Sunday, 29 March 2020 15:44

Gương Đốt Sáng Và Thăng Hoa Văn Hóa Việt Nam Của Ba Thánh Tử Đạo: Cha Năm - Ông Trùm Đích - Ông Lý Mỹ (1) Featured

Trần Văn Cảnh

 

   

   Thánh Phêrô Dumoulin-Borie Cao                     Thánh Matthêu Nguyễn Văn Đắc

Linh Mục Thừa Sai Balê (+1838)                                                       Trùm Họ (+1861)
 

***

Từ khi Tin Mừng được rao truyền ở Việt Nam vào thế kỷ XVI (1533) đến cuối thế kỷ XIX (1895), 130.000 người Việt Nam đã bị vua quan Việt Nam sát hại, vì họ là người Công Giáo. Có thể bảo rằng lịch sử 362 năm (1533-1895) của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam là lịch sử một cuộc cấm đạo liên tục, với ba giai đoạn chính, mà độ cao thấp và nặng nhẹ khác nhau:

1. Trịnh Nguyễn và Tây Sơn (1533-1800), với khoảng 30.000 giáo hữu bị giết hại, trong đó 7 vị được phong hiển thánh.

2. Ba vua nhà Nguyễn: Minh Mạng (1820-1840), Thiệu Trị (1840-1847) và Tự Đức (1847-1883), với khoảng 40.000 tín hữu bị giết hại, trong đó 111 vị được phong hiển thánh.

3. Văn Thân (1874-1895) có tới trên dưới 60.000 người dân Công Giáo bị giết hại.

Dù đã được tuyên thánh hay chưa, 130.000 vị Tử Đạo, trước hết là 130.000 anh hùng của đức tin, thứ đến là 130.000 anh hùng của nền văn hóa Việt Nam. Tại sao vậy? – Bởi lẽ, khi chết vì đức tin, các ngài đã một trật đốt sáng và thăng hoa nền đạo lý cổ truyền (thờ Trời, thờ kính Tổ Tiên, tin linh hồn bất tử) của quê hương; nền luân lý ‘ngũ luân, ngũ thường’ của dân tộc; và những đức tính cao đẹp của người dân Việt Nam, như tinh thần cầu tiến ‘nhật tân hựu nhật tân’, như ý chí đi tìm ‘chân, thiện, mỹ’, và như tính tình ‘bất khuất’, ‘liên đới’, ‘tự do và kiên trì’…

Giữa 130.000 vị anh hùng đức tin và văn hóa ấy, trong chương này, chúng tôi muốn nêu bật ba vị thánh tiêu biểu, linh mục Giacôbê Nguyễn Văn Năm, ông trùm Antôn Nguyễn Đích và ông Lý Trưởng Micae Nguyễn Huy Mỹ, với những điểm trình bày sau đây:

1. Cuộc xưng đạo và tử đạo của cha Năm, ông trùm Đích và ông lý Mỹ.

2. Ba Thánh Tử Đạo đích thực là tử đạo Kytô hữu.

3. Ba Thánh Tử Đạo đã sống và đốt sáng văn hóa Việt Nam.

4. Ba Thánh Tử Đạo đã thăng hoa văn hóa Việt Nam

I. CUỘC XƯNG ĐẠO VÀ TỬ ĐẠO CỦA CHA NĂM, ÔNG TRÙM ĐÍCH VÀ ÔNG LÝ MỸ

Cả ba vị đều đã bị bắt dưới triều vua Minh Mệnh vào một ngày, ngày 03.07.1838 tại nhà ông Trùm Đích, làng Kẻ Vĩnh, Nam Định và bị xử trảm một nơi, pháp trường Bảy Mẫu, ngày 12.08.1838.

1. Cuộc xưng đạo và tử đạo của linh mục Giacôbê Đỗ Mai Năm

Linh mục Giacôbê Đỗ Mai Năm bị bắt ngày 3.7.1838, xử trảm ngày 12.8.1838. Cha Giacôbê Năm, chính tên là Mai Ngũ. Ngài sinh năm 1781 tại làng Ðông Biên, huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hóa, dưới đời Tây Sơn. Ngài được gửi vào nhà Ðức Chúa Trời khi còn bé, rồi được gửi vào trường La Tinh ở Kẻ Vĩnh dưới đời Ðức Cha Giacôbê Leager. Khi thầy Năm đi giúp xứ, ngài được Đức Cha sai đi coi nhà thương Kẻ Vĩnh. Ban ngày thầy săn sóc bệnh nhân. Ban tối đi dạy trẻ em làng Kẻ Vĩnh. Thầy chịu các chức nhỏ, rồi năm 1813 được Đức Cha truyền chức linh mục. Năm đó cha Năm được 32 tuổi. Sau khi chịu chức, cha Năm được bài sai đi coi xứ. Các xứ ngài coi, dân chúng đều quý mến ngài. Ðến độ nửa đời người, Đức Cha gọi ngài về coi nhà chung. Ðược hai ba năm thì có lệnh vua cấm đạo, bắt các đạo trưởng và triệt hạ các nhà thờ. Bấy giờ nhà chung Kẻ Vĩnh phải giải tán. Cha Năm trốn tránh tại nhà ông trùm Tôn thuộc họ Kẻ Nguồi độ ba bốn năm. Khi đã bớt cơn cấm đạo, nhà chung lại phục hồi, cha Năm lại trở về để cai quản nhà chung.

Ðộ ít lâu sau, các quan lại cấm đạo gắt gao, lần này nhà chung lại đóng cửa, và cha Năm phải trốn tránh đi nơi khác. Cha đến ở nhà ông trùm Ðích ở làng Kẻ Vĩnh.

Tính cha Năm hiền hòa vui vẻ, cha thường kể truyện giặc giã đời Tây Sơn cho người ta nghe, nhiều người quý mến ngài. Ngoài tính vui vẻ, cha Năm còn có tính khiêm nhường, đạo đức, cứ giờ cứ mực mà ra đọc kinh… Ðối với vấn đề tử đạo, cha Năm rất ao ước. Lần kia, cha được tin ông kia bỏ đạo thì buồn bã phàn nàn rằng: "Ôi ông ấy dại dột dường nào! Ông ấy được dịp tốt đến mà không chịu nhờ. Ðức Chúa Trời đã đem ông ấy vào đàng ngay nẻo chính để lên Thiên Ðàng, mà ông ấy không chịu đi. Giả như Chúa thương ban phúc ấy cho tôi, thì tôi chẳng dám từ chối. Giả như Chúa có liệu dịp tốt lành cho tôi như thế, thì tôi chẳng dám bỏ qua".

