Vũ Văn An
Tính dục là một khía cạnh kéo dài trong đời sống con người. Tính dục không đơn giản chỉ là lãng mạn. Là một tài nguyên của nhân cách, tính dục đem lại sự ấm áp, sự tương cảm, và năng lực cho nhiều cách thế hiện hữu của ta với người khác. Tính dục không phải đơn thuần chỉ dành cho tuổi trẻ. Các nghiên cứu về sự phát triển của người trưởng thành và của người lớn tuổi cho thấy rằng quan tâm và cảm nghiệm về tính dục vẫn tiếp diễn cho đến tận những năm cuối đời như một phần quan yếu trong đời nhiều vị cao niên. Và tính dục không phải là chuyện đơn giản. Đối với nhiều người thuộc nền văn hóa Phương Tây, nó hiện hữu như một bí ẩn, một câu hỏi muôn thuở của đời người và là một vấn đề được đặt ra cho kinh nghiệm xã hội.
Ý định của chúng ta ở đây là thảo luận cái vấn đề nhiều mặt ấy, tức tính dục, trong tương quan với một vấn đề tâm lý rộng lớn hơn, đó là vấn đề thân mật. Mục đích của chúng ta là đem lại một hiểu biết về các năng động tính tâm lý của sự thân mật, một sự hiểu biết sẽ giúp ta soi sáng được ý nghĩa bản thân và ý nghĩa tôn giáo của hôn nhân. Chúng ta hy vọng rằng sự hiểu biết trên sẽ được dùng như kiến thức để làm việc, như tín liệu để ảnh hưởng đến các thái độ và khuôn định ra các tác phong. Để đạt mục đích ấy, chúng ta sẽ đưa ra một thảo luận liên quan đến các kỹ năng của nghệ thuật hỗ tương, là thứ phải luôn luôn đi kèm với các năng động tính tâm lý kia nếu hai vợ chồng muốn thể hiện được các khả năng thân mật của mình trong cảm nghiệm liên bản ngã phong phú về hôn nhân.
Để khởi đầu, tưởng cần phải làm sáng tỏ một vài điều. Điều thứ nhất có liên quan đến mối tương quan giữa tính dục, việc làm tình (genital expression), và sự thân mật. Những hạn từ này rất thường bị sử dụng lẫn lộn với nhau, như tính dục được hiểu là làm tình và sự thân mật được hiểu như đồng nghĩa với làm tình nhưng được dùng cách “trang nhã lịch sự”. Chúng ta sẽ sử dụng chúng cách chính xác hơn: việc làm tình cũng như khoái ngất (orgasm) là thành phần của một kinh nghiệm lớn hơn trong tính dục của người trưởng thành. Cái kinh nghiệm tính dục ấy bao gồm việc nhận thức về tôi như đàn ông hay đàn bà, với các cảm nghiệm âu yếm, lôi cuốn xúc cảm và đáp ứng thể lý. Sự thân mật, cái thứ kinh nghiệm còn lớn hơn thế trong cuộc sống trưởng thành, là những phương cách khác nhau qua đó tôi được đem “đến gần” người khác – không phải chỉ để lãng mạn và hưởng tính dục với nhau, nhưng còn là để kết tình bè bạn, cộng tác và tranh đua, mưu tính và hợp tác, cũng như tranh chấp và thương lượng.
Hôn nhân liên hệ đến chúng ta ở mọi bình diện trên. Ta “đến gần” nhau như những người ân ái tính dục, như những bè bạn, như những đồng nghiệp cùng sống cuộc sống gia đình với nhau. Ta cũng cảm thấy “gần gũi” nhau trong những cảm nghiệm tranh chấp, ganh đua và thỏa hiệp, là những cảm nghiệm chắc chắn sẽ tạo nên cuộc sống chung của ta. Những cảm nghiệm này, dù đôi khi tiêu cực, nhưng không vì thế mà không là những thành phần cấu tạo nên sự thân mật trong hôn nhân, giống như sự hợp tác và tỏ tình vậy.
Ở đây, tu từ tôn giáo về hôn nhân xem ra không ủng hộ quan điểm trên bao nhiêu. Thực vậy, trong các nghi thức và bài giảng về hôn nhân, các hình ảnh về hiệp nhất, hoà bình và hân hoan luôn được nhấn mạnh. Những hình ảnh về cuộc sống chung trong hôn nhân Kitô giáo ấy rất quan trọng và đúng sự thật, nhưng hơi phiến diện. Là một cộng đoàn tín hữu, nếu ta không chịu nói một cách cụ thể đến các kinh nghiệm hàm hồ hơn trong hôn nhân, như các kinh nghiệm giận dữ, thất vọng, hiểu lầm, thì vô tình ta đã khiến nhiều cặp vợ chồng cảm thấy cuộc hôn nhân của họ có cái gì không ổn, thiếu sót.
