Saturday, 04 April 2020 14:23

Giải Thích Bộ Giáo Luật - Quyển II: Dân Thiên Chúa – Cơ Cấu Phẩm Trật Giáo Hội (3) Featured

GIẢI THÍCH

BỘ GIÁO LUẬT NĂM 1983

CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Tác giả: Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP.

***

***

QUYỂN II:

DÂN THIÊN CHÚA

---***---

PHẦN II

CƠ CẤU PHẨM TRẬT GIÁO HỘI

***

MỤC VII

CÁC GIÁO XỨ
CÁC LINH MỤC CHÁNH XỨ VÀ PHÓ XỨ

               
 

I. GIÁO XỨ

1. Khái niệm

a. Giáo xứ

Giáo xứ là một cộng đoàn tín hữu Kitô nhất định, được thành lập cách cố định (bền vững) trong một giáo hội địa phương mà việc  coi sóc mục vụ được trao cho một linh mục chính xứ như là chủ chăn riêng của giáo xứ ấy, dưới quyền của giám mục giáo phận (đ 515 §1).

Bộ luật cũ đã không đưa ra định nghĩa nào về giáo xứ, nhưng được ví như một bổng lộc (beneficium) mà nay biến mất, và hiện nay giáo xứ mang tầm quan trọng là “cộng đoàn của các Kitô hữu” với chế độ kinh tế khác hẳn trước đây.

Chỉ giám mục có quyền quyết định thành lập, bãi bỏ hoặc thay đổi các giáo xứ, nhưng ngài cần theo ý kiến của hội đồng linh mục trước bất cứ việc thành lập, bãi bỏ hoặc thay đổi quan trọng nào (đ 515 §2).

Giám mục cần tham khảo ý kiến của hội đồng linh mục, nhưng chỉ trong trường hợp có thay đổi “đáng kể”. Các quyết định của giám mục phải dựa trên nhu cầu của các linh hồn.

Một giáo xứ đương nhiên có tư cách pháp nhân (đ 515 §3). Bộ luật cũ không nói điều đó.

Tư cách pháp nhân của giáo xứ thuộc lãnh vực Giáo luật và như vậy phải được tôn trọng trong lương tâm. Những tài sản của giáo xứ dù là các áo lễ, các đồ thờ phượng không thể chuyển sang cho giáo xứ khác.


b. Chuẩn giáo xứ

- Chuẩn giáo xứ được đồng hóa với giáo xứ, là một cộng đoàn tín hữu nhất định được trao cho một linh mục làm chủ chăn, nhưng vì hoàn cảnh đặc biệt, chưa thiết lập thành giáo xứ (đ 516 §1), như thiếu phương diện tài chánh, chưa có cơ sở, hoặc không thể bổ nhiệm một linh mục thường trú.

- Một cộng đoàn tín hữu nào chưa có thể thiết lập thành giáo xứ hay chuẩn giáo xứ, giám mục sẽ lo liệu cách khác cho việc coi sóc mục vụ của cộng đoàn ấy (đ 516 §2).

- Khi hoàn cảnh đòi hỏi, việc mục vụ của một giáo xứ hay cùng một lúc của nhiều giáo xứ khác nhau, có thể được trao cách toàn đới cho nhiều linh mục, nhưng theo qui tắc này là một trong các linh mục ấy là người điều khiển việc mục vụ, nghĩa là chỉ huy hoạt động chung và chịu trách nhiệm trước giám mục về hoạt động ấy (đ 517 §1).

- Nếu vì thiếu linh mục, giám mục giáo phận xét là nên cho một phó tế hoặc một người không có ấn tích linh mục hoặc một nhóm người tham dự vào việc thi hành mục vụ giáo xứ, thì ngài phải đặt một linh mục nào có các quyền hạn và năng quyền của một linh mục chính xứ để điều khiển việc mục vụ (đ 517 §2).

Theo luật chung, giáo xứ có đặc tính đối địa, nghĩa là gồm tất cả các tín hữu của một địa hạt nào đó. Nhưng ở đâu có lợi ích, cũng có thể thành lập những giáo xứ đối nhân được phân định do nghi thức, do ngôn ngữ, hoặc vì lý do nào khác (đ 518).

Điều 813 cho ta một thí dụ về “lý do khác” đó : giám mục có thể lập một giáo xứ cho các sinh viên, một giáo xứ đích thực, chớ không theo nghĩa rộng “giáo xứ đại học”.

Ranh giới giáo xứ phải được ấn định chính xác khi thành lập hoặc khi sửa đổi giáo xứ.
 

II. LINH MỤC CHÍNH XỨ

1. Định nghĩa

Linh mục chính xứ là chủ chăn riêng của giáo xứ, dưới quyền giám mục. Ngài được kêu gọi để chia sẻ thừa tác vụ của Chúa Kitô trong các chức vụ giảng dạy, thánh hóa và cai quản, với sự hợp tác của các linh mục khác, phó tế, và với sự giúp đỡ của giáo dân chiếu theo luật (đ 519).

Định nghĩa trên có một ý nghĩa và một đặc điểm mục vụ rất quan trọng, rõ ràng ngược với tinh thần duy pháp lý của bộ luật cũ. Tinh thần Vaticanô II đã nhấn mạnh đến hai đặc điểm : tham dự vào chính thừa tác vụ của Chúa Kitô và sự hợp tác của tất cả mọi thành phần của cộng đoàn : linh mục, phó tế và giáo dân.

Linh mục chính xứ không phải là pháp nhân, nhưng giám mục giáo phận, chứ không phải giám quản, có thể trao một giáo xứ cho một tu hội dòng giáo sĩ hoặc một hội giáo sĩ đời sống tông đồ bằng cách lập một giáo xứ ngay trong nhà thờ của tu hội hoặc của hội với điều kiện là chỉ một linh mục làm linh mục chính xứ của giáo xứ đó, hoặc nếu trách nhiệm mục vụ được trao cách toàn đới (tức là đồng loạt) cho nhiều linh mục thì phải có một linh mục để điều khiển như nói ở điều 517 §1 (đ 520 §1).

Một giáo xứ như trên có thể trao vĩnh viễn hay chỉ một thời gian nhất định. Trong cả hai trường hợp, phải có hợp đồng bằng giấy tờ của giám mục giáo phận và bề trên có thẩm quyền của tu hội hay hội để xác định cách rõ ràng và kỹ lưỡng về công việc phải làm; những người dành cho việc đó và vấn đề tài chánh (đ 520 §2).

Luật mới dứt khoát bỏ việc pháp nhân có thể là linh mục chính xứ.

Nhà thờ có thể là của giáo phận, và có thể là của một Dòng tu, tu hội hay một hội.

