Nt - Bs. Trần Như Ý-Lan, CND.
Vào những ngày cuối năm 2013, một mẩu tin cuốn hút khá nhiều bạn đọc: “Câu chuyện tình ‘cổ tích’ thời nay”. Nhân vật chính, chị tiến sĩ Hoàng thị Kim Dung, 34 tuổi, Hà Nội, đã hạ sinh “mẹ tròn con vuông” hai bé trai xinh xắn khỏe mạnh bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, với tinh trùng lấy từ mẫu tinh hoàn của người chồng yêu quý của chị đã mất vì tai nạn cách nay gần bốn năm. Số đông người, cả các bạn công Giáo, xúc động và cảm phục trước tình yêu chung thủy và lòng can đảm của chị Dung, đồng thời ca ngợi thành công “trên cả tuyệt vời” của khoa học kỹ thuật mà trước đây khoa học đành “bó tay.com”: lần đầu tiên tại Việt Nam thụ tinh nhân tạo thành công từ tinh trùng của mô tinh hoàn trích năm – sáu giờ sau khi người nam đã qua đời. Mẫu tinh hoàn đó đã được cất giữ ở -196OC và bảo quản đặc biệt.[1]
Nhưng rồi, người Công giáo lại băn khoăn: Giáo hội không cho phép thụ thai nhân tạo! Phải chăng Giáo hội quá “bảo thủ”, đang đi ngược dòng chảy của trào lưu văn hóa thời đại và khoa học kỹ thuật tiên tiến? Có bạn trẻ trách móc: Các vị giáo hoàng, giám mục, hồng y và thần học gia luân lý vốn đã viết nên luật cấm thụ thai nhân tạo là những người sống độc thân, nên không cảm thông được nỗi thống khổ, khao khát có con của các cặp vợ chồng vô sinh chăng? Có bạn còn đặt câu hỏi: Các vị có cảm động không nếu biết câu chuyện sinh con của chị Kim Dung, xuất phát từ tình yêu son sắt đối với người chồng trẻ đã khuất ? Nếu có, thì tại sao lại không cho phép thụ thai nhân tạo?
Là người làm khoa học, phục vụ chăm sóc sức khỏe người bệnh hơn 20 năm nay, có những giờ phút tranh đấu với cái chết để giành giật sự sống cho bệnh nhân, và từng khám cho một số phụ nữ vô sinh, tôi đồng cảm với cảm xúc và hiểu được chất vấn của các bạn trẻ Công Giáo. Tuy nhiên, chúng ta hãy “chơi đẹp” và công bằng với nhau nhé. Xin hỏi trước khi các bạn trách móc “mấy vị giáo hoàng, hồng y, giám mục bảo thủ không bắt kịp thời đại” (!), các bạn có bao giờ nghiêm túc tìm hiểu lý do nền tảng tại sao các vị ấy, những con người thông thái thánh thiện của Giáo Hội, lại dạy như thế? Xin mách với các bạn là các “đấng bậc” ấy còn có cả một ủy ban cố vấn gồm các nhà khoa học hàng đầu thế giới trong nhiều lãnh vực để bàn hỏi khi các ngài quyết định các vấn đề luân lý liên quan đấy nhé. Các bạn có hiểu hết thụ thai nhân tạo tiến hành như thế nào? Cùng với thành quả “super” của nó là đứa trẻ, các bạn có biết đầy đủ các hậu quả tiêu cực mà thực hành thụ thai nhân tạo đã và đang gây ra cho xã hội, cho con người?
Bài viết nhận định vấn đề đang “hot” này trên quan điểm y khoa và luân lý Công Giáo, suy tư một phần gợi ý từ câu chuyện thời sự trên đây, được dư luận chung ủng hộ và đang tạo được hàng triệu fan hâm mộ. Bài viết nhìn nhận tiến bộ đáng thán phục của khoa học về thụ thai nhân tạo, đồng thời phân tích sâu xa hơn kỹ thuật “làm ra” con người này, trên phương diện nhân linh và thần linh. Bài viết chứng tỏ Huấn quyền Công giáo không chấp nhận các biện pháp thụ thai nhân tạo không phải là do không quan tâm đủ đến con người với các nhu cầu yêu thương và hạnh phúc trần thế, nhưng vì Giáo hội rất yêu mến và rất trân trọng con người, ra sức gìn giữ phẩm giá của con người, và mong muốn con người có được hạnh phúc đích thật trong viễn cảnh cánh chung. Sứ điệp trung tâm mà Giáo hội loan báo là “loài người được Thiên Chúa yêu thương”, con đường Giáo hội muốn dẫn các bạn đi là con đường “thương yêu và sự thật”.[2] Ước mong các bạn kiên nhẫn tìm hiểu chiều sâu của giáo huấn Tòa Thánh về thụ thai nhân tạo trước khi phê phán hay chống đối. Cuộc đối thoại giữa chúng ta vẫn còn tiếp diễn trong đời sống.
Một điều cơ bản trong đời sống luân lý, tôi xin nhắc các bạn trẻ, là thái độ cần có đối với luật Chúa, mà Giáo hội thay mặt Chúa để giải thích. Có lẽ hơn một lần, các bạn thầm trách sao luật Chúa, luật Giáo hội nặng nề quá, “làm khổ” dân tình. Chúng ta thường quan niệm đời sống luân lý như việc tuân giữ một số điều mà Chúa hay Giáo hội truyền dạy hay cấm. Quan niệm này dễ đưa đến thái độ thiếu trưởng thành, ấm ức như đứa trẻ vì bị cha mẹ cấm cửa đủ thứ, và nếu không tuân thì bị phạt.[3] Các bạn làm như Chúa là một “ông chủ” hay “ông vua” độc tài, dân làm theo ý Ngài thì Ngài “khoái chí”, dân không làm theo thì Ngài “nổi xung” vì chạm đến uy quyền của Ngài. Đúng ra, phải hiểu rằng Thiên Chúa yêu thương loài người. Chúa vui khi con người hạnh phúc, Chúa buồn khi con người làm hại chính mình. Luật Chúa là để giúp con người đừng làm hại chính mình, để con người đạt đến hạnh phúc đích thật. Các hành vi luân lý như là phương thế để đạt tới hạnh phúc đích thật: cái gì dẫn tới hạnh phúc đích thật là tốt, cái gì làm cho ta mất hạnh phúc đích thật là xấu. Hiểu như vậy, việc ấn định điều thiện ác không phải là do từ một sự truyền buộc hay cấm đoán bên ngoài, nhưng là nằm trong bản chất nội tại của con người, tùy theo nó giúp cho con người đạt được cứu cánh của cuộc đời hay không. Luật Chúa và luật Giáo hội là để giúp con người sống đúng phẩm giá mình, chọn điều lành, tránh xa điều xấu. Có được hiểu biết như thế, tâm tình các bạn sẽ tốt hơn khi tìm hiểu luật Chúa, luật Giáo hội.