Đã đành tranh chấp và thù nghịch không phải là các mục tiêu của hôn nhân. Nhưng chúng cũng không phải là những dấu chỉ của một hôn nhân đang “đụng đá ngầm”. Tranh chấp là một thành tố bình thường, có thể xẩy ra, trong bất cứ liên hệ nào, bất kể đó là hôn nhân, là nhóm đội, hay là bạn bè; thành tố ấy liên kết người ta trên bình diện những giá trị và những nhu cầu quan yếu. Thách đố không phải là làm ngơ các dấu hiệu của tranh chấp hay, tệ hơn nữa, là từ chối không chịu nhận rằng giữa chúng ta đang có tranh chấp. Đúng hơn, ta phải ráng học lấy các phương cách để nhận ra các lãnh vực có thể có tranh chấp và phải đương đầu với những vấn đề ấy và những cảm quan ấy một cách như thế nào đó khiến ta có thể củng cố chứ không hủy diệt các ràng buộc giữa chúng ta với nhau.
Hôn nhân như một diễn trình
Theo lịch sử, ta từng coi hôn nhân như một bậc sống – “bậc sống hôn phối thánh thiện”. Ngày nay ta quan niệm hôn nhân như một diễn trình nhiều hơn, một con đường được theo đuổi, một hành trình có những biến cố hữu ngờ và bất ngờ. Hiểu theo tâm lý học, diễn trình hôn nhân gồm hai chuyển dịch lớn. Một chuyển dịch từ cái “tôi” qua cái “chúng tôi” khi hai con người rời khỏi những công sự của bản sắc độc lập để cùng hướng tới việc tạo dựng nên và duy trì được một cuộc sống chung. Ở đây, cái thách thức hệ ở chỗ tạo ra được cái “chúng tôi” như một biểu thức của cả hai cái “tôi” trong đó bản sắc của mỗi người đã được thử thách và mở rộng ra, nhưng không bị tiêu hủy. Ngày nay, trong cái “chúng tôi” của hôn nhân ấy, người ta đặt nhiều hoài mong mới vào tính hỗ tương của nó. Càng ngày người đàn bà (và cả một số đàn ông nữa) càng ít chấp nhận được quan điểm cho rằng cái “chúng tôi” của hôn nhân ấy chỉ đạt được khi người vợ chịu tan hòa vào bản sắc và tham vọng của người chồng. Trái lại, diễn trình hôn nhân ngày nay phải là một cố gắng khó khăn hơn nhưng cũng khích lệ hơn để tạo ra một cái “chúng tôi” có dấu ấn của cả hai vợ chồng, một cái “chúng tôi” vượt ra ngoài mỗi người để bước vào thực tại lớn hơn của cuộc sống chung với nhau.
Chuyển dịch thứ hai trong hôn nhân hiện đại là từ tình yêu lãng mạn bước qua tình yêu cam kết. Qua dòng lịch sử và qua các nền văn hóa, người ta đã dùng nhiều tiêu chuẩn khác nhau để quyết định xem ai nên kết hôn với ai: tiêu chuẩn ấy có thể là sự tinh tuyền của dòng họ, quyền lợi chính trị, củng cố tài sản, ý kiến mối lái, quyết định của cha mẹ. Ngày nay, hôn nhân chủ yếu là việc tự lựa chọn, dựa trên tiêu chuẩn duy nhất là tình yêu thơ mộng. Diễn trình trưởng thành trong hôn nhân đòi người ta phải ra khỏi cái kinh nghiệm “si mê” đầy phấn chấn nhưng thực ra khá thụ động để bước vào cái kinh nghiệm yêu đương cam kết đầy chọn lựa và vun sới. Nghĩa là chuyển dịch từ tình yêu thơ mộng qua tình yêu tận tụy hỗ tương, mạnh đủ để giữ cho sự cam kết kia vượt qua được những căng thẳng và những bất trắc mà bất cứ cuộc tiếp xúc lâu dài nào cũng nhất định phải có. Tính cách hỗ tương ấy chỉ kéo dài được nếu mỗi người phối ngẫu biết quảng đại quên mình đi (self-disregard). Trong cuốn Insight and Responsibility (Cái Nhìn Sâu Sắc và Trách Nhiệm) (New York, Norton, 1964), nhà tâm lý học Erik Erikson đã nói lên niềm xác tín của cả những người không thành công lẫn những người thành công trong tình trường như sau: “chỉ cần ra khỏi được tuổi thiếu niên một cách tốt đẹp cũng đủ giúp người ta phát triển được sự thân mật ấy, tức sự quên mình đi để cùng sống tận tụy với nhau; chính nó cột chặt tình yêu vào một cam kết hỗ tương” (tr.128).
