Lm. Giuse Nguyễn Đức Hòa, OP.
I. BẢN CHẤT ĐỨC TIN
1. Tin là gì?
Là chấp nhận một điều không thấy không biết. Phi lý chăng, con người có lý trí mà lại đi chấp nhận một điều mình không biết, không thấy? Thực ra trong cuộc sống, có rất nhiều điều phải tin, mặc dù không thấy không biết. Lý do chúng ta không thể biết hết, thấy hết mọi vấn đề, cũng không có thời gian đi hết mọi nơi tìm hiểu, phối kiểm, kiểm tra thực tế xem có đúng không, mà phải dựa vào uy tín của người khác nói cho biết.
Ngày sinh, nơi sinh, cha mẹ của chúng ta.
Ngày ta rửa tội, thêm sức, ai rửa tội, ai thêm sức?
Các kiến thức thông thường : trái đất tròn, H2O, lịch sử, địa lý. Tin bạn bè thầy cô, tin anh em, tin bác sĩ, tin vào báo chí, quảng cáo.
Nếu cái gì cũng nghi ngờ, không tin, chúng ta sẽ hoang mang, khủng hoảng, sẽ không sống được và cuộc sống gia đình, xã hội, cộng đoàn sẽ tan rã (trước khi ăn phải kiểm tra thức ăn vì sợ bà bếp đầu độc; Saddam Hussein thay đổi chỗ ngủ mỗi đêm, mỗi bữa ăn phải có 12 mâm cơm khác nhau, mỗi khi đi ra ngoài luôn có sáu xe màu đen giống hệt nhau!).
2. Tại sao ta tin? Lý do nào khiến ta phải tin?
Vì tư cách của người khác. Những điều kiện để ta tin người khác : người đó có uy tín, có tư cách :
- Có kiến thức, biết vấn đề.
- Trung thực, đáng tin cậy, không phóng đại.
- Không làm hại ta, không đánh lừa ta.
3. Định nghĩa đức tin
Công đồng Vaticanô II định nghĩa rằng: “Đức tin là nhân đức siêu nhiên, nhờ đó, dưới sự soi sáng và trợ giúp của ơn Chúa, chúng ta xác tín rằng điều Thiên Chúa mạc khải là đúng, không phải do chân lý nội tại của sự vật mà ánh sáng trí khôn tự nhiên nắm bắt đuợc, nhưng do thẩm quyền của chính Thiên Chúa mạc khải, là đấng không lừa dối ai và cũng không ai lừa dối được.” Như vậy đức tin khác với sự hiểu biết tìm hiểu tự nhiên của lý trí (các nhà khoa học, thiên văn học, hiền sĩ tin TC theo sự hiểu biết tự nhiên của lý trí).
Đức tin thường được coi như sự ưng thuận (assent) các chân lý mạc khải trong kinh thánh và các điều GH qui định. Nhưng một cách chính yếu đức tin không chỉ chấp nhận những tín điều, giáo lý, mệnh đề, lời nói, nhưng là chấp nhận chính con người phát biểu. Tin không phải quan hệ giữa ta với sự vật, công thức, mệnh đề, nhưng là giữa ta với Thiên Chúa; tin đưa con người đến chỗ hiểu biết và đồng hóa với TC :
- Tin là gặp gỡ cá nhân với TC
- Một sự gắn bó cá nhân
- Phó thác, tin thác, kết hợp
- Vâng phục tuyệt đối, đầu hàng
- Chấp nhận tất cả những gì Chúa nói, hứa
4. Thiên Chúa mạc khải
Cũng như con người không thể được hiểu biết qua phân tích hay trắc nghiệm, nhưng chỉ được hiểu biết khi người đó tỏ lộ chính mình, thì chúng ta cũng không thể biết TC nếu Ngài không tỏ mình ra (mạc khải) cho chúng ta. Thiên Chúa mạc khải chính mình :
- Gián tiếp, lờ mờ trong các tạo vật (Tv.18A )
- Trực tiếp và rõ ràng hơn trong kinh thánh
- Hoàn hảo và đỉnh cao nơi ĐKT.
Niềm tin dẫn ta đến ơn cứu độ mà TC đã khởi đầu nơi Abraham (St. 12 :1-4; 15 : 1-6; Rm. 4; Dt. 11 :8-11. 17-19) tiếp tục nơi con cháu, và hoàn tất nơi ĐKT.
5. Đối tượng của đức tin
Là tất cả những chân lý do TC mạc khải trong lịch sử, đặc biệt trong kinh thánh. Tin tưởng vào lời hứa của Chúa và tuân giữ các giới răn là những nét nổi bật trong Cựu ước. Toàn bộ Cựu ước mạc khải Yahweh như TC của giao ước, Ngài can thiệp vào lịch sử để cứu độ dân Ngài. Còn trong Tân ước, việc chấp nhận sứ điệp của ĐKT làm cho con người trở thành tín hữu. Tin tức là công nhận ĐKT là đấng Cha sai đến, tuyên xưng Ngài là con TC, là chấp nhận mầu nhiệm cái chết và phục sinh của Ngài; và vâng phục GH như người bảo quản các mầu nhiệm TC và Tin mừng.
