Tuesday, 14 January 2020 04:22

Đức Thánh Cha Benedict XVI Và Năm Đức Tin Featured

Lm. Matthêu Nguyễn Khắc Hy S.S.

 

LỜI GIỚI THIỆU

Năm Đức Tin được Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI khởi xướng qua việc công bố Tông Thư Tự Sắc Porta Fidei (Cánh Cửa Đức Tin) trong đó Ngài nói rõ lý do, mục đích và những hướng dẫn cho việc cử hành năm Đức Tin.

Năm Đức Tin bắt đầu từ ngày 1 tháng 10 năm 2012 – kỷ niệm 50 năm công đồng Vatican II và 25 năm xuất bản cuốn Giáo Lý Công Giáo – cho đến ngày 14 tháng 11 năm 2013, dịp lễ Chúa Kitô Vua. Trọng tâm là động viên Kitô hữu tái khám phá đức tin của mình để tìm lại “niềm vui và sự hăng hái tìm gặp Đức Kitô,” đồng thời đối diện với chủ nghĩa tục hoá và những thách đố khác đang làm khủng hoảng đức tin của nhiều Kitô hữu.

Nói chuyện với thành viên Thánh Bộ Tín Lý ngày 27 tháng 1 năm 2012, Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI nói đến “hiện nay tại nhiều nơi, đức tin có nguy cơ bị dập tắt, như một ngọn lửa đang tàn” vì “những khủng hoảng đức tin sâu xa, nhất là mất dần ý thức tôn giáo” trong đời sống.

Năm Đức Tin nhấn mạnh đến chưong trình Tân Phúc Âm hoá, một nổ lực đã được khai tâm từ thời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, nhằm củng cố đức tin cho Kitô hữu, nhất là những người “đã đánh mất căn tính của mình,” và rao giảng cho thế giới biết sự cần thiết phải có Thiên Chúa trong đời sống xã hội.

Trong Năm Đức Tin, chúng ta sẽ có dịp học hỏi nhiều về đức tin Công Giáo mà chúng ta đã lãnh nhận. Như tiêu đề của Tự Sắc Porta Fidei- Cánh Cửa Đức Tin, nhắc nhở mọi Kitô hữa đã bước qua ngưỡng cửa đức tin là bí tích rửa tội, giờ đây cần mở lại cánh cửa đó để đón nhận luồng gió mới của Chúa Thánh Thần khai sáng tâm trí và hâm nóng lại nhiệt tình sống đạo.

Trong bài viết đầu tiên của loạt bài về Năm Đức Tin, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về nguyên nhân và động lực (có tính cách cá nhân) thúc đẩy Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI công bố năm Đức Tin này.

BÊNÊDICTÔ XVI ĐỐI THOẠI VỚI THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI

Là một chuyên viên (peritus) trẻ cho các nghị phụ tại công đồng Vatican II, là một thần học gia trong những năm hậu Công Đồng, là Bộ Trưởng thánh bộ Tín Lý Đức Tin trong 25 năm, Đức Thánh Cha Bênêdictô đã tỏ ra dè dặt trong vấn đề đối thoại với thế giới hiện đại. Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, có tên là Vui Mừng và Hy Vọng – Gaudium et Spes- được xem là văn kiện mở đường cho những đối thoại giữa Giáo Hội và thế giới, và được nhiều thần học gia lấy làm điểm xuất phát cho phong trào “đem đạo vào đời” hay “Thiên Chúa nhập thể để Giáo Hội nhập thế”.

Nhưng Đức Thánh Cha Bênêdictô không hoàn toàn đồng nhất với tư tưởng diễn dịch đó. Ngược lại, Ngài có nhiều thắc mắc và cẩn trọng khi suy tư về Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng. Trong nhiều bài viết và phát biểu, Đức Thánh Cha Bênêdictô cho là cách giải thích của nhiều thần học gia đưong thời về Hiến Chế này là sai lầm, hoặc vì họ hiểu sai lạc, hoặc vì họ cắt nghĩa bản văn không đúng với bối cảnh của nó. Đức Thánh Cha Bênêdictô đã nhiều lần nhắc nhở các thần học gia cần đọc Hiến Chế này không như một bản văn độc lập, nhưng chung với những văn kiện khác cúa Công Đồng, nhất là Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen gentium – Ánh Sáng Muôn Dân để thấy rõ những gì Thánh Công Đồng muốn dạy, và để soi tỏ những yếu tố chưa rõ ràng trong Hiến Chế Gaudium et Spes.

