Paul Cao Chu Vũ, OP.
Phái tính là một thực tại huyền nhiệm nơi bản tính con người. Con người ta đã sống và trải nghiệm rất thực về phái tính. Thế nhưng, lại có những quan điểm rất bất đồng về nó giữa các trường phái triết học, các tôn giáo, và các nền văn hoá, trải qua nhiều thời đại văn minh nhân loại. Có người cho rằng, phái tính là xấu xa, tội lỗi, chỉ mang lại những điều bất hạnh, đổ vỡ, huỷ hoại bản thân và xã hội. Còn ý kiến ngược lại cho rằng phái tính là một thực tại ẩn chứa những vẻ đẹp huyền nhiệm của sự sống. Nó chỉ có ở nơi con người. Nó có một năng lực sáng tạo những điều kỳ diệu. Nó là một món quà kỳ diệu mà Đấng Tạo Hoá đã đặt định và ban cho mỗi người khi cho họ hiện hữu trên mặt đất. Còn nhân học Kitô giáo nói gì về phái tính? Nó đẹp hay xấu? Nó góp phần sáng tạo sự sống hay phá huỷ sự sống? Thực tại ấy có ý nghĩa gì đối với con người?
Giáo Hội Công giáo nhìn nhận “phái tính ảnh hưởng trên toàn bộ con người, cả xác và hồn. Phái tính đặc biệt liên quan đến đời sống tình cảm, khả năng yêu thương và truyền sinh, nói chung mọi tương quan với người khác.”[1] Như vậy, phái tính đã được ban cho con người vì phẩm giá của chính nó trong tương quan với người khác. Vì sao Giáo Hội đã có một cái nhìn rất tích cực và hiện sinh về thực tại phái tính như thế? Chúng ta hãy trở về với Kinh Thánh, nơi Thiên Chúa mặc khải cho chúng ta biết về chính chúng ta- những con người được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa.
I. VẺ ĐẸP CỦA PHÁI TÍNH
Sách Sáng thế kể rằng thuở ban đầu trong vườn địa đàng, Ađam-con người đầu tiên được Đức Chúa tạo dựng, đã không hạnh phúc, vì ông cô đơn. Ađam nhận thấy mình không có được sự hài hoà nội tại mà ông thấy nơi các loài vật khác. Ông thấy mình không đầy, không đủ, không mãn nguyện. Muôn loài vật mà ông đã đặt tên cũng không thể làm ông vui. Ông không tìm được nơi chúng một “ai đó” khả dĩ để có thể là trợ tá tương xứng với ông. Một “ai đó” khác ông, mà cũng giống như ông để bầu bạn với ông. Ađam đã khát khao sự hiện hữu của một “ai đó” để nhìn nhận ông, để đối thoại với ông. Quả thực, niềm khát khao ấy là vô biên và sâu thẳm nơi một kẻ cô đơn.
Đức Chúa thấy con người ở một mình như vậy thì không tốt, nên Người đã tạo dựng cho nó một trợ tá tương xứng với nó (xc. St 2,18). Đức Chúa đã cho Ađam được mãn nguyện niềm khát khao một “ai đó” tương xứng. Trong giấc ngủ mê huyền nhiệm, Đức Chúa đã tạo dựng Eva từ chiếc xương sườn của Ađam, và nàng đã được trao tặng cho Ađam. Ông mừng vui khôn siết. Từ đây có Eva, Ađam không còn là kẻ cô đơn. Ông không thể sống thiếu nàng, nên ông bỏ cha lìa mẹ mà gắn bó với nàng (xc. St 2,24). Vì chỉ ở nơi nàng, ông mới tìm thấy sự hài hoà nơi bản thân. Nàng bổ túc những khiếm khuyết nơi ông và ngược lại. Từ chỗ hiểu nhau và gắn bó với nhau, cả hai dìu nhau bước vào thế giới của sự hiệp thông nên một – “cả hai nên một xương một thịt” (St 2,24). Trong sự hiệp thông “nên một” ấy, con người cảm nghiệm về một mối tương quan có năng lực sáng tạo, làm phát sinh những sự sống mới cho gia đình nhân loại. Đó là ý nghĩa sâu xa của thực tại lưỡng giới nơi con người.