Trước hết, để hiểu rõ hơn hầu đánh giá trung thực hơn về thực hành thụ thai nhân tạo, tôi giới thiệu sơ lược vài kỹ thuật thụ thai nhân tạo chính yếu đang áp dụng hiện nay.
I. CÁC KỸ THUẬT THỤ THAI NHÂN TẠO HIỆN NAY
Thụ thai (hay thụ tinh) nhân tạo là kỹ thuật tạo phôi bằng cách cho tinh trùng của người nam kết hợp với trứng của người nữ không qua hành vi giao hợp, nhưng nhờ các phương tiện kỹ thuật hiện đại khác. Thụ tinh nhân tạo có thể được phân làm hai loại phương pháp chính: 1/ Sự thụ tinh xảy ra trong cơ thể người nữ; 2/ Sự thụ tinh xảy ra ngoài cơ thể ngươi nữ và sau đó chuyển phôi vào tử cung. Thụ tinh nhân tạo có thể là đồng ngẫu hay dị ngẫu. Thụ tinh nhân tạo đồng ngẫu là dùng giao tử của một cặp vợ chồng; thụ tinh nhân tạo dị ngẫu là dùng giao tử của người thứ ba ngoài cặp vợ chồng.
1. Sự thụ tinh xảy ra trong cơ thể người nữ
a. Thụ tinh nhân tạo bằng phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung (Intra-uterine insemination – IUI)[4] là phương pháp điều trị vô sinh đầu tay hiện nay và được áp dụng phổ biến nhất vì được đánh giá là hiệu quả nhất. Kỹ thuật thực hiện IUI thường bao gồm ba bước: Kích thích buồng trứng – Chuẩn bị tinh trùng – Bơm tinh trùng.
- Kích thích buồng trứng (Ovarian stimulation): Dùng thuốc để kích thích buồng trứng tạo được sự phát triển của ba, tối đa là bốn, trứng trưởng thành và chuẩn bị nội mạc tử cung cho sự làm tổ của phôi. Nếu số trứng trưởng thành nhiều hơn bốn, tỉ lệ đa thai thường cao.
- Lấy tinh trùng: Tinh dịch thường được lấy khoảng hai giờ trước khi thực hiện bơm tinh trùng. Tinh dịch được lấy bằng thủ dâm vào trong lọ sạch, tiệt trùng. Có khi lấy tinh trùng trực tiếp từ mào tinh hoàn. Tiến hành chọn các tinh trùng bình thường, di động tốt và loại các tế bào chết, các vi sinh vật có hại cho tinh trùng.
- Bơm tinh trùng vào buồng tử cung: Tinh trùng sau khi chuẩn bị phải được giữ ấm và bơm vào buồng tử cung vào ngày trứng rụng.
Sau khi bơm tinh trùng khoảng 14 ngày, người nữ được hẹn để làm xét nghiệm thử thai. Nếu xét nghiệm cho thấy có thai, bệnh nhân được hẹn trở lại hai – ba tuần sau để siêu âm xác định thai.
Tinh trùng chứa trong môi trường vô trùng ( trái)
và Bơm tinh trùng vào tử cung ( phải)[5]
b. Chuyển giao tử vào vòi Fallope (GIFT Gamete Intrafallopian tube Transfer)
Trứng được lấy ra từ người nữ bằng các kỹ thuật như trong thụ tinh trong ống nghiệm (được mô tả bên dưới), sau đó một hoặc nhiều trứng được đặt vào một ống thông có chứa tinh trùng đã được lấy trước và xử lý để tăng khả năng thụ tinh. Sau đó, ống thông chứa trứng và tinh trùng được đưa vào vòi fallope của người nữ, tinh trùng và trứng được thổi ra khỏi ống và sự thụ tinh diễn ra trong cơ thể người nữ.
2. Sự thụ tinh xảy ra ngoài cơ thể người nữ
a. Thụ tinh trong ống nghiệm (In Vitro Fertilization IVF)
Người nữ được dùng thuốc để kích thích buồng trứng tạo ra nhiều trứng trưởng thành. Noãn được lấy từ người nữ qua việc soi ổ bụng, hoặc kỹ thuật hút xuyên âm đạo dưới sự hướng dẫn của siêu âm. Tinh trùng (thường được lấy do thủ dâm hoặc đôi khi trực tiếp từ mào tinh hoàn) và noãn được cho thụ tinh trên đĩa petri rồi đặt vào tủ ủ ấm; và hợp tử (trứng đã thụ tinh) phát triển thành phôi đến ngày thứ ba hay thứ năm, sau đó được chuyển vào buồng tử cung. Để bảo đảm tỉ lệ thành công cao và vì giá thành cao cho mỗi lần thụ tinh, nhà chuyên môn thường cho nhiều trứng và tinh trùng thụ tinh với nhau, tạo ra nhiều “hợp tử người mới,” sau đó chuyển từ hai đến bốn phôi non vào tử cung để tăng xác suất làm tổ của phôi và khả năng phát triển của phôi thai. Các phôi còn lại sẽ được đông lạnh để dùng lại, nếu lần cấy thứ nhất không thành công, hoặc sẽ được dùng cho các mục đích nghiên cứu khác.