Hôn nhân như một vượt qua có tính tôn giáo
Nếu hôn nhân là một diễn trình tâm lý, thì nó cũng là một cuộc vượt qua có tính tôn giáo. Cuộc vượt qua có tính tôn giáo của hôn nhân gồm nhiều giai đoạn khác nhau, mỗi giai đoạn đều có những thách đố và những lời mời gọi quan trọng phải sống thân mật với nhau. Giáo hội đang đưa ra nhiều cố gắng để củng cố nền mục vụ tiền Cana của mình; mục vụ này giúp người ta càng ngày càng nhận ra tầm quan trọng của giai đoạn đầu tiên ấy. Khi hai Kitô hữu đính hôn với nhau, nghĩa là chuyển dịch từ những quen thuộc hờ hững và những hẹn hò ban đầu để tiến đến chỗ dính kết với nhau thực sự, thì họ đã bắt đầu một thời kỳ quan trọng trong việc làm cho tình thân mật của họ trở nên vững mạnh. Trong thời kỳ này, cần phải chia sẻ với nhau những hiểu biết có ý nghĩa về nhau, như các điểm mạnh, điểm yếu, hy vọng sợ sệt, để xem xem hai người có thể sống chung với nhau được không. Càng ngày, các thừa tác viên Kitô giáo trong lãnh vực chuẩn bị hôn nhân càng nhìn nhận rằng việc khuyên bảo về phương diện mục vụ sẽ có hiệu quả hơn nếu thêm vào đó ta cũng đồng thời dạy các học viên các kỹ năng về thân mật, tức là giúp các cặp đính hôn những cách thế thực tế giúp họ biết nâng đỡ nhau và khích lệ lẫn nhau trên con đường tiến tới đời sống chung. Các cố gắng tìm lại ý nghĩa lịch sử của việc đính hôn – một thời kỳ cam kết quan trọng tuy chưa dứt khoát– có thể đem lại tầm quan trọng và sự chú tâm đối với giai đoạn chủ yếu trong việc tăng triển tiến tới hôn nhân. Trong lịch sử gần đây của đạo Công Giáo, các thừa tác viên vốn lo lắng làm sao để việc đính hôn tự bản chất không có tính tính dục; ngày nay, người ta lại lo lắng hơn đến việc nó phải là một cái gì khác hơn là tính dục.
Việc bước vào hôn nhân Kitô giáo được cử hành trong Nghi Lễ Hôn Phối. Theo lý tưởng, nghi lễ này không phải là nghi thức đánh dấu việc khởi đầu hai vợ chồng bước vào diễn trình thân mật cũng không đánh dấu việc hoàn tất diễn trình ấy. Đúng hơn, nó phất cờ ra dấu cho một giai đoạn cam kết sâu sắc. Cùng với cộng đoàn, hai người đính hôn cử hành cuộc sống chung, một cuộc sống có những dấu hiệu cho thấy đã được bắt đầu cách tốt đẹp; họ đoan hứa cam kết yêu thương, một cam kết đem lại sự sống vượt qúa cả chính họ. Càng ngày các cặp vợ chồng càng thấy rằng họ cần phải có một năm hay hơn nữa, kể từ lúc khởi đầu việc cam kết trên, mới có thể củng cố được sự thân mật giữa họ với nhau trước khi cho ra đời một đứa con như một biểu lộ tình yêu của họ. Trong những năm đầu cuộc sống hôn nhân ấy, hai vợ chồng sẽ cùng nhau triển khai những mẫu mực chăm sóc đến nhau cũng như những cách thế kiên định xúc cảm, là những thứ thật cần thiết khi gia đình họ mỗi ngày một tăng trưởng hơn cả về kích thước lẫn thách đố.
Nếu đính hôn là giai đoạn tiên khởi để chuẩn bị hôn nhân về phương diện tôn giáo, và những năm đầu trong cuộc sống hôn nhân là giai đoạn thứ hai để sống cam kết thân mật với nhau, thì giai đoạn ba chính là khi đứa con đầu tiên ra đời. Các cặp vợ chồng đều chứng thực rằng mối liên hệ giữa họ với nhau đã thay đổi một cách đột ngột và sâu sắc khi đứa con ấy chào đời. Điều ấy dễ hiểu vì việc một người khác hẳn nay bỗng xuất hiện đem theo những đòi hỏi nhất định và ồn ào, đương nhiên sẽ thay đổi mối liên hệ hôn nhân. Việc chào đời ấy chắc chắn sẽ thách thức những kiểu cách thân mật nay đã thành lệ của hai vợ chồng và đòi họ phải điều chỉnh lại cách họ phải sống cho nhau. Ở đây, mục vụ hôn nhân Kitô giáo và mục vụ Rửa Tội cùng gặp nhau. Biến cố quan trọng trong đó đứa nhỏ được Rửa tội đem lại ơn phúc không những chỉ riêng cho em mà còn cho cả cha mẹ em và mối liên hệ giữa họ với nhau nữa. Việc cộng đoàn mục vụ mời các cha mẹ chia sẻ hy vọng của họ đối với đứa con, cùng nhau suy niệm về đức tin mà họ muốn truyền lại cho con, sẽ đem lại một cơ hội tốt giúp họ tăng trưởng hơn trong tình thân mật có tính tôn giáo của hôn nhân. Chỉ cần nghe những niềm hy vọng cũng như những nỗi lo âu của nhau về đứa trẻ cũng như về tương lai của em cũng có thể sâu sắc hóa được tình thân mật và sự cam kết của cha mẹ.