Ðang khi cha Năm ẩn mình trong nhà ông trùm Ðích, thằng Tỉ quê ở Ðông Mạc và thằng Xuân quê ở Tiểu Tức Mạc về huyện Mĩ Lộc, được các quan tỉnh Nam Ðịnh sai đi do thám. Chúng đến làng Kẻ Vĩnh vào nhà ông trùm Ðích giả làm người xin đi làm thuê. Ông trùm Ðích vô tình không biết là quân do thám, nên thuê chúng làm mướn cho ông. Ngay cả dân làng cũng không ai ngờ chúng là quân do thám của tỉnh. Hai tên này chẳng làm thuê nhà ông trùm được bao lâu, chúng liền bỏ đi, khi trở về chúng dẫn quân lính đến để bắt ông trùm và cha Năm. Lúc đó dân làng mới biết chúng là quân do thám. Hai tên Tỉ và Xuân sau khi đã lấy đủ bằng chứng về cha Năm, và các đồ thờ phượng chứa trong nhà ông trùm, chúng về tỉnh báo cáo với ông Trịnh Quang Khanh đang làm tuần phủ Nam Ðịnh. Vừa được tin, ông chia làm hai đạo quân: Một đạo quân đi đường bộ, một đạo quân đi đường thủy để vây làng Kẻ Vĩnh. Năm Minh Mệnh thứ 19, sáng ngày 3.7, khi mặt trời vừa mới mọc, quan quân vây 4 mặt làng Kẻ Vĩnh. Ông tuần phủ đi thuyền đến bến Kẻ Vĩnh, lên ngôi đình làng, đòi lý trưởng là ông Lý Mỹ (con rể ông trùm Ðích) và đàn anh trong làng ra truyền rao mõ gọi mọi người, từ 18 tuổi trở lên, phải đến tại đình điểm danh. Ông còn bắt lý trưởng làm tờ cam kết hễ bắt được đạo trưởng và đồ đạo quốc cấm trong làng, thì phải chịu tội.

Ðang khi tuần phủ ngồi tại đình truyền lệnh, thì hai thằng làm thuê nhà ông trùm Ðích dẫn cai đội và mấy người lính đến vây nhà ông trùm Ðích. Thoạt tiên được tin tuần phủ đến vây làng, và truyền mọi người đến điểm danh, cha Năm thắt lưng xắn quần xắn áo toan đi làm cơm cho quan như những người dân khác. Nhưng cha chưa kịp đi lính đã ập tới nhà ông trùm Ðích. Thấy cha trắng trẻo, sang tướng và râu ria đẹp đẽ, lính liền chặn hỏi: “Ông có phải là cụ chăng?” Cha Năm trả lời rằng: “Tôi là người nhà này”. Bấy giờ hai thằng do thám liền la lên: “Ông ấy là cụ Năm đó. Chính cụ đang ở nhà này”. Cha Năm bảo rằng: “Phải, tôi là cụ đây”.

Lập tức quân lính bắt trói ngài và ông trùm Ðích đem nộp cho quan đang ngồi tại đình. Khi đến trước mặt quan, cha cũng xưng mình là đạo trưởng. Quan bảo rằng triều đình đã nghiêm cấm đạo Gia Tô, sao chẳng về nhà làm ăn, còn giảng đạo làm chi? Sau đó quan hỏi cha có chịu bỏ đạo không, cha Năm thưa: “Bẩm quan lớn, chúng tôi không bỏ đạo”.

Quan hỏi sơ qua rồi truyền đóng gông cha, cùng ông trùm Ðích và ông Lý Mỹ là con rể ông trùm Ðích đem xuống thuyền giải ra Nam Ðịnh.

Khi cha Năm đến Nam Ðịnh thì phải giam vào ngục thất ngay. Hôm sau các quan điệu ngài ra tra khảo bắt bỏ đạo. Cha Năm khẳng khái trả lời quan: “Bẩm lạy quan lớn, tôi là đạo trưởng mà tôi dám bỏ đạo hay đạp ảnh tượng Chúa tôi làm sao được? Tôi vốn khuyên dạy người ta phải giữ đạo vững vàng và thà chết chẳng thà bỏ đạo, thì tôi phải giữ lời tôi khuyên dạy kẻ khác. Nếu chính kẻ làm đạo trưởng chẳng chịu chết vì đạo, thì còn ai chịu chết vì đạo nữa?”

- “Nếu ông cứ nói giọng này thì ông phải chết chẳng có lẽ nào sống được. Ta thấy ông là người lương thiện hẳn hoi nên ta muốn cho ông được sống. Ta khuyên ông nên vâng lời Ðức Hoàng Ðế mà bỏ đạo”.

- “Bẩm lạy quan lớn, tôi đã bằng này tuổi đầu thì tôi đâu còn sợ chết, vì dù quan lớn có tha chẳng giết tôi, chẳng bao lâu tôi cũng chết vì bệnh. Nhưng nếu quan lớn giết tôi vì đạo tôi lại được nhiều ơn ích hơn là tôi chết vì bệnh. Vì nếu tôi chết vì đạo, tôi sẽ được chết vì Chúa tôi, đấng đã chịu chết cho tôi và tôi chóng được phần phúc Người đã hứa ban cho những kẻ giữ lòng trung cùng Người cho đến sau hết”.

Các quan thấy cha Năm ăn nói cả quyết cứng cát và chỉ ao ước được chết vì đạo, thì biết rằng chẳng có thể nào dụ dỗ ngài bỏ đạo được, và dù có tra tấn ngài mặc lòng thì cũng vô ích mà thôi, cho nên chẳng những các quan chẳng tra khảo mà cũng chẳng đánh đập ngài. Hơn nữa các quan thấy ngài đã có tuổi, ăn nói lễ phép nên cũng thương không bắt ngài mang gông cùm ban ngày mà chỉ bắt mang ban đêm thôi. Các quan cũng làm ngơ để cho cha đi lại trong tù dễ dàng. Ở đây lại được dịp cho cha truyền giáo. Ðối với những người ngoại giáo thì cha yên ủi giảng dạy cho họ. Ðối với những người có đạo thì cha nâng đỡ và khuyên bảo họ mạnh dạn xưng đức tin. Trường hợp ông trùm Ðích, tuổi đã cao, và rất sợ hãi không biết có chịu nổi các thử thách và đòn đánh đến giây phút cuối cùng không, cha Năm luôn khuyên bảo ông can đảm chịu đựng vì Chúa: “Khi được ơn Chúa giúp sức thì chẳng có hình khổ dữ tợn và đau đớn nào mà người ta chẳng chịu nổi. Như trường hợp Thánh Laurenso bị nướng trên giường sắt, ba trẻ đi trong lò lửa”.

Nhờ cha mà ông trùm Ðích can đảm chịu chết vì Chúa cùng một lượt với cha và con rể của ông.

Sau nhiều ngày trong tù, các quan thấy cha Năm không thay dạ đổi lòng, và biết không thể nào khuyên cha bỏ đạo, thì làm án xin xử tử cha. Án của cha như sau: “Tên Mai Ngũ là đạo trưởng đã theo tây dương đạo trưởng Giacôbê (Đức Cha Leager) từ thuở nhỏ đến lớn, đã tin đạo Gia Tô cùng in đạo ấy vào lòng đến nỗi không còn hiểu được sự phải trái. Lại bởi tên ấy cứ một mực chấp mê cứng cổ bất khẳng quá khóa, bất tuân quốc pháp, thì chúng tôi đã luận cho nó phải trảm quyết cùng bêu đầu ba ngày để cho ai nấy phải sợ và đừng bắt chước nó nữa”.

Cha Năm biết các quan làm sớ về triều rồi thì chắc chẳng bao lâu nữa mình sẽ phải xử, cho nên dọn mình chết rất kỹ càng.

Các quan làm án được 15 ngày thì vua Minh Mạng chuẩn y. Chiếu chỉ vua đến Nam Ðịnh ngày 11.8. Ngày hôm sau, cha Năm, ông trùm Ðích và ông Lý Mỹ bị xử trảm. Các ngài bị đưa đến một nơi gọi là Bảy Mẫu, pháp trường nơi xử tù nhân xưa nay. Trên đường đi các ngài ca hát vui vẻ lắm. Dân chúng kéo đi xem rất đông. Hai ông quan giám sát cưỡi hai voi và hơn hai trăm quân lính kéo ra lối cửa Bắc đi trước, cha Năm, ông trùm Ðích, ông Lý Mỹ mang gông mang xiềng đi sau. Lại có ba tên lính mang thẻ đã đề tên ba đấng đi trước các ngài. Rồi đến cha Năm đi trước, ông trùm Ðích và ông Lý Mỹ theo sau. Thỉnh thoảng cha Năm bảo người ta: “Này đạo trưởng đây, đến mà xem”.

