Lm. Mai Đức Vinh
III. NHỮNG VĂN KIỆN CẤM ĐẠO CỦA NHÀ TÂY SƠN
Ba anh em Tây Sơn ‘áo vải’, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ, khởi nghĩa chiếm được Quy Nhơn năm 1771 và xưng vương năm 1773. Ba năm sau, 1776, chiếm được Gia Định. Rồi 10 năm sau, 1786 chiếm cả Bắc Việt. Nhưng ba anh em chia rẽ nhau, Nguyễn Huệ xưng vương Quang Trung đóng đô tại Huế, Nguyễn Nhạc cũng xưng vương Thái Đức đóng tại Quy Nhơn và cai trị cả Gia Đình với Nguyễn Lữ, nên không bao lâu bị Nguyễn Ánh với sự giúp đỡ của quân Pháp, đánh chiếm Gia Định 1789, Quy Nhơn 1799 và Huế 1801, chấm dứt nhà Tây Sơn.
Trong thời gian chiến tranh và đói kém, việc truyền giáo diễn tiến qua nhiều thử thách, một số cơ sở được củng cố lại, một phần ba giáo dân chạy qua Cao Miên sinh sống. Nhiều khi Giáo Hội không biết đi theo chính quyền nào.
Thịnh tình của Tây Sơn đối với đạo Công Giáo:
1) Cha Diego de Jumilla dòng Phanxicô Tây Ban Nha nhận định: Anh em Tây Sơn nêu cao đức công bằng, gớm ghét và quyết tâm trừ diệt các quan tham nhũng, các trọc phú lưu manh… Họ lấy của nhà giàu phân phát cho người nghèo.
2) Năm 1779, Nguyễn Nhạc gửi cho cha D’Ars, tức Thày Thiện, một thẻ bài ‘được tự do giảng đạo’. Đồng thời ông khen người Công Giáo ‘biết sống hòa thuận, không tranh chấp nhau’.
3) Năm 1783, khi rượt theo Nguyễn Ánh, quân Tây Sơn bắt được hai cha dòng Phanxicô và nghi là các ngài theo giặc. Nhưng sau khi đã điều tra, thấy các ngài vô tội, quân Tây Sơn đã tha cho về với sắc lệnh: “Dân chúng theo đạo Âu châu hơi khác thường và tự nhận là đạo chân thật. Đạo Công Giáo đáng ca ngợi nếu xét cho kỹ. Họ đúc tượng một người chịu đóng đinh và tuyên xưng rằng người đó đã chịu khổ để chuộc tội cho loài người. Khi họ phạm tội thì thành tâm xưng tội. Họ rất quý trọng ‘nước phép’, rất đoàn kết với nhau hầu như không bao giờ chia rẽ. Còn các cha hay thày giảng ở chung một chỗ nơi thuận tiện, để tiếp đón các tín hữu muốn trở lại đạo hay thay đổi đời sống, từ khắp nơi đi tới… Sau khi đã hỏi cung hai đạo trưởng bị bắt, chúng tôi thấy họ hoàn toàn không có gì đáng nghi ngờ là phản loạn. Còn giáo dân, họ được tự do giữ đạo nếu đó là đạo thật. Còn nếu đó là đạo lừa dối, chúng tôi sẽ không dung thứ” (DMAH 1 tr. 208-210).
Tuy nhiên phải nhận rằng: sự giúp đỡ nhiệt tình của Đức Cha Bá Đa Lộc (Pigneaux) đối với Nguyễn Ánh, đã gây ảnh hưởng không tốt cho cách đối xử của nhà Tây Sơn đối với đạo Công Giáo.
