Sunday, 29 March 2020 15:47

Gương Thăng Hoa Văn Hóa Việt Nam Của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Featured

Trần Văn Cảnh
 
Cho đến thế kỷ XVI Văn Hóa Việt Nam, từ khởi thủy và dưới ảnh hưởng của những nền văn hóa chung quanh, đã được xây dựng và tô đậm với bốn nét : Âu Lạc, Ấn Phật, Lão Trang và nhất là Khổng Mạnh. Trong đạo Khổng Mạnh, ngũ luân và ngũ thường là quan trọng hơn cả. Ngũ luân là 5 mối quan hệ chính trong xã hội : CHA CON có tình thân, VUA TÔI có nghĩa, CHỒNG VỢ có sự phân biệt, ANH EM lớn nhỏ có thứ tự, BẰNG HỮU có lòng tin. Ngũ thường là năm đạo cư xử phải có hằng ngày : NHÂN là cách cư xử từ thiện, nhân hậu, NGHĨA là cách cư xử hào hiệp, chính đáng, trách nhiệm, LỄ là cách cư xử theo đúng nguyên tắc, nghi thức, có tôn trọng, hòa nhã, TRÍ là cách cư xử khôn ngoan, có suy nghĩ, tiên liệu, tính toán để hành động cho hợp đạo lý, TÍN là giữ đúng lời, đáng tin cậy. Nhưng các vua quan Việt Nam, muốn độc tôn vua, đã giữ nguyên ngũ thường, nhưng đả biến ngũ luân thành tam cương : ba giềng mối : Quân - thần (Vua - tôi) thì tôi phải trung với vua, Phụ - tử (Cha - con) thì con phải hiếu với cha, và Phu - phụ (Chồng - vợ) thì vợ phải tùy theo chồng.

Tất cả 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam đều đã có một cách cư xử chung, là “sống văn hóa việt nam một cách đầy đủ, đáng làm gương sáng cho mọi người Việt Nam, kể cả các vua quan đã bắt bớ, cầm tù và giết hại họ [1].

Từ thế kỷ XVII Văn hóa Việt Nam đã có thêm tầng thứ năm, đó là tầng Thiên Chúa Giáo. Vào Việt Nam, dẫu bị cấm cản liên tục trong 4 thế kỷ, từ XVII đến cuối XX, nhưng số người lớn vào đạo Công Giáo vẫn tăng, trong đó không chỉ có dân đen, nhưng cả những bậc quan quyền, trí thức. Chiếm khoảng 7% dân số, người Công Giáo Việt Nam và đặc biệt các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã xây thêm những nét tạo hình nào cho văn hóa Việt Nam và đóng góp gì cho quê hương, tổ quốc và dân tộc ? Trên bình diên tổng quát và trong lãnh vực văn hóa tôn giáo ?

A. Trên bình diện tổng quát, người Việt Nam Công Giáo đã khai sáng ra chữ quốc ngữ phát triển Văn Học, góp phần bảo vệ tổ quốc và mở mang bờ cõi,

1. Người Công Giáo khai sáng ra chữ quốc ngữ và góp phần phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam. Viết « Lời giới thiệu » cho tập khảo cứu « Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659» của Đỗ Quang Chính, giáo sư sử học Nguyễn Thế Anh đã nhận định một cách chính đáng rằng : « Để thực hiện công cuộc truyền đạo của họ tại Đại Việt, các giáo sĩ Dòng Tên ngay từ khoảng đầu thế kỷ thứ XVII đã cố gắng tạo nên một lối chữ viết căn cứ trên mẫu tự la tinh, nhờ đó có thể diễn tả ngôn ngữ Việt. Từ những sự dò dẫm phiên âm các nhân danh và địa danh lúc ban đầu, cho đến lúc Đắc Lộ cho xuất bản hai sách quốc ngữ đầu tiên vào năm 1651, các cố gắng tập thể của các nhà truyền đạo Tây Phương cho phép thành lập chữ viết của chúng ta ngày nay » [2]. Năm 1651 cho xuất bản hai cuốn sách quốc ngữ đầu tiên : cuốn « Tự điển việt bồ latinh » và cuốn « Phép giảng tám ngày », giáo lý Công Giáo, cha Đắc Lộ, dòng Tên, đã khai sinh ra chữ quốc ngữ [3].

Trong lãnh vực sách quốc ngữ với những tác phẩm của cha Philipphê Bỉnh, của cố Pierre Cadro Lương, …chữ quốc ngữ đã mở đầu một nền văn học Công Giáo. Chẳng bao lâu sau đó, những nhà văn quốc ngữ bậc thầy đã xuất hiện, như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của. Rồi sự ra đời vào năm 1865 của tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Nam kỳ, tờ « Gia định báo » ; Từ 1905, chữ quốc ngữ lại được các nho gia cách mạng trong phong trào duy tân Đông Kinh Nghĩa Thục, như Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Phan Chu Trinh,… cổ võ và truyền bá. Chẳng bao lâu sau, chữ quốc ngữ đi vào học trình các trường sư phạm, đại học, thông ngôn. Năm 1907, Đông Cổ Tùng Báo ra đời với chủ bút Nguyễn Văn Vĩnh. Nhiều báo khác tiếp theo, như Đông Dương tạp chí với Nguyễn Văn Vĩnh, Nam Phong tạp chí với Phạm Quỳnh ?.... Các nhà in được thiết lập, hội dịch sách ra đời,…Công việc biên khảo và phê bình phát triển,…Các ký sự, tiểu thuyết mới xuất hiện,…Thơ mới ra đời, .. Tự Lực Văn Đoàn,…cả một nền văn học mới đã được chữ quốc ngữ mở ra, mang theo một nền văn hóa mới, đặt căn bản trên tự do và trách nhiệm cá nhân, hướng về tương lai, dựa vào khoa học khách quan, xây dựng quốc gia trên nền tảng công ích, lương thiện, sự thật và công bình [4].

Vào Việt Nam từ 1533, Công Giáo đã mang Tin Mừng cho người Việt Nam. Khai sinh ra chữ quốc ngữ vào năm 1651, Công Giáo đã đưa ra những đóng góp tạo hình quan trọng của mình vào văn hóa việt nam.