Gặp những người quen, ngài chào từ giã vui vẻ: “Anh em nghỉ lại, tôi về quê trước, nhưng sau này chúng ta sẽ gặp nhau”.

Khi đến pháp trường, cha Năm quỳ xuống cái chiếu mà ông Lý Thi con ông trùm Ðích đã trải sẵn. Ba đấng cầu nguyện một lúc. Sau đó quan giám sát dịch loa, truyền mọi người yên lặng. Quan truyền lịch: “Các người hãy đến để xử những tên theo ông Giêsu. Nếu ai còn dám theo tôn giáo này, thì hãy biết rằng lệnh vua sẽ xử trảm như những tên can phạm này”.

Sau đó một tên lính cầm thẻ đề tên cha Năm mà rao cho mọi người nghe: “Tên Mai Ngũ này là đạo trưởng, quê Ðông Biên, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, đã theo đạo Gia Tô từ thuở còn bé. Lại bất khẳng bỏ đạo thì đức Hoàng Ðế truyền cho nó phải trảm quyết và bêu đầu ba ngày cho người ta xem thấy mà sợ cùng đừng bắt chước nó”.

Rao lệnh xong, quan truyền lên hiệu xử tử. Vừa đánh chiêng xong thì tên lý hình chém một nhát, đầu cha Năm liền đứt và nó cầm đầu ngài tung lên cho các quan xem. Xử ba đấng xong, quan quân kéo về tỉnh. Ông Lý Thi được phép quan đưa xác cha Năm, ông trùm Ðích và ông Lý Mỹ về Kẻ Vĩnh. Những người làng Kẻ Vĩnh ra tỉnh khiêng xác ba đấng ấy về lối cầu Gia Vụ bản, đến Kẻ Thừa thì trời tối. Khi về gần làng Kẻ Vĩnh, dân làng đốt đóm đuốc, đánh trống rầm rã cả lên để ra đón vui vẻ mừng rỡ hết sức. Xác cha Năm được táng tại đầu nhà thờ, còn đầu ngài phải bêu ngoài tỉnh ba ngày, rồi sau cũng đưa về Kẻ Vĩnh, để vào cái vại an táng ở đầu quan tài ngài.

Sau thời bách đạo, nhà chung dựng nhà mồ ở đấy cùng treo câu đối như sau:

Hoành hành nghĩa khí quần gian cụ,

Lẫm lẫm trung thành vạn cổ sư.

Cha Năm chịu tử vì đạo ngày 12.8.1838. Lúc đó ngài được 57 tuổi và làm linh mục được 25 năm [1].

2. Cuộc xưng đạo và tử đạo của ông trùm Antôn Nguyễn Đích,

Ông trùm Antôn Nguyễn Đích bị bắt ngày 3.7.1838, xử trảm ngày 12.8.1838. Ông trùm Ðích, chính tên là Nguyễn Khiêm, sinh năm 1769 tại làng Chi Long xứ Nam Xang, tỉnh Hà Nội. Cha mẹ là người ngoan đạo, thấy họ Chi Long xa nhà thờ thì bỏ họ ấy mà đem con cái cửa nhà đến ở làng Kẻ Vĩnh, nơi có nhà chung, có các linh mục ở gần để tiện bề đi nhà thờ. Ông bà đến làng Kẻ Vĩnh và xin nhập làng Kẻ Vĩnh. Ông Ðích từ đó sinh sống tại làng này, ông lập gia đình với người làng Kẻ Vĩnh và sinh hạ được mười người con. Ông Ðích là người hiền lành thật thà từ nhỏ, chẳng hề cãi mắng buồn giận ai bao giờ, ông không chửi mắng con cái hay nói năng đến vợ bao giờ. Ông cũng chẳng chơi bời, cờ bạc rượu chè mà chỉ chuyên chú làm ăn và giữ đạo. Trong gia đình, sáng tối cả gia đình đều đọc kinh chung với nhau không bao giờ bỏ. Có người đã đến trọ nhà ông, sau này kể lại là chẳng bao giờ trốn được đọc kinh với ông ấy. Về vấn đề đi dự lễ, ông bắt chẳng những con cháu và người nhà phải đi lễ Chúa Nhật mà cả lễ ngày thường, chỉ để lại một hai người ở nhà coi nhà mà thôi. Chính ông làm gương cho vợ con, ông đi lễ hằng ngày và cầu nguyện sốt sắng. Ông ăn chay suốt mùa chay. Hằng ngày ông lần hạt rất nhiều lần.

Ông dạy bảo và giáo dục con cái cẩn thận chẳng nuông chiều con cái. Dù con cái đã lớn khôn hay đã có vợ con, ông vẫn tiếp tục coi sóc răn bảo. Có đứa con nào cứng cổ cứng đầu thì ông đánh đòn răn bảo, chẳng nuông chiều một đứa nào. Các con cái ông nhờ được ông giáo dục mà sau này nên người không một ai hư hỏng. Các con đều có lòng đạo đức như ông. Một gia đình mà có bốn người được phúc tử vì đạo. Con trai ông là ông Lý Thi sau này cũng tử vì đạo dưới thời Tự Ðức năm thứ 11, tại Nam Ðịnh. Một người con khác tên là ông Phó Nhâm chẳng chịu bỏ đạo bị đày lên Cao Bằng và chết rũ tù ở trên đó. Con rể ông là ông Lý Mỹ cũng chịu tử vì đạo với ông. Trước mặt kẻ ngoại thực là một thảm cảnh cho gia đình ông. Nhưng trước mặt kẻ có đạo, thực là một phúc Chúa ban cho ông và gia đình.

Khi con cái đã khôn lớn, ông lo liệu gia đình. Ông không đặt vấn đề giàu sang phú quý mà là lòng đạo. Người nào muốn cưới hỏi con cái ông phải đạo đức. Dù giàu có mà khô khan nguội lạnh ông cũng không gả con cho. Trái lại dù nghèo mà đạo đức thì ông cũng bằng lòng ngay. Chẳng những ông lo dạy con cái đạo nghĩa, mà còn lo cho con cái học hành. Trong nhà ông, ông nuôi thầy đồ để dạy chữ nghĩa cho con cái. Nhà ông cũng không phải nghèo hèn trong làng. Ông rất căn cơ mực thước chăm chỉ làm ăn, nên nhà không bao giờ thiếu thốn. Trong gia đình có con ăn đầy tớ, và ông đối xử rất công bằng. Ông chẳng mang tiếng xấu gì trong làng và cũng chẳng ai trách móc ông được điều gì. Dù ông mới gia nhập làng Kẻ Vĩnh, nhưng uy tín của ông rất lớn. Ông được xếp vào hàng huynh thủ trong làng. Con rể ông làm Lý Trưởng, sau này con trai ông là ông Lý Thi cũng làm Lý Trưởng.