1. Vua Thái Đức tức Nguyễn Nhạc (1773-1793)
* 1785, sắc lệnh cấm đạo
Nội dung sắc lệnh:
“Trẫm muốn tiêu diệt đạo Âu châu vì nó đã lan rộng trong nước. Đó là một giáo phái không có tôn kính cha mẹ hay vua quan, đã phân phát một thứ thuốc độc để người ta tin theo. Đạo này không tôn trọng các lệnh của vua cũng chẳng tôn kính thần làng. Họ họp nhau suốt đêm cầu nguyện và nghe sách mà không hổ thẹn vì nam nữ ở chung với nhau như thế. Họ không tha thiết gì tài sản của cải. Bị trừng phạt mà họ cũng không hổ thẹn. Trẫm biết rõ một trường hợp chứng tỏ đạo này đáng chê cười và có nguy hại. Một bà đã có hai con mà vì nghe theo mấy người lừa dối đã bỏ chồng. Vì vậy không thể nhân nhượng giáo phái kỳ dị ấy được nữa. Vì nhiều lẽ khác nhau, trẫm ra lệnh phá hủy tất cả các nhà hội họp và kiểm kê những người theo đạo này. Người nào tới tuổi nhập ngũ phải xung vào lính, còn các người khác phải trừng trị nghiêm khắc để xóa tên khả ố ấy ra khỏi quốc gia. Lệnh cho các quan phải kỹ lưỡng xem xét điều tra để bắt và dẫn giải tất cả các đạo trưởng Âu châu về kinh đô trừng phạt. Năm thứ chín triều đại của ta, ngày 4.10” (2.11.1785 Dương Lịch). (DMAH 1 tr.211).
Nguyên do đặc thù xui khiến:
Từ một vụ rắc rối giữa một linh mục với một vị quan trong triều: Một bà Công Giáo, đã có chồng nhưng bỏ chồng để lấy vị quan trong triều. Bà ngã bệnh nặng, muốn mời cha đến giải tội và xức dầu. Cha đến, buộc bà phải bỏ vị quan về với chồng cũ. Bà vâng lời, bỏ vị quan về với chồng cũ. Vị quan nổi giận, cho là chuyện phi lý… Khi bà Công Giáo chết, vị quan cũng đi dự lễ an táng, ông thấy lễ an táng đơn giản và không ai lạy xác người quá cố. Vị quan nổi giận, phao lên rằng ‘người Công Giáo đã giết vợ của ông’ và ‘không kính trọng người chết’. Vị quan khiếu nại lên Nguyễn Nhạc tức vua Thái Đức. Vua vịn vào đó ra sắc lệnh cấm đạo, nội dung như trên.
Những vụ việc nổi bật theo sau:
1) Hai cha dòng Phanxicô, một là thày thuốc, một là nhà toán học trong triều bị bắt giam.
2) Nhiều giáo dân trong 4 làng thuộc tỉnh Quảng Nam bị bắt: một số đạp ảnh chối đạo, một số trung kiên nhưng bị phạt mỗi người 10 quan tiền.
3) Nhiều đồ đạo bị tịch thu và lính đem treo ra đường phố để nhạo báng đạo.
4) 400 người Công Giáo tỉnh Phú Yên bị bắt và họ can đảm tuyên xưng đạo tập thể: ‘Chúng tôi thà chết, không bỏ đạo cha ông chúng tôi’… Trong số 400 người bị bắt, có một quan lại và một quân nhân, quan án dọa nạt và đòi nộp 200 quan tiền: Cả hai cương quyết không nộp tiền và nhất quyết giữ đạo.
5) Một bà đã đến gặp vua Thái Đức xin: nếu vua ân xá cho 400 người Công Giáo thì bà sẽ dâng 5.000 quan vào quỹ quốc gia. Vua đồng ý.
6) Bấy giờ có nhiều tai ương xẩy ra, như lụt lội, chuột phá hoại mùa màng,… dân chúng cho là ‘trời phạt vì vua cấm đạo’… Vì thế Nguyễn Nhạc đổi thái độ.
2. Vua Quang Trung tức Nguyễn Huệ (1788-1792)
* 1790: Lệnh bắt các thừa sai
Nội dung của sắc lệnh (rất tiếc chúng tôi không tìm ra bản văn)
Nguyên nhân đặc thù xui khiến:
1) Tin Đức Cha Bá Đa Lộc (Pigneau) đem người Pháp đến giúp Nguyễn Ánh khiến vua Quang Trung nghi ngờ các thừa sai.
2) Các quan và các sư sãi khiếu nại và xin vua cho lục xét các họ đạo.