2. Người Công Giáo góp phần tham dự các phái đoàn thương thuyết bảo vệ Tổ quốc. Năm 1787, Nguyễn Vương sai Hoàng tử Cảnh cùng phái đoàn đến Pháp. Ngoài Đức Cha Bá Đa Lộc (Pierre Pigneaux de Béhaine) còn những người sau đây : Quan phó vệ úy Phan Văn Nhân, Chánh cai cơ Nguyễn Văn Khiêm, 40 binh sĩ và Lm Phaolô Hồ Văn Nghi. Năm 1840 (02/11), Thầy giảng Lê Húc đã được vua Minh Mạng gửi đi làm thông ngôn trong Phái Đoàn Việt Nam do Tư Vụ Trần Viết Xương làm trưởng đoàn, gồm có thư lại Tôn Thất Thường và 2 thông ngôn, mà một là thầy giảng Lê Húc. Phái đoàn đi trên tàu l’Alexandre, cập bến Locmarvaquer, Vannes. Năm 1863, Một linh mục, cha Nguyễn Hoàng, và 1 giáo dân, Ông Trương Vĩnh Ký, đã được vua Tự Đức gửi đi làm thông dịch viên trong phái đoàn Phan Thanh Giản sang Pháp thương thuyết việc chuộc lại 3 tỉnh miền Đông, Nam Việt là : Biên Hòa, Gia Định và Định Tường. Năm 1867, Nguyễn Trường Tộ cùng một số quan chức đáp tàu đi Pháp. Tháng 3 năm đó, ông tới Paris. Rồi đến ngày 15/11/1867, ông soạn văn bản “Tế cấp bát điều”. Tháng 2/1868, về tới Huế, ông được vua Tự Đức tặng thưởng. Năm 1922, Cụ Nguyễn Hữu Bài theo vua Khải Định đi Pháp vận động Pháp trao trả Bắc Kỳ lại cho Triều Đình Huế.

3. Người Công Giáo góp phần mở mang, khai thác bờ cõi đất nước. Bị bắt bớ quá thì người tín hữu trốn vào rừng sâu làm rẫy, nhờ thế mà mở mang bờ cõi đất nước. Với lý lịch "tả đạo", khó sống ở miền Bắc, tín hữu phải đi vào miền Trung, miền Nam theo đoàn quân viễn chinh và trở thành những người mở đường, dựng nước.

Một số xứ đạo đã được thành lập trong Miền Nam và miền Bắc là do các giáo hữu Công Giáo chạy trốn cấm đạo và thành lập. Giới thiệu lịch sử Tổng Giáo Phận TP Hồ Chí Minh, ĐHY Phạm Minh Mẫn đã viết : « Đến thế kỷ sau, vào những năm 1641-1645, khi chúa Nguyễn cấm đạo, một số Kitô hữu từ miền Trung di tản vào Nam để làm ăn sinh sống, họ hợp thành những cộng đoàn tín hữu đầu tiên, tập trung tại Chợ Quán, Gia Định, Lái Thiêu, Bến Gỗ, và Long Thành, … » [5]. Thời cấm đạo Minh Mệnh, nhiều giáo xứ khác cũng đã được các giáo hữu Công Giáo chạy loạn thành lập, như khi « Nhà thờ Chợ Quán bị phá thành bình địa năm 1834, bổn đạo tản về các vìng Gò Vấp, An Nhơn, Xóm Chiếu, hoặc những vùng ở miền Đông, như Đất Đỏ, Tân Triều, Lái Thiêu » [6]. Lịch sử các địa phận Phú Cường và Xuân Lộc đều xác định những sự kiện tượng tự [7]. Ở Miền Bắc, « Vào thời kỳ khai phá gieo Tin Mừng, dân cư miền rừng núi Cao Bằng - Lạng Sơn chưa hề biết tới Đạo Thiên Chúa. Có lẽ người giáo dân đầu tiên tới đây là ông phó Nhậm (phó lý trưởng), con của Thánh Antôn Nguyễn Đích. Ông phó Nhậm bị đày đi xa (phát lưu) lên Cao Bằng vào năm 1858 thời vua Tự Đức. Cũng khoảng năm này, một đại chủng sinh bị phát lưu lên Lạng Sơn tên là Trần Triêm, tức Cụ Sáu Trần Lục. Vào năm 1876, tại Cao Bằng có chừng 300 giáo hữu, phần lớn là những người bị triều đình Huế phát vãng lên đây » [8]. Trên đây chỉ là dăm bảy thí dụ điển hình. Ước mong sao một nghiên cứu đầy đủ hơn sẽ được thực hiện để làm sáng tỏ thêm vấn đề « Người Công Giáo bị bách đạo, đã góp phần mở mang khai triển bờ cõi quê hương ».

4. Người Công Giáo góp phần xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật, giáo dục và xã hội. Tiếp nối con đường hội nhập văn hóa mà cha Đắc Lộ đã vạch ra, các cha thừa sai hải ngoại Paris tiếp tục đóng góp rất nhiều vào việc xây dựng và phát triển văn hóa việt nam, trong nhiều lãnh vực khác nhau :

Trong lãnh vực văn học, nhiều sách nghiên cứu về ngôn ngữ việt nam, đặc biệt các tự điển đã được tiếp tục. Tự điển Việt Latinh của Pierre Pigneaux (1772), Latinh Việt của Jean-Louis Taberd (1838), Việt Latinh của Joseph Theurel (1877), Việt Pháp của Jean Génibrel (1898), Tự điển Việt Hoa Pháp của Gustave Hue,… Nhiều sách đạo bằng chữ nôm và chữ quốc ngữ đã được sáng tác, nhiều sách về văn hóa giáo dục bằng chữ quốc ngữ đã được sáng tác (9).

Trong lãnh vực nghệ thuật, đặc biệt là kiến trúc, từ cuối thế kỷ XIX, nhiều cơ sở vững chắc đã được xây cất : Chủng viện Sài Gòn 1861, Ấn quán Tân Định 1864, Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn 1880, Nhà thờ chính tòa Hà Nội 1887, Trường Taberd Sài Gòn 1889, Nhà thờ Phát Diệm 1895, Đền Đức Mẹ Lavang 1900, Trung học Thiên Hựu 1933, … Qua những cơ sở này, chẳng những Công Giáo đã mang kiến trúc tây phương vào Việt Nam và hội nhập những tiến trình xây dựng theo những chất liệu xây cất và điều kiện môi trường địa phương, mà còn sáng tạo ra những kỹ thuật xây dựng theo nghệ thuật kiến trúc việt nam, qua công trình của cha Trần lục ở quần thể nhà thờ Phát Diệm.

Trong lãnh vực chính trị kinh tế, một sự kiện lịch sử khác, dẫu không thuộc sứ mệnh của Giáo Hội, nhưng đã được một trong những giám mục thừa sai thực hiện, đó là việc Đức Cha Bá Đa Lộc (1741-1799) đã giúp Nguyễn Vương lập nên Nhà Nguyễn và tham chính, làm Đại thần với chức Sư Phó. Ngài đích thân tham gia vào binh đoàn trong cuộc tấn công quân Tây Sơn tiến chiếm và bảo vệ thành Diên Khánh (Nha Trang), 1792-1794 (10).