Ông trùm Ðích có lòng kính mến các đấng các bậc tu trì. Ông hay gửi quà biếu xén nhà chung và làm phúc quần áo cho các chú các thầy. Ông chẳng tiếc công tiếc của với các vị tu trì. Có một năm trong nhà chung bị dịch tả, người chết rất nhiều, số còn lại ốm đau. Bấy giờ ngoài làng có một số người tình nguyện rước các thầy về nhà mình để phục thuốc và đôi khi chờ đến khi khỏe hẳn mới cho trở về nhà chung, ông trùm Ðích rước tám thầy về nhà mình để phục thuốc. Về sau, Đức Cha muốn bù tiền phí tổn cơm nước thuốc men cho ông, nhưng ông không chịu nhận. Lúc bị cấm đạo các thầy phải tản mát các nơi, thì ông chứa chấp các thầy tràng nhất (các chú đang học lớp 12) tại nhà ông chừng hai năm. Quả thật can đảm! Vì có sắc chỉ vua ban ra, ai chứa chấp các đấng bậc mà ông bị bắt. Trước kia ông đã chứa Đức Cha Dụ, rồi 3, 4 năm sau lại chứa cha Năm. Thấy lòng tốt của ông, nên các đấng bậc rất tin tưởng thường đi lại nhà ông. Riêng cha Năm đối xử với ông như anh em ruột vậy. Có lẽ Thiên Chúa đã tiền định để cho đôi bạn quý này được cùng chịu khó vì Chúa với nhau. Ông có lòng thương kẻ khốn khó, nhất là những người bị bệnh phong cùi. Ông thương họ cách đặc biệt. Ông thường đến an ủi giúp đỡ họ và khuyên bảo họ vâng theo thánh ý Chúa. Người ở trại phong thường cậy ông mua và lo liệu mọi sự cho họ. Ông trùm Ðích chẳng bao giờ làm trùm họ, nhưng vì lòng đạo, tư cách của ông cũng như vì tuổi tác mà giáo dân đã kính trọng ông và gọi ông là ông trùm.

Ông Đích bị bắt cùng một ngày và một trường hợp nhhư cha Năm. Vì lúc đó gia đình ông đang chứa giấu cha Năm

Thời gian bị giam ở tỉnh, ông Đích bị gọi ra hầu tòa 4,5 lần và bắt ông bỏ đạo. Bắt ép không được, các quan lại khuyên dụ ông: “Ông đã già rồi, con cái cũng đã khôn lớn, có nhà cửa cả, ông hãy quá khóa mà về ở với con cái, thì chẳng vui hơn sao?”

Trước ông trùm Ðích nghĩ đến những hình khổ mình sẽ phải chịu vì đạo thì sợ hãi lắm, dường như muốn sờn lòng. Tuy nhiên cha Năm, ông Lý Mỹ, ông Lý Thi và các con cái yên ủi ông, khuyên bảo ông xưng đạo vững vàng và chịu khổ ít lâu sẽ được Chúa thưởng công vì tử đạo là phúc đời đời, và để gương lại cho con cháu và bổn đạo mọi nơi. Con cháu xin ông đừng quá khóa, kẻo mang tiếng và sinh gương mù gương xấu cho những người khác và lại liều mình mất phúc Thiên Ðàng. Ông được những lời khuyên bảo và an ủi, thì mạnh dạn thưa với quan rằng: “Bẩm lạy quan lớn, về con cái thì mặc con cái, tôi đã lo liệu cho chúng nó rồi. Còn về Ðức Chúa Trời, đã có lẽ tự nhiên buộc tôi phải thờ lạy Người, có lẽ nào tôi lại dám bỏ Người. Quan lớn có tha thì tha, bằng chẳng tha thì chớ đừng ép tôi nữa”.

Có một lần quan truyền khiêng ông qua ảnh chịu nạn: hai tên lính khiêng hai đầu gông, còn hai thằng lính khác thì kéo chân ông đạp vào ảnh, nhưng ông Ðích co chân lên, nên chân không chạm ảnh. Quan truyền đánh ông hai ba lần, nhưng khi quan toan đánh ông thì ông Lý Mỹ thấy cha già nên xin chịu đòn thế cho ông. Quan chấp nhận lời xin của ông Lý Mỹ nên không đánh ông, mà chỉ đánh ông Lý Mỹ. Hơn nữa thấy ông già lão quan cũng không muốn đánh, và cũng chỉ bắt đeo gông nhẹ mà thôi.

Nhưng ông thấy con rể chịu đòn thế mình thì thương con lắm. Có lần thấy con rể bị quan đánh dữ quá, và khi ông Lý Mỹ về tới nhà giam nát cả thịt, máu me chảy ra chan hòa, thì ông trùm nói rằng: “Các quan đánh dữ quá thế này thì con chết mất, chẳng có lẽ nào sống đến ngày xử được”.

Trong án ông trùm, các quan viết tâu vua như sau: “Tên Nguyễn Khiêm xưng ra rằng: 'Tôi 69 tuổi, quê ở làng Vĩnh Trị, có cửa nhà, vợ con và đầy tớ ở đấy, vốn theo đạo Gia Tô và quen biết đạo trưởng Mai Ngũ từ khi còn làm học trò theo tây dương đạo trưởng Giacôbê (Đức Cha Leager). Khi mới có chỉ ra cấm nhặt đạo Gia Tô, đạo trưởng Mai Ngũ đi ẩn đâu thì không biết. Song đến tháng ba (âm lịch) năm nay đạo trưởng ấy đến xin trú nhà tôị Tôi nghĩ tình quen thuộc nghĩa thiết xưa nay thì cho trú, đến ngày 11.5 (âm lịch) các quan đến vây làng Kẻ Vĩnh, thì bắt được đạo trưởng Mai Ngũ ở nhà tôi. Tên Khiêm xin cam chịu tội, chẳng dám phàn nàn. Chúng tôi đã đòi nó ra công đường cùng ra sức dỗ dành khuyên bảo và bắt khóa quá nhiều lần, nhưng mà tên ấy nói rằng: ‘Tôi theo đạo đã lâu, thà chết chẳng thà bỏ đạo’. Vì vậy chúng tôi xét rằng tên Khiêm tin theo đạo Gia Tô dù triều đình đã nghiêm cấm đạo ấy, và nó cũng chẳng chịu bỏ. Chẳng những nó không bắt đạo trưởng Mai Ngũ đem nộp cho quan, mà lại còn chứa cùng giấu trong nhà mình. Dù chúng tôi đã khuyên bảo quá khóa nhiều lần nó cũng không chịu xuất giáo. Vậy tên ấy cố tình bất tuân quốc pháp đã rõ, cho nên chúng tôi luận cho nó phải xử trảm quyết để kẻ khác biết mà sợ”.

Án ông được gửi về triều đình, và ngày 11.8.1838 vua Minh Mệnh châu phê y án. Ngày hôm sau, ông và cha Năm cùng con rể là ông Lý Mỹ bị xử trảm. Trên đường đi đến pháp trường, ông, cha Năm và ông Lý Mỹ rất vui vẻ.

Khi đến pháp trường, cha Năm quỳ xuống cái chiếu mà ông Lý Thi con ông trùm Ðích đã trải sẵn. Ba đấng cầu nguyện một lúc, sau đó quan giám sát dịch loa, tuyên án. Quan truyền xử cha Năm trước rồi ông trùm Ðích sau. Sau hết đến ông Lý Mỹ. Lý hình chém một nhát thì đứt đầu ông.

Sau khi xử tử ông trùm, ông Lý Thi được phép bỏ xác cha vào trong quan tài và khiêng về làng Kẻ Vĩnh. Dân làng ra đón rước xác ba đấng như đi rước, họ đốt đuốc và đóm để nghênh đón xác các ngài. Xác ông trùm được đem về nhà, và để ở nhà 5,6 ngày, sau đó xin cha làm lễ quy lăng và làm phép xác. Cả làng và các làng chung quanh đều đến dự lễ an táng và đưa xác về Kẻ Vĩnh và an táng trong vườn trước cửa nhà ông. Về sau con cái xây mộ ở đấy.