b. Chẩn đoán di truyền tiền cấy phôi vào tử cung (Pre-implantation Genetic Diagnosis PGD)[6]
PGD là một cách thức rà soát tiền cấy phôi có thể thực hiện bởi kỹ thuật được dùng trong IVF. Trước khi chuyển phôi vào tử cung, các phôi được phân tích chất liệu di truyền để chọn lọc phôi tốt thì giữ lại và phôi có bất thường di truyền thì loại bỏ. PGD thường được thực hiện khi cha mẹ có nguy cơ bệnh lý di truyền hoặc mẹ lớn tuổi.
c. Chuyển hợp tử vào trong vòi fallop (ZIFT- Zygote Intra-Fallopian Transfer)
Kỹ thuật tương tự như IVF nhưng thay vì chờ phôi phát triển vài ngày trong tủ ủ như IVF, hợp tử ngay khi vừa thụ tinh được chuyển vào vòi Fallope để phôi phát triển trong cơ thể người mẹ sớm.
d. Bơm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI Intra-Cytoplasmic Sperm Injection)
Là phương pháp tương tự IVF nhưng có thay đổi chút ít. Kích thích buồng trứng bằng nội tiết tố, lấy noãn như tiến trình IVF. Một tinh trùng khỏe mạnh duy nhất được chích vào trong bào tương của một noãn. Tiến trình được thực hiện dưới kính hiển vi cùng với nhiều vi dụng cụ. Khi noãn được cố định, nhà chuyên môn bơm tinh trùng vào bào tương noãn bằng một micropipette. Sau đó noãn (cùng với tinh trùng bên trong) được đặt vào môi trường cấy để thụ tinh xảy ra. Phôi được đặt vào tủ ủ khoảng ba – năm ngày rồi chuyển vào tử cung.
Với hiểu biết cơ bản về kỹ thuật thụ thai nhân tạo, chúng ta tìm hiểu giáo huấn Giáo hội.
II. KINH THÁNH VÀ TRUYỀN THỐNG GIÁO HỘI THẤU HIỂU VÀ ĐỒNG CẢM VỚI NỖI THỐNG KHỔ CỦA VỢ CHỒNG VÔ SINH
Thánh Kinh cho thấy gia đình đầy đủ con cái là một trong các dấu chỉ ơn phúc của Thiên Chúa: “Này, con cái là hồng ân của Chúa, con mình sinh hạ là phần thưởng Chúa ban” (Tv 127, 3). Nỗi thống khổ của các đôi vợ chồng không con cái được miêu tả rõ ràng trong tâm tình của Abraham thưa với Chúa: “Lạy Đức Chúa, Chúa sẽ ban cho con cái gì? Con ra đi mà không con cái” (St 15,2) hay của Rakhen khóc than với chồng: “Hãy cho tôi được có con, không thì tôi chết mất” (St 30,1). Thật vậy, không chỉ các đôi vợ chồng ở trong hoàn cảnh vô sinh mà cả vợ chồng đầy đủ con cái cũng đều cảm nghiệm sâu xa rằng “Con cái đúng là món quà cao quý nhất của hôn nhân, góp phần căn bản vào hạnh phúc của cha mẹ”.[7]
III. GIÁO HUẤN GIÁO HỘI VỀ HÔN NHÂN VÀ VIỆC TẠO SINH CON NGƯỜI
Chúng ta tiếp tục theo dõi câu chuyện sinh con của chị Kim Dung. Quả thật, nhìn hai bé trai xinh xắn, lòng tôi cũng “tan chảy”vì yêu mến, nhưng lại rất nghĩ ngợi. Niềm vui sự sống mới nảy sinh còn đó thì vài vấn nạn đã được đặt ra. Ngày 31/12/2013, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực – Bộ Tư pháp Nguyễn Văn Toàn phân tích, do khoảng trống pháp luật, hai bé ra đời bằng tinh trùng lấy từ tử thi người cha coi như con ngoài giá thú, chưa thể làm khai sinh tên cha. Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cũng phân tích, quy định về đăng ký khai sinh hiện nay chưa tính đến trường hợp này. Tuy nhiên, ông cho rằng áp dụng quy định về con sinh ngoài giá thú cho cặp song sinh này cũng không đúng, cần nghiên cứu thêm, và bổ sung luật hiện hành.[8] Thạc sĩ Luật học Bùi Tiến Đạt, nghiên cứu sinh tại Úc chia sẻ: “Người vợ lấy tinh trùng của chồng đã chết để thụ tinh nhân tạo. Người đã chết liệu có quyền có con theo cách này không?… Người vợ có được quyền làm như vậy mà không quan tâm đến ý muốn của chồng? Giả sử chồng không muốn thì sao”. Ngoài ra, còn vấn đề thừa kế sau này, Luật sư Giang Văn Quyết nhận định, “…việc sinh con sau như thế này cũng sẽ ảnh hưởng đến quyền thừa kế, quyền khai sinh của đứa trẻ chứ không đơn thuần chỉ dừng lại ở quan hệ mẹ con”.[9]
Những ai ủng hộ việc thụ thai nhân tạo hai bé có bao giờ nghĩ đến sự kiện hai bé ngay trong bào thai đã chịu nỗi bất hạnh bị áp đặt bởi chính người mẹ yêu thương mình, tuy người mẹ hoàn toàn không mong muốn: mồ côi cha. Hơn nữa, dù khi sống, anh Ngọc, chồng chị Dung, đã có lần bày tỏ ý muốn có thêm con trai. Nhưng liệu anh Ngọc có muốn tạo ra hai đứa con mồ côi cha từ khi con còn chưa hiện hữu trong bụng mẹ? Vừa ra đời, căn tính của hai bé cũng trở nên câu hỏi: khai sinh cha như thế nào? (Dù sao, phía chính quyền cũng tỏ ra thấu hiểu hoàn cảnh đặc biệt mới nảy sinh. Ngày 10/1/2014 cặp song sinh đã được làm giấy khai sinh mang họ bố).[10] Chính chị Dung cũng nhìn nhận, bên cạnh niềm hạnh phúc lớn lao có được hai đứa con trai mang hình ảnh người chồng yêu dấu, chị thấm thía nỗi cô đơn và gánh nặng khi một mình mang thai, nuôi ba con nhỏ, và phải nhận sự trợ giúp từ người thân, bạn bè và xã hội.