Trong lãnh vực giáo dục, Nhiều trường đã được thiết lập, mà đầu tiên là các trường chủng viện đào tạo chủng sinh và linh mục đã được thành lập. Cha François Deydier đã lập « chủng viện nổi » ngay năm mới đến Việt Nam, 1666. Tiếp theo đó, nhiều chủng viện khác đã được thành lập : Kiên lao, Kẻ Cốc (1683), Lục Thủy (1686), Kẻ Lò (1697), Lái Thiêu (1789),… Sau đó, là các trường học ngoài đời : từ mẫu giáo, tiểu học, trung học đến đại học. Vào năm 1939, ở Đông Dương, người ta đếm được 1.783 trường Công Giáo, thâu nhận 121.172 học trò. Vào năm 1967, trong hai giáo tỉnh Huế và Sài Gòn, có 1.406 trường tiểu học qui tụ 311.000 học sinh, 188 trường trung học qui tụ 254.801 học sinh, 1 viện Đại Học Đà Lạt. Năm 1970, mở thêm 2 đại học khác : Viện Đại Học Minh Đức Sài Gòn do Lm Bửu Dưỡng và Viện Đại Học Thành Nhân Sài Gòn do các sư huynh Lasan (11).

Trong lãnh vực xã hội, nhiều cơ sở từ thiện đã được thành lập : trường câm điếc Lái Thiêu lập năm 1866, trại phong Qui Hòa lập năm 1929, …Tiếp theo đó, nhiều cơ sở xã hội khác dần dà đã được Giáo Hội thành lập, cô nhi viện, bệnh xá, trại cùi, nhà hộ sinh, phòng phát thuốc, viện dưỡng lão,… Năm 1969, trong hai giáo tỉnh Sài Gòn và Huế, có 41 bệnh viện với 7000 giường, 239 trạm phát thuốc, 36 nhà hộ sinh, 9 trại cùi với 2.500 bệnh nhân, 82 cô nhi viện với 11.000 trẻ mồ côi, 29 viện dưỡng lão (12).

Một cách chung, về « Ảnh hưởng của Công Giáo với nền văn hóa Việt Nam », có thể bảo rằng kết luận của tác giả Đinh Kiều Nga là khách quan : « Do vậy, ta không thể phủ nhận được những đóng góp to lớn của đạo Công Giáo đối với nền văn hóa dân tộc. Việc ra đời chữ quốc ngữ đã giúp cho người Việt dễ dàng hơn trong việc học tập, giao tiếp và bảo tồn những dữ liệu dưới dạng văn bản. Đồng thời khi đạo Công Giáo vào Việt Nam cũng đã mang theo nhiều yếu tố văn hóa phương Tây du nhập vào, làm cho văn hóa Việt Nam trở nên phong phú hơn, phát triển thêm nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật mới. Cho đến nay đạo Công Giáo đã có được một nền móng tương đối vững chắc nhờ từng bước hội nhập vào trong văn hoá Việt Nam theo đánh giá của các nhà khoa học về tôn giáo này » [13].

B. Trên bình diện Văn Hóa tôn giáo
 
Các Thánh Tử Đạo đã thăng hoa Văn Hóa Việt Nam. Đạo Công Giáo đã đáp ứng những nhu cầu tinh thần và thiêng liêng sâu xa của con người, mà Khổng Giáo, một quốc giáo Việt Nam trong các thế kỷ XVII đến XX, đã tránh né không trả lời [14]. Những nhu cầu này mãnh lệt và mạnh mẽ vô cùng. Chúng có sức rời non, lấp bể, có thể làm cho các tín hữu dám hy sinh mạng sống mình. Đó là điều mà các vị tử đạo Công Giáo đã chứng minh bằng giá máu của mình, đặc biệt là 117 thánh tử đạo, trong đó có cha Năm, ông trùm Đích và ông lý Mỹ. Các Thánh tử đạo không chỉ giữ gìn, thực hiện và sống Văn Hóa Việt Nam, các ngài còn làm cho Văn Hóa Việt Nam vươn cao hơn, thăng tiến hơn, tinh tuyền hơn ; đem cho chúng cái giá trị thiêng liêng, đại đồng, vĩnh hằng. Nhiều thăng hoa đã được các Thánh Tử Đạo đưa đến cho Văn Hóa Việt Nam. Nhưng trong văn hóa cương thường Khổng Giáo độc tôn của Việt Nam, hai thăng hoa lớn nhất mà Công Giáo đã góp vào Văn Hóa Việt Nam là thăng hoa tam cương và thêm tầng thiêng liêng vào tầng nhân bản luân thưởng Khổng Mạnh.

1. Cùng với tất cả 117 thánh tử đạo Việt Nam, cha Năm, ông trùm Đích và ông lý Mỹ đã thăng hoa Văn Hóa tam cang Việt Nam bằng hai bước : trở về nguồn Khổng Mạnh lấy ngũ luân thay tam cang, rồi tiến lên bước thần học tam phụ, sát nhập đạo hiếu vào giới răn thứ tư thảo kính cha mẹ. Được Thánh kinh soi sáng về sự tự do và bình đẳng của nhân quyền, phải nói thật rằng người Công Giáo đã không xác tín về tam cang Khổng Giáo. Trong Phúc Âm Mátthêu, 6, 7-13, Chúa Giêsu đã dậy các môn đệ cầu nguyện với cha của mình là Đức Chúa Cha : « Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họnghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhậm lời. Ðừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin. Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: Lạy Cha chúng con là Ðấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; xin tha tội cho chúng con nhưchúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em ». Như vậy, tất cả mọi người đều là con Thiên Chúa, như Thánh Gioan đã viết trong thơ I của ngài : « Anh em hãy xem, Chúa Cha yêu chúng ta dường nào. Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa, mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa ». (1Ga 3, 1). Hệ luận là tất cả chúng ta đều tự do và bình đẳng như nhau.

Thật ra không chỉ người Công Giáo đã thấy sự áp bức bất bình đẳng của tam cang. Nhiều kẻ sĩ Việt Nam đã thấy điều đó. Học giả Phan Khôi đã nhận định như sau về tam cang : « Nhà nho đời xưa có bày ra cái thuyết tam cang, cái thuyết đã làm nền móng cho xã hội ta hơn ngàn năm nay, ý cốt của nó là chỉ để tôn quyền quân chủ, lợi cho sự cai trị mà thôi. Do nó mà thành ra cái chế độ gia đình của xứ ta, do nó mà trong gia đình mới có sự áp bách quá thảm hại.

