Friday, 17 January 2020 06:32

Lương Tâm Con Người (2) Featured

Lm. Giuse Nguyễn Đức Quang,
Giáo sư bộ môn Luân Lý: Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, Trung Tâm Học Vấn Đaminh.

 

V. NHỮNG HÌNH THỨC HAY TÌNH TRẠNG CỦA LƯƠNG TÂM

1. Lương tâm chắc chắn (hay xác thực, chân thực)

Theo thần học kinh viện, xác thực là việc trí khôn xác nhận một sự thật nào đó cách vững chắc mà không sợ sai lầm (x. Thánh Tôma, Sum.Theo. III, diSt. 26, q. 2). Lương tâm chắc chắn là loại lương tâm căn cứ vào những nguyên tắc xác thực để phán đoán cách chính xác mà không sợ sai lầm: điều nào là tốt, điều nào là xấu, việc nào nên làm, việc nào không nên làm. Mỗi người phải có bổn phận dùng mọi phương thế thích hợp để có được lương tâm chắc chắn hướng dẫn mình trong đời sống luân lý.

a. Ta có thể phân chia tính xác thực thành nhiều loại

- Tính xác thực siêu hình căn cứ trên yếu tính của sự vật, đồng thời loại trừ mọi khả năng sai lầm. Thí dụ thành ngữ làm lành lánh dữ.

- Tính xác thực thể lý căn bản dựa trên những điều hiển nhiên theo luật tự nhiên và không sai lầm. Thí dụ: Một ngày nào đó tôi sẽ chết.

- Tính xác thực luân lý dựa trên việc loại trừ sai lầm hay những điều nghịch lại trật tự luân lý. Thí dụ: nói dối hay lừa gạt là xấu.

-  Tính xác thực theo nghĩa chặt loại trừ bất cứ hồ nghi nào có thể xảy ra. Thí dụ: khẳng định con người có bổn phận thờ phượng Thượng Đế là Đấng sáng tạo ra mình.

- Tính xác thực theo nghĩa rộng dựa trên những lý do chắc chắn nhất, nhưng vẫn còn có thể xảy ra những sự kiện tương phản. Thí dụ: người Kitô hữu bỏ đi dâng lễ ngày Chúa nhật là xấu, nhưng trong trường hợp phải ở nhà chăm sóc cha mẹ đau nặng không đi dâng lễ Chúa nhật được thì lại không mắc lỗi, nếu có đọc kinh cầu nguyện bù lại.

-  Tính xác thực duy lý chỉ căn cứ trên sự thật khách quan, chứ không xét đến những trường hợp cụ thể. Thí dụ: cầu nguyện là việc tốt đối với người Kitô hữu.

- Tính xác thực thực tiễn lại chú trọng đến hành vi phải làm ngay bây giờ. Thí dụ: trong thời điểm này tôi phải tập trung cầu nguyện nhiều hơn.


b. Những điểm sau đây được coi như là phương thế thích hợp để có được một lương tâm chắc chắn

-  Trước tiên là tìm hiểu những nguyên tắc phổ quát của luân lý tự nhiên và luân lý công giáo.

- Thứ hai là hết sức loại trừ những nguyên nhân làm lu mờ lương tâm như những đam mê bất chính, những tập quán xấu và tội lỗi.

- Thứ ba là cầu xin Chúa soi sáng chỉ dẫn.

- Cuối cùng, khi gặp những vấn đề luân lý khó khăn và phức tạp, phải khiêm tốn bàn hỏi với những người khôn ngoan và có thẩm quyền.

- Mọi người Kitô hữu đều có bổn phận phải tuân theo mệnh lệnh của lương tâm chắc chắn khi lương tâm này truyền buộc phải làm hay ngăn cấm không được làm.


c. Những nguyên tắc luân lý trong thực hành

-  Con người phải hành động sao cho phù hợp với lẽ phải. Thế mà chỉ duy có lương tâm chắc chắn mới có thể nhận định đâu là lẽ phải. Nên lương tâm chắc chắn là tiêu chuẩn chủ quan chắc chắn cho hành động, xét theo bình diện luân lý.

-   Để có lý do chính đáng mà hành động, ta chỉ cần lương tâm chắc chắn theo nghĩa rộng là đủ, lý do là vì con người bất toàn, nên không thể tra cứu để đạt tới độ xác thực tuyệt đối được. Trong sự chắc chắn theo nghĩa rộng vẫn còn có thể có một chút (không đáng kể) e ngại là sai lầm, nhưng khả năng sai lầm này rất hiếm khi xảy ra. Người ta gọi sự chắc chắn theo nghĩa rộng là tình trạng cái nhiên ở mức độ rất cao hay còn gọi là "sự chắc chắn có thận trọng".

- Có sự chắc chắn theo nghĩa rộng cũng đủ để coi hành vi là hợp pháp trong những điều kiện bình thường của cuộc sống, vì thông thường ta chỉ có loại chắc chắn này. Nếu trong lúc hành động lúc nào cũng đòi hỏi phải có sự chắc chắn theo nghĩa chặt thì cuộc sống trở nên quá nặng nề với bao nhiêu lo âu thắc mắc không thể chịu đựng được. Thiên Chúa không buộc ta làm điều bất khả đó.

- Ngoài ra, để có thể hành động chính đáng, ta chỉ cần sự xác thực thực tiễn thôi cũng đủ.


2. Lương tâm sai lầm

a. Loại lương tâm này căn cứ vào những nguyên tắc sai lạc (nhưng đương sự lại tưởng là chính xác) để phán đoán điều phải trái. Nguyên do gây ra tình trạng này là sự vô tri. Cách chung lương tâm có thể sai lầm do ảnh hưởng của dư luận xã hội, tuyên truyền thiên lệch trong các phương tiện truyền thông đại chúng, thành kiến của môi trường sống, tính tình của đương sự. Tình trạng như thế là chuyện thường tình của cuộc sống và ta nên coi đây như tình trạng hạn chế nhất thời. Chính vì nguy cơ thường xuyên đó mà lương tâm phải luôn có thái độ tìm kiếm sự thật.

b. Trong trường hợp lương tâm sai lầm có chủ ý hay vì lòng gian đó là khi đương sự cho rằng mình hành động đúng theo lương tâm, dù trong lòng vẫn cảm thấy có điều gì đó không ổn, nghĩa là vẫn cảm thấy không ngay thẳng đủ trong quyết định của mình, đồng thời lại không muốn tìm hiểu thêm cho rõ sự thực, lúc đó ta có lỗi.

c. Thông thường các thần học gia luân lý phân biệt hai loại:

- Lương tâm sai lầm bất khả thắng

Đây là loại lương tâm sai lầm vì lòng ngay do không hiểu biết hay không được nghe nói đến vấn đề liên hệ, đồng thời đương sự cũng không có đủ điều kiện thực tế, phương tiện cần thiết để tra cứu, tìm hiểu hay học hỏi. Ta vẫn thường quen gọi trường hợp này là tình ngay lý gian.
Nếu loại lương tâm này chỉ khuyên mà thôi thì ta nhất thiết không phải nghe theo, nhưng nếu nó truyền lệnh hay ngăn cấm thì ta buộc phải nghe theo. Chính vì thế trong trường hợp này ta cần phải phân biệt thế nào là giới luật, và thế nào là lời khuyên.