Từ vài vấn nạn trên, chúng ta có lẽ bắt đầu dễ mở lòng hơn lắng nghe giáo huấn Giáo hội.
1. Hoàn cảnh ra đời của một con người phải là hôn nhân và gia đình
Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và được mời gọi tham dự vào tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi hằng sống.[11] Hình ảnh Thiên Chúa được khắc ghi nơi mỗi người và con người được mời gọi trở nên “con của Thiên Chúa” (Ga 1,12) nhờ Ngôi Lời Nhập Thể. Con người phải thể hiện được hình ảnh Thiên Chúa nơi chính mình và đời sống mình. Chính vì phẩm giá con người cao cả như thế, nên hoàn cảnh ra đời cũng phải xứng hợp, đó là hôn nhân và gia đình: “Cội nguồn của sự sống con người phải ở trong một bối cảnh chân thực của nó là hôn nhân và gia đình, trong đó nó được sinh hạ nhờ một hành động biểu lộ tình yêu hỗ tương giữa người nam và người nữ” (DP, s.6). Sinh con và nuôi dạy con cái lớn khôn toàn diện là trách nhiệm nặng nề, vì thế, “đứa trẻ có quyền được thụ thai, được cưu mang trong dạ mẹ, được sinh ra và được nuôi dưỡng trong hôn nhân: chính là nhờ mối tương quan được bảo đảm và thừa nhận với cha mẹ mình mà đứa trẻ ấy có thể khám phá căn tính của riêng mình và đạt đến sự phát triển con người đích thực của nó.”[12]
Khi dứt khoát chối từ mọi đối tượng khác và tự do ưng thuận bước vào đời sống hôn nhân, các đôi vợ chồng đã hoàn toàn trao hiến cho nhau, đã thiết lập nhau thành những người bất khả thay thế và không chia lìa được, và vì thế, họ làm cho chính mình đủ tư cách để thực hiện những chuyện rất “riêng biệt và độc quyền”: hành vi kết hợp thân xác và đón nhận hồng ân sự sống. Cả hai cùng nhau chia sẻ và gánh vác trách nhiệm nuôi nấng sự sống ấy lớn lên. Vì lẽ đó, hành vi trao hiến vợ chồng và đón nhận hồng ân sự sống chỉ được xứng hợp trong bối cảnh gia đình.
2. Ý nghĩa của hành vi vợ chồng
Hiến chế Gaudium et Spes khẳng định hành vi vợ chồng trong bối cảnh hôn nhân và gia đình “là hành vi cao quí và chính đáng” (số 49.) Nó làm thăng tiến việc tự trao ban cho nhau của đôi vợ chồng và mở ngỏ cho việc truyền sinh sự sống. Hành vi này mang tính kết hợp, chia sẻ thân mật và độc quyền, bởi lẽ nơi hành vi này, vợ chồng tương quan với nhau theo một cách thức độc nhất và không thể thay thế. Qua hành vi vợ chồng, họ trở nên “một xương một thịt” như lời Đức Piô XII nhận xét: “hành vi vợ chồng, tự cấu trúc bản chất của nó, là một hành động của con người, là một sự tự trao ban trực tiếp và đồng thời của người chồng và người vợ cho nhau để làm nên một sự kết hợp “một xương thịt” theo ngôn ngữ Thánh Kinh.”[13]
Tự trong bản chất, có một ý nghĩa kép của sự kết hợp và truyền sinh của hành vi vợ chồng: “tự bản tính sâu xa của nó, hành vi hôn nhân liên kết chặt chẽ hai vợ chồng, giúp họ tạo thành những đời sống mới theo đúng những định luật cố hữu nằm ngay trong bản thể con người nam và người nữ”[14] Nói cách khác, hiện hữu mối liên kết bất khả phân ly giữa ý nghĩa kết hợp và truyền sinh của hành vi vợ chồng. Trong hành vi này, vợ chồng được trở nên cộng sự của Thiên Chúa trong công trình tạo dựng con người: “Qua việc hiến thân cho nhau,… hai người hướng đến sự hiệp thông nên một để hoàn thiện con người của nhau, hầu cộng tác với Thiên Chúa để sinh ra và giáo dục những sự sống mới.” (DP. s. 6). Như thế, khi tách rời sự truyền sinh khỏi hành vi vợ chồng, con người đã xâm phạm đến chính nội tại phẩm giá con người, và con người bị trở nên “kém” hơn điều chính con người phải là, và đồng thời, hình ảnh Thiên Chúa nơi con người cũng bị xâm phạm. Thật vậy, ở các động vật khác, hành vi tính giao giữa con đực và con cái chỉ có ý nghĩa sinh sản, được thúc đẩy bởi bản năng. Tôi không phủ nhận, ở vài loài động vật như vượn, khỉ, cũng có tình cảm ở một mức độ nào đó khi con đực và con cái kết giao. Nhưng chỉ con người mới có sự kết hợp toàn diện thể xác, tình cảm, tâm hồn, thiêng liêng trong hành vi giao hợp, và chính Thiên Chúa hiện diện trong hành vi đó khi hai thể xác và hai tâm hồn nên một. Vậy ta có thể nói, hơi khó nghe nhưng đúng bản chất, khi sự tạo sinh con người mới không ở trong bối cảnh kết hợp vợ chồng, sự sinh sản chỉ ở tầm mức giống các động vật khác mà thôi. Trong thụ thai nhân tạo, sự sinh sản con người bị hạ thấp, chỉ mang tính máy móc kỹ thuật trong một quy trình “làm ra”, “sản xuất” ra. Đây là điểm Giáo hội đặt trọng tâm.