Quân vi thần cang; phụ vi tử cang; phu vi thê cang. Cang thứ nhứt là nói về quốc gia xã hội; trong một nước, phải coi ông vua là có quyền vô thượng rồi, nhưng chưa đủ, phải thêm cang thứ nhì và thứ ba. Hai cang sau thì nói về gia đình; trong một nhà, lại phải coi cha và chồng cũng có quyền vô thượng nữa. Như vậy để làm gì? Tôi phải phục bọn Hán nho đã vắt bao nhiêu não tủy mà lập ra cái thuyết nầy rất khéo ! Làm như vậy là có ý bắt kẻ làm cha làm chồng phải đè đầu con cái và vợ của mình, hầu để giữ giùm cuộc trị an cho nhà vua, chớ chẳng còn có ý nghĩa gì cao thâm hơn nữa hết. ấy luân lý của ta là vậy đó ! Cái thứ quốc túy mà có nhiều kẻ đương lo bảo tồn là vậy đó [15] !

Đối với người Công Giáo, hẳn thật ngũ luân thì thích hợp hơn là tam cương. « Ngũ luân tức là : quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), phu phụ (chồng vợ), huynh đệ (anh em), bằng hữu (bầu bạn). Ngũ là năm, luân là đấng bậc; ngũ luân là một cái tổng cương trong luân lý, như là cái giấy giao kèo để buộc năm đấng bậc ấy phải ở với nhau cách nào. Bởi vì tóm hết thảy người trong xã hội mà chia ra, chẳng qua có năm đấng bậc ấy; mà mỗi một đấng bậc có hai bên đối nhau, thì bên nầy phải có cách đối với bên kia, hầu cho hết bổn phận mình.

Khổng Mạnh khi nào nói đến ngũ luân đều là để phát huy cái ý ấy. Sách Trung dung, chương XX, Khổng Tử nói rằng: Vua tôi, cha con, chồng vợ, anh em, bầu bạn: năm điều ấy là cái đạo thông hành của thiên hạ vậy. ở sách Luận ngữ, thiên Nhan Uyên, ngài đáp lời Tề Cảnh Công hỏi mà nói rằng: Vua phải đạo vua; tôi phải đạo tôi; cha phải đạo cha; con phải đạo con. Sách Đại học, chương III, khi nói về Văn Vương, ngài nói rằng: Làm vua người, đỗ ở nhân; làm tôi người, đỗ ở kính; làm con người, đỗ ở hiếu; làm cha người, đỗ ở từ; giao với người trong nước, đỗ ở tín. Lại ở sách Luận ngữ, thiên Bát Dật, đáp lời Định Công hỏi, ngài nói rằng: Vua lấy lễ khiến tôi; tôi lấy lễ thờ vua. Còn Mạnh Tử, ở thiên Đằng Văn công thượng trong sách ngài, ngài cũng nói rằng: Cha con có tình thân; vua tôi có nghĩa; chồng vợ có biệt; kẻ lớn trẻ con có thứ; bậu bạn có tín....

Nói về ba luân vua tôi, cha con, chồng vợ, là ba cái đấng bậc mà danh phận huyễn thù nhau hơn hai cái kia, Thánh Hiền cũng chưa hề nâng một bên nào lên, hạ một bên nào xuống. Đọc hết thảy kinh truyện, những lời chính miệng Khổng Mạnh nói ra, không hề có một lời nào nâng cao người làm vua, làm cha, làm chồng lên, mà đè ẹp người làm tôi, làm con, làm vợ xuống bao giờ. Nhưng, trái lại, trong sách Hiếu kinh lại có dạy rằng: Quân hữu tránh thần, phụ hữu tránh tử, nghĩa là: Vua, nhờ có bầy tôi hay can gián; cha, nhờ có con cái hay can gián. Câu ấy tỏ ra rằng khi người làm vua làm cha không hết bổn phận mình, bầy tôi và con cái có quyền được xét nét. Cái bổn ý của Khổng Mạnh về luân lý là như vậy đó thì làm sao nẩy sanh được tam cang? Cho nên cái thuyết tam cang, hồi đời Khổng Mạnh chưa có, mà trước và sau kề đó cũng chưa có» [16].

Vì, như lời thầy Mạnh Tử, « Cha con có tình thân; vua tôi có nghĩa; chồng vợ có biệt; kẻ lớn trẻ con có thứ; bầu bạn có tín », thứ tự, trước nhất không phải là vua tôi, nhưng là cha con. Điều đó có nghĩa là việc nhân luân phải đi từ gần tới xa, từ cha đến vua, từ hiếu đến trung, từ thân đến nghĩa.

Cha Năm, ông trùm Đích và ông lý Mỹ, cũng như tất cả cac thánh tử đạo khác, thấy vua bất nhân, bất nghĩa đi giết người lành, vô tội và lương thiện, chỉ vì họ là Công Giáo, đã áp dụng nguyên tắc « quân hữu tránh thần » của luân vua tôi để can ngăn vua quan một cách hiền lành và bất bạo động của bậc thánh nhân, bằng cách nhận cái chết một cách vui vẻ, không than trách, mong rằng vua sẽ hiểu ra. Nhưng cơn oán giận, bực tức của các vua quan đã quá mạnh, khiến họ không còn tự chủ được mình, lòng kiêu căng thúc đẩy thêm, họ đã không còn bình tĩnh và khôn ngoan tối thiểu để nhìn ra lẽ phải. Biết nói thế nào được ! Ngay đến chính di chúc « không được phép bách hại đạo » trăn trối của cha ruột mình là vua Gia Long, và lời khuyên của mẹ ruột mình « đừng bách đạo », mà vua Minh Mệnh cũng còn chẳng nghe !

Một số các vị tử đạo còn muốn thăng hoa văn hóa tam cang và ngũ luân thêm một bậc nữa, lồng « cang quân thần » vào « cang tam phụ » của đạo hiếu. Cuộc đối đáp giữa quan tòa và cha Phêrô Nguyễn Văn Tự, dòng Đa Minh, bị bắt ngày 29-6-1838 và bị xử trảm ngày 5-9-1838 dưới thời Minh Mệnh cho thấy cha Tự hiểu sâu xa thần học Tam Phụ [17], mà các vị truyền giáo đã giảng dạy cho tín hữu Việt Nam, bất đầu từ cha Đắc Lộ, qua kinh bổn và các sách giáo lý ‘’Chân đạo yếu lý’’ và ‘’Chơn đạo dẫn giải’’.

