Học Viện Đaminh
DẪN NHẬP
Doug Mcmanaman trong tác phẩm “The Virtue of Temperance” đã gọi thế giới hôm nay là một “hí trường Coliseum”. Hình ảnh biểu tượng này muốn nói với ta điều gì? Hí trường Coliseum của năm 40 sau công nguyên với những trận giác đấu đẫm máu phần nào cho thấy thực trạng thế giới và con người hôm này luôn tìm kiếm sự kích thích mạnh mẽ nhằm lấp đầy sự trống rỗng về ý nghĩa. Đó là lối giải quyết của xã hội hôm nay trước những thất vọng, chán nản, buồn rầu… giải pháp là phải có “nhiều hơn”: kích động nhiều hơn, tình dục nhiều hơn, âm nhạc, phim ảnh, rượu chè, tiền bạc, tự do…luôn được “phô bày” ở mức độ thái quá như một phương cách để thỏa mãn và tìm niềm vui. Tiết độ dường như không còn chỗ đứng, tất cả dường như được trình bày trong tình trạng thái quá. Câu chuyện của ngày hôm nay cũng là câu chuyện của con người qua mọi thời đại: câu chuyện về con đường Hạnh Phúc. Những suy tư triết học và giáo huấn của các tôn giáo dù khác nhau về mục tiêu tối hậu nhưng tương đồng trong cách nhìn nhận “phương tiện” hữu hiệu để đạt đến Hạnh Phúc Cứu Cánh chính là nhân đức Tiết Độ.
Triết gia Marcus Tillius Cicero đã nói: “tránh những gì thái quá, xin để cho tiết độ hướng dẫn bạn. Chìa khóa của niềm vui và hạnh phúc đích thật chính là sự tiết độ”. Triết gia Aristote nhấn mạnh tính hướng đích của nhân đức Tiết Độ là tìm kiếm sự quân bình nội tâm như phương thế đạt đến sự hạnh phúc đích thật. Chúng ta thường suy nghĩ nhân đức tiết độ là nhân đức giúp điều tiết ham muốn bản thân trước những nhu cầu thể lý vàtinh thần. Tuy nhiên ý nghĩa đích thật của nhân đức tiết độ ít hệ tại ở những gì nó ngăn trở hơn là những gì nó có thể làm cho ta được triển nở. Đó là “bước chuyển” tích cực mà mặc khải Kinh Thánh muốn trình bày cho chúng ta và đó cũng là lãnh giới tinh thần mà nhân đức Tiết Độ mời gọi con người vươn đến như thánh Augustinô đã nói vinh quang Thiên Chúa, đó là con người “sống tròn đầy”. “Sống tròn đầy” là sống quân bình, chừng mực cả trong nhu cầu bản năng, tình cảm tự nhiên và cả trong đời sống luân lý, đạo đức tâm linh. Đó là hai chiều kích căn bản về nhân đức Tiết Độ được trình bày cách tiệm tiến trong mạc khải Kinh Thánh như phương tiện để con người vươn đến sự hoàn thiện luân lý cá nhân và hoàn thiện vì Nước Trời. Thật vậy, nếu được phép so sánh cuộc sống con người như một cánh diều tung bay trong bầu trời của ân sủng, thì nhân đức tiết độ chính là sợi dây kết nối giữa “cánh diều” với một vùng đất cụ thể mà ‘cánh diều’ thuộc về, để giúp “cánh diều” có thể thăng hoa mà không rơi vào vùng hư mất.
I. KHÁI NIỆM VỀ ĐỨC TIẾT ĐỘ
1. Tiết Độ Là Gì ?
Theo nguyên ngữ La tinh, Tiết độ là “Temperantia”, có gốc là động từ “temperare”, có nghĩa là: giữ chừng mực, dung hoà, giữ quân bình. Đây là nhân đức giúp con người giảm bớt (kiềm chế) những ước muốn, những dục vọng.
Theo từ điển Công giáo Phổ thông, Tiết độ là nhân đức điều hoà ước muốn khoái lạc. Theo nghĩa rộng, tiết độ là nhân đức giúp điều hoà sự khoan khoái dưới mọi hình thức, từ những niềm vui thuần tuý thiêng liêng do hoạt động trí tuệ, những an ủi cảm được khi cầu nguyện đến những khoái lạc trong cảm xúc khi nghe một khúc nhạc hay, hoặc nhìn thấy một quang cảnh đẹp. Nhưng theo nghĩa hẹp, tiết độ là nhân đức tương ứng với đức dũng cảm. Nếu đức dũng cảm giúp ta kiềm chế sự liều lĩnh và sợ hãi khi đứng trước những đau khổ lớn có thể làm thương tổn bản tính tự nhiên, thì đức tiết độ giúp ta kiểm soát những ước muốn đi tìm những khoái lạc cao độ. Khoái lạc thường đi đôi với mọi sinh hoạt tự nhiên của con người, nên những sinh hoạt càng tự nhiên thì khoái lạc thường mãnh liệt. Trên bình diện cảm giác, có những khoái lạc phục vụ cá nhân như khi ăn uống và có những khoái lạc phục vụ nhân loại như khi giao hợp. Đức tiết độ chủ yếu là để điều hoà những khoái cảm đó.[1] Ngoài ra, trong Kinh Thánh Cựu Ước chúng ta cũng tìm những từ ngữ và ý nghĩa liên hệ đến nhân đức Tiết Độ như : Tự chủ (enkrateia, seft-control) và Điều độ (nephalios, temperance-abstinence).
Tự chủ (enkrateia, seft-control): “Tự” (自) là chính mình, tự nhiên không phải miễn cưỡng, “Chủ” (主) là vua, hay người có quyền về sự gì. Như vậy theo nghĩa chặt, “tự chủ” (自主) có nghĩa là người có quyền trên bản thân mình.[2] Tự chủ theo nghĩa rộng là hành vi, khả năng đặt những ý muốn của mình dưới sự kiểm soát của ý chí đã được lý trí và đức tin soi sáng.[3] “Tự chủ” theo Kenneth S. Wuest trong Word Studies In The New Testament có nguyên nghĩa Hy Lạp là enkrateia, nghĩa là “sở hữu sức mạnh, kiềm chế được tình cảm và ham muốn.” Nguyên nghĩa là “làm chủ chính mình” hay “sự tự chủ”. Tự chủ, theo nghĩa rộng, là điển khiển đam mê, xúc cảm bản thân. Đó là một nhân đức giúp kiểm soát dục vọng, điều hòa lý trí và điều chỉnh nhân cách không để bị thống trị bởi ham muốn giác quan.[4]
Điều độ (nephalios, temperance-abstinence): Điều độ theo Catholic Encylopedia là sự kiểm soát khoái cảm dục vọng. Theo nghĩa này, điều độ tương tự đức can đảm, là sự tiết chế nỗi sợ hãi , tự chủ về thể lý và tinh thần. Từ “điều độ” được sử dụng trong trường hợp cụ thể đặc thù khác với từ “tự chủ” được sử dụng trong trường hợp tổng quát. Kinh Thánh sử dụng từ “điều độ” (nephalios, temperance-abstinence) ám chỉ việc tránh đam mê ăn uống.
Như vậy, dựa trên các định nghĩa trên, chúng ta có thể nói ngắn gọn rằng, tiết độ là nhân đức giúp con người biết giữ độ chừng mực, điều độ, kiềm chế trước những lôi cuốn của lạc thú và của cải trần thế. Tiết độ là một việc làm dung hòa cho có chừng mực, và tránh thái quá hoặc bất cập. Muốn làm được như thế, ta phải kìm hãm, xa tránh những xúc cảm và thu hút, tức là những kích thích từ phía bên trong và bên ngoài cuộc sống. Và như vậy, tiết độ không phải là nhân đức hay đức tính dễ làm và dễ thực hiện, bởi nó trực tiếp liên quan đến cả thể lý, tâm lý và tâm linh con người.
2. Đối Tượng Của Đức Tiết Độ Và Các Khái Niệm Liên Quan
Đối tượng chính của tiết độ là: sự ăn uống và truyền sinh.[5] Bởi đó, tiết độ bao hàm việc ăn uống (điều độ) hay đức trong sạch (khiết tịnh). Hơn nữa, tiết độ là một nhân đức căn bản, nên bao gồm nhiều nhân đức khác như hiền lành, rộng rãi, tha thứ, khiêm tốn, siêng năng, lễ độ.[6] Như vậy, có thể coi điều độ, khiết tịnh là những biểu hiện của đức tiết độ. Do đó, để đi vào tìm hiểu tiết độ trong Kinh Thánh, chúng ta tìm hiểu thêm các khái niệm về điều độ, khiết tịnh, hiền lành, khiêm nhường.
