Sunday, 29 March 2020 15:44

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Sống Gương Mẫu Bốn Đức Tính: Cần - Kiệm - Liêm - Dũng Featured

Lm. Mai Đức Vinh

 

Nói về ‘tính tình của dân tộc Việt Nam’ là đề cập đến một vấn đề bao la và tế nhị, dù có nhìn dưới nhiều góc độ, vẫn không diễn tả hết được. Điều đó dễ hiểu, vì dân tộc Việt Nam sống trong một chiều dài lịch sử và văn hóa với bao nhiêu biến cố thăng trầm, bao nhiêu tầng lớp góp thành, bao nhiêu ảnh hưởng to lớn về tôn giáo và xã hội… Tuy nhiên, những ai chuyên chú tìm hiểu, cũng có thể cho chúng ta một cái nhìn tổng quát với những mốc điểm nhận ra ‘những tính tình nổi bật của con người Việt Nam’. Rồi từ những mốc điểm nổi bật ấy chúng ta nhận ra ‘các Thánh Tử Đạo Việt Nam là những công dân gương mẫu, làm rạng ngời những đức tính hay những bản sắc cao đẹp, tích cực và cốt cách của dân tộc Việt Nam’. Vậy, ‘Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, những người công dân gương mẫu’ về bốn đức tính cơ bản ‘Cần, Kiệm, Liêm, Dũng’, là chủ đề chúng tôi muốn trình bày trong chương sách này qua hai phần chính:

• Những nhận xét chung về tính tình hay bản sắc của người Việt Nam.

• Nói riêng về bốn đức tính ‘Chuyên Cần’ – ‘Tiết Kiệm’ – ‘Liêm Chính’ – ‘Dũng Cảm’

A. NHỮNG NHẬN XÉT CHUNG VỀ TÍNH TÌNH, BẢN SẮC CỦA NGƯỜI VIỆT NAM.

1. Hoài Nam Vương Lưu An, trong sớ dâng lên vua nhà Hán, đã nhận xét về tính tình của dân Lạc Việt như sau: “Việt là đất ngoài cõi. Dân cắt tóc vẽ mình, không thể lấy pháp độ của nước đội mũ mang đai mà trị được… Đất ấy không thể ở được, dân ấy không thể chăn được… và người Việt khinh bạc, tráo trở, không theo pháp độ, không phải mới có một ngày”. Đọc kỹ những câu trên, chúng ta có thể hiểu được rằng: Không thể xâm chiếm nước Việt Nam, không thể khuất phục dân tộc Việt Nam, không thể đem văn hóa, pháp luật của nước Trung Hoa để áp đặt lên họ được. Nói khác, người Việt Nam có lòng tự hào dân tộc cao, từ lâu đã có thái độ khinh bạc đối với dân tộc ‘đội mũ mang đai’ tức là nước Trung Hoa, họ lại rất cân nhắc, mưu lược, khi cần họ hòa hoãn, nhưng khi có sức, họ sẽ quay mũi giáo chống lại nhà Hán (Trung Hoa) (1).

2. Đến đời nhà Trần (1225-1400), trong cuốn ‘Annam chí lược’, sử gia Lê Tắc đã nêu lên những đặc điểm của người Việt Nam như sau: “Đàn ông lo làm ruộng, đi buôn; đàn bà nuôi tằm, dệt vải. Cách nói phô hiền hòa, ít lòng ham muốn. Người ở khác xứ trôi nổi đến nước họ, họ niềm nở hỏi thăm, bày tỏ tình thương mến. Người sinh ra ở Giao Châu và Ái Châu (từ Thanh Hóa trở ra), thì quảng đại, có mưu trí; người Châu Hoan, Châu Diễn (Nghệ An, Hà Tĩnh) thì tuấn tú, hiếu học, thật thà, đôi khi khờ dại… Vì trời nóng, dân ưa tắm ở sông nên họ chèo đò lội nước rất giỏi; Ngày thường họ không đội mũ, đứng thì vòng hai tay, ngồi thì xếp bằng hai chân cách lễ độ… Yết kiến tôn trưởng thì quỳ xuống lạy ba lạy. Tiếp khách thì đãi trầu cau cách lịch thiệp. Tính ưa ăn dưa, mắm và cá biển. Họ nghiện rượu nhiều nên người gầy yếu…” (2).

3. Cha Cadière quen gọi là cố Cả, sinh ra tại Aix-en-Provence năm 1869 và đến Việt Nam năm 1892. Kể từ đó cha đã miệt mài nghiên cứu những gì liên quan đến người Việt Nam: tôn giáo, lịch sử, ngôn ngữ, kiến trúc, phong tục và tâm tính… Càng nghiên cứu và sống gần với người Việt Nam, nhất là với dân đồng quê, cha càng cảm phục và yêu mến, gắn bó với họ. Cha Cadière đã viết: “Tôi yêu mến người Việt Nam vì trí thông minh, nhạy bén trong suy nghĩ. Tôi đã làm thày giáo, đã từng giám khảo thi cử, nên về vấn đề này, tôi có thể đưa ra những phán đoán có nền tảng… Tôi yêu mến họ vì những đức hạnh tinh thần. Đặc biệt những người dân đồng quê Việt Nam, tôi thấy họ giống những người nông dân Pháp cách lạ lùng…, họ có những tình cảm cao cả, tình yêu thương sâu đậm của gia đình, giúp đỡ và tương trợ lẫn nhau, chuyên cần trong công việc, nhẫn nhục trong cuộc sống nghèo hèn và khổ cực mỗi ngày… Tôi cảm phục niềm vui sống, sự vui vẻ, tâm trí hồn nhiên…” (3).

4. Sử gia Lệ Thần Trần Trọng Kim, trong cuốn I của bộ ‘Việt Nam Sử Lược’, đã nêu lên về phong tục, bản sắc, tính tình người Việt như sau: “Về đàng trí tuệ và tính tình, thì người Việt Nam có cả tính tốt và các tính xấu. Đại khái thì trí tuệ thông minh, học chóng hiểu, khéo chân tay, nhiều người sáng dạ, nhớ lâu, lại có tính hiếu học, trọng sự học thức, quý sự lễ phép, mến điều đạo đức: lấy sự nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, làm năm đạo thường cho sự ăn ở. Tuy vậy vẫn hay có tính khôn vặt, cũng có khi quỷ quyệt, và hay bài bác chế nhạo. Thường thì nhút nhát, hay khiếp sợ và mến sự hòa bình, nhưng nếu ra trận mạc thì cũng có can đảm, biết giữ kỷ luật. Tâm địa thì nông nổi, hay làm liều, không kiên nhẫn hay khoe khoang và ưa trương bề ngoài, ham danh vọng, mê chơi cờ bạc, thích chơi bời. Hay tin ma quỷ, sùng sự lễ bái, nhưng không nhiệt tín tôn giáo nào cả. Kiêu ngạo và hay nói khoác, nhưng có lòng nhân, biết thương người hay nhớ ơn. Đàn bà thì cần mẫn, chăm làm việc và đảm đang, khéo chân, khéo tay, làm được đủ mọi việc, nhất là biết lấy việc gia đạo làm trọng, hết lòng chiều chồng, nuôi con, thường giữ được các đức tính rất quý là tiết nghĩa, cần kiệm. Người Việt Nam từ Bắc chí Nam, đều theo một phong tục, nói một thứ tiếng, cùng giữ một kỷ niệm, thật là một cái tính đồng nhất của dân tộc từ đầu nước đến cuối nước” (4).

5. Ông Đào Duy Anh, trong cuốn ‘Việt Nam Văn Hóa Sử Cương’ xuất bản năm 1938, nhận định rằng: “Về tính chất tinh thần thì người Việt Nam đại khái thông minh, nhưng xưa nay thấy ít người có trí tuệ lỗi lạc phi thường. Sức ký ức thì phát đạt lắm, mà giàu trí nghệ thuật hơn trí khoa học, giàu trực giác hơn luận lý. Phần nhiều có tính ham học, thích thành sáo và hình thức hơn là tư tưởng hoạt động. Não tưởng tượng thường bị não thực tiễn hòa hoãn bớt, cho nên dân tộc Việt Nam ít người mộng tưởng, mà phán đoán thường có vẻ thiết thực lắm. Sức làm việc khó nhọc, nhất là người miền Bắc, thì ít dân tộc bì kịp. Cảm giác hơi chậm chạp, song giỏi chịu đau đớn cực khổ và hay nhẫn nhục. Tính khí cũng hơi nông nổi, không bền chí hay thất vọng, hay khoe khoang trang hoàng bề ngoài, ưa hư danh và thích chơi bời cờ bạc. Thường thì nhút nhát và chuộng hòa bình, song ngộ sự thì cũng biết hy sinh vì đại nghĩa. Não sáng tác thì ít nhưng mà bắt chước, thích ứng và dung hòa thì rất tài. Người Việt Nam rất trọng lễ giáo song cũng có não tính vặt, hay bài bác chế nhạo” (5).