- Lương tâm sai lầm khả thắng

Là trường hợp khi đương sự có thể tránh được sự sai lầm nếu sử dụng mọi phương tiện trong tầm tay để tra cứu, bàn hỏi tìm ra sự thật.
Theo nguyên tắc, ta không thể tuân theo mệnh lệnh của lương tâm này, và để hành động an toàn xét về mặt luân lý, ta không được hành động hay đang làm thì phải ngưng hành động lại.


3. Lương tâm phóng túng

a. - Khi một hành vi đáng lẽ là không tốt, nhưng đương sự lại vịn vào một lý do nhỏ nhặt để cho là không có tội, hay một hành vi đáng lẽ là tội nặng nhưng lại cho là lỗi nhẹ.

- Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là:

+ Trước tiên nó không chịu học hỏi giáo lý hay ngành chuyên môn của mình cho đầy đủ nên không thể có được những phán đoán tốt.

+ Thứ hai là được hấp thụ một nền giáo dục quá phóng túng và quá tự do.

+ Thứ ba là thường xuyên giao tiếp với những người vô kỷ luật và sống bừa bãi, nên chịu ảnh hưởng của loại người đó.

+ Thứ tư là cố tình buông thả theo những dục vọng và đam mê bất xứng, thái độ sống này tác hại đến ý thức luân lý.
 
- Hậu quả là khi đương sự biết rõ tình trạng của mình mà không chịu điều chỉnh lại thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những phán đoán và những quyết định phóng túng của mình.

- Những phương tiện điều chỉnh lại loại lương tâm này:

+ Trước hết là tích cực loại bỏ những nguyên nhân vừa nêu ở trên.

+ Kế đến là khiêm tốn bàn hỏi với những người có lương tâm chắc chắn và ngay thẳng.

+ Cuối cùng là phục hồi lại đời sống tôn giáo và đức tin bằng việc cầu nguyện và siêng năng lãnh nhận các bí tích.

Lương tâm phóng túng được coi là lương tâm sai lầm khả thắng và người Kitô hữu nào mắc phải tình trạng này họ có bổn phận nghiêm túc là phải sửa chữa và điều chỉnh lại tình trạng đó.

b. Còn nếu không có thái độ tích cực sửa chữa và điều chỉnh thì lương tâm phóng túng có thể rơi vào trong hai tình trạng đáng quan ngại sau đây:

- Thứ nhất là lương tâm liều lĩnh: khi đương sự có thói quen phạm tội thường xuyên và liên tục. Điều này dẫn đến tình trạng ý thức luân lý bị suy đồi, nên người ta tỏ ra xem thường mọi loại tội dù đó là tội nặng hay nhẹ. Tình trạng này được thể hiện qua thái độ rất phóng túng về tình dục, đức công bằng và ngay thẳng trong khi buôn bán và giao tiếp với người khác.

- Thứ hai là lương tâm giả hình: khi cho việc nhỏ là quan trọng, hay ngược lại cho việc lớn là vụn vặt, hoặc khi tuân giữ những việc nhỏ mọn bên ngoài cách tỉ mỉ mà lại cố tình lãng quên những điều cần thiết và quan trọng hơn. George V. Lobo gọi đây là loại "đạo đức giả hình". Đây là thái độ của những người tự nhiên họ rất ghét việc xúc phạm thẳng đến người khác, nhưng lại bàng quan gây ra khốn khổ cho người khác do việc đầu cơ tích trữ của họ vào thời buổi kinh tế gặp khó khăn. Hoặc người ta có thể rất quan ngại trước một án mạng xảy ra nơi mình đang sống, nhưng lại không thể quan tâm đến bản thân của hàng ngàn người chết (mà nếu họ dùng ảnh hưởng của mình lên tiếng thì có thể ngăn chặn được thảm họa). Những người loại này thường quan tâm đến quyền lợi của phe họ nhưng lại bỏ qua quyền lợi của đa số người khác bị họ coi là ít quan trọng hơn. (x. Christian Living According to Vat. II Moral Theology Today, 1980, trg 167).


4. Lương tâm lưỡng lự

a. Lưỡng lự là khi đương sự băn khoăn không biết quyết định hành động như thế nào giữa hai nghĩa vụ không thể dung hòa được với nhau, gây ra trạng thái làm cũng sợ tội mà không làm cũng sợ tội.

Nói cách khác, khi đứng trước hai điều phải làm nhưng chỉ có thể làm được một trong hai điều ấy. Ví dụ: ngày Chúa nhật một y tá trong khu săn sóc đặc biệt phải lo cho những bệnh nhân đau nặng trong tình trạng nguy hiểm tính mạng. Nếu thi hành bổn phận tôn giáo là lo đi dâng lễ ngày Chúa nhật theo luật buộc thì không thi hành trách nhiệm y tá của mình và vì đó bệnh nhân có thể chết.

b. Nếu rơi vào tình trạng lưỡng nan như trên, ta có những nguyên tắc để xử lý tình trạng đó như sau:

- Nếu có thể đình hoãn hành động, đương sự buộc phải bàn hỏi hay tra cứu tìm hiểu để chấm dứt tình trạng lưỡng lự rồi mới quyết định hành động tiếp nữa hay không.

- Nếu không thể đình hoãn hành động và cũng không có điều kiện bàn hỏi hay tra cứu, thì đương sự phải theo nguyên tắc:

+ Trọng luật có giá trị hơn thường luật. Ví dụ: cấm phá thai là trọng luật theo luật tự nhiên. Còn những luật dân sự hay xã hội là thường luật, như việc kế hoạch hóa gia đình bằng cách đặt vòng.

+ Phải chọn điều mà đương sự cho là ít xấu hơn trong hai điều xấu.

- Nếu không thể đình hoãn hành động và không thể bàn hỏi cũng như tra cứu, đồng thời cũng không thể phân biệt thế nào là trọng luật và thế nào là thường luật, thì lúc ấy đương sự được tự do chọn làm việc nào tùy ý với lý do là không ai bị bó buộc phải làm điều mình không có thể làm.

- Nhưng nếu lưỡng lự vì một nguyên do có trước thì phải áp dụng trường hợp lương tâm sai lầm khả thắng, do đó đương sự phải chịu trách nhiệm. Thí dụ: linh mục vì lười học luân lý nên sau đó rơi vào tình trạng lưỡng lự khi phải phán đoán đúng hay sai về hành vi của người xưng tội hay người đến hỏi ý kiến mình.


5. Lương tâm bối rối

a. Bối rối là tình trạng lo sợ cách phi lý.

Trạng thái này thường âm ỉ và liên tục nghĩ rằng mình đã hay sẽ xúc phạm đến Chúa. Kẻ bối rối luôn ở trong tâm trạng sợ có tội. Họ luôn dựa trên những lý lẽ vụn vặt, vô cớ để kết án hành vi của mình là tội mà đáng lẽ ra nó không phải là tội; hoặc kết án hành vi của mình là tội nặng mà thực ra nó chỉ là tội nhẹ.

Một hình thức bối rối thường xảy ra mà các linh mục phải đối diện trong tòa giải tội là hối nhân hay xưng lại những tội cũ đã phạm, nhất là những tội nặng, vì cho là không biết mình đã xưng tội ấy hay chưa, không biết có xưng đầy đủ chưa, hay xưng rồi mà không biết có được Chúa tha thứ hay không.