Có thể trao giáo xứ cho một tu hội hay một hội, thường nên bắt đầu bằng một hợp đồng có thời hạn, để thí nghiệm, sau đó sẽ có thể lập hợp đồng vĩnh viễn. (Cũng nên ghi thêm trong hợp đồng : về phía giám mục sẽ cam kết để linh mục chánh xứ luôn là một linh mục của tu hội hay của hội).


2. Bổ nhiệm

- Giám mục giáo phận có quyền tự do bổ nhiệm vào chức vụ linh mục chính xứ trừ khi ai có quyền đề cử hoặc lựa chọn, phải giữ đúng qui định của điều 682 §1 (đ 523).

Điều 682 §1, dự trù trường hợp một tu sĩ làm linh mục chính xứ : chính giám mục giáo phận bổ nhiệm tu sĩ đó theo sự đề cử của bề trên có thẩm quyền.

- Khi tòa giám mục bị khuyết vị hoặc bị cản trở thì giám quản hay vị nào tạm thời lãnh đạo giáo phận chỉ được bổ nhiệm các linh mục chính xứ sau một năm tòa khuyết vị hay bị cản trở, nhưng ngài có thể cắt đặt hoặc châu phê những linh mục đã được đề cử hoặc bầu ra cách hợp pháp để coi giáo xứ (đ 525).

- Phải trổi vượt về giáo lý, có hạnh kiểm tốt và nhiệt thành về tông đồ.

- Phải có khả năng, theo cách giám mục ấn định, kể cả bằng sát hạch (đ 521 §1,2,3).

Giám mục phải tham khảo ý kiến linh mục quản hạt, và nếu cần, tham khảo ý kiến của một số linh mục và giáo dân (đ 524).


3. Tính cố định

Tuy bộ luật không còn phân biệt giữa các linh mục chính xứ bất di dịch và các linh mục chính xứ có thể bị thuyên chuyển, nhưng khẳng định rằng chức vụ linh mục chính xứ phải cố định. Bởi vậy phải được bổ nhiệm cho một thời gian vô hạn định. Giám mục chỉ có thể bổ nhiệm cho một thời gian nhất định, nếu hội đồng giám mục chấp nhận việc đó bằng một sắc lệnh (đ 522).

Bộ Giáo luật quyết giữ lại tính cố định của chức vụ linh mục chính xứ. Nhưng trong số các thể chế hiện hành tại một số nước. Các linh mục chính xứ được trao coi giáo xứ trong một thời gian có giới hạn. Thí dụ tại Pháp và Canada, hội đồng giám mục quyết định thời hạn nhiệm kỳ của linh mục chính xứ là 6 năm, có thể tái bổ nhiệm một nhiệm kỳ nữa, không tất nhiên sẽ kéo dài thêm 6 năm.

Tính cố định này không được dành cho linh mục chính xứ là tu sĩ dòng, vì giám mục hay bề trên dòng có thể tự do rút linh mục đó ra khỏi chức vụ, nhưng bên nọ phải nói cho bên kia.


4. Tính duy nhất của giáo xứ - Tính duy nhất của linh mục chính xứ

- Một linh mục chính xứ chỉ coi một giáo xứ thôi. Nếu vì thiếu linh mục, hoặc vì hoàn cảnh khác, một linh mục chính xứ có thể kiêm nhiệm nhiều giáo xứ gần nhau (đ 526 §1).

“Hoàn cảnh khác” có thể rất đơn giản là vì mấy giáo xứ bé nhỏ. Trong ít nhiều giáo phận, thường thấy những giáo xứ đã thành lập hợp pháp và không tới 100 người, trong khi chờ đợi ý kiến của hội đồng linh mục để giám mục quyết định bãi bỏ hay tập hợp mấy giáo xứ đó lại làm một, thì một linh mục có thể là linh mục chính xứ của mỗi giáo xứ đó.

- Trong một giáo xứ, chỉ có một linh mục chính xứ thôi, mọi tập tục trái ngược đều bị loại bỏ và tất cả các đặc ân ngược lại đều bị thu hồi.

Như vậy, không thể chấp nhận tập tục đã được lập trong vài giáo phận, nơi đó những “ê kíp linh mục” đảm nhận nhiều giáo xứ, và không có một vị chịu trách nhiệm, tức linh mục chính xứ hoặc vị điều khiển giáo xứ ấy.


5. Nhận nhiệm vụ linh mục chính xứ

- Phải thi hành chức vụ ngay từ lúc nhận chức (đ 527) việc nhận chức này thường được gọi là “lễ tựu chức”.

- Linh mục chính xứ sẽ được vị thường quyền sở tại hoặc linh mục được ngài ủy quyền chủ sự thánh lễ nhậm chức của linh mục chính xứ theo cách thức luật riêng dự liệu. Nếu có lý do chính đáng, vị thường quyền sở tại có thể miễn lễ nghi tựu chức này (đ 527 §2).

Như vậy, việc nhậm chức phải là một hành vi công khai để tỏ cho thấy linh mục chính xứ là “một vị được sai đến”. Vị thường quyền sở tại có thể miễn lễ nghi tựu chức, nhưng không được miễn việc tuyên xưng đức tin do điều 833, số 6 truyền buộc.

- Vị thường quyền sở tại sẽ ấn định thời hạn để linh mục chính xứ nhận giáo xứ, khi thời hạn này qua đi vô ích, mà không có ngăn trở chính đáng, vị thường quyền sở tại có thể tuyên bố “giáo xứ khuyết vị” (đ 527 §3).


6. Những bổn phận của linh mục chính xứ

Dưới quyền giám mục giáo phận, linh mục chính xứ được kêu gọi tham dự vào những thừa tác vụ của Chúa Kitô : giảng dạy, thánh hóa và cai quản.

a. Giảng dạy

Loan truyền Lời Chúa, nhất là bài giảng Tin Mừng ngày Chúa nhật và lễ buộc, và dạy giáo lý (đ 528 §1).

b. Thánh hóa

Bằng Thánh Thể và xá giải. Dạy cầu nguyện, tham dự phụng vụ thánh và phải trông chừng có những lạm dụng về phụng vụ có thể có trong giáo xứ (đ 528 §2).

c. Cai quản như chủ chăn

- Biết rõ các tín hữu trong giáo xứ.

- Thăm các gia đình, chia sẻ lo lắng, ưu phiền, tang chế.

- Nâng đỡ, sửa bảo khôn ngoan.

- Giúp đỡ các bệnh nhân, đặc biệt những người sắp chết bằng các bí tích.

- Đặc biệt lưu tâm đến những người nghèo, đau khổ, cô đơn, tù đày, gặp khó khăn.

- Giúp đỡ các đôi vợ chồng và những bậc cha mẹ và phát huy đời sống Kitô trong gia đình (đ 529 §1).

- Thừa nhận và nâng đỡ những phận vụ của giáo dân trong sứ mạng của Giáo hội bằng cách khuyến khích các hội đoàn.