6. Động lực của đức tin
Động lực của đức tin là thẩm quyền của TC nói với con người qua mạc khải, là sự trung thực, bất khả ngộ của TC. Mặc dù các dấu chỉ đáng tin cậy (signs of credibility) như phép lạ, lời ngôn sứ góp phần vào sự xác tín này, chính ơn Chúa mới làm cho con người tin ( Gr. 24 :7; Ed. 36 : 26-28). Đối với thánh Phaolô thì Thần Khí soi sáng trí khôn con người bằng sự hiểu biết mới và lòng hiếu thảo đối với Chúa (ICor. 2:10-16; 2Cor.4:4-6; Gal. 4:6; Eph. 1:16-19). Theo Mt. 11: 25-27 và Gioan 6 : 44-45 thì việc rao giảng và những phép lạ, nguyên nó, không làm cho con người tin vào ĐKT. TC phải lôi kéo con người đến với Chúa bằng mạc khải và hoán cải nội tâm. Vaticanô II : ”Muốn có niềm tin thì ơn Chúa và sự trợ giúp của CTT phải đi trước và hỗ trợ, tác động đến trái tim và hướng nó về với Chúa, mở mắt tâm hồn và đem lại niềm vui và thoải mái cho con người để họ ưng nhận và tin vào chân lý.” (Dei Verbum 5; Denziger-Schonmetzer 3010).
Vì ơn thánh là quà tặng nhưng không của TC, nhà giảng thuyết không thể áp đặt và người nghe cũng không thể nài ép mà có được. Người này gieo, người khác tưới, nhưng TC mới làm cho lớn lên (1Cor. 3 : 6-8). Ngay khi nhà giảng thuyết diễn giải một cách thuyết phục nhất thì không nhất thiết là người nghe sẽ tin ( những người Do thái không tin ĐKT mặc dù thấy phép lạ nhãn tiền; nhiều người nghe giảng thì sám hối, nhiều người khác lại trở nên cứng lòng hơn : Judas). Tuy nhiên sự chuẩn bị, cầu nguyện, học hỏi, thiện chí nơi người nghe cũng cần thiết.
7. Những mẫu gương đức tin
Cựu ước : Noe, Abraham, Sara, Mosê, Gideon.
Tân ước : Mẹ Maria, thánh Giuse, Sĩ quan ngoại đạo, phụ nữ Canaan.
8. Sự hiểu biết đức tin cần thiết cho ơn cứu độ
Phải hiểu biết về đức tin như thế nào để được cứu độ? Có ba nhóm ý kiến :
a./ Các nhà thần học xưa như Augustinô, Thomas Aquinô cho rằng phải tin 4 điều căn bản : Thiên Chúa hiện hữu, Thiên Chúa thưởng phạt, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi và mầu nhiệm nhập thể.
b/ Nhóm các nhà thần học khác nói chỉ cần tin Thiên Chúa hiện hữu và thưởng phạt, vì nhiều người ngoại giáo không thể nào biết mầu nhiệm Ba Ngôi và Nhập thể, dựa vào thư Do thái 11, 6 : “Ai muốn đến với Chúa phải tin Chúa hiện hữu và Người ban thưởng những ai liếm tìm Người.”
c/ Nhóm thứ ba (Ripalda, Scheeben, Mausbach, Karrer) cho rằng phần nhiều người ngoại đạo không có quan niệm rõ ràng về TC, họ chỉ biết mơ hồ về TRỜI, ĐỊNH MỆNH. Hàng triệu người Phật giáo, Khổng giáo không có khái niệm về một Thiên Chúa nhân vị hay Đấng sáng tạo. Cho nên đối với họ chỉ cần tin Thiên Chúa một cách tiềm ẩn (implicit faith) và tin vào sự thưởng phạt đời đời là đủ (tin vào trật tự luân lý bất di bất dịch và làm theo tiếng nói của lương tâm). Dù những người bán khai vẫn tin vào trật tự luân lý và cảm thấy có trách nhiệm về hành vi của mình, biết phân biệt tốt xấu. Dù không biết TC nhưng họ cũng không dám giết người, phản bội, nhận hối lộ, lăng mạ người khác. Ít nhất họ biết làm như vậy là sai, là đáng xấu hổ.