3. Trong hành vi vợ chồng, sự sống con người được “sinh ra,” không phải được “làm ra”
Trở lại câu chuyện sinh đôi trên đây, lần đầu tiên dự định chuyển phôi không thành do chị Dung bị quá kích buồng trứng. Bác sĩ Lê Vương Văn Vệ, giám đốc Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội, người trực tiếp trữ đông tinh trùng lấy từ tử thi người chồng và làm thụ tinh nhân tạo cho chị Dung, phải đưa phôi vào trữ đông lại và một thời gian sau mới chuyển phôi lần hai. Câu nói đùa của bác sĩ Vệ khiến người đọc suy tư: “Chúng tôi vẫn đùa rằng nếu hai bé này sau làm bác sĩ, chúng có thể kể với đồng nghiệp là đã vào tủ đá hai lần, đều ở nhiệt độ -196OC. Ở nhiệt độ ấy, đá cứng hơn cả sắt.”[15] Thật là hai đứa bé giống như một đồ vật nào đó, có thể được ông bác sĩ cất vào tủ đá và có toàn quyền quyết định cho hai bé sống hay chết!
Giáo hội dạy, trong hành vi vợ chồng, vợ chồng không “làm ra” đứa bé, nhưng họ trao ban tình yêu cho nhau qua cử chỉ trao hiến thân xác cho nhau và mở ra với hồng ân sự sống con người. Đứa bé được sinh ra qua hành vi vợ chồng là một ân ban của Chúa: “Con người ra đời phải là hoa trái của hành động trao hiến hỗ tương của cha mẹ, và được thể hiện nơi hành vi vợ chồng. Trong hành vi đó, người nam và người nữ cộng tác với công trình của Đấng Tạo Hóa, trong tư cách là những tôi trung chứ không phải như những chủ nhân” (DV II. B, c. 4c). Điều cần nhấn mạnh, trong việc tạo sinh sự sống mới, có chính Thiên Chúa hiện diện và làm chủ: cha mẹ sinh con theo định luật tự nhiên mà Thiên Chúa ghi khắc nơi bản tính người nam, người nữ khi tạo dựng con người, và chính Thiên Chúa tạo dựng linh hồn cho sự sống mới. Mọi người đều là hình ảnh Thiên Chúa, nên tự bản chất, đứa bé cũng là một ngôi vị như cha mẹ mình. Vì thế, con cái không thể được xem như “sản phẩm” của cha mẹ, được cha mẹ hay các nhà khoa học “làm ra” hay “sản xuất” và có toàn quyền trên sự sống chết và nhân vị của nó.
IV. GIÁO HUẤN GIÁO HỘI VỀ THỤ THAI NHÂN TẠO
Tôn trọng khả năng chuyên môn của từng ngành khoa học, Huấn quyền không can thiệp vào lãnh vực riêng của y khoa. Tuy nhiên Huấn quyền nhắc nhở khi áp dụng các thành quả y khoa vào con người, các nhà khoa học có trách nhiệm luân lý phải tôn trọng mọi nhân vị, trong mọi giai đoạn cuộc sống, và các can thiệp sinh sản phải bảo đảm tính đặc thù của các hành vi nhân vị truyền thông sự sống. Bởi sứ mạng đào luyện lương tâm, Huấn quyền can thiệp bằng cách đưa ra các nguyên tắc luân lý phát xuất từ chính bản tính con người (x. DP 10).
Giáo hội không loại trừ tiên thiên các kỹ thuật thụ thai nhân tạo. Nếu kỹ thuật nào không thay thế hành vi vợ chồng, mà chỉ trợ giúp hành vi vợ chồng đạt đến mục tiêu truyền sinh của nó, thì được chấp nhận về mặt luân lý (x. DV, II, B, 6, được trích lại trong DP 12).
Trước hết, thụ thai nhân tạo dị ngẫu bị loại trừ do xúc phạm bản chất đơn nhất của hôn nhân (x. DP 12). Hôn nhân công giáo thiết lập chỉ có người chồng mới có quyền làm cha của con mình, và cũng như vậy, chỉ có người vợ mới có quyền làm mẹ sinh ra con mình. Phẩm giá của đứa con đòi buộc đứa con phải là hoa trái của hôn nhân, căn tính của đứa con phải được xác định bởi người cha và người mẹ trong hôn nhân. Thụ tinh nhân tạo dị ngẫu là điều đối nghịch luân lý: “Việc thụ tinh nhân tạo dị ngẫu nghịch lại với sự kết hợp trong hôn nhân, và phẩm giá của đôi vợ chồng, nó trái với ơn gọi riêng của cha mẹ, và trái với quyền của đứa con được thụ thai và được ra đời trong hôn nhân và từ hôn nhân.” (DV, II. A, 2)
Thụ thai nhân tạo đồng ngẫu cũng không được chấp nhận vì tất cả các kỹ thuật đang được áp dụng hiện nay đều thay thế hành vi vợ chồng, tách rời việc truyền sinh khỏi bối cảnh hoàn toàn nhân linh của hành vi vợ chồng – bối cảnh duy nhất xứng hợp để một nhân vị ra đời.Ngay cả phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) là phương pháp điều trị vô sinh đầu tay và được áp dụng phổ biến nhất, và được đánh giá là kỹ thuật điều trị vô sinh hiệu quả nhất hiện nay, mà nhiều người, ngay cả một số linh mục, lầm tưởng là có thể chấp nhận về mặt luân lý vì sự thụ tinh xảy ra trong cơ thể người nữ, cũng không được chấp nhận vì nó vẫn thay thế hành vi vợ chồng.[16] Ngoài ra, tinh trùng có được trong phương pháp này thường do thủ dâm, là một hành vi không hợp luân lý mà do giới hạn bài viết, tôi không bàn đến ở đây.
Trong gần mười năm dạy môn Luân lý y sinh học, tôi nhiều lần được các học viên chất vấn, hay phàn nàn rằng Huấn quyền quá cứng ngắc, câu nệ. Họ lý luận rằng: đúng là lý tưởng khi đứa bé được sinh ra trong bối cảnh hôn nhân, qua hành vi vợ chồng; nhưng có trường hợp quá đau khổ, thậm chí đe dọa tan vỡ hôn nhân vì vô sinh, thì thôi “có còn hơn không”, vợ chồng cứ làm thụ thai nhân tạo, tuy cách thức không phù hợp lắm, nhưng có được đứa con!