- Hợp tác với giám mục và với linh mục đoàn của giáo phận.

- Giúp giáo dân biết hiệp thông trong giáo xứ, cảm thấy mình là thành phần của giáo phận cũng như Giáo hội toàn cầu, để họ tham gia và nâng đỡ các công cuộc có chủ đích cổ vũ sự hiệp thông này (đ 529 §2).

Chúng ta thấy kể ra khá đầy đủ tất cả các bổn phận của linh mục chính xứ. Nội dung có tính cách mục vụ hơn pháp lý, và không thấy có như vậy trong bộ luật cũ. Đây thật là một phản ảnh của tinh thần Vaticanô II.


7. Cư trú

- Linh mục chính xứ phải cư ngụ tại giáo xứ, gần nhà thờ. Trong trường hợp đặc biệt và có lý do chính đáng, vị thường quyền có thể cho phép ngài cư ngụ ở nơi khác, nhất là trong một nhà chung có nhiều linh mục, miễn là vẫn chu toàn được các nhiệm vụ cách thích hợp và đúng luật (đ 533 §1).

- Mỗi năm, linh mục chính xứ có thể đi nghỉ tối đa một tháng liền hay gián đoạn. Những ngày vắng mặt để đi tĩnh tâm không kể vào số ngày nghỉ. Khi vắng mặt quá một tuần, phải báo cho vị thường quyền biết (đ 533 §2).

Bộ luật cũ cho nghỉ hai tháng, luật mới cho một tháng, như vậy là ngặt hơn. Đây là một trong số rất ít điều của luật mới ngặt hơn luật cũ. Điều này cũng đúng cho giám mục và kinh sĩ.

- Giám mục có bổn phận sắp xếp để trong thời gian linh mục chính xứ vắng mặt, thì có linh mục đủ thẩm quyền để lo cho giáo xứ (đ 533 §3).


8. Thánh lễ “pro populo”

- Sau khi nhậm chức, linh mục chính xứ có bổn phận phải chỉ lễ mỗi ngày Chúa nhật và lễ buộc trong giáo phận cho giáo dân. Nếu bị ngăn trở cách chính đáng, hoặc chính ngài sẽ chỉ lễ vào một ngày khác (đ 534 §1).

Lễ chỉ cho dân là những lễ buộc trong giáo phận (những lễ đã hủy bỏ, hoặc những lễ buộc cho Giáo hội toàn cầu mà không buộc trong giáo phận, không phải làm), không còn buộc phải dâng lễ này trong nhà thờ giáo xứ (tức là dâng ở đâu cũng được) và khi phải chỉ lễ một ngày khác, sẽ chỉ cần lý do chính đáng, không cần phải có phép vị thường quyền sở tại.

- Linh mục chíùnh xứ nào coi nhiều giáo xứ, chỉ buộc dâng một thánh lễ cho dân (đ 534 §2).

- Linh mục chính xứ không làm đầy đủ nghĩa vụ trên, thì sớm hết sức phải chỉ cho dân tất cả số thánh lễ đã bỏ qua không làm (đ 534 §3).

Đây là nghĩa vụ công bằng đối với linh mục chính xứ.


9. Việc giữ sổ sách của giáo xứ

Mỗi giáo xứ phải có những sổ sách riêng : sổ rửa tội, hôn phối, sổ tử và các sổ khác theo qui định của hội đồng giám mục hay giám mục giáo phận, phải ghi chép và lưu giữ cẩn thận (đ 535 §1).

- Trong sổ rửa tội phải ghi thêm sức, và tất cả những gì liên quan đến tình trạng Giáo luật của tín hữu, nghĩa là hôn phối, nhận làm nghĩa tử, lãnh chức thánh, khấn trọn đời, đổi nghi thức…. Những ghi chú này luôn luôn được ghi trên giấy chứng thư rửa tội (vì chứng thư rửa tội được coi là “chứng chỉ căn bản” của các tín hữu) (đ 535 §2).

- Mỗi giáo xứ phải có một con dấu riêng; các giấy chứng nhận tình trạng giáo luật của các tín hữu và các giấy tờ có tầm quan trọng pháp lý đều phải có chữ ký của linh mục chính xứ hoặc người đại diện ngài, và phải đóng dấu giáo xứ (đ 535 §3). Nay bãi bỏ việc hàng năm gửi các bản sao về tòa giám mục.

- Mỗi giáo xứ phải có một tủ hay văn khố để cất giữ các sổ sách của giáo xứ, các văn thư của giám mục và các tài liệu khác còn phải lưu giữ. Khi kinh lý, giám mục sẽ xem xét vấn đề này. Linh mục chính xứ phải trông chừng để những văn kiện này rơi vào tay người khác (đ 535 §4).

- Những sổ sách lâu đời của giáo xứ cũng phải được lưu giữ cẩn thận (đ 535 §5).

- Hình như luật chung không còn buộc các chứng từ phải chép thành hai bản : một giữ tại giáo xứ, một nộp cho tòa giám mục, nhưng nên làm để đề phòng nếu bị tiêu hủy tại giáo xứ (cháy, phá phách…) thì còn tài liệu gốc tại tòa giám mục.


10. Chức vụ

- Bộ luật cũ nói tới những chức vụ “dành cho linh mục chính xứ”, bộ luật mới chỉ nói tới những chức vụ “được đặc biệt ủy cho linh mục chính xứ”, tức là các việc được trao riêng cho linh mục chính xứ là :

1. Ban phép Rửa tội.

2. Ban phép Thêm sức khi nguy tử.

3. Ban của ăn đàng và xức dầu bệnh nhân.

4. Chứng hôn và chúc hôn.

5. Cử hành nghi lễ an táng.

6. Làm phép giếng rửa tội mùa Phục sinh và chủ sự các cuộc rước kiệu ngoài nhà thờ và làm các phép cách trọng thể ngoài nhà thờ.

7. Cử hành thánh lễ cách long trọng hơn các Chúa nhật và lễ buộc (đ 530).


Dù linh mục không làm những việc kể trên cho giáo xứ, thì những của giáo dân dâng cúng trong dịp đó phải bỏ vào quĩ giáo xứ, trừ khi có ý muốn rõ ràng của người dâng. Sau khi nghe ý kiến hội đồng linh mục, giám mục phải ấn định dụng đích của các dâng cúng ấy và trả thù lao cho linh mục chính xứ đã chu toàn công việc đó (đ 531) (phù hợp với sự hủy bỏ chế độ “các bổng lộc” do công đồng quyết định).

- Trong mọi công việc pháp lý, linh mục chính xứ đại diện cho giáo xứ theo Giáo luật, (trừ một số trường hợp, ngài cần có phép của vị thường quyền, thí dụ để thưa kiện ở tòa đời (xc. đ 1288)).


