Saturday, 04 April 2020 14:33

Việc Bãi Bỏ Một Hội Dòng - Vấn Đề 22 Featured

Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC DÒNG TU

(Điều 607 - 709)

***

VẤN ĐỀ 22

VIỆC BÃI BỎ MỘT HỘI DÒNG

(đ. 584, 616 §2)

 

Chỉ có Tòa Thánh mới có thẩm quyền bãi bỏ một Hội Dòng cũng như quyết định tài sản của Hội Dòng ấy.

Việc bãi bỏ tu viện duy nhất của một Dòng cũng thuộc về thẩm quyền Tòa Thánh; Tòa Thánh cũng dành cho mình thẩm quyền định đoạt về các tài sản của nhà này.

Lý do của biện pháp này không có chi khó hiểu: bãi bỏ tu viện duy nhất của một Dòng thì cũng như bãi bỏ chính Dòng đó, cho nên cũng phải áp dụng tiến trình giống như bãi bỏ một Dòng. Đức công bằng đòi phải xử lý khác với trường hợp dẹp bỏ một tu viện khi mà Dòng có nhiều nhà.[1]

Những trường hợp sát nhập hoặc thống nhất các Hội Dòng[2] cũng có thể coi như tương đương với sự bãi bỏ Dòng Tu. Tuy nhiên các điều 584 và 616§2 không áp dụng cho các trường hợp đó, vì chúng tuân theo những điều luật riêng. Sự bãi bỏ nói ở đây nằm ngoài viễn ảnh sát nhập hoặc thống nhất. Xét vì quyết định này mang một tầm vóc quan trọng, cho nên cần đến sự can thiệp của Tòa Thánh, kể cả đối với các Hội Dòng Giáo phận, bất chấp số thành viên và tu viện nhiều hoặc ít. Như thế, luật pháp bảo vệ những người bé mọn và yếu ớt.

Bởi vì quyết định bãi bỏ một Hội Dòng thuộc về thẩm quyền Tòa Thánh, cho nên cũng hợp lý khi Giáo Luật 1983 dành cho cũng thẩm quyền ấy việc quyết định về các tài sản của họ: những tài sản này sẽ về tay ai? Làm thế nào để phân phối các bất động sản và các động sản của họ?

Các điều khoản 584 và 616§2 không xét đến trường hợp một Tu Hội tàn tạ với cái chết của thành viên cuối cùng. Trường hợp ấy không phải là sự bãi bỏ đúng nghĩa. Trường hợp Hội Dòng ngưng hoạt động do cái chết của các thành viên sẽ được chi phối bởi điều 120§l: trên nguyên tắc, Hội Dòng đó chỉ bị coi là bãi bỏ một trăm năm sau cái chết của hội viên cuối cùng. Nhưng tất nhiên công ích đòi hỏi Tòa Thánh phải can thiệp để tuyên bố bãi bỏ một Dòng Tu, chiếu theo các điều 584 và 616§2, khi tất cả các thành viên đều đã chết, và tiến hành việc phân phối các tài sản của Hội Dòng đó. Hội Dòng vẫn hiện hữu cho đến khi nào sắc lệnh ấy được ban hành, và không ai được phép chiếm hữu các tài sản ấy.

 

 


[1]Xem vấn đề 27.

[2]Xem lại vấn đề 21.