Thưa các bạn, trong luân lý Công giáo, “mục đích không biện minh cho phương tiện”, mục đích tốt phương tiện cũng phải tốt. Thí dụ, không phải vì muốn giúp người nghèo mà tôi có thể tham nhũng. Về tầm quan trọng của cách thức, ông bà tổ tiên ta nói “cách cho quý hơn của cho”. Các bạn có đồng ý, cùng là ăn uống, nhưng con người ăn uống thì khác với “chó, mèo” ăn uống! Văn hóa Việt Nam ta còn có cả một bộ môn về nghệ thuật ăn uống cơ mà. Một thí dụ khác, các bạn nam đã yêu và từng yêu, có lần muốn tỏ tình với cô gái trong mộng của mình, đem tặng cô ấy một bó hồng mà bạn đã bỏ hàng giờ ra để lựa mua, gói giấy thật đẹp trang trọng, nhưng cô ấy lại chẳng màng tới, đã thế, lại quăng bó hoa dưới đất và đạp lên nó!!! Có lẽ lúc ấy chẳng những bó hoa tan nát, mà quan trọng hơn, con tim bạn đang tan vỡ, đúng không nào?
Vậy thì bạn hình dung đi, con người mang hình ảnh Thiên Chúa, khi con người bị xúc phạm, thì chính hình ảnh Thiên Chúa nơi con người cũng bị xúc phạm. Thân xác con người là đền thờ Chúa Thánh Thần, khi thân xác con người bị xúc phạm, thì chính Chúa Thánh Thần bị xúc phạm! Một thí dụ khác, trên đời này mạng sống là một trong các giá trị cao quý nhất, thế nhưng có vị thánh tử đạo đã thà mất mạng sống còn hơn bước qua thập giá gỗ! Một thập giá gỗ có gì đâu, nhưng sâu xa, đó là biểu tượng niềm tin của tôi vào Thiên Chúa; đạp qua thập giá gỗ thô sơ đó là tôi chối bỏ Đấng tôi tôn thờ. Cuộc sống ngày nay của chúng ta có nhiều điều đòi hỏi “tử đạo” tương tự như thế nếu chúng ta muốn sống niềm tin nghiêm túc. Như tôi đã phân tích ở trên, tạo ra đứa trẻ ngoài hành vi vợ chồng là xúc phạm đến phẩm giá đứa bé, và xúc phạm đến chính Thiên Chúa. Chấp nhận đau khổ, không làm thụ thai nhân tạo, cũng là một cách tử đạo ngày nay mà không mất mạng sống đó bạn ạ.
Ngoài ra, các kỹ thuật của thụ thai nhân tạo, mục đích đầu tiên là phục vụ sự sống và thường được thực hành với ý hướng này, thực tế mở ra các tấn công mới đối với sự sống con người. Các kỹ thuật này gây ra nhiều vấn nạn luân lý. Chẳng hạn, do tỉ lệ thất bại cao, thất bại cả trong việc thụ tinh và còn nguy cơ chết trong sự phát triển tiếp sau đó của phôi, và để giảm giá thành, các nhà chuyên môn thường tạo ra số phôi nhiều hơn nhu cầu cho việc cấy vào tử cung người phụ nữ. Các phôi này, gọi là “phôi dư”, sau đó bị phá hủy hoặc dự trữ đông lạnh để dùng trong nghiên cứu, với danh nghĩa vì sự tiến bộ khoa học, thực chất hạ thấp sự sống con người xuống cấp độ chỉ là một “chất liệu sinh học” có thể tùy nghi sử dụng (x. EV 14). Hơn nữa, trước khi cấy vào tử cung, các phôi sẽ được phân loại di truyền tốt xấu, phôi tốt được giữ lại, phôi xấu bị loại bỏ. Sau hết, đa thai là một hậu quả khác của thụ thai nhân tạo, và để bảo đảm thai phát triển tốt, nhiều khi bác sĩ sẽ thực hiện phá thai chọn lọc, giữ lại thai mạnh khỏe và bỏ thai yếu hay dị tật. Cả thầy thuốc và cha mẹ thực hành chủ thuyết ưu sinh, vốn đi ngược lại phẩm giá con người.
Theo giáo huấn Giáo hội, phôi người ngay từ lúc trứng thụ tinh đã khởi đầu sự sống của con người, phải được tôn trọng và đối xử như con người và do đó cùng lúc, quyền con người của phôi thai phải được nhìn nhận.[17] Bộ Giáo lý đức tin dạy rằng: “Từ lúc trứng thụ tinh, một đời sống mới bắt đầu không phải của người cha, cũng không phải của người mẹ; mà đúng hơn là một con người mới với khả năng tăng trưởng riêng của mình. Hữu thể người này không bao giờ có thể là người nếu nó không phải đã là người.” (Declaration on Procured Abortion, 12)… “Giáo huấn này vẫn còn giá trị và được xác định hơn… bằng những khám phá mới đây của khoa Sinh học con người nhìn nhận rằng trong hợp tử phát xuất từ thụ tinh, căn tính sinh học của một cá thể người mới đã được cấu thành.” (DV, I,1.)
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II giải thích thêm: “Bộ gen di truyền xuất hiện như yếu tố cấu tạo và tổ chức của cơ thể… nó điều khiển và chi phối tính thành viên loài người, nối kết di truyền và những đặc trưng thân thể và sinh học của tính cá thể. Nó có ảnh hưởng quyết định trên cấu trúc của hiện hữu thể lý từ lúc khởi đầu thụ tinh cho đến cái chết tự nhiên. Chính trên cơ sở của sự thật nội tại của bộ di truyền, đã hiện diện ngay lúc tạo sinh, khi mà bộ di truyền của người cha và người mẹ hợp nhất, mà Giáo hội đảm nhận chính mình công việc bảo vệ phẩm giá của mỗi người ngay từ lúc khởi đầu sự hiện hữu của người ấy.”[18]
Do đó, Ngài tuyên bố: “Với uy quyền mà Đức Kitô trao cho Phê-rô và những người kế vị ngài, và trong sự hiệp thông với các giám mục của Giáo hội Công giáo, tôi xác nhận rằng việc trực tiếp và cố ý giết con người vô tội luôn luôn là điều bất luân nghiêm trọng. Giáo lý này, dựa trên luật không văn tự mà con người, dưới ánh sáng của lý trí, tìm thấy trong tim mình (x. Rm 2, 14-15), được Thánh Kinh tái khẳng định, Truyền thống của Giáo hội lưu truyền, và được Huấn quyền thông thường và phổ quát giảng dạy” (EV 57).