Chính thần học gia trẻ J. Ratzinger (Đức Thánh Cha Bênêdictô) đóng vai trò chủ động trong việc soạn bản thảo cho Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng này. Trong thảo luận, Ngài đưa ra những tiềm năng nguy hiểm mà nhiều nghị phụ, và nhất là các thần học gia bấy giờ, quá lạc quan và phấn khởi khi nói đến đối thoại với thế giới hiện đại. Qua cái nhìn nhân chủng học và vũ trụ học của Teihard de Chardin (một thần học gia Pháp có ảnh hưởng lớn thời bấy giờ), một số các nghị phụ và các chuyên viên cố vấn (peritus) đã quá vội vàng đồng hoá niềm hy vọng Kitô hữu với niềm tin của thế giới hiện đại qua những tiến bộ của con người, nghĩa là, Giáo Hội không còn đối nghịch với “Đời” vì cả hai cùng nhắm đến một mục đích cao cả là phục vụ công ích cho con người và xã hội.

J. Ratzinger cho rằng đây chính là yếu điểm “đơn sơ” của các nhà thần học cắt nghĩa Hiến Chế với sự nhầm lẫn giữa thành quả khoa học và hy vọng Kitô giáo. Ngài sợ họ tập trung quá nhiều và mầu nhiệm nhập thể (Thiên Chúa làm Người), mà quên đi mầu nhiệm Thập Giá (Đức Kitô chết vì không cùng một quan điểm về Chân Lý và Luân Lý với thế giới Ngài sống).

Chúng ta có thể nói được rằng với Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI, Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng không là giấy phép tùy tiện cho những đối thoại liên tục giữa Giáo Hội với thế giới hiện đại, mà là những cảnh báo về tiêu chuẩn hạn chế cần quan tâm trong những đối thoại đó. [1]

Với Đức Thánh Cha Bênêdictô, đối thoại với thế giới chỉ thật sự đồng nhất khi thế giới (mà danh từ Việt Nam tinh khéo gọi là Thế Gian) được tinh lọc, thánh hoá. [2]

Ratzinger cũng đã nhiều lần nói đến sự cần thiết tái khám phá Công Đồng Vatican II khi Ngài công khai phê bình sự cởi mở của Công Đồng đã bị nhiều thần học gia diễn dịch sai lạc. [3] Theo Ratz¬inger, thế giới hiện đại rõ ràng không cùng quan điểm với Giáo Hội khi bàn về Chân Lý, về Thiên Chúa, quan niệm Tội, Đúng- Sai v.v…

Vì thế, Kitô hữu cần tái khám phá căn tính mình “trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian” (Jn 17:14-16).

BÊNÊDICTÔ XVI VÀ HIỆN TRẠNG ÂU CHÂU

Từ khi làm giáo hoàng, Bênêdictô XVI tiếp tục ưu tư của vị tiền nhiệm Đức Thánh Cha John Paul II, đã nhiều lần lên tiếng về khủng hoảng đức tin Công Giáo nói riêng, và đức tin Kitô giáo nói chung, ở châu Âu. [4] Theo thống kê về con số, Kitô hữu vẫn gia tăng ở Á Châu và Phi Châu, nhưng con số những người hoặc công khai từ chối đức tin Kitô giáo, hoặc không sống đức tin Kitô giáo, ngày càng nhiều ở Châu âu và Bắc Mỹ. Các nhà thờ vắng bóng giáo dân. Họ không muốn đề cập đến tôn giáo trong học đường hay ngoài xã hội. Ở nước Đức, nhiều Kitô hữu rút tên mình ra khỏi danh sách đóng thuế cho nhà thờ, vì họ tự hỏi tại sao lại đóng thuế cho nhà thờ khi họ không còn tin nữa.

Bên cạnh đó, mức sinh sản của người Âu Châu thấp. Họ nghĩ đến hưởng thụ cá nhân và không nghĩ đến tương lai có con cái hay cho con cái. Ngay cả khi chết, nhiều người không muốn chôn cất theo nghi thức tôn giáo cổ truyền tốn kém, mà chỉ rải tro trên những nơi họ muốn.

