GIÁO PHỤ HỌC - PATER ECCLESIAE
(THẦN HỌC CỦA CÁC GIÁO PHỤ)
Lm. Antôn Trần Minh Hiển, Giáo sư ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ
***
***
CHƯƠNG IV
THỜI BÚT CHIẾN VỀ MẦU NHIỆM BA NGÔI
(325 - 430)
***
PHẦN I: CÁC GIÁO PHỤ ĐÔNG PHƯƠNG
***
ĐOẠN II
CÁC GIÁO PHỤ CAPPADOCE
THÁNH GRÉGOIRE GIÁM MỤC NAZIANZE (329 - 390)
A. - THÂN THẾ
Grégoire và Basile là bạn thân với nhau từ thời còn đi học, nhưng như người ta nói, tính tình lại thật khác nhau. Nói đúng theo khoa tâm lý thì có một thế giới chia cắt hai người. Từ Basile qua Grégoire là đi từ chóp đỉnh của sự điềm tĩnh xuống tận sự áy náy hoặc do dự, từ phong thái của nhà điều hành có phương pháp và tư cách hành sử quyền bính lúc nào cũng thung dung xuống đến một vị phụ trách miễn cưỡng, bất ổn, vướng víu trong việc thi hành quyền bính như phải khóac một bộ đồ không đúng cỡ. Grégoire không được nhạy bén về con người và về những tình thế cụ thể như Basile. Lòng can đảm sẵn có, lòngquảng đại Kitô giáo của Ngài, cũng như do áp lực của những người chung quanh, vì người ta đoán Ngài có rất nhiều tài năng, tất cả đã khiến Ngài dần dần lãnh các trách vụ cho đến những chức vụ cao nhất, nhưng cứ mỗi lần như vậy, Ngài cảm thấy khổ sở đến độ hôm sau lại trốn lên núi. Tiểu sử đời Ngài hẳn phải được đặt tựa đề là “hết thóai thác này đến thóai thác khác”, như tiểu sử của thánh Athanase là “hết lưu đày này đến lưu đày khác”, và của Jérôme... “hết cơn giận này đến cơn giận khác”.
Grégoire là người nhạy cảm: Ngài vừa thèm khát tình bạn, vừa mê sống cô tịch. Ngài nói: “Mỗi người đều có điểm yếu, cái yếu của tôi, đó là tình bạn và các bạn hữu”. Ngài cần tới sự thông hiểu nâng đỡ, cảm thông, ngay cả trong chức vụ. Ngài viết cho Basile: “Đời mình có được gì thì cũng là do tình thân và việc thăm nom của bạn”. Ngài giãi bày tâm sự qua thư từ, thi phú và ngay trong diễn từ chính thức nhất của Ngài. Grégoire là một trong những giáo phụ để lộ rõ con người qua tác phẩm của mình hơn hết.
Có nên trách Ngài về tính khí ấy không? Nhưng trước hết, phải chăng chúng ta bực mình khó chịu khi gặp Gregoire với những yếu hèn của Ngài trong khi mong tìm một Giám mục thì người ta lại gặp thấy một con người... và một giám mục. Nhưng nói cho cùng thì nỗi yếu hèn của Ngài chỉ là yếu hèn theo kiểu Thánh Phaolô. Mặc dù, hay đúng hơn là xuyên qua sự yếu hèn đó, Ngài đã thực hiện được những điều lớn lao, trong tư cách một mục tử, một nhà thần học, nhà thần bí và là một nghệ sĩ.