Vaticanô II trong Dogmatic Const., art 6 : “Ngoài các Kitô hữu, những người sau đây cũng được hưởng ơn cứu độ : người Do Thái, những người nhìn nhận Đấng tạo hóa, những người, qua hình ảnh và bóng tối, đi tìm một vị Thiên Chúa mà họ không biết ; và cuối cùng tất cả những ai cố gắng làm theo ý Thiên Chúa theo sự hiểu biết của họ. Sự quan phòng của TC không từ chối những trợ giúp cần thiết cho ơn cứu độ đối với những ai, không do lỗi của mình, mà chưa biết Chúa một cách rõ ràng, nhưng nhờ ơn Chúa vẫn cố gắng sống ngay lành.” (LG 16)
II. NHỮNG BỔN PHẬN LIÊN QUAN ĐẾN ĐỨC TIN
1. Bổn phận biết các chân lý đức tin
Người kitô hữu phải biết những điều cần thiết để sống đời sống kitô hữu tốt đẹp, phù hợp với tuổi tác và địa vị của mình. Phải xét đến điều kiện thời gian và giáo dục. Tất cả các kitô hữu đến tuổi khôn phải biết những điều căn bản sau đây : kinh tin kính, kinh lạy Cha, 10 điều răn, 6 điều luật Hội thánh, các bí tích. Thường xuyên đào sâu và tìm hiểu vế đức tin là cần thiết để giữ cho đức tin phát triển, lại phải cầu nguyện, suy ngắm, tham dự phụng vụ, học hỏi Lời Chúa.
2. Bổn phận tuyên xưng đức tin
Phải thường xuyên tuyên xưng niềm tin bằng:
a/ Chứng tá đời sống. Bổn phận này luôn bắt buộc, không bao giờ có thể miễn chuẩn được (tu sĩ ngưng không giữ lời khấn, linh mục nghỉ làm linh mục một thời gian, giáo dân lâu lâu xả láng ăn chơi, nghỉ giữ đạo!)
b/ Công khai tuyên xưng khi vinh quang TC và phần rỗi các linh hồn đòi buộc. ĐKT đòi các môn đệ phải sẵn sàng tuyên xưng Ngài trước mặt người đời, dù có phải chết (Mt. 10, 32; Mc. 8,38; Lc. 9, 26; 2Tim. 2, 12). Người môn đệ còn phải sẵn sàng hy sinh tất cả vì Chúa (Mt. 10, 34-39). Đau khổ và cái chết của các thánh tử đạo là những bằng chứng hùng hồn.
* Phải tuyên xưng đức tin trong những trường hợp :
- Khi người có thẩm quyền hỏi
- Khi che giấu có hại cho người khác
- Khi bị bắt trong các cuộc bách hại
* Những người phải tuyên xưng đức tin công khai :
- Khi chịu phép rửa tội
- Lầm lạc, theo lạc giáo trở về
- Các cha giải tội, giáo sư chủng viện
- Linh mục chánh xứ nhậm chức
- Các bề trên Dòng khi nhậm chức
* Có thể che giấu đức tin trong những trường hợp:
- Vì lợi ích những người mình coi sóc
- Chạy trốn cuộc bách hại (Mt. 10, 23; Cv 9, 23-25)
- Không tiết lộ chức vụ linh mục, tu sĩ
- Khi những người không có thẩm quyền hỏi
- Khi vua quan ra lệnh phải trình diện, hay bắt đeo thánh giá.
3. Bổn phận không được chối bỏ đức tin
Không bao giờ được phép chối bỏ đức tin, dù trực tiếp hay gián tiếp. Người trực tiếp chối bỏ đức tin là người tuyên bố rằng mình không phải là kitô hữu, hay tuyên bố mình là vô thần, là Phật giáo, Hồi giáo, Cao đài (khai không tôn giáo trong lý lịch, cầu thủ Roberto Baggio). Người gián tiếp chối bỏ đức tin là khi được hỏi lại giữ thinh lặng để người khác nghĩ rằng mình không phải là kitô hữu, là người thường xuyên tham dự các nghi thức không công giáo đến nỗi người ta tưởng rắng mình đã bỏ đạo (thường xuyên coi bói, đến chùa nhiều lần, dự đám cưới đời, cửa hàng có bàn thờ thần tài, vái trời đất mỗi ngày).
Được phép tham dự một số nghi thức có tính xã hội, dân sự hơn là tôn giáo như tôn kính dành cho các danh nhân, anh hùng dân tộc, dâng hương trước tổ tiên, trước người quá cố.Vì thế gián tiếp chối bỏ đức tin là bất cứ hành động hay sự bỏ sót nào (omission) dù nguyên nó không hàm chứa sự chối bỏ đức tin, nhưng trong một hoàn cảnh cụ thể lại là sự chối bỏ đức tin (cụ già Aleazarô trong Cựu ước, các thánh tử đạo VN chỉ cần bước qua hình chữ thập vẽ nguệch ngoac trên đất, hay bước qua cọng rơm, hay chỉ cần gật đầu).