- Điều độ: là nhân đức giúp con điều hoà ước muốn và điều hoà việc sử dụng các thức ăn ngon và thức uống có men. Nói cách khác, đây là nhân đức tiết độ áp dụng vào việc sử dụng thức ăn ngon và thức uống có chất men làm sao cho chừng mực.[7]
- Khiết tịnh: là nhân đức giúp tiết chế ước vọng, những khoái lạc dục tính dựa vào những nguyên tắc của đức tin và lý trí đúng đắn. Nhiều người nghĩ rằng chỉ có những tu sĩ mới phải giữ đức khiết tịnh. Nhưng không phải thế, đức khiết tịnh buộc hết mọi người, tùy theo bậc sống của mình. Đối với người kết hôn, đức khiết tịnh sẽ giúp tiết chế ước vọng ấy cho phù hợp với bậc sống của họ. Đối với người chưa kết hôn, đức khiết tịnh sẽ giúp tiết chế ước vọng ấy bằng cách không tìm khoái lạc dục tính cho tới khi lập gia đình; còn đối với người quyết định không bao giờ kết hôn, đức khiết tịnh giúp họ hy sinh ước vọng ấy hoàn toàn.[8]
- Hiền lành: là nhân đức làm dịu sự tức giận và những hậu quả hỗn loạn của nó. Hiền lành là một hình thức tiết độ, làm chủ được mọi phản ứng thái quá của một người bất mãn trước tính tình hay thái độ của người khác.[9] Đối nghịch với đức hiền lành là sự giận dữ. Đồng thời, hiền lành không đồng nghĩa với nhu nhược, đến nỗi không dám phản ứng trước những điều ngang trái.
- Khiêm nhường: là nhân đức luân lý giữ cho một người không vượt qua chính mình. Khiêm nhường có nghĩa là nhận biết sự thật nơi mình. Ngoài ra, khiêm nhường là không phóng đại khoa trương, khoe khoang cái mà mình không có, hay là mù quáng không chịu nhìn nhận những khuyết điểm của mình.
Như vậy, khi tìm hiểu về tiết độ, chúng ta không chỉ bàn riêng về tiết độ mà còn phải bàn đến các đức tính khác: điều độ, khiết tịnh, hiền lành, khiêm nhường, vì chúng là đối tượng của đức tiết độ. Việc tìm hiểu những khái niệm về tiết độ và những khái niệm khác liên quan đến tiết độ là cơ sở để chúng ta bước vào tìm hiểu về tiết độ trong Kinh Thánh.
II. BIỂU HIỆN CỦA ĐỜI SỐNG TIẾT ĐỘ TRONG KINH THÁNH
A. Đức Tiết Độ Trong Cựu Ước
1. Từ ngữ và ý nghĩa liên hệ đến Đức Tiết Độ trong Kinh Thánh Cựu Ước
a. Tự chủ (enkrateia, seft-control)
Một trong những ý nghĩa ẩn dụ về sự tiết độ trong Kinh Thánh Cựu Ước là sự tự chủ. “Tự” (自) là chính mình, tự nhiên không phải miễn cưỡng, “Chủ” (主) là vua, hay người có quyền về sự gì. Như vậy theo nghĩa chặt, “tự chủ” (自主) có nghĩa là người có quyền trên bản thân mình.[10] Tự chủ theo nghĩa rộng là hành vi, khả năng đặt những ý muốn của mình dưới sự kiểm soát của ý chí đã được lý trí và đức tin soi sáng.[11] “Tự chủ” theo Kenneth S. Wuest trong Word Studies In The New Testament có nguyên nghĩa Hy Lạp là enkrateia, nghĩa là “sở hữu sức mạnh, kiềm chế được tình cảm và ham muốn.” Nguyên nghĩa là “làm chủ chính mình” hay “sự tự chủ”. Tự chủ, theo nghĩa rộng, là điển khiển đam mê, xúc cảm bản thân. Đó là một nhân đức giúp kiểm soát dục vọng, điều hòa lý trí và điều chỉnh nhân cách không để bị thống trị bởi ham muốn giác quan.[12] “Tự chủ” ứng dụng thực hành nhiều trong cuộc sống nhưng Kinh Thánh không sử dụng từ “tự chủ” cách bao quát, nhưng chỉ cho biết tầm quan trọng của sự tự chủ trong Sách Châm Ngôn 25,28: “người không biết tự chủ ví như thành bỏ ngõ, không tường lũy chở che.” Interpreter’s Dictionary of the Bible chú giải như sau: hình ảnh về một thành phố mà tường lũy hầu như đã bị phá hủy, không còn sự phòng vệ nào để chống lại quân thù; vì thế một người không biết tiết chế tinh thần, là nguồn năng lực mạnh mẽ của con người. Người đó sẽ không có sự phòng vệ để chống lại cơn giận dữ, tham dục và những đam mê phóng túng khác là những thứ hủy hoại nhân cách (vol. 4, p. 267). Thật vậy, “tự chủ” chỉ được hiểu cách ngụ ý trong các huấn dụ luân lý, cụ thể trong Cựu Ước bao hàm những ý nghĩa sau:[13]
Kiểm soát ý chí và ước muốn bản thân: như câu chuyện của Đanien: “Đanien quyết tâm không để mình bị ô uế do thức ăn, rượu uống của nhà vua, nên đã xin quan cho mình khỏi bị ô uế” (Đn 1,8). Mục đích của hành vi tự chủ là giữ chừng mừng trong mọi hành động để phân định thật giả, tốt xấu dưới sự hướng dẫn của lý trí “Khốn thay những kẻ bảo cái tốt là xấu, cái xấu là tốt, những kẻ biến tối thành sáng, sáng thành tối, biến cay đắng thành ngọt ngào, ngọt ngào thành cay đắng” (Is 5, 20).
Tuân theo sự hướng dẫn của Thần Khí: sự tự chủ được đề cập trong Cựu Ước không chỉ giới hạn trong những nhu cầu thể lý mà còn cả trong lĩnh vực tìm kiếm sự hiểu biết. Cám dỗ của lý trí trong việc tìm kiếm sự hiểu biết thường nghiệm là dễ sinh lòng kiêu ngạo tự mãn. Vì vậy, cần sự tự chủ về lý trí và ý chí dưới sự hướng dẫn của Thần Khí để lướt thắng thái độ kiêu ngạo tự mãn và sử dụng đúng đắn ơn thánh trong việc tìm kiếm tri thức mặc khải của Lời Thiên Chúa.
Tiết chế lời nói và tư tưởng: Tự chủ không chỉ là việc kiểm soát và tiết chế xung năng thể lý nhưng còn là việc kiểm soát và tiết chế cả trong lời nói, tư tưởng và ý niệm. Chúng ta cần thực hành tự chủ về những gì chúng ta nghĩ và những gì chúng ta nói như sách Châm Ngôn đã nói: “lưỡi người khôn tiết ra tri thức, miệng kẻ dại tuôn chuyện ngu si” (Cn 15,2) và: “kẻ giữ mồm giữ miệng, thì giữ mình khỏi những hiểm nguy” (Cn 21,23). Chúng ta sẽ tránh được những phiền muộn và những hoàn cảnh lúng túng nếu chúng ta biết tự chủ lời nói của mình.
b. Điều độ (nephalios, temperance-abstinence)
Điều độ theo Kenneth S. Wuest trong Word Studies In The New Testament có nguyên nghĩa Hy Lạp là nephalios, có cùng nghĩa như “tự chủ” (enkrateia, seft-control). Không giống như các nhân đức hướng thần, các nhân đức trụ là kết quả tự nhiên của các tập quán hơn là qùa tặng ân sủng từ Thiên Chúa.[14] Điều độ theo Catholic Encylopedia là sự kiểm soát khoái cảm dục vọng. Theo nghĩa này, điều độ tương tự đức can đảm, là sự tiết chế nỗi sợ hải, tự chủ về thể lý và tinh thần. Từ “điều độ” được sử dụng trong trường hợp cụ thể đặc thù khác với từ “tự chủ” được sử dụng trong trường hợp tổng quát. Kinh Thánh sử dụng từ “điều độ” (nephalios, temperance-abstinence)ám chỉ việc tránh đam mê ăn uống. Chúng ta không nên giới hạn cách hiểu về “điều độ” như một kỷ luật nghiêm ngặt để đạt đến sự tự chủ về đam mê và dục vọng bản thân nhưng nó còn bao gồm những ý niệm tích cực như khôn ngoan, điều độ, quân bình, lành mạnh về lý trí và ý chí. Sự điều độ (abstinence)trong Cựu Ước hàm nghĩa hai chiều kích của đời sống thể lý và tinh thần. Đó là giữ chừng mực trong việc ăn uống và thực hành chay tịnh vì động lực tôn giáo.
- Chừng mực trong việc ăn uống: truyền thống Cựu Ước xem ăn uống quá độ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn là căn nguyên gây nên tội lỗi, vì vậy sách Huấn Ca dạy: “Ăn chừng mực sẽ ngủ thoải mái, thức dậy sớm tâm hồn được thảnh thơi, kẻ ăn uống quá độ thì mất ngủ đã đành, mà còn thượng thổ hạ tả” (Hc 31,20). Chúng ta cũng tìm thấy lời khuyên bảo chừng mực trong việc ăn uống trong Thánh Vịnh và sách Châm Ngôn “Khi con ngồi ăn với kẻ chức quyền, hãy để ý kỹ người đối diện. Nếu con vốn tham ăn, hãy đặt dao kề cổ. Đừng thèm thuồng cao lương mỹ vị của hắn, vì đó là thứ đồ ăn phỉnh gạt” (Cn 23,1-3), “Kiếm được mật con chỉ ăn vừa đủ, ăn quá nhiều ắt sẽ mửa ra thôi” (Cn 26,16) và “Xin đừng để lòng con nghiêng về sự dữ, đừng để con làm điều ác với bọn gian tà. Yến tiệc của chúng con chẳng thèm ăn” (Tv 141,4).