3. Cuộc xưng đạo và tử đạo của ông lý trưởng Micae Nguyễn Huy Mỹ

Ông lý trưởng Micae Nguyễn Huy Mỹ bị bắt ngày 3.7.1838, xử trảm ngày 12.8.1838. Ông Micae Lý Mỹ sinh năm 1804 tại trại Ðại Ðăng, giáp tỉnh Vạn Sang nay là tỉnh Ninh Bình. Ông Mỹ là trưởng nam, tên thật ông là Nguyễn Huy Diệu, khi ông lên 10 tuổi thì cha mất, rồi hai năm sau mẹ ông cũng qua đời. Ông và các em ở với người dì. Tuy nhà khó khăn thiếu thốn, nhưng bà dì vẫn liệu cho các cháu ăn học chữ nho. Ông Mỹ học sáng dạ và chăm chỉ học hành. Gia đình ông Lý Mỹ đến lập nghiệp tại làng Kẻ Vĩnh. Ở đấy ông kết hôn với cô Miện con gái ông trùm Ðích. Hai ông bà sinh được tám người con. Ông Lý Mỹ cũng có học qua nghề thuốc và có làm nghề thuốc ít nhiều. Từ bé, ông Mỹ đã có nét nghiêm nghị, khác hẳn với những trẻ đồng tuổi. Ông chẳng những siêng năng đi lễ đi nhà thờ, sớm tối đọc kinh, mà đôi khi người ta còn thấy ông đọc kinh lần hạt riêng một mình ngoài xó vườn.

Sau khi lập gia đình, ông càng ngoan đạo hơn nữa. Bà Lý Mỹ nói rằng: “Ông ấy rất siêng năng đọc kinh tối sớm, dù lúc trong nhà làm công việc cũng chẳng bỏ đọc kinh hay đọc kinh vắn tắt bao giờ. Tối nào vợ con hay đầy tớ bận bịu, hoặc phải làm việc cần nào khác ở nhà, ông bắt đọc kinh chung với nhau trước và đọc sách cho chúng tôi nghe nữa. Ông ấy xưng tội chịu lễ một năm bốn năm lần. Khi toan đi xưng tội, ông xét mình trước hai ngày cùng biên tội mình vào giấy kẻo quên”.

Vợ chồng con cái đầy tớ chẳng những đi lễ các ngày lễ cả, mà cả các ngày thường nữa. Trong mùa chay ông ăn chay một tuần hai ngày, thứ Tư và thứ Sáu. Vợ chồng hòa thuận thương yêu nhau. Ông ăn ở hiền lành với vợ con chẳng bao giờ nặng lời với vợ con. Vợ chồng ông chẳng cãi mắng nhau bao giờ. Trong suốt 18 năm trời vợ chồng ăn ở với nhau chỉ có một lần ông Lý Mỹ đánh bà ấy ba cái vì bà ấy lười không chịu đọc kinh. Bà Lý Mỹ nói rằng vợ chồng chỉ mất lòng nhau có một lần ấy mà thôi. Bà Lý Mỹ lại nói rằng: “Tôi chẳng thấy ông ấy uống rượu, đánh bạc hay là chửi bao giờ, chỉ chuyên một việc làm ăn, săn sóc cửa nhà và giữ đạo”.

Mọi người trong làng đều coi ông như gương lành để bắt chước. Có lần trai tráng trong làng Kẻ Vĩnh đến hầu cụ Phê, thì cụ bảo chúng nó rằng: “Chúng con hãy soi gương bắt chước ông đồ Diệu (ông Lý Mỹ), vì ông ấy thật là người có nết na hẳn hoi và giữ đạo sốt sắng”.

Lần kia khi thầy đồ có đạo đã dạy ông Mỹ ngày trước qua đời, các học trò ngoại đạo muốn an táng thầy theo kiểu ngoại đạo, nhưng ông Lý Mỹ không bằng lòng. Dù học trò ngoại đạo là đàn anh trưởng tráng, và số học trò ngoại đông hơn mặc lòng, ông Mỹ nhất quyết phản đối và rước các thầy kẻ giảng về đưa xác ông đồ như phép đạo quen làm.

Ông Mỹ thương kẻ khó, và bố thí cho họ. Có năm mất mùa, thiên hạ đói khổ, ông truyền nấu cháo cho kẻ khó ăn, vì ông sợ cho gạo, họ sẽ ăn xong và đau bụng mà chết.

Tuy còn trẻ, nhưng tư cách và uy tín của ông đáng kính phục. Ông là người sắc sảo giỏi giang, ông ăn ở chính trực và ăn nói lý sự. Có lần trong làng khuyết một chân cai tổng, lý trưởng trong làng đến nhà ông xin ông ra làm việc chung, nhưng ông không chịu. Về sau ông lại được bầu làm lý trưởng, ông cũng không nhận. Ðức cha Dụ phải khuyên bảo ông nhận làm lý trưởng để bênh đỡ nhà chung và giữ dân trong thời buổi cấm đạo ông mới vâng lời ra làm lý trưởng.

Trong thời gian làm lý trưởng, ông điều hành rất giỏi. Ðức cha Liêu sau này làm chứng rằng nhà chung và dân làng nhờ ông rất nhiều. Ông chẳng ăn bớt của dân chút nào mà có khi còn bỏ của nhà ra làm việc chung. Người ta kiện cáo nhau hay con cái kiện tụng chia của đều đến với ông Lý Mỹ, vì ông xử sự rất công bằng. Khi đã lo liệu việc gì cho ai mà họ đem lễ vật đến tặng dù ít dù nhiều ông cũng không nhận. Người ta có biếu ông một hai trăm cau ông mới nhận, mà chẳng tạ gì cũng chẳng sao.

Khi phải sửa phạt dân, ông đánh đòn sửa phạt thẳng thắn chẳng thiên vị một ai. Cho nên dù ở trong làng hay ở ngoài đồng chẳng ai lấy trộm của ai. Cả hàng tổng đều khen ngợi làng Kẻ Vĩnh nghiêm hơn các làng khác. Ban đêm ông Lý Mỹ đi dọ bắt những kẻ đánh bạc. Có lần ông bắt bạc, và trong số bị bắt có người đầy tớ riêng của ông ở trong số đó. Anh này kể lại: “Một lần ông ấy bắt được tôi cùng ba anh nữa đang đánh bạc, ông ấy đánh mọi người 40 roi, còn phần tôi là đầy tớ riêng ông ấy nên ông ấy đánh 60 roi”.

Những người đàn bà hay la lối chửi rủa, ông cũng đánh. Trong làng Kẻ Vĩnh có người đàn bà hoang thai đã hai lần, đền lần thứ ba có người bàn với ông Lý Mỹ đuổi bà ta ra khỏi làng, nhưng ông Lý Mỹ không nghe lại nói rằng: “Phải để nó ở đây, hoặc sau này nó ăn năn sửa mình lại chăng. Nếu đuổi nó đi, nó sẽ đi với kẻ ngoại đạo mà mất linh hồn”.

Thấy cách xử sự của ông với người ngoại tình ai cũng khen ông có tính thương người, chỉ mong cho người ta sửa mình. Khác hẳn với cách phạt của các làng bên ngoài là gọt đầu bôi vôi và thả bè trôi sông cho chết. Khi cần phải sửa phạt ai, ông không phạt vì nóng giận hay gắt gỏng. Ông ấy vừa truyền đánh người ta vừa nói truyện vui vẻ như thường, coi như đó là phép tắc phải vậy.