6. Gần đây (2000), ông Bùi Quốc Châu, trong bài viết ‘Một số suy nghĩ về đặc tính dân tộc Việt Nam’, đã nêu bật những đặc tính tích cực và tiêu cực của người Việt Nam nói chung như sau:

• Đặc tính tích cực: Tính vừa phải, trung dung, không thái quá, không cực đoan. – Tính linh động, mềm dẻo, không cứng ngắc. – Tính độc lập, tính bất khuất. – Chuộng thực tế hơn viển vông. – Thích thoải mái tự nhiên (người miền Nam). – Giàu nghị lực, chịu đựng. – Can đảm, mưu trí. - Hiền hòa, nhân hậu, độ lượng, giàu lòng tha thứ, coi trọng tình nghĩa. – Thông minh hiếu học. – Không quá khích, không hiếu thắng. – Tính lạc quan, vui vẻ (hay cười). – Giàu tình cảm, bén nhạy. – Giàu óc tổng hợp. – Giỏi bắt chước.

• Đặc tính tiêu cực: Tính bất ổn định do thiếu nội lực. – Tự ái cá nhân hơn tự ái dân tộc, tự ái nhiều hơn tự trọng. – Tính ăn xổi ở thì, không nghĩ đến cái lợi lâu dài, thường nghĩ đến cái lợi trước mắt. – Tính nghệ sĩ, bốc đồng. – Kém trí sáng tạo, ít sáng kiến - Kém tổ chức, kém óc phân tích, Thiếu đoàn kết. – Trọng hư danh, ưa nịnh hót. – Ít tinh thần kỷ luật, thiếu nghiêm túc trong công việc làm. – Thiếu tinh thần trách nhiệm – Làm việc theo tình cảm hơn theo lý trí. – Thiếu thành thật ngay thẳng. – Óc cá nhân nhiều hơn óc xã hội. – Óc cục bộ địa phương. – Thiếu tự tín, nhút nhát. – Tính tùy tiện, cẩu thả. – Lãng phí thời giờ tiền bạc. – Tính đố kỵ, ích kỷ, ưa dèm pha, nói xấu kẻ khác. – Tính bảo thủ. – Thích an nhàn, ham chơi hơn làm việc. (6).

Là công dân Việt Nam sống giữa lòng thôn xã, họ đạo và dân tộc của mình, các thánh Tử Đạo, cách này hay cách khác, đậm mầu hay nhạt mầu, đều mang trong mình những đức tính cao đẹp và những tật xấu cố hữu, hay những bản sắc tích cực và những bản sắc tiêu cực của con người Việt Nam mà các sử gia, học giả đã nêu lên. Mọi công dân Việt Nam đều như vậy, đều ‘mang lấy mặt phải, mặt trái của căn tính dân Việt Nam’, không ai thoát khỏi thông lệ ‘nhân vô thập toàn’ hay ‘con cháu đồng tông, không giống lông cũng giống cánh’. Chính chúng ta hôm nay, sống ở quê nhà hay tại xứ người, mỗi người đều mang trong máu huyết, đều bộc lộ trong cách sống, nhiều hay ít, những đức tính, tật xấu và những bản sắc tích cực hay tiêu cực ấy. Đó là những biểu hiện của dân tộc tính, của căn tính người Việt Nam và của nền văn hóa dân Việt. Đi xa hơn, của ‘thân phận con người’.

Các thánh Tử Đạo là những người công dân Việt Nam đã nhờ ơn Chúa, dứt khoát cởi bỏ những tật xấu hay những bản sắc tiêu cực, như thánh Nguyễn văn Lựu đã bỏ uống rượu (DMAH 3 tr.254), thánh Lê Văn Gẫm bỏ vợ lẽ (DMAH 3 tr.59), và chững chạc mặc lấy những đức tính cao đẹp hay những bản sắc tích cực của một người công dân Việt Nam Công Giáo gương mẫu, thánh thiện. Có thể nói như thánh Phaolô ‘nhờ phép Rửa Tội, các ngài đã trút bỏ mọi nết xấu và dục vọng, đã mặc lấy con người mới, con người được thánh hiến’ (xRm 6,7-12), hay như thánh Gioan ‘các ngài đã trải qua những đau khổ lớn lao, đã giặt áo trong Máu Con Chiên, nên giờ đây các ngài vận áo trắng tinh, tay cầm cành thiên tuế vinh quang’ (Kh 7, 13-14). Lấy đời sống đức tin làm sáng tỏ mọi đức tính tốt của dân tộc, mọi tinh túy của văn hóa quê hương, các thánh Tử Đạo đáng được toàn dân Việt Nam chúc tụng như dân Do Thái đã chúc tụng bà Giudithia trong sách Thánh. Nghe biết những việc bà Giudithia đã làm cho dân tộc, dân chúng ùa vào nhà bà và hân hoan chúc tụng: “Chúng tôi tung hô bà, vì bà làm cho Giêrusalem hãnh diện, cho Israel vinh hiển, cho giống nòi chúng ta được vinh dự lớn lao!” (Gđ 15,9).

B. NÓI RIÊNG VỀ BỐN ĐỨC TÍNH ‘CHUYÊN CẦN, ‘TIẾT KIỆM’, ‘LIÊM CHÍNH’, ‘DŨNG CẢM’

Làm sao so chiếu đời sống các Thánh Tử Đạo với từng đức tính và từng tật xấu của dân Việt Nam? – Chúng tôi nghĩ rằng: Những đức tính cao đẹp, những bản sắc tích cực hay những đặc tính tốt của người Việt Nam như chúng ta đọc thấy ở trên, tất cả đều nằm, trước hết trong ngũ thường Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, và kế đến trong bốn đức tính cơ bản khác là ‘Chuyên Cần’, ‘Tiết Kiệm’, ‘Liêm Chính’, ‘Dũng Cảm’. Về năm đức tính ‘Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín’ được trình bày trong chương: ‘Các Thánh Tử Đạo Tin Mừng Hóa các Tinh Tuý Văn Hóa Việt Nam’. Trong bài này chúng tôi chỉ xin đề cập đến bốn đức tính cơ bản sau đây: ‘Chuyên Cần’, ‘Tiết Kiệm’, ‘Liêm Chính’ và ‘Dũng Cảm’. Mọi đức tính đều nối kết với nhau làm nên căn tính của dân tộc Việt Nam hay tinh tuý của nền văn hóa Việt Nam.

I. ĐỨC TÍNH ‘CHUYÊN CẦN’

1. Trong văn hóa cổ truyền.

1) Trong văn chương bình dân

Theo sự hiểu biết thông thường, ‘Cần’ hay ‘Chuyên cần’ là một trong những đức tính tự nhiên, cố hữu rất đáng kính phục của người dân Việt Nam. ‘Chuyên’ có nghĩa là ‘tự mình chăm chú vào công việc’. ‘Cần’ có nghĩa là chăm chỉ, chịu khó, miệt mài với công việc làm. Liên quan đến đức tính này, người ta thường nói: ‘Cần mẫn’ siêng năng và nhanh nhẹn (mẫn: nhanh nhẹn, tháo vát). - ‘Cần cù’ siêng năng, chịu khó và tiết kiệm, sẻn nhặt (cù: siêng năng, nhọc nhằn, mệt mỏi). - ‘Cần vụ’: công việc khó nhọc (vụ: công việc). - ‘Cần lao’: siêng năng, khó nhọc (lao: khó nhọc). - ‘Cần thơ’: có cần cù siêng năng thì có thư thả thanh nhàn (‘thơ’ bởi chữ ‘thư’: thư thả, thư nhàn).

Vì là đức tính cố hữu của dân Việt Nam, nên ngay trong văn chương dân gian mà trước tiên là trong ca dao tục ngữ và sách giáo khoa, có nhiều lời trực tiếp hay gián tiếp, hoặc khen ngợi người có đức tính chuyên cần bổn phận, hay khuyến khích người ta siêng năng học hành, làm việc, hoặc chê bai những người lười biếng không chuyên cần trong công việc làm…

• Ca ngợi và cổ võ đức tính ‘chuyên cần’ :

+ Chung cho mọi người: ‘Dân sinh tại cần’. - ‘Tay làm hàm nhai’ - ‘Có làm mới có ăn. - ‘ Đại phú do trời, tiểu phú do cần’ - ‘Thế nhân giàu bởi chữ cần, còn như lười biếng thì thân chẳng còn’ - ‘Con cháu nghe đây: ngày nào việc đấy, chớ có nhãng qua, lần lữa tuổi già, hối sao còn kịp’. ‘Gặp người lêu lổng chơi bời, hay người lười biếng, ta thời tránh xa’. ‘Cúc cù cu! Sáng rồi đây, đời người độ một gang tay là cùng’. ‘Nửa ngày còn đắp chăn bông, sống mà như thế thật không ra gì!’