Lương tâm bối rối là một tình trạng của tâm hồn và thường sinh ra nhiều hậu quả tai hại cho đương sự cả về tinh thần lẫn thể xác: tâm hồn luôn bị sự lo sợ dày vò, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể xác.


b. Lương tâm bối rối thường có những triệu chứng sau đây:

Do ám ảnh hoặc mặc cảm về sự bất toàn của mình, người bối rối thường băn khoăn lo lắng thái quá về hành vi cá nhân của mình: những lần bị cám dỗ, những tội đã phạm ngày xưa, những bổn phận phải thi hành.

- Xưng tội rồi nhưng không bao giờ an tâm là đã được tha thứ hết hay chưa, thường hay lo lắng về những tội tư tưởng và hành vi của mình có ý ngay lành hay không.

- Thường không bao giờ chịu nghe theo lời khuyên hay ý kiến của bất kỳ ai, kể cả của Cha giải tội, nên hay đi hỏi ý kiến của nhiều Cha khác nhau về hoàn cảnh lương tâm của họ, nhưng họ chẳng bao giờ được an tâm, thỏa mãn.


c. Ta có thể gặp những hình thức lương tâm bối rối như sau:

- Bối rối do những cơn khủng hoảng tạm thời

Trong cuộc sống có những thời điểm quan trọng hay biến cố quan trọng có thể gây ra những cảm xúc bất ổn hay nỗi lo sợ thái quá trong lương tâm: tuổi dậy thì, tuổi bắt đầu yêu đương, tuổi tắt kinh nơi phụ nữ, đời sống đức tin hay ơn gọi bị khủng hoảng, bệnh hoạn kéo dài, người thân trong gia đình gặp tai nạn qua đời. Khi bị rơi vào tình trạng như thế, ta thấy sự an toàn tâm linh vốn có trước đây bổng dưng biến mất và ta bị rơi vào tình trạng bối rối.

Tình trạng này thường chỉ kéo dài một thời gian và sẽ mất dần khi ta định hướng lại rõ ràng về cuộc đời của mình và đào sâu lại ý thức về mối tương quan giữa mình với Thiên Chúa.

- Bối rối để bù trừ

Tình trạng lương tâm bất ổn này che đậy một sự thật cơ bản là đương sự thiếu quảng đại trong đời sống tâm linh: họ cố ý quan tâm cách quá đáng những chi tiết luân lý rất vụn vặt để tránh cho bản thân khỏi phải sống cho đúng với ơn gọi thực sự của mình. Đây là thái độ tự đánh lạc hướng bản thân, và đánh lạc hướng linh mục hướng dẫn mình. Sự thiếu chân hành đó sẽ làm cho đương sự không bao giờ được bình an. Người hướng dẫn cần tạo bầu không khí nói chuyện chân thành và cởi mở, sau đó khéo léo cho họ nhận thấy rằng họ được Chúa mời gọi thay đổi cách nhìn và sống trung tín với ơn gọi của mình.

- Bối rối liên tục và day dứt

Đây có thể được coi như tình trạng bối rối đúng nghĩa và nghiêm trọng nhất. Nguyên do của tình trạng này có thể là do thời niên thiếu đương sự đã được hấp thụ một nền giáo dục tâm lý và luân lý quá khắt khe trong môi trường gia đình, học đường và xứ đạo. Chính nguyên do đó đưa đến tình trạng đương sự không có khả năng hội nhập những giá trị của cuộc sống (nhất là những giá trị khác với những gì họ tiếp thu thời niên thiếu) vào trong nhân cách của họ.

Điều này có thể được thể hiện qua nỗi âu lo chung chung cho rằng mình đã phạm tội hay có thể sẽ phạm tội trong mọi việc mình làm. Nhưng cũng có thể đương sự chỉ lo âu trong một số lãnh vực nào đó của cuộc sống: đức tin, tính dục. Điểm đặc thù của tình trạng này là người ta có khuynh hướng kể lể dài dòng chi tiết trong tòa giải tội như để trút gánh nặng tâm lý do các ức chế của họ phải chịu gây ra.


d. Những phương thế trị liệu lương tâm bối rối

- Trước tiên nếu có thể được, người hướng dẫn đưa đương sự đến các chuyên gia về tâm lý trị liệu (với tình trạng của Việt Nam hiện nay thì điều này có vẻ hơi xa vời và khó thực hiện).

Thường là các linh mục phải làm thế vai trò này. Ngài phải biết rõ tình trạng bối rối của đương sự và cố gắng tạo nên mối liên hệ và tin tưởng lẫn nhau. Như thế mới có thể khuyên đương sự hoàn toàn tin tưởng nơi mình và không đi bàn chuyện linh hướng với nhiều vị linh mục khác nhau (vì đây là tật cố hữu nơi các người bối rối).

- Theo G. Hagmaier, vị linh hướng không nên quyết định thay cho đương sự, nhưng cố gắng giúp cho họ dần dần tự bản thân có được sự nhận định, phê phán và quyết định một cách tự lập (x. Counselling the Catholic, New York, 1964). Đương sự cần phải được nhắc nhớ là cần phải có sự vâng phục đối với vị linh hướng để nhờ sự hướng dẫn họ có thể tự mình thoát khỏi cảnh lệ thuộc những cách ứng xử sai lầm trong quá khứ và dần dần đạt tới cách ứng xử hay thái độ đứng đắn và thích hợp.

- Còn theo H. Jone, các linh mục giải tội cần áp dụng những nguyên tắc sau:

+ Không cho phép các đương sự xưng tội chung cách thường xuyên.

+ Không xưng lại những tội đã phạm trước đó khi họ lãnh nhận bí tích giải tội về những tội ấy rồi.

+ Cấm xét mình lại những tội trong quá khứ.

+ Không cho xét mình tỉ mỉ dài dòng, nhưng ngược lại phải nhanh, gọn nhẹ.

+ Khi họ bị bối rối đến mức nghiêm trọng, có thể cấm lãnh nhận bí tích giải tội cho đến khi tình trạng bối rối của họ được giảm bớt cách khả quan hơn (x. Moral Theology, 1963, số 91).

- Có những trường hợp đương sự không cảm thấy bớt lo âu sau khi xưng tội, lúc ấy, vị linh hướng cần làm cho đương sự tự giác thấy tình trạng bối rối của họ thuộc phạm vi cảm tính để họ có thể phân biệt thế nào là phạm vi có tội thật sự với thế nào là phạm vi cảm nghĩ đó là tội, vì đó là hai lãnh vực khác nhau.


6. Lương tâm hồ nghi

a. Đặc tính

Người ta rơi vào tình trạng hồ nghi khi phán đoán của lương tâm bị phân vân giữa hai giải pháp có những lý lẽ thuyết phục ngang nhau, làm cho trí khôn không thể quyết định theo giải pháp nào nên băn khoăn.

Nói cách khác, lương tâm hồ nghi là lương tâm đang ở trong tình trạng không biết chắc chắn hành vi này hoặc hành vi nọ có hợp pháp hay không. Cho dù đương sự đã hoãn chưa đưa ra những phán đoán hay quyết định hoặc như có vẻ nghiêng theo giải pháp nào đó rồi, nhưng vẫn còn e ngại những giải pháp ngược lại có thể cũng đúng.


b. Phân loại

Theo cách phân loại cổ điển, người ta phân chia hồ nghi thành nhiều loại.

