Học Viện Đaminh
NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
***
CÁC DÒNG TU
(Điều 607 - 709)
***
VẤN ĐỀ 79
CÁC BAN CỐ VẤN CỦA CÁC BỀ TRÊN[1]
(đ. 627)
Về các Ban Cố Vấn, có hai vấn đề mà Giáo Luật để ý: 1/ sự hiện hữu, - 2/ hoạt động.
A. Sự hiện hữu
Theo điều 627 §l, tất cả các Bề trên Tổng Quyền, Giám Tỉnh và địa phương đều phải có một Ban Cố Vấn. Đối với một cộng đoàn nhỏ, Ban Cố Vấn có thể gồm bởi tất cả các thành viên của cộng đoàn, nhưng điều này cần phải được Hiến Pháp xác định rõ ràng. Trong các đan viện, thường có một Tu Nghị và một Ban Cố Vấn, nhưng nhiều khi Tu Nghị hoạt động như là Ban Cố Vấn. Dù sao, truyền thống đan tu đã ghi nhận sự hiện hữu của Ban Cố Vấn bên cạnh Bề trên. Chúng ta có thể đọc chương III của luật thánh Benedict để hiểu rõ vấn đề này.
Trong vấn đề 73, chúng tôi đã đề cập đến vị trí của Ban Cố Vấn đối với Bề trên. Đừng kể một vài trường hợp họa hiếm đã được Bộ Giáo Luật xác định rõ ràng, trong đó Bề trên và Ban Cố Vấn hành động cách tập đoàn, còn thì phiếu của Ban Cố Vấn không bao giờ tượng trưng cho một quyết định tập đoàn, nhưng chỉ là một sự bảo chứng (phiếu ưng thuận), hoặc một sự góp ý (phiếu tham khảo) để giúp cho Bề trên quyết định.
Luật riêng phải ấn định thể thức chỉ định các Cố Vấn. Các TổngCốVấn thường được bầu cử. Đối với Ban Cố Vấn khác, cả hai phương thức chỉ định (bầu cử và cắt đặt) đều có thể được áp dụng. Nếu toàn thể Ban Cố Vấn không phải là một ban quản trị tập thể, thì mỗi vị Cố Vấn, với tư cách Cố Vấn, lại càng không phải là một Bề trên. Trong nội bộ của Ban Cố Vấn, mỗi thành viên có thể giữ chức vụ đặc trách một vài lãnh vực sinh hoạt của đời sống tu trì hoặc của hoạt động tông đồ, nhưng đó không phải là một công tác cai quản thật sự. Trên nguyên tắc, không có sự bất khả kiêm nhiệm giữa chức Cố Vấn và chức Quản Lý, nhưng nhiều người nghĩ rằng việc kiêm nhiệm này không thích hợp. Trái lại, không thể chấp nhận cho các Giám Tỉnh làm thành phần Ban Tổng Cố Vấn, vì như thế sẽ dễ có sự lẫn lộn giữa hai cấp bậc. Nhưng nếu là Hội Đồng Cố Vấn mở rộng thì lại khác.
Về con số thành viên, thì để đạt được đa số phiếu, cần có ít nhất ba Cố Vấn, nhất là vì từ nay, theo hướng đi của Giáo Luật, Bề trên sẽ không bỏ phiếu. Đàng khác, Bộ Tu Sĩ đòi phải có con số tối thiểu này đối với các Ban Tổng Cố Vấn. Một Ban Cố Vấn có nhiều thành viên sẽ dễ có những lối nhìn phong phú hơn, nhưng cũng phải để ý đến những nhu cầu hoặc những khó khăn của Hội Dòng. Hiến Pháp phải ấn định con số các thành viên của mỗi Ban Cố Vấn, hoặc xác định những cơ quan nào có thẩm quyền ấn định con số đó. Nếu Ban Tổng Cố Vấn chỉ gồm ba thành viên, thì Hiến Pháp phải dự trù việc chỉ định một Cố Vấn dự khuyết để cho đủ con số bốn vị mà điều 699 §1 buộc phải có khi phải trục xuất một tu sĩ.