+ Riêng cho người trẻ còn đi học: Ông bà căn dặn: ‘Ai ơi giữ chí cho bền, chuyên cần dậy sớm mới nên người tài’. – ‘Nếu còn thơ dại nói chi, lớn thì phải học, học thì phải siêng’. – ‘Con ơi, phải cố chuyên cần, hay học thì sáng hay làm thì no’. – ‘ Trí khôn sắp để dạ này, có công mài sắt có ngày nên kim’. Trong sách ‘Luân Lý Giáo Khoa Thư’, có bài ‘Đi học phải chuyên cần’ để dạy các em đi học phải chăm chỉ, đừng để mất thời giờ. Lúc yếu đau hay có việc cần cấp, hãy xin phép nghỉ. Đi học phải cho đúng giờ, đừng đi chậm trễ mà làm ngăn trở sự giảng dạy của thày và làm phiền anh chị em trong lớp (7)

• Chê bai người lười biếng, không có đức tính ‘chuyên cần’.

+ Chung cho mọi người: Bài vè thằng nhác: ‘Lẳng lặng mà nghe, cái vè thằng nhác: buổi còn mẹ cha, theo đòi việc học, anh ngồi anh khóc, rằng ‘chữ’ ích chi? Cho anh đi cày, rằng ‘nghề ở tớ’; Cho anh làm thợ, nói ‘nghề ấy buồn’; Cho anh bán buôn, ‘ấy nghề ngồi chợ’… Việc làm tránh trở, chỉ biết ăn chơi; Cha mẹ qua đời, không ai chứa nổi… Chết rũ giữa đường, rồi đời thằng nhác’.

+ Riêng với người trẻ rắn đầu biếng học, ông Lê Quý Đôn răn dạy: ‘Chẳng phải liu diu, vẫn giống nhà, rắn đầu biếng học lẽ không tha. Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ. Nay thét mai gầm rát cổ cha. Rạo mép chỉ quen lời lếu láo, lằn lưng chẳng khỏi vệt năm ba. Từ nay Châu, Lỗ xin siêng học, kẻo hổ mang danh tiếng thế gia’. Trong ‘Quốc văn giáo khoa thư’ các soạn giả khuyên học sinh phải đến trường cho đúng giờ : ‘... dẫu giờ còn sớm cũng nên đi kẻo chậm làm sao? Nếu chờ khi đánh trống vào, dẫu ta rảo bước, tài nào kịp cho. Trễ giờ ta phải nên lo!’ (8).

2) Ba câu chuyện lịch sử.

Ngoài ra trong lịch sử còn ghi lại nhiều tích truyện làm gương cho hậu thế về đức tính ‘chuyên cần’. Chúng tôi trích dẫn lại đây ba trường hợp:

• Ông Chu Văn An (1292-1370): Ông đỗ Thái sinh học (tiến sĩ) thời nhà Trần, nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học. Ông là nhà giáo nổi tiếng không nguyên về trí thức thâm uyên, lại có sư phạm chuẩn mực, và nền tảng đạo đức vững chắc. Ông rất nghiêm khắc trong việc rèn luyện môn sinh. Ông quan tâm đến việc toi luyện trí thức và đạo đức cho môn sinh. Ông dạy họ ý thức về bổn phận đối với bản thân, gia đình và xã tắc. Ông được vua Trần Minh Tông triệu về kinh đô dạy ở trường Quốc Tử Giám. Ông có nhiều môn sinh nổi tiếng như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát… Vì bản tính chuyên cần và thẳng thắn, ông không chịu nổi triều đình thối nát bấy giờ, nên ông đã từ quan về quê dạy học và viết sách cho tới khi khuất bóng.

• Ông Lương Thế Vinh (1442-1496): Từ nhỏ ông Lương Thế Vinh đã nổi tiếng là người học trò chuyên cần, làm việc chăm chỉ, nghiền sách. Ông học giỏi, nhanh trí, hiểu sâu các môn học, đồng thời có nhiều sáng kiến về các môn giải trí như đá bóng, thả diều, câu cá, bẫy chim… Ông đỗ đệ nhất giáp Tiến sĩ năm Quý Mùi, đời vua Lê Thành Thái. Sau đó ông trổ tài làm thơ, chuyên gia Phật học và toán học. Thấy ông Lương Thế Vinh thông minh lại chuyên cần công việc giao phó, vua Lê Thánh Tông đã đề bạt ông lên các chức Trực học sĩ, Thị Thư và Chưởng viện sự tại Viện Hàn Lâm.

• Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585): Vốn trí thông minh và chuyên cần, lại gặp được bậc thầy xuất chúng Lương Đắc Bằng, ông Nguyễn Bỉnh Khiêm sớm thành nhân tài kiệt xuất. Ông đỗ đầu ba trường thi Hương, Hội, Đình, rồi đỗ Trạng Nguyên. Vì thế ông được vua Mạc cất lên chức Tả Thị Lang Đông Các Học Sĩ, và phong tước Trình Tuyển hầu (vì thế dân chúng gọi ông là Trạng Trình). Ông đào tạo nhiều môn sinh phục vụ đắc lực trong quan triều: Lương Hữu Khánh, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Quyện, Trương Thời Cử, Nguyễn Văn Chính… (9).

2. Trong đời sống các Thánh Tử Đạo.

Không phải tất cả các thánh Tử Đạo là những con người thông minh, xuất chúng. Cũng không thấy nói đến vị nào đã đỗ thi Hương, thi Hội, thì Đình, hay Tiến Sĩ, Trạng Nguyên. Nhưng tất cả các ngài là những công dân chuyên cần, chịu khó, siêng năng công việc bổn phận: bổn phận đối với Thiên Chúa, với gia đình, làng xã và quốc gia. Có thể nói, Thiên Chúa đã cất nhắc các ngài là ‘những tôi trung, chuyên cần ngay từ những công việc nhỏ’ (x. Mt 25,21; Lc 16,10 + 19,17). Không thấy một trường hợp chê bai các ngài là những con người lười biếng ‘không làm việc thì không đáng ăn’ theo kiểu nói của thánh Phaolô (2Tx 3,10). Hầu hết các thánh Tử Đạo Việt Nam xuất thân từ gia đình nghèo, sống ở đồng quê, chân lấm tay bùn, làm việc cần mẫn và nặng nhọc. Như đa số đồng bào ‘ăn tối lo mai’, các ngài cũng phải ‘Năm canh, chỉ ngủ có ba, còn hai canh nữa, phải lo việc nhà’. Các ngài đã cần cù làm việc để nuôi sống gia đình, để xây dựng Quê Hương và phục vụ Giáo Hội. Sau đây chúng ta nêu lên những bằng chứng sống động:

• Chuyên cần học hỏi: Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh được coi là vị linh mục thông thái không phải vì ngài thông minh, nhưng vì ngài xem sách nhiều (DMAH 3, tr.130). Cụ Gioan Vương, từ 15 tuổi đã chuyên học triết lý thánh hiền, lúc 25 tuổi đã có việc làm trên tỉnh và là thị sĩ nổi tiếng, từng làm thơ và ngâm cho Chúa Hiền Vương nghe và được khen ngợi. Lúc 65 tuổi, cụ Gioan Vương đã soạn 15 tập truyện các thánh bằng thơ văn (DMAH 1,53).

• Chuyên cần với nghề làm: Năm 1700 bà Sum bị bắt cùng với 8 người giáo dân tỉnh Quảng Bình. Trước tòa, bà đã trả lời cho các quan: “Tôi là người theo đạo Chúa, tôi chuyên nghề may vá trong hoàng cung. Vừa khi nghe biết tôi là người có đạo, chúa Minh Vương đã tát tai tôi, gọi hoạn quan hành hạ tôi bằng cách cắm kim may vào mười đầu ngón tay của tôi, lại tẩm dầu vào vải quấn vào đầu ngón tay tôi mà đốt cháy và ra lệnh bỏ tôi vào chuồng voi cho vua giày xéo… Nhưng khi nghe mọi người trong hoàng cung khen tôi ‘làm việc trung thành và cần mẫn’ chúa Minh Vương nghĩ lại và ngưng lệnh bỏ tôi vào chuồng voi…” (DMAH 1, tr.83-84). Thánh binh sĩ Anrê Trần Văn Trông (+1835) đã chuyên cần học được hai nghề sống ‘thợ bạc và thợ dệt’, lên 20 tuổi, xung vào đội lính dệt của hoàng gia, trong đó có 8 người là công giáo. Binh sĩ Trung trẻ nhất nhưng cũng dũng cảm nhất, luôn trả lời cho quan án: ‘Quan thương thì tôi được nhờ, bắt làm gì tôi cũng làm, nhưng bỏ đạo thì tuyệt đối không’. Dụ dỗ không được, quan thét lên: “Thằng con nít mà gan dạ như vậy. Người lớn còn biết vâng theo phép vua quan, còn nó thì nhất định không. Chém đầu đi cho rồi, để sống làm chi!” (DMAH 2, tr. 68-69).