Cha Tự bị điệu ra đầu tiên, một trong những quan tòa hỏi cha: "Cha có biết là đức vua rất thương hại cha không? Cha chỉ việc bước qua thập giá là vua sẽ khoan hồng đại lượng với cha. Vì cha vẫn còn trẻ (43 tuổi) hơn nữa cha mới từ miền Nam tới, nên chúng tôi rất buồn nếu phải xử án tử cho cha. Vậy cha nghĩ sao?" Cha Tự trả lời: "Tôi rất kính trọng đức vua nhưng đồng thời xin quan cứ việc xử tôi như người theo đạo Thiên Chúa. Vì Ngài là Chúa cả trời đất nên tôi phải thờ lạy, nếu vua cho phép tôi được sống, tôi hết lòng đa tạ, bằng không nếu vua muốn xử án chết, tôi xin tuân theo, còn ngoài ra với bất cứ giá nào tôi không thể làm theo ý vua". - "Thôi, đủ rồi! Tôi đã quyết định rồi cha không phải bị hành khổ nữa!"

Cha Tự lại bắt đầu cầu nguyện càng sốt sắng hơn để xin Chúa duy trì đức tin cho hai thầy giảng và bốn giáo hữu. Theo lời tường thuật của Giám Mục Marti, để dụ dỗ cha quá khóa, ngày 19-8-1838 quan mời cha ngồi chiếu hoa và đàm đạo về giáo lý. Cha gợi truyện với quan: - "Tôi luôn tôn kính ba cha".- "Ba cha nào?"- "Thiên Chúa là Cha trên trời, là Chúa Tể, là Vua, và cha dưới trần là đức vua, và cha thấp hơn nữa là cha của tôi". - "Tốt lắm, nhưng cha hãy nghĩ lại đi, nếu vua là cha thay Chúa, Ngài truyền cho cha phải bước qua thập giá mà cha không vâng lời, vậy cha không làm vua phật ý sao?" - "Không phải vậy, khi vua và cha tôi truyền cho tôi làm điều xấu như đạp qua thánh giá là dấu chỉ của Cha trên trời làm sao tôi có thể theo được?"

Rồi hai người vẫn tiếp tục truyện trò: "Tại sao cha không thờ cúng cha mẹ tổ tiên?" - "Khi cha mẹ tôi còn sống tôi rất mực trọng kính các người, tôi lo lắng và săn sóc chu đáo, nhưng khi các ngài chết, các ngài không còn ăn uống nữa vì linh hồn là thiêng liêng không cần gì nữa. Cha mẹ của quan đã mất, mà quan vẫn còn thờ cúng chuối oản như là các ngài còn sống, nếu các ngài ăn được, các ngài đã dùng rồi. Còn như vàng bạc tiền nong gửi cho họ bằng cách đốt đi, nếu giả như họ dùng được tại sao quan lại không đốt vàng thật hay tiền thật? Làm vậy không phải là một trò diễu cợt người chết ư?" [18]

Nghe cha Tự cắt nghĩa về thần học tam phụ như vậy, thì ai còn có thể bảo được rằng người Công Giáo không thờ cúng cha mẹ tổ tiên, không trung thứ với vua quan ? Trong mười điều răn đạo Đức Chúa Trời, điều răn thứ bốn dậy « Thảo kính cha mẹ » ; Nhưng điều răn thứ nhất dạy « Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự ».

2. Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, trong đó có Cha Năm, ông Trùm Đích, ông Lý Mỹ, đã lắp thêm tầng thiêng liêng Công Giáo lên tầng nhân bản Khổng Giáo : Thêm vào ngũ luân ngũ thường, Ba thánh mang vào Tin, Cậy, Mến ; Thêm vào Tam đa Ngũ phúc, Ba thánh mang vào Tám mối phúc thật. Những khái niệm luân lý chính của Khổng Tử về ngũ luân, ngũ thường đã được trình bày trên đây. Những khái niệm này không xa với những khái niệm nhân đức Công Giáo ở mức độ nhân bản là bao nhiêu. Đó là Năm nhân đức đối nhân, là những đức tính nhân bản, những xu hướng bền vững, dẫn đến thái độ kiên định và thói quen hướng thiện của lý trí và ý chí ; nhờ đó con người điều chỉnh các hành vi và cách sống của mình theo lý trí và đức tin. Có năm đức tính đối nhân : bác ái, khôn ngoan, công bình, can đảm và tiết độ. Thêm vào đó, Công Giáo đặc biệt chú trọng đến ba nhân đức đối thần, là những nhân đức quy chiếu trực tiếp về Thiên Chúa như căn nguyên, động lực và là đối tượng. Ba nhân đức này không được Khổng Giáo biết đến. Nhưng đối với Công Giáo, các nhân đức đối thần là nền tảng và linh hồn của toàn bộ đời sống luân lý. Thiên Chúa ban cho ta những nhân đức nầy, để ta có khả năng hành động như con cái Thiên Chúa và đáng hưởng sự sống đời đời. Ba nhân đức đối thần là Tin, Cậy Mến. Đức Tin là một nhân đức nhờ đó ta tin vào Thiên Chúa, tin tất cả những gì Người nói và mặc khải, cũng như những gì Hội Thánh dạy ta phải tin. Đức Cậy đặt hết niềm tin vào một đối tượng, cậy nhờ đối tượng ấy trợ giúp để hoàn thành một tâm nguyện đạt đến cứu cánh vĩnh cửu. Đối tượng duy nhất để cậy nhờ ở đây là Đức Kitô, sự trợ giúp là Chúa Thánh Thần, và cứu cánh chính là hạnh phúc Nước Trời. Đức mến là nền tảng Kitô giáo, là đức yêu thương không bờ bến, không giới hạn nhằm đến 2 đối tượng chính yếu : Thiên Chúa và con người : "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là : ngươi phải yêu người thân cận như chính mình"(Mt 22, 37-39).

Trong văn hóa sống thường ngày của người Việt Nam, ba cái nhiều là nhiều con, nhiều cháu, nhiều giầu có và năm cái phúc là được giầu có, được sang trọng, được sống lâu, được khỏe mạnh, và được bình an. Công Giáo không chối bỏ tam đa ngũ phúc, nhưng đặc biệt quan tâm đến tám mối phúc thật, như lời giảng của Đức Giêsu Kytô rằng : « Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì nước trời là của họ. Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Nước làm cơ nghiệp. Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả. Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho các con khi ngưới ta ghen ghét, bách hại các con và bởi ghét Thày, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời » (Mt, 5, 1-12).