Thêm vào các giai đoạn thân mật trong những năm đầu tiên này, mới đây người ta còn thấy một cuộc khủng hoảng mới về thân mật trong các cuộc hôn nhân hiện đại. Cách nay khoảng một trăm năm, người đàn bà có chồng thường chỉ mong chồng sống cùng lắm đến lúc đứa con chót sắp sửa lập gia đình. Ngày nay, với tuổi thọ gia tăng, vợ chồng có quyền có hy vọng tiếp tục sống bên nhau đến cả hai ba chục năm, sau khi các con đã rời bỏ gia đình. Như thế ta có cái giai đoạn mới của thân mật hôn nhân, với những thách đố mới mẻ và khác hẳn, chưa bao giờ có trong lịch sử của truyền thống Kitô giáo. Cuộc khủng hoảng và cũng là cơ may giúp cho tình thân mật lớn mạnh lên này xẩy ra trong lớp tuổi 40 đối với nhiều cặp vợ chồng. Lúc này gánh nặng nuôi dạy con cái đã giảm đi và nghề nghiệp cũng không còn làm người ta phải quan tâm như trước nữa, thì đương nhiên hai vợ chồng sẽ cảm thấy nhu cầu phải duyệt lại những cung cách sống với nhau. Vì có nhiều thì giờ bên nhau hơn, nên họ có thể cảm thấy những lối thông đạt cũng như phát biểu thân mật trước đây không còn thoả đáng nữa. Đối với một số cặp, thời kỳ gay cấn này có thể và thực sự đã dẫn họ đến chỗ ly dị nhau. Nhưng nó cũng có thể là thời gian cực diễm phúc khi hai vợ chồng biết bỏ đi những hoài mong và những vai trò trước đây để tìm ra những cung cách thông đạt và tỏ tình mới và trưởng thành hơn. Sự xuất hiện của cơn khủng hoảng về thân mật giữa đời người này nhắc ta nhớ rằng hôn nhân là một diễn trình liên tục, cho nên mục vụ gia đình muốn hữu hiệu cần phải đáp ứng được những thách đố khác nhau và đặc thù gặp thấy trên cuộc hành trình suốt đời này.
Sự trưởng thành về tính dục trong hôn nhân
Sự trưởng thành về tính dục trong hôn nhân cũng là một diễn trình hơn là một tình trạng. Đó là một diễn trình qua đó hai vợ chồng cùng cố gắng đóng góp vào điều được họ cùng coi là những kinh nghiệm thoải mái chung về tính dục. Nhưng kiểu thức của những kinh nhgiệm này rất khác nhau tùy từng cặp vợ chồng. Cũng như đối với các tiêu chuẩn trưởng thành khác, ở đây “bình thường” không hẳn có ý nói đến những tiêu chuẩn bề ngoài qua việc “diễn xuất”. Các mẫu mực trong việc vợ chồng chia sẻ tính dục với nhau, như nhịp độ xẩy ra (frequency), thời gian và nơi chốn, khơi mào và đáp ứng, âu yếm và hăng nồng, nghiêm trang và đùa nghịch, tất cả đều tùy thuộc cảm nhận luôn luôn triển khai, và có thể thay đổi nữa, của vợ chồng trong việc nhận ra điều gì thích hợp với họ, điều gì đem lại thành công cho họ. Các sách vở rất phổ biến ngày nay về cách hành xử tính dục có thể trợ giúp diễn trình trưởng thành về tính dục của hai vợ chồng, bằng cách không đưa ra những tiêu chuẩn ngoại giới để họ phán định, nhưng là cung cấp những hướng dẫn cần thiết để chính hai vợ chồng tự thực nghiệm và tự lựa chọn.
Vợ chồng sẽ đạt tới việc trưởng thành về tính dục khi họ phát triển được và ổn định được khả năng biết chia sẻ sự thân mật ân ái. Erickson, trong cuốn Identity: Youth and Crisis (Nerw York, Norton, 1968) nhận xét rằng :”Kinh nghiệm ấy làm cho tính dục bớt ám ảnh nhiều lắm. Trước khi đạt tới sự trưởng thành về sinh dục như thế, phần lớn sinh hoạt tính dục chỉ là việc mình tự đi tìm mình, một thứ bản sắc đói khát; người phối ngẫu nào cũng chỉ biết ráng vươn tới chính mình. Hoặc chỉ là một thứ ‘đấm đá’ của các dục quan trong đó mỗi bên ráng đo ván bên kia” (tr. 137). Kinh nghiệm làm tình và hưởng khóai ngất trong hôn nhân thực ra góp phần vào việc làm tôi biết dấn thân, biết hạ các hàng rào phòng thủ xuống trước sự hiện diện của một con người khác. Như thế, sự xuồng xã về tính dục mở cửa cho tôi tiến vào những nguồn tài nguyên tâm lý rộng lớn hơn của chính tình thân mật.