I. MỤC TỬ BẤT ĐẮC DĨ: GIÁM MỤC KHÔNG ĐỊA PHẬN
1. Thời chuẩn bị
Grégoire sinh tại Azianze, vào khoảng năm 329, thuộc gia đình quí tộc. Ngài là con của bà Nonna, một Kitô hữu đạo hạnh và cha là Grégoire, Giám mục thành Nazianze. Vị này nhờ ảnh hưởng vợ, đã trở lại từ một giáo phái Do thái - gốc lương dân. Gia đình gởi Ngài theo học lần lượt tại Nazianze, Césarée de Palestine, Alexandrie, ở đây Ngài được học với Didyme l’Aveugle và thân với một người tên Jérôme. Với 8 năm lưu ngụ tại Athènes (350-358), Ngài hoàn thành việc học bên cạnh Julien, trở thành hoàng đế ba năm sau đó. Grégoire đã trau dồi thông thạo về ngôn ngữ, nhưng nhất là như Basile, Ngài tin chắc rằng văn hóa Hy lạp có thể giúp đào luyện trí dục, ngay cả đối với hàng giáo sĩ. Về điểm này, Ngài sớm đụng phải những quyết định của Julien (361-363) cấm Kitô hữu dạy văn chương Hy lạp. Tuy nhiên, tâm hồn chiêm niệm của Ngài lại muốn là “một tấm gương trong về Thiên Chúa và về những thực tại thần linh”. Ngài có đến chỗ Basile, bên sông Iris, cộng tác với Basile mà dường như không hoàn toàn gia nhập cộng đoàn. Đây là thời những người theo bè Arius lộng hành, cả ở Đông phương lẫn Tây phương. Giám mục Grégoire de Nazianze, cha Ngài, đã ký nhận bản tuyên tín của công đồng Rimini-Séleucie, rồi sau rút lại. Vị này phải nhờ đến uy tín của con trai mình[1]. Vào khoảng năm 362, phần nào bị cha thúc ép, Ngài đã được cha rửa tội[2], và phong chức linh mục. Vị tân giáo sĩ bỏ trốn vào nơi cô tịch rồi trở về và biện minh cho cử chỉ của mình là vì lòng kính sợ đối với chức linh mục.[3]
2. Giám mục không nơi thường trú
Mười năm trôi qua; cứ luân phiên, một thời gian Ngài giúp cha phục vụ cộng đồng Kitô hữu mà Ngài cho là quá khô khan nguội lạnh, rồi một thời gian Ngài đi tu dưỡng “cùng với các thiên thần”. Vào năm 372, do sự can thiệp của Basile là Giám mục Césarée (vào năm 370), Grégoire được đặt làm Giám mục Sasimes, một địa danh mà Ngài than là “một thị trấn nhỏ ngèo nàn và thậm tệ”, nằm tiếp giáp với hai vùng Cappadoce mà Valens, thành viên của bè Arius vừa tạo ra do việc chia tỉnh. Basile, một con người năng nổ, đã lập ra các toà Giám mục như vậy nhằm tăng số các Giám mục thuộc quyền tín cẩn, trong số đó có Grégoire em Ngài, bất chấp Anthime, Giám mục của Tyane; vị này đang mong làm Tổng giám mục Cappadoce thứ hai này. Grégoire chấp nhận, nhưng liền lánh vào miền núi. Sau đó thay vì đến nhận toà, Ngài lại đi phục vụ Hội thánh tại Nazianze, như Giám mục phó xen kẽ một vài lần lui vào cô tịch. Cha Ngài qua đời vào năm 374; Ngài từ chối kế vị cha, và giữa lúc phát tang, Ngài than khóc: “Thân tôi yếu đau, cái già đã chụp xuống đầu; lo âu kìm kẹp tôi; công việc đè nặng lên tôi; tôi không thể tin vào bạn bè; Giáo hội không còn mục tử, cũng chẳng còn ai để lèo lái con thuyền Giáo hội - con thuyền của chúng ta đang ngang qua những ba đào mịt mùng, không hải đăng soi lối; Chúa Kitô đang ngủ”. Sau khi thay thế cha một thời gian, Ngài lui vào Setencie, ở Isaurie, trong khổ hạnh, suy tư và chiêm niệm (375-379).
3. Và bất ngờ tại Constantinople
Các biến cố đột nhiên cho thấy tầm cỡ mục tử của Ngài. Valens băng hà (378), trước Basile ít lâu. Gratien, rồi Théodose, cả hai đều tái lập lại giáo lý chính thống. Vị sau này cho triệu mời Grégoire nhằm đưa Constantinople về với đức tin chân thật, nhưng không trao toà ấy cho Ngài. Hết mọi nhà thờ đều bị các người thuộc bè Arius chiếm giữ. Ngài phải lập một nguyện đường và đặt tên la Anastasis (Phục sinh), bên trong ngôi nhà của một thân nhân. Từ đây, Ngài đem lòng quảng đại và tài hùng biện phục vụ cộng đoàn “Nicée” bé nhỏ, Ngài cũng đem lối đối thoại ý nhị phục vụ hết thảy mọi người. Ngài đặc biệt công bố năm bài diễn luận thần học (trong số 45 bài) gây được sự thán phục. Ngài tiếp nhận người bạn cũ Jérôme; vị này, về sau có viết về Ngài: “Trong số các vị thuộc La tinh không ai được giống như Ngài. Ngài từng là bậc thầy của tôi, tôi vui mừng hãnh diện về điều ấy”.
Tuy nhiên, những người theo bè Arius luôn tìm cách đột phá: Ngay cả một số tín hữu cũng chỉ trích thần học về Ba Ngôi của vị mục tử. Vả lại bước đi lên của Constantinople không hề làm hài lòng các thủ phủ kỳ cựu. Một ngày nọ, Grégoire long trọng tiếp nhận vào cộng đoàn “Nicée” một vị tên Maxime, mợt “triết gia”; Ngài rước vị này về nhà và còn viết lời ca ngợi vị ấy nữa. Ngài đâu dè rằng vị khách quí ấy lại là ứng viện bí mật mà vị thượng phụ thành Alexandrie muốn đặt vào toà của thủ đô “Constantinople”. Vị đang ngấp nghé này được lén đem truyền chức vào ban đêm. Nhưng Théodose kịp ra tay chận đứng sự phiêu lưu này.