117 Thánh Tử Đạo, trong đó có Cha Năm, ông trùm Đích và ông Lý Mỹ đã vượt trên tam đa, ngũ phúc vật chất ở đời này để vui mừng hân hoan đón nhận bị giết hại vì danh Chúa Giêsu, chẳng những đã đốt sáng ngũ luân, ngũ thường, mà còn hơn nữa, đã thăng hoa chúng, đưa chúng đến đức tin, đức cậy và đức mến, và dám dâng mạng sống mình để làm chứng về Chúa Giêsu. Tất cả 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam đều hiểu biết và thấm nhuần tám mối phúc thật Chúa Giêsu giảng dậy. Các ngài tất cả đều đã tin vào đạo thật và vui vẻ làm chứng cho đạo thật. Không đi tìm cái chết, không tự sát, tự thiêu, vì đó là phạm giới răn thứ năm « Chớ giết người ». Nhưng nếu bị những quan quyền cấm đoán, bách hại, thì sẵn sàng chấp nhận làm chứng điều mình tin, và vào những phúc thật.

Thánh Martinô Thọ, người thu thuế, trả lời quan : « Dù quan có giết vợ con tôi, tôi cũng chẳng quá khóa bỏ mất phúc thiên đàng. Vì tôi mong ước phúc thiên đàng cho nên tôi mới vui lòng chịu khổ như thế này. Bị bắt ngày 30.5.1840 về tội chứa chấp Cha Ngân, và bị xử trảm ngày 8.11.1840, khi nghe tin ông Lý Mỹ, ông binh Ðạt và Huy được chịu chết vì đạo, ông Thọ cũng ước ao được chịu chết vì đạo như vậy. Ông đến Kẻ Vĩnh viếng xác ông Lý Mỹ và ông trùm Ðích. Về nhà ông bảo vợ con: "Nếu Ðức Chúa Trời có định cho tôi bị bắt và chịu khó vì đạo như hai ông ấy thì mọi người hãy bằng lòng, dù có mất của cũng đừng phàn nàn. Nếu chúng con bị bắt thì cũng phải xưng đạo cho mạnh mẽ". Khi bị bắt và bị giam tạm tại Trại Lá, sau khi bị tra hỏi các ngài được chuyển sang trại tù. Mấy người con của ông Thọ được phép đến thăm mấy lần. Ông khuyên các con của ông: "Thiên Chúa nhân lành định rằng cha không còn về với các con nữa, nhưng các con còn có mẹ, hãy vâng lời mẹ. Các anh chị lớn hãy lo đùm bọc các em nhỏ, các con nhỏ chịu khó vâng lời. Hãy can đảm làm việc chăm chỉ để phụng dưỡng mẹ, hãy trung thành đọc các kinh sáng kinh chiều và lần hạt. Thiên Chúa ban cho mỗi người một thánh giá, các con hãy vui lòng vác lấy và can đảm chịu khổ để giữ đạo. Cha không còn làm gì để giúp các con dưới trần này được nữa, cha chỉ còn lo sửa soạn ra đi, vậy sau khi cha chết rồi, chú Chấn và mẹ các con chết rồi, thì hãy chia nhau tài sản. Nếu sau này được phép, các con mang xác cha về chôn nơi cha bị bắt. Những gì cha đã làm cho các anh chị lớn khi còn ở nhà thì các anh chị lớn cũng phải làm như thế cho các em nhỏ". Sau nhiều đánh đập và tra khảo không xong, Tổng Đốc Trịnh Quang Khanh lại dụ dỗ ông đạp ảnh để được về nhà lo lắng cho vợ con, ông Thọ thưa: "Cửa nhà và vợ con tôi là của Ðức Chúa Trời, tôi chẳng có gì, chẳng tiếc gì. Tôi xin quan lớn cho tôi một lát gươm mà thôi". -"Nếu tao bắt được vợ con mày và làm khổ trước mặt, mày có bỏ đạo không?" - "Dù quan có giết vợ con tôi, tôi cũng chẳng quá khóa bỏ mất phúc thiên đàng". "Vậy mày ước ao thiên đàng lắm hả?" - "Bẩm ông lớn, vì tôi mong ước phúc thiên đàng cho nên tôi mới vui lòng chịu khổ như thế này. Khi nào quan lớn thương cho tôi một lát gươm, bấy giờ linh hồn tôi sẽ bay thẳng lên Trời".

Quan Micae Hồ Ðình Hy trả lời cho các quan rằng « không bỏ đạo và cho tới hôm nay tôi vẫn cương quyết giữ đạo ». Một người làm quan lớn lại có lòng thống hối như quan thái bộc Hồ Ðình Hy đã để lại một tấm gương thánh thiện và hết lòng vì đạo cho đến giọt máu cuối cùng. Ngài thường nói với vợ: "Tôi đầy rẫy những tội lỗi, dù nước sông nước nguồn có từ khắp nơi chảy về cũng chẳng đủ rửa tội tôi cho sạch. Tôi phải đổ máu ra mà rửa tội tôi thì cũng còn sợ chẳng biết cân xứng không". Có một quan tên là Phạm Y đến lãnh vải nơi quan thái bộc Hy, đòi cho được thứ vải tốt vượt mức phẩm hàm nên bị từ chối, ông để lòng hiềm thù, họp bàn với mấy quan khác để tìm cách hãm hại quan Hồ Ðình Hy. Ngày 8-11-1856, các quan này dâng sớ tố cáo quan thái bộc với vua Tự Ðức và quan Hồ Đình Hy đã bị bắt ngay. Ngày hôm sau, 9-11, các quan chính thức tra xét và bắt ngài làm lời khai. Ngài khai như sau: "Tôi 53 tuổi, người làng Nhu Lâm. Cha mẹ có đạo, đã cho tôi đi học chữ Nho từ thuở nhỏ. Năm Minh Mệnh thứ bẩy (1826), tôi được vào làm trong Bộ Công giúp việc nhà nước ba mươi mốt năm, sau được Vua thương ban quan tước tam phẩm, tước thái bộc giúp việc nhà Vuạ Ðạo cha ông tôi vẫn giữ trong lòng. Năm ngoái có sắc lệnh Vua cấm, tôi giả đò bề ngoài để che dấu, nhưng thực sự không bỏ đạo và cho tới hôm nay tôi vẫn cương quyết giữ đạo". Và ngài vẫn giữ một lòng trung dũng sắt đá như vậy. Tới ngày 22-5-1857 là ngày xử nhưng không quan nào nhận trách nhiệm, mãi đến trưa mới có quan chịu dẫn 100 lính đem ra chợ An Hòa xử tử ngài. Mới nghe tiếng chiêng trống ngài sợ hãi toát mồ hôi nhưng rồi trấn tĩnh lại. Theo qui ước hễ thấy ngài làm dấu thì linh mục ở giữa đám đông sẽ ban phép giải tội, bởi vậy cứ thỉnh thoảng ngài lại làm dấu để mong cha trông thấy. Dân chúng theo sau thì thầm: "Nào người này có phạm tội gì đâu, không trộm cắp hay bớt xén công quĩ, thật chỉ vì giữ đạo Thiên Chúa mà phải khổ sở".