Có nhiều người có đạo khi chưa làm quan thì đạo đức, sau khi ra làm quan lại bỏ bê việc đạo, hoặc lấy lẽ bàn việc chung rồi bỏ bê việc đi nhà thờ, xưng tội rước lễ. Trái lại, ông Lý Mỹ dù đang làm lý trưởng ông vẫn đọc kinh đi lễ như khi trước. Ông chẳng những coi sóc việc đời mà còn làm gương việc đạo nữa. Ở làng Kẻ Vĩnh, theo tục lệ ai làm lý trưởng thì cũng đứng đầu phiên tuần. Tối nào, ông Lý Mỹ cũng bắt những người phiên tuần họp nhau đọc kinh tối rồi mới cho đi canh gác. Trong tuần làm phúc, ông đích thân đi khám xét xem các trẻ em có đi học đầy đủ không. Kẻ khô khan không đi xưng tội vì lấy lẽ nghèo đói không có giờ mà dọn mình, ông ấy gọi đến nhà cho ăn uống, rồi bắt đi xưng tội. Có người nói rằng khi ông làm lý trưởng ông luôn khuyên bảo dân làng phải đi xưng tội. Với các bậc đàn anh trong làng ông cũng khuyên bảo giục giã họ đi xưng tội, còn những kẻ đàn em thì ông lấy quyền để dọa ép vào tòa giải tội. Có lần trong mùa chay, ông mời hàng xã đến nhà ông ăn uống và bàn việc làng. Ðang bữa tiệc, ông cũng khuyên bảo giục giã mọi người đi xưng tội trong mùa chay. Ông dọa nếu những người trong làng mà không đi xưng tội thì ông sẽ nộp sổ với bề trên, còn kẻ đến trú ẩn trong làng mà không đi xưng tội thì ông sẽ đuổi ra khỏi làng.

Ðối với những người tu trì, ông Lý Mỹ rất khiêm nhường tôn kính. Ông còn khuyên những người khác phải tôn kính các người đã dâng mình cho Chúa. Dưới thời cấm đạo, nhà chung Kẻ Vĩnh phải tản mác, các tu sĩ và giáo sĩ ẩn núp trong làng Kẻ Vĩnh dưới sự che chở của ông. Có lần quan đến vây làng khi Đức Cha và các cha đang ẩn ở trong làng chưa kịp chạy. Ông Lý Mỹ gân góc không sợ gì, ông ra kinh dẫn các quan khám mỗi nhà, làm bộ như ông rất nhiệt thành tuân theo chỉ thị của vua đi lùng bắt các giáo sĩ, nhưng kết cuộc chẳng bắt được một đấng nào. Ông còn luôn luôn khuyên bảo mọi người phải ăn ở và tin vững vàng trong thời cấm cách này. Có một lần ông vào trong nhà các bà dòng, và bảo các nữ tu rằng: “Bây giờ vua cấm đạo thì cũng như là khóa thi Ðức Chúa Trời ra, cho nên ta phải ý tứ và ăn ở cho vững vàng”.

Khi ông Trịnh Quang Khanh bắt lính Công Giáo trong tỉnh Nam Ðịnh phải bỏ đạo, lúc đó ông Lý Mỹ đang phụ trách việc đê điều ở nơi xa. Ông liền gửi thư cho bốn người lính của làng Vĩnh Trị đang ở tỉnh khuyên họ: “Xin anh em chịu khó, đừng quá khóa, chẳng mấy ngày nữa tôi sẽ về nhà, và tôi sẽ ra với anh em”.

Ông Lý Mỹ vẫn ao ước được phúc tử đạo từ lâu. Có lần ông hỏi bà Lý Mỹ rằng: “Nếu ta được phúc tử vì đạo, thì mẹ nó có bằng lòng chăng?”

Bà Mỹ đáp lại rằng: “Thày nó được phúc trọng ấy, thì tôi bằng lòng lắm chứ”.

Ông Lý Mỹ nghe như thế thì bằng lòng lắm. Thực là một cử chỉ anh hùng và hy sinh vì Chúa của bà Mỹ. Ông nói lời trên với vợ ngày hôm trước thì hôm sau quan đến vây làng và ông bị bắt.

Ðược tin quan quân đến làng, ông Lý Mỹ đã linh cảm có gì xảy ra, nên cho người báo với ông trùm Ðích: “Cha con ta đồng sinh đồng tử với nhau, việc Ðức Chúa Trời định đã đến rồi”.

Ông Trịnh Quang Khanh còn cho đòi các tráng đinh từ 18 tuổi trở lên phải điểm danh tại đình làng. Ông còn bảo kỳ mục trong làng rằng: “Bao nhiêu đạo trưởng trong làng thì phải nộp hết, bằng không thì mất đầu”.

Ông Lý Mỹ thưa lại quan: “Bẩm lạy quan lớn, quan lớn đến dân chúng tôi, quan lớn khám bắt được đạo trưởng hay là đồ đạo, thì tôi xin nộp đầu”.

Lý trưởng thưa quan lớn xong, quan truyền ông phải làm giấy và ký tên vào.

Ðang khi ông Lý Mỹ cùng quan làm giấy tờ, thì lính đã bbắt được cha Năm và ông trùm Đích và dẫn đến trước mặt quan. Bấy giờ quan gọi ông Lý Mỹ tới trước mặt và nói: “Tờ giấy này mày tính làm sao?”

Ông Lý Mỹ thưa vững tiếng rằng: “Bẩm quan lớn, tôi xin chịu tội”.

Quan lại hỏi ông: “Làm sao mày dám khinh mạn phép vua như vậy?”

Ông Mỹ đáp lại: “Bẩm lạy quan lớn, nếu quan lớn thương thì chúng tôi nhờ hồng phúc của quan lớn, bằng quan lớn bắt tội thì chúng tôi cam chịu”.

Bấy giờ quan tức giận truyền nọc ông Lý Mỹ ra đánh 40 roi đòn. Ông đau lắm song can đảm không kêu than một tiếng nào. Quan đánh xong mới truyền đóng gông giải cả ba người lên tỉnh. Ðến trưa về tới đồn Lục Bộ, quan lại hỏi ông có bỏ đạo không thì cho về, nhưng ông nhất định không chịu bỏ đạo. Ở Lục Bộ, một người huynh thứ trong làng Kẻ Vĩnh đến bàn với ông về việc hối lộ để chuộc ông ra, nhưng ông Lý Mỹ không chịu lại nói rằng: “Xin cám ơn dân có lòng, dân có lòng thì trả ơn dân, nhưng đừng chạy chuộc tội, xin để tiền ấy mà giúp vợ con tôi và làm bữa mừng khi đem xác tôi về”.

Khi đến tỉnh Nam Ðịnh, ông Lý Mỹ cũng bị giam một trại với cha Năm, và ông trùm Ðích. Về phần cha Năm các quan biết ngài là đạo trưởng, nên sau mấy lần khuyên nhủ mà vẫn thấy ngài vững lòng nhất định không bỏ đạo, nên cũng chẳng giục ép ngài nữa. Còn ông trùm Ðích đã già nua nên quan cũng không muốn làm khó ông nữa. Chỉ có ông Lý Mỹ bị hành hạ khổ sở hơn hết vì các quan thấy ông còn trẻ trung lại có tài mới ra mật lệnh đánh đập để cho ông sợ mà đành chịu bỏ đạo. Vì thế ông bị hành hạ rất khổ sở trước khi ông bị xử trảm. Ông chẳng những chịu đòn phần mình mà còn vì thương cha vợ là ông trùm Ðích, ông xin chịu đòn thế cho ông trùm. Tính ra ông phải bị đánh đến hơn 500 roi đòn, hai mông rách nát cả thịt ra chẳng còn nơi đâu lành. Cổ chân cổ tay sưng đầy lên vì nọc thẳng quá, và còn bị đeo gông cùm nặng nề. Tuy bị đòn đau như thế mà ông vẫn can đảm không kêu ca. Ðến nỗi có quan phải thốt lên: “Thằng này chết đoạn sẽ làm thành hoàng đất của nó. Thằng này chẳng phải là người vừa đâu”.