11. Hội đồng  mục vụ

- Nếu thuận lợi, sau khi tham khảo ý kiến hội đồng linh mục, giám mục cho lập một hội đồng mục vụ trong mỗi giáo xứ. Hội đồng này do linh mục chính xứ chủ trì họp với những người do chức vụ tham gia vào công việc mục vụ của giáo xứ. Giáo dân cũng phải góp phần để ủng hộ hoạt động mục vụ (đ 536 §1).

Sự quyết định thành lập hội đồng mục vụ là quyền của giám mục, chính ngài có quyền ban hành những luật lệ cho sự hoạt động của hội đồng này.

- Hội đồng mục vụ chỉ có quyền tư vấn và được điều hành theo những qui tắc do giám mục qui định (đ 536 §2).


12. Hội đồng kinh tế

Mỗi giáo xứ phải có một hội đồng kinh tế, giúp linh mục chính xứ trong việc quản lý tài sản của giáo xứ (đ 537).

Việc lập hội đồng này có tính cách bắt buộc, nó sẽ cho phép trẻ trung hóa hoặc mang lại sinh khí cho các “hội đồng giáo xứ” trước kia.

Trong thực tế, nơi đa số các giáo xứ, chỉ có một hội đồng để cố vấn cho linh mục chính xứ trong tất cả mọi việc.


13. Linh mục chính xứ hết chức quyền

Trong những trường hợp sau :

1. Bị bãi nhiệm.

2. Thuyên chuyển.

3. Bổ nhiệm qua một chức vụ khác do giám mục quyết định.

4. Từ nhiệm vì lý do chính đáng, và được giám mục chấp thuận.

5. Hết thời hạn được bổ nhiệm, nếu ngài được bổ nhiệm cho một thời gian nhất định (đ 538 §1).


- Khi linh mục chính xứ là thành viên của một tu hội dòng hoặc đã gia nhập một hội đời sống tông đồ, thì ngài sẽ bị bãi nhiệm theo điều 682 §2 (đ 538 §2).

- Khi tròn 75 tuổi, linh mục chính xứ được yêu cầu đệ đơn xin từ nhiệm lên giám mục, va tùy ngài xem xét quyết định chấp thuận hoặc trì hoãn việc từ nhiệm này. Ngài phải lo cho linh mục chính xứ từ nhiệm nơi ăn chốn ở đàng hoàng đúng theo các luật lệ hội đồng giám mục đã ban bố (đ 538 §3).

Tới 75 tuổi, các linh mục có thể từ nhiệm và nhận lãnh một sứ vụ khác. Nếu các ngài thôi tất cả các thừa tác vụ, thì sẽ kể vào hàng các “linh mục hưu trí”.

Các giáo phận nên đề nghị với các linh mục hưu trí về sống trong nhà hưu dưỡng của giáo phận hoặc của các giáo xứ.

Về các linh mục đã phục vụ nơi nhiều giáo phận, theo luật, giáo phận vị đó nhập tịch sẽ phải lo cho họ khi hưu trí, các giáo phận khác cũng phải đóng góp vào.
 

III. GIÁM QUẢN GIÁO XỨ

- Khi giáo xứ khuyết vị (linh mục chính xứ chết, từ nhiệm, thuyên chuyển) hoặc bị ngăn trở không thể thi hành nhiệm vụ, vì bị giam cầm, lưu đày, phát vãng, hoặc bệnh tật hay vì lý do nào khác, thì giám mục phải đề cử sớm hết sức một giám quản giáo xứ, nghĩa là một linh mục thay thế linh mục chính xứ chiếu theo điều 540 sau đây (đ 539) : vị này quản trị giáo xứ tạm thời cho đến khi có linh mục chính xứ mới, và việc này phải được thực thi sớm hết sức.

- Giám quản giáo xứ có cùng những quyền lợi và nghĩa vụ như linh mục chính xứ, trừ khi giám mục giáo phận định thể khác (đ 540 §1).

- Ngài không nên làm gì có thể gây thiệt hại cho các quyền của linh mục chính xứ hoặc cho tài sản của giáo xứ (đ 540 §2).

- Khi hết nhiệm vụ, ngài phải phúc trình với linh mục chính xứ (đ 540 §3). Đây là hai điều mới, và ý nghĩa của nó là nói lên tính tạm thời của chức vụ giám quản giáo xứ.

Nhiệm vụ của giám quản giáo xứ sẽ chấm dứt khi bổ nhiệm linh mục chính xứ mới. Nếu việc bổ nhiệm linh mục chính xứ không thể thực hiện được, hoặc vì thiếu linh mục, hoặc vì giáo xứ bé nhỏ, thì giải quyết bằng cách hoặc trao cho vị giám quản giáo xứ lâm thời trách nhiệm và tước vị linh mục chính xứ giáo xứ đó, hoặc tập hợp mấy giáo xứ lại do quyết định của giám mục giáo phận, sau khi tham khảo ý kiến hội đồng linh mục.


1. Ai sẽ là vị giám quản giáo xứ?

Khi giáo xứ khuyết vị hoặc khi linh mục chính xứ bị ngăn trở không thi hành chức vụ được, thì trước khi bổ nhiệm giám quản giáo xứ, việc tạm thời lãnh đạo giáo xứ thuộc về linh mục phó xứ. Nếu có nhiều phó xứ, thì vị nào được bổ nhiệm trước sẽ đảm nhiệm. Nếu không có linh mục phó xứ, thì luật riêng sẽ chỉ định người làm linh mục chính xứ (đ 514 §1).

Qui chế của một số giáo phận qui định : khi linh mục chính xứ qua đời, thì linh mục quản hạt sẽ nắm quyền hành, nếu giáo xứ không có linh mục phó xứ.

- Người lãnh đạo giáo xứ theo khoản 1 trên phải lập tức báo cho vị thường quyền về giáo xứ bị khuyết vị (đ 541 §2).

- Các linh mục đã được trao cách toàn đới coi sóc mục vụ một giáo xứ hoặc nhiều giáo xứ, thì các vị này phải :

* Có những đức tính mà điều 521 đòi hỏi các linh mục chính xứ phải có (phải có chức linh mục, trổi vượt về đạo lý và hạnh kiểm, nhiệt thành lo cho các linh hồn).

* Được bổ nhiệm hoặc cắt cử theo các qui định của điều 522 và 524

* Chỉ lãnh nhận nhiệm vụ chủ chăn khi trọng nhậm giáo xứ, vị điều khiển các linh mục này sẽ nhận quyền coi xứ, theo các qui định của điều 527 §2 (nghĩa là y như các linh mục chính xứ khác). Các linh mục khác phải tuyên xưng đức tin cách hợp pháp thay thế việc nhận chức (đ 542) (chỉ tuyên xưng đức tin chứ không có một thủ tục nào hết).