Âu châu tục hoá thật sự đang trở lại thời kỳ vô thần, không theo nghĩa là không tin có Thiên Chúa, nhưng theo một dạng vô thần mới ở đó con người sống không cần Thiên Chúa, và nếu có Thiên Chúa thì Ngài cũng không ảnh hưởng gì đến đời sống con người.

Khi không tin vào Thiên Chúa, con người lần mò tìm kiểm cho mình một đối tượng làm căn bản cho giá trị đạo đức và trật tự xã hội. Về mặt sinh hoạt, khi Thiên Chúa và tôn giáo không giải đáp được những nhu cầu hiện tại của con người, họ đặt hy vọng vào khoa học kỹ thuật, một Vị Cứu Tinh mới của họ.

Đức Giáo Hoàng lên tiếng rằng khủng hoảng Âu Châu gắn liền với khủng hoảng Giáo Hội. Với nền văn hoá Hậu Hiện Đại tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, đặt nặng quyền của con người hơn là nghĩa vụ của họ đối với tha nhân, Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI đã cảnh cáo rằng con người đang tự tiêu diệt mình vì tính ích kỷ, khi con người là đối tượng mà xã hội phục tùng hơn là phục tùng xã hội. Đức Thánh Cha Bênêdictô còn khẳng định rằng chỉ có một giải pháp cho khủng hoảng hiện tại là Âu Châu cần quay về với nguồn gốc Kitô giáo của mình.

KHỦNG HOẢNG TRIẾT LÝ NHÂN BẢN DẪN ĐẾN KHỦNG HOẢNG ĐỨC TIN

Việc Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI quan tâm cách đặc biệt đến tình trạng đức tin và sống đạo của Âu Châu đã quá rõ ràng. Cho đến ngày nay Âu Châu vẫn đóng vai trò then chốt cho nền tảng đức tin và các sinh hoạt của Giáo Hội. Dù con số giáo dân ở Á Châu và Phi Châu đang gia tăng, nhưng ảnh hưởng về đời sống đạo vẫn còn lệ thuộc vào tư tưởng Âu Châu rất nhiều.

Khi lên ngôi giáo hoàng và chọn tên Bênêdictô, Đức Thánh Cha đương nhiệm không chỉ muốn nhắc đến vị tiền nhiệm Bênêdictô XV (1914-1918) người có công hạn chế thiệt hại thế chiến thứ nhất chia rẽ âu châu, mà Ngài còn nhắm đến thánh Bênêdictô, đấng sáng lập dòng Biển Đức và là quan thầy của Âu Châu vì những đóng góp của thánh nhân cho di sản Kitô giáo không thể chối cãi được trong văn hoá Âu châu. [5]

Âu châu đang gặp khủng hoảng với chính những giá trị đã tạo ra nó, và đang bị thoái hoá vì chính những giá trị đó bị hiểu sai lạc.

Khủng hoảng phát xuất từ thành quả Tự Do và Dân Chủ trong xã hội. Tự Do (freedom), một tiến bộ của xã hội, đã bị giáng cấp xuống thành quyền tự quyết cho chính cá nhân mình. Tự Do hiểu theo lối cá nhân chủ nghĩa tùy tiện này hoàn toàn tiêu cực và trống rỗng. Dân Chủ (democracy), một thành quả của nhân loại, được coi như một lá chắn (hay bùa hộ mạng) bảo vệ cho Tự Do cá nhân qua việc trưng cầu ý muốn của đa số. Nói cách khác, trong xã hội, con người đòi quyền tự do tuyệt đối cho mình, và họ dùng lá bùa Dân Chủ để bảo vệ các quyền căn bản này. Ví dụ, Tự Do luyến ái, đồng tính, phá thai, trợ tử, vô thần… được bảo vệ bởi hiến pháp của một đất nước dân chủ.

Đức Thánh Cha Bênêdictô nhấn mạnh rằng Tự Do và Dân Chủ là những món quà tuyệt vời của nhân loại, nhưng nếu không bị ràng buộc bởi mục đích tìm công phúc cho xã hội và tìm chân lý, chúng sẽ trở thành những nguyên tắc trống rỗng, dẫn đến hình thành chủ nghiã tương đối (relativism), chủ nghiã hư vô (nihilism), chủ nghĩa yếm thế (cynicism), và kết qủa là con người “ngây thơ” cổ động cho một văn hoá sự chết mà họ cho là phục vụ cho lợi ích (hưởng thụ) của họ. [6]