Dù có bị chống đối, thành công của Grégoire vẫn thật đáng kể. Théodose ngự giá vào dịp lễ No? l năm 380; vị Giám mục thuộc bè Arius bị trục xuất ; nhà thờ chánh toà cùng các thánh điện khác, đều được trao lại cho người Công giáo, và Grégoire tiến vào nhà thờ chính toà cùng với hoàng đế. Tại buổi khai mạc Công đồng Constantinople (381), sau này được nhìn nhận là Công đồng chung (Concile Oecuménique) ngài được bổ nhậm toà của Tân-Rome. Phải chăng đây là vinh quang bền vững?
4. Rút lui
Sự ghen tuông và những mưu hại mỗi ngày dồn dập quanh ngai Giám mục: Càng gay hơn vì Grégoire nguyên chính thức là Giám mục của Sasimes, và theo những điều khoản đề ra ở Nicée, thì Ngài không còn có thể được chuyển sang một toà khác. Những chia rẽ trầm trọng còn xảy ra tại công đồng mà Grégoire được mời chủ toạ, vì Mélèce d’Antioche qua đời. Nản chí, Ngài thóai vị, rời bỏ toà lúc mới được một năm; đấy là toà độc nhất mà Ngài được bổ nhiệm chính thức, và đã ngỏ với các tín hữu lời giã biệt vĩnh viễn, một lời từ biệt hết sức cao nhã cả về ý tưởng lẫn ngôn từ.[4]
Sau đó Ngài lại lui về Nazianze (382) ở đây, toà Giám mục vẫn bị trống ngôi, Ngài tạm thời thi hành chức vụ Giám mục thế chỗ cha Ngài và sau cùng Ngài về Arianze, nơi chôn nhau và là nơi ẩn dật cuối đời, tại đây Ngài ngẫm suy lại, với niềm cay đắng nào đó, kinh nghiệm về hàng Giám mục và về Công đồng. Ngài có qua một vài lần tranh luận với những người theo Apollinaire, Ngài cũng nói đến cả những suy nghĩ của mình về sự vô ơn của các tín hữu và về trình độ văn hóa kém cỏi của các Giám mục đồng sự. Ngài theo đuổi sinh hoạt tinh thần qua một số lớn thư từ, trong đó Ngài đề cập đến tất cả, ngay cả đến nghệ thuật viết thư. Hiện còn lưu lại 249 bức thư, mà số xác thực do Ngài viết thì không được rõ, phần lớn số thư này được thảo vào lúc cuối đời. Chính Grégoire sưu tập các bức thư lại nhằm cho xuất bản. Cũng trong ý định ấy, Ngài tu chỉnh lại các diễn luận của Ngài (Discours). Ngài vẫn ý thức mình là một văn sĩ. Ngài qua đời vào khoảng năm 389 hay 390.
Với trí thông minh phi thường của Ngài, từng cung cấp cho các Kitô hữu một lương thực phong phú, với nhiệt tình và tâm hồn hết sức nhạy cảm với tài hùng biện uyên bác và lôi cuốn, tất cả những ưu điểm ấy vẫn không thắng được tâm tình ít thích ứng với hoạt động của Ngài. Ba mươi năm ở chức vụ Giám mục, hầu như Ngài luôn ở “ngoài giới địa”, và dù cũng có những thành công vang dội, nhưng tựu trung - và xét theo bề ngoài - là một thất bại. Trong khi Basile de Césarée là một Giám mục được thoả chí, thì Grégoire vẫn cứ mãi là “de Nazianze”, một thành phố nhỏ mà ở đó, Ngài thi hành chức vụ mục tử lâu nhất, nhưng không hề là Giám mục bản quyền.
II. NHÀ THẦN HỌC
Đối với hậu thế, Grégoire de Nazianze vẫn được coi là “nhà thần học”. Điều này có thể gây ngạc nhiên, nếu chỉ xét theo những đề mục các trước tác của Ngài. Ngài không để lại một bản chú giải nào, không một thiên khảo luận quan trọng nào cả. Phần chính công trình của Ngài 45 (thực tế là 44) bài diễn từ (discours) hoặc bài giảng lễ (Homélie); 5 bài (từ số 27-31) được gọi rõ là “thần học”, được công bố tại Constantinople vào năm 380, về sự đồng bản thể của Ngôi Lời, chống lại những người theo Arius, và về thần tính của Chúa Thánh Thần chống lại bè Macédoniens. Nhiều bài giảng khác nữa cũng rất đáng được coi là “thần học”, đặc biệt là những bài Ngài giảng trong các lễ trọng, và ngay cả một số thư từ. Cuối cùng, có một vài bài thơ cũng thực sự mang chất tín lý.