4. Bổn phận phải bảo vệ đức tin
Mọi tín hữu có bổn phận phải gìn giữ bản thân trước các mối nguy hiểm đe dọa đức tin và bảo vệ quyền lợi của Kitô giáo (trong cách mạng Pháp 1789, người ta cố gắng xóa bỏ mọi vết tích của tôn giáo. Một người lính cách mạng hỏi một nông dân : các anh có muốn chối bỏ đức tin không? Người nông dân khẳng khái trả lời : “ Bao giờ các ông làm cho sao trời rơi xuống thì chúng tôi sẽ thôi cầu nguyện” - Lẽ Sống 476) Người tín hữu phải cẩn thận lựa chọn các hình thức giải trí (Movies, TV, radio, magazines), quan hệ bạn bè, nghề nghiệp, hôn nhân và trường học (GH không chuẩn hôn nhân khác đạo cho Việt kiều, người nước ngoài; đòi người phối ngẫu phải học giáo lý hôn nhân, phải cam kết không ngăn cản thi hành bổn phận tôn giáo, cho các con rửa tội).
Phải công khai bảo vệ đức tin khi bị xúc phạm.
- Sinh viên trong lớp khi giáo sư miệt thị TC.
- Công nhân bị chủ xí nghiệp chế diễu đức tin
- Trong những cuộc tranh luận công khai
5. Bổn phận phải loan báo đức tin
Vaticanô II : “ Mọi kitô hữu có bổn phận rao giảng đức tin tùy theo khả năng của mình” (LG 17; AG 23; Mt. 28, 19; Mc 16, 15). Quả thế luật yêu thương là giới răn lớn nhất của Chúa, đòi hỏi mọi người tín hữu phải rao truyền vinh quang Chúa, qua việc mở rộng nước Chúa và đem đến cho mọi người sự sống vĩnh cửu là nhận biết một Thiên Chúa thật, và nhận biết ĐKT là Đấng Chúa Cha sai đến.Tuy rằng mọi tín hữu phải tham gia vào việc mở mang nước Chúa, nhưng vì mỗi người có ân huệ vả khả năng khác nhau, nên mỗi người phải cộng tác tùy theo khả năng, ơn gọi và cơ hội của mỗi người : trước hết là giám mục, linh mục, tu sĩ rồi đến giáo dân. Mọi tín hữu phải là chứng tá đời sống nơi gia đình, xã hội và ngành nghề.
Trong vấn đề này anh em Tin lành rất tích cực (Hawaii 1972, Thánh Đaminh tại quán trọ, ông già nhóm Gia đình Phaolô). Nói chung, các linh mục, tu sĩ rất ngại ngùng trong vấn đề này. Lý do vì đã có gương sáng đời sống, chứng tá đời sống hữu hiệu hơn, hay vì là vấn đề tế nhị, nhạy cảm, dễ đưa đến tranh luận, hoặc không có hiệu quả. Cho nên ngoài tòa giảng tại nhà thờ, ngoài các lớp học giáo lý, ít khi chúng ta nói về đức tin cho người khác, kể cả những người bạn rất thân (thanh niên vào quán café gặp cô tiếp viên, hỏi ra mới biết cô là người công giáo, tên thánh là Lucia).
6. Bổn phận vâng phục huấn quyền của Giáo hội
Việc bảo quản, giải thích và công bố lời mạc khải đã được ĐKT trao phó cho Giáo hội. Điều này có nghĩa là người tín hữu phải công nhận và tuân giữ các giáo huấn của Giáo hội khi Giáo hội công bố và giải thích các chân lý mạc khải cách chính thức : “ Ai nghe anh em là nghe Thầy, và ai khước từ anh em là khước từ Thầy, và ai khước từ Thầy là khước từ Đấng sai Thầy” (Lc 10 : 16). Hơn nữa ĐKT bảo đảm với Phêrô sự trợ giúp đăc biệt chống lại sai lầm và các thế lực của bóng tối (Mt.16 : 18), hứa sai CTT đến với các tông đồ để làm chứng cho Ngài, và dẫn họ tới chân lý vẹn toàn (Ga 14 : 16; 15 : 26; 16 : 13; Cv 1 : 8; 2 : 2-4). Thẩm quyền tối cao của Giáo hội là giám mục đoàn cùng với và dưới sự chủ tọa của ĐGH. Huấn quyền của Giáo hội bao gồm toàn bộ mạc khải Kitô giáo (depositum fidei : kinh thánh và Tông truyền), và bao gồm các chân lý khác liên quan đến đức tin, luân lý và phong hóa trực tiếp hay gián tiếp.
Lời công bố chính thức (ex Cathedra) của Giáo hội kết thúc mọi tranh luận liên quan đến vấn đề (Papa locuto, causa finita est) và mọi người phải tuyệt đối tin theo (sub pena anathema sit). Đối với những gì mà Giáo hội không công bố chính thức, tín hữu có quyền tranh luận, nghi ngờ, thắc mắc, nhưng luôn luôn với thái độ kính trọng, khiêm tốn. Phải nói rằng nếu so sánh huấn quyền của Giáo hội với các nhà thần học hay cá nhân khác thì ý kiến của Giáo hội vẫn có giá trị hơn nhiều.