Vụ việc nổi bật theo sau:
1) Vua Quang Trung cho lính đến lục soát các làng Công Giáo để tóm bắt hai cha thừa sai Longer và Labartette. Nhưng hai cha trốn thoát được.
2) Không bắt được hai cha, quan cho lính bắt các ông trùm của họ đạo, đánh đập dữ dội để họ khai chỗ hai cha trốn.
3) Vì không ai chịu khai báo, nên năm 1791, vua Quang Trung bắt các làng Công Giáo từ Phú Xuân đến Bắc Việt phải nộp phạt 10.000 quan tiền.
3. Vua Cảnh Thịnh (1793-1801) sau đổi tên là Bảo Hưng (1801-1802) con trưởng của vua Quang Trung
* 1795: Hai sắc lệnh cấm đạo do Thái sư Bùi Đắc Tuyên ban hành nhân danh vua Cảnh Thịnh, kèm theo mật lệnh của khâm sai Ngô Quang Sở.
Nội dung sắc lệnh I: Tôn vinh đạo Nho
“Chúng tôi được biết trong những thế kỷ trước đây các quan cai trị các tỉnh thường bảo vệ lẽ phải và sự thật, tiễu trừ những dối trá. Vì thế mà đạo Khổng, vốn dạy dân chúng gớm ghét tật xấu và tu luyện nhân đức, được phồn thịnh trong các triều đại trước. Thế nhưng từ khi các người Tây phương đến lén lút truyền bá đạo của họ thì chúng tôi rất tiếc thấy đạo Khổng bị yếu kém đi, gần như bị bỏ phế, vì những bài thuyết giáo của ngoại quốc đã thu hút dân chúng theo đạo của họ đến nỗi gần như không còn quyền lực nào cấm cản được nữa. Nhận thấy lòng người bị mê hoặc vì tà đạo, chúng tôi quyết định chấn chỉnh đạo thật của tổ tiên và các vua, huỷ diệt đạo ngoại lai này để nhân dân biết phân biệt con đường ngay đạo hạnh với gian tà. Hơn nũa, chúng tôi với một số đông các vị nho học vốn sùng bái Khổng giáo nay phải bỏ phế văn miếu trốn tránh trên rừng. Vì thế chúng tôi lo lắng cho việc thờ kính Khổng Tử và quyết định phát triển. Lẽ nào chúng ta lại để cho đạo ngoại lai thắng thế. Đây là đường lối chúng tôi sẽ hành động. Chúng tôi gửi các sĩ quan đã được chọn lựa kỹ lưỡng phối hợp với quan sở tại Bắc Việt để chiêu mộ các người đỗ đạt, các người có học và các nhà sư thông thái về kinh đô giúp chúng tôi chấn chỉnh đạo lý Khổng Tử. Người nào đã học thông ngũ thư sẽ được tham chính với văn bằng tiến sĩ, người chưa học hết sách thì xung vào cấp thấp hơn và được miễn các thuế khóa, được miễn quân dịch ít nhất trong thời hạn ba đến sáu năm, để có thể học hỏi và có khả năng đóng góp vào việc phục hưng đạo giáo. Còn những người đã thành tài, chúng tôi khuyến khích mở trường dạy chữ dưới sự chỉ dẫn của chúng tôi. Những người thông thạo khoa học và nhiều tài khéo cũng phải mở trường và biết rằng chúng tôi tôn trọng họ”. Sắc lệnh ban hành ngày 07.01.1795 (DMAH 1 tr. 218).