Với đồ uống cũng vậy, sách Huấn Ca đã dạy: “Rượu đem lại cho con người sức sống, nếu biết uống có chừng mực” (Hc 31,27). Việc kiêng cữ đồ uống có men không chỉ nhằm sức khỏe thể lý: Ăn uống chừng mực thì bệnh tật khó có thể xâm nhập vào được (Xc. Hc 31,22), ăn uống chừng mực làm cho thân thể trở nên mạnh mẽ, khoẻ khoắn, tâm hồn sung sướng, lòng dạ hân hoan (Xc. Hc 31,28). Nó còn thể hiện chiều kích tương quan giữa dân với Thiên Chúa như một lệnh truyền đến từ Thiên Chúa và đảm bảo cho dân được sống: “Đức Chúa phán với ông A-ha-ron rằng: “ngươi cùng các con ngươi không được uống rượu và đồ uống có men, khi các ngươi vào Lều Hội Ngộ, kẻo các ngươi phải chết. Đó là quy tắc vĩnh viễn cho các thế hệ của các ngươi” (Lv 10, 8-10). Thật vậy, ăn uống chừng mực còn làm cho người ta giữ được những huấn lệnh của Đức Chúa (Xc. 2Mcb 6,18-31; 7,1-42). Trái lại, ăn uống không điều độ chẳng những không đảm bảo sức khoẻ, mà còn dẫn đến nhiều điều tai hại, đôi khi vì thú vui ăn uống say sưa bị người khác nói khích, dẫn đến không còn làm chủ được chính mình (Xc. Hc 31,29-31). Thậm chí, ăn uống không có điều độ còn làm hại chính bản thân mình, vì “Lắm người thiệt mạng vì mê ăn mê uống” (Hc 37,31).
- Thực hành chay tịnh vì mục đích tôn giáo: Truyền thống Cựu Ước còn đề cập đến việc kiêng cữ ăn uống vì mục đích tôn giáo, đó là một bổn phận của những người thuộc về Thiên Chúa như sách Dân Số đã chép: “Bất cứ ai, đàn ông hay đàn bà, đã khấn na-dia, tức là khấn đặc biệt kiêng cữ để kính Đức Chúa, thì nó phải kiêng rượu và men nồng: không được uống giấm chua từ chất rượu cũng như giấm chua từ chất men, không được uống mọi thứ nước nho, không được ăn nho tươi cũng như nho khô. Suốt thời gian nó bị ràng buộc bởi lời khấn đó, thì bất cứ thứ gì chiết xuất từ cây nho, từ hột nho cho đến vỏ nho, nó cũng không được ăn” (Ds 6, 1-4). Sách Đệ Nhị Luật nhắc nhở dân Ít-ra-en về chuyện ăn uống trong mối liên hệ với bổn phận tôn giáo vì ham mê ăn uống có thể trở thành một thứ “ngẫu tượng”: “Của ăn của các ngươi không phải là bánh, thức uống của các ngươi không phải là rượu và đồ uống có men, để các ngươi biết rằng Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi” (Đnl 19,6). Câu chuyện về Đa-ni-en và ba trẻ Do Thái là câu chuyện điển hình về lòng trung tín Cựu Ước thể hiện qua việc từ chối thức ăn không thanh sạch theo Luật Thiên Chúa. Dưới thời vua An-ti-ô-khô IV, Ê-pi-pha-nê vi phạm luật cấm ăn các loài vật ô uế đồng nghĩa với việc bỏ đạo. Vì vậy, việc tiết chế ăn uống theo luật Thiên Chúa được coi như một bổn phận tôn giáo: “Đa-ni-en quyết tâm không để mình bị ô uế do thức ăn, rượu uống của nhà vua, nên đã xin quan cho mình khỏi bị ô uế” (Đn 1,8). Cũng vậy, câu chuyện về con cháu Rê-kháp trong sách Giê-rê-mi-a cho thấy việc thực hành tiết chế, chay tịnh trong ăn uống là cách thế diễn tả lòng trung thành với đạo thờ Đức Chúa trước những cám dỗ của nền văn minh thành thị và đời sống nông nghiệp trên đất Ca-na-an: “chúng tôi không uống rượu, vì tổ phụ chúng tôi là ông Giô-na-đáp, con ông Rê-kháp, đã ra lệnh cho chúng tôi rằng: các con và dòng dõi các con đừng bao giờ uống rượu, cũng đừng xây nhà, gieo giống trồng nho, đừng có những thứ đó, vì các con suốt đời sẽ ở dưới lều trại, để như thế các con sẽ sống lâu ngày trên mặt đất, nơi các ơn ở như khách kiều cư” (Gr 35, 6-7).
c. khiết tịnh
Đồ ăn, thức uống và vấn đề dục tính là những nhu cầu cần thiết trong đời sống của mỗi người. Nhưng khi những dục vọng này bị xáo trộn sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về thể lý và luân lý. Tiết độ chính là nhân đức giúp chúng ta không vượt quá giới hạn, cũng như giúp chúng ta cân bằng những nhu cầu chính đáng trong cuộc sống. Nhu cầu ăn uống là tự nhiên và tốt, nhưng khi chúng ta ước muốn cách quá mức, chúng ta gọi đó là thói ham mê ăn uống. Tương tự như vậy, việc ham muốn quá độ rượu và đồ uống có men được gọi là nghiện rượu. Tật ham ăn và nghiện rượu cần sự tiết chế về ăn uống. Tương tự, chúng ta nhận được khoái cảm qua việc quan hệ tính giao. Nhưng khi ước muốn tìm khoái cảm này vượt ra ngoài giới hạn cho phép, nghĩa là tìm khoái cảm bên ngoài hôn nhân, thậm chí ngay trong hôn nhân khi chúng ta không hướng đến việc sinh sản thì được gọi là thói dâm ô. Do đó, việc thực hành tiết độ trong trường hợp này được gọi là đức khiết tịnh.
Nhân đức khiết tịnh của những người đã kết hôn là sự trung thành giữa vợ chồng, vì thế không được ngoại tình. Quả thật, ngay từ những trang đầu trong Thánh Kinh đã đề cập đến vấn đề ngoại tình, đó là việc Thiên Chúa ban lề luật cho dân qua Mô-sê. Trong 10 điều luật, có hai điều luật liên quan đến vấn đề khiết tịnh đó là: “Ngươi không được ngoại tình”, “ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ” (Xh 20, 14.17). Trong sách Lêvi đã đề cập đến tội liên quan đến gia đình, đó là những tội ảnh hưởng trực tiếp đến đức khiết tịnh, và Thiên Chúa đã lên án rất mạnh mẽ những ai đi vào con đường đó: “Khi người đàn ông nào ngoại tình với đàn bà có chồng, ngoại tình với đồng loại, thì cả đàn ông ngoại tình lẫn đàn bà ngoại tình phải bị xử tử” (Lv 20,10). Sở dĩ, Cựu Ước ra hình phạt nặng nề như vậy, vì “Trước hết, thị không tuân giữ luật của Đấng Tối Cao, tiếp đến, thị mắc lỗi với chồng; sau nữa, thị ngoại tình vì thói dâm đãng và sinh ra những đứa con bởi người đàn ông khác” (Hc 23,23). Sách Thánh luôn đề cao một cuộc sống đông con nhiều cháu, và coi việc không có con là hình phạt của Thiên Chúa, nhưng Sách Thánh vẫn coi thà không có con còn hơn có dòng dõi vô đạo: “Con cái bọn ngoại tình sẽ chẳng ra chi, giống nòi kẻ chung chạ bất chính rồi sẽ lụi tàn” (Kn 3,16). Bởi đó, Cựu Ước coi: “Đàn ông ngoại tình thì mất hết lý trí, người phạm tội ấy tự huỷ hoại đời mình” (Cn 6,32), còn đối với đàn bà ngoại tình, Cựu Uớc mỉa mai: “Đường của người phụ nữ ngoại tình cũng vậy: cô ả ăn xong, chùi miệng và nói “Em có làm điều gì xấu đâu!” (Cn 30,20). Bởi vậy, người ngoại tình là một trong ba hạng người đáng gớm ghét, đáng khinh bỉ nhất: “Nhưng cũng có ba hạng người tôi gớm ghét, và không chịu nổi lối sống của họ: nghèo mà kiêu, giàu mà gian trá, già đầu mà ngu, còn đi ngoại tình” (Hc 25,2). Như thế, việc khuyên con người không được ngoại tình là nét chính yếu của đức khiết tịnh trong Cựu Ước.