Tình yêu tính dục thường được coi là khuôn mẫu và ẩn dụ cho kinh nghiệm lớn hơn đó chính là tình thân mật của con người. Các cung cách lúc làm tình cũng cho thấy rõ những đặc điểm chung cho các kinh nghiệm thân mật khác – sự phấn chấn khi thấy mình bị cuốn hút vào một ai đó, sự thôi thúc phải chia sẻ một cái gì đó của chính mình, giây phút lo lắng khi phải tự bộc bạch mình ra, lời khẳng định mình được chấp nhận, sự khoan khoái trong việc hỗ tương cho đi nhận lại. Sự mơn trớn và khoái ngất cho ta thấy một thí dụ sống động về cách con người đã cùng nhau điều hòa những mẫu tác phong phức tạp ra sao, những mẫu tác phong mà các nhà tâm lý vốn coi như những đặc điểm biệt loại của sự thân mật xuồng xã nơi người trưởng thành. Nếu “việc cùng nhau điều hòa những mẫu tác phong phức tạp” ấy miêu tả được sự thành công trong việc làm tình, thì nó cũng miêu tả được sự thành công trong các kinh nghiệm thân mật khác của đời sống hôn nhân và gia đình – chuẩn bị ngân sách gia đình, đưa gia đình đi nghỉ hè, nuôi dạy con cái ở tuổi thiếu niên.
Cộng tác và đua tranh
Kinh nghiệm tính dục và lòng tận tụy đối với nhau là hai điều chủ yếu để phát triển tình thân mật đầy đủ trong hôn nhân. Tuy nhiên những kinh nghiệm ấy không phải là những kinh nghiệm duy nhất tóm lược hết các tài nguyên của ta để tạo ra cam kết hỗ tương. Vì ngoài chúng ra còn có cộng tác và đua tranh nữa. Cộng tác đưa ta vào hành động kết hợp để thực hiện một mục đích chung. Đua tranh làm ta ở thế đối lập với nhau để theo đuổi một mục tiêu nào đó. Ta nên biết rằng cả hai kinh nghiệm ấy đều có mặt trong hôn nhân. Cả hai minh họa cho ta thấy những yếu tố chủ chốt trong các mối liên hệ thân mật. Muốn là người “cộng tác” tốt, anh phải biết anh đã đóng góp ra sao vào mục tiêu chung, cả điểm mạnh lẫn điểm yếu. Anh phải làm sao bảo đảm đầy đủ rằng anh có thể đem những điểm mạnh ấy vào mục tiêu chung của chúng ta. Đồng thời anh phải mềm dẻo đủ để có thể chấp nhận cho các điểm mạnh của anh được các ý kiến cũng như kế hoạch của em thay đổi đi. Như thế, hiển nhiên các điểm mạnh của anh, trong tư cách cộng tác viên, sẽ góp phần vào việc tạo ra kinh nghiệm thân mật giữa vợ chồng mình với nhau. Ngược lại, đua tranh xưa nay bị tiếng xấu không ít. Nhiều nhà trị liệu học, nhiều nhà giáo dục, và nhiều nhà tôn giáo đều có chung một xác tín là cần phải làm hết sức để loại bỏ đua tranh. Xác tín này sở dĩ có là do những kinh nghiệm không tốt về hậu quả của đua tranh trong cuộc sống cá nhân, hôn nhân và gia đình. Mặc dù không thể chối cãi được các kinh nghiệm không tốt này, cũng xin mời các bạn xem sét đến một khía cạnh khác của hiện tượng đã được mọi người công nhận là hàm hồ này. Nhiều nhà tâm lý học ngày nay quả quyết rằng khả năng biết đua tranh một cách trưởng thành tạo nên phần quan trọng trong nhân cách người lớn. Và các đặc điểm tâm lý của người đua tranh trưởng thành giống một cách lạ lùng với các đặc điểm tâm lý của người cộng tác trưởng thành. Như trong thể thao chẳng hạn, muốn đua tranh tốt, tôi phải ý thức được các khả năng của mình một cách thực tiễn, cả điểm mạnh lẫn các điểm yếu. Sự đua tranh buộc tôi phải biểu lộ các khả năng kia ra, đem chúng ra đương đầu với các thách đố cụ thể, dù phải thấy chúng thiếu sót. Cái nguy cơ thất bại ấy tôi phải chấp nhận nếu tôi muốn xác nhận và phát triển các thế mạnh của mình. Sự trao đổi trong đua tranh cho thấy khá nhiều điều về mỗi tham dự viên. Trong đua tranh, tôi sẽ biết tôi nhiều hơn và đặc biệt biết rõ về đối thủ của tôi hơn. Sự thành công của tôi trong cuộc chơi thường tùy thuộc sự mềm dẻo và óc sáng tạo để thay đổi cách đáp ứng của mình theo những gì mình học được nơi đối thủ.
Những đặc điểm như ý thức về mình và về người khác, cảm nhận mình thích đáng đủ với các đòi hỏi của tính hỗ tương và với khả thể có thể thất bại, mềm dẻo để đáp ứng theo cá tính người khác, không phải chỉ là những đặc điểm của thể thao mà thôi. Chúng cũng là những tài nguyên giúp tăng triển sự thân mật trong hôn nhân. Chúng rất qúi giá đối với nhiều loại kinh nghiệm khác nhau trong đời sống hôn nhân, như đặt kế hoạch, giải quyết các mâu thuẫn, thương thảo các khó khăn và thỏa hiệp nhượng bộ.