1. Trong tương quan với một kẻ khác phái
Vậy đó, Kinh Thánh mặc khải cho chúng ta biết về ý nghĩa của thực tại phái tính: phái tính được ban cho con người là vì nó khát khao một “ai đó” để thiết lập tương quan. Bởi lẽ, chỉ ở nơi tương quan với tha nhân, con người có lý tính mới tìm được niềm vui và ý nghĩa của sự hiện hữu-Tôi là một “thằng tôi” trước kẻ khác. Nói cách khác, phái tính được ban cho con người để nó làm người cách đúng nghĩa, tức là thể hiện vẻ đẹp của mình trước kẻ khác. Nhờ có phái tính, con người vượt qua sự cô đơn và ấu trĩ của bản thân để đến với tha nhân. Hẳn Thiên Chúa lấy làm mãn nguyện khi nhìn ngắm đôi bạn nam nữ đầu tiên yêu nhau: Thật tuyệt! Người này quan tâm đến người kia trong sự hoà hợp cả hồn lẫn xác. Tự nơi họ toả ra một sức quyến rũ mãnh liệt, toả ra một vẻ đẹp huyền diệu và đầy tràn sức sống. Người này đối với người kia là một món quà lớn lao kỳ diệu Thiên Chúa đã ban tặng cho họ; một món quà không thể thay thế.
Như thế, theo nhân học Kitô giáo, phái tính nơi con người trước tiên thuộc trật tự của tương quan, chứ không chủ yếu nhắm đến chức năng sinh sản.[2] Người nam và người nữ cần đến nhau, tìm đến với nhau trước tiên không phải vì thoã mãn bản năng duy trì nòi giống, nhưng là để gặp gỡ nhau, để cảm thấy hạnh phúc khi yêu và được yêu vì đã trao cho nhau tất cả, đến cả chính bản thân mình. Có thể nói, qua những cảm nghiệm về tương quan với người khác phái, con người nhận ra rằng Thiên Chúa mời gọi họ thể hiện một điều gì đó sâu thẳm trên chính bản thể của mình: qua phái tính, con người được mời gọi thể hiện hình ảnh vô cùng đẹp đẽ và huyền nhiệm của Thiên Chúa- "Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” (St 1,26)
2. Trong tương quan với toàn thể nhân loại
Vẻ đẹp của phái tính không chỉ lôi cuốn đôi bạn nam nữ gặp gỡ nhau trong say đắm, nhưng còn lôi kéo đôi bạn hướng tới toàn thể nhân loại. Thực vậy, Đức Chúa đã truyền cho đôi bạn nam nữ đầu tiên rằng: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất” (St 1,28). Thiên Chúa mời gọi đôi bạn nam nữ cộng tác với Người trong công trình tạo dựng thế giới. Người đã trao cho Ađam một người bạn khác phái không chỉ vì sự hiệp thông làm thoả lòng đôi bạn, mà còn vì từ sự hiệp thông “nên một xương một thịt” ấy Người muốn họ làm thoát thai sự sống mới, làm đầy tràn “sự sống người” trên mặt đất, làm phong phú công trình tạo thành, hợp tác xây dựng thế giới, từ đó góp phần vào sự tồn hữu của nhân loại, của vũ trụ. Vậy nên, thực tại phái tính còn là một ơn gọi “sáng tạo sự sống” được ban cho đôi bạn nam nữ. Họ được mời gọi dự phần vào phúc lành của Thiên Chúa, khi Người cho họ khả năng cộng tác với Người để lưu truyền sự sống và làm phong phú vẻ đẹp công trình sáng tạo của Người.
Như vậy, vẻ đẹp của phái tính không chỉ cuốn hút đôi bạn nam nữ tìm đến nhau để hiệp thông với nhau và cho nhau, mà còn để phát triển và tôn vinh vẻ đẹp của sự sống nhân loại. Vẻ đẹp của phái tính cuốn hút cái toàn thể của đôi bạn nam nữ vào trong cái toàn thể của nhân loại. Đang khi đôi bạn làm đầy tràn bản thân mình bằng sự hiệp thông “nên một xương một thịt” với người bạn khác phái, thì họ cũng làm đầy tràn sự sống của chủng loại mình. Và như thế đôi bạn nhận ra rằng, phái tính được ban cho họ không chỉ là của riêng họ, mà còn là của toàn thể tha nhân. Phái tính không chỉ làm sung mãn bản thân, mà còn góp phần làm sung mãn sự sống của cộng đồng nhân loại.