Mỗi vị trong “ê-kíp” phải chu toàn các việc và các chức vụ của linh mục chính xứ như được ghi ở các điều 528, 529, 530 đúng theo luật lệ các ngài đã ấn định với nhau. Tất cả được chứng hôn và có quyền chuẩn chước mà Giáo luật đương nhiên ban cho các linh mục chính xứ. Các năng quyền và các quyền hành phải được thi hành dưới sự hướng dẫn của vị điều khiển (đ 543 §1).

- Tất cả các linh mục thuộc nhóm:

  a. Phải giữ luật cư trú.

  b. Thỏa thuận lập ra qui luật để mỗi người trong nhóm sẽ dâng thánh lễ chỉ cho dân theo điều 534.

  c. Trong các công việc pháp lý, chỉ mình vị điều khiển đại diện cho giáo xứ hoặc nhóm các giáo xứ (đ 543 §2).

- Khi một trong các vị này, hoặc chính linh mục điều khiển ngưng các chức vụ của mình và cả khi một trong những linh mục này trở thành bất lực không thi hành được chức vụ chủ chăn nữa, thì một giáo xứ đã được trao cho nhóm linh mục này không trở thành khuyết vị, giám mục sẽ bổ nhiệm một vị khác điều khiển, nhưng trước khi bổ nhiệm, linh mục nào ở trong nhóm đuợc bổ nhiệm truớc sẽ đảm nhận nhiệm vụ này (đ 544).
 

IV. LINH MỤC PHÓ XỨ

1. Khái niệm

- Khi cần hay thuận lợi để coi sóc mục vụ giáo xứ, tức là khi trách nhiệm chủ chăn đòi hỏi, linh mục chính xứ có thể có thêm một hoặc nhiều phó xứ, là những cộng sự viên của linh mục chính xứ, cùng chia sẻ nhiệt tâm tông đồ, cùng linh mục chính xứ bàn bạc và nghiên cứu để thi hành công việc mục vụ, dưới quyền linh mục chính xứ (đ 545 §1).

a. 4 dạng thức khác nhau của chức vụ linh mục phó xứ:

- Có thể cắt cử một linh mục phó xứ để giúp linh mục chính xứ trong tất cả mọi việc thuộc giáo xứ và đồi với toàn thể giáo xứ. Ngài cũng có thể được bổ nhiệm cho một phần nào đó của giáo xứ (thí dụ: một xóm, một họ lẻ) hoặc cho một nhóm tín hữu của giáo xứ (thí dụ: một ngôn ngữ, một sắc tộc), và cũng có thể để thi hành một thừa tác vụ nào đó trong nhiều giáo xứ một trật (thí dụ : chuyên lo giới trẻ trong một hay nhiều giáo xứ) (đ 545 §2).

Mặc dầu có khả năng trao một giáo xứ cho một nhóm linh mục, đấng làm luật vẫn muốn duy trì hình thức truyền thống : một linh mục chính xứ và một hoặc nhiều linh mục phó xứ, những vị được coi là cộng sự viên để cùng nhau thi hành thừa tác vụ chủ chăn “dưới quyền linh mục chính xứ”.

Điểm mới của điều 545 này là: linh mục phó xứ :

1/. Có thể cộng tác thi hành tác vụ chủ chăn trong toàn giáo xứ.

2/. Hoặc trong một phần nhất định nào đó của giáo xứ.

3/. Hơn nữa, linh mục phó xứ có thể phụ trách một nhóm tín hữu nào đó trong giáo xứ.

4/. Và sau đây là điểm mới nhất : ngài có thể thi hành thừa tác vụ đặc biệt nào đó trong nhiều giáo xứ. Như vậy, trong tương lai, có thể có những linh mục phó xứ “liên giáo xứ”.

- Chỉ linh mục mới có thể được bổ nhiệm là phó xứ (đ 546) (tức là phải có chức linh mục).

- Giám mục giáo phận được tự do bổ nhiệm linh mục phó xứ (tổng đại diện, giám quản giáo phận không có quyền nếu không được ủy) nếu ngài xét là nên, ngài có thể bàn hỏi ý kiến linh mục chính xứ hoặc các linh mục chính xứ của những giáo xứ mà linh mục phó xứ được bổ nhiệm. Ngài cũng nên tham khảo ý kiến của linh mục quản hạt và phải tôn trọng qui định của đ 682 §1 nếu linh mục phó là một tu sĩ (tức là phải tôn trọng chế độ của các linh mục dòng) (đ 547).

Như vậy, trong việc bổ nhiệm linh mục phó xứ, không cần thiết phải hỏi ý kiến của linh mục chính xứ như trong bộ luật cũ nữa (luật cũ yêu cầu phải hỏi ý kiến linh mục chính xứ, nay được giảm nhẹ đi với câu “nếu xét là nên”).


2. Các chức năng

- Những quyền lợi và nghĩa vụ của linh mục phó xứ được ấn định bởi luật chung và cũng bởi qui chế mỗi giáo phận, bởi thư bổ nhiệm của giám mục, và nhất là do ủy nhiệm mà linh mục chính xứ dành cho mỗi linh mục phó xứ (đ 548 §1).

- Linh mục phó xứ, do chức vụ buộc, phải giúp linh mục chính xứ trong toàn bộ thừa tác vụ giáo xứ, trừ việc chỉ lễ cho dân. Cũng phải thay thế linh mục chính xứ trong trường hợp luật định (đ 548 §2), phải thường xuyên báo cáo cho linh mục chính xứ về các chương trình mục vụ đang làm hay sẽ làm để linh mục chính xứ và linh mục phó xứ hợp tác làm tốt phận vụ của mình (đ 548 §3).

Như vậy, nhiệm vụ của linh mục phó xứ vẫn có cái gì thiếu xác định. Để thấy được các nghĩa vụ và quyền lợi của linh mục phó xứ, phải tham khảo 4 tài liệu : những điều luật của đoạn này; quy chế của giáo phận; văn thư của giám mục; ủy nhiệm của inh mục chính xứ. Linh mục phó xứ phải nắm vững các dữ kiện này.

- Trừ khi giám mục giáo phận liệu thể khác và trừ khi giám quản giáo xứ đã được cắt đặt, khi linh mục chính xứ vắng mặt hay bị ngăn trở thì phải tuân giữ các qui định của điều 541 §1, trong trường hợp này, linh mục phó xứ có tất cả các nghĩa vụ của linh mục chính xứ, trừ việc chỉ lễ cho dân (đ 549) (nếu có nhiều linh mục phó xứ thì ai được bổ nhiệm trước sẽ lãnh nhiệm vụ này).