Hôn nhân, một sự thân mật có tính đua tranh
Những ôm ấp thân mật trong hôn nhân không phải lúc nào cũng ấm áp dịu dàng. Đôi lúc có tính đua tranh, chúng mời gọi ta lâm chiến và đe dọa đem lại thương tích cho ta. Trong Cựu Ước, việc Giacóp vật lộn với Giavê (St 32) cho ta thấy cái tình thân mật đua tranh ấy. Giacóp bị Giavê “ôm cứng” giữa đêm khuya, nhưng cái ôm ấy là cái ôm yêu thương hay cái ôm gây hấn? Sự dự cảm và sững sờ của Giacóp sẽ được lặp lại nơi nhiều người trong chúng ta hoặc trong chính những ôm ấp của chúng ta. Tôi có thể tin cậy những tiếp xúc gần gũi ấy không hay nên rút ra xa an toàn hơn? Liệu tôi có thể sống qua cái ôm ấp này hay không? Vật lộn quả là một hình ảnh tốt để diễn tả tình thân mật vì nó gợi lên sự gần gũi cao độ, một sự gần gũi trong đó mọi điểm mạnh và mọi điểm yếu của ta thẩy đều được thử thách và lộ ra trọn vẹn. Vật lộn nhìn tình thân mật phía đàng sau tính thơ mộng và viễn mơ của nó để thấy ra đủ mùi dự cảm, yếu đuối, và gây đau. Nó nhắc ta nhớ rằng yêu thương là một môn thể thao đụng người (contact sport) trong đó người chơi rất dễ bị thương, mất mát. Giacóp không những dễ bị thương (ta cũng phải như thế thì mới yêu thương được), ông còn thực sự bị thương nữa (ta cũng phải sẵn sàng chờ đợi điều đó nếu ta chịu yêu thương). Trong cuộc đụng độ kia, Giacóp đã mất một cái gì đó: tên ông bị thay đổi. Nhưng cái mất ấy không đem lại mất mát mà là tăng trưởng. Tên mới Israel của ông cho thấy ông là người trội yếu trong mối liên hệ mới với Thiên Chúa. Và cái mất hay nhượng bộ trong cuộc vật lộn ấy có tính hỗ tương. Giavê cũng buộc phải nhường bước, bằng cách chịu chúc lành cho Giacóp.
Tính hàm hồ trong cái ôm của những vật lộn thân mật như thế có rất nhiều. Người ta cho rằng Giacóp thắng thế nhưng sau cuộc đụng độ ông đã phải cà thọt bỏ đi. Cuộc vật lộn ấy quả là hao sức nhưng cũng quả là phấn chấn. Tình thân mật trong hôn nhân hiển nhiên bao gồm mọi đặc tính nêu trên của vật lộn: những cái ôm của giao hoan được những cái ôm (đồm) khác bổ túc, những cái ôm đôi lúc rất hàm hồ nhưng có nhiệm vụ sản sinh ra những quyết định liên quan đến nghề ngỗng, con cái, tiền bạc, và cả những quyết định có tính tầm phào hơn trong việc nội trợ, giờ giấc hàng ngày. Những vật lộn đua tranh ấy xuất hiện trong hôn nhân không hẳn chỉ do sự non nớt hoặc vị kỷ của hai vợ chồng. Chúng còn là những biến cố quan trọng và có thể chờ mong qua đó vợ chồng có thể thử thách được và thâm hậu hóa được tình thân mật trong hôn nhân của họ.
Tình thân mật và sự đua tranh còn gặp nhau ở một điểm khác nữa: cả hai đều đòi có sự tin cậy (trust). Nhà tâm lý học George Valliant trong cuốn Adaptation to Life (Boston: Little, Brown, 1978) nghiên cứu về sự trưởng thành tốt đẹp nơi người lớn tuổi đã tìm ra mối liên hệ ấy giữa sự trưởng thành, lòng tin cậy và các trò chơi. Ông viết như sau: “Khó có thể tách rời khả năng tin cậy ra khỏi khả năng tham dự các cuộc chơi, vì chơi là điều nguy hiểm trừ khi ta có thể tin rằng cả ta lẫn đối thủ sẽ kiểm soát được sự tức bực của mình. Trong cuộc chơi, ta phải tin tưởng đủ và yêu thương đủ mới có thể liều thua mà không thất vọng, có thể thắng mà không cảm thấy có tội, và có thể cười mà không khôi hài trước lầm lỗi” (tr.309). Có những cuộc hôn nhân trong đó người ta chơi không đẹp. Cũng lại có những cuộc hôn nhân trong đó hai người phối ngẫu không còn chơi nữa. Hoặc bị thương tổn bởi những mích lòng quá khứ hoặc sợ bị thương trong tương lai, nên họ đã quyết định không “đua tranh” với nhau nữa. Dù cuộc hôn nhân của họ có thể vẫn tiếp diễn, nhưng nó đã lâm vào thế bí, trở thành một liên hệ hết sinh động giữa những bạn chơi hết xí quách. Hôn nhân chỉ trưởng thành khi hai người phối ngẫu mỗi ngày một tốt hơn dù cuộc phối hợp của họ có trải qua nhiều trạng huống khác nhau, đôi khi đầy đe dọa nữa. Dù cho đôi khi họ có gây thương tích cho nhau đi chăng nữa, họ vẫn làm cho nhau khỏe khắn hơn nhờ tình thân mật của họ mỗi ngày một thâm hậu hơn lên.