1. Nhà Luân lý
Grégoire không dửng dưng trước những vấn đề luân lý; Ngài hay chạnh thương trước những người nghèo, Ngài tin ở sự “bình đẳng nguyên thủy”, ấy là điều Thiên chúa muốn - nếu sự bình đẳng đó có bị phá vỡ, thì như Basile thường nói, những người giầu chỉ là những người quản lý của cải trần thế, họ có nhiệm vụ phải tái lập lại sự quân bình vì lợi ích của người anh em khốn khổ, là những người được đồng hóa với Chúa Giêsu: “Hãy cứu trợ Đức Kitô, hãy cho Đức Kitô ăn, hãy kính mến Người”. Ngài xúc cảm sâu xa trước những người phong cùi, “những con người nửa sống, nửa chết, bị cắt cụt tàn nhẫn, quá dị dạng đến nỗi không còn có thể nhận ra là người... Những con người đấy ư? đúng hơn, đó là những mảng tàn tạ của họ”. Với những vị đồng thời, Grégoire cũng đặt ra vấn đề hôn nhân và trinh khiết. Dĩ nhiên, Ngài tuyên dương sự trổi vượt của đức trinh khiết, nhất là vì đức này hiển hiện nơi Maria, “Đức Mẹ Khiết trinh”: “Cuối cùng thì đức trinh khiết cũng sáng lên nơi đôi mắt của con người cát bụi được thoát khỏi ràng buộc thế gian, đức khiết trinh giải thoát thế gian yếu đuối hư hèn: như linh hồn vượt xa xác thịt bao nhiêu thì đức ấy cũng vượt xa việc hôn nhân và những ràng buộc của cuộc sống bấy nhiêu”. Tuy nhiên, Ngài cũng không quên khẳng định rằng hôn nhân là “luật nguyên thủy của trái đất cũng là luật của Thiên Chúa”. Ngài ca ngợi“hành vi tôn quí này của Eros”, coi đấy như “dấu ấn của một tình thương bền vững”, nguồn phúc lộc cho chínhđôi bạn và cho thế giới. “Hôn nhân không làm xa cách Thiên Chúa, nhưng đem đến gần Người, nhất là vì chính Người thúc đẩy chúng ta đến đó”. Nếu Grégoire không phải lúc nào cũng bao dung như thế đối với”thức uống độc nhất từ một nguồn suối niêm phong mà những kẻ ngoài cuộc không nếm được “ thì có điều chắc chắn là quan niệm của Ngài về đời sống hôn nhân ít bi quan hơn quan niệm của Basile.
2. Mầu nhiệm Chúa Kitô và con người
Tư tưởng của Ngài nghiêng về tín lý nhiều hơn là về luân lý. Hai tâm điểm của giáo huấn của Ngài, cũng như của thời ấy là: Chúa Kitô và Thiên Chúa Ba Ngôi. Cùng với các bạn Cappadoce, Ngài đào sâu di sản của Nicée, nhằm đưa di sản ấy đến chỗ được Công đồng Constantinople định thức hóa. Grégoire tin ở những khả năng của lý trí đối với thế giới này: Tất cả là phản ánh, tất cả là dấu hiện, cần phải mạnh dạn đi vào, và Ngài con đi xa hơn Basile. Dù vậy tất cả chỉ là hình ảnh rất bất toàn của “Đấng Khôn tả” tưởng nắm bắt được Ngài thì chỉ là “lấy gáo mà đong biển khơi”. Ngài kịch liệt chống lại những người theo Arius thời đó, những kẻ giản lược huyền nhiệm vào những công thức tam đoạn luận. Con đường chắc chắn hơn cả đó là làm trổi lên nơi “khát vọng phổ quát” của tạo vật một “ca khúc của thinh lặng” thấu tận “bên kia của tất cả” (l’au delà de tout): Vả lại, Ngài chấp nhận một loạt những vấn đề bỏ ngỏ, tự do tranh luận, nếu có “sai lầm thì cũng chẳng nguy hại gì”, điều đáng ngạc nhiên là trong số đó có những chủ đề như linh hồn, sống lại hoặc phán xét.
