kennedy Institute of Ethics, thuộc Đại học Georgetown, ở Washington D.C. (1971), với mục tiêu là bắt cầu giữa khoa sinh học và các khoa nhân văn. Nên biết là các người khởi xướng môn luân lý sinh học hoàn toàn đứng bên ngoài ảnh hưởng của các tôn giáo. Những kết quả của họ đã gây âm hưởng sâu rộng, không những tại Hoa Kỳ mà dần dần lan sang cả bên Âu châu. Từ đó, ngành luân lý sinh học trở thành một môn học được dạy ở các Đại học Y khoa. Hơn thế nữa, nhiều quốc gia còn thành lập một Ủy ban Luân lý sinh học, để cố vấn cho Quốc hội và Chính phủ trong những vấn đề luân lý và pháp luật mà việc khảo cứu sinh học, y khoa và y tế đặt lên.

Khi mới ra đời, môn luân lý sinh học xem ra chỉ liên quan tới một số chuyên viên về y học và sinh học. Nhưng dần dần dư luận cũng chú ý tới, và đã mở rộng biên giới cho môn này: nó không còn phải là luân lý của môn sinh học nữa, nhưng trở thành “luân lý của sự sống” có ảnh hưởng tới hết mọi người. Thực vậy, bất cứ người nào cũng phải chạm trán với các vấn đề: sinh, bệnh, lão, tử. Ta phải có thái độ như thế nào khi đương đầu với chúng? Một cách cụ thể, những vấn đề thường được đặt ra là:

SINH:

- Thụ thai nhân tạo,

- Thụ thai trong ống nghiệm,

- Phá thai,

- Khám thai,

- Thí nghiệm trên bào thai,

- Ưu sinh (eugénisme).

BỆNH:

- Ghép bộ phận;

- Chuyển phái tính;

- Triệt sản,

- Chính sách y tế, cách riêng với người tàn tật;

LÃO và TỬ:

- Việc hồi sinh,

- Chết êm dịu,

- Tự tử,

- Quyền được chết;

- Việc thông báo cho bệnh nhân biết sắp chết;

- Việc sử dụng thi hài.

Trước những vấn đề ấy, ai có quyền quyết định: chính bác sĩ? người công dân? nhà nước? Làm sao để tránh những quyết định độc đoán nếu không dựa vào luân lý?

Thế nhưng khi nói về luân lý thì ta lại gặp một vấn nạn khác, đó là trên đời này có nhiều nền luân lý khác nhau, tùy thuộc vào những môi trường văn hóa khác nhau (luân lý Đông phương, Tây phương), hoặc tùy theo tôn giáo (Kitô giáo, Phật giáo), triết thuyết (hiện sinh, mác xít, tiện ích, v.v...). Không phải lúc nào các quan niệm ấy cũng đưa ra một giải đáp đồng nhất trước một vấn đề cụ thể. Thế thì làm sao xây dựng một nền luân lý khách quan có thể được hết mọi người chấp nhận, bất luận họ thuộc về tôn giáo, chính kiến nào đi nữa?

II. NHỮNG NGUYÊN TẮC

Đứng trước vấn nạn đó, nhiều học giả cho rằng không thể khởi hành từ một nền luân lý đã có sẵn, nhưng nên bắt đầu bằng một vài nguyên tắc (principes) dễ được hết mọi người chấp nhận, rồi dần dần sẽ tiếp tục công cuộc thảo luận suy tư. Có hai nguyên tắc xem ra khá hiển nhiên trong lãnh vực này:

- Tôn trọng sự sống,

- Tôn trọng sự tự quyết của nhân vị.

Thế nhưng đến lúc phải rút ra những hệ luận cụ thể thì người ta thấy có rất nhiều khuynh hướng khác nhau để giải thích hai nguyên tắc vừa nói.

A. Tôn trọng sự tự quyết của mỗi cá nhân

Nguyên tắc căn bản nhất trong lãnh vực y khoa là sự thỏa thuận của đương sự: các bác sĩ chỉ được phép can thiệp khi có sự đồng ý của đương sự. Nhưng trên thực tế, nhiều bệnh nhân được chở tới nhà thương khi mà đầu óc của họ không còn tỉnh táo, hay là những nhi đồng: thế thì ai phải quyết định? Hơn thế nữa, rất nhiều lần các bệnh nhân tỉnh táo và sáng suốt cũng không lường trước hậu quả của những cuộc thí nghiệm hoặc chữa trị mà các bác sĩ đề nghị: đương sự được hỏi ý kiến cho có lệ, chứ chẳng có giá trị quyết định gi hết.

B. Tôn trọng sự sống

Hình như các tôn giáo trên thế giới cũng như các dân tộc đều chấp nhận nguyên tắc về việc phải tôn trọng sự sống, ít là trong cách thức phát biểu tiêu cực: “cấm giết người”. Thế nhưng, lịch sử cho thấy rằng có nhiều lý thuyết khác nhau phải giải thích lý do tại sao phải tôn trọng mạng sống; đó là chưa kể những trường hợp được phép cắt đứt sự sống.

