Học Viện Đaminh
NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
***
CÁC HỘI DÒNG TẬN HIẾN
NHỮNG ĐIỀU KHOẢN CHUNG
(Điều 573 - 606)
***
VẤN ĐỀ 5
VAI TRÒ CỦA GIÁO QUYỀN
(đ. 576)
Những việc sau đây thuộc thẩm quyền của hàng Giáo phẩm:[1]
- Đưa ra lời giải thích đạo lý về “các lời khuyên Phúc Âm”[2]
- Ban hành những luật lệ để thực thi các lời khuyên đó.
- Phê chuẩn những hình thức định chế của “đời sống thánh hiến”.
- Giám sát, trong phạm vi của mình, sự phát triển và triển nở của các hình thức sống thánh hiến đó, theo đường hướng của tinh thần vị sáng lập,[3] và các truyền thống lành mạnh của mỗi Hội Dòng.
Trải qua thời gian, sự can thiệp của giáo quyền đã mang nhiều hình thức khác nhau, và trong hai thế kỷ vừa qua, xem ra khá sâu đậm. Sau Công Đồng Vatican II và sau Tự sắc "Ecclesiae Sanctae”, Bộ Giáo Luật 1983 dành nhiều thẩm quyền cho luật riêng của mỗi Hội Dòng. Ước mong rằng Bộ Đời Sống Thanh Hiến tôn trọng thẩm quyền của mình, và đừng hạn chế sự tự do của các Hội Dòng, đừng lặp lại tình hình giống như sau khi công bố Bộ Giáo Luật 1918, với nhiều quy tắc chi li.
Phần đông sáng kiến thành lập các dòng tu phát xuất từ những tín hữu nam nữ xuất sắc, được Chúa Thánh Thần soi sáng:[4] vai trò của Giáo quyền là phân định và phê chuẩn chính thức cho sáng kiến đó.[5]
Mấy thập kỷ gần đây, đã xuất hiện nhiều hình thức mới của “đời sống thánh hiến”. Chỉ cần nhắc đến một hình thức đã trở thành quen thuộc là “các Tu hội Đời”.[6]
[1] Hàng Giáo phẩm của Giáo Hội hiểu là Đức Giáo Hoàng hoặc Giám mục Giáo phận. Vấn đề này sẽ được nói rõ hơn ở vấn đề 63 và 70.
[2] Công Đồng Vatican II, Hiến chế "Lumen Gentium", số 45
[3] Xem vấn đề 7
[4] Công Đồng Vatican II, Hiến chế "Lumen Gentium", số 43
[5] Ibid., số 45
[6] Tu Hội Đời được Đức Thánh Cha Piô XII phê chuẩn qua Tông hiến “Provida Mater”, năm 1947.