- Hồ nghi pháp lý là hồ nghi có lề luật hay có nguyên tắc hay không trong vấn đề liên quan. Thí dụ thắc mắc không biết việc phá thai trị liệu có được phép hay không? .

- Hồ nghi sự kiện là hồ nghi có sự kiện hay không. Thí dụ thắc mắc không biết một vật đang phát triển trong tử cung của một bà mẹ đang lâm bệnh là một khối u hay là thai nhi ?

-  Hồ nghi tích cực là căn cứ trên những lý lẽ có giá trị, có bằng chứng. Thí dụ đã ăn uống trước khi dâng Thánh lễ, nhưng không biết có đủ thời gian giữ chay một giờ trước khi rước lễ theo luật Hội thánh buộc hay không?

- Còn hồ nghi tiêu cực chỉ dựa trên những lý do giả thiết mà thôi.

-  Hồ nghi suy lý chỉ căn cứ trên lý thuyết mà thôi, mà không xét đến sự việc. Nói cách khác, loại hồ nghi này liên quan đến sự thật của một quan điểm đạo đức trên bình diện lý thuyết. Thí dụ giết một nhà độc tài đôi khi có phải là một việc hợp pháp hay không?

- Hồ nghi thực tiễn liên quan đến hành vi thực tế ngay lúc này đây (hic et nunc). Nói cách khác, loại hồ nghi này liên quan đến tính hợp pháp của một hành vi cụ thể phải làm ngay lúc này và ở đây. Td. trong trường hợp đảo chánh, giết một nhà độc tài cụ thể ngay lúc đó có hợp pháp hay không?


c. Các tiêu chuẩn để hành động khi có lương tâm hồ nghi

- Khi có sự hồ nghi thực tiễn (hay đang hồ nghi tích cực) về tính hợp pháp của hành vi cụ thể, thì không bao giờ được hành động. Lý do là hành vi phải luôn căn cứ trên ý thức luân lý chắc chắn, nếu không, khi hành động với lương tâm hồ nghi như thế, người ta có thể đưa mình vào chỗ hành động cách bất công và phạm tội. Thí dụ khi đi săn mà hồ nghi mục tiêu mình đang nhắm bắn là con vật hay một con người nào đó, nếu ta cứ bắn là ta đã phạm tội giết người (cho dù về sau khám phá ra đó chỉ là con nai mà thôi).

- Cho nên, trong lúc lương tâm hồ nghi, ta sẽ phải hành động theo những tiêu chuẩn sau đây:

+ Phải hoãn hành động lại cho đến khi có sự chắc chắn, nghĩa là cố gắng chấm dứt tình trạng hồ nghi bằng cách dựa vào những nguyên tắc luân lý chung hay tham khảo những người chuyên môn và sách vở.

Nhưng B. Häring cũng lưu ý chúng ta: “Theo lẽ khôn ngoan, ta không được phép dành quá nhiều công sức cho những việc không đâu, và làm như thế ta sẽ không còn hứng thú khi làm điều tốt nữa và nhất là làm như thế sẽ cản trở ta chu toàn những nghĩa vụ quan trọng và khẩn thiết hơn” (The Law of Christ, Vol I, trg 1966).

+ Nếu không thể sử dụng phương thế trực tiếp vừa nêu, ta có thể tìm cách có được sự chắc chắn thực tiễn cách gián tiếp như áp dụng các nguyên tắc gọi là phản xạ hay hồi cố (principle réflexe). Ta sẽ nói kỹ hơn ở phần dưới.

+ Nếu trong thực tế, cả hai phương thế trực tiếp và gián tiếp đều không sử dụng được mà công việc lại gấp rút, không thể trì hoãn, ta phải ưu tiên chọn giải pháp nào an toàn hơn, nghĩa là phải ưu tiên cho giải pháp nào ít gây nguy cơ phạm tội nhất.

Nói cách khác, ta phải chọn con đường nào có lý do mạnh hơn hướng về điều tốt và yếu hơn hướng về điều xấu. Thí dụ nếu bắt đầu xem bộ phim mà thắc mắc bộ phim này có tính khiêu dâm hay không và do đó mình có được phép xem hay không, thì tốt hơn là đừng xem phim đó.


d. Đào tạo một lương tâm hoàn toàn dựa vào các nguyên tắc phản xạ

- Những nguyên tắc phản xạ hay hồi cố, mặc dù là những nguyên tắc xác thực và hợp pháp, nhưng chúng chỉ có giá trị tổng quát, không trực tiếp phù hợp với trường hợp đang nghi ngờ, do đó muốn sử dụng chúng làm tiêu chuẩn giải quyết hồ nghi, ta cần phải suy luận và thích nghi chúng một cách hợp lý và chính đáng.

- Khi thiếu những chứng cớ hiển nhiên, những nguyên tắc này sẽ cung cấp những giải pháp bổ sung là những giải pháp không phải lúc nào cũng đem lại công bằng cho mọi bên liên hệ, nhưng ít ra cũng bảo đảm rằng trong hầu hết mọi trường hợp không có bất công xảy ra, và quyền lợi của các bên liên hệ sẽ được bảo vệ an toàn nhất.

- Những nguyên tắc này được gồm tóm trong 88 câu thành ngữ pháp luật (88 regulae juris) được lưu hành trong Giáo hội từ thời Đức Giáo Hoàng Bonifaciô VIII cho tới ngày hôm nay. Sau đây là vài thành ngữ thông dụng hơn cả.

+ Thành ngữ thứ nhất: Lex dubia non obligat (luật mà hồ nghi thì không buộc giữ): khổ một nỗi, người ta lại hay dựa vào đây để có những lập trường cực đoan.

Nên để bảo đảm có một phán đoán quân bình giữa nhiều lối giải thích khác nhau, các nhà luân lý qui định rằng ta không nên áp dụng thành ngữ này vào bốn trường hợp sau:

* Khi việc hồ nghi liên quan đến giá trị của các bí tích, nghĩa là người cử hành và người lãnh nhận đều có bổn phận phải cử hành các bí tích cách chắc chắn. Người Kitô hữu không được phép sử dụng những việc linh thánh đó với cách hồ nghi, vì làm như thế là thiếu tôn kính và bất xứng.

* Khi việc hồ nghi liên quan đến những việc thiết yếu cho phần rỗi linh hồn, ta phải cố gắng luôn tuân theo những nguyên tắc chính đáng. Thí dụ khi tìm trong sổ Rửa tội không có tên đương sự, nên hồ nghi họ đã rửa tội hay chưa, vị linh mục phải ban bí tích Rửa tội lại “có điều kiện” cho họ.

* Khi việc hồ nghi liên quan đến quyền lợi của người khác thì luân lý và pháp luật bao giờ cũng có bổn phận bênh vực quyền lợi cho họ:

+ *** Những người hiện đang là sở hữu chủ (x. thành ngữ thứ ba).

+ *** Bên bị cáo được miễn tố khi bên nguyên cáo không đưa ra được những bằng chứng cụ thể (x. thành ngữ thứ tư và năm).

+ Thành ngữ thứ hai: In dubio standum est pro eo, pro quo stat praesumptio (khi hồ nghi, quyền ưu tiên phải dành cho người có quyền phỏng đoán). Phỏng đoán là sự nhận định tiên thiên về sự việc nào đó dựa trên những lý lẽ xác thực và hợp pháp. Ai đủ điều kiện để thẩm đoán hay có thẩm quyền để phỏng đoán, thì người đó được quyền áp dụng câu thành ngữ trên để giải quyết vấn đề hồ nghi.