Sự khiêm tốn của lý trí đứng trước mầu nhiệm vẫn không ngăn cản Grégoire diễn đạt giáo lý về mầu nhiệm Nhập thể bằng những từ ngữ chính xác và trang trọng. Để cứu nhân loại khỏi bất hạnh, “chính Ngôi Lời Thiên Chúa, vượt trên thời gian [...] nguyên lý bởi nguyên lý [...] trọn vẹn giống (Chúa Cha) [...], đi đến với chính hình ảnh của mình, mặc lấy thân xác vì thân xác, nhận lấy hồn nhân loại và linh hồn tôi, dùng điều tương tự để thanh tẩy điều tương tự (le semblable) [...]. Trong tư cách là Thiên Chúa Ngài tiến vào trong nhân tính được đảm nhận (l’humanité assumée), một hữu thể duy nhất, kết quả của hai nguyên lý đối nghịch, thân xác và tinh thần một bên được thần hóa (déifiée) bên kia thì thần hóa (déifiant). Ôi! sự kết hợp kỳ diệu. Ôi! sự phối hợp nghịch lý. Đấng ở giữa sự trở thành (le devenir) và không được tạo thành (incrée) lại được tạo thành (crée)”. Đây là đoạn trích bài giảng lễ Phục sinh - với văn phong uy nghiêm thanh thản như muốn chế diễu các cuộc tranh cãi, nhưng trong thực tế lại ứng đối từng điểm với mọi khía cạnh của thuyết Arius trong sự tiến triển của nó: Ngôi Lời ở ngoài thời gian nhưng lại sinh bởi Chúa Cha, “giống Cha trong mọi sự” đảm nhận con người toàn thể, không chỉ là xác và hồn nhưng cả tinh thần nữa, phần “noũs” này (intelligence, trí tuệ), bị những người theo Apollinaire gạt bỏ, nhưng Grégoire đã khẳng định rõ ràng trong một bức thư: “vì tinh Thần (noũs) của chúng ta, nhất thiết Người cũng phải có một tinh thần. Vả chăng tinh thần ấy đã không phạm tội nơi Ađam, và ngay cả trước thân xác sao? [...]; vậy nó cần ơn cứu độ hơn phần còn lại. Điều không được đảm nhận thì không được chữa lành”. Ngài không chỉ nhấn mạnh trên sự toàn vẹn của hai bản tính, nhưng còn dám đánh vào những dữ kiện nền tảng của thuyết Arius: “Vĩnh cửu chịu sự biến dịch” (l’éternel soumis au devenir). Ngài tìm cách đào sâu vấn đề “hai bản tính gặp nhau trong sự duy nhất”, “hai bản tính kết hợp và nối kết với nhau theo bản thể” (ousia), “không phải là hai, nhưng là một bởi hai”. Ngài nhìn ra ở đấy “một điều và một điều khác”, chứ không phải “một ngôi vị và một ngôi vị khác”. Chỉ có một Chúa Kitô, sự kết hợp mật thiết đến nỗi: “các danh xưng đan vào nhau”, “chuyển đổi với nhau do sự hỗn hợp” (mélange); đó là cách nói xưa của Origène, thầy của Ngài, và của Tertullien. Các bản tính chia sẻ với nhau các đặc tính, một cách nào đó là sự chuyển thông các đặc tính (communication des idiomes): Thiên Chúa được sinh bởi Đức Trinh Nữ, hoạc Maria là “Mẹ Thiên Chúa”. Thiên Chúa chịu đóng đinh.
Grégoire nhấn mạnh ngay cả đến sự yếu đuối và những đau khổ thuộc nhân tính của Chúa Kitô, nhưng không luôn luôn đưa ra lời giải thích, Chúa Kitô cần phải hoàn toàn trở nên người, để đổi lại, nhân tính được hoàn toàn thần hóa, theo như bài giảng đã trích ở trên. việc con người được thần hóa là hiệu quả và, ngay cả là mục đích của việc Thiên Chúa Nhập thể. Đó hầu như là hai mặt của cùng một thực tại: “Xin cho con trở nên Thiên Chúa. Cùng mức độ như Ngài đã trở thành người”. “Ấy là mầu nhiệm vĩ đại đối với chúng ta”. Việc đồng hóa với Thiên Chúa này hẳn có mầu sắc Platon hay Plotin là hai triết gia mà Grégoire chịu ảnh hưởng rất nhiều. Nhưng linh đạo của Plotin là một sự đào thoát, qua đó, con người cậy vào sức riêng mình mà tự giải thoát khỏi vật chất. Còn ở đây, Thiên Chúa đi đến với con người, nắm bắt lấy con người tận trong thân xác và những bất toàn của nó, ngõ hầu trong con người đó, đưa nhân tính trở lại hình ảnh của Thiên Chúa, và như thế biến đổi con người tận trong bản chất, nhờ ân sủng của một đời sống trong Đức Kitô, dưới tác động của Thánh Thần, “Đấng Kiện Toàn”. Giáo lý về mầu nhiệm Nhập thể nơi Grégoire vững chắc so với các vị Cappadoce khác, luôn luôn bao hàm linh đạo về thần hóa (spiritualité de la divinisation). Mầu nhiệm Nhập thể được hoàn thành tối đa nơi các Bí tích và nơi các Cử hành Phụng vụ, do việc tưởng niệm các hành vi cứu độ của Chúa Kitô, đồng thời tháp nhập chúng ta vào với Ngài: “Người làm tôi trở nên Thiên Chúa; có biết bao nhiêu là ngày lễ cho tôi trong từng mầu nhiệm của Đức Kitô! Tất cả những ngày lễ đó, tóm tắt lại là để tôi được nên hoàn hảo, được tái tạo”. Nhiệm cục (mystère de l’économie) của Thiên Chúa, một từ ngữ mà Grégoire thích dùng trong khi nơi các vị Tây phương, nhập thể thường dẫn đến những đời hỏi luân lý, thì ở đây, mầu nhiệm ấy dẫn vào một tương quan mật thiết với Đức Kitô.
