Học Viện Đaminh
NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
***
CÁC DÒNG TU
(Điều 607 - 709)
***
VẤN ĐỀ 81
TỔNG TU NGHỊ
(đ. 631)
Việc thực hành các Tổng Tu Nghị đã có từ thời các đan viện Cluny và Citeaux (Xitô) hồi thế kỷ XII. Các Dòng hành khất thế kỷ XIII đã coi Tổng Tu Nghị là viên đá tảng của việc cai quản Dòng. Đời sống tu trì vẫn trân trọng các Tổng Tu Nghị, nhưng phải công nhận rằng, trước Công Đồng Vatican II, nhiều Dòng chỉ còn coi các Tổng Tu Nghị như là phương thức để bầu Bề trên Tổng Quyền. Công Đồng Vatican II đã dùng các Tổng Tu Nghị làm cơ quan canh tân đời sống tu trì, nhờ vậy đã góp phần vào việc khôi phục định chế này.[1]
Bộ Giáo Luật trình bày Tổng Tu Nghị như là quyền bính tối cao trong Dòng. Điều này có nghĩa là quyền bính cá nhân cao cấp nhất (Bề trên Tổng Quyền) cũng phải suy phục quyền bính của Tổng Tu Nghị giống như các thành phần khác trong Dòng. Đàng khác, Tổng Tu Nghị là cơ quan duy nhất nắm giữ một số thẩm quyền, nhất là trong lãnh vực lập pháp. Theo lý thuyết, Tổng Tu Nghị có thể làm tất cả những gì các Bề trên có thể làm; trong thực tế, đừng kể một vài quyết định quan trọng được dành riêng cho mình, Tổng Tu Nghị không can thiệp vào lãnh vực hành chánh, vì lãnh vực này đòi hỏi phải biết tường tận sự việc và thời gian, điều mà một Hội Nghị chỉ nhóm họp trong một thời gian ngắn không thể làm được.
Tu Nghị cũng còn là dấu chỉ của “tính hợp nhất và bác ái” trong Dòng. Trước khi nghĩ tới hành động và cung cách hoạt động, Tổng Tu Nghị biểu lộ sự hợp nhất mà Giáo Hội là bí tích.[2] Vì lý do này và xét vì đời sống tu trì “gắn chặt cách đặc biệt với Giáo Hội và mầu nhiệm của Giáo Hội” (đ. 573 §2), cho nên Tổng Tu Nghị đích thực là một biến cố trong Giáo Hội.
A- Nhiệm vụ và mục đích
Nhiệm vụ và mục đích chính của Tổng Tu Nghị là: “bảo vệ di sản của Dòng như được đề cập nơi điều 578, cổ võ sự canh tân và thích nghi Dòng theo tinh thần di sản này ”. Về việc cai quản, Tổng Tu Nghị phải bầu Bề trên Tổng Quyền, ra những quyết định lớn và những hướng đi cho các công việc có tầm quan trọng sinh tử đối với Dòng, tựa như:
- Thiết lập bản Hiến Pháp và các luật lệ liên quan đến tất cả các thành viên của Tu Hội.
- Xác định những hướng đi mới cho hoạt động tông đồ dựa theo những giá trị của đặc sủng Dòng,
- Ấn định những công việc mà các Bề trên phải tham khảo ý kiến hoặc phải có sự đồng ý của Ban Cố Vấn,
- Ra những quy tắc cho việc quản lý các tài sản,
- Soạn thảo chương trình đào tạo,v.v...