7. Bổn phận cổ võ sự hiệp nhất của Giáo hội
Giáo hội do ĐKT thiết lập là một GH duy nhất. Nhưng sự hiệp nhất này đã bị thương tổn. Điều này đi ngược lại ý muốn của ĐKT (Ga. 17, 21; Eph. 4,4; Gal. 3, 27). Hiện có nhiều phe phái trong GH.
- Giáo hội công giáo Roma
- Nestoriô (431) : Đức Mẹ chỉ là mẹ ĐKT
- Menophysite (541) : ĐKT chỉ có thiên tính
- Chính thống (1054)
- Lutherans và các nhóm tin lành (1517)
- Anh giáo (1532) do vua Henry VIII.
Có nhiều nguyên nhân gây ra sự phân hóa này, và lỗi không chỉ do một phía. Nhưng nguyên nhân là ai đi nữa, chúng ta không được qui trách nhiệm đó cho những thành viên sinh ra trong mỗi giáo hội sau này. Và bởi vì họ cũng tin vào ĐKT, đã chịu phép rửa và cũng cố gắng sống như những môn đệ ĐKT nên phải coi họ như anh em trong Chúa (UR 3). Và bất chấp các khác biệt, các cộng đoàn kitô hữu có nhiều điểm giống nhau (tin vào ĐKT, tin phép rửa tội, tin vào ân sủng, Chúa Thánh Thần, kinh thánh, tin cậy mến).
III. NHỮNG HƯỚNG DẪN CỤ THỂ LIÊN QUAN ĐẾN CỔ VÕ SỰ HIỆP NHẤT
- Canh tân Giáo hội, có cái nhìn bao dung, cởi mở, không thành kiến.
- Học hỏi về đại kết, do Hội Đồng Giám Mục qui định, sẵn sàng đón nhận những trình bày nghiêm túc về thần học của anh em tin lành.
- Đối thoại đại kết, gặp gỡ, trao đổi, đón nhận sáng kiến (điều kiện : hiểu biết căn bản đức tin của mình, trung thành với niềm tin ấy, tránh thái độ, lời nói thành kiến, quá khích).
- Cầu nguyện chung, chia sẻ Lời Chúa.
- Cộng tác trong các vấn đề bác ái, xã hội
1. Chia sẻ các lợi ích thiêng liêng với giáo phái khác
Hướng dẫn của Vaticanô II về đại kết nói rằng “ trong các yếu tố và các ân ban để xây dựng và ban sức sống cho GH, có một số và thậm chí có nhiều ân ban có thể ở ngoài ranh giới của Giáo hội công giáo” (UR 3). Những yếu tố chung này là nền tảng cho việc chia sẻ các lợi ích thiêng liêng (communicatio in spiritualibus). Nhưng vì các ân ban thiêng liêng này hiện diện trong các cộng đồng kitô một cách khác nhau, nên việc chia sẻ các ân ban thiêng liêng đó cũng khác nhau tùy theo điều kiện của mỗi Giáo hội. Như một nguyên tắc chung, việc chia sẻ này phải góp phần phát triển sự hài hòa và hiểu biết giữa các kitô hữu. Các giám mục hay Hội Đồng Giám Mục địa phương phải đưa ra những chỉ dẫn cụ thể trong vấn đề này.
Một vài danh từ cần làm sáng tỏ. Chia sẻ các lợi ích thiêng liêng bao gồm cầu nguyện chung, cùng dùng chung các nơi thánh và vật dụng thánh, cũng như chia sẻ phụng vụ (liturgical worship). Chia sẻ phụng vụ là việc phụng tự được thực hiện theo sách nghi thức và thói quen của mỗi Giáo hội, dưới sự chủ trì của thừa tác vên chính thức của Giáo hội đó.
a/ Cầu nguyện chung có thể thực hiện trong nhiều trường hợp và cho các nhu cầu khác nhau, đặc biệt cho sự hiệp nhất. Có thể đọc sách thánh, hát thánh ca, suy niệm lời Chúa, thuyết giảng. Nơi tổ chức có thể là nhà thờ, nhà nguyện công giáo, chính thống giáo hay tin lành, với chuẩn y của giám mục địa phương, hay nơi nào xứng hợp.
b/ Chia sẻ phụng vụ. Với sự chuẩn y của giám mục và có lý do cần thiết, chính đáng (ở quá xa nhà thờ công giáo, chiến tranh, nguy tử), người công giáo có thể tham dự các bí tích sám hối, Thánh thể, xức dầu bệnh nhân của AE chính thống giáo (vì họ cũng có chức linh mục và phép Thánh thể như công giáo). Nguyên tắc này cũng áp dụng cho anh em chính thống tham dự phụng vụ công giáo.