2. Những đức tính tương quan với Tiết độ
a. Hiền lành
Kinh thánh Cựu ước dường như ít nói đến hiền lành. Sách Huấn cachỉ nói đến phần thưởng xứng đáng dành cho người hiền lành: “Đức Chúa hạ bệ những ai quyền thế, và đặt kẻ hiền lành ngồi lên thay” (Hc 10,14). Tuy vậy, Cựu Uớc cũng phân biệt rõ, hiền hành không có nghĩa là nhu nhược, nhất là trong việc thực thi công việc của mình: “Đừng ăn càn nói bậy, chớ nhu nhược trễ nải trong công việc của con” (Hc 4,29).
b. Khiêm nhường
c. Lễ độ
Trong những lo lắng của cuộc sống, trong cách cư xử, nói năng với mọi người cũng cần phải thể hiện ở mức trung dung, bởi lẽ: Giận quá mất khôn, lo quá thì rối trí, mừng quá sinh ra những ảo tưởng. Sách Huấn ca khuyên bảo mọi người phải biết kiềm chế những cảm xúc này: “Giận dữ vô lý không thể coi là phải lẽ được, vì giận dữ kéo theo sự sụp đổ của con người” (Hc 1,22). Làm chủ bản thân còn được thể hiện qua việc không bị điều kiện gì sai khiến: “Đừng có gió nào cũng theo, đường nào cũng bước” (Hc 5,9). Người làm chủ được miệng lưỡi của mình trước những trái ý nghịch lòng thì người ta khen là người sáng suốt (x. Hc 1,23) và với “người không biết tự chủ ví như thành bỏ ngỏ, không tường luỹ chở che” (Cn 25,28). Nhưng trên hết: “Vinh hay nhục đều ở lời nói cả, và cái lưỡi chính là mối hoạ cho con người” (Hc 5,13). Bởi đó, Sách Huấn ca đánh giá người bẻm mép hay khôn ngoan qua lời nói: “Đứa bẻm mép nói năng bừa bãi, còn người khôn ăn nói chừng mực” (Hc 21,25).
Như vậy, tiết độ trong Cựu Ước được thể hiện qua các nhân đức điều độ, khiết tịnh và các đức tính khác: hiền lành, khiêm nhường và lễ độ. Điều độ trong ăn để sống, ăn uống chừng mực giúp con người khoẻ mạnh, tránh bật tật, ăn uống chừng mực giúp con người dễ dàng giữ được mệnh lệnh của Đức Chúa. Ngoại tình là lỗi đức khiết tịnh và như thế sẽ bị xử tử. Cựu Ước khen ngợi những con người hiền lành, khiêm nhường và lễ độ trong cung cách ứng xử vì họ được Thiên Chúa thi ân. Như thế, tiết độ và những gì liên quan đến tiết độ chủ yếu thuộc về lĩnh vực thể lý, nhằm hướng con người hướng tới đời sống nhân bản, giúp con người sống đúng với tư cách làm người, và đúng với tư cách là người biết giữ Luật Thiên Chúa.
B. Tiết Độ Trong Tân Ước
1. Từ ngữ liên quan và ý nghĩa liên hệ đến Đức tiết độ trong Kinh Thánh Tân Ước
a. Điều độ
Nổi lên trong lối sống điều độ mà Tân Ước đề cập là vấn đề ăn uống, ngủ nghỉ và lời nói. Vì xem ra những vấn đề thuộc bản năng này có nguy cơ làm cho con người trở nên tầm thường và đánh mất chiều kích nhân linh. Nói như Honoré de Banzac: “Kẻ tham ăn chỉ giống một con thú thay vì giống con người”. Cái gì cũng thế, thái quá thì bất cập, điều đó ai cũng biết. Tuy nhiên, thực hành nó không dễ chút nào. Ở điểm ăn uống thì xem ra các cô gái Việt Nam rất dí dỏm khi nhắc khéo các ông chồng: Ăn cơm ba chén lưng lưng/ Uống rượu cầm chừng để dạ thương em. Chớ có bắt chước thói đời lời biếng: Ăn no rồi lại nằm khèo/Nghe giục trống chèo bế bụng đi xem. Và câu ca dao “Ăn lâu thì hết miếng ngon/Nói lâu thì hết điều khôn hóa rồ” như một châm ngôn nhắc nhớ con người ý thức về những tham dục của mình một khi ta muốn “thành nhân”.
Bước vào địa hạt của Kinh Thánh về vấn đề ăn uống ngủ nghỉ, trước hết, cũng như trong Cựu Ước, Tân Ước khuyên con người sống điều độ. Người nào không rượu chè say sưa được coi là con người sống đàng hoàng: “Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương” (Rm 13,13). Đặc biệt, Tân Ước cũng dành lời khuyên sống điều độ cho từng đối tượng. Điều này được thể hiện rõ nhất trong Thư của Thánh Phao-lô gửi cho Ti-tô. Qua Ti-tô, Thánh Phao-lô đã đưa ra các lời khuyên khác nhau:
- Đối với những người cai quản trong Giáo hội, thì: “Giám quản, với tư cách là quản lý của Thiên Chúa, phải là người không chê trách được, không ngạo mạn, không nóng tính, không nghiện rượu, không hiếu chiến, không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn”, và “Các trợ tá cũng vậy, phải là người đàng hoàng, biết giữ lời hứa, không rượu chè say sưa, không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn” (1Tx 3,8). Kế đến là những người cao tuổi: “Các cụ bà cũng vậy, phải ăn ở sao cho xứng là người thánh, không nói xấu, không rượu chè say sưa, nhưng biết dạy bảo điều lành” (Tt 2,3).
- Đối với các thanh niên thì những người có trách nhiệm cần hướng dẫn: “hãy khuyên các thanh niên phải giữ chừng mực trong mọi sự” (Tt 2,6).
- Đối với phụ nữ, “biết sống chừng mực, trong sạch, chăm lo việc nhà, phục tùng chồng, để lời Thiên Chúa khỏi bị người ta xúc phạm” (Tt 2,5).
Tuy nhiên, Tân Ước không dừng lại ở việc khuyên con người đừng chè chén say sưa về phương diện thể lý, mà còn nhắc nhở: chính việc say sưa đó làm cho con người sao lãng, vì rượu chè đưa con người đến đời sống trụy lạc (Xc. Ep 5,18). Đức Giê-su cũng cảnh cáo những người hay che chén say sưa: “Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em” (Lc 21,34).
Đối với Ki-tô hữu, thế giới này đang qua đi, ngày cùng tận, ngày Chúa quang lâm và thế giới mới đang gần kề, bởi đó, thư Phêrô khuyên: “Thời cùng tận của vạn vật gần đến rồi. Anh em hãy sống chừng mực và tiết độ để có thể cầu nguyện được” (1Pr 4,7). Thánh Phao-lô còn đồng hoá việc trộm cướp, tham lam, say sưa là những điều làm cho người ta khó có thể được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp (Xc.1Cr 6,10). Chỗ khác, Phao-lô còn đồng hoá say sưa cũng nguy hiểm như ganh tỵ: “ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa” (Gl 5,21).
Như thế, sống điều độ không chỉ là đảm bảo sức khoẻ, không chỉ là thể hiện con người đàng hoàng, mà sống điều độ còn giúp cho con người có thể cầu nguyện được, sống điều độ để có thể thừa hưởng Nước Thiên Chúa.
b. Khiết tịnh
Trong lời khuyên tránh ngoại tình, Đức Giêsu đã nhắc lại luật xưa: "Anh em đã nghe Luật dạy rằng : Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết : ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5, 27-28). Như thế, vấn đề ngoại tình không chỉ là quan hệ tình dục mới là phạm tội, mà tội ngoại tình xảy ra ngay từ lúc đã có ý nghĩ ở trong lòng, Đức Giêsu đã giải thích cho lý do này: “Vì tự lòng phát xuất những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống” (Mt 15,19).
Thêm vào đó, Đức Giêsu cũng chỉ rõ đâu là trường hợp phạm tội ngoại tình: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết : ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình” (Mt 5,32). Ở Đây, Đức Giêsu thắt chặt quan hệ lỏng lẻo của Cựu Ước về ly dị, như sách Đệ Nhị Luật đã ghi: “Nếu một người đàn ông đã lấy vợ và đã ăn ở với nàng rồi, mà sau đó nàng không đẹp lòng người ấy nữa, vì người ấy thấy nơi nàng có điều gì chướng, thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà” (Đnl 26,1-2). Trong mối tương quan vợ chồng không thể dễ dàng ly dị được, vì “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10,9). Việc thắt chặt luật lệ như thế sẽ giúp cho con người phụ nữ được nâng cao phẩm giá, vừa tránh được tình trạnh phân ly trong đời sống hôn nhân. Người giữ thể lý và tâm hồn trong sạch xứng đáng được hưởng lời chúc phúc: “Phúc cho ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được ngắm nhìn Thiên Chúa” (Mt 5,8).
Đối với thánh Phao-lô, vì sống trong một môi trường phóng đãng của hải cảng tại Cô-rin-tô, nên ngài đã rất quyết liệt đương đầu chống lại mọi hình thức liên quan đến tội lỗi và sự dữ. Ngài nhẫn mạnh: “Những kẻ dâm đãng, thờ ngẫu tượng, ngoại tình, truỵ lạc, kê gian, những kẻ trộm cướp, tham lam, say sưa rượu chè, quen chửi bới, sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp” (1Cr 6, 9-10). Trong các huấn dụ của mình, thánh Phaolô có một thái độ rất cứng rắn đối với vấn đề gian dâm, trụy lạc để bảo vệ các Ki-tô hữu có nguồn gốc dân ngoại khỏi những lầm lạc của xác thịt. Theo thánh nhân, việc gìn giữ sự khiết tịnh không phải là lệ thuộc vào luật lệ luôn bị quy định bởi văn hóa thời đại, nhưng nó lệ thuộc chặt chẽ trong mối tương quan với Thiên Chúa. Bởi thân xác là chi thể của Đức Ki-tô và đền thờ của Chúa Thánh Thần, cho nên ngài đã nói: “Tôi lại lấy phần thân thể của Đức Ki-tô mà làm phần thân thể của người kỹ nữ sao? Không đời nào! Anh em chẳng biết rằng ăn ở với người kỹ nữ là nên một thân xác với người ấy sao?” (1Cr 6, 15-16).