+ Thành ngữ thứ ba: In dubio metior est conditio possidentis (khi hồ nghi quyền ưu thắng phải dành cho người đang là sở hữu chủ. Nói cách khác, khi hồ nghi ai đang giữ thì cứ giữ).

* Thành ngữ này được áp dụng trước tiên vào lãnh vực quyền tư hữu thuộc phạm vi thiêng liêng hay vật chất. Thí dụ trong phiên xử mà cả hai bên đều đòi hỏi chủ quyền trên một tài sản, nhưng không bên nào đưa ra được bằng chứng cụ thể, rõ ràng đầy đủ về quyền sỡ hữu trên tài sản đó hơn bên kia, thì người đang giữ tài sản đó được quyền ưu tiên và lợi thế hơn.

* Sau này, các nhà luân lý, đặc biệt là thánh Anphong đã suy diễn và áp dụng nguyên tắc này vào cả lãnh vực luật pháp và tự do nữa. Thí dụ tôi biết luật phải xưng mọi tội trọng, nhưng tôi hồ nghi không biết tội tôi đã phạm có phải là tội trọng chưa, thì tôi không buộc phải xưng tội đó. Điều này có nghĩa là trong khi hồ nghi, nếu có sự xung khắc giữa pháp luật và sự chính đáng của tự do, thì khi ấy quyền lợi chính đáng của tự do sẽ ưu thế hơn.

+ Thành ngữ thứ bốn: Delictum non praesumitir sed probari debet (Tội phạm không được phỏng đoán, nhưng phải được chứng minh).

+ Thành ngữ thứ năm: In dubio favendum est reo (Khi hồ nghi, phải ủng hộ người có lỗi, hay phải ưu tiên cho bên bị cáo).

+ Thành ngữ thứ sáu: In dubio praesumptio stat pro superiore (Khi hồ nghi thì quyền phỏng đoán thuộc về cấp trên).

+ Thành ngữ thứ bảy: In dubio judivandum est ex ordinaria contigentibus (Khi hồ nghi, phải phán đoán căn cứ trên những việc thường xảy ra).

+ Thành ngữ thứ tám: In dubio favores sunt ampliandi et odia restrigenda (Khi hồ nghi, ơn huệ phải được hiểu theo nghĩa rộng, còn hình phạt phải được hiểu theo nghĩa hẹp).

+ Thành ngữ thứ chín: Inter duo mala, minus esteligendum (Khi hồ nghi trong hai điều xấu phải chọn điều nào ít xấu hơn).

+ Thành ngữ thứ mười: In dubio standum est pro valore actus (Khi hồ nghi, thì phải cho hành vi đã có hiệu lực cho đến khi có chứng minh ngược lại). Tuy nhiên trong dân luật, người ta thường không hậu thuẫn cho những hợp đồng bị nghi ngờ.


VI. NHỮNG CHỦ TRƯƠNG LUÂN LÝ LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC HỒ NGHI TRONG THẦN HỌC CÔNG GIÁO

Đây là những lập trường khác nhau do các thần học gia luân lý đề ra giúp giải quyết những tình trạng hồ nghi trong đời sống luân lý. Ngay từ thế kỷ XVII, các nhà luân lý đã đưa ra những lập trường khác nhau để giải quyết trường hợp hồ nghi.

Điểm cần lưu ý là trong phần này ta sẽ gặp một từ chuyên môn đó là chữ Probable có nghĩa là: có lẽ đúng, có lẽ thực, dường như đúng, dường như thực, khả thực, phải lẽ, theo từ chuyên môn người ta dịch là cái nhiên.


1. Phóng thứ thuyết (Laxisme)

a. Tác giả

Những người đề xướng học thuyết này: Trước tiên là Thomas Lambarinus người đầu tiên. Sau đó có hai gương mặt tiêu biểu là Antoine Diana (+1663), với quyển sách nhan đề là Resolutiones morales, trong đó tác giả giải quyết hơn 20.000 trường hợp; và Jean Caramuel (+ 1682), một tu sĩ dòng Xitô với biệt danh là “Ông Hoàng của những người theo Phóng thứ thuyết”.

b. Nội dung

- Nội dung ngắn gọn của chủ thuyết này như sau: Trong trường hợp gặp tình trạng nghi ngờ, thì một lập trường mang tính cái nhiên tối thiểu (minimum probable) cũng đủ để đi đến một phán đoán thận trọng, cho phép ta hành động, cho dù không chắc ý kiến cái nhiên tối thiểu đó có hợp luật hay không.

-  Trường phái này chủ trương rằng: không những người ta được làm theo những ý kiến bênh vực tự do có tính xác thực nhất, mà còn được phép làm theo những ý kiến bênh vực tự do, cho dù những ý kiến đó rất đuối lý và mong manh.

Nói cách khác, trong tình trạng nghi ngờ, ta chỉ cần dựa vào một ý kiến cái nhiên tối thiểu, điều đó cũng đủ cho phép ta hành động, dầu ta không chắc ý kiến cái nhiên tối thiểu đó có hợp pháp hay không (licite) ?


c. Hệ quả

- Chủ trương này đi ngược lại với nguyên tắc: sự chắc chắn về luân lý là nền tảng để cho hành động của ta được hợp pháp. Chính vì thế nó đưa đến một hệ quả nghiêm trọng là quan điểm này dẫn người ta đến những quyết định rất phóng khoáng và làm giảm thiểu đi rất nhiều những đòi hỏi của Đức Ái Kitô giáo.

- Tầm mức phóng khoáng nguy hiểm này đã bị hai giáo hoàng Alexandre VII và Annocentê XI kết án là gây gương xấu và độc hại trong việc thực hành luân lý.


2. Nghiêm nhặt thuyết

a. Lập trường này đối nghịch hẳn với Phóng thứ thuyết. Người đề xướng học thuyết này vào năm 1626 là Saint-Cyran. Học thuyết này là hình thức của thuyết vụ luật tối đa (légalisme absolu). Gương mặt nổi bật của nghiêm nhặt thuyết là Antoine Arnauld với quyển sách nhan đề là Morale pratique des Jésuites (1643). Khuynh hướng này dẫn đến trường phái của Corneille Jansen, một thần học gia người Hà Lan, sau này gọi là Jansénisme. Người ta còn gọi khuynh hướng này là Tutiorisme

b. Nội dung ngắn gọn: Ngay cả với ý kiến cái nhiên nhất (le plus probable) người ta cũng không được phép theo. Điều này có ý nói trong khi giải quyết các nố lương tâm, nếu gặp trường hợp không thể phân định phải trái, thì phải làm theo ý kiến nào chắc ăn hơn (opinio tutior), nghĩa là phải làm theo giải pháp nào đúng luật hơn, hay phải tuân theo những ý kiến chắc chắn hơn của lề luật, cho dù ý kiến bênh vực tự do lại có tính cách chắc chắn nhất.

Nói cách khác, giữa lề luật và tự do, bao giờ người ta cũng phải tuân giữ theo lề luật, cho dù những ý kiến bênh vực sự tự do lại rất chính xác.

c. Với quan điểm khắt khe như thế, học thuyết này sẽ đẩy đời sống luân lý của người Kitô hữu đến tình trạng giống như một gánh nặng không thể kham nổi và sự tự do của con người bị giảm nhẹ đi rất nhiều; nên Đức Giáo Hoàng Alexandre VIII đã lên án học thuyết này.