Riêng đối với anh em tin lành và Anh giáo thì việc tham dự phụng vụ công giáo không được phép, trừ trường hợp khẩn cấp và với chuẩn y của giám mục địa phương (thời kỳ bách hại, trong tù, di dân ở đảo xa, nguy tử). Người công giáo dĩ nhiên không được tham dự phụng vụ của tin lành và Anh giáo, không được làm cha mẹ đỡ đầu khi họ rửa tội, và ngược lại AE tin lành và Anh giáo cũng không được làm cha mẹ đỡ đầu cho người công giáo.
2. Hội nhập văn hóa (Inculturation)
Hội nhập văn hóa là một từ ngữ mới được hình thành trong Giáo hội công giáo và được nêu lên trong các văn kiện quan trọng của Giáo hội như Lumen Gentium (13), tông huấn Loan báo Tin mừng (20); thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Thế (52). Trong tông huấn Giáo hội tại châu Á, ĐGH nhắc lại từ này nhiều lần.
Hội nhập là hòa mình vào trong một cộng đồng lớn (nói đến quan hệ giữa các dân tộc, các quốc gia). Thí dụ : hội nhập vào cộng đồng quốc tế là một yêu cầu tối thiểu của thời đại; Việt Nam hội nhập vào ASEAN.
Hội nhập văn hóa là hòa mình vào trong nền văn hóa, hay đúng hơn là chấp nhận một hệ thống giá trị mới. Chủ thể hội nhập ở đây được xác định là một cá nhân hay một tập thể (cộng đồng Giáo hội) tiếp nhận một phần hay toàn bộ hệ thống giá trị đã có sẵn của một dân tộc nào đó. Thí dụ các thừa sai nước ngoài khi đến Việt Nam giảng đạo đã học tiếng nói của người Việt, ăn mặc như người Việt, trình bày giáo lý theo cách hiểu của người Việt. Như thế là họ đang hội nhập vào nền văn hóa Việt Nam. Do đó, khi sống ở Việt Nam, họ đã tự do chọn lựa các giá trị tốt đẹp của nền văn hóa Việt Nam để làm giàu cho các giá trị có sẵn của mình, chứ không đánh mất nền văn hóa của mình để trở thành một người hoàn toàn theo nền văn hóa Việt Nam. ĐHY Ratzinger đề nghị “chúng ta không nên nói hội nhập văn hóa, mà phải nói là sự gặp gỡ giữa các nền văn hóa, hay có thể nói là tính giao thoa văn hóa - Inter-culturality” (Joseph Ratzinger, Niềm tin vào ĐKT trước sự thách đố của nền văn hóa, 5/3/1993, Bản tin Hiệp Thông số 2-1999, tr. 17).
ĐGH Gioan Phaolô II : “Đứng trước những nền văn hóa khác nhau và đôi khi tương phản tại nhiều nơi trên thế giới, HNVH là tìm vâng phục lệnh truyền của ĐKT, đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, đến tận cùng trái đất. Việc vâng phục này không có nghĩa là hòa đồng cũng không phải thích ứng đơn thuần của việc loan báo Tin Mừng vào nền văn hóa, nhưng là làm cho Tin Mừng tháp nhập vào chính sự sống của các nền văn hóa, nhập thể trong văn hóa và tìm cách vượt qua những yếu tố văn hóa không phù hợp với mầu nhiệm của ĐKT.” (Pastores dabo vobis 55). Vượt qua được những yếu tố văn hóa không phù hợp với mầu nhiệm ĐKT là phúc âm hóa nền văn hóa đó. (Lm Nguyễn Thế Thoại, Tôn Giáo học và những tôn giáo lớn ở Việt Nam - Thiên Chúa Giáo, p. 297).
“Khi quảng bá Tin Mừng, Giáo hội cũng tố giác tội lỗi trong các nền văn hóa và giải thoát các nền văn hóa khỏi tội lỗi. Giáo hội vạch mặt các phản giá trị và trừ tà cho chúng. Như vậy Giáo hội cung cấp yếu tố phê phán cho các nền văn hóa, như phê phán việc tôn thờ ngẫu thần, nói khác là phê phán các giá trị đã được dựng nên như các ngẫu thần hoăc các giá trị gọi là văn hóa được coi như tuyệt đối” (Huấn thị “Đi tìm đường hướng mục vụ cho văn hóa, số 5).
Các định nghĩa về hội nhập văn hóa
- Làm cho Tin mừng tháp nhập vào chính sự sống của các nền văn hóa, tìm cách vượt qua những yếu tố văn hóa không phù hợp với Tin mừng của ĐKT (ĐGH Gioan Phaolô II).
- Tương tác năng động và có phê phán giữa sứ điệp Tin mừng và văn hóa địa phương (Gerald A Arbuckle, Thăng tiến đời tu, p.242).
- Phúc âm hóa nền văn hóa, rửa tội cho nền văn hóa.
- Biến đổi nền văn hóa bằng các giá trị Tin mừng dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua (Ecclesia in Africa, 61).