Tóm lại, phái tính là một ân ban và cũng là một ơn gọi Thiên Chúa ban cho mỗi người vì chính nó và vì toàn thể nhân loại. Phái tính làm cho con người trở nên một “kẻ đẹp” trước sự hiện diện của tha nhân, và làm cho thế giới nên đẹp vì những sự sống mới được sinh ra cho gia đình nhân loại. Vẻ đẹp của phái tính cuốn hút và liên kết mật thiết đôi bạn nên “một xương một thịt”. Một sự hiệp thông kỳ diệu làm phát sinh một sự sống mới, một vẻ đẹp mới nơi một con người mới được sinh ra, một ân ban có tính bản thể và tự tồn, nó mở ra một tương lai cho sự tồn hữu của nhân loại. Tắt một lời, vẻ đẹp của phái tính là vẻ đẹp của sự sống nơi mỗi người và nơi toàn thể nhân loại
Nơi kinh nghiệm bản thân, con người chân nhận những vẻ đẹp huyền nhiệm và sáng tạo của phái tính. Nhưng thật trớ trêu, con người đồng thời nhận ra những nguy cơ tiềm tàng có tính huỷ hoại của phái tính, cụ thể là khả năng tính dục. Con người đẹp đẽ và mỏng manh thế nào, thì tính dục nơi họ cũng đẹp đẽ và mỏng manh thế ấy. Tính dục là một món quà tuyệt vời mà con người có thể trao tặng cho nhau để làm cho nhau nên phong phú, nhưng nó cũng là một nguy cơ đổ vỡ, huỷ hoại đối với những ai không biết trân trọng và đánh giá nó đúng mức, không biết sử dụng nó đúng thời đúng buổi.
II. NGUY CƠ ĐỔ VỠ DO TÍNH DỤC
Sách Sáng Thế đã lý giải mầu nhiệm của sự đổ vỡ nơi con người và nơi nhân loại qua trình thuật “Sa ngã”. Nó cho thấy tình trạng đổ vỡ là hoàn toàn do ý muốn tự do của con người. Khi con người đã có Eva làm bạn và muôn loài làm sở hữu, hẳn ông cảm thấy mình đã đủ. Ông mãn nguyện. Ông thấy mình tự đủ cho mình. Có lẽ vì thế, con người đã không muốn chấp nhận tình trạng thụ tạo của mình; không muốn phụ thuộc vào Đấng Tạo Hoá; muốn được tự do quyết định lấy vận mệnh của mình, tự định đoạt lấy cho mình điều gì là tốt, điều gì là xấu. Tắt một lời, con người đã muốn loại Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, thay vào đó con người tuyệt đối hoá chính mình. Một khi tuyệt đối hoá chính mình và khước từ Thiên Chúa, thì hệ luận tất yếu là con người cũng khước từ tha nhân. Cội rễ của mọi sự đổ vỡ nơi con người và nơi nhân loại là thế.1. Nguy cơ ngẫu thần
Khi tuyệt đối hoá bản thân, con người cũng tuyệt đối hoá mọi khả năng của mình. Ở đây, chúng ta đề cập đến khả năng tính dục nơi con người. Thực vậy, con người sa ngã đã tuyệt đối hoá khoái lạc mà tính dục mang lại; con người tìm kiếm nó chỉ vì nó. Khoái lạc đã đem lại cho con người một trạng thái say đắm ngây ngất. Lý trí con người bị đè bẹp bởi một thứ “điên dại thần bí”, nó lôi kéo con người ra khỏi cuộc sống hạn hẹp phàm nhân, và cho con người tận hưởng một niềm hạnh phúc thần tiên cao độ. Trong trạng thái bị chinh phục bởi sức mạnh của khoái lạc, con người xem tất cả mọi quyền lực trên trời dưới đất đều là thứ yếu-“Tình yêu chinh phục mọi thứ”. Bị khuất phục bởi sự “điên dại thần bí” của khoái lạc, con người đã tôn thờ nó như một vị thần –“Chúng ta hãy chịu khuất phục tình yêu”.
Chính vì tôn thờ thần “khoái lạc” mà nhân vị của kẻ khác phái đã bị chối từ, bị hạ giá, bị đối xử như phương tiện phục vụ thần “khoái lạc”. Kinh Thánh Cựu Ước đã mạnh mẽ lên án và tuyên chiến với thần “khoái lạc”, sản phẩm do con người làm nên. Thực vậy, các cô gái điếm phục vụ trong các điếm thờ đã không bao giờ được đối xử như một con người, nhưng đơn giản được dùng như một phương tiện để khơi dậy “cơn điên thần bí”:[3] Như vậy, thật quá rõ, con người sa ngã đã muốn thống trị kẻ khác phái bằng sức mạnh của khoái lạc tính dục để chứng tỏ thế thượng phong của mình- “Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi."(St 3, 16). Con người đã muốn thần hoá chính mình bằng sức mạnh của khoái lạc tính dục. Tìm kiếm thoả mãn khoái lạc tính dục, con người tôn thờ chính mình.