Cũng chính “mầu nhiệm cao cả”này cho chúng ta thấy được ý nghĩa con người: “bé nhỏ và lớn lao, hèn mọn và cao quí, hữu hạn (mortel, khả tử) và bất tử, trần ai và thiên thai”. Grégoire thường nói đến, theo giọng của Pascal, ý nghĩa tương phản này của định nghĩa con người: “Là hình ảnh Thiên Chúa đồng thời được nhào nặn từ bùn đất”, “kẻ thừa hưởng ánh sáng và lửa, hoặc bị kết án vào chốn tối tăm”. Ngài nhấn mạnh đến bùn đất, là khía cạnh kéo chúng ta xuống thấp, và đó là điều Ngài muốn làm nổi bật (note dominante), nhưng không bao giờ quên khía cạnh tạo dựng. Ngài biết rằng thân xác là “đồng thừa tự” là nguồn gốc của các công trình, “kẻ thù đáng yêu và là anh bạn phỉnh phờ! Đồng tình biết bao mà cũng là phân cách biết bao”. Tóm lại, cần phải săn sóc thân xác chúng ta, người bạn đồng lao cộng khổ [...] yêu quí nó như một người anh em, vì kính trọng Đấng đã kết hợp chúng ta lại” và, trong đức ái, Ngài đã hướng sự quan tâm đó tới mọi thân thể con người, những kẻ cùng tạo nên Thân thể Đức Kitô.
3. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi
Đây là chủ đề mà Grégoire tỏ ra xuất sắc hơn cả. Ngàiđặt mạc khải về Thiên Chúa Ba Ngôi trong một vận hành rộng lớn của lịch sử, được sắp đặt do đường lối giáo dục của Thiên Chúa, một đường lối tôn trọng phẩm giá và khả năng tiếp nhận của con người. “Cựu Ước tỏ rõ về Chúa Cha (cho thấy) lờ mờ về Chúa Con. Tân Ước đã mạc khải về Chúa Con và hé cho thấy thần tính của Thánh Thần. Ngày nay Thánh Thần sống giữa chúng ta và Ngài tỏ mình ra rõ hơn trong mức độ chính thần tính của Đấng Cứu Thế từ nay được khẳng định vững chắc hơn”.
Grégoire là sứ giả làm sáng tỏ khía cạnh này để chống lại những kẻ bài bác Chúa Thánh Thần (pneumatomaque). Trong khi Basile, trong khảo luận về Thánh Thần, do một sự e ngại có tính toán, đã không công bố minh nhiên thần tính của Chúa Thánh Thần, thì “nhà Thần học”, ngay trong bài giảng nhằm biện chính cho sự trì hoãn mạc khải đó, đã công bố: “Thánh Thần là Thiên Chúa ư? Đúng thế, thật như vậy! Vậy Người có đồng bản thể không? (consubstantiel) - chắc chắn rồi bởi vì Người là Thiên Chúa”. Như Đức Kitô, Ngài gọi Chúa Thánh Thần là “người bạn ruột thịt”, “người thân thiết của con” (compagnon naturel, mon familier). Thiên Chúa Ba Ngôi là tâm điểm của tác phẩm của Ngài. Ngài không chấp nhận chủ trương “nhất thể” của những người nghiêng về Do Thái giáo, cũng như chủ trương “đa thể” (multiplicité) của những người nghiêng theo tư tưởng Hy lạp, nhưng là “ba hiến thánh trong sự duy nhất của thần tính” (une triple consécration dans l’unité de la divinité). Ngài nhìn thấy cả ba trong “chỉ một ngọn đuốc, mà không thể phân chia hay phân tích, một ánh sáng duy nhất”, “ánh sáng đơn thuần của ba nguồn hòa nhập làm thành một dòng rực cháy duy nhất”, ba làn ánh sáng (triple lumière) của vinh quang bất khả phân. Khi Ngài nói về “ba chỉ như một, ấy là ba cùng mang thần tính, hay nói chính xác hơn cả ba là thần tính”. có lẽ Grégoire nhấn mạnh hơn Basile về sự duy nhất (unité) hay đồng nhất (identité) của yếu tính “chỉ một bản tính (nature) trong ba đặc tính (propriétés)” nhưng thường, trong chi tiết, khi không sợ lạc khỏi thuật ngữ của Kinh Thánh hay truyền thống, Ngài nhấn mạnh đến sự phân chia ba “hypostases” (tam vị), các đặc tính hay nét riêng biệt (particularités) và các mối tương quan với nhau của tam vị: Chúa Cha không được sinh ra (inengendré). sự sinh ra vĩnh hằng của Chúa Con (génération éternelle) - một khái niệm sau này được khai triển rất nhiều - sự nhiệm xuất của Thánh Thần, “ba đặc tính (propriétés) thuộc bình diện trí tuệ, hoàn hảo, tồn hữu, phân biệt theo số chứ không theo thần tính”.