- Linh mục phó xứ phải cư ngụ trong giáo xứ, hoặc một trong những giáo xứ nếu ngài là phó nhiều giáo xứ. Vì lý do chính đáng, vị thường quyền có thể cho phép linh mục phó xứ ở nơi khác, nhất là để sống chung với những linh mục khác, miễn là không gây thiệt hại cho việc mục vụ. Vị thường quyền hãy cổ võ sự sống chung nào đó giữa linh mục chính xứ và các linh mục phó xứ tại nhà xứ (đ 550 §1,2).

- Cũng như linh mục chính xứ, linh mục phó xứ được nghỉ  một tháng (30 ngày liền hay không liền trong năm) (đ 550 §3).

- Những của dâng cúng mà linh mục phó xứ nhận được khi làm nhiệm vụ, thì phải đưa vào ngân quĩ giáo xứ, trừ khi người tặng có ý khác (đ 551).

- Linh mục phó xứ có thể bị bãi nhiệm vì lý do chính đáng bởi giám mục giáo phận hoặc bởi vị giám quản giáo phận, tuy nhiên phải tôn trọng những qui định của điều 682 §2, liên quan đến linh mục phó xứ thuộc dòng tu (đ 552).

Khác với linh mục chính xứ, linh mục phó xứ hoàn toàn có thể bị thuyên chuyển mà không cần thủ tục nào hết, và cũng không cần có sự tham khảo ý kiến với linh mục chính xứ và linh mục quản hạt liên hệ. Không những giám mục giáo phận mà cả giám quản giáo phận cũng có quyền này. Theo điều luật này, một linh mục phó xứ là tu sĩ sẽ đỡ bị thuyên chuyển cách dễ dàng, vì còn phải thông báo cho bề trên dòng của linh mục phó xứ này.

 

***

MỤC VIII

CÁC CHỨC VỤ KHÁC TRONG GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
QUẢN HẠT - QUẢN ĐỐC THÁNH ĐƯỜNG - LINH GIÁM

 



I. CÁC QUẢN HẠT

1. Khái niệm

- Điều 374 §2 khi nói về sự phân chia giáo phận thành các giáo xứ, có ghi rằng : “nhiều giáo xứ ở gần nhau có thể được hợp lại thành những nhóm riêng biệt như là các giáo hạt”. Ở đây Giáo luật nói đến các giáo hạt, và để tùy giám mục có thể thành lập các giáo hạt, sau khi tham khảo ý kiến hội đồng linh mục. Về tên gọi linh mục quản hạt, hay cha hạt trưởng, hay vị tổng linh mục, hay linh mục trưởng, cách xưng hô có khác nhưng chức vụ vẫn là một.

- Nếu luật riêng không định thể khác, giám mục có thể bổ nhiệm các quản hạt, sau khi nghe ý kiến các linh mục trong hạt, hoặc từng người, hoặc trong một phiên họp có tính cách bầu cử.

- Giám mục không buộc phải theo ý kiến các linh mục được tham khảo.

- Nếu quản hạt được chọn qua một cuộc bầu cử, thì nên kết hợp chức quản hạt với chức đại diện của hạt trong hội đồng linh mục, để tránh va chạm giữa hai chức vụ (một bên là quản hạt do giám mục bổ nhiệm và bên kia là linh mục đại diên cho hạt trong hội đồng linh mục do các linh mục bầu lên).

- Trong Giáo luật không thấy nói gì về hội đồng các linh mục hạt trưởng, hình như hội đồng này nay được thay thế bằng hội đồng linh mục. Nhưng không có gì cấm giám mục họp các linh mục hạt truởng để tham khảo ý kiến. Nhưng những cuộc họp này không biến thành một cơ quan tư vấn thường trực.

- Quản hạt cũng gọi là hạt trưởng hay linh mục trưởng, hoặc gọi bằng một tên nào khác, là linh mục được giám mục bổ nhiệm đứng đầu một giáo hạt, gồm một số giáo xứ gần nhau, được qui tụ lại để xúc tiến công việc mục vụ chung (đ 553 §1).

- Trừ khi có quyết định đặc biệt của luật riêng, việc bổ nhiệm quản hạt tùy giám mục giáo phận, sau khi hỏi ý kiến các linh mục trong giáo hạt đó, nếu thấy là cần (đ 553 §2).

- Chức vụ quản hạt không gắn liền vào giáo xứ nào nhất định, giám mục chỉ định một linh mục nào ngài thấy có khả năng chu toàn nhiệm vụ này. Ngài bổ nhiệm cho một thời gian do luật riêng qui định, và khi có lý do chính đáng, ngài có thể tự do bãi nhiệm (đ 554).

Nay với chức vụ hạt trưởng không còn gắn liền với một giáo xứ nào đó như xưa nữa. Như vậy, rất phù hợp với tính khả chuyển của chức vụ linh mục chính xứ hiện nay. Đàng khác, chức hạt trưởng còn ít ổn định hơn chức cha xứ vì hai lý do :

1/. Chức này được bổ nhiệm cho một thời gian nhất định.

2/. Giám mục có thể bãi nhiệm.


2. Các bổn phận của linh mục quản hạt

Ngoài những điều do luật riêng ấn định, quản hạt có quyền và có bổn phận :

1/. Cổ động và phối trí hoạt động chung trong giáo hạt.

2/. Lo cho các giáo sĩ trong giáo hạt sống xứng hợp và ân cần chu toàn bổn phận.

3/. Liệu cho các nghi lễ tôn giáo được cử hành theo các qui định của phụng vụ thánh. Liệu cho nhà thờ, đồ thờ và các đồ thánh được tôn trọng và giữ sạch sẽ, nhất là những đồ dùng vào việc cử hành thánh lễ và giữ Mình Thánh. Các sổ sách được giữ gìn cẩn thận; tài sản được quản lý tử tế, nhà cửa linh mục chính xứ được ngăn nắp (đ 555 §1).

- Trong giáo hạt được giao phó, quản hạt phải :

1/. Đôn đốc các giáo sĩ theo các qui định của luật đặc lập tham dự các lớp học, các buổi diễn thuyết, các buổi họp được dự trù nơi điều 279 §2 : phải tham dự các giảng khóa mục vụ.

2/. Lo cho đời sống tinh thần các giáo sĩ, nhất là lưu tâm đến những linh mục gặp khó khăn hoặc đang gặp nhiều vấn đề (đ 555 §2).

- Giúp đỡ vật chất và tinh thần cho những vị đau nặng, tổ chức lễ an táng xứng đáng, và trông chừng để trong thời gian linh mục chính xứ đau bệnh hay khi qua đời, các sổ sách và tài sản khỏi bị hư hỏng thất lạc (đ 555 §3).

- Kinh lý các giáo xứ trong hạt, theo chỉ thị của giám mục giáo phận (đ 555 §4).