B. Hoạt động của các Ban Cố Vấn
Khi luật phổ quát hoặc luật riêng đòi hỏi, thì Ban Cố Vấn phải bày tỏ ý kiến hoặc sự ưng thuận, để giúp Bề trên lấy quyết định. Các thể thức về việc bỏ phiếu đã được đề ra nơi điều 127, và ý nghĩa của điều này đã được Ủy Ban Tòa Thánh Đặc Trách Việc Giải Thích Giáo Luật trả lời ngày 5 tháng 7 năm 1985.[2] Trái với những hành vi tập đoàn được đề cập ở điều 119, luật riêng chỉ cho phép sửa đổi luật phổ quát ở một điểm, đó là cách thức tham khảo ý kiến (chẳng hạn luật riêng có thể dự trù hỏi ý kiến bằng thư từ). Ngoại trừ trường hợp tham khảo ý kiến vừa nói, thông thường cần phải triệu tập tất cả và từng thành viên của Ban Cố Vấn. Đa số được tính theo những người hiện diện chứ không tính theo số phiếu bầu. Bộ Giáo Luật đã nói rõ: “Để hành vi được coi là thành hiệu, Bề trên phải nhận được sự đồng ý của đa số tuyệt đối những người hiện diện, hoặc phải hỏi ý kiến của tất cả mọi thành viên” (đ. 127 §l). Bề trên không bỏ phiếu, kể cả trường hợp mà lá phiếu của ngài có thể giúp cho số phiếu tránh được sự ngang bằng. Khi số phiếu ngang bằng, thì có lẽ Bề trên không có quyền giải quyết vấn đề (bằng việc hủy bỏ sự ngang bằng), bởi vì trên thực tế, Ban Cố Vấn đã không bày tỏ sự đồng ý. Nhưng một số tác giả lại nghĩ rằng, Bề trên không được phép bỏ phiếu cùng với Ban Cố Vấn; sự giải quyết tình trạng ngang bằng sẽ là một hành vi tiếp theo sau cuộc bỏ phiếu.[3]
Khi việc bỏ phiếu mang tính cách tập đoàn (đ. 699 §l), Bề trên sẽ bỏ thăm và ngài sẽ bị ràng buộc bởi kết quả chống cũng như thuận.[4] Ngoài trường hợp trục xuất tu sĩ, luật riêng có thể dự trù những trường hợp khác trong đó việc bỏ phiếu mang tính tập đoàn. Nhưng các cuộc bỏ phiếu do luật phổ quát đòi hỏi, thì không thể để cho trở thành bỏ phiếu tập đoàn. Dưới đây là danh sách các cuộc bỏ phiếu ấy:
Luật đòi hỏi sự đồng ý (ưng thuận) của Ban Cố Vấn của Bề trên Tổng Quyền trong các trường hợp sau đây:
1/. Điều 647, §1: Thành lập, di chuyển hoặc bãi bỏ nhà dành làm tập viện.
2/. Điều 647, §2: Cho phép một ứng sinh thực hiện tập kỳ ở một nhà của Hội Dòng, khác với nhà được chỉ định làm tập viện.
3/. Điều 648, §1: Cho phép một tu sĩ được chuyển Dòng.
4/. Điều 686, §1: Ban đặc ân sống ngoại vi, nhưng không quá ba năm.
5/. Điều 686, §3: yêu cầu nhà chức trách có thẩm quyền cưỡng bách một tu sĩ phải sống ngọai vi.
6/. Điều 688, §2: Cho phép một tu sĩ khấn tạm được rời bỏ Hội Dòng trước khi mãn hạn khấn.
7/. Điều 690: Nhận lại vào Dòng mà không cần phải trải qua tập kỳ, một tập sinh đã hoàn tất tập kỳ, một tu sĩ đã khấn tạm hoặc một tu sĩ đã khấn trọn.