• Chuyên cần trong việc đạo: Thánh linh mục Giacôbê Năm (+1838), trước khi chịu chức linh mục, lúc 32 tuổi, đã nhiều năm làm thày giảng. Đức cha sai ngài đi coi nhà thương Kẻ Vĩnh. Ban ngày thày tận tâm chăm sóc bệnh nhân, ban tối thày dạy giáo lý cho trẻ em trong họ đạo. Thày chăm làm việc, lại vui tính, nên trẻ con người lớn, nhất là các bệnh nhân quý mến thày. Sau khi chịu chức linh mục ra làm cha phó, ngài cũng được giáo dân kính trọng vì đức tính cần mẫn của cha… (DMAH 1, tr.171). Bà Lý Mỹ làm chứng về chồng bà là thánh Micae Lý Mỹ (+1838) như sau: “Ông ấy rất siêng năng đọc kinh tối sớm, dù lúc trong nhà nhiều công việc, ông cũng chẳng bỏ đọc kinh hay đọc kinh vắn tắt bao giờ. Tối nào vợ con hay đầy tớ bận bịu, hoặc phải làm việc cần nào khác ở nhà, ông bắt đọc kinh chung với nhau trước và còn đọc sách cho chúng tôi nghe nữa. Ông ấy xưng tội chịu lễ một năm bốn lần. Vợ chồng con cái đầy tớ chẳng những đi lễ ngày chủ nhật mà cả các ngày thường nữa. Trong mùa Chay, ông ăn chay một tuần hai ngày, ngày thứ tư và thứ sáu. Vợ chồng hòa thuận thương yêu nhau. Ông đối xử hiền lành với vợ con, chẳng bao giờ nặng lời với vợ con… Ông không uống rượu đánh bạc hay chửi thề. Ông chỉ chuyên lo làm ăn, săn sóc công việc nhà, việc xã và sốt sắng giữ đạo…” (DMAH 2, tr.180-181).

• Nhờ chuyên cần, biết tháo vát: Vào năm 1696, chúa Trịnh Căn trả tự do cho các tù nhân ở kinh đô. Lúc đó, các linh mục, người này phải tàng hình làm kẻ ăn mày để dễ gặp gỡ các giáo dân và các bệnh nhân, người khác làm nghề bán thuốc dạo để sinh sống và thăm viếng giáo dân. Linh mục nào được may mắn và quen thân với các quan lại hơn, thì xin làm thư ký hay chức việc nhỏ mọn để có dịp tiếp xúc và truyền giáo… (DMAH 1,135).

II. ĐỨC TÍNH ‘TIẾT KIỆM’

1. Trong văn hóa cổ truyền.

Đi theo đức tính ‘chuyên cần’ là đức tính ‘tiết kiệm’. ‘Tiết’ có nghĩa là giảm bớt, kìm hãm, hạn chế. ‘Kiệm’ có nghĩa là chừng mực, điều độ, dành dụm, không hoang phí, (nhưng không hà tiện, bủn xỉn, keo kiệt…). Người ta thường nói: ‘tiết độ’, ‘tiết giảm’, ‘tiết chế’, ‘tiết dục’, ‘tiết dụng’.

Người có đức tính ‘tiết kiệm’ là người biết xử dụng đúng mức về sức khoẻ, thời giờ, của cải, thời gian làm việc, giải trí, ăn uống, ngủ nghỉ… Mọi cái đều điều độ, đúng tiêu chuẩn, ngay trong việc sống đạo. Đọc trong văn hóa cổ truyền, chúng ta nhận ra những lời răn dạy thâm sâu và thực tế, những câu chuyện đầy ý nghĩa của cha ông chúng ta về đức ‘tiết kiệm’:

1) Trong ca dao tục ngữ:

Trên đời muốn sống hạnh phúc, cần phải biết ‘giờ nào việc đó’, đừng ‘lãng phí thời giờ’, ‘đừng thái quá bất cập’, hay đừng ‘đi đâu mà vội mà vàng, mà vấp phải đá mà quàng phải chân’. Con người ‘tiết kiệm’ là con người biết làm chủ thời giờ của mình, vì ‘thời giờ là bạc là vàng’. Ngay trong đời sống lao động, phải biết ‘sức người có hạn’, ‘sức khoẻ là vàng’, đừng ‘làm quên ăn’, đừng ‘làm quên ngủ’, đừng ‘hám làm việc nên tốn tiền nuôi thầy thuốc’. Nhất là trong cách xử dụng tài sản, trong những chi tiêu thực tế, người tiết kiệm ‘không bóc ngắn cắn dài’, không ‘vung tay quá trán’, nhưng biết ‘liệu cơm gắp mắm’, ‘làm khi lành để dành khi đau’. Họ không quên rằng ‘ăn phải dành, có phải kiệm’, ‘phí của trời, mười đời chẳng có’. Người có đức tiết kiệm là người biết nghĩ đến người khác: người đã đổ mồi hôi để mình có cơm ăn, có điều kiện học hành, có hoàn cảnh sống khả quan, người đã tiết kiệm bao nhiêu năm để có gia tài trao lại cho con cháu… Người có đức tiết kiệm nằm lòng rằng: ‘Lúc có mà chẳng ăn dè, đến khi ăn hết lại ghè chẳng ra’. ‘Tiết kiệm sẵn có đồng tiền, phòng khi túng thiếu không phiền lụy ai’. ‘Ở đây một hạt cơm rơi, ngoài kia bao giọt mồ hôi thấm đồng’.

2) Trong các chuyện xưa.

Trong cổ thư, chúng ta có bao nhiêu câu chuyện ý nghĩa làm nổi bật đức tính ‘cần kiệm’ hay ‘tiết kiệm’.

• Lời con khuyên cha: Điền Văn, thấy bố là quan huyện Điền Anh quá tiết kiệm đến độ chỉ lo thu tích tiền của cho con cháu mà quên bổn phận đối với xã hội… đã khôn khéo khuyên cha: “Cha ơi, cha đã quên hết mọi việc công ích ngày nay cha phải làm cho dân, cho nước mà chỉ chăm chăm tiết kiệm, thu tích của cải để dành cho những kẻ sau này chẳng biết cha là ai, gia tài họ hưởng là từ đâu mà có... Con trộm nghĩ đó là điều không đúng…”. Các soạn giả thêm rằng: ‘Thật không đúng, những người cần cù, tiết kiệm chỉ nhằm cho người máu mủ trong nhà, mà quên bổn phận công bằng đối với cả làng, cả nước, cả xã hội nhân loại…” ( Sử ký Mạnh Thuờng Quân truyện).

• Người tiết kiệm là người có chí để thành công. Ông Châu Trí lúc bé thông minh và chăm học lắm… Song vì nhà nghèo, ông phải đến ở nhờ tại chùa Long Tuyền. Không có tiền mua dầu thắp đèn, ông phải đi quét lá đa, tối đến đốt lửa lên mà học. Ông biết dành dụm thời giờ tối đa để học, nên lúc 16 tuổi ông đã đỗ giải nguyên. Thiên hạ rủ nhau đến mừng và tặng ông bài thơ:

Một anh trò nghèo chùa Long Tuyên,

Ai ngờ nay lại đỗ giải nguyên.

Ở đời chẳng có việc gì khó,

Người ta lập chí phải nên kiên (Quốc Văn Giáo Khoa Thư).

• Lời chứng của quan trí sĩ Sơ Quảng: “Tôi nghĩ rằng với số ruộng nương nhà cửa tiền nhân để lại, nếu con cháu chăm chỉ làm ăn, tiêu xài cho đúng, thì đã đủ sống rồi. Nếu bây giờ tôi còn tằn tiện làm giàu thêm, để lại gia tài lớn hơn cho con cháu, thì e tôi chỉ làm hại chúng mà thôi. Vì thói thường có của mà không có ‘đức cần, đức kiệm’ chỉ sinh lười biếng không chịu làm việc, chỉ tiêu xài hoang phí làm cớ cho thiên hạ chê bai, giận oán… Chi bằng tôi phải giáo hóa cho chúng biết giá trị của sự làm việc, của đức cần kiệm tích chứa trong gia tài tiền nhân để lại…” (Hán thư Sơ Quảng truyện).