- Diễn tả Tin mừng theo phong cách văn hóa địa phương (Vái lạy thay bái gối, ca vọng cổ thay kinh tiền tụng, áo cánh chuồn thay áo lễ, nhà thờ kiểu chùa thay vì kiểu Tây phương).
Cần phân biệt mấy danh từ sau đây
- INCULTURATION : Hội nhập văn hóa
- ACCULTURATION : Tiếp biến văn hóa, tiến trình thay đổi văn hóa trong đó có sự tiếp xúc liên tục giữa hai hoặc nhiều nhóm văn hóa khác nhau, để cuối cùng một nhóm chiếm lĩnh các yếu tố văn hóa của nhóm khác.
- INTER- CULTURALITY : gặp gỡ, giao thoa giữa các nền văn hóa.
IV. NHỮNG TỘI CHỐNG LẠI ĐỨC TIN
1. Chủ nghĩa vô thần
là một hiện tượng phức tạp, thường đặt nền tảng trên quan niệm sai lạc về quyền tự lập, tự mãn (autonomy and self-sufficiency) của con người, phủ nhận sự hiện hữu của TC và mọi lệ thuộc vào TC (GS 20, 1). Hình thức thông thường là a/ chủ nghĩa duy vật thực hành, chủ nghĩa này giới hạn nhu cầu và tham vọng của con người trong không gian và thời gian. b/ Chủ nghĩa vô thần nhân bản nhận định sai lầm khi coi con người là chính cùng đích cho mình, là kẻ làm nên và điều khiển lịch sử riêng mình. c/ Một hình thức khác là chủ nghĩa vô thần giải phóng, muốn giải phóng con người bằng sự giải phóng kinh tế và xã hội, cho rằng tôn giáo, tự bản chất, ngăn cản sự giải phóng trên, vì khi gây cho con người niềm hy vọng hão huyền vào cuộc sống mai hậu, sẽ làm cho họ xao lãng việc xây dựng xã hội trần thế (GS 20, 2; GLHTCG 2124).
Cũng có thể chia chủ nghĩa vô thần thành vô thần lý thuyết và vô thần thực hành. Vô thần lý thuyết công khai và một cách có hệ thống phủ nhận sự hiện hữu của TC, phủ nhận mọi liên hệ với TC (dù TC hiện hữu), không công nhận luật nào ngoài luật của con người. Vô thần thực hành : không chối bỏ TC nhưng làm ngơ trước sự hiện diện của Ngài, hoặc có ý tưởng lệch lạc về TC (mê tín, thờ ngẫu tượng), đi tìm hạnh phúc và sự hoàn thiện qua các giá trị vật chất, trần thế (chủ nghĩa thế tục). Nhiều người kitô hữu hôm nay (nhất là ở Âu Mỹ) chỉ có danh là kitô hữu, chứ thực sự họ là những người vô thần thực hành!
2. Chủ nghĩa bất khả tri (Agnosticism)
Chủ nghĩa này không phủ nhận TC, nhưng tin có một Đấng siêu việt không tự mạc khải nên không ai có thể biết và quả quyết bất cứ điều gì về Người. Trong nhiều trường hợp khác, những người theo chủ nghĩa này không đề cập đến TC, vì cho rằng không thể chứng minh, xác nhận hay phủ nhận về Người. Đôi khi chủ nghĩa này ẩn chứa một cố gắng tìm kiếm nào đó về TC, nhưng cũng có thể biểu hiện một thái độ thờ ơ, một cách tránh né trước vấn đề tối hậu của con người, và một sự lười biếng của lương tâm. Chủ nghĩa bất khả tri thường đồng nghĩa với chủ nghĩa vô thần thực hành (GLHTCG 2127, 2128).
Nhận định về chủ nghĩa vô thần
Nguồn gốc cuối cùng của mọi hình thức vô thần hay vô tín là sự kiêu ngạo. Con người phủ nhận sự hiện hữu của TC vì con người muốn làm nên cuộc sống mình theo ý riêng mình. Con người không công nhận một luật pháp nào ngoài luật mà con người tự đưa ra cho mình, vì họ nghĩ rằng sự hiện hữu và luật pháp của TC can thiệp vào sự tự lập của con người. Người kiêu ngạo muốn tự lập và tự mãn. Nhưng do bản chất là thụ tạo, con người phải hoàn toàn lệ thuộc vào ý muốn của TC, nên sự tự lập cao ngạo này cuối cùng trở thành một mâu thuẫn và lạc lõng (contradiction and perversion) và sẽ đưa đến sự lừa dối.