3. Nghiêm nhặt thuyết ôn hoà (Rigoirisme mitigé)

Hai người đề xướng học thuyết này là Steyard (1701) và Optaet (1720) là những thần học gia tại đại học Louvain.

Học thuyết này chủ trương giữa lề luật và tự do, khi có được những ý kiến cái nhiên nhất thì ta mới được phép làm theo những ý kiến bênh vực sự tự do. Còn nếu không thì lề luật phải chiếm phần ưu tiên. Tuy không bị Tòa Thánh kết án, nhưng trong thực tế, chủ trương này bị các thần học gia loại bỏ vì tính cách cũng quá khắt khe của nó.


4. Cái nhiên thuyết (probabilisme)

a. Tác giả: Người đề xướng học thuyết này là Bartholomé de Medina OP. (+ 1580) là một thần học gia người Tây Ban Nha. Sau đó được các thần học gia dòng Tên ủng hộ và phổ biến.

b. Nội dung

- Học thuyết này chủ trương: Một ý kiến cái nhiên đích thực (authentiquement probable) cũng đủ tạo nên một qui tắc giúp ta có được một phán đoán thận trọng cho phép hành động, ngay cả khi ý kiến này rõ ràng là kém cái nhiên hơn những ý kiến cái nhiên đối nghịch khác. Nên nếu gặp trường hợp ta không thể phân định phải trái chỉ cần có một lý lẽ cái nhiên là được phép làm, cho dù ý kiến nghịch lại nó có thể có lý hơn hay cái nhiên hơn (plus probable).

- Hiểu theo nghĩa chặt thì điểm này có nghĩa: khi theo một ý kiến thực sự kém cái nhiên hơn những ý kiến khác, thì hành động của tôi vẫn được coi là hợp pháp (licite).

- Nói cách khác đơn sơ hơn: ta có thể theo ý kiến cho phép ta được chuẩn khỏi phải thi hành luật, miễn là ý kiến đó có cơ sở, cho dù những ý kiến khác ngược lại với nó có khả năng đúng hơn.

- Người ta đưa ra những lý do ủng hộ lập trương này như sau:

+ Tự do của con người có trước bất cứ lề luật thành văn nào. Nên con người có một quyền chắc chắn, không thể hồ nghi được đó là quyền tự do. Vì thế, chỉ có sự ràng buộc của một lề luật chắc chắn mới có thể hạn chế được quyền tự do này.

+ Quyền tự do là một điều thiện cao đến mức nó chỉ có thể bị hạn chế bởi một điều thiện khác cao hơn. Cho nên, một luật bị hồ nghi, cho dù có tốt đến đâu, thì vẫn mang bản chất đáng ngờ, vì vậy không thể được coi như là một điều thiện cao hơn quyền tự do của con người.

+ Vì thế, các quyền lợi của con người sẽ được bảo đảm an toàn hơn, nếu con người cứ giữ nguyên sự tự do của mình và chọn lựa cách hoàn toàn độc lập khi gặp trường hợp luật bị hồ nghi.

+ Sau này, trong Tuyên ngôn về tự do tôn giáo, Công đồng Vaticanô II đã bênh vực quan niệm rất cởi mở về tự do của con người: “Cần phải duy trì tập tục tự do trọn vẹn trong xã hội, theo đó con người phải được tự do tới mức tối đa và chỉ bị hạn chế trong trường hợp khẩn thiết mà thôi”  (TD số 7).

- Nói gọn lại, học thuyết này chỉ có ý muốn nói: tôi không buộc phải giữ luật khi có lý lẽ tích cực để hồ nghi luật đó, vì thế khi không giữ luật đó tôi không mắc lỗi. Thuyết Cái nhiên hình như muốn dung hòa một cách cân đối giữa nghĩa vụ bảo vệ lề luật và nghĩa vụ bảo vệ sự tự do của con người. Lý tưởng là tôn trọng lề luật, nhưng thần học luân lý lại có trách nhiệm đưa con người đến với Chúa trong những điều kiện thực tế cụ thể của họ.

***==> Một ý kiến được coi là cái nhiên khi được hậu thuẫn bởi những học giả có tiếng là nghiêm túc, được coi là có thẩm quyền trong lãnh vực liên hệ và được nhìn nhận là bậc thầy trong Hội thánh. Thông thường chỉ cần năm hay sáu tác giả thuộc loại này hậu thuẫn thì ý kiến được coi là cái nhiên.    


5. Cánh trị nhiên thuyết hay thuyết Cái nhiên hơn (Probabiliorisme)

a. Tác giả: Năm 1656, có một điều lý thú ta có thể ghi nhận: Để phản ứng chống lại Cái nhiên thuyết do một tu sĩ dòng Đaminh khởi xướng và được các tu sĩ dòng Tên hậu thuẫn, thì sau đó chính các tu sĩ dòng Đaminh đã đề xướng học thuyết này. Những gương mặt yêu biểu cho trường phái này là Contenson (+1684) với quyển sách nhan đề là “Theologia mentis et cordis” và Đức Giám mục Bossuet tại Pháp.

b. Nội dung

- Học thuyết này chủ trương tất cả những ý kiến nào “cái nhiên hơn” (plus probable) sẽ làm cho những ý kiến cái nhiên đối nghịch khác trở thành bất hợp luật (illicite) trong mọi trường hợp.

- Nói cách khác:

+ Giữa hai ý kiến, phải luôn loại bỏ ý kiến kém cái nhiên hơn. Theo lập trường này, người ta được quyền làm theo những ý kiến bênh vực sự tự do với điều kiện là những ý kiến đó phải cái nhiên hơn, có lý do hơn những ý kiến bênh vực luật pháp.

+ Còn trong trường hợp nghi ngờ không thể giải quyết được thì người ta được khuyên nên đi đến chỗ chắc ăn nhất nghĩa là làm theo luật.


c. Hệ quả: Ta có thể nhận định về lập trường này như sau: lập luận cho rằng khi nghi ngờ ta phải chọn ý kiến nào có khả năng đúng hơn, điều này xem ra vẫn rất hợp lý và khá thuyết phục. Nếu không thể nắm chắc được sự đúng đắn của một nguyên tắc luân lý, thì ít ra ta nên chọn ý kiến nào có nhiều lý lẽ ủng hộ hơn.

6. Đồng cái nhiên thuyết hay thuyết cái nhiên bằng (Equiprobabilisme)

a. Người ta cho rằng, người khởi xướng học thuyết này là thánh Anphong Ligôri (1696-1787)

b. Nội dung

- Học thuyết này chủ trương: Khi một lương tâm ngay thẳng hay hầu như ngang bằng để sử dụng tự do cách sáng tạo vì những nhu cầu hiện tại, họ sẽ không bị ràng buộc bởi lề luật, nếu tự nó hay trong những áp dụng cụ thể lề luật này bị nghi ngờ. Lề luật sẽ không đúng nếu nó bóp nghẹt tự do, trừ khi rõ ràng lề luật có những lý do chắc chắn để làm điều đó.