Cha Philipphê Phan Văn Minh đã trối với giáo dân : « Thiên Chúa muốn tôi dâng sự sống cho Ngài để đạo thánh được rạng rỡ, tôi vui mừng vâng theo ý Chúa ». Năm 1848 Tự Ðức ra lệnh cấm đạo đầu tiên và buông sông các thừa sai nếu bắt được. Và năm 1851 ra lệnh nghiêm ngặt hơn cho các tổng đốc phải tận diệt đạo Kitô. Bị bắt ngày thứ Bảy, 26-2-1852, Cha Minh bị giải đến Vĩnh Long. Quan Tổng Đốc dụ dỗ nhiều cách. Khi thì dụ quá khóa để làm quan, hay làm thuốc. Cha trả lời : "Không có lẽ nào tôi quá khóa. Tôi dậy dỗ bổn đạo mà người ta còn chẳng dám làm điều quái gở ấy phương chi là tôi. Quan bắt giết thế nào thì tôi xin chịu". Khi lại nói không cần phải đạp ảnh, chỉ cần nói là xuất giáo thì cũng tha. Cha Minh đáp lại: "Tôi làm như thế cũng không được vì phạm tội phản bội cùng Chúa, cùng các thầy dậy và là người láo xược. Là giáo trưởng mà nói rằng mình không phải là giáo trưởng là lừa dối mọi người". Lúc khác lại dụ cha khai rằng các đồ đạo là của đạo trưởng Tây giao cho giữ và như thế các quan có thể tha mà không sợ lỗi lệnh vua. Cha Minh một mực thưa: "Xin các quan xét cho tôi, tôi không thể khai dối trá được. Các quan có làm án chém tôi thì tôi sẵn lòng, còn khai theo lời quan dậy thì không dám". Dụ cách nào cũng không được, các quan họp nhau làm bản án cho Cha Minh phải lưu đầy Sơn Tây. Nhưng Nội các xem án của các quan tỉnh Vĩnh Long thì không ưng, biện luận rằng: "Ðạo trưởng ấy đã đi Tây từ thuở bé và lâu năm ăn học bên ấy nên đã thấm nhập với Tây, lại là đạo trưởng nên phải kể là Tây dương đạo trưởng. Vậy phải sửa án là trảm quyết quăng đầu xuống sông ». Bản án của triều đình về tới tỉnh Vĩnh Long tối thứ Bẩy 2-7. Và sáng hôm sau, Chúa Nhật lễ kính Máu Thánh Chúa Giêsu, quan tổng đốc cho lệnh xử ngài. Trước khi bị dẫn ra pháp trường, cha an ủi các quí chức còn bị giam: "Anh em yêu dấu, Thiên Chúa muốn tôi dâng sự sống cho Ngài để đạo thánh được rạng rỡ, tôi vui mừng vâng theo ý Chúa. Trước khi lìa xa anh em, tôi xin anh em dù phải khốn khổ thế nào mặc lòng hãy trung thành bền đỗ trong đức tin, trông cậy vào Chúa giúp sức thì Ngài chẳng bỏ anh em".

KẾT LUẬN

Để kết luận bài viết nhỏ này, trước nhất chúng ta hãy tóm tắt những điều đã trình bày. Nhờ cách ứng xử của 117 thánh tử đạo Việt Nam và của trăm, ngàn, vạn, triệu người Công Giáo Việt Nam khác, Văn Hóa Việt Nam, từ thế kỷ XVII, đã có thêm tầng tạo hình thứ năm, đó là tầng Thiên Chúa Giáo : Trên bình diện tổng quát, người Việt Nam Công Giáo đã góp phần mình rất nhiều cho tổ quốc. Trốn chạy bách đạo, họ đã lên rừng làm dẫy, chạy vào Trung, Nam, họ đã mở mang, khai thác bờ cõi đất nước ; Một số giáo sĩ, trí thức Công Giáo đã góp phần tham dự các phái đoàn thương thuyết bảo vệ Tổ Quốc ; Một số khác đã góp phần khai sáng ra chữ quốc ngữ, góp phần phát triển văn học nghệ thuật nước nhà. Trên bình diện Văn Hóa tôn giáo, các thánh tử đạo Việt Nam đã thăng hoa tam cương bằng hai bước : trở về nguốn Khổng Mạnh, lấy ngũ luân thay tam cương, rồi tiến lên bước « thần học tam phụ ». Và một cách tổng quát, các ngài đã xây thêm tầng thiêng liêng trên tầng nhân bản luân thường Khổng Mạnh, bằng cách mang Tin, Cậy, Mến vào ngũ luân ngũ thường, và mang tám mối phúc thật vào tam đa ngũ phúc. Như vậy, các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã làm cho Văn Hóa Việt Nam vươn lên cao hơn, thăng tiến hơn, tinh tuyền hơn, đem cho nó cái giá trị thiêng liêng, đại đồng, vĩnh hằng.

Kết luận bài giảng ngày tuyên phong Các Thánh Tử Đạo Việt Nam 19.6.1988, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã gừi tới người Việt Nam lời cuối cùng này : « Anh em: dòng giống các vị Tử Đạo! Anh em: dòng giống những người được kén chọn. Anh em hãy nghe hết lời sách Khôn Ngoan : “Trong ngày phán xét họ sẽ long lanh như những tia sáng chiếu trên đồng cỏ từ đông sang tây (3:7). Những tia sáng, những ánh đèn phản chiếu nguồn quang minh rực rỡ. Và đây là câu sau cùng trong sách Khôn Ngoan: “Các dân tộc sẽ trị vì, họ cai trị dân chúng. Nhưng trên hết tất cả, Thiên Chúa sẽ thống trị mọi loài” (3:8). Chúa đây, tức là Chúa Kitô tử nạn và phục sinh, ngài xuống trần gian “không để xét xử thế giới, nhưng để thế giới nhờ ngài mà được cứu rỗi” (Gioan 3:17). Chính Chúa Kitô này: anh em đã tham gia vào cuộc thống khổ và tử nạn thập giá của ngài, hôm nay anh em hãy tham gia vào việc cứu rỗi trần gian mà chính ngài đã kết liễu. Nguyện chúc cho mùa lúa vàng của anh em muôn năm tồn tại trong hoan lạc ».