Nội dung sắc lệnh II: Vinh danh đạo Phật và đạo thờ Thần
“Lệnh của vua truyền cho trăm họ được biết về đạo thờ các thần phật đã được bành trướng khắp nơi. Các thần lành có nhiều uy thế và ban sự sống cho thế giới bằng những lời nói thu hút và những giáo huấn dịu dàng. Đạo Phật từ bi thương xót chúng sinh, đầy quyền năng hằng cứu giúp ngàn vạn con người khỏi khổ đau trong địa ngục. Cứ thế mà niềm tin, lòng mộ mến thần phật được tăng tiến trong dân chúng từ nhiều thế kỷ qua. Nhưng ít lâu nay các thần phật bị chế giễu. Mặc dầu nhiều người thông thái hay ngu dốt chẳng biết gì, đã đem các thần ra làm trò cười, lòng tôn kính các thần vẫn không giảm sút. Nhưng đạo phải được phát triển hơn nữa đối với những người biết suy nghĩ. Thật là đúng khi tin rằng đạo và các thần thánh là những mầu nhiệm và cao cả. Chúng tôi chỉ chê trách số đông các sư sãi theo đạo mà phục vụ chùa miếu để trốn tránh việc nước, ham hố nhàn tản và lễ cúng do dân chúng mang tới cúng các thần. Càng có nhiều chùa với những nhà sư lừa bịp gian dối thì nhiều nhà sư chân chính có bản lãnh truyền đạo muốn bỏ lên rừng. Vì thế mà nơi chùa miếu có nhiều sư không biết gì về đạo cả. Trong nước và tại các làng có nhiều chùa nhưng không có cái nào xứng danh cả, và vì thế làm suy giảm đạo thần. Vậy chúng tôi ra lệnh mở nhiều lớp thi để chọn thày dạy đạo Nho. Đạo thờ thần cũng là một đạo tốt dạy làm lành lánh dữ. Chúng tôi ra lệnh mỗi vùng có từ 200 làng trở lên được xây một chùa lớn. Chúng tôi cũng ra lệnh triệt hạ tất cả các nhà thờ Công Giáo. Vấn đề ở xa hay gần nơi thờ tự nó không quan trọng. Ai có lòng tin, trái tim ngay chính, siêng năng cầu kinh hoặc dâng lễ cúng thì làm tại nhà hội làng. Tất cả các tượng thần trong nhà hay miếu nhỏ phải tịch thu đem về chùa lớn để thờ kính chung. Các thần thiêng liêng xem thấy và biết tỏ những người thành tín và họ sẽ được nhận lời. Lẽ tự nhiên là càng có ít chùa thì người ta càng thêm sốt sắng và lời nguyện càng được chấp nhận. Vì vậy không còn một chùa riêng nào nữa. Thứ nhất để đạo của các thần không bị khinh chê, thứ hai để giảm bớt các sư sãi tu chùa. Đạo thiêng liêng có sức mạnh tự nó há cần phải có nhiều người phục dịch sao? Các sư sãi hãy chọn một ít người chân thực, thành tín, chay trường và nhiệt tâm dâng hương bốn mùa để dân chúng lui tới cầu khẩn những sự cần thiết. Ước gì đạo lành lấy lại được uy thế thời xưa và nhân dân được giải thoát nơi cuộc sống viên mãn” (DMAH 1 tr.218-219).
Nội dung mật lệnh:
Hai lệnh trên được công bố tại Bắc Việt ngày 26.02.1795. kèm theo mật lệnh của khâm sai Ngô Quang Sở. Nội dung như sau: “Mật lệnh cho các quan văn võ. Đã nhiều thế kỷ đạo Công Giáo truyền bá lầm lạc và lợi dụng dân chúng trong nước đến nỗi cả các người học thức cũng tin theo. Bởi vì chúng hành động điên khùng và bí mật như các tướng cướp… muốn chiếm đất nước những năm trước đây. Cho tới nay chúng ta chưa ý thức lưu tâm cho đủ. Vì vậy chúng tôi cấm tôn giáo nói trên để duy trì bình an. Tất cả các quan tại các huyện phải lùng bắt tất cả những nơi thờ phượng của đạo bị nghiêm cấm này, đem nộp tất cả các đồ đạo, vật dụng nhà cửa để làm trại cho lính. Nếu nơi nào cần thêm người để thi hành lệnh này thì xin với quan trấn làm sao không cho ai trốn thoát được. Đây là việc trọng đại cần phải cẩn mật. Quan nào bất tuân sẽ bị coi là phạm tội tầy trời” Ban bố tại Bắc Việt, ngày 26.2.1795 (DMAH 1 tr. 220).