- Ngoài ra học thuyết này còn chủ trương: Giữa hai ý kiến độc lập có vẻ chính xác ngang nhau hay gần ngang nhau, nếu việc hồ nghi liên quan đến sự hiện hữu của lề luật (nghĩa là không biết có luật đó hay không), thì ta được làm theo ý kiến bênh vực tự do (hay chọn ý kiến bênh vực lề luật cũng được). Lập trường này dựa theo nguyên tắc “In dubio melior est conditio possidentis” (khi hồ nghi thì việc suy đoán phải ưu tiên cho người đang sở hữu chủ); đem áp dụng vào lĩnh vực tự do và lề luật thì lập trường này bênh vực sự tự do vì tự do đang sở hữu một thế đứng bao lâu một luật chắc chắn chưa đến dời sự tự do đó đi.

- Nói cách khác là trong hồ nghi, nếu có xung khắc giữa lề luật và quyền lợi chính đáng của tự do, thì quyền lợi chính đáng của tự do có ưu thế hơn. Hay khi một luật bị nghi ngờ công bố không đầy đủ thì không buộc phải giữ. Nhưng nếu việc hồ nghi liên quan đến việc đình chỉ lề luật, nghĩa là hồ nghi không biết luật đó có còn hiệu lực hay không thì phải làm theo ý kiến bênh vực lề luật. Sự tinh tế của giải pháp thứ hai này có vẻ xích lại gần với lập trường của học thuyết Cái nhiên hơn.


c. Hệ quả

- Lập trường này nhấn mạnh: Khi một lương tâm ngay thẳng có những lý do chính đáng ngang bằng hay hầu như ngang bằng để sử dụng sự tự do cách sáng tạo vì những nhu cầu hiện tại, lúc ấy họ sẽ không bị ràng buộc bởi lề luật, nếu tự nó lề luật bị nghi ngờ.

-  Theo những nghiên cứu lịch sử gần đây, người ta cho rằng lúc học thần học, Thánh nhân theo thuyết Cái nhiên hơn, nhưng sau đó khi làm việc mục vụ Ngài ngả theo thuyết Cái nhiên. Cuối cùng vì những lý do lịch sử (lúc ấy các Thần học gia và cả chính quyền dân sự chống lại thuyết Cái nhiên) và để tránh hiểu lầm, Thánh nhân mới đưa ra thuyết Đồng cái nhiên với sự phân biệt tinh tế vừa nêu.

- Nhưng nhìn chung có thể nói đa số những nhà luân lý từ đó đến nay đều ủng hộ học thuyết này và dựa vào lập trường của Thánh nhân để giải quyết các vấn đề liên quan đến sự hồ nghi.


7. Thuyết dung hòa hay thuyết lý lẽ thỏa đáng ta còn gọi là thuyết Lý do cân xứng
 (xin coi Bài hành vi nhân linh)

8. Thuyết các quy luật ưu tiên

a. Tác giả: Một số tác giả đã đề cập đến lập trường này như Hans Reiner, Rudolf Ginters, và Otto Schiling.

b. Nội dung

- Những người này cho rằng đây là một phương thế hỗ trợ ta trong những tình huống gặp xung khắc giữa các vấn đề luân lý. Các quy luật ưu tiên được coi như những tiêu chuẩn nội tại ta phải dựa vào đó đề giải quyết các vấn đề luân lý.

- Một quy tắc hết sức căn bản: phải ưu tiên cho các giá trị có tầm quan trọng căn bản hơn những giá trị có tầm quan trọng ít hơn. Otto Schilling đề ra những nấc thang giá trị theo thứ tự từ trên xuống dưới như sau :

+ Giá trị liên quan đến phần rỗi đời đời.

+ Giá trị liên quan đến sự sống và sức khỏe.

+ Giá trị liên quan đến tự do và danh dự.

+ Giá trị liên quan đến tài sản vật chất.

* Rõ ràng ở đây ta thấy cứu cánh của đời người được coi là giá trị tối thượng. cho nên tính cách ưu tiên của các giá trị sau sẽ lấy giá trị phần rỗi đời đời làm chuẩn.


c. Hệ quả

Ngoài quy luật nền tảng nêu trên, còn có một số những quy luật ưu tiên cụ thể như sau :

- Lợi ích chung của tập thể phải ưu tiên hơn lợi ích cá nhân.

- Một việc hay một hoàn cảnh đem lại nhiều khả năng thành công hơn phải ưu tiên hơn công việc hay hoàn cảnh ít có cơ may thành công hơn.

- Một giá trị bị lâm nguy mà muốn cứu nó ta phải có hành động kịp thời phải được ưu tiên hơn giá trị cũng bị lâm nguy nhưng sau này ta cứu vẫn còn kịp.

- Ai là người thích hợp cho công việc nào cần được giải quyết thì người đó có bổn phận ưu tiên làm công việc đó.

- Xoa dịu một nhu cầu chắc chắn phải có thì ưu tiên hơn việc xoa dịu một nhu cầu mới được dự đoán.

- Thà không xâm phạm đến giá trị hiện có hơn là tạo ra những giá trị mới.

* H. Reiner lưu ý rằng khi áp dụng những quy luật ưu tiên vào cuộc sống thì không phải lúc nào cũng đơn giản và dễ dàng. Nên người ta cần dựa vào truyền thống luân lý của cộng đoàn mình đang sống và sự giúp đỡ của các cấp thẩm quyền về luân lý.


VII. LƯƠNG TÂM LUÂN LÝ NGÀY NAY VÀ QUYỀN ĐƯỢC TỰ DO LƯƠNG TÂM

1. Lương tâm luân lý ngày nay

Ngày nay người ta thường nói đến mối liên hệ giữa lương tâm và nhân cách, giữa lương tâm và niềm tin Kitô giáo, cũng như chiều hướng lương tâm luân lý phục vụ cho tình yêu.

a. Lương tâm và nhân cách

Lương tâm là một nhân tố quan trọng gắn liền với cuộc sống con người và góp phần hình thành nên nhân cách của chúng ta.

- Xét như một tổng thể sống động và đặc thù, con người cần phải dấn thân vào trong một tiến trình biện chứng tăng trưởng (nếu không thì sẽ thụt lùi). Họ được mời gọi đạt đến một mức độ cao hơn, nhưng chẳng bao giờ có giới hạn. Chính vì thế ơn gọi con người luôn luôn là một dự phóng phải hoàn thành. Điều này đồng nghĩa với tình trạng không có dừng lại, nhưng phải tiến về phía trước. Hiểu theo chiều hướng cao thượng này, luân lý chỉ là cách diễn đạt tính năng động đặc thù như sau: trạng thái tiến triển đó chỉ có thể là công việc của chính lương tâm đương sự. Công việc này được thực hiện với sự tự do và không ai có thể làm thay cho ta được.

- Một trong những đặc điểm chính của con người là tính tự sở hữu: giống như các hữu thể khác, con người tuân theo sự biến dịch (devenir), nhưng không bị sự biến dịch này thống trị. Trái lại con người làm chủ sự biến dịch của mình bằng những chọn lựa và những định hướng riêng của mình. Trong những chọn lựa tầm thường nhất cũng như anh hùng nhất, quyết định của lương tâm con người tỏ cho thấy con người có khả năng nắm vững, thiết lập tính liên tục giữa quá khứ và hiện tại để chuẩn bị cho tương lai. Tất cả quyết định của lương tâm chỉ có ý nghĩa nếu ta qui chiếu nó với một cái gì đó cơ bản của con người. Ta gọi điểm qui chiếu đó là "sự chọn lựa cơ bản". Sự chọn lựa cơ bản tạo nên nhân cách và tính liên tục giữa những quyết định khác nhau trong cuộc sống.