Trong thư gửi tín hữu Ro-ma, Phao-lô viết: “Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng” (Rm 13,12-14). Những “việc làm đen tối” nói trong bản văn, thì ở chỗ khác, Phao-lô gọi là “những việc do tính xác thịt” (Rm 8,13; Gl 5,19). “Vũ khí của sự sáng” thì ở chỗ khác là những việc của Thần Khí hoặc “hoa quả của Thần Khí” (Gl 5,22). Trong số những việc do tính xác thịt, có sự dâm dật, được Phao-lô nhấn mạnh ở đầu lá thư (Rm 1,26), ngược với vũ khí của sự sáng, tức sự trong sạch. Cùng với sự vâng phục và bác ái, đây cũng là hoa quả cơ bản của Thần Khí. Thần Khí sửa chữa mối liên hệ giữa ta với Chúa bằng sự vâng phục, giữa ta với người khác bằng bác ái, thì cũng sửa chữa mối liên hệ của ta với chính mình bằng sự trong sạch.
2. Những đức tính liên hệ với đức Tiết Độ
a. Hiền lành
Giúp kìm hãm tính nóng giận. Trong Tân Ước, không ít lần nói đến việc Đức Giê-su “nổi giận” vì người ta biến Đền thờ thành nơi buôn bán (Ga 2,15-18) và nhiều lần ngài trách mắng những người Pha-ri-siêu vì lối sống giả hình của họ (Mt 23,13-36). Dầu vậy, Tân Ước lại tha thiết mời gọi mọi người hãy đến thụ huấn gương sống hiền lành của Đức Giê-su:“Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,29).
Gương sống hiền lành của Đức Giê-su được sách Công vụ mô tả: “Người phải điệu đi như con chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín trước mặt kẻ xén lông, Người chẳng hề mở miệng. Bởi Người hạ xuống nên quyền lợi của Người đã bị tước đi, dòng dõi Người, ai sẽ kể lại, vì mạng sống của Người đã bị lấy đi khỏi mặt đất (Cv 8, 32-33).
Trong cuộc khổ nạn, Đức Giê-su đã tỏ ra là con người hiền lành, nhịn nhục đến tột độ. Đức Giê-su đã bị Giuđa bán với giá 30 đồng bạc (Xc. Mt 26,16), dân Do thái xin tha tên trộm cướp Baraba mà đóng đinh Đức Giê-su (Xc. Mt 27,20-21), bị quân dữ khoác áo đỏ, đội mạo gai qùi xuống chế nhạo (Xc. Mt 27,28-29), nhất là trên cây thánh giá, trước sự chế nhạo thô bỉ của nhiều người, Chúa Giê-su đã chịu đựng một cách bình tĩnh, không một lời than trách, mà chỉ xin Cha Ngài tha cho họ, biện hộ cho họ vì lầm chẳng biết (Xc. Mt 27,39).
Thánh Phê-rô khuyên mọi người: “Hết thảy anh em hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đầy tình huynh đệ, đầy lòng thương xót và khiêm tốn nhã nhặn. Đừng lấy ác báo ác, không lấy lời nguyền rủa đáp lời nguyền rủa, mà trái lại hãy chúc lành, vì Thiên Chúa đã kêu gọi anh em thừa hưởng phúc lành” (1Pr 3,8-9).
Mặt khác, Tân Ước cho thấy, người hiền lành không phải là người nhu nhược, đến nổi không dám phản ứng lại trước những điều ngang trái. Trái lại, người hiền lành là người biết chu toàn công việc của mình, không vì lý do này hay lý do khác mà trễ nải công việc hay không dám nói lên sự thật. Về điểm này, Thánh Phao-lô đưa ra kinh nghiệm: “Tôi nói thế, thật là nhục nhã, như thể chúng tôi đã tỏ ra nhu nhược ... Nhưng bất cứ điều gì người ta dám làm, thì tôi cũng dám làm - tôi nói như người điên.” (2Cr 11,21).
Như vậy, người hiền lành cần phải khôn ngoan khi hành động, biết vận dụng, kết hợp giữa khôn ngoan và hiền hậu, như trong thư của Thánh Gia-cô-bê có viết: “Trong anh em, ai là người khôn ngoan hiểu biết? Người ấy hãy dùng lối sống tốt đẹp mà chứng tỏ rằng: những hành động của họ phát xuất từ lòng hiền hậu và đức khôn ngoan” (Gc 3,13). Đức Giê-su dành cho những ai sống đời sống Hiền lành: “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp” (Mt 5,4).
b. Khiêm nhường[15]
Đức khiêm nhường do các ngôn sứ loan báo trong Cựu Ước vẫn được duy trì, và đã trở thành hiện thực nơi Đức Ki-tô. Đức Ki-tô đã mời gọi các môn đệ đến học nơi Người về sự hiền lành và khiêm nhường (Mt 11,29). Bởi vì Người đã tỏ ra như một kẻ khiêm tốn phục vụ tha nhân, chứ không tìm danh vọng bản thân (x. Mt 20,27-28). Khiêm nhường không phải là hạ mình xuống cho người ta đè đầu đè cổ, khiêm nhường cũng không phải là tự ti mặc cảm, mà khiêm nhường ở đây là gắn với sự thật, nhận biết sự thật nơi mình, nơi tha nhân. Bởi vậy, Tân Ước dạy chúng ta cần phải khiêm nhường trước mặt Thiên Chúa, trước mặt người đời và trước mặt tha nhân.
Khiêm nhường trước mặt Chúa là nhìn nhận Thiên Chúa là nguồn mạch mọi hồng ân (Xc. Gc 1,17). Bởi đó, ta cần phải biết ơn chứ không vênh vang tự đắc: “Bạn có gì mà mạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh?” (1Cr 4,7). Khiêm nhường trước mặt Chúa cũng có nghĩa là thú nhận những thiếu sót, lỗi lầm và xin Chúa tha thứ, chứ không tìm cách tránh né, như nguyên tội đã làm.
Khiêm nhường trước mặt người đời nghĩa là nhìn nhận sự thật nơi họ, chứ không ganh tị. Thánh Phao-lô khuyên rằng: “Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình” (Pl 2,3). Ngoài ra, sự khiêm nhường còn là một hình thức thi hành bác ái, biết quý trọng điều tốt nơi người khác, và kiên nhẫn, nhịn nhục, tha thứ trước những lỗi lầm người khác: “Với tất cả lòng khiêm tốn, hiền hoà và kiên nhẫn, anh em hãy lấy lòng yêu mến mà chịu đựng lẫn nhau” (Ep 4,2).
Khiêm tốn với chính mình là không tự cao tự đại, cũng không tự ti mặc cảm. Việc biết mình bao gồm việc chân nhận những thiếu sót của mình cũng như những tài năng đức tính của mình. Bởi đó, khiêm nhường không có nghĩa là rụt rè, nhút nhát. Mặt khác, đức khiêm nhường đòi hỏi ta thanh luyện những ý định của chúng ta, để khi bắt tay vào việc ta ý thức đó là để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân chứ không phải để khoe khoang, tìm hư danh. Như thế, trong việc đặt đức khiêm tốn làm khởi điểm cho đường tiến đức, Tân Ước cho Thấy: “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng và ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (Gc 4,6).
c. Đàng hoàng, lễ độ
Thánh Phao-lô không những quan tâm chăm sóc đời sống thiêng liêng cho mọi người trong các giáo đoàn của mình mà ngài còn đặc biết chú ý tới những người đứng đầu trong các giáo đoàn, hãy sống gương mẫu cho mọi người. “Chính anh hãy làm gương về mặt đức hạnh. Khi anh giảng dạy thì đạo lý phải tinh tuyền, thái độ phải đàng hoàng” (Tt 2,7). Không những khuyên răn mà ngài còn truyền dạy họ: “hãy tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách, cho đến ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, xuất hiện” (1Tm 6,14).
Trong thư gửi cho các Ki-tô hữu gốc Do-thái sống tản mát khắp nơi, Thánh Gia-cô-bê khuyến khích họ hãy đem thực hành Lời Chúa trong đời sống của mình. Ngài đề cao đời sống đạo đức và tinh thần bác ái. Đối với ngài, người sống đạo đức là người luôn biết kiềm chế miệng lưỡi, hay còn gọi là tiết độ trong lời nói; và người có lòng đạo đức tinh tuyền là người luôn biết quan tâm đến người khác cũng như không bị nhiễm thói đời: “Ai cho mình đạo đức mà không kiềm chế miệng lưỡi, là tự dối lòng mình”, ngài gọi đó là thứ “đạo đức hão”. Người đạo đức tinh tuyền phải là: “thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân, và giữ mình cho khỏi mọi vết nhơ của thế gian” (Gc 1,26-27). Trong thư gửi cho các Ki-tô hữu, những người đã tin Đức Ki-tô, Thánh Phê-rô khuyên nhủ họ hãy kiên nhẫn trong khi chờ đợi ngày Chúa trở lại: “Anh em cố gắng sao cho Người thấy anh em tinh tuyền, không có chi đáng trách” (2Pr 3,14).