Theo Ratzinger, Âu châu không chịu rút ra bài học từ sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản, áp dụng phương thức tự quyết (self-determination) cho mình mà không cần Thiên Chúa hay tôn giáo như một yếu tố bảo đảm tính khách quan của Chân Lý, của Tự Do, của Luân Lý Đúng-Sai. Chủ nghĩa cộng sản dùng vũ lực chính phủ (khác với các nước khác dùng lá phiếu Dân Chủ) để củng cố thêm quyền tự định đoạt này. [7]

Theo Đức Thánh Cha Bênêdictô, Âu Châu đang rối loạn với những hệ tư tưởng lẫn lộn mà không có một hướng đi rõ ràng, ngoại trừ điều mà nhiều người cho là “tín lý bất khả ngộ” của xã hội, đó là: tự do cá nhân cần phải được tôn trọng (tuyệt đối).

Khi quyền tự quyết (tự do cá nhân) được cổ võ mà thiếu cơ sở luân lý hay sự đồng thuận về luân lý, con người sẽ rơi vào tình trạng hổn loạn dẫn đến tự hủy diệt. Ví dụ, khoa học đã thành công Tạo Sinh Vô Tính (cloning) chó, mèo, dê, cừu… Vậy việc gì ngăn cản những khoa học gia điên rồ rồi đây sẽ tạo ra những con người trong phòng thí nghiệm với mục đích cá nhân, hay các nhà độc tài tạo ra con người với mục đích quân sự?

Vậy đâu là nền móng Luân Lý- Đạo Đức của xã hội? Đức Thánh Cha Bênêdictô trả lời là Sự Thật, vì như Chúa Giêsu nói “Sự Thật sẽ giải thoát chúng ta” (Jn 8:32). Chính Chúa Giêsu Kitô là Sự Thật (Jn 24:6). Vì thế, Ngài là nền tảng Luân Lý-Đạo Đức cần có của xã hội.

Triết lý Âu Châu ngày nay lặp lại tư tưởng thời Phục Hưng, cho rằng Sự Thật là sản phẩm của xã hội được quyết định bởi đa số (nhiều người thì đúng, ít người thì sai). Với Bênêdictô, Chân Lý và Tự Do không là sản phẩm con người mà là quà tặng con người đón nhận. Chân Lý được Thiên Chúa mặc khải trong lịch sử, và chính nó trở thành nền tảng Luân Lý của con người khi Thiên Chúa ban cho con người khả năng nhận thức và áp dụng Chân Lý đó trong từng hoàn cảnh sống của xã hội dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Nghĩa là, Chân Lý và Luân Lý là giới răn Thiên Chúa truyền ban, không phải là lựa chọn do con người đặt ra và làm chủ. Kết qủa của một xã hội tự tạo Chân Lý hay tiêu chuẩn Đạo Đức bằng ý kiến đa số hay ý của kẻ mạnh sẽ dẫn đến một xã hội phi lý, phi luân lý, và diệt vong.

Đức Thánh Cha Bênêdictô thực sự chất vất và ưu tư về sự khập khểnh trong tương quan giữa Khoa Học Kỹ Thuật và Gía Trị Đạo Đức con người ngày nay khi Âu Châu loại bỏ Thiên Chúa ra ngoài hiến pháp và đời sống thường ngày của họ.

Đây cũng là lí do mà những xã hội khác (Phi Châu, Á Châu và các nước Hồi Giáo) đã lên án lối sống thác loạn và loại trừ tiêu chuẩn sống của Âu châu như một mẫu mực cho đời sống con người. [8]

Đức Thánh Cha Bênêdictô kêu gọi mọi Kitô hữu cần ý thức “chống lại trào lưu thế giới”, can đảm “lội ngược dòng” để rao giảng tin mừng Chúa Kitô và đem lại đức tin cho Âu Châu, một giải pháp duy nhất cứu họ khỏi diệt vong.

KẾT LUẬN

Năm Đức Tin cần thiết, trước hết và trên hết, là cho sự sống còn của Âu Châu. Theo Đức Thánh Cha Bênêdictô, khủng hoảng Châu Âu là sự xung đột giữa Tin hay Không Tin, giữa hệ tư tưởng Lý Luận Luân Lý dựa trên Thiên Chúa là Đấng Bảo Đảm cho tính tuyệt đối của nó, và hệ tư tưởng Tuyền Duy Lý xuất phát từ sau thời Phục Hưng, hưng thịnh nhất là sau thế kỷ 17. Âu châu đang chối bỏ căn tính của mình khi loại Thiên Chúa và giá trị Kitô giáo ra khỏi những luật lệ chính trị quốc gia, với mục đích tạo một xã hội tục hoá trong đó con người có thể đứng lại với nhau và sống công bằng mà không cần Thiên Chúa.