III. NGƯỜI SAY MÊ THIÊN CHÚA
Nói như trên là làm méo mó tinh thần của Grégoire. Bài trình bày của Ngài không hề có tính suy lý khô khan; phải nhận rằng lòng đạo nhiệt thành của Ngài bàng bạc khắp cả. Thần học của Giáo hội được diễn đạt ở Nicée và “nơi các thánh Giáo phụ”, còn Ngài thì sống thần học đó cách mãnh liệt trong kinh nghiệm bản thân mình - rất nhiều lần Ngài viết “Ba Ngôi của Con”.
Thần học về Ba Ngôi của Ngài thường đượm vẻ thần bí. Lý thuyết về thần hóa (divinisation) đáp ứng lại mầu nhiệm Nhập thể, đòi hỏi người Kitô hữu theo linh đạo của thánh Phaolô phải kết hợp mật thiết với Đức Kitô, Đấng biến đổi họ thực sự “thành hình ảnh” của Người, hầu làm cho họ nên “đồng hình với Thiên Chúa” (déi forme). Đó là ơn gọi của một người. Nhưng chiêm niệm đòi hỏi phải được chuẩn bị bằng việc thanh tẩy và thực hành các giới luật.
Grégoire nói: “Ai không yêu mến Thiên Chúa thì không thể biết Người”, Ngài nhận ra nơi cây tri thức (l’arbre de la connaissance, cây sự biết tốt xấu) - cây mà Thiên Chúa, vì lòng nhân lành, đã cấm lại gần trong vường địa đàng; chính là “cây chiêm niệm, nơi đó, chỉ những người đạt tới một nếp sống hoàn hảo đủ mới có thể leo lên mà không nguy hại. Ngược lại cây đó chỉ có thể là điều sai lạc, cho những tâm hồn quá thô kệch, chứa đầy dục vọng’.
Tất cả thần học của Grégoire mang nặng tâm tình hướng về Thiên Chúa. Đôi lúc việc nâng tâm hồn lên chỉ còn là niềm khao khát vượt qua “các sự vật hữu hình”, các “hình sắc chóng qua của trần gian”, để vượt tới sự duy nhất, nguyên tuyền của Thiên Chúa, theo tinh thần của Plotin. Rất thường khi khát vọng đó được Kitô hóa ở chiều sâu, hướng về Đức Kitô. “Nhờ đến Đức Kitô của tôi - Grégoire nói - và khi suy nghĩ về việc người ta khinh bỉ, hạ nhục Người... là lòng tôi đầy buồn giận”. Ngài còn nói: “Đức Kitô của tôi Vua của tôi”, hay “Giêsu của tôi”, “Người bạn của tôi”, Bải giảng hoặc điếu văn thường kết thúc bằng lời nguyện:
“Lạy Chúa tể là Đấng Tác Tạo muôn loài... xin đón nhận chúng con vào lúc thuận lợi... Ngày ly trần ước gì chúng con ra đi [...] trong niềm hăng hái lao về đời sống bất tử và vĩnh phúc, đời sống trong Kitô Giêsu, Chúa chúng con, vinh quang thuộc về Người đến muôn đời muôn thủơ. Amen”.
Phần trình bày thần học thường trở thành những lời cầu nguyện, thấm nhuần tinh thần tôn thờ: khao khát khôn nguôi về Thiên Chúa và những điều thuộc về Thiên Chúa. “Những ai tiếp nhận Người thì được Người ban cho hơn nữa. Niềm khát khao của Người là chớ gì chúng ta khao khát Người”. Tác giả chuyển sang “ngôi thứ nhất”, như để thú nhận kinh nghiệm thần bí của mình: “Tôi đã ruổi theo Thiên Chúa, tôi đã trèo núi, đã vào sâu trong áng mây khi đi vào trong chính mình, khi định tâm định trí”. Sau khổ chế và sau một giai đoạn chiêm niệm bằng trí tuệ, Ngài hưởng được sự bình an cô tịch. Từ nay nơi con người đã được thanh luyện của mình, là “gương trong không tì vết, về Thiên Chúa và về các điểm thần linh”, Ngài đã tìm lại được hình ảnh của Thiên Chúa.
IV. NGƯỜI TRAU CHUỐT THI VĂN
Qua những năm dài học tập, Grégoire đã học được tất cả các nghệ thuật văn thơ. Các phép hành văn được ưa chuộng nhất như phép láy âm (allittération, điệp vận), phép liên ngôn vận (homéotéleute), phép đa cú đồng ngôn (l’isocole) hay phép đối ngẫu chéo (le chiasme), đều được dùng để trau chuốt các diễn từ hay ngay cả các bức thư của Ngài. Cú pháp lúc thì đàng tả, lúc thì gãy gọn cách khéo léo. Ngài sử dụng hình ảnh để minh họa những ý niệm quá trừu tượng hay những tình cảm ý nhị nhất. Ngài thường được gọi là “Démosthène Kitô giáo”, và, với những ý tứ cao nhã, mặc dù, theo cái nhìn của chúng ta, Ngài tìm cách diễn tả có phần kiểu cách mầu mè, Ngài quả là một trong những văn sĩ cừ khôi nhất về văn chương Hy lạp - Kitô giáo.