Mùa lúa vàng là kết quả của những lao khổ. Các thánh tử đạo Việt Nam đã « rao giảng Chúa Giêsu tử nạn thập giá » (I Cor 1:23), đã chẳng những không từ bỏ mà còn đốt sáng thăng hoa Văn Hóa Việt Nam. Đã mang vào đó những giá trị trường cửu, đại đồng và thiêng liêng, đã đáp ứng những khát vọng tuyệt đối của con người, những nhu cầu tin, cậy, mến vào một Chúa Trời. Đó là lý do khiến 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam vui vẻ ra pháp trường « lãnh nhận phúc tử vì đạo ». Đó cũng là lý do sâu xa giải thích tại sao, xưa cũng như nay, người Việt Nam gia nhập đạo Công Giáo. Quả thật “Máu các Tử Đạo là hạt giống sinh nhiều tín hữu” !

Về Lộ-Đức, các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam đã nghe lời mời của các tuyên úy để " MỪNG 25 NĂM TUYÊN PHONG CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT-NAM - SỐNG ĐỨC TIN THEO GƯƠNG TIỀN NHÂN ".

Người tín hữu nặng tình, yêu quê hương, yêu đất nước, yêu dân tộc, không khỏi cảm kích nhìn ra gương thăng hoa văn hóa Việt Nam của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Chắc chắn họ sẽ cầu xin, để gương lành này được dãi tỏa nơi tín hữu và lương dân Việt Nam. « Chớ gì ngày lễ tạ ơn dịp kỷ niệm 25 năm các Tổ tiên Tử đạo của chúng ta được Giáo Hội tôn phong lên bậc Hiển Thánh nhắc nhớ mọi người chúng ta quyết noi gương các Ngài, để sống xứng đáng là những người « con thảo của Cha trên trời, là chứng nhân anh dũng của Đức Kytô, là thành phần trung kiên của Hội Thánh » (Kinh các Thánh Tử Đạo Việt Nam) [19].

Chắc chắn họ sẽ theo lời xướng của Cha Tổng Tuyên Úy Nguyễn Kim Sang, mà hát bài thánh ca « Đây Bài Ca Ngàn Trùng » và « Nguyện xin các Thánh Tử-Đạo Việt-Nam cầu bàu và phù giúp chúng ta luôn trung thành với niềm tin và biết noi gương các Ngài đễ minh chứng cho Tình yêu của Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, dù phải gặp những khổ giá của cuộc đời » [20].


------------------------------------------
PHỤ CHÚ :

(1). Trần Văn Cảnh, « Mừng 25 năm tuyên phong các Thánh Tử Đạo Việt Nam 1988-2013 », đọc lại "Lịch sử Công Giáo Việt Nam bị cấm và bách hại ", Bài 4 : Gương đốt sáng văn hóa Việt Nam của các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Nguốn : http://vietcatholic.net/News/Html/113174.htm

(2). Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659, Ra khơi : Sài gòn 1972, tr. 5

(3). Trần Văn Cảnh, Chữ quốc ngữ đã được Công Giáo khai sinh năm 1651 ; Nguồn :

http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=12495

(4). Xin xem Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn Học Sử giản ước tân biên, tập 3 : Văn học hiện đại 1862-1945.

(5). Gioan B. Phạm Minh Mẫn : Kỷ niệm 350 năm ngày thiết lập Giáo Hội tại Việt Nam ; 9.9.2009 ; Nguồn : http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20091109/2978#0

(6). Văn Phòng Tổng Thư Ký Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ; Giáo Hội Công Giáo iệt Nam, Niên giám 2004 ; Hà Nội, NXB Tôn Giáo, 2004, tr. 693

(7). Ibid., tr. 812-813 ; 825

(8). Ibid. tr. 601.

(9) (Trần Văn Cảnh, Triển lãm « Các Sở Thừa Sai Hải Ngoại Paris ở Á Châu : 350 năm lịch sử và mạo hiểm », Nguồn :

http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=13&ia=632).

(10) Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, Q. II, tr. 154.

(11) Lange, Claude : Ecole catholique et Mission de l’Eglise au Vietnam (1860-1975), trong Echos de la rue du Bac, n°237, mars 1989, tr. 88-96)

(12) Linh mục nguyệt san, số 105 ; 1970, tr. 618-619)

(13). Đinh Kiều Nga, Ảnh hưởng của Công Giáo với nền văn hóa Việt Nam ; Nguồn : http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/3171/

(14). Tử Cống viết: “Phu tử chi văn chương, khả đắc nhi văn dã, phu tử chi ngôn tính dữ thiên đạo, bất khả đắc nhi văn dã”. Dịch. – Tử Cống nói: “Công trình nghiên cứu về văn hóa (như Thi, Thư, Lễ, Nhạc) của thầy (tức Khổng tử) thì chúng ta được nghe, còn quan niệm về thiên tính và đạo trời của thầy thì chúng ta không được nghe” (Luận Ngữ, Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê, V.12). Phàn Trì vấn trí. Tử viết: “Vụ nhân chi nghĩa, kính quỉ thần nhi viễn chi, khả vị trí hĩ”. Vấn nhân. Viết: “Nhân giả tiên nan nhi hậu hoạch, khả vị nhân hĩ”. Dịch. – Phàn Trì hỏi thế nào là trí (sáng suốt). Khổng tử đáp: “Chuyên tâm làm việc nghĩa giúp người, kính trọng quỉ thần nhưng tránh xa, như vậy có thể gọi là trí” (Ibid., VI.20)

(15). Phan Khôi : Gia đình ở xứ ta, nay cũng đã thành ra vấn đề rồi ; in : Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 83 (21.5.1931).

(16). Phan Khôi : Cái chế độ gia đình nước ta đem gióng với luân lý của Khổng Mạnh ; In : Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 85 (4.6.1931)

(17). Xin xem Trần Văn Toàn, BÀN VỀ THUYẾT ‘’TAM PHỤ’’ TRONG ĐẠO Thiên Chúa, MỘT BƯỚC ĐI VÀO VĂN HÓA VIỆT NAM, Nguồn :

http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=57&ia=363

(18). Vũ Thành : Dòng máu anh hùng, tập 2 ; Franklin : Phong trào Thanh Sinh Công tại Hoa Kỳ ; 1987 ; tr. 221-225

(19). TGM Phêrô Nguyễn văn Nhơn, Thơ mục vụ nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày tôn phong 117 Hiển Thánh Tử đạo Việt Nam ; 01/06/2013 ; Nguồn : http://www.tonggiaophanhanoi.org/tin-tuc/tin-giao-hoi-viet-nam/5656-thu-muc-vu-nhan-dip-ky-niem-25-nam-ngay-ton-phong-117-hien-thanh-tu-dao-viet-nam

(20). Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, Lời ngỏ; trong “Mừng 25 năm tuyên phong các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Sống Đức Tin theo gương tiền nhân; Lộ Đức, 02-04/08/2013; tr. 5