8/. Phải thêm trường hợp thứ 8, không do đòi hỏi của Bộ Giáo Luật, nhưng dựa theo án lệ của Bộ Tu Sĩ, đó là: Cho phép một tu sĩ khấn trọn đời được từ bỏ toàn bộ hay một phần tài sản của mình (đ. 668, §4).
Bộ Giáo Luật đòi hỏi sự đồng ý của Ban Cố Vấn của Bề trên Cao Cấp có thẩm quyền (Ban Cố Vấn trung ương hoặc của Tỉnh Dòng) trong những trường hợp sau đây:
1/. Điều 638, §4: Chuyển nhượng một tài sản của Dòng (điều kiện này cũng áp dụng cho Ban Cố Vấn của Bề trên nhà).
2/. Điều 665, §1: Cho phép một tu sĩ được tạm thời sống ngoài tu viện.
3/. Điều 694, §2: Tiến hành thủ tục “công bố sự kiện” trong trường hợp một tu sĩ đương nhiên bị trục xuất khỏi Dòng do hai tội phạm nghiêm trọng được nêu ở điều 694, §1 (công nhiên chối bỏ đức tin công giáo; kết hôn dù chỉ là theo luật đời khi không được chuẩn tháo lời khấn).
4/. Điều 697, 3°: Xác định “tính bất trị” của một tu sĩ, cần phải tiến hành thủ tục trục xuất.
5/. Điều 703: Đuổi một tu sĩ ra khỏi cộng đoàn, khi tác phong của đương sự gây gương xấu nghiêm trọng, hoặc có thể phát sinh tai hại nặng nề cho cộng đoàn (Điều này cũng áp dụng cho Ban Cố Vấn của Bề trên nhà, khi phải trục xuất khẩn cấp một tu sĩ ra khỏi nhà mà sự đình hoãn gây thiệt hại cho Dòng).
Chú ý: Có lẽ phải thêm hai trường hợp nữa, bởi vì Bộ Tu Sĩ coi thuật ngữ “với lá thăm của Hội Đồng” như là phiếu quyết định, và như vậy cần phải có sự đồng ý của Ban Cố Vấn:
6/. Điều 656, §3: Nhận cho khấn tạm (khấn lần đầu và các lần khấn lại tiếp theo).
7/. Điều 658: Nhận cho khấn trọn đời.
Cần phải tham khảo ý kiến Ban Cố Vấn của Bề trên Cao Cấp có thẩm quyền trong hai trường hợp:
1/. Điều 689, §1: Khi Bề trên Cao Cấp không muốn cho một tu sĩ đã mãn hạn khấn tạm được khấn lại hoặc khấn trọn đời.
2/. Điều 697: Khi Bề trên Cao Cấp nghĩ là cần phải tiến hành thủ tục theo Bộ Giáo Luật để trục xuất một tu sĩ vì những lý do được nêu ở điều 696.
C. Hội Đồng Cố Vấn mở rộng
Nhiều Hội Dòng thiết lập những Hội Đồng Cố Vấn mở rộng. Sở dĩ được đặt tên như vậy, bởi vì ngoài Ban Cố Vấn thường lệ, còn thêm một vài thành viên của Dòng, tùy theo quy định của luật riêng. Bộ Giáo Luật không dự trù những cơ chế này, nhưng được kể vào số những cơ cấu tham gia được đề cập nơi điều 633.[5]
[1]Xem thêm vấn đề 73.
[2]Xem thêm vấn đề 73.
[3] Lưu ý của người dịch. Trong vấn đề: “Bề trên có bỏ phiếu với ban cố vấn không?” có nhiều ý kiến trái ngược, tùy theo truyền thống của mỗi Dòng. Chẳng hạn như trong Dòng Đaminh, Bề trên cùng bỏ phiếu với Ban Cố Vấn.
[4]Xem thêm vấn đề