Giải pháp duy nhất cho khủng hoảng này là quay trở về với Đức Tin Kitô giáo. Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI nói: “Lúc này đây, Âu châu và thế giới cần đến sự hiện diện của Thiên Chúa… Là những Kitô hữu, chúng ta có trách nhiệm duy trì sự hiện diện của Thiên Chúa trên thế giới, vì chỉ có sự hiện diện này mới có sức mạnh gìn giữ con người khỏi tự huỷ hoại chính mình.” [9]

Đây chính là mệnh lệnh Chúa Giêsu nói với tất cả chúng ta: “các con là ánh sáng thế gian… là muối cho đời” (Mt 5:23-26).

 

------------------

Chú thích:

[1]Bất đồng đưa đến chia rẽ giữa những thần học gia sau công đồng. Năm 1972, Joseph Ratzinger cùng với Hans Urs von Balthasar, Karl Lehmann, Henri de Lubac và những thần học gia khác xuất bản nguyệt san thần học Communio thay thế cho nguyệt san Concilium mà họ cho là quá cấp tiến, và “muốn thiết lập một hệ thống giáo huấn thứ hai”. Xem “Nicht ich habe mich geändert, sondern die Andern”, trong Joseph Ratzinger, Zur Lage des Glaubens: Ein Gespräch mit Vittorio Messori (Munich/Zurich/Vienna: Neue Stadt, 1985), p. 16.

[2] Đức Thánh Cha Benedict XVI dùng động từ “trừ tà” để chỉ việc thanh luyện này trong thế gian trong bài viết “Angesichts der Welt von heute”, in Dogma und Verkündigung, (1973) p. 201.

[3] J. Ratzinger có những phê bình tiêu cực khi thấy một số các thần học gia cấp tiến (như Edward Schillebeeckx và cụ thể là Johann Baptist Metz khai thác thần học chính trị của ông) cho là họ theo tinh thần Vatican II khi giới thiệu tư tưởng hậu-Marxist vào trong thần học suy niệm của họ. Với Ratz¬inger, hiểu như vậy về Gaudium et spes là sai khi nói đến những cởi mở và hợp thời của công đồng, vì Giáo Hội sẽ không bao giờ ngừng tiến trình hội nhập với xã hội. Xem Joseph Ratzinger, “Der Katholizismus nach dem Konzil—Katholische Sicht”, in Auf Dein Wort hin. 81. Deutscher Katholikentag (Paderborn: Bonifacius, 1966), pp. 245–266; “Der Weltdienst der Kirche. Auswirkungen von Gaudium et spes im letzten Jahrzehnt”, in Internationale katholische Zeitschrift Vol. 4 (1975), pp. 439–454.

[4] J. Ratzinger, Values in a Time of Upheaval, (Ignatius press, 2006) p. 145.

[5] Xem bài phát biểu buổi triều yết của Đức Thánh Cha Benedict XVI ngày 27 tháng 4 năm 2005 với giáo dân.

[6] Văn hoá sự chết được tìm thấy trong việc sử dụng ngày càng nhiều các chất hoá học (như thuốc phiện) để hưng phấn con người. Bên cạnh đó, thanh niên Âu Châu sống hiện tại mà sợ tương lai. Họ thường trì hoãn việc lập gia đình, nếu không nói là không muốn có gia đình vì thêm khó khăn. Xem J. Ratzinger, Values in a Time of Upheaval, p. 140.

[7] J. Ratzinger, Europe: Today and Tomorrow, (Ignatius Press, 2007) p. 67ff.

[8] Các nước Hồi Giáo ngày càng củng cố căn tinh tôn giáo của họ (đôi khi với phương thức cực đoan) là câu trả lời cho ảnh hưởng Âu Châu mà họ không chấp nhận cho con cái họ sau này. J. Ratzinger, Values in a Time of Upheaval, p. 138-139.

[9] J. Ratzinger, Values in a Time of Upheaval, p. 165.