2. Trong đời sống các Thánh Tử Đạo.

Tuy bằng những cách khác nhau, các thánh Tử Đạo là những người miệt mài với sứ mệnh rao giảng Lời Chúa (1Tt 5,17), tận tâm phục vụ Tin Mừng (Pl 2,22) hết lòng yêu thương đồng bào (2Mc 14,37) và trả mọi giá vì phần rỗi các linh hồn (Ga 3,14-15, 1Cr 6,20). Vâng, chỉ vì ích lợi của Tin Mừng và vì phần rỗi của đồng bào mà các thánh Tử đạo đã cố gắng sống trọn hảo đức tính cần kiệm về thời giờ, về sức khỏe, về của cải và về chính sự sống của các ngài. Đó là một điểm son nổi bật trong đời sống của các ngài ngay trước khi bị bắt giam, bị tra hỏi, hành nhục và trước khi ra pháp trường chịu chết. Sau đây là những bằng chứng:

• Lo bảo quản gia tài: Năm 1670, hai thày giảng Barnaba và Phêrô bị bắt và bị đưa ra toà. Quan hỏi hai thày: ‘Tại sao các anh lại tích giữ các đồ đạo trái luật vua cấm?’ – Thày Barnaba thưa: “Những cuốn sách này là gia tài cha mẹ tôi để lại. Chúng rất quý và an ủi tôi. Còn Thánh Giá và những ảnh này là dấu chỉ đức tin công giáo mà tôi đã tuyên xưng từ nhỏ, ăn sâu vào tâm trí tôi đến nỗi không lời hứa hẹn hay dọa nạt nào có thể làm tôi chối bỏ. Tôi biết có lệnh vua cấm, nhưng những đồ đạo này là tất cả gia sản tôi lo bảo quản và đã bị tước đoạt. Nếu quan trả lại, tôi hết lòng biết ơn…” (DMAH 1, tr.124).

• Tiết kiệm nhưng rộng rãi: “Vào năm 1660, giáo dân làng Kiên Lao chấp thuận lời đề nghị của ông trùm Benoit: Mỗi chủ nhật đi nhà thờ, giáo dân đều mang theo gạo, tuỳ theo khả năng, để góp lại phân phát cho người nghèo. Mỗi ngày chủ nhật người ta thấy trước cửa nhà thờ có một đống gạo lớn. Một hôm có nhóm trộm cướp xông tới định lấy số gạo. Ông Benoit nói thẳng với họ: ‘Tôi sẵn sàng chia sẻ số gạo này cho mấy anh, và chỉ xin mấy anh hãy bỏ nghề bất lương cướp đoạt của cải người khác’. Lời chân thành của ông Benoit đã cảm hóa được bọn cướp… (DMAH 1,tr.119). Cũng vậy, ‘thánh binh sĩ Anrê Trần Văn Trông đã cảm hóa được các quân nhân canh gác, vì họ chứng kiến thánh nhân sống cần kiệm mà ngày nào cũng chia sẻ phần ăn cho các bạn tù’ (DMAH 2, tr. 70).

• Ăn uống cực khổ nhưng phải lo sức khoẻ: Năm 1882, cha Gagelin cho biết: ‘Tại xứ truyền giáo, chúng tôi chỉ có cơm và nước, đó là đời sống cực khổ của các thừa sai. Hy sinh, hãm mình là đúng, nhưng thừa sai còn phải giữ sức khoẻ để làm việc nữa’ (DMAH 2, tr. 54).

• Mọi cái đều chuẩn mực: Đó là nhận xét chung về cha thánh Luca Vũ Bá Loan (+1840). Sống với cha Loan từ bé, cha Triệu đã làm chứng như sau: “Suốt đời cha tận tụy lo việc thiêng liêng cho giáo dân. Cha giữ đúng giờ khắc trong việc đạo đức, nhất là việc dâng lễ. Khi các thày giảng xin cha làm lễ nhanh hơn, cha trả lời: ‘Chúng ta là những tôi tớ của Chúa dưới trần thế này. Có việc nào cấp bách mà các con phải hối thúc cha làm lễ nhanh? Thánh lễ Misa là của lễ cao quý và lớn nhất, vì thế chúng ta phải cử hành với tất cả sự xứng đáng’. Ngài ăn mặc đơn sơ. Khi thấy áo ngài mặc đã cũ, người ta xin ngài thay áo mới, ngài trả lời: ‘Bao lâu còn mặc được là còn dùng được. Không cần gì mà bỏ đi”… (DMAH 2, tr.418-419).

III. ĐỨC TÍNH LIÊM CHÍNH

1. Trong văn hóa cổ truyền.

‘Liêm chính’ là đức tính của một người ngay thẳng, thanh liêm, chính trực, công chính, liêm khiết, trong sáng…

1) Trong ca dao tục ngữ. Đặc biệt trong ca dao tục ngữ, có nhiều câu sâu sắc diễn tả đức ‘liêm chính’:

Trước tiên người ‘liêm chính’ là người không tham lam, sống thanh bần. Họ ý thức rằng: ‘Đói cho sạch, rách cho thơm, chớ có bờm xơm tiếng xấu để đời’. ‘Của phi nghĩa có giàu đâu, ở cho liêm chính giàu sau mới bền’. ‘Đi ngang lúa trổ đầy đồng, đói thì chịu đói một bông không màng’. ‘Mừng vui cơm tấm ổ rơm, tuy rằng cũ kỹ mà thơm sạch lòng’. ‘Đói cơm hơn kẻ no rau, khó mà quân tử hơn giàu tiểu nhân’.

Nếu là người có địa vị xã hội, có vai trò lãnh đạo, thì người ‘liêm chính’ là người ‘tâm bất cầu lợi’, không lo tìm tư lợi, tạo thế nghiệp cho gia đình, họ hàng, nhưng ‘dẫu người đời tham lam thành thói, lòng son này vẫn trọn với trời xanh’. Họ ý thức và tự kỷ ‘dân không chăm sóc chớ làm quan’. Và khi đã làm quan thì sống đơn thành ‘cơm vẫn rau dưa, canh chủ chốt’, vì ‘dân miếng ăn chẳng có, ta ngồi ăn sang sao được’, vì ‘ngoài kia kêu khóc bao người đói, cám cảnh dân đen những chạnh lòng’.

Người có đức tính ‘liêm chính’, thì chủ tâm bảo toàn căn tính, cốt cách của mình, luôn giữ tâm địa trong sáng, bản lãnh chính trực, biết hy sinh mọi giá để giữ lấy lòng son. Họ như hoa sen ‘gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn’. Họ không như ‘ai gạo tám, lầu hồng, đem thân luồn cúi vào vòng lợi danh’.

Người có đức tính ‘liêm chính’ thì tôn trọng lời nói, ‘quân tử nhất ngôn’, ‘ăn ngay nói thật’. Họ không thuộc loại người ‘miệng thơn thớt dạ ớt ngâm’ hay ‘miệng nói nam mô, bụng bồ giao găm’. Tuy là người ‘nói thẳng nói thật’, họ biết tế nhị, ‘ăn nên đọi nói nên lời’, vì ‘lời nói không mất tiền mua, liệu chiều mà nói cho vừa lòng nhau’.

Người có đức ‘liêm chính’ là người ‘tuy áo rách’ nhưng ‘có cốt cách’, sẽ được ‘người thương’. Họ cố sống cho liêm chính để giữ tiếng thơm muôn đời: ‘Đời người hữu tử hữu sinh, sống cho xứng đáng, thác dành tiếng thơm’. ‘Làm sao như quế trên non, trăm năm khô mục vẫn còn thơm tho’.

2) Ba câu chuyện lịch sử:

• Ông Lê Quý Đôn (1726-1784) xuất thân từ một gia đình khoa bảng lâu đời. Vì có trí nhớ lỗi lạc nên được mang danh ‘thần đồng’ và nổi tiếng là nhà bác học vào thời Hậu Lê. Ông đã từng được bổ nhiệm làm Thị giảng viện Hàn Lâm và Viện Quốc Sử. Ông soạn thảo nhiều pho sách thời danh như ‘Đại Việt thông sử’, ‘Quốc Sử lục biên’, ‘Toàn Việt thi lục’… Biết ông vừa uyên bác vừa liêm chính, nên vua Lê đã cử ông đi điều tra về các vụ tham nhũng, hối lộ của nhiều quan lại, và những vụ trốn thuế, khai gian của nhiều cường hào, địa chủ vùng Sơn Nam, Tuyên Quang và Lạng Sơn. Ông làm việc miệt mài, liêm chính, ai cũng phải thán phục (10).