Như vậy, đức tiết độ được thể hiện qua các đức điều độ, khiết tịnh, hiền lành, khiêm tốn, lễ độ. Nếu như Cựu Ước hướng con người sống điều độ về thể lý, sống có nhân bản, thì Tân Ước hướng con người sống điều độ để có thể cầu nguyện, điều độ để sẵn sàng đón nhận Nước Trời. Nếu như Cựu Ước chỉ khuyên con người không được ngoại tình thể xác, thì Tân Ước còn khuyên con người không những không được ngoại tình thể xác và ngay cả trong tâm hồn. Nếu như Cựu Ước nói đến người hiền lành để được Đức Chúa thi ân giáng phúc, thì người hiền lành và khiêm nhường trong Tân Ước sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. Đặc biệt, trong Tân Ước, khiêm nhường đã được thể hiện qua việc: khiêm nhường trước mặt Chúa, trước tha nhân và với chính mình. Và như vậy có thể nói, Tân Ước đã kiện toàn các đức tiết độ để con người hiểu và sống nhân đức này ngày một tốt hơn.
III. THỰC HÀNH TIẾT ĐỘ
Đức tiết độ được nói đến cả trong Cựu Ước lẫn Tân Ước. Đối với Cựu Ước, việc tiết độ để bảo vệ sức khỏe và tuân giữ luật Chúa. Trong Tân Ước hướng đến mục đích cao hơn, tiết độ vì nước trời. Vậy chúng ta có thể áp dụng gì trong mỗi bậc sống?
1. Đối với đời sống Ki-tô hữu
a. Tránh lối sống vô độ
Cách ăn nết ở, đó là những biểu hiện có thể đánh giá người tốt người xấu. Kinh Thánh cho thấy ăn uống quá độ không chỉ là một tật xấu mà còn làm ảnh hưởng đến sức khỏe và dẫn đến sự nghèo đói, trong sách Châm Ngôn có nói: “Bởi vì kẻ say sưa ăn nhậu ắt sẽ phải túng nghèo; kẻ mơ màng buồn ngủ sẽ khố rách áo ôm” (Cn 23,21). Đồng thời khi chè chén say sưa sẽ dẫn đến trụy lạc: “Chớ say sưa rượu chè, vì rượu chè đưa đến trụy lạc, nhưng hãy thấm nhuần Thần khí” (Ep 5,18); và nguy hại hơn say sưa rượu chè, tôn thờ thân xác có thể đánh mất nước trời: “Những kẻ trộm cướp, tham lam, say sưa rượu chè, quen chửi bới sẽ không được nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp” (1Cr 6,10).
Vì vậy, để có lối sống lành mạnh, chừng mực Kinh Thánh dạy ta đừng quá say sưa rượu chè tôn thờ thân xác. Thánh Phao-lô còn khuyên ta đừng giao du vớ những kẻ say sưa: “Tôi muốn nói với anh em là đừng đi lại với kẻ nào mang danh là người anh em mà cứ dâm đãng, tham lam, thờ ngẫu tượng, quen chửi bới, say sưa rượu chè hoặc trộm cắp; anh em cũng phải tránh đừng ăn uống với con người như thế” (1Cr 5,11).
b. Tránh lối sống dâm dục
Đức thanh khiết không chỉ dành riêng cho bậc tu trì mà còn đòi buộc hết mọi người phải giữ. Có nhiều thứ tội dâm dục: tội lỗi đức trong sạch, dâm ô, tội nghịch phái tính tự nhiên, ngoại tình.[16]
Kinh Thánh lên án gắt gao tội ngoại tình, tội mất đức trong sạch cả thân xác lẫn tâm hồn. Trong bậc sống vợ chồng, thánh Phao-lô khuyên: “Ai nấy phải tôn trọng hôn nhân, chớ làm cho loan phòng ra ô uế, vì Thiên Chúa sẽ xét xử các kẻ gian dâm và ngoại tình” (Dt 13,4). Tránh mọi dịp xấu có thể ảnh hưởng đến đức tịnh như nhìn ngắm thân xác, những cái nhìn lẳng lơ, ánh mắt đưa tình (Hc 26,9).
Kinh Thánh cũng nhắc đến những quan hệ giới tính hỗn loạn: loạn luân, đồng tính luyến ái, giao hợp với thú vật… (Lv 18,6-7;24-31;20,10-21). Tất cả những việc làm này trái với quy luật tự nhiên và không đúng theo ý nghĩa và giá trị duy trì sự sống. Và trên hết, ta cần phải tránh mọi hình thức: dâm ô, thủ dâm, khiêu dâm, mại dâm, hiếp dâm, đồng tính luyến ái… thực hành được như thế ta sẽ được đẹp lòng Chúa: “Như thế, anh em sẽ trở nên trong sạch, không ai chê trách được điều gì, và sẽ trở nên những người con vẹn toàn của Thiên Chúa, giữa một thế hệ gian tà, sa đọa. Giữa thế hệ đó, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” (Pl 2,1).
c. Tránh lối sống kiêu căng
Kiêu căng được xem là đầu mối mọi thứ tội, cụ thể trong sách Sáng Thế cho ta thấy việc ông Adam và Eva đã phạm tội vì muốn bằng Thiên Chúa và đã bị con rắn cám dỗ. Sách Huấn Ca cho hay: “Đức Chúa và người phàm đều chê ghét tính kiêu căng, đều coi gian tà là khả ố” (Hc 10,7). Còn Tin Mừng Luca, trong lời kinh Magnificat của Đức Maria thì nói như sau: “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1,51).
Để đẹp lòng Thiên Chúa và được Ngài mến yêu ta cần có thái độ khiêm nhường và hiền lành, như mẫu gương của Đức Giê-su: “Anh em hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Đồng thời trong lời nói phải biết kiềm chế chính mình: “Đừng ăn nói kiêu căng mà mang tội” (Hc 32,12). Thánh Phao lô còn khuyên ta cần có sự nhã nhặn trong cuộc sống: “Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thóa mạ, và hãy loại mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Ki-tô” (Ep 4,31-32).
2. Đối với đời sống tu trì
a. Nền tảng cho đời sống tu trì
Truyền thống Ki-tô giáo đã tìm cách chứng minh rằng, đức khiết tịnh, khó nghèo, và tuân phục trong đời tu có nền tảng Kinh Thánh vững chắc. Các nhà thần học gia đương đại, cũng như Hiến Chế Lumen Gentium đã khẳng định: Nền tảng Kinh Thánh cho đời tu được tìm thấy trong khái niệm thánh kinh xuyên suốt toàn bộ Kinh Thánh. Khái niệm này chính là khái niệm Giao ước.
Bản văn về người thanh niên giàu có (Mt 19,16-22) được thừa nhận như một trong những cơ sở thánh kinh của đời tu. Khi đề cập đến giao ước và điều răn chính yếu, Đức Giê-su đã khẳng định rằng, yêu thương người thân cận cũng quan trọng như yêu mến Thiên Chúa. Đức Giê-su chính là nội dung của điều răn chính yếu: Ai yêu mến Đức Giê-su là đã làm trọn các điều răn. Vì thế, Đức Giê-su mới nói: Hãy theo Tôi.
Khi người thanh niên tuyên bố mình đã giữ các giới răn từ khi còn nhỏ, Đức Giê-su “đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến” (Mc 10,12). Cái nhìn thẩm thấu tràn đầy tình yêu kèm theo lời mời gọi: “Anh hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, và sẽ tìm được một kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo tôi”. Lời kêu gọi bước theo Đức Giê-su bao gồm nhiều yêu sách lớn lao: từ bỏ của cải vật chất, từ bỏ gia đình (x. Lc 9,59-60). Qua đó ta thấy, bậc sống đời tu trì cốt ở việc bước theo Người. Bởi đó, thực hành nhân đức tiết độ cách triệt để là cách thế giúp người tu sĩ vững bước theo chân Đức Giê-su.
b. Thực thi các lời khấn
- Khiết tịnh: Theo Công đồng Vatican II, trong các lời khuyên Phúc Âm, hồng ân quý giá: “sự tiết độ hoàn hảo vì Nước Trời” trổi vượt hơn hết hồng ân của Thiên Chúa, vì hồng ân này chỉ “được Cha ban cho một số người (Xc. Mt 19,11; 1Cr 7,7) để họ dễ dàng hiến mình cho Thiên Chúa với con tim không chia sẻ (Xc. 1Cr 7,32-34).
Đức Giê-su đã cho thấy giá trị của con đường độc thân. Trong Tin Mừng Mác-cô, Đức Giê-su khen ngợi sự độc thân tự nguyện sau khi khẳng định sự bất khả phân ly của hôn nhân.