B. Thành phần
Về thành phần Tổng Tu Nghị, Bộ Giáo Luật không đưa ra chỉ dẫn cụ thể, mà chỉ đề ra vài nguyên tắc. Điều 631 §l quy định: “Tổng Tu Nghị cần được cấu tạo cách nào để đại diện cho toàn thể Hội Dòng”. Vậy Tổng Tu Nghị phải tìm cách đại diện cho bộ mặt đa diện và phức hợp của Dòng. Tiêu chuẩn chỉ dựa trên con số mà thôi thì chưa đủ; cần lưu ý đến những thiểu số mà cuộc sống rất có ý nghĩa đối với căn tính của Hội Dòng. Cần duy trì một sự quân bình giữa những thành viên “đương nhiên” và những thành viên “được bầu chọn”. Việc chỉ định các đại biểu phải thực hiện theo đúng luật riêng. Các hệ thống thay đổi tùy theo tầm vóc của mỗi Dòng. Nếu Dòng được chia làm nhiều Tỉnh Dòng, thì tiêu chuẩn đại diện sẽ đặt trên cơ sở các Tỉnh Dòng, ngõ hầu mỗi tỉnh các đại biểu của mình. Những tiêu chuẩn khác có thể là vùng địa lý, hoặc các truyền thống.
Các thành viên của Dòng không những có thể phát biểu qua các đại biểu của mình mà còn có thể được mời gọi gửi các nguyện vọng và gợi ý của mình cho ủy ban chuẩn bị Tổng Tu Nghị. Luật riêng sẽ phải ấn định các luật lệ về cách tham dự Tổng Tu Nghị: trực tiếp gởi đến Tổng Tu Nghị, hoặc gián tiếp qua các đại biểu, từng nhóm hoặc từng cá nhân,...
C. Hoạt động của Tổng Tu Nghị
Hiến Pháp phải ấn định hạn kỳ nhóm họp Tổng Tu Nghị. Tổng Tu Nghị phải được triệu tập ít là mỗi khi mãn nhiệm kỳ của Bề trên Tổng Quyền. Đừng kể trường hợp ngoại thưởng do sự chấm dứt đột ngột của Bề trên Tổng Quyền (chết, từ chức,...) và gần kề một Tổng Tu Nghị thường lệ khác, một Tổng Tu Nghị không thể chỉ được triệu tập để bầu cử mà thôi, nhưng còn phải bàn luận những hướng đi lớn của Dòng. Thành phần của mỗi Tổng Tu Nghị cần được thay đổi, cho dù lần họp cuối cùng mới diễn ra trước đó không lâu.
Để cho Tổng Tu Nghị hoạt động trôi chảy, thì ngoài những hướng dẫn quan trọng đã được ghi lại trong Hiến Pháp, các Hội Dòng cần soạn thảo một “bộ luật Tu Nghị”, quy định việc chọn lựa các đại biểu, cũng như trong việc trình bày, tranh luận và bỏ phiếu cho các văn bản nói lên ý muốn và những hướng đi của Tổng Tu Nghị.
Theo nguyên tắc, Tổng Tu Nghị sẽ hoàn tất các công việc của mình trong một khóa họp duy nhất. Tất nhiên cần có những cuộc gặp gỡ chuẩn bị, nhưng đó không phải là những hành vi chính thức của Tổng Tu Nghị.
Thời hạn bế mạc Tổng Tu Nghị phải được ấn định rõ ràng, bởi vì một khi tuyên bố bế mạc, Tổng Tu Nghị sẽ không còn tồn tại như cơ cấu quyền bính tập đoàn của Dòng nữa. Theo nguyên tắc, các văn kiện của Tổng Tu Nghị không cần được giáo quyền phê chuẩn. Tuy nhiên nếu có những thay đổi nào trong bản Hiến Pháp, thì cần phải xin phê chuẩn (đ. 587 §2), cũng như cần phải xin miễn chuẩn nếu có biểu quyết trái nghịch với luật phổ quát. Dù sao, các văn kiện của Tổng Tu Nghị nên được gởi lên Bộ Tu Sĩ để thông tin.
[1]Xc. Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Perfectae Caritatis (Về việc canh tân các Dòng Tu), số 14; ES I, I, 3.
[2] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng Muôn Dân), số 1.