• Ông Nguyễn Quang Bích (1832-1889). Trí thức uyên thâm đã vậy, ông nổi tiếng là vị quan thanh liêm. Vì thế khi làm quan Tuần phủ Hưng Hóa ông đã nghiêm xử đối với viên tri huyện Thanh Ba về tội tham nhũng, ăn hối lộ, và với tên nhà giàu đem tiền đút lót viên tri huyện để cướp đoạt ruộng đất của dân nghèo… Ông đã bắt tên trọc phú trả đất lại cho dân nghèo và nộp tiền phạt về tội ‘ức hiếp dân nghèo và hối lộ quan chức’, đồng thời cất chức tên tuần phủ tham lam… Khi quan Hình bộ thượng thư là anh ruột của tri huyện Thanh Ba biên thư bênh đỡ em, quan tuần Hưng Hóa đã trả lời: “Thưa quan Thượng, Ngài và tôi đều là quan của triều đình, chúng ta phải sống công bình, hành động liêm chính. Tri huyện Thanh Ba ăn hối lộ, hành động không liêm chính... Nếu vì nể ngài mà tôi tha tội cho y, hóa ra tôi đồng lõa với việc bất công của y sao? Điều ấy không thể đưọc…” (11)

• Cách gây phúc và cách dùng của: Trương Động Sơ dạy hai điều chí lý: 1) Sĩ phu muốn gây phúc lâu bền cho con cháu, thì phải dạy chúng nghiêm giữ phép nhà, chuộng sự tiết kiệm, sống thanh bạch, đơn sơ, dạy cho chúng biết chữ biết nghề, ưa làm việc thiện… chứ không phải là luồn cúi người quyền thế để có lợi danh, hay tranh dành nhỏ mọn với dân nghèo… 2) Đặc biệt trong cách xử dụng tài sản, sĩ phu đừng bỏ của ăn mặc xa hoa, lo xướng hát cho nhiều, yến tiệc thừa thãi, tích vàng bạc của quý… nhưng hãy đóng góp tiền làng tiền nước cho sòng phẳng, không ngại bỏ tiền cho con cháu học hành thành tài, và rộng rãi làm việc thiện, giúp đỡ người nghèo… Dùng của như vậy mới đúng và gây hạnh phúc bền lâu (12).

2. Trong đời sống các Thánh Tử Đạo.

Điều hiển nhiên, các thánh Tử Đạo không phải là những người sinh ra đã là thánh, các ngài chào đời với bao nhiêu ‘sân si’ thường tình theo luật ‘nhân vô thập toàn’. Quả thật đọc chuyện thánh Lê Văn Gẫm, thánh Lý Mỹ…. mỗi vị cũng đã có một thời gian sa đọa ‘tửu sắc’, phản bội… Nhưng như lời thánh Phêrô dạy ‘các ngài đã khiêm tốn nhìn nhận thân phận bất toàn của mình trước mặt Thiên Chúa và trước mặt mọi người, để rồi đứng vững trong đức tin mà chống trả’ (x 1Pr 5, 5-10) ngay với những thói xấu ngược với đức tính ‘Liêm Chính’. Cứ nhìn vào tâm tình yêu mến và lòng ao ước lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải của các vị tử đạo trước khi ra pháp trường là đủ nhận thấy thiện chí ‘các ngài muốn trở thành con người liêm chính trọn vẹn’. Lúc đó đức tính ‘liêm chính’ trở thành nhân đức ‘công chính’, lúc đó đức tính ‘liêm chính’ của các thánh Tử Đạo, nhờ ơn thánh sủng, trổi vượt hơn đức liêm chính của người đời, lúc đó các ngài đáng được khen ngợi ‘Miệng người công chính hằng niệm lẽ khôn ngoan và luôn nói lời chính trực’ (Tv 36,30). Dưới đây, chúng ta đan cử vài trường hợp tiêu biểu:

• Ăn ở chính trực: Thánh Micae Nguyễn Huy Diệu (Lý Mỹ) (+1838) được mọi người trong làng thán phục và khen ngợi: ‘Tuy còn trẻ nhưng tư cách và uy tín của ông đáng kính phục. Ông là người sắc sảo giỏi giang, ăn ở chính trực và ăn nói lý sự… Làm lý trưởng, ông điều hành rất giỏi… Ông chẳng ăn bớt của dân chút nào mà có khi còn bỏ của nhà ra làm việc chung. Ông xử các vụ kiện cáo rất công minh. Người ta tặng quà, lớn nhỏ, ông cũng không nhận… Nhờ ông thanh liêm chính trực mà cả vùng khen ngợi làng Kẻ Vĩnh nghiêm chỉnh các làng khác. Sau đây là lời chứng của một anh đầy tớ trong nhà ông: ‘Một lần ông Mỹ bắt được tôi và ba anh nữa đang đánh bạc, ông nọc ra đánh mỗi người 40 roi, còn tôi, vì là đầy tớ trong nhà, ông đánh 60 roi’ (DMAH 2, tr.182).

• Cư xử chính trực để đem sự an bình cho dân lành và xã tắc: Năm 1723, một viên tướng đã thưa cùng triều đình chúa Trịnh rằng “Xin triều đình hãy ngưng cuộc bách hại. Lệnh cấm đạo của chúa Trịnh đang gây nên nhiều hỗn loạn thiệt hại cho dân, vì họ phải bỏ hết tài sản đã khó nhọc làm ra để chạy trốn, họ sẵn sàng chịu đói chịu rét, chạy trốn vào rừng vào núi… và thực tế là triều đình bị thiệt hại nhiều về thuế má, và tình trạng hỗn loạn mỗi ngày một dâng cao… Một lời của triều đình có thể ngừng những bất công, đem lại bình an cho xã tắc… Thực tế, những người công giáo đang bị lùng bắt là những người lương thiện không chê trách họ được điều gì. Họ trung thành với vua, nhiệt tình với việc phu dịch và đóng góp cho nhà nước rất chu đáo” (DMAH 1, tr. 156).

• Lời khai chân thực của người liêm chính: Thánh linh mục Phêrô Khanh (+1842) lúc bị vây bắt, quân lính hỏi cha: ‘Ông làm gì mà có sách và bình dầu này? Ông là thày thuốc phải không?’ – ‘Tôi là đạo trưởng’ – Lập tức cha Khanh bị trói, đeo gông giải nộp lên tỉnh… Quan án Nguyễn Khắc Trạch có ý mở đường để ăn tiền đút lót nên mắng những binh lính thuộc hạ: ‘Sao chúng bay bắt ông lão này? Lão là thày thuốc, chứ đâu có phải đạo trưởng?’. Nghe vậy, cha Khanh cải chính ngay: ‘Bẩm quan lớn, quan lớn nói không đúng. Tôi là đạo trưởng chứ không phải là thày thuốc’… Một lần khác, quan án lại bảo: ‘Ông cứ khai là thầy thuốc, ông sẽ được tha’. Cha Khanh dõng dạc nói: ‘Thưa quan lớn, tôi đã làm đạo trưởng, giảng giải khuyên răn giáo dân, thì tôi phải cứ sự thật mà khai, chẳng nên nói dối. Vì vậy, tôi là đạo trưởng mà khai mình là thày thuốc, là nói dối tỏ tường. Quan có lòng thương mà tha cho tôi thì tôi đội ơn, nhược bằng quan không thương mà khép tội hay chém tôi ra làm mấy phần, tôi vẫn vui lòng’ (DMAH 3, tr.34).

IV. ĐỨC TÍNH ‘DŨNG CẢM’

Đức tính thứ bốn chúng tôi muốn nêu bật lên ở đây là đức tính ‘Dũng Cảm’. ‘Dũng’ là tinh thần mạnh mẽ, không sợ sệt, không mỏi mệt. ‘Cảm’ là dám làm, không sợ (cảm tử: không sợ chết). Có nhiều cụm từ diễn tả và tiếp cận với đức tính ‘dũng cảm’, như ‘dũng khí’ (có chí khí mạnh mẽ), ‘dũng lược’ (tinh thần cường mạnh có mưu lược), ‘dũng sĩ’ (người có tinh thần có trí óc mạnh mẽ), ‘anh dũng’ (người tài giỏi, có tinh thần tráng kiệt).

1. Trong văn hóa cổ truyền.

1). Trong ca dao tục ngữ.

Chỉ cần lần dở ca dao tục ngữ, chúng ta có thể khám phá ra nhiều chiều kích của đức tính ‘dũng cảm’.

• Ông bà tổ tiên chúng ta ca tụng ‘đức tính dũng cảm’ trổi vượt trên mọi của cải, danh vọng, và thán phục ‘người dũng cảm, coi họ như anh hùng, trượng phu’: ‘Ở đời muôn sự của chung, hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi’, ‘Làm trai quyết chí tang bồng, sao cho tỏ mặt anh hùng mới cam’, ‘Ấy là một đấng anh hào, thân mạnh trí sáng, đồng bào kính yêu’.

• Người có đức tính ‘dũng cảm’ là người có ý chí mạnh, cương quyết, cảm tử, muốn là phải làm, làm là phải được, bắt đầu là phải đi cho tới cùng. Họ là ‘gan đồng dạ sắt’ trước mọi khó khăn và thử thách. Vì thế ông bà thường nói: ‘có chí thì nên’, ‘muốn là được’. Người dũng cảm có thể tự hào ‘Đây ta như cây giữa rừng, ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng rời’.