Tự ý hoạn vì Nước Trời là con đường mới mẻ mà Đức Giê-su và các môn đệ của Người đã thực hiện. Hoạn nhân vì Nước Trời là một quy chiếu minh bạch về sự lựa chọn mà Người đã làm và đã gợi ý cho những người môn đệ thân tín. Đức Giê-su mở ra một viễn tượng mới mẻ: sự tự ý chọn lựa “vì Nước Trời” của một tình trạng bị coi như bất xứng với con người.
Người sống đời độc thân phải khước từ những điều thiện hảo gắn liền với đời sống hôn nhân và gia đình, nhưng vẫn quý trọng những giá trị chân chính của chúng. Sự khước từ ấy là vì “Nước Trời”. Còn thánh Phao-lô nói đến những đòi hỏi của sự dâng hiến cho Nước Trời: “Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa: họ tìm cách làm đẹp lòng Người (1Cr 7,32). Công đồng Vatican II thì khẳng định rằng: Khiết tịnh là một phương tiện hữu hiệu nhất được ban tặng cho các tu sĩ để có thể cống hiến cách quảng đại cho việc phụng sự Chúa và hoạt động tông đồ (DT 12).
- Khó nghèo: Đức Giê-su dạy: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó” (Mt 5,3). Người có tâm hồn nghèo khó là không đặt niềm phó thác vào tiền bạc hay của cải vật chất, trái lại, họ mở lòng ra với Nước Thiên Chúa. Chính đó là giá trị của cái nghèo mà Đức Giê-su ca ngợi và khuyên nhủ chấp nhận như một lối sống. Cuộc sống ấy có thể bao gồm một sự từ bỏ của cải và tài sản của mình, để giúp đỡ những người nghèo.
Đức Giê-su yêu cầu họ chia sẻ chính sự nghèo khó của Người qua việc từ bỏ của cải, dù ít hay nhiều: “Hãy bán đi những gì anh có mà cho người nghèo” (Mc 10,21). Đó là một yêu sách cơ bản được lặp lại nhiều lần, dù là từ bỏ nhà cửa, ruộng vườn, hoặc ghe thuyền (Xc. Mt 4,22), thậm chí từ bỏ tất cả, vì: “Ai trong anh em không từ hỏ hết những gì mình có thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,33). Đó là thứ nghèo dành cho những ai chấp nhận đi theo đức Ki-tô trong đời sống thánh hiến. Điều quan trọng trong đời sống khó nghèo là tham dự vào sự khó nghèo của Đức Ki-tô. Như thế, khó nghèo trong đời tu không chỉ hạn hẹp trong sự lệ thuộc Bề trên khi tiết độ trong việc sử dụng của cải, nhưng là phải nghèo khó trong thực tế và trong tinh thần để chỉ lo thu tích kho tàng trên trời (Xc. Mt 6,20).
Như thế, việc thực hành khó nghèo của người tu sĩ cũng chính là thực hiện tinh thần tiết độ cách triệt để: đón nhận nghèo khó cách tự do và vui vẻ, có nghĩa là đón nhận lời khuyên và tin vào mối phúc khó nghèo của Tin Mừng.
- Vâng phục: Đi theo Đức Giê-su có nghĩa là chấp nhận thực hiện tất cả những gì mà chính Người đã sống và đích thân truyền dạy. Vì thế, ngoài việc cam kết độc thân và khó nghèo, với lời mời gọi: “Hãy theo Ta”, Đức Giê-su cũng yêu cầu một cam kết vâng phục. Cũng như khiết tịnh và khó nghèo, vâng phục cũng là một trong những đặc trưng của việc chu toàn sứ vụ của Đức Giê-su, và hơn nữa, là nguyên lý nền tảng, được diễn tả thành tâm tình sống động nhất, như Người nói: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34).
Theo gương Đức Giê-su, người tu sĩ được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, lấy đức tin tùng phục các vị Bề trên, đại diện Thiên Chúa, và nhờ các ngài hướng dẫn, họ phục vụ mọi anh em trong Chúa Ki-tô, như chính Chúa Ki-tô vì tuân phục Chúa Cha, đã phục vụ anh em và hiến mạng sống để cứu chuộc mọi người” (DT 14). Tuy nhiên, việc vâng phục tu trì không thuần tuý chỉ là sự tùng phục của con người đối với quyền bính nhân loại. Ai phục tùng là tùng phục Thiên Chúa, thánh ý của Ngài được diễn tả trong ý muốn của Bề trên. Hơn nữa, sống vâng phục còn giúp người tu sĩ “góp công xây dựng Thân Thể Chúa Ki-tô theo như ý định của Thiên Chúa” (DT 14). Bởi đó, việc thực hành vâng phục sẽ là bí quyết của hạnh phúc chân thực, là kết quả của niềm xác tín Ki-tô giáo, là từ bỏ ý riêng, làm theo ý Thiên Chúa, với một tình yêu mạnh mẽ vào Đức Ki-tô và Giáo Hội[17].
Như vậy đời tu thực hiện tinh thần tiết độ triệt để, tiết độ hoàn hảo vì Nước trời. Để giữa đức khiết tịnh, người tu sĩ phải tiết dục hoàn toàn vì Nước Trời. Để chia sẻ chính sự nghèo khó của Đức Giê-su, người tu sĩ không những tiết độ trong việc sử dụng của cải, nhưng còn phải nghèo khó trong thực tế và trong tinh thần để chỉ thu tích của cải trên trời. Theo gương Đức Giê-su vâng phục, hiến dâng trọn vẹn thân mình làm của lễ, người tu sĩ khiêm nhường từ bỏ ý riêng để tùng phục các vị bề trên đại diện cho Thiên Chúa. Thực hiện như vậy, người tu sĩ đã sống tinh thần tiết độ triệt để.
3. Đối với đời sống thường ngày của mọi người
Chúng ta vừa tìm hiểu đức tiết độ theo những quan điểm Thánh Kinh. Xin được trình bày sự tiết độ trong đời sống thực tế của con người, bởi lắm lúc, để có được nhân đức tiết độ, chúng ta phải vận dụng cả ý chí, tâm lý và cả tâm linh nữa.
Chúng ta thấy rằng, tiết độ, theo một nghĩa nào đó, có thể hiểu theo nghĩa trung dung, nghĩa là việc làm dung hòa có chừng mực, tránh thái quá hoặc bất cập. Để được như vậy, ta phải kìm hãm, xa tránh những xúc cảm và thu hút, tức những kích thích từ phía bên trong và bên ngoài cuộc sống. Và như vậy, tiết độ không phải là nhân đức dễ làm và dễ thực hiện, bởi vì nó trực tiếp liên quan đến cả thể lý, tâm lý và tâm linh con người.
Nhưng làm thế nào để xa tránh và tự chế? Điều này đòi hỏi sự trưởng thành về tâm lý và tâm linh. Tiết độ là một nhân đức hay đức tính của những con người trưởng thành. Thí dụ, khi đói, dạ dầy ta cồn cào, xót xa. Thiếu dinh dưỡng, con người trở thành bạc nhược, mệt mỏi và không có khả năng làm được gì. Tay chân rã rời, uể oải. Trí óc ngừng hoạt động, và nếu có hoạt động thì lại hoạt động nhằm vào việc làm thế nào để no cái dạ dầy. Chỉ nguyên một việc đói mà thôi cũng đã ảnh hưởng trực tiếp cả phần thể lý, tâm lý và tâm linh con người. Tâm lý đạo đức người Việt Nam có câu: “Bần cùng sinh đạo tặc” là vậy. Khi túng quá, người ta hay làm càn, đánh mất cả đạo lý.
Khi đói, toàn thể con người bị chi phối và ảnh hưởng. Trí óc gắng lục soát khả năng thích hợp để tìm của ăn. Khứu giác lo đánh hơi. Thị giác lo tìm kiếm chung quanh. Và khi tìm thấy một miếng thịt trong tủ lạnh chẳng hạn, hay ngửi được mùi thơm của thức ăn từ nhà hàng xóm, lập tức dạ dày hoạt động, nước miếng và cường toan tiết ra từ miệng dạ dày. Tiếp đến là hoạt động của tâm lý. Vui mừng, hồi hộp, thoải mái và chen lẫn lo lắng trước khám phá của thị giác và khứu giác. Và sau cùng là phần tri thức cùng với đạo đức và tự do tự hỏi, có nên ăn thức ăn đó không? Ăn như thế nào? Ăn bao nhiêu? Ăn ở đâu? Đến đây, thì ta thấy con người khác xa loài vật. Một con chó khi đói, nó không biết suy nghĩ và kìm hãm theo tiến trình kìm hãm như con người. Và cao hơn nữa, khi so sánh thái độ của những thánh nhân, quân tử với loại phàm phu, tục tử cũng khác biệt trong cách thức tìm kiếm, ăn uống, và thỏa mãn nhu cầu tự nhiên. Tóm lại, chỉ một hành vi ăn mà ta vừa trình bày cũng đã cho thấy sự liên quan mật thiết giữa thể lý, tâm lý và tâm linh. Một cách tương tự, hành vi uống, ngủ, nghỉ, hoặc những hành động liên quan đến những gì thuộc bản năng, và cao hơn nữa là những hành động của lý trí để dung hòa, để tự kiềm chế, con người phải biết tiết độ. Và đó cũng là lý do tại sao gọi tiết độ là nhân đức, hành vi đạo đức, và tư cách làm người.