Và ngày hôm nay, chẳng thiếu những con người đang tôn thờ khoái lạc tính dục. Họ đã và đang làm băng hoại những giá trị của tính dục và niềm hoan lạc chân chính mà tính dục mang lại cho con người. Tính dục thời hiện đại đã bị giản lược. Nó chỉ còn là một hành vi thuần tuý sinh lý- như đói ăn, khát uống, thèm thì hưởng, chẳng còn chút liên hệ gì đến những điều sâu thẳm nhất của một nhân vị. Tương quan tính dục không còn là điều linh thiêng được dành riêng cho đôi bạn nam nữ đã cam kết hiến thân cho nhau bằng một tình yêu duy nhất và chung thuỷ, nhưng chỉ còn là một “cái bánh” người bán kẻ mua -“ăn bánh trả tiền”. Đối với những cặp tình nhân lãng mạn, thì tính dục là một món “đồ chơi trời cho”-“ưng thì cho và cả hai cùng hưởng”. Tính dục chỉ còn một ý nghĩa duy nhất là làm cho con người được tận hưởng niềm ngây ngất khoái lạc; là một loại hình giải trí cao cấp, giảm “stress” hiệu nghiệm. Vì vậy, tính dục thời hiện đại đã được thương mại hoá, trở thành một thứ hàng hoá, hay hơn thế nữa chính con người trở thành một thứ hàng hoá. Tình dục được bày bán công khai và đa dạng trên sách báo, quảng cáo, phim ảnh, thế giới “intrenet”. Thần “ái tình” thời hiện đại trở thành thần “tài”.
Trước hiện trạng thương mại hoá tính dục, Giáo Hội nói “mại dâm là một đại hoạ cho xã hội”,[4] bởi lẽ như Đức Bênêdictô XVI nhận định “thứ tình ái mất lý trí và bừa bãi là một sự sa ngã, một bước thụt lùi của con người”.[5] Với trọng trách bảo vệ phẩm giá con người và phục vụ ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại, Giáo Hội Công giáo lên tiếng kêu gọi các nhà chức trách của các quốc gia phải có hành động can thiệp:
Sách báo và tranh ảnh khiêu dâm, cố ý phơi bày những hành vi tình dục thầm kín thực sự hay mô phỏng ấn phẩm khiêu dâm, . . .chúng làm tổn thương nặng nề đến phẩm giá của những người dự phần (diễn viên, kẻ kinh doanh, khán giả), vì người này trở thành đối tượng cho một thú vui thô lỗ và là nguồn lợi nhuận bất chính cho người kia. Ấn phẩm khiêu dâm đưa tất cả những người tham gia vào thế giới ảo tưởng. Đó là một lỗi nặng. Chính quyền phải ngăn cấm việc sản xuất và phổ biến những ấm phẩm khiêu dâm này.[6]
Hãy trả lại vẻ đẹp và giá trị cao quý của tính dục, ở chỗ: “Tính dục chỉ thực sự xứng đáng với con người, khi nó là thành phần không thể thiếu của tình yêu giữa người nam và người nữ đã cam kết hiến thân cho nhau trọn vẹn suốt đời”.[7] Khi tính dục được nhìn nhận một cách thực sự nhân linh như thế, thì tính dục là lời mời gọi đôi bạn hôn nhân mở ra và hướng về nhau. Nó khích lệ đôi bạn hiệp thông và hiến thân cho nhau. Trong tương giao yêu thương sâu đậm ấy, đôi bạn nhận ra sự thật về chính mình và về nhau. Nhờ đó, họ làm cho nhau thêm phong phú trong hoan lạc và biết ơn. Và Đức Bênnêđictô mời gọi đôi bạn: “Eros cần được uốn nắn và thanh luyện, nếu nó muốn đem đến không chỉ niềm hoan lạc chóng qua, mà cả một nếm thử trước tột đỉnh cuộc sống chúng ta, của phúc thật mà toàn thể loài người trông đợi.”[8]
2. Nguy cơ đổ vỡ tương quan tình yêu