Thơ của Ngài là bị tranh cãi nhiều nhất. Việc quá quen thuộc với những nguồn vô tận của âm luật thường khiến Ngài trở thành gượng ép và ngay cả khó hiểu. Tuy nhiên tác phẩm đồ sộ gần 17.000 câu thơ này cũng có nét độc đáo của nó. Thơ trong đó rất chuẩn và nhuyễn về dấu nhấn, về số âm tiết (syllables) cũng như về các luật của thi phú. Như vậy thơ của Ngài phản ánh một sự tiến triển tương ứng với tiến triển mà người ta nhận thấy trong nền thi ca La tinh.
Cũng như trong các bức thư, tác phẩm này đầy dẫy những nỗi niềm riêng của Ngài, nỗi niềm được phổ thành thơ nhằm diễn tả một tâm tình đạo đức mênh mang cũng như những khốn khổ thấp hèn của một con tim quá nhạy cảm.
Tóc trắng thời gian,
Thiên nga xoãi cánh
Cho vơi nhọc nhằn,
Cũng thế tôi có thể tự ủi an
Khi hát lên, không phải lời than vãn,
Nhưng là một khúc ly tan.
Một trong những bài thơ (XI) mang tựa đề “Cuộc đời tôi” (Sur ma vie) 1949 câu, là một lời tự thuật sâu kín, không xa lạ gì với “Lời trần tình” (Confession) của một thánh Augustin, và có lẽ đã khởi xướng một thể loại thi ca trong lịch sử văn chương Hy lạp. Có những bài thơ thật hay thật đẹp, chẳng hạn như bài thánh thi ban chiều này:
Xin cho đôi bờ mắt
khép giấc mộng yên lành
cho tiếng nói trong con
Thôi không còn câm lặng.
Lúc Grégoire de Nazianze thực sự thi hành chức Giám mục, cũng chính là lúc Ngài thực hiện được một công trình lớn lao. Với sự hỗ trợ của Théododose ở Công đồng Constantinople, Ngài đã hầu như kết liễu bè Arius, hoàn thành một cách khá dễ dàng cuộc chiến thắng dai dẳng của bạn mình là Basile. Riêng Ngài, nhất là xuyên qua các diễn từ thần học (discours théologiques), Ngài đã đem lại cho đức tin Ba Ngôi, một đức tin mà Giáo hội đang sống, tất cả sự chính xác về mặt tín lý, trong mức độ mà sự tôn trọng huyền nhiệm cho phép. Tất nhiên, kỳ tài hùng biện, lý luận sắc bén, văn phong tao nhã, hứng cảm thần bí trong lời lẽ của Ngài đã góp phần rất lớn cho danh tiếng Ngài. Dẫu sao, từ các vị cùng thời[5], cho tới các vị kế tục Ngài, ngay cả mãi sau này[6] đều nhìn nhận là chịu ảnh hưởng của Ngài, ngay cả trong lãnh vực mà dường như không thấy Ngài đề cập đến; và, dù có những vị khác đã làm nhiều hơn và có khi còn giỏi hơn, nhưng không ai chối cãi ảnh hưởng của Ngài, đó quả là điều hiếm hoi giữa các nhà thần học với nhau. Trí tuệ cao thâm của Grégoire vừa hoàn toàn thấm nhuần Thiên Chúa, vừa được một nền văn hóa phong phú nhất của nhân loại trợ giúp, đã cho ra đời đúng lúc những lời lẽ, suy tư cần phải có. Ngài thật xứng là “Théologos” là người “phát ngôn” của Thiên Chúa (héraut de Dieu) như lòng Ngài mong ước.
Vị Giám mục này còn là và luôn luôn là một con người, ý thức về phẩm giá của mình và đaư khổ về nỗi khốn cùng của mình. Ngài nói lên điều đó một cách trực tiếp chứ không xa xôi như Augustin và nói một cách thẳng thắn mạch lạc và mạnh bạo hơn. Ngài thường ngâm ngợi điều đó, và đôi khi diễn tả cách nghệ thuật. Nếu các nhà lãng mạn (romantique) có ý tìm kiếm một nhà tiền phong và một vị thánh bảo trợ, thì hẳn họ có thể nhận Ngài.
[1] Ngài thuyết phục cha đưa ra một tuyên tín hoàn toàn công giáo năm 364
[2] Vì thời này người ta có thói quen rửa tội khi đã trưởng thành
[3] Cf. Apologeticus de fuga
[4] Discours d’Adieu, Discours 42
[5] Jérôme đồ đệ của Ngài, Rufin người chuyên dịch tác phẩm của Ngài, Evagre le Pontique, Augustin
[6] Diadoque de Plotiqué, nhất là Maxime le Confesseur và Jean Damascène