Tình thân mật như một sức mạnh trong hôn nhân
Như thế, sự thân mật là một khả năng, một năng lực, một năng khiếu lâu dài của sự chín chắn nơi người trưởng thành. Nó là một sức mạnh giúp tôi có thể cam kết, không phải với nhân loại một cách chung chung hay với một phong trào lý tưởng nào đó, nhưng với những con người cá biệt trong các mối liên hệ cụ thể, tuy tôi vẫn ý thức được những giới hạn và bất toàn của mình. Một lần nữa những tài nguyên của sự thân mật lại được mang ra để sống trọn các cam kết này. Các mối liên hệ không bất động. Con người luôn thay đổi và các mối liên hệ luôn luôn theo thời gian mà khai triển ra. Có những khai triển sẽ viên mãn; có những khai triển đòi phải được điều chỉnh, được thông cảm, được khoan dung, được tha thứ. Khả năng thân mật, khi đã được triển khai tốt, sẽ giúp ta chống đỡ được các điều chỉnh và thoả hiệp trong cuộc sống với người khác, mà không thiệt hại đến sự tinh tuyền của chính ta. Một bản sắc mềm dẻo, một ý thức tương cảm về người khác, một sự sẵn sàng tiếp tục triển khai bản thân mình, những điểm mạnh do thân mật mang lại sẽ giúp ta có thể bước vào cam kết đầy sáng tạo của hôn nhân.
Ở đây, ta thấy sức mạnh của hôn nhân như dấu chỉ và là nguồn mạch của thân mật. Hôn nhân có khả năng đưa lại một cái khung trong đó hai con người cùng vươn tới sự tận tụy hoàn toàn và hỗ tương đối với nhau. Cơ cấu của nó giúp hai người vượt thoát được những ngại ngùng ban đầu để tự bộc lộ mình ra và chấp nhận đối mặt (confrontation). Những cam kết của nó bảo vệ cho cái hình hài mỏng dòn của cuộc sống chung đang lên khuôn. Những hứa hẹn sống lâu của nó mời gọi hai người cùng đầu tư một cách cởi mở để có được những sinh hoạt sáng tạo (và phụ tạo – procreative) chung với nhau. Như thế, hôn nhân của người Kitô hữu đã chín chắn hoặc đang độ chín chắn có thể nói lên, như Erickson đã ghi nhận trong Insight and Responsibility, “rằng một tổng hợp của minh mẫn trí thức, của già dặn tính dục, và của yêu đương ân cần (không hẳn dễ đạt cũng như duy trì được) sẽ giúp những người đàn ông và những người đàn bà bám trụ được vào chính cái hiện thực của trách nhiệm” (tr. 129).
Các kỹ năng thân mật
Truyền thống tôn giáo của chúng ta đưa ra rất nhiều lời khôn ngoan phong phú về tình yêu quảng đại. Gia tài ấy cung cấp cho ta cái nền tảng vững chắc cho lòng tận tụy không chút vị kỷ là thứ phải đắp nền cho hôn nhân. Tuy nhiên “những thái độ đúng đắn” mà thôi chưa đủ để nâng đỡ được những cam kết lâu dài của hôn nhân. Vì thái độ cần được diễn dịch thành tác phong thích ứng. Trong diễn trình cho và nhận của hôn nhân, ta cần có khả năng biểu lộ được những khát vọng muốn được gần gũi nhau, muốn được chia sẻ, được hợp tác. Thêm vào đó, ta phải triển khai được những kỹ năng sống thân mật suồng sã với nhau. Khi đã cưới nhau, người ta có thể càng ngày càng “phải biết nhau hơn”. Càng ngày càng phải học những cách thế có hiệu quả hơn để biểu lộ và tiếp nhận việc tự hiến thân cho nhau vốn là cốt lõi của đời sống thân mật vợ chồng. Tự bộc lộ, tương cảm, và sẵn sàng đối mặt là những kỹ năng liên bản ngã đặc biệt quan trọng đối với cuộc sống thân mật suồng sã (xem Gerard Egan, Interpersonal Living, Montarey, CA: Brooks, Cole, 1976). Mỗi kỹ năng ấy đều bao hàm một thái độ và một số tác phong. Muốn chia sẻ anh với em, anh phải sẵn sàng về phương diện tâm lý, có khả năng vượt qua được sự ngần ngại do sợ sệt, nghi ngờ hay mắc cỡ tạo nên.
Nhưng một khi đã vượt qua được những ngần ngại ấy, anh cần có khả năng thực sự chia sẻ, nghĩa là có khả năng bộc bạch mình một cách thích ứng với chính anh và với mối liên hệ của chúng mình. Việc bộc bạch này có thể rất phức tạp. Tuy nhiên, thành công đến bao nhiêu ngay trong lúc này đâu có quan hệ. Mỗi ngày anh sẽ thành thạo hơn, học được những cách hay hơn để biểu lộ các nhu cầu của anh, các ý tưởng của anh, các cảm nghĩ của anh, các giá trị của anh ra.