Nguyên nhân đặc thù xui khiến:
1) Vua Quang Trung chết 9.1792, vua Thái Đức chết 12.1793, Nguyễn Quang Toản con trưởng của vua Quang Trung lên ngôi vừa đúng 10 tuổi, lấy hiệu là Cảnh Thịnh. Quyền hành trao cả cho cậu là Bùi Đức Tuyên, một nhà sư tụ trì tại chùa Thiên Lâm, nổi tiếng ghét đạo Công Giáo. Chính ông đã nhân danh vua Cảnh Thịnh ra hai sắc lệnh.
2) Sắc lệnh thứ nhất vịn cớ ‘chấn hưng đạo Khổng’ để diệt đạo Công Giáo.
3) Sắc lệnh thứ hai vịn cớ ‘chấn hưng đạo Phật và đạo thờ Thần’ để triệt hạ đạo Công Giáo.
4) Mật lệnh của khâm sai Ngô Văn Sở mục đích áp dụng cụ thể và khắt khe hai sắc lệnh trên của Bùi Đức Tuyên và nhằm đặc biệt vào Miền Bắc.
5) Lý do vì ở miền Bắc: nhiều chùa chiền, lăng miếu bệ rạc, đổ nát… trong khi đó các họ đạo Công Giáo được tổ chức quy củ…
Những vụ việc nổi bật theo sau:
1) Các linh mục trốn tránh, các nhà thờ bị tịch thu làm nhà ở hay tháo gỡ đi,…
2) Khâm sai Ngô Văn Sở đe dọa và dỗ ngọt một quan chức Công Giáo để ông khai báo chỗ trốn của các thừa sai, nhưng ông quan thưa: “Xin quan lớn hãy giết tôi ngay đi… Tôi không bao giờ chối đạo… và cũng không thể tuân lệnh quan đi bắt những người tôi gọi là cha”.
3) Ít lâu sau có tin đồn: Bùi Đức Tuyên muốn xưng vương, nên các quan Đại thần dùng mưu giết ông Bùi Đức Tuyên và cả Ngô Văn Sở. Hoàng thân Nguyễn Quang Thùy, em vua Cảnh Thịnh, làm thống tướng coi miền Bắc đã tiếp phái đoàn 100 ông trùm họ đạo. Ông Nguyễn Quang Thùy và các quan Đại Thần khen ngợi đạo Công Giáo và xin ngưng cấm đạo ‘để tránh tai ương’. Nhờ đó miền Bắc được bình an.
4) Nhưng tại miền Trung việc bắt đạo vẫn tiếp tục, nhất là khi Nguyễn Ánh tấn công Quy Nhơn có tàu của Pháp yểm trợ.
5) Vì thế, tháng 5.1795 lại có một sắc lệnh cấm đạo mới, đặc biệt bắt các thừa sai. Nội dung sắc lệnh mới như sau: “Việc trị nước cốt ở tam cương ngũ thường, nghĩa là ba thứ bổn phận: vua tôi, cha con, vợ chồng. Ngoài ra đối xử với nhau dựa trên các đức tính: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín Đạo Kitô dạy những dị đoan, nhằm lừa dối dân chúng và làm đảo lộn trật tự xã hội. Đã từ lâu bị nghiêm cấm nhưng vẫn chưa dứt được. Vậy hoàng đế muốn tái lập trật tự và chấn chỉnh xã tắc. Muốn được thành công thì phải tận diệt đạo đáng ghét này. Lệnh cho phá hủy mọi nhà thờ, nhà ở của các đạo trưởng và của bất cứ ai giữ đạo”.
6) thảm họa: ở Quãng Ngãi có 32 thày giảng bị bắt. 30 thày bước qua ‘tử môn’ và đã bị hành nhục rồi chém đầu. Cha Emmanuel Triệu bị bắt ngày 8.8.1798 và bị chém đầu sau một tháng. Bố ráp và bắt các thừa sai tại ba tỉnh Bố Chính, Nghệ An và Thanh Hóa. Không bắt được các thừa sai, mà chỉ bắt được và xử tử 2 giáo dân, 1 thày giảng, và cha Gioan Đạt, người Thanh hóa, xử tử ngày 28.10.1798.