Học Viện Đaminh
NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
***
CÁC DÒNG TU
(Điều 607 - 709)
***
VẤN ĐỀ 97
VIỆC HỒI TỤC CỦA MỘT TU SĨ KHẤN TẠM
(đ. 688 § 1 – 2; đ. 689)
A. Khi mãn hạn khấn tạm (đ. 688 §l)
Khi hết hạn khấn tạm, tu sĩ có thể rời bỏ Hội Dòng vào bất cứ lúc nào trong ngày giáp năm khấn.
B. Trong thời gian khấn tạm (§2)
Trong thời gian còn bị ràng buộc bởi lời khấn, nếu có lý do nghiêm trọng, tu sĩ có thể xin Bề trên Tổng quyền đặc ân hồi tục.
1/. Trong một Dòng Giáo Hoàng, nếu Bề trên Tổng Quyền xét thấy thích hợp thì sẽ cho phép hồi tục, sau khi có sự ưng thuận của hội đồng cố vấn. Đặc ân ấy cần được cấp bằng văn bản.
2/. Trong một Dòng giáo phận, hoặc trong một đan viện biệt lập (nghĩa là không có Bề trên Cao Cấp, cũng không liên kết với một Hội Dòng để Bề trên Cao Cấp của Hội Dòng có quyền hành đối với đan viện, chiếu theo điều 615), thì đặc ân của Bề trên Cao Cấp, được cấp với sự ưng thuận của hội đồng cố vấn, để được hữu hiệu cần được xác nhận do Giám Mục giáo phận nơi tu sĩ được bổ nhiệm.
C. Bị từ chối không được khấn tiếp (đ. 689)
Một tu sĩ đã khấn tạm có thể không được nhận cho khấn trọn đời hoặc lặp lời khấn, do bề trên có thẩm quyền trong Dòng. Bề trên này thường là bề trên cao cấp theo hiến pháp có thẩm quyền tiếp nhận lời khấn. Khi có lý do chính đáng và sau khi tham khảo ý kiến của hội đồng cố vấn, Bề trên ấy có quyền từ chối.
Các “lý do chính đáng” thường là: không có ơn kêu gọi vào đời tu trì nói chung hoặc vào Hội Dòng nói riêng.
Một bệnh tật về thể lý hoặc tâm lý, mắc phải sau khi khấn, có thể là lý do để bị từ chối, nếu sau khi tham khảo ý kiến các bác sĩ chuyên môn, Bề trên thấy rằng đương sự không có khả năng sống đời tu trì trong Hội Dòng (tất nhiên, Bề trên không thể viện lý này, nếu tu sĩ đã mắc bệnh tại vì Dòng không săn sóc đầy đủ, hoặc do những công tác mà tu sĩ đã thực hiện theo lệnh Bề trên). Đàng khác, nếu tu sĩ mất khả năng sử dụng lý trí thì sẽ không thể bị loại khỏi Hội Dòng, dù trong thời hạn khấn tạm hoặc khi mãn thời hạn, bởi vì đương sự không có khả năng hiểu biết và quyết định cho nên không thể nào bị tác dụng do một quyết định thuận lợi hoặc không thuận lợi cho mình.
Theo nguyên tắc của cấp bậc phẩm trật, một tu sĩ bị khước từ không được lặp lại lời khấn thì có thể thượng cầu lên cấp trên (từ giám tỉnh lên tổng quyền), chứ không được thượng cầu lên một quyền bính bên ngoài Dòng (Đức Giám Mục giáo phận, hoặc Tòa Thánh), trừ khi đương sự cảm thấy mình là nạn nhân của một sự bất công; trong trường hợp này, họ có thể thượng cầu lên Bộ Đời sống thánh hiến.