Hiển nhiên là khởi đi từ sự lựa chọn cơ bản này mà lương tâm cơ bản nguyên thủy được bộc lộ ra và cho thấy những giá trị luân lý của con người. Lương tâm cơ bản đồng nghĩa với việc con người tự do dấn thân vào trong hướng đi sống còn (vital). Sự chọn lựa cơ bản này được cho là điều thiết yếu đối với việc hoàn thành chính bản thân mình.

- Ta cũng cần lưu ý: tiến trình trưởng thành của lương tâm được thực hiện cùng với môi trường sống của con người. Nên lương tâm cơ bản luôn luôn mang tính cộng đoàn, phản ánh môi trường văn hóa của chúng ta.


b. Lương tâm và niềm tin Kitô giáo

- Qua việc thực hành sự phân biệt nhờ đức tin mà lương tâm cơ bản được xác định nơi người Kitô hữu. Thánh Phaolô nhấn mạnh đến điểm này: "Anh em đừng có rập theo đời này; nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Chúa, cái gì là tốt, cái gì là đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm. 12,2).

Ngoài ra thánh Phaolô còn cho thấy mối liên hệ giữa việc phân biệt phát xuất từ niềm tin vào Đức Giêsu với sự biến đổi về luân lý trong cuộc sống nhờ đức ái: "Điều tôi khẩn khoản nài xin, là cho lòng mến anh em ngày thêm dồi dào, khiến anh em được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên. Tôi cũng xin cho anh em được nên tinh tuyền và không có gì đáng trách, trong khi chờ đợi Đức Kitô quang lâm" (Pl. 1,9-11).

- Được đức tin soi sáng và đức ái thúc đẩy, sự lựa chọn cơ bản là hậu cảnh, làm nền của mọi quyết định luân lý. Sự lựa chọn cơ bản đó là thái độ tin rằng họ được cứu độ nhờ Đức Kitô. Hiểu theo nghĩa trọn vẹn, con người được cứu độ khi họ hoàn thành ơn gọi làm người của mình. Cho nên đối với con người, giải pháp duy nhất cho việc hoàn thành chính bản thân họ lại nằm trong ơn cứu độ do Đức Kitô đem lại. Hiểu như thế, ta mới thấy rõ vai trò của đức tin trong việc hình thành nhân cách và lương tâm căn bản của con người trong lãnh vực luân lý.


c. Lương tâm luân lý phục vụ cho tình yêu.

- Cách chủ yếu đức tin hành động để thực hiện và hoàn thành công việc của Đức Giêsu, nghĩa là đức tin cho phép người Kitô hữu trở thành nhân chứng và thành người phổ biến tình yêu thương - bác ái (Amour-Agapé) mà Đức Giêsu đã đem đến cho trần gian.

Theo chiều hướng này, đức ái trở thành cứu cánh cho mọi hoạt động luân lý của người kitô hữu được đức tin soi dẫn. Chính vì thế ta có được một tiêu chuẩn nền tảng sau đây: đối diện với những chọn lựa luân lý đặc thù, sự phân biệt của người kitô hữu phải luôn hướng tới sự chọn lựa những quyết định đem lại nhiều tình thương yêu hơn, làm cho con người hiệp nhất với nhau hơn, và đồng thời tôn trọng tối đa phẩm giá con người.

- Lương tâm cơ bản của người Kitô hữu còn phải được biểu lộ trong chiều kích cộng đoàn:

+ Trước tiên là nơi cộng đoàn tự nhiên như quốc gia, gia đình: làm sao cho tình yêu thương và sự tôn trọng con người có được vị thế ưu thắng, ngay cả trong trường hợp phải giáp mặt với đối phương.

+ Kế đến là nơi cộng đoàn Giáo hội : cấu trúc phẩm trật là để phục vụ cho sự sống của cộng đoàn Dân Chúa. Chắc chắn đây là nơi chính yếu để cho lương tâm cơ bản của người kitô hữu được đào tạo, trưởng thành và múc lấy nguồn nghị lực thiêng liêng để trở nên chứng nhân cho Chúa và cho tình yêu thương.

- Một trong những khía cạnh thiết yếu của đức tin là sự phân biệt tội lỗi, như việc từ chối tình yêu của Thiên Chúa. Lương tâm người Kitô hữu thường phải được biểu lộ ra trong những chọn lựa tính đến mối hiểm nguy của tội lỗi đe dọa con người không phải chỉ dưới hình thức vi phạm lề luật mà còn dưới hình thức hủy hoại cứu cánh của con người.


2. Quyền được tự do lương tâm

a. Sự phán đoán chắc chắn của lương tâm là chuẩn mực chủ quan cho hành vi nhân linh.

Ta có bổn phận phải tuân theo những phán đoán của lương tâm và chính vì thế con người có quyền hành động theo lương tâm của mình. Đức Giáo Hoàng Lêo XII và Công đồng Vaticanô II đã nhấn mạnh đến quyền tự do lương tâm như sau: Con người không bị buộc hành động ngược lại với lương tâm của mình hay không thể bị cản trở không được hành động theo lương tâm của mình. Kế đến, trong các quyết định luân lý của mình, con người phải được hoàn toàn tự do, không bị áp lực bởi một cưỡng bách nào, nhưng trái lại được thúc đẩy bởi ý thức trách nhiệm (x. Thông điệp Libertas Praestantissimum ngày 20.6.1888 trong DS số 3250 và Tuyên ngôn về Tự Do Tôn Giáo của Vat. II, số 3).

Tôn trọng sự tự do lương tâm và phẩm giá con người là điều phù hợp với tinh thần của Tin mừng (x. Vat. II, Tuyên ngôn TD số 11 và Hiến chế MV số 41).


b. Quyền được tự do lương tâm bao gồm hai yêu sách

- Trước tiên là không bị cưỡng bách hành động ngược với lương tâm của mình, đây là một quyền không bị hạn chế.

- Kế đến là không bị cấm cản hành động theo lương tâm của mình: quyền này có thể bị hạn chế khi va chạm với những đòi hỏi của công ích. Vaticanô II đã nêu rõ và nhấn mạnh như sau: "Trong khi hưởng dùng mọi sự tự do, nguyên tắc luân lý phải tuân giữ là trách nhiệm cá nhân và đoàn thể: khi hành xử những quyền lợi của mình, cá nhân cũng như đoàn thể phải tuân giữ luật luân lý, nghĩa là phải quan tâm đến quyền lợi của người khác, cũng như bổn phận của mình đối với tha nhân và lợi ích chung của mọi người" (TD 7).

- Nên khi cá nhân hay tập thể nào không thỏa mãn được những nhu cầu chính đáng kể trên khi họ hành xử quyền tự do lương tâm, thì khi ấy xã hội cũng có quyền có những biện pháp tự bảo vệ.

Ta có thể nhận ra quyền tự do lương tâm không phải là một quyền hạn không gây ra những khó khăn hay không gây ra những vấn đề. Chính vì thế ta có nghĩa vụ nghiêm túc phải kiểm tra lại các xác tín của lương tâm mình cách nghiêm chỉnh, và phải luôn tìm cách giáo dục lương tâm của mình kỹ lưỡng hơn, mỗi khi thấy mình có những phán đoán không phù hợp với quyết định của đa số hay của lề luật.