Trình thuật Sáng Thế kể rằng khi Đức Chúa dẫn Eva đến và trao cho Ađam, ông vui sướng thốt lên: “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (St 2,23). Rồi tác giả nói Ađam và Eva, cả hai trần truồng, nhưng họ không xấu hổ trước mặt nhau (x. St 2,25). Thế nhưng, sau biến cố sa ngã, Ađam và Eva cảm thấy sợ hãi và xấu hổ vì nhận thấy mình trần truồng, họ lấy lá vả kết lại làm khố che sự trần truồng của mình. (xc. St 3,7). Đến đây, chúng ta hỏi tại sao trước khi sa ngã, Ađam và Eva trần truồng mà không xấu hổ, nhưng sau sa ngã, cũng hai con người ấy, họ đã xấu hổ khi trần truồng trước mặt nhau? Tác giả Eric Fuchs đã lý giải: Khi con người khước từ Thiên Chúa để được tự do trở thành “thần”, thì thế giới trước mặt con người không còn được nhìn nhận như một ân ban nữa, nhưng như là một đối tượng để con người thèm muốn và ghen tuông với Thiên Chúa. Cũng vậy, trên bình diện tính dục, người này trở thành đối tượng thèm muốn của người kia, họ nhìn nhau như một đồ vật để chiếm hữu, thống trị và để thoả mãn bản thân. Nếu trước đó họ mừng vui vì sự hiện diện của nhau, thì giờ đây họ lại sự hãi nhau vì sự thèm muốn và chiếm đoạt của người kia. Thế nên, họ cần phải che chắn lấy mình để tự vệ. Họ đã lấy lá vả để che thân là thế. Như vậy, nỗi sợ hãi đã đến và chia rẽ hai người. Từ đó, con người luôn bị ám ảnh và mang trong mình một nỗi hoài nghi về kẻ khác: “Tôi còn có thể yêu hay phải sợ hãi?”.[9]
Tình yêu nơi nhiều người cũng mang một nỗi hoài nghi và sợ hãi như thế. Tình dục có thể dễ dàng khiến người ta ngộ nhận tình yêu nam nữ thật sự phải có hương vị của tình dục. Tình dục là hành động thể hiện tình yêu đã được thăng hoa. "Quan hệ tình dục là dấu để phân biệt tình yêu và tình bạn", đó là quan điểm của không ít người trong xã hội ngày nay. Tuy nhiên, tình dục ngoài hôn nhân có thể làm biến đổi một mối tương quan từ tốt đẹp trở nên xấu xa, thậm chí là bỉ ổi. Nó làm hoen ố tình yêu. Nó huỷ hoại một tình yêu vừa chớm nở. Nó phá đổ những gì mà đôi bạn trước đó đã xây nên từ một tình yêu chân thành. Nó để lại những vết sẹo không bao giờ phai nhạt nơi một tâm hồn. Nó để lại những nỗi khắc khoải khôn nguôi rằng mình sẽ không thể trao hiến cho người mình yêu và yêu mình trọn cả cuộc đời một tấm thân và một tâm hồn còn trinh trắng và trọn vẹn nữa.
“Tình yêu không phải là một tình cảm, một sức hấp dẫn khiến người ta lao đến người khác để được lấp đầy những khoảng trống [thèm khát], hay nỗi cô đơn của mình, nhưng trước tiên và căn bản nhất, đó là lời của một người khác đến phá tan vòng tròn khép kín của cái tôi, của cái tự mãn, cho mình là đầy đủ”.[12] Khi tình yêu đến với một người nam và người nữ, thì tình yêu mời gọi đôi bạn ra khỏi cái tôi bất toàn của mình để hiệp thông nên một với nhau, nên trọn vẹn trong nhau. Khi người ta đáp trả lời ấy, thì đó là lúc, tính dục sẽ trở thành nơi cho đôi bạn nam nữ nhìn nhận nhau rằng họ cần đến nhau biết chừng nào trong thái độ biết ơn; tính dục sẽ là nơi ngay trong dị biệt phái tính họ khám phá ra rằng họ không phải là nền tảng của chính mình. Không thể thiếu nhau, họ cam kết hiến thân cho nhau trọn vẹn suốt cả cuộc đời. Kể từ đó, tính dục mới là chốn ưu việt cho đôi bạn trở nên “một xương một thịt” trong yêu thương đích thực và bền vững.