• Người có đức tính ‘dũng cảm’ là người có đức tự chủ, nghĩa là người biết khắc phục chính bản thân, điều chế mọi dục vọng, giữ thế quân bình trong tư tưởng, trong lời nói và trong hành động, ‘không thái quá không bất cập’. Vì thế họ có ‘tâm hồn lành mạnh trong thân xác cường tráng’. Nhờ có đức tự chủ mà họ ‘làm người cho đáng nên người’, ‘làm người chí ở cho bền’, ‘làm người có chí lập thân’, ‘làm tôi thì ở cho trung’… ‘làm người suy chính, xét xa, cho tường gốc ngọn cho ra vắn dài’, để rồi ‘lòng ta đã quyết thi hành, đã đẵn thì vác cả cành lẫn cây’.

• Người có đức tính ‘dũng cảm’ là người biết tháo vát, biết ‘gió chiều nào che chiều đó’; là người kiên nhẫn và chịu khó, ‘có công mài sắt có ngày nên kim’. Họ luôn bình tĩnh, trung kiên ‘giữ chí cho bền, dù ai xoay hướng đổi nền mặc ai’. Họ không giận hờn, vì ‘giận mất khôn’, họ nhịn nhục vì ‘một nhịn chín lành’.

• Người có đức tính ‘dũng cảm’ không thất vọng, không nản chí. Họ nằm lòng ‘thất bại là mẹ thành công’, ‘nước có lúc đục lúc trong, đời có lúc vinh lúc nhục’, điều quan trọng là ‘hữu chí cánh thành’, phải ‘đội trời đạp đất’, phải ‘đổ mồ hôi trán’, ‘thua trận này bày trận khác’, nếu có lúc ‘anh hùng tạo thời thế’, thì cũng nhiều khi ‘thời thế tạo anh hùng’. Người dũng cảm không cho phép mình ‘chịu vậy’ hay ‘thua cuộc’ nhưng ‘còn nước còn tát’, luôn phải nhẫn nhục, vì ‘chữ nhẫn là chữ tượng vàng, ai mà nhẫn được thì càng thành công’.

2) Trong truyện dân gian:

• Quyết chí thì nên: Hai anh bạn An và Hòa thân nhau từ nhỏ nhưng tính tình thật khác nhau. An là người thông minh, dũng cảm và chịu khó học hành, còn Hòa là người trí đã kém lại mặc cảm, cứ cho mình là ngu dốt, không có hy vọng thi đậu… Một hôm đi dạo chơi trên núi, gặp con suối nhỏ nước chảy rì rì, An xuất khẩu thành thơ: ‘Nước trong hòn đá chảy ra, Ban đầu nho nhỏ, dần dà hóa to’. Hòa hiểu ý của An muốn khuyên mình. Về nhà suy nghĩ và từ đó quyết chí học hành. Chỉ một năm sau, phá ngu, mở trí, thi đâu đậu đó, lại chịu khó làm việc… Ai biết câu chuyện đều khen ngợi An là người bạn tốt và Hòa là người có chí: Quả thật, quyết chí thì nên! (Truyện cổ tích).

• Ba điều khó học: Thầy Tăng Tử nói với Đức Khổng Tử: Tôi biết thầy có ba điều, tôi học mãi mà chưa làm được: 1) Thấy người ta làm một điều phải mà quên đi trăm điều trái của họ, đó là thầy dễ tính. 2) Thấy người ta có điều gì hay mà vui vẻ như chính mình có, đó là thầy không ganh tị. 3) Nghe được điều gì đúng, mà quyết chí làm, đó là thầy kiên tâm bền chí thực hành… Trong lời bàn, các soạn giả cho rằng: “Ba điều trên đây, mới nghe thì tưởng dễ, nhưng thực tế là rất khó học, khó thực thi… Phải là con người dũng cảm và quyết chí mới làm được…” (Cổ Học Tinh Hoa II).

• Chuyện hai anh em: Nhà kia có hai anh em, khi bố chết đem chia gia tài. Người anh bán hết gia tài ra tỉnh chạy chọt mua được chức Cửu phẩm… Anh lấy làm hãnh diện, ăn mặc lịch sự, đầu đội nón dứa, tay xách cặp da… trở về làng quê, mở tiệc ăn khao... Về tới nhà, thấy chú em cởi trần, làm việc, mồ hôi nhễ nhãi, người anh tỏ vẻ thẹn thùng bảo rằng: “Chú làm ăn, tôi coi hèn hạ lắm. Sao chú không theo tôi kiếm lấy chút phẩm hàm, lại cứ đành giữ cái tiếng bạch đinh người ta chê cười ấy?”. Người em trả lời: “Em cũng biết chốn hương thôn, có chút phẩm hàm thì vẻ vang lắm. Nhưng em thiết nghĩ, phải tốn bao nhiêu công của, mất bao nhiêu ngày giờ, lại còn vào luồn ra cúi, khốn khổ đến thế nào, mới mua được chút công danh hão, thì em đây thật lòng không muốn. Cái chí của em chỉ muốn nối nghiệp cũ của ông cha làm ăn cho liêm chính. Tuy vất vả nhưng lòng ngay thẳng, không tham của, không ham danh, không phải lo lắng, luồn lụy ai cả”. (Quốc Văn Giáo Khoa Thư).

2. Trong đời sống các Thánh Tử Đạo.

Đọc chuyện các thánh Tử Đạo, ai lại không thán phục đức tính ‘Dũng cảm’ của các ngài? Dũng cảm chấp nhận mọi thử thách, gian nan; dũng cảm đón nhận mọi nhục hình, tù tội và án tử hình vì đức tin, vì phần rỗi và vì vinh quang của Đấng mình tin yêu và phó thác. Các ngài đã dũng cảm đón nhận tất cả với niềm hân hoan, hiền hòa, không thù ghét, oán than. Các ngài đáng được Giáo Hội và nhân loại tung hô:

Đoàn hùng binh quyết kiên gan vì Chúa,

Vui đau thương khổ ải lẫn gian nan,

Chẳng trách móc, thở than lời ca thán,

Lòng tin yêu trong nhẫn nại vô vàn

(Thánh thi lễ Các Thánh TĐVN)

Dưới đây chúng ta nêu lên tiêu biểu những gương sáng tuyệt vời về đức ‘dũng cảm’ của các thánh Tử Đạo tại Việt Nam.

• Lời biện bạch dũng cảm của cha Đắc Lộ. Năm 1644, cha Đắc Lộ biện bạch trước chúa Thượng Vương để bênh vực giáo dân: “… Tôi hoàn toàn vâng phục mọi lề luật của chúa Thượng và của quan lớn nữa. Nhưng không một sự vật gì ở đời này có thể làm cho tôi phản bội Thiên Chúa để làm đẹp lòng người thế gian. Về điểm này, tôi chẳng sợ hình phạt, cũng chẳng sợ chết. Thượng Vương và quan lớn có thể giết tôi song không thể làm cho tôi đổi ý. Xin Thượng Vương và quan lớn đừng ghép tội cáo giáo hữu, hãy trách cứ mình tôi, vì chính tôi dạy đạo và rửa tội cho họ” (DMAH 1,28).

• Đức dũng cảm tuyệt vời của ông Alexi Đậu: Ông Alexi Đậu bị bắt và bị kết án tử vào năm 1663. Vừa khi có lệnh cấm đạo của chúa Hiền Vương, ông Alexi Đậu bị bắt. Ông luôn xưng mình là người có đạo từ nhỏ và khuyến khích người khác xưng đạo. Được phép về thăm nhà trước ngày ra pháp trường, ông Alexi tìm đến nhà các cha xin lãnh nhận các bí tích… Trở lại nhà tù, ông Alexi Đậu đến cám ơn từng người lính canh và xin gia đình thưởng tiền cho lý hình sau khi ông bị hành quyết. Lúc đi ra pháp trường, ông mặc áo lụa mới để vào tiệc cưới với Chúa Giêsu. Trong suốt thời gian bị giam, ông luôn can đảm giảng đạo và hát những bài thánh ca đạo đức… Lúc đã quỳ xuống chiếu đợi lý hình chém đầu, ông Alexi còn xin quay đầu để chứng kiến lý hình vung gươm chém người bạn đồng đạo với ông tên là Tôma. Lúc đầu ông Tôma đã rơi xuống, ông Alexi còn nói lớn: ‘Bạn tôi đã đi hết đoạn đường và đoạt chiến thắng. Bây giờ đến lượt tôi đi theo’. Rồi ông đưa đầu ra cho lý hình và còn hỏi đã đúng cách hay chưa… (DMAH 1, tr. 51).