Để giải thoát mình khỏi sự lừa dối này, con người phải quay về với chân lý. Nhưng kiêu ngạo không cho con người chấp nhận chân lý, vì chân lý xuất phát từ TC sẽ vạch trần tình trạng tội lỗi và lừa dối của họ, đòi hỏi họ phải thay đổi lối sống. Mặc dù con người nhìn thấy chân lý nhưng không tin vào chân lý, vì nó can thiệp vào các đam mê nguyện vọng của họ. Họ không muốn biết đến sự thánh thiện vì sự thánh thiện đòi họ từ bỏ tính ích kỷ cao ngạo của mình. “Kẻ ghét ánh sáng sẽ không đến với ánh sáng, kẻo hành động của họ bị phơi bày” (Ga 3, 20).
Vô thần không nhất thiết là phủ nhận đấng tuyệt đối, mà thường là sự phản đối các hình thức mà người ta đồng hóa với đấng tuyệt đối. Có thể nói có nhiều người vô thần mà trên thực tế chẳng là vô thần gì cả, và trong thâm tâm, theo Eckhart, nhiều người nói phạm thượng đến TC mà vẫn yêu mến TC. Những người như vậy chỉ phản đối cách trình bày TC mà, theo họ, là bất xứng. Rất có thể chính hoàn cảnh, môi trường hay những tín hữu đã đưa họ đến những ý nghĩa lệch lạc như vậy. Nếu những người này chân thành yêu mến sự thiện và sự thánh thiện mà trái tim họ tỏ cho họ biết, thì những người này không thể nói là những người “ghét ánh sáng”. Ngược lại họ là những người “không còn xa nước Trời bao nhiêu.”
Người kitô hữu phải chịu một phần trách nhiệm trong việc khai sinh ra chủ nghĩa vô thần bởi xao lãng việc giáo dục đức tin, hoặc trình bày sai lạc về giáo lý, hoặc do những thiếu sót (gương mù) trong đời sống tôn giáo, luân lý và xã hội. Phải nói rằng họ che giấu hơn là bày tỏ chân dung đích thực của TC và tôn giáo (GS 19, 3).
Hội Thánh cho rằng nhìn nhận Thiên Chúa không có gì nghịch với phẩm giá con người, vì phẩm gia ấy đặt nền tảng và nên hoàn hảo trong chính Thiên Chúa (GS 21, 3). Hội Thánh biết rõ sứ điệp của mình phù hợp với những khát vọng thâm sâu nhất của lòng người (GS 21, 7).
Niềm tin vào TC không phủ nhận những giá trị trần thế như khoa học, kỹ thuật, kinh tế, nghệ thuật. Những giá trị này có lãnh vực riêng biệt lập của chúng, và rất xứng đáng để con người nỗ lực phát triển đến mức tối đa. Thế giới vật chất có qui luật riêng của chúng, không lệ thuộc vào các qui định của đức tin và tôn giáo. Tuy nhiên điều này không cản trở con người sử dụng vật chất một cách hài hòa với chương trình quan phòng của Đấng tạo hóa. Vì thực tế không phải thế giới vật chất và con người trần thế tạo ra chính mình. Sự hiện hữu của chúng tùy thuộc vào ý muốn của một Đấng cao hơn. Cho nên sự độc lập của chúng chỉ là tương đối, và không thể nào tuyệt đối được (GS 36).
3. Những tội chống lại Kitô giáo
Hoài nghi (doubt) là do dự hay không sẵn sàng nhìn nhận những điều TC mạc khải và Hội thánh dạy phải tin.
Cứng lòng (incredulity) là khinh thường chân lý mạc khải, hay cố tình từ chối không tin.
Lạc giáo (heresy) là khi người tín hữu đả chịu phép rửa tội lại ngoan cố phủ nhận, nghi ngờ một hay nhiều chân lý phải tin.
Ly giáo (schism) là từ chối tuân phục ĐGH và hiệp thông với Hội thánh công giáo.
Bội giáo (apostasy) là khi một người đã rửa tội chối bỏ toàn bộ đức tin Kitô giáo.
4. Cộng tác với người ngoại và các giáo phái
Việc cộng tác có thể về phuơng diện dân sự hay tôn giáo. Cộng tác trong lãnh vực tôn giáo là chủ động khi người công giáo tham dự các nghi thức ngoài công giáo; hay thụ động khi để cho người ngoài công giáo tham dự các nghi thức công giáo.
Nguyên tắc thứ nhất : Hợp tác dân sự giữa người công giáo và người không công giáo được phép, nhưng phải thận trọng vì có thể nguy hiểm và gây gương mù cho người khác.
Nguyên tắc thứ hai : Thụ động hợp tác trong lãnh vực tôn giáo với người ngoài công giáo cũng được phép, nghĩa là người không công giáo có thể tham dự các nghi thức công giáo, nhưng họ không được lãnh các bí tích, á bí tích và ân xá.
Nguyên tắc thứ ba : Chủ động hợp tác trong lãnh vực tôn giáo không bao giờ được phép, vì sự hợp tác như vậy có nghĩa là chối bỏ đức tin công giáo, và công khai nhìn nhận nghi thức ngoài công giáo.