KẾT LUẬN
Mặc khải của Thiên Chúa về con người ở những trang đầu tiên của Kinh Thánh đã không bao giờ kết án phái tính. Trái lại, Kinh Thánh đề cao thực tại phái tính. Phái tính là ý định tốt lành của Thiên Chúa khi sáng tạo con người có nam có nữ theo hình ảnh của Người. Phái tính là một ân phúc tuyệt hảo Thiên Chúa ban cho con người, nhờ đó họ vượt ra khỏi cái ích kỷ hữu hạn của mình để hướng về người bạn khác phái. Nơi người bạn ấy, con người tìm thấy niềm vui và hạnh phúc đầy tràn khi trao tặng và đón nhận tình yêu cách sâu xa và mật thiết. Tình yêu của đôi bạn nam nữ, dẫu trước đó khởi đi từ sự quyến rũ của niềm hạnh phúc được cận kề bên nhau, thì giờ đây trở thành mối bận tâm và lo lắng cho người mình yêu. Con người không còn tìm kiếm chính mình, hay niềm hạnh phúc cho riêng mình; thay vào đó, là cho đi chính mình và muốn “hiện diện” cho người kia, là tìm kiếm và làm đầy tràn sự sống cũng như điều thiện hảo cho người mình yêu. Ngược lại, nếu con người khép kín nơi chính mình để tuyệt đối hoá mình, vì vậy quay lưng lại với Thiên Chúa và tha nhân, thì phái tính, nhất là khả năng tính dục sẽ là một bi kịch cho con người. Nghiệt ngã thay, khi con người muốn thần hoá mình, muốn thống trị kẻ khác bởi “nữ thần tình ái”, thì con người đã và đang tự huỷ diệt chính mình. Sự huỷ diệt ấy không phải do tính dục, nhưng do chính con người tự chuốc lấy, tự bước vào cõi chết.
Tình yêu thật sự là “một trạng thái ngây ngất”, không phải trong ý nghĩa của một thoáng mê say khoái lạc, nhưng như là một cuộc hành trình, một cuộc xuất hành ra khỏi cái tôi đóng kín hướng vào bên trong để vươn tới sự tự do qua việc cho đi chính mình, cho đi sự sống mình, và như thế hướng đến sự khám phá đích thực về chính mình và chung cuộc là sự khám phá về Thiên Chúa[13]- là Tình Yêu và là Vẻ Đẹp vĩnh hằng. Phải chăng Thiên Chúa ban cho chúng ta phái tính là để chúng ta tìm kiếm và tận hưởng niềm hoan lạc bất tận từ Vẻ Đẹp và Tình Yêu nơi Người?
------------------------------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, nxb. Tôn giáo 2006.
2. Đức Bênêdictô XVI, Thông điệp “Thiên Chúa là Tình yêu”.
3. Eric Fuchs, Le désir et la tendresse, Giáo trình Môn luân lý phái tính, Học Viện Đa Minh, 2008.
4. Phạm Thị Thanh Lan, Tâm Sự Chuyện Vợ Chồng Trẻ, nxb Thanh Niên.
[1] GLHTCG, số 2332.
[2] Xc. Erich Fuchs, Le désir et la tendresse, trích lại: Bài 3: Phái tính-từ nguyên thuỷ đến tha thể, Giáo trình Luân lý phái tính, Học viện Đaminh-2008.
[3] Xc. Đức Bênêdictô XVI, Thông điệp “Thiên Chúa là Tình yêu”, số 4.
[4] GLHTCG, số 2355.
[5] Đức Bênêdictô XVI, Thông điệp “Thiên Chúa là Tình yêu”, số 4.
[6] GLHTCG, số 2354.
[7] GLHTCG, số 2361.
[8] Đức Bênêdictô XVI, Thông điệp “Thiên Chúa là Tình yêu”, số 4.
[9] Xc. Eric Fuchs, Le désir et la tendresse, trích lại: Bài 4: Phái tính : kỳ diệu và bi kịch, Giáo trình Luân lý phái tính, Học viện Đaminh-2008.
[12] Eric Fuchs, Le désir et la tendresse, trích lại: Bài 4: Phái tính : kỳ diệu và bi kịch, Giáo trình Luân lý phái tính, Học viện Đaminh-2008.
[13] Xc. Đức Bênêdictô XVI, Thông điệp “Thiên Chúa là Tình yêu”, số 6.