Với tương cảm (empathy) cũng thế. Nó là sức mạnh tâm lý chủ yếu đắp nền cho khả năng sống chung của anh với người khác, về cả tâm cảm lẫn tri thức. Nhưng sức mạnh căn bản mà thôi chưa đủ. Anh có thể tăng triển khả năng tương cảm chính xác bằng việc triển khai một số kỹ năng thuộc tác phong. Một thế thân (posture) được người khác chấp nhận, biết chăm chú lắng nghe, những câu lặp lại ý nhị, thẩy đều góp phần làm cho sự hiện diện của anh với em có tác dụng.
Đối mặt cũng thế, cũng góp phần chủ yếu vào cuộc sống thân mật vợ chồng. Đối mặt ở đây không hẳn chỉ có nghĩa tiêu cực và chật hẹp là tranh chấp (conflict), dù như trên đã nói, xử lý được các tranh chấp đối với nhau cũng đã là một tài nguyên đối với thân mật rồi. Đúng ra đối mặt là sức mạnh tâm lý giúp ta đưa ra (và tiếp nhận) những thông tri có tính quan trọng về xúc cảm một cách thành thực đến độ phải tự xét mình hơn là tự bào chữa. Để làm được điều ấy, anh phải khéo léo thông đạt mà không phê phán, xử lý những cơn giận của chính anh và của em, và đưa lại cho em sự nâng đỡ xúc cảm ngay cả khi hai đứa mình bất đồng với nhau.
Chắc chắn một điều, là quả thật nếu những kỹ năng về tác phong này không được cái khả năng tâm lý về thân mật chỉ vẽ cho, thì chúng chỉ trống rỗng và vô hiệu. Có khi còn bị sử dụng một cách thao túng nữa. Tuy nhiên điều sau cũng đúng là nếu những kỹ năng căn bản này không có, thì cũng không có sự thúc đẩy tiến tới thân mật và những thách đố của tính hỗ tương trong hôn nhân sẽ nhân lên gấp bội.
Trong suốt cuộc thảo luận này, chúng ta đã nhắc đến mối tương quan giữa tính dục và sự thân mật. Đối với những người đã lấy nhau, cuộc gặp gỡ tính dục là giây phút thân mật có ý nghĩa cả về phương diện tâm lý lẫn thể lý. Tính dục là một trong “những mẫu tác phong phức tạp” cần “được điều hoà một cách hỗ tương” trong tình thân mật vợ chồng. Chúng ta thấy cần phải đưa ra đây hai nhận định nữa về mối tương quan giữa tính dục và sự thân mật tâm lý. Nhận định thứ nhất là về sự đóng góp hiển nhiên của sự thân mật tâm lý vào kinh nghiệm nhân bản về tính dục. Kinh nghiệm này và sự phát biểu bằng dục quan của nó sẽ được thăng tiến khi cuộc gặp gỡ thể lý được coi là một phần của tính hỗ tương lớn hơn. Đối với đa số những người đã trưởng thành, sự chia sẻ dục quan sẽ phong phú hơn khi nó xẩy ra như là một phần của kinh nghiệm sẻ chia ở lãnh vực lớn hơn. Trong hầu hết các mối liên hệ, kể cả những mối liên hệ có tính tính dục cao nhất, làm tình cũng vẫn không đủ. Những người yêu nhau muốn và cần có những cái khác chung với nhau nữa. Thiếu khả năng khai triển cái kho lớn hơn để chứa các quan tâm chung ấy sẽ dẫn người ta đến chỗ làm tồi tệ đi chính phẩm chất của kinh nghiệm tính dục.
Nhận định thứ hai là về tầm quan trọng của việc khai triển các kỹ năng liên bản ngã về thân mật đối với sự thân mật tính dục. Các sách vở đang trăm hoa đua nở nói về những trục trặc về tính dục và cách trị liệu chúng cho thấy trong việc đối thoại giữa những người yêu nhau, họ cần phải tự bộc bạch, phải tương cảm và phải đối mặt với nhau. Những người vợ và những người chồng phải có khả năng để cho nhau biết về nhau, không những các sở thích trong giai đoạn chuẩn bị giao hợp (love-play) và chính trong lúc giao hợp, mà còn cả những cảm nghĩ về việc làm tình, những thèm muốn được âu yếm, những cảm thức dễ bị thương tổn của mình nữa. Việc chần chờ không chịu đối mặt với chồng tôi về một vấn đề gia đạo nào đó cũng có thể dẫn tôi tới việc ngần ngừ không chịu giao hợp. Cố gắng khai triển những kỹ năng thông đạt này thường giúp cải thiện cuộc sống lứa đôi nhiều hơn là việc loay hoay tìm cách cải thiện kỹ thuật ăn nằm. Trong thực tế, những cặp vợ chồng nào tự cho rằng tương quan tính dục của họ thoả đáng thường cũng cho rằng nói chung phương cách thông đạt của họ với nhau rất khả quan. Thông đạt có thể không phải là tất cả đối với tình thân mật, nhưng, như cả thần học lẫn tâm lý học đều chứng tỏ, nó nằm ngay tại trái tim của tình yêu.
Viết theo Evelyn E. Whitehead và James D. Whitehead, Chicago Studies 18:3 (1979)