Như vậy, quản hạt là “người đại diện” giám mục trong giáo hạt mình : không những ngài có những nhiệm vụ hành chánh mà luật riêng có thể xác định rõ hơn nữa, nhưng ngài cũng có nhiệm vụ tinh thần và mục vụ. Như vậy, ngài có uy quyền hơn bộ luật cũ, vai trò hầu như chỉ để kiểm soát và báo cáo cho giám mục. Các quản hạt đương nhiên là thành viên công đồng giáo phận (đ 463 §1 số 7).

Nơi hầu hết các giáo phận, quản hạt còn được trao thêm một số chức năng như : nhận lời tuyên xưng đức tin nhân danh giám mục, tựu chức cho các linh mục chính xứ, giới thiệu các cha linh giám, được quyền ban một số ơn chuẩn, chỉ định linh mục phó xứ thay quyền khi linh mục chính xứ đột ngột trống vắng, ban phép cho các linh mục được quyền vắng mặt trong ít ngày.v.v..
 

II. CÁC QUẢN ĐỐC THÁNH ĐƯỜNG

- Quản đốc thánh đuờng là linh mục được trao cho nhiệm vụ coi sóc một nhà thờ để cử hành ở đấy các nghi lễ mà không phải là nhà thờ giáo xứ, không phải là nhà thờ một hiệp hội, cũng không phải là nhà thờ của một cộng đoàn tu sĩ hoặc một hội đời sống tông đồ (đ 556).

Điều ngạc nhiên là điều luật không đề cập gì đến tương quan với linh mục chính xứ và nhà thờ của vị quản đốc này. Và cũng không nói gì về tương quan giữa linh mục chính xứ và các cha linh giám nơi điều 571 (trong khi thi hành nhiệm vụ, linh giám phải liên lạc với linh mục chính xứ). Vậy giám mục sẽ phải ấn định những qui định cần thiết.

- Giám mục tự do bổ nhiệm, giữ nguyên quyền bầu cử hoặc đề cử của những ai (bề trên dòng đề cử, giám mục châu phê) có quyền ấy cách hợp pháp. Trong trường hợp này, giám mục có quyền châu phê hoặc cắt cử (đ 557 §1).

- Dù là nhà thờ thuộc một tu hội dòng giáo sĩ thuộc quyền Giáo hoàng, giám mục giáo phận vẫn có quyền cắt cử một quản đốc do bề trên giới thiệu (đ 557 §2).

- Quản đốc coi sóc một nhà thờ gắn liền với một chủng viện, hoặc một trường tư thục do các giáo sĩ điều khiển, là chính giám đốc chủng viện hay giám hiệu, trừ khi giám mục định thể khác (đ 557 §3).

- Giữ nguyên điều 262, vị quản đốc thánh đuờng không có quyền cử hành nơi nhà thờ mình những lễ nghi thuộc giáo xứ, trừ khi linh mục chính xứ ưng thuận hoặc ủy quyền khi cần (đ 558).

Điều 262 công nhận linh mục giám đốc chủng viện được miễn trừ đối với quyền cai quản của linh mục chính xứ, như : rửa tội, hôn phối, an táng….

- Quản đốc có thể thực hiện các nghi lễ phụng vụ, cả những nghi lễ long trọng, nhưng phải tôn trọng về tặng lập (đ 559).

- Khi xét là nên, vị thường quyền sở tại có thể truyền cho quản đốc thánh đường thực hiện cho dân chúng trong nhà thờ của ngài một số việc, kể cả những lễ nghi thuộc giáo xứ, và mở cửa cho nhóm tín hữu nhất định nào muốn đến cử hành tại đó các lễ nghi phụng vụ (đ 560).

Vị thường quyền có thể trao quyền cho quản đốc như cho một linh mục phó xứ, với tất cả các chức năng như vậy, (tỏ ra uyển chuyển và rộng rãi hơn luật cũ).

- Không có phép của quản đốc thánh đường hoặc của bề trên hợp pháp, thì không ai được phép cử hành thánh lễ và ban các bí tích hay làm những lễ nghi thánh khác, phép ấy phải được ban cho hoặc từ chối đúng theo luật (đ 561).

Rõ ràng việc điều hành thánh đường là của cha quản đốc. Có hai giới hạn được đặt ra : một là do luật, và hai là do bề trên có thẩm quyền. Đây có thể là chính giám mục giáo phận hoặc vị được ngài ủy quyền, như quản hạt chẳng hạn.

- Dưới quyền vị thường quyền sở tại và tuân theo những qui chế hợp pháp và những quyền lợi đã thủ đắc, quản đốc thánh đuờng có nghĩa vụ :

* Lo cho các nghi lễ phụng vụ được cử hành xứng đáng.

* Chu toàn cách trung tín các nghĩa vụ mà nhà thờ buộc có.

* Quản lý cẩn thận các tài sản.

* Đừng để làm điều gì không xứng hợp.

Điều trên vạch ra khuôn khổ hoạt động của linh mục quản đốc.

- Vì lý do chính đáng, theo sự xét đoán khôn ngoan, vị thường quyền sở tại có thể tự do bãi nhiệm quản đốc, dù vị này đã được bầu hay giới thiệu, nhưng phải tôn trọng điều 682 §2 (đ 563).

Điều trên nêu rõ tính khả chuyển của vị quản đốc, được bổ nhiệm bằng bất cứ cách nào, và chỉ buộc phải thông báo (chứ không cần có sự đồng ý) cho bề trên dòng đương sự, nếu vị quản đốc là một linh mục dòng, theo đúng điều 682 §2.
 

III. CÁC LINH GIÁM

1. Định nghĩa

- Linh giám là linh mục được trao cho ít là một phần nhiệm vụ chủ chăn, cách cố định, tức là lâu dài, đối với một cộng đoàn hoặc một nhóm giáo dân đặc biệt, và ngài sẽ hành sử chức vụ này chiếu theo luật chung và luật đặc lập (đ 564).

Điều 564 này và các điều tiếp theo đều hoàn toàn mới: chức vụ linh giám được mô tả ở đây chưa thấy có trong pháp chế của bộ Giáo luật cũ. Giáo luật nhấn mạnh đến trách nhiệm chủ chăn đối với cộng đoàn hơn là đối với việc thờ tự của một nhà thờ hay một nhà nguyện. Đó là một chiều hướng mới sẽ được thấy rõ sau đây.


2. Bổ nhiệm

- Trừ khi luật định thể khác, hoặc quyền riêng cho ai cách hợp pháp, vị thường quyền sở tại có quyền bổ nhiệm linh giám. Ngài cũng có quyền cắt cử người đã được giới thiệu hoặc châu phê nguời được đắc cử (đ 565).

Theo luật chung, việc bổ nhiệm các linh giám là quyền của vị thường quyền sở tại, nhưng có những ngoại trừ, nhất là những thủ tục đi trước việc bổ nhiệm như được ghi nơi điều 567. Về linh giám các hiệp hội công, thì phải theo điều 317 §1 : buộc phải nghe ý kiến các người phụ trách hiệp hội trước. Không thấy nói vị “cố vấn tinh thần” của các hiệp hội tư, được đề cập nơi điều 324, có thuộc loại này không? theo thiển ý thì câu trả lời là có.