1) Một số tôn giáo và triết học chủ trương rằng phải tôn trọng mạng sống vì tính cách thánh thiêng (sacré) của nó. Còn những nhà khoa học không muốn đụng tới tín ngưỡng thì nói tới sự sống như là một giá trị (valeur), mà họ có trách nhiệm phải nâng cao “phẩm chất” (qualité). Tuy nhiên, hạn từ “phẩm chất” không tránh được tính chất hàm hồ của nó. Có người hiểu “phẩm chất” theo nghĩa hoàn toàn duy vật, để rồi tự tiện khai trừ những thành phần tật nguyền vì họ chỉ làm gánh nặng cho xã hội chứ không góp phần vào việc sản xuất. Có người hiểu “phẩm chất” theo nghĩa là thăng tiến điều kiện sống, sao cho cuộc đời cảm thấy thoải mái sung sướng. Có người hiểu “phẩm chất” theo chiều kích tinh thần khiến cho cuộc sống của con người khác biệt với sự sống của loài thực vật và động vật.

2) Trước những cuộc tranh luận bất tận về ý nghĩa và giá trị của sự sống, người ta muốn tìm về một giải pháp đơn giản hơn. Xưa nay hầu hết các bác sĩ trên thế giới trước khi ra trường đều phải giơ tay đọc “lời thề của Hyppocrate” (y sĩ người Hy lạp, khoảng 460-377 trước công lịch); tại sao không dựa vào đó để làm nền tảng cho luân lý sinh học? (déontologie médicale; bởi tiếng hy lạp “deontos": bổn phận).

Một vài tác giả đã diễn tả lời thề cổ truyền ra ba nguyên tắc sau:

a/ nguyên tắc làm tốt (beneficentia), với hai cách thức phát biểu: “không được làm hại” (non nocere: do not harm), và “hãy cố gắng tìm giải pháp tốt nhất để làm ích cho bệnh nhân;

b/ nguyên tắc lòng tốt (benevolentia): phải tận tâm săn sóc bệnh nhân;

c/ nguyên tắc tín nhiệm (confidentialité): không bao giờ được tiết lộ những bí mật về đời tư của bệnh nhân.

III. SỰ ĐÓNG GÓP CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

Như đã nói trên đây, môn luân lý sinh học đã ra đời ở ngoài khuôn khổ của các tôn giáo. Đây là một dấu chỉ tích cực, nói lên sự cần thiết của khoa học hiện đại muốn đi tìm những quy tắc luân lý để hướng dẫn các cuộc khảo cứu của mình. Thực vậy, khoa học mà thiếu lương tâm thì sẽ đưa nhân loại tới chỗ diệt vong. Thần học công giáo mong được đóng góp phần của mình vào khoa luân lý sinh học dựa trên kinh nghiệm cổ truyền và sự đối thoại với các môn nhân văn (triết học, tâm lý, xã hội, v.v...). Thực vậy, trong các đại học công giáo và các chủng viện, môn luân lý y khoa (Éthique médicale) đã được giảng dạy từ lâu đời. Cách riêng, đức Piô XII đã bắt đầu lên tiếng về những vấn đề mà khoa học đặt ra cho sự sống, thí dụ: sự thụ thai nhân tạo; sự ưu sinh, sự chết êm,.v.v... Giáo huấn của Giáo hội được kiện toàn dần dần, không những khi phải đương đầu với từng vấn đề cụ thể được nêu lên, nhưng còn phải tìm hiểu những nguyên tắc nền tảng của luân lý dựa trên phẩm giá của con người.

Trong những văn kiện của Bộ giáo lý đức tin, chúng ta có thể kể tới: Tuyên ngôn về việc phá thai (18-11-1974), Tuyên ngôn về Chết êm (5-5-1980); Huấn thị Donum vitae về sự tôn trọng sự sống mới chớm và về phẩm giá của sự truyền sinh (22-2-1987).

Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo cũng đã dành nhiều đoạn cho những vấn đề luân lý sự sống. Thí dụ: số 2270 - 2274.

(phá thai, khám thai, thử nghiệm trên bào thai); 2276-2279 (chết êm); 2288-291 (tôn trọng sức khoẻ); 2292-2296 (thí nghiệm trên thân thể; ghép cơ thể); 2375-2378 (thụ thai nhân tạo).

Vào tháng 11 năm 1994, Hội đồng Tòa thánh đặc trách Mục Vụ cho các nhân viên y tế đã xuất bản một văn kiện mang tựa đề Hiến chương của các nhân viên y tế (Carta degli operatori sanitari), nhằm trình bày cách mạch lạc giáo huấn của Giáo hội trong lãnh vực luân lý sinh học.