Theo tâm lý phát triển, thì việc con người ăn, uống, ngủ, nghỉ là những hành động theo bản năng. Những hành động này rất tự nhiên và thuộc về thể lý. Nó chưa vươn tới được những gì thuộc lãnh vực tâm lý và tâm linh. Việc con người suy nghĩ, đắn đo và chừng mực là việc làm của tâm lý và tâm linh, vì nó đòi phải có tri thức và tự do. Vậy nếu con người chỉ dừng lại ở phần tự nhiên, tức giác quan, hoặc theo bản năng, thì đó là mức độ tối thiểu và khởi đầu của tiến trình phát triển. Như vậy, một người dù đã lớn tuổi, đã già nhưng không dùng khả năng tri thức để tự kìm hãm, tự giới hạn và làm triển nở giá trị hành động của mình, thì người ấy vẫn chưa được coi là người đã trưởng thành một cách đầy đủ. Thánh Gioan Bosco đã nói: “Muốn làm một thánh nhân, thì phải thành nhân trước đã.” Nếu đem áp dụng những lời này vào trường hợp con người chỉ dừng lại ở bản năng hoặc tự nhiên, thì những người ấy không thể được coi là những thánh nhân, quân tử, vì thực sự họ chưa thành nhân xét về mặt tâm lý và đạo đức.
Tiết độ, do đó, là một việc làm cần thiết để không những thăng hoa, triển nở cuộc sống con người, mà còn là một dấu chỉ của sự trưởng thành. Con người không tiết độ, không chừng mực không thể gọi là người trưởng thành, và ngược lại. Người tiết độ là một người không quá khích, không buông túng, không thả lỏng, nhưng chừng mực, dung hòa và bình tĩnh. Chừng mực trong những nhu cầu theo bản năng, tình cảm, và cả trong lãnh vực đạo đức tâm linh nữa. Một người như vậy, trước hết sẽ sống thoải mái, bằng an, và không gặp phải hoặc tạo ra những xúc cảm quá độ. Một cuộc sống đem lại sự bằng an và điềm tĩnh. Tâm trí của những người tiết độ không hoạt động quá mức. Tình cảm họ không bị kích thích quá độ. Và trong lãnh vực luân lý, đạo đức, họ cũng không tự buộc mình hoặc cưỡng ép mình vào những hành động siêu phàm, vượt quá khả năng khiến có thể đem đến sự chán ngán, nghi ngờ, hoặc thất vọng một khi không thực hành được những ước mơ siêu phàm ấy.
Như vậy, người tiết độ là người bình an, và có khả năng làm được việc lớn. Việc lớn ở đây, trước hết là làm chủ được chính mình: “Thắng được một vạn quân, không bằng thắng chính mình.” Điều này rất đúng và diễn tả đầy đủ ý nghĩa của việc làm tự chế. Nhiều khi có những cá tính, những nhu cầu nhỏ nhoi nhưng nếu không được kìm hãm, tự chế, nó sẽ trở thành những ngăn trở lớn lao trong cuộc sống. Một người mẫn cảm quá, sẽ dễ dàng xúc động, sẽ dễ dàng buồn bực, dễ dàng nghi nan và dễ dàng thất vọng. Ngược lại, người quá chủ quan, quá khích cũng dễ dàng trở thành khó khăn và tự cô lập mình với những người chung quanh. Chính họ sẽ trở thành khó chịu và không hài lòng với chính mình do những ước muốn và tham vọng do chính họ đặt ra cho họ. Người chung quanh cũng thấy khó chịu vì nhưng quá khích và những hành động lập dị của họ. Ở đây, ta có thể coi tiết độ như một hành động sống của thuyết trung dung.
Tuy nhiên, tiết độ không có nghĩa là ba phải. Và tiết độ cũng không có nghĩa là hoàn toàn xa tránh hoặc tránh né tất cả. Một người không biết thưởng thức một bữa ăn ngon, một ly rượu ngon, một chén trà ngon, một tình cảm trân quý của người thân, người yêu, hay bạn bè, người ấy phần nào mang những hội chứng tâm lý bệnh hoạn. Nhưng ngược lại, nếu chỉ say sưa, đắm chìm vào những đòi hỏi vật chất, tham lam, và sự hối thúc của dục vọng cuồng nhiệt thì đó lại là những hành động buông túng và quá độ.
Tóm lại, tiết độ như đã được trình bày ở trên là một hành vi vừa có tính cách tâm lý, vừa đạo đức, và vừa lý trí. Nó đem lại sự bằng an và thanh thoát cho con người. Nó giúp kìm hãm và giới hạn những ràng buộc của bản năng và dục vọng nhằm đưa con người xuống với đời sống bản năng và tự nhiên. Nhưng như đã trình bày, tiết độ là một nhân đức, và do đó, đòi hỏi sự tập luyện và ý chí bển bỉ trong thực hành.
KẾT LUẬN
Qua việc tìm hiểu về đức tiết độ trong Kinh Thánh, chúng ta nhận ra rằng, có sự chuyển biến về tiết độ từ Cựu Ước sang Tân Ước. Nếu Cựu Ước đề cập tới tiết độ trong lĩnh vực thể lý, nhắm đến hoàn thiện cá nhân, thì Tân Ước đề cập đến tiết độ như đặc tính của đời sống Ki-tô hữu, tiết độ vì Nước Trời. Tuy nhiên, trong việc thực hành tiết độ, chúng ta có thể áp dụng cả những lời khuyên dạy con người trong Cựu Ước cũng như Tân Ước để vừa trở nên hoàn thiện cá nhân, vừa đảm bảo đạt được hạnh phúc Nước Trời. Hơn nữa, chúng ta có thể vận dụng tiết độ trong Sách Thánh để áp dụng trong từng bậc sống của chúng ta: trong đời sống người Ki-tô hữu hay trong đời sống tu trì.
Trong mỗi bậc sống, chúng ta được mời gọi hoàn thiện theo mẫu gương của Đức Giê-su. Đây là một đòi hỏi khó khăn vì con người thường hướng về sự dễ dãi và sung sướng, thích chiều theo khoái lạc thân xác. Chúng ta dễ dàng có câu trả lời cho vấn nạn khi biết nhìn lên mẫu gương sống tiết độ tuyệt hảo, đó chính là Đức Giê-su Ki-tô. Người đã dạy và đã sống “nhân đức Tiết độ” vì Tình Yêu. Lời mời gọi này từ muôn thuở vẫn còn vang vọng và được các thế hệ Ki-tô hữu đón nhận và cố gắng sống, và rồi được kết tinh nơi đời sống thánh hiến với ba lời khuyên phúc âm mà mỗi anh em đang hiện diện trong hội trường hôm nay khát khao được thành hiện thực.
Như thế, càng nghiên cứu Kinh Thánh để có câu trả lời cho những đòi hỏi sống tiết độ thì chúng ta nhận thấy tiết độ là hành động giúp con người sống chừng mực (trung dung), biết cách hành động hợp lý và mang tinh thần đạo đức, đặc biệt là theo mẫu gương Đức Ki-tô để “nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).
***
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Kinh Thánh Trọn Bộ Cựu Ước và Tân Ước, Nhóm CGKPV dịch. Hà Nội: Tôn giáo, 1998.
[1] Đặng Xuân Thành (chủ biên), Từ điển Công giáo phổ thông (Tp. HCM: Phương Đông, 2008), tr. 523.
[2] Thiều Chủ, Hán-Việt Tự Điển (Tp. HCM: Thanh Niên, 2006), tr. 656.
[3] John A. Hardon, S.J, Từ điển Công giáo phổ thông (Tp. HCM: Phương Đông, 2008), tr. 565.
[4] Kenneth S. Wuest, Word Studies In The New Testament, truy cập ngày 01/03/2012; http://biblegateway.com.
[5] Phan Tấn Thành, Đời sống Tâm linh, Roma, 2003, p.269.
[6] Hồng Phúc, Điển Ngữ Đức Tin Công giáo, 1996. tr. 557.
[7] Đặng Xuân Thành (chủ biên), Từ điển Công giáo phổ thông (Tp HCM: Phương Đông, 2008), tr. 180.
[8] Sđd, tr. 323.
[9] Sđd, tr. 250.
[10] Thiều Chủ, Hán-Việt Tự Điển (Tp. HCM: Thanh Niên, 2006), tr. 656.
[11] John A. Hardon, S.J, Từ điển Công giáo phổ thông (Tp. HCM: Phương Đông, 2008), tr. 565.
[12] Kenneth S. Wuest, Word Studies In The New Testament, truy cập ngày 01/03/2012; http://biblegateway.com.
[13] John W. Ritenbaugh, The Fruit Of The Spirit: Self-Conrol, truy cập ngày 01/03/2012; http://bibletools.org.
[14] Kenneth S. Wuest, Word Studies In The New Testament, truy cập ngày 01/03/2012; http://biblegateway.com
[15] Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh, tập 3 (Roma: 2003), tr. 272-275.
[16] Hồng Phúc, Điển Ngữ Đức Tin Công Giáo, tr.32.
[17] Những văn kiện đời tu, Theo Chúa Kitô, 2006, tr. 56-59.