Như vậy, trữ đông lạnh phôi là xúc phạm phẩm giá con người. Dùng phôi làm nghiên cứu, hủy các phôi có bất thường bệnh lý, là phá hủy sự sống con người giai đoạn sớm. Ngoài ra, xã hội còn nhiều vấn nạn luân lý khác trong thực hành thụ thai nhân tạo dị ngẫu: bán tinh trùng, bán trứng, thuê người mang thai hộ, hôn nhân đồng huyết thống sau này khi các đứa con thụ thai nhân tạo lớn lên (vì các người cho tinh trùng, cho trứng được giữ kín danh tính), thụ thai nhân tạo cho các cặp hôn nhân đồng tính, cho cô gái già chưa chồng… Bạn thử tìm trên trang mạng với cụm từ “bán trứng”, “bán tinh trùng”, bạn có thể thấy “một chợ chồm hổm” loạn xà ngầu với đủ thứ rao “hàng”, quảng cáo liên quan việc “làm ra” con người. Các giá trị gia đình của truyền thống, môi trường nhân bản bị hủy hoại.
V. VÀI KỸ THUẬT HỖ TRỢ SINH SẢN CÓ THỂ CHẤP NHẬN VỀ MẶT LUÂN LÝ
Huấn thị “Hồng Ân Sự Sống” (Donum Vitae) do Bộ Giáo lý đức tin ban hành năm 1987, và cả tài liệu cập nhật của nó là “Phẩm giá nhân vị” (Dignitas Personae) ban hành năm 2008, không nói rõ một kỹ thuật hỗ trợ sinh sản nào thỏa mãn được nguyên tắc đưa ra để có thể được chấp nhận về mặt luân lý, ngoài nguyên tắc chính là bất cứ kỹ thuật nào thay thế hành vi vợ chồng đều không thể chấp nhận. Vì vậy về điểm này, chỉ dựa vào ý kiến hữu lý của một số thần học gia.[19] Sau đây là vài kỹ thuật hỗ trợ sinh sản mà một số thần học gia biện luận cho rằng có thể được chấp nhận về mặt luân lý Công giáo. Trong mọi trường hợp, phải hiểu rằng các biện pháp này được sử dụng hợp luân lý chỉ trong bối cảnh vợ chồng.
1. Thủ thuật nhằm tái định vị tinh trùng hay noãn trước hay sau hành vi giao hợp
- Trường hợp tắc nghẽn tại vị trí mào tinh: di chuyển tinh trùng qua chỗ nghẽn ở mào tinh trước khi thực hiện hành vi giao hợp.[20] Hoặc,trường hợp tinh trùng kém di chuyển, sau khi giao hợp, dùng syringe hút tinh dịch từ âm đạo và đẩy nó vào tử cung và vòi fallop.[21]
- Chuyển noãn vào đoạn dưới ống dẫn trứng (LTOT Low Tubal Ovum Transfer): áp dụng trong trường hợp vòi trứng bị tắt nghẽn hay tổn thương. Tiến trình này bắt đầu bằng dùng thuốc kích thích buồng trứng người nữ để tạo nhiều noãn trưởng thành. Cặp vợ chồng giao hợp ngay trước thời gian dự đoán trứng rụng. Ngay sau đó, nội soi ổ bụng để lấy noãn và đặt noãn vào đoạn vòi trứng dưới chỗ nghẽn hay vào trong tử cung, và cặp vợ chồng thực hiện giao hợp lần nữa để tăng cơ hội thụ tinh. Mặc dù thủ thuật này được xem như có thể chấp nhận về mặt luân lý bởi Tổng giám mục Daniel Pilarczyk của Cincinnati vào năm 1983[22] cũng như được ủng hộ bởi ý kiến thần học[23], nó không còn được sử dụng vì tỉ lệ thành công rất thấp.[24]
2. Tạm thời đem tinh dịch ra ngoài sau hành vi giao hợp
Sau hành vi giao hợp, tinh dịch được hút khỏi âm đạo, xử lý để nâng cao nồng độ tinh trùng, hoặc lọc rửa loại các chất độc làm yếu hay bất hoạt tinh trùng rồi bơm lại tinh trùng vào âm đạo.
Tuy nhiên, các thủ thuật này hầu như không áp dụng vì hiệu quả không đáng kể.
KẾT LUẬN
Giáo hội đánh giá cao các nỗ lực nghiên cứu của các nhà khoa học trong lãnh vực thụ thai nhân tạo nhằm giúp các cặp vợ chồng vô sinh có được đứa con mà họ khao khát. Tuy nhiên, Giáo hội nhấn mạnh cần để ý đến nhân phẩm của đứa bé được thụ thai, cũng như tính thánh thiêng của hôn nhân. Việc dùng khoa học kỹ thuật can thiệp vào tạo sinh phải giữ được sự kết hợp vợ chồng cách tự nhiên và tôn trọng tính thánh thiêng sự sống con người ngay từ lúc khởi đầu. Giáo hội kêu gọi các nhà thần học, các nhà giáo dục giúp giáo dân đào sâu và hiểu biết hơn và những lời dạy của Huấn quyền về vấn đề giới tính và hôn nhân. Qua đó, cùng với Giáo hội, họ bênh vực và bảo vệ những giá trị cao quí của con người, giúp con người có một cuộc sống xứng với phẩm giá nhân vị.
Là người Kitô hữu, “mọi người đều phải ý thức rằng sự sống con người và nhiệm vụ lưu truyền sự sống không chỉ bị giới hạn ở đời này, việc đánh giá chân thật và ý nghĩa đầy đủ của chúng chỉ có thể hiểu được khi quy chiếu về vận mệnh vĩnh cửu của con người” (GLGHCG 2371).