Ngoài ra các quan còn làm hết cách để dụ dỗ ông. Có khi dụ dỗ cùng lúc với cha Năm và ông trùm Ðích, có khi thì dụ dỗ riêng một mình ông. Có lần quan bảo ông: “Mày là thằng giỏi giang lại trẻ tuổi, lý sự và coi sóc dân làng giỏi, ai cũng được nhờ, sao mày dại mà chẳng chịu quá khóa đi?”

Ông Mỹ thưa lại: “Sao tôi lại dại? Khi chưa có tôi thì đã có dân, thế thì ai coi sóc dân lúc bấy giờ? Nhưng mà linh hồn tôi thì tôi phải coi giữ, cho nên tôi chẳng bỏ linh hồn tôi mà nghe lời quan đâu”.

Quan lại bảo: “Sao mày chẳng thương vợ con? Con cái còn bé mọn yếu đuối, sao mày nỡ quên tình cha mà không thương con thế vậy? Dù chúng tao chỉ nghĩ tới hay trông thấy chúng nó thì cũng xót còn mày mê man làm sao mà chẳng quá khóa đi?”

Ông Lý Mỹ thưa lại quan: “Tôi tính sao hả? Tôi có mê đâu! Vợ con là của Ðức Chúa Trời phó cho tôi, tôi coi sóc dạy dỗ khi có thể làm được. Mà bây giờ Ðức Chúa Trời định cho tôi ở trong tay quan lớn, thì tôi cũng phải vâng ý Người, cũng như vợ con tôi phải vâng ý tôi. Sao ông lại bảo lăng nhăng xàng xiên rằng tôi phải bỏ đạo, bỏ Ðức Chúa Trời là phải lẽ sao?”

Có một lần quan truyền cho lính kéo ông qua ảnh thánh giá. Quân lính lôi ông qua và reo lên: “Anh này quá khóa rồi”.

Lúc đó ông Lý Mỹ kêu lên: “Bẩm lạy quan lớn, ông lớn kéo voi qua thập tự thì cũng được, nhưng mà chúng tôi nhất định không chịu bước qua Chúa chúng tôi thờ đâu!”

Thấy ông trả lời khôn ngoan, các quan lại càng bực tức làm như chẳng lẽ mình lại thua một thằng tù. Các quan càng ra lệnh hành hạ ông hơn nữa. Có lần đến trước quan án, mà quan cứ giục ông phải bỏ đạo, nên ông nói chọc quan lớn: “Giả như giặc giã đến đây mà truyền cho chúng tôi đập đầu quan lớn để chúng tôi được sống, thì chúng tôi dám làm, nhưng Chúa chúng tôi thờ thì chúng tôi chẳng dám làm đâu”.

Quan nghe vậy tức giận quá, liền cầm cái quạt ném vào mặt ông trúng vào con mắt ông, ông đau đớn quá ngã xuống sân.

Lần khác quan hỏi ông Lý Mỹ: “Thiên Ðàng là gì?”

Ông Lý Mỹ chẳng cắt nghĩa Thiên Ðàng là làm sao, chỉ thưa với quan rằng: “Lát gươm quan lớn ban cho tôi là đường đi lên Thiên Ðàng đấy”.

Có lần khác quan thương tình khuyên bảo ông: “Mày còn trai tráng, và giỏi giang. Mày đã làm lý trưởng, nếu biết điều mày cũng có thể trở nên giàu sang, và được phong lưu sống lâu. Mày hãy quá khóa đi, thì được về nhà ở với vợ con. Nhiều kẻ khác đã quá khóa rồi, sao mày chẳng bắt chước chúng nó quá khóa, khi về nhà thì mày muốn giữ đạo thế nào cũng được”.

Ông Lý Mỹ thưa lại quan: “Bẩm lạy quan, tôi đã xem sách đạo và hiểu lẽ đạo, tôi đã biết đạo Ðức Chúa Trời là đạo thật cho nên tôi không thể bỏ được. Giả như có ai bảo quan lớn đập đầu Ðức Hoàng Ðế đã ban quyền cao chức trọng cho quan, ắt là quan lớn chẳng dám làm. Vậy tôi dám đạp ảnh Ðức Chúa Trời là Chúa tôi thờ làm sao được? Tôi chẳng tiếc sự sống hèn sống tạm ở đời này, vì thế nào tôi cũng phải chết. Nếu chẳng chết trước thì cũng chết sau. Còn về của cải chức quyền thì xin quan lớn biết rằng chẳng có chức quyền và của cải nào sánh bằng phúc trọng tôi sẽ được chết vì đạo. Tôi vốn thương vợ con tôi lắm, nhưng tôi sẵn lòng lìa bỏ họ vì tôi biết rằng Ðức Chúa Trời sẽ coi sóc chúng nó, và ngày sau sẽ cho tôi được gặp họ trên Thiên Ðàng. Quan lớn dạy rằng có nhiều người bỏ đạo. Vậy những thằng lính vì sợ giặc bỏ chạy cũng bỏ thầy mình thì có ra gì? Tại sao quan lớn lại dạy tôi bắt chước chúng nó?”

Bà Lý Mỹ có lần bế con mới sinh được mấy tháng ra tỉnh thăm chồng cũng yên ủi khuyên bảo chồng chịu khó cho trọn, đừng lo cho vợ con làm chi. Vì nhờ ơn Chúa giúp sức thì mình cũng có thể ra sức dạy dỗ chúng nó được. Con gái lớn ông tên là Mỹ, mới 12 tuổi, đi trộm mẹ ra tỉnh mất gần nửa ngày trời để thăm cha trong ngục. Nó phải qua 2,3 lần cửa lính canh rất ngặt. Ðến gặp ông, nó thưa ông rằng: “Xin cha hãy chịu khó chịu chết vì đạo”.

Ðứa con trai ông lên 9 tên là Tường, nhỏ quá không lên thăm bố được, nên nhắn những người lên tỉnh thăm cha thưa rằng: “Xin cha đừng có quá khóa, cứ vững lòng xưng đạo ra và chịu chết vì đạo, đừng lo đến chúng con làm chi”.