• Cắn răng chịu những trận đòn kinh khủng: Thánh Giuse Nguyễn Duy Khang (+1861), thày giảng bị bắt và bị nhốt vào cũi. Thày bị tra tấn bốn lần thật dã man, nhưng thày vẫn can đảm chịu đựng, không mở miệng than trách một lời. Lần thứ nhất, thày bị đánh nứt thịt hai bên mông, thày ngã xỉu và người ta phải khiêng thày về lại nhà tù. Lần thứ hai, thày cương quyết không bước qua ảnh, nên bị quan giận, truyền đánh 180 roi. Lần thứ ba, quan lớn hỏi cung và dụ dỗ: ‘Mày còn trẻ, mới 29 tuổi đầu, nếu mày chịu quá khóa, tao còn thương mày mà cho về nhà’. Thày Khang thưa: ‘Bẩm quan lớn, quan thương, tôi được nhờ, còn quan chẳng tha tôi thì tôi xin quan đừng nói đến chuyện quá khóa nữa’. Quan tòa tức giận, truyền đánh thày Khang 120 roi trượng… Lần thứ bốn ra hầu tòa, quan lại dụ dỗ nhiều lời, nhưng thày Khang một mực thưa ‘Thưa quan lớn, tôi kính vua và rất mực yêu tổ quốc, nhưng trên hết tôi yêu mến Đức Chúa Trời và lề luật của Ngài. Xin quan đừng bắt ép tôi đạp ảnh. Quan đã rõ quyết tâm của tôi. Quan hỏi thêm chỉ uổng thời giờ của quan’. Tức giận, quan tòa lại truyền trói thày Khang vào cột trụ và đánh đòn đến máu chảy lênh láng… Thày Khang được dẫn về tù đợi ngày xử tử, 06.12.1861 (DMAH 3, tr. 282-283).

……………….

Chúng ta biết, vua Thánh Tổ tức Minh Mạng (1820-1840) đã ban hành 10 huấn dụ để phục hồi phong tục, tính tình và bản sắc của nhân dân Việt Nam. Nguyên nhân của việc làm này là, vì chính ngài và nhiều quan chức trong triều, như quan giám sát ngự sử Bùi Mậu Tiên, nhận thấy: xã tắc loạn ly vì phong tục quốc gia thành kiêu bạc, bản sắc hay tính tình của người dân sa đọa xuống cấp trầm trọng, nạn cờ bạc rượu chè tung hoành và nhiều hình thức mê tín lan truyền… Vua Minh Mạng hết sức lo lắng, đã soạn thảo và ban hành 10 điều huấn dụ, vừa để cảnh báo các quan chức mọi cấp bậc, yêu cầu họ phải thay đổi cuộc sống của chính họ, vừa để giáo huấn dân chúng, sống cho đúng với những phong tục tốt lành của quê hương, những tính tình cao đẹp vốn là bản sắc truyền thống của dân tộc… Dưới đây, sử gia Trần Trọng Kim cho chúng ta bản tóm lược 10 điều huấn dụ mà vua Minh Mạng đã ban hành năm Bính Thân (1836):

1. Đôn nhân hậu: sống vững chắc đạo làm người ‘tam cương ngũ thường’..

2. Chính tâm thuật: sống liêm chính, trong sạch, theo đạo lý ‘nhân, nghĩa, lễ, trí, tín’.

3. Vụ bản nghiệp: sống chuyên cần, vui tươi với cuộc sống hằng ngày, theo nghề nghiệp và chức phận của mình…

4. Thượng tiết kiệm: sống tiết độ, không hoang phí xa hoa, chơi bời trác táng là nguồn gốc nghèo đói và trộm cướp, loạn tặc.

5. Hậu phong tục: giữ các phong tục cho thuần tục.

6. Huấn tử đệ: phải dạy bảo con cái, giáo dục gia đình là nền tảng xã tắc.

7. Sùng chính học: chuộng học đạo chính.

8. Giới dâm tắc: xa tránh những điều gian tà, dâm dục…

9. Thận pháp thủ: cẩn thủ luật pháp.

10. Quảng đại thiện hạnh: rộng rãi làm việc lành (12).

Đem 10 điều huấn dụ so chiếu với nội dung của chương sách này, chúng ta có thể hãnh diện và khẳng định rằng: các thánh tử đạo tiền nhân không những đã sống, đã nâng cao và đổi mới 10 điều huấn dụ trên đây của vua Minh Mạng. Các ngài đã sống và làm nổi bật những đức tính cao đẹp hay những bản sắc tích cực của người Việt Nam mà chúng ta mạn phép tóm gọn trong bốn đức tính ‘Chuyên-cần, Tiết-kiệm, Liêm-chính và Dũng-cảm’. Các Thánh cố gắng sống đúng bốn đức tính này không nguyên với tư thế là người Việt Nam ‘kính vua, yêu nước quý dân tộc’ mà còn với tư cách là người Kitô giáo quyết tâm ‘mến Chúa và yêu đồng bào’. Hai tư chất Việt Nam và Công Giáo đồng hóa nên một trong con tim, trong khối óc và trong cuộc sống của mỗi vị anh hùng tử đạo. Đối với các ngài, ‘tử đạo’ không chỉ là ‘chết vì đạo, vì đức tin siêu việt’, nhưng còn là ‘muốn đổi mới đạo giáo, muốn phục hồi bản sắc dân tộc, muốn canh tân những phong tục lề thói của quê hương’. Tóm lại, với ‘danh xưng tử đạo’, các thánh tiền nhân là những người Việt Nam Công Giáo gương mẫu, đã kiên cường lấy đời sống Đạo Công Giáo đốt sáng lên những đức tính hay những bản sắc cao đẹp của Dân Việt Nam.

----------------

1. Hoài Nam Vương Lưu An trong cuốn ‘Đại Việt Sử Ký toàn thư’ do Ngô Đức Thọ chuyển ngữ, nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1983, tr. 135.
2. Lê Tắc, ‘An Nam chí lược’, Việt Đại Học Huế chuyển ngữ, 1961, Huế, tr. 45.
3. Leopold Cadière, ‘Văn Hóa Tín Ngưỡng, và thực hành tôn giáo của người Việt’ c.I, Bản dịch của Đỗ Trinh Huệ, nxb Thuận Hóa, Huế 2010, tr. 9-11.4120
4. Lệ Thần, Trần Trọng Kim, ‘Việt Nam sử lược’ I, nxb Trung Tâm Học liệu, Sài gòn 1971, tr. 6-7.
5. Đào Duy Anh, ‘Việt Nam Văn Hóa Sử Cương’, nxb Bốn Phương, Huế, 1938, tr.22-23.
6. Bùi Quốc Châu ‘Một số suy nghĩ về đặc tính dân tộc Việt Nam’ đăng trong cuốn ‘Tâm Lý Người Việt Nam nhìn từ nhiều góc độ’ của Trung tâm nghiên cứu tâm lý dân tộc’, nxb Th/p Hồ Chí Minh, 2000, tr. 171-173.
7. Trần Trọng Kim… ‘Luân Lý Giáo Khoa Thư’ nxb Quê Mẹ, 1983, tr. 25-26.
8. Trần Trọng Kim… ‘Quốc Văn Giáo Khoa Thư’, nxb Quê Mẹ, 1983, tr. 3.
9. Có thể đọc thêm về ba nhân vật này trong cuốn ‘Cơ Sở Giáo Dục Nhân Bản’ của Nguyễn Vinh Sơn SCJ, nxb Từ Điển Bách Khoa, 2011, tr. 329-330.
10. Đọc thêm Nguyễn Vinh Sơn SCJ sd tr. 395
11. Đọc thêm Nguyễn Vinh Sơn SDJ tr. 388-389.
12. Nguyễn Văn Ngọc, ‘Cổ Học Tinh Hoa’ II, do Đại Nam (Hoa Kỳ) tái bản, tr. 61-63.
13. Lệ Thần, Trần Trọng Kim, sd II, tr. 196.
14. Lệ Thần, Trần Trọng Kim, sd II có ghi: ‘Mấy năm về cuối đời vua Thánh Tổ trong nước lắm giặc giã, phong tục thành ra kiêu bạc, dân sự lắm người cờ bạc rượu chè và hay mê hoặc những tà giáo. Nhà vua lấy sự ấy làm lo, bèn soạn ra 10 huấn dụ, ban ra mọi nơi để dạy bảo ngu dân’. Năm bính thân (1836) là năm Minh Mệnh thứ 17, có quan giám sát ngự sử là Bùi Mậu Tiên dâng sớ rằng: ‘Các làng ở ngoài Bắc thành nhiều kẻ hào cường trái phép, mà dân thì biếng nhác chỉ cờ bạc rượu chè; việc tế lễ quỷ thần thì hay dùng cách xa xỉ, việc táng tế thì chọn đường xa hoa, thậm chí có kẻ bán sạch cửa nhà cơ nghiệp để đền nợ miệng, thật là trái với nghĩa tương bảo tương lân…’ (tr.196-197).