Trong 1 Sm 1,1-8, câu nói của Elkanah rất có ý nghĩa, ông khuyên nhủ vợ mình là Hannah, khi bà ấy khóc lóc không chịu ăn uống vì không thể sinh con: “Tại sao em khóc, tại sao em không ăn? Anh đây không tốt hơn mười đứa con trai sao?” Quả vậy, yêu nhau thực sự, đau khổ sẽ làm hai người gắn bó, cần đến nhau hơn. Tuy đồng cảm với nỗi thống khổ của các cặp vợ chồng vô sinh, Tòa Thánh kêu gọi các cặp vợ chồng đó, sau khi đã điều trị vô sinh bằng các biện pháp chính đáng mà không thành công, thì hãy chấp nhận “thân phận người” với các giới hạn không thể vượt qua. Lúc ấy, vợ chồng được mời gọi đón nhận thánh giá, cùng với Chúa Giêsu trên thánh giá dâng hy lễ lên Chúa Cha. Vợ chồng cố gắng vượt qua nỗi đau riêng, mở lòng đối với các trẻ mồ côi bơ vơ, đón nhận chúng vào mái ấm tình thương của gia đình mình, cho các em cơ hội thăng tiến. Đó cũng là sống tình liên đới. Kinh hòa bình của Thánh Francis Assisi nhắc nhở: “chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân”, khi quên mình thì gặp lại cái tôi đích thật mang hình ảnh Thiên Chúa. Kinh nghiệm của nhiều cặp vợ chồng vô sinh nuôi con nuôi cho thấy hạnh phúc do đứa con nuôi ấy mang lại cũng thật nhiệm mầu bao la.
------------
[1] Lan Anh, “Thành tựu của tình yêu và y học”, 29/12/2013
[2] X. Sứ điệp của Đức Gioan Phaolô II ngày Quốc tế Giới trẻ năm 2002, được Đức Hồng Y Nguyễn văn Thuận dùng lại trong lời giới thiệu về “Sứ điệp lao tù”.
[3] X. Kim Thao, “Quan Niệm Về Thần Học Luân Lý Theo Thánh Tôma”,
[4] Theo BS Hồ Mạnh Tường, “Thụ tinh nhân tạo bằng phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung”,
[5] Hình 1.2.3.4.6 và 7 lấy từ http://www.fertilityspecialist.co.za/services/articificial-insemination/ Lấy ngày 30/6/2008
[6] [7] Hiến Chế Mục Vụ, số 50.
[8] P. Thảo, “Trẻ sinh ra từ tinh trùng tử thi: Chưa thể khai sinh theo họ cha”, http://dantri.com.vn/suc-khoe/tre-sinh-ra-tu-tinh-trung-tu-thi-chua-the-khai-sinh-theo-ho-cha-822027.htm (31/12/2013).
[9] “Pháp luật ‘bỏ ngỏ’ vụ sinh con nhờ tinh trùng chồng đã chết” (31/12/2013)
[10] Tuấn Hợp, “Cặp song sinh ‘đặc biệt’ đã được khai sinh theo họ bố”,
[11] Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn Thị Dignitas Personae DP, s. 8.
[12] Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn Thị Donum Vitae, DV, phần Giới Thiệu, câu hỏi 6.
[13] Pius XII, Address to Midwives, 29/10/1951. http://www.fisheaters.com/addresstomidwives.html (tra cứu 28/03/2013).
[14] Paul VI, Thông điệp Humanae Vitae, số 12.
[15] Lan Anh, Tâm Lụa, “Chuyện tình ‘cổ tích’ thời nay”,
[16] Có thể tham khảo kỹ thuật thụ tinh nhân tạo bằng phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung ở bài viết của BS. Hồ Mạnh Tường, “Thụ tinh nhân tạo bằng phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung” http://www.giaoducsuckhoe.net/article.asp?articleID=539&CategoryID=3&Sub…
[17] Bộ Giáo lý Đức Tin, “Instruction on Respect for Human Life in Its Origin and on the Dignity of Procreation,” (Rome, 22/2/1987), Donum Vitae, Origins (Vol.16, n.40, 3/ 1987) 701.
[18] Gioan Phaolô II, “Address to the Fourth General Assembly of the Pontifical Academy for Life (24/2/1998) L’Observatore Romano, 25/2/1998, 5.
[19] “Theological opinion on permissible assisted reproductive technologies (ART)” http://www2.loras.edu/~CatholicHE/Arch/Sexuality/ART2.html
[20] John W. Carlson, “Interventions Upon Gametes in Assisting the Conjugal Act toward Fertilization” , trong Kevin William Wildes, S.J. (ed.), Infertility: A Crossroad of Faith, Medicine, and Technology (Boston: Kluwer, 1997), tr. 109.
[21] Orville N. Griese, Catholic Identity in Health Care: Principles and Practice (Braintree, MA: Pope John Center, 1987), tr. 42, 45; Carlson, “Interventions Upon Gametes in Assisting the Conjugal Act toward Fertilization”, tr. 111.
[22] Letter of Archbishop Daniel Pilarczyk to Thomas Hammer, Chair of the Board of Trustees, St. Elizabeth Medical Center, Dayton, Ohio; Peter Feuerherd, New Hospital Infertility Program seen as a Blessing The Catholic Telegraph, Cincinnati, Ohio, 9/9/ 1983 at 124.
[23] X. Donald McCarthy, “Should Catholic Hospitals Encourage Low Tubal Ovum Transfers?” Hospital Progress (March 1984): 55-6; DeMarco, “Catholic Moral Teaching and TOT/GIFT”, tr. 126; William May, “Catholic Teaching on the Laboratory Generation of Human Life”, in Marilyn Wallace, RSM and Thomas W. Hilgers (eds.), The Gift of Life The Proceedingsof a National Conference on the Vatican Instruction on Reproductive Ethics and Technology (Omaha, NB: Pope Paul VI Institute Press, 1990), tr. 87.
[24] DeMarco, “Catholic Moral Teaching and TOT/GIFT,” p. 127; David S. McLaughlin, “A Scientific Introduction to Reproductive Technologies” trong Donald G. McCarthy (ed.), Reproductive Technologies, Marriage and the Church (Braintree, MA: Pope John Center, 1988), tr. 64.