Thật là một hồng phúc cho ông. Mọi người thân yêu đều có lòng tin mạnh mẽ, khuyến khích ông can đảm chết vì Chúa. Thấy vợ con có lòng sốt sắng và đạo nghĩa như vậy, ông rất an ủi. Ông nhắn bảo con cái ở nhà giữ đạo cho vững vàng và trông cậy Ðức Chúa Trời thương xem phù hộ cho. Những người ra thăm ông tại nhà tù, ông cũng khuyên bảo họ giữ đạo hẳn hoi. Ông chẳng hỏi thăm tin tức trong làng thế nào, cũng chẳng nói truyện trò nào khác. Thấy cha vợ là ông trùm Ðích đã già yếu, lại có tính sợ đòn, phàn nàn không biết có bền vững chịu các hình khổ không, thì ông Lý Mỹ khuyên cha vợ: “Cha đã già rồi, lại yếu đuối, chẳng trông sống được bao lâu nữa, nếu cha chẳng chết vì đạo khi này, thì chẳng bao lâu nữa cha cũng chết bệnh. Nhưng nếu cha chết vì đạo, thì sẽ làm sáng danh đạo và sẽ được phúc thanh nhàn vui vẻ trên Thiên Ðàng đời đời. Nếu cha xuất giáo mà về nhà phải chết bệnh thì sẽ mang tiếng là kẻ bỏ đạo cùng liều mình mất linh hồn. Giả như có ai mến tiếc sự sống đời này, thì phải là con, vì con còn trẻ tuổi, khỏe mạnh. Nhưng con chẳng tiếc sự sống, lại vui lòng bỏ sự sống cho danh Ðức Chúa Trời được cả sáng. Con cái cha đã lớn rồi. Cha có sống ở với chúng nó thì cũng chẳng giúp chúng nó được việc gì. Nếu cha chết vì đạo thì sẽ làm gương sáng cho chúng nó và làm cho chúng nó được trọng trước mặt người ta. Vợ con còn trẻ tuổi, bốn đứa con của con còn bé dại chưa làm được gì mà ăn, nhưng con tin thật Ðức Chúa Trời đã sinh chúng nó ra, thì người cũng sẽ nuôi chúng nó nữa. Vả lại khi con đã được lên Thiên Ðàng thì con sẽ cầu nguyện cho chúng nó. Khi cha nghĩ đến những đòn vọt cha phải chịu chỉ lo sợ chẳng biết có chịu được chăng, song cha đừng lo, đừng sợ làm chi. Vì con sẽ chịu đỡ cho cha. Vậy xin cha hãy cứ vững lòng xưng đạo ra cùng làm chứng cho thiên hạ biết ta là kẻ tin cùng giữ đạo thật lòng và ta sẵn lòng chịu chết vì Ðức Chúa Giêsu đã chịu chết cho chúng ta”.

Ông Lý Mỹ nói thế nào thì giữ như vậy. Hễ lần nào quan toan đánh ông Ðích thì ông lại xin quan: “Lạy quan lớn, cha tôi già nua tuổi tác cùng yếu đuối, xin quan lớn tha cho cha tôi, tôi xin chịu đòn thay cho cha tôi”.

Quan thấy ông có lòng hiếu thảo, thì ưng tha cho ông trùm Ðích và đánh ông Lý Mỹ. Có lần ông Mỹ chịu đòn thay cho ông trùm Ðích về, thì nói với ông trùm Ðích rằng: “Lạ thay bởi ơn Ðức Chúa Trời thương, khi quan đánh, thì con không thấy đau là mấy”.

Ông nói vậy, nhưng mọi người đều biết rõ ông bị đòn rất đau. Khi về đến ngục, quần áo ông đã rách nát hết và máu me chảy đầm đìa cả. Thấy con chịu đòn thay mình đau đớn như vậy, ông trùm Ðích rất thương con. Cha Năm, ông trùm và ông Lý Mỹ nhất quyết đổ máu mình ra vì Chúa. Ba ngày trước khi xử, ông Lý Mỹ nói rằng: “Các đau đớn đã khỏi cả chỉ trừ có một chỗ đau chưa khỏi mà thôi.”

Có người đến thăm ông đem ý nghĩ liệu cách để cho ông được tha, ông liền mắng lại: “Ai khiến các anh đến thăm tôi mà nói những điều càn dở như vậy? Tôi có về thì các anh sẽ khóc, nhưng khi đem xác tôi về làng, thì các anh sẽ mừng”.

Các quan thấy khuyên nhủ ông bỏ đạo cũng vô ích, nên làm án tâu vua rằng: “Chúng tôi đã xét việc tên Mỹ là lý trưởng xã Vĩnh Trị, tên ấy xưng mình sinh bởi cha mẹ có đạo ở xã Vĩnh Trị. Năm nay 34 tuổi, và làm lý trưởng từ năm Ðức Hoàng Ðế thập lục niên. Tên ấy xưng mình có đạo, cam lòng chịu tội, chẳng dám phàn nàn. Chẳng những nó không bắt nộp đạo trưởng Mai Ngũ, lại còn giấu ông ta ở xã mình. Dù chúng tôi đã khuyên bảo cùng bắt ép quá khóa nhiều lần, nó cũng không chịu, nó cứ một mực chấp mê bất khẳng quá khóa, đó là bất tuân quốc pháp. Cho nên chúng tôi luận cho nó phải xử trảm quyết để làm gương cho kẻ khác sợ”. Vua chuẩn y án này.

Ngày 11.8.1838 án đến tỉnh Nam Ðịnh, và ngày hôm sau ông Lý Mỹ, cha Năm, và ông trùm Ðích cùng bị xử trảm ở pháp trường Bảy Mẫu. Các ngài đã chuẩn bị và dọn mình kỹ lưỡng nên được tin ấy các ngài vui mừng hết sức. Khi đi chịu chết ông Lý Mỹ vui mừng, nhanh chân nhẹ bước đi trước, vừa đi vừa chào hỏi mọi người. Miệng ông hát kinh tạ ơn Ðức Chúa Trời, tay ông gõ nhịp cùng rung xiềng xích tỏ ra rất vui vẻ. Kẻ ngoại đạo thấy ông mặt mũi vui tươi hớn hở thì khen ông là người anh hùng can trường. Trên đường đi ông gặp ông cả Thâu là anh em họ, con chú bác. Ông Thâu nói với ông Mỹ: “Anh Lý hãy vững vàng nhé”.

Ông Mỹ thưa lại: “Anh hãy yên trí tôi chẳng có sợ đâu”.

Ðến nơi xử, ba đấng quỳ trên chiếc chiếu mà ông Lý Thi con ông trùm Ðích trải sẵn. Các ngài cầu nguyện. Sau khi đọc bản án từng người, quan truyền lệnh xử tử tù nhân. Ông Lý Mỹ xin quan xử cha Năm và ông trùm Ðích trước. Quan ưng thuận lời xin của ông. Sau khi xử hai đấng, tên lý hình đòi ông Lý Mỹ năm quan tiền thì sẽ xử một nhát mát mẻ. Nhưng ông bảo rằng: “Năm quan tiền để làm phúc cho kẻ khó, chẳng có tiền cho chú mình đâu, muốn băm vằm thế nào thì mặc”.

Lý hình bực tức, chém một nhát trượt không đúng, chỉ đứt một miếng thịt nơi cằm, ông Lý Mỹ ngã xuống. Mãi đến nhát thứ năm mới đứt đầu.

Ông bị xử ngày 12.8.1838. Sau khi xử tử, quan cho phép ông Lý Thi được khiêng xác ba đấng về làng Kẻ Vĩnh. Ðến đêm xác mới về tới làng. Dân làng và các làng bên đốt đuốc và đánh trống ra đón rước xác các ngài về rất vui vẻ mừng rỡ như ngày hội. Sau này bớt cấm đạo Đức Cha và nhà chung cùng bổn đạo hay ra viếng mồ ba đấng. Mỗi khi có lễ trọng và lễ quan thầy Đức Cha, giáo dân lại đến viếng xác ba đấng. Dân chúng đến lần hạt và ngắm Ðàng Thánh Giá. Trong ba đấng thì dân chúng quý ông Thánh Mỹ hơn cả. Ðúng như lời các quan đã tiên đoán về ông: “Tên này sau khi chết sẽ làm thành hoàng đất nó” [3].