Saturday, 04 April 2020 14:30

Sự Phân Biệt Các Hội Dòng - Vấn Đề 9 Featured

Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC HỘI DÒNG TẬN HIẾN

NHỮNG ĐIỀU KHOẢN CHUNG

(Điều 573 - 606)

***

VẤN ĐỀ 9

SỰ PHÂN BIỆT CÁC HỘI DÒNG

(đ. 588-589; 606)

 

A. Dòng Giáo sĩ - Dòng Giáo dân (đ. 588)

Trước hết, Bộ Giáo Luật 1983 ấn định một nguyên tắc: “Tự bản chất, hàng ngũ đời sống thánh hiến không phải là giáo sĩ, cũng chẳng phải là giáo dân”.[1] Sau khi đã khẳng định như thế, triệt 2 và 3 của điều 588 lại đưa ra một sự phân biệt xem ra hơi đơn giản và không lưu ý đến tính cách đặc biệt của một vài Dòng Đan Tu và một vài Dòng cận đại.

1/. Có ba yếu tố giúp xác định tính cách “giáo sĩ” hoặc “giáo dân” của một Dòng:

- Mục đích: chủ ý hoặc bản chất mà vị sáng lập đã nhắm tới.

- Hoặc “một truyền thống hợp lệ”.

- Sau cùng, “nhà chức trách Giáo Hội nhìn nhận như vậy”.

2/. Điều đó có nghĩa là:

- Một Dòng sẽ được Giáo Hội tuyên bố là “giáo sĩ” nếu được cai quản bởi các giáo sĩ và đảm nhận việc thi hành các chức thánh.[2]

- Một Dòng sẽ được định nghĩa là “giáo dân” do bản chất, đặc tính, mục đích, chức năng riêng biệt mà không bao hàm việc thi hành các chức thánh.[3] Dĩ nhiên, Hội Dòng được cai quản bởi các tu sĩ giáo dân, mặc dù trong Dòng có thể có những linh mục.[4]

Một vài tác giả nghĩ rằng, Bộ Giáo Luật 1983 không loại trừ việc một Dòng có thể đặt mình ra ngoài sự phân biệt này, xét vì cách phát biểu của Bộ Giáo Luật cũ 1917,[5] đã không còn được duy trì nữa. Dầu sao, cần có sự can thiệp của nhà cầm quyền Giáo Hội về điều này.

B. Dòng Giáo Hoàng và Dòng Giáo Phận (đ. 589)[6]

Về điểm này, sự phân biệt nói được là dễ hiểu. Các Giám Mục cũng như Đức Giáo Hoàng đều có quyền thiết lập một Dòng tu. Bởi vậy:

- Dòng “Giáo Phận” là những Dòng được thiết lập bởi Giám Mục và không được phê chuẩn bởi Tông Tòa.

- Dòng “Giáo Hoàng” là những Dòng được thiết lập bởi Tông Tòa, hoặc được Tông Tòa phê chuẩn bằng một sắc lệnh.

Có ba điều nên lưu ý:

1/. Để thiết lập một Dòng, Đức Giám Mục phải tham khảo ý kiến của Tông Tòa trước.[7]

2/. “Để lo liệu thiện ích của Hội Dòng và các nhu cầu của việc tông đồ cách hoàn hảo hơn, Tông Tòa có thể miễn trừ các Hội Dòng ra khỏi quyền cai quản của các Bản quyền sở tại, và đặt họ trực tiếp dưới quyền của mình, hoặc dưới một quyền bính khác của Giáo Hội”.[8] Khi một Hội Dòng đã đạt đến một tầm mức quan trọng thì trở thành Dòng Giáo Hoàng; đây là chuyện thường tình.

3/. Kể cả đối với các Dòng Giáo Phận, Bộ Giáo Luật 1983 cũng nhận cho Tòa Thánh quyền phê chuẩn các Hiến Pháp, và chấp thuận những sự thay đổi “đối với những điều mà Tòa Thánh đã đặt tay vào”.[9]

Những hệ luận thực tế của sự phân biệt giữa Dòng Giáo Hoàngvà Dòng Giáo Phận sẽ dần dần được đề cập trong khi giải thích Bộ Giáo Luật 1983.

C. Dòng nam và Dòng nữ

Không có sự phân biệt nào giữa các Dòng nam và Dòng nữ: “Những gì được ấn định cho các Dòng và cho các thành viên của họ đều có giá trị ngang nhau cho cả phái nam và phái nữ, trừ khi phải rõ cách nào khác do văn mạch hoặc do bản chất sự việc”.[10]

 

 


[1] Bộ Giáo Luật 1983, đ. 588 §1

[2] Ibid., đ. 588 §2

[3] Ibid., đ. 588 §3

[4] Công Đồng Vatican II, Sắc Lệnh “Perfectae Caritatis” (Canh Tân Thích Nghi Ðời Sống Dòng Tu), số 10

[5] Bộ Giáo Luật cũ 1917 phát biểu: “Một Dòng được gọi là giáo sĩ nếu phần lớn các phần tử là giáo sĩ; nếu không thì gọi là giáo dân”.

[6] Lưu ý về cách dịch thuật. Institutum iuris pontificii / dioecesani có thể là dịch là Dòng thuộc “luật” hoặc thuộc “quyền” Giáo Hoàng / giáo phận. “Ius” vừa có thể hiểu là “luật” (law) hoặc là “quyền” (right).

[7] Bộ Giáo Luật 1983, đ. 579

[8] Ibid., đ. 591

[9] Ibid., đ. 595. Xem thêm vấn đề 16

[10] Bộ Giáo Luật 1983, đ. 606