3. Quyền hạn

- Linh giám phải được đủ các năng quyền cần thiết để chu toàn nhiệm vụ chủ chăn. Ngoài những năng quyền luật riêng, hoặc đặc ủy ban cho, linh giám chiếu theo nhiệm vụ, được quyền giải tội cho các tín hữu đã ủy thác cho ngài: loan truyền lời Chúa; đem của ăn đàng và xức dầu; cũng ban thêm sức cho ai nguy tử (đ 566 §1).

- Tại các bệnh xá, nhà tù và trên các tàu biển, linh giám còn có quyền, và chỉ có quyền ở các nơi đó, để giải các vạ “latae sententiae” không dành riêng và chưa công bố, nhưng vẫn giữ nguyên các qui định của điều 976 (đ 566 §2).

Điều 566 này rất quan trọng, vì cho thấy vai trò nổi bật mà Giáo luật dành cho vị linh giám. Sau khi đưa ra nguyên tắc tổng quát : vị linh giám phải được ban cho tất cả các năng quyền cần thiết của nhiệm vụ chủ chăn, điều luật này lấy quyền của luật phổ quát để ban cho vị linh giám những năng quyền rất quan trọng, trong đó có năng quyền tha các vạ tiền kết, một điều không được ban cho các linh mục chính xứ và các quản hạt, lý do ở đây là vì lợi ích các linh hồn trong những hoàn cảnh đặc biệt : bệnh viện, nhà tù, các cuộc hải hành.
 

4. Đối với các Dòng tu, tu hội và tu đoàn

- Vị thường quyền sở tại đừng bổ nhiệm linh giám cho tu viện hoặc tu hội đời, trước khi tham khảo ý kiến bề trên là người có quyền giới thiệu linh mục nào đó, sau khi nghe ý kiến của cộng đoàn (đ 567 §1).

- Linh giám có quyền cử hành hoặc điều khiển các lễ nghi phụng vụ, nhưng không được xen vào việc quản trị nội bộ của tu hội (đ 567 §2).

Đời sống tinh thần mạnh mẽ của bậc tu trì (xc. đ 663) đòi phải có mặt thường xuyên của một linh mục, khi đó là tu hội dòng giáo dân. Sự hiện diện này không buộc phải có, vì các tu sĩ có thể đi dự thánh lễ tại nhà thờ giáo xứ, hoặc một nhà thờ ở gần đó.v.v… Tuy nhiên, nếu là một cộng đoàn đông người, lại có nhiều học sinh, hoặc lo cho người già, người đau bệnh v.v… hoặc có những thành viên ở thời kỳ được đào tạo, thì buộc phải có một linh giám. Vị linh giám có nhiệm vụ cử hành những lễ nghi phụng vụ, nhưng không được dây mình vào việc quản trị nội bộ của tu hội. Điều mới mẻ là tuy có quyền, nhưng vị thường quyền chỉ được bổ nhiệm vị linh giám sau khi tham khảo ý kiến của bề trên tu hội là người có quyền đề nghị một linh mục, sau khi lắng nghe ý kiến của những người trong tu hội, vì đây là quyền đề nghị, không phải là quyền đề cử, cho nên bề trên không buộc phải đề nghị người được cộng đoàn chỉ định, và vị thường quyền cũng không buộc phải bổ nhiệm người được bề trên đề nghị. Như nói trên đây, các chức năng của vị linh giám chỉ giới hạn vào các lễ nghi phụng vụ, gồm cả các lễ nghi an táng các tu sĩ diễn ra tại nhà thờ của tu hội (đ 1179) và tại nghĩa trang của riêng tu hội (đ 1241 §1).

Vị linh giám không có quyền chuẩn chước các ngày lễ buộc hoặc miễn luật ăn chay kiêng thịt cho cộng đoàn, vì đây là thẩm quyền của bề trên các dòng trực thuộc Tòa thánh, và của linh mục chính xứ đối với các tu hội giáo dân và tu hội của giáo phận (xc. đ 1245).


5. Những trường hợp khác

- Đối với những người vì điều kiện cuộc sống không thể hưởng sự coi sóc bình thuờng của các linh mục chính xứ, như các người di tản, lưu đày, tị nạn, du mục, đi biển … thì trong mức độ có thể, nên đặt linh giám coi sóc họ (đ 568).

- Các linh giám quân đội sẽ theo những luật lệ riêng (đ 569).


6. Linh giám là quản đốc thánh đường

Nếu là một nhà thờ thuộc giáo xứ gắn liền với trụ sở một cộng đoàn hay một nhóm người thì linh giám của cộng đoàn sẽ là quản đốc nhà thờ ấy, trừ khi nhiệm vụ của cộng đoàn hoặc của nhà thờ đòi hỏi thể khác (đ 570).

Trong trường hợp dự trù này, vị quản đốc nhà thờ sẽ kiêm nhiệm chức linh giám, và nhân đó sẽ được hưởng các năng quyền đề cập nơi điều 566. Điều luật không nói rõ ai là người quyết định không cho kiêm nhiệm hai chức vụ này, nhưng rõ ràng đó là vị thường quyền sở tại, chứ không phải cộng đoàn hay nhóm. Đúng vậy, đây là hai chức vụ trong Giáo hội : quản đốc và linh giám. Cho nên, vị thường quyền sẽ là người có quyền quyết định, trừ khi quyền này được ban cách tỏ tường cho cộng đoàn hoặc nhóm.


7. Liên lạc với linh mục chính xứ

Trong khi thi hành mục vụ, linh giám phải giữ liên lạc tốt với linh mục chính xứ (đ 571).

Trước kia linh giám là người chỉ lo việc phụng tự cho một nhà nguyện hoặc một nhà thờ nhỏ nào đó thôi, nên không cần có điều 571. còn nay thì linh giám có nhiệm vụ chủ chăn đối với một cộng đoàn hoặc một nhóm, và được ban cho các năng quyền quan trọng (xc. đ 566), nên các hoạt động mục vụ của ngài cần phải được phối trí với các hoạt đông của giáo xứ, nhân đấy phải có quan hệ tốt với linh mục chính xứ.


8. Bãi nhiệm

Về việc bãi nhiệm linh giám thì phải giữ qui định của điều 563. Giám mục có thể bãi nhiệm khi có lý do chính đáng (đ 572).

Điều 572 này lặp lại nguyên tắc chung cho tất cả các chức vụ có tính không cố định : vị thường quyền được tự do hành động khi có lý do chính đáng, nhưng phải thông báo vào thời gian hữu dụng cho bề trên tu hội, nếu vị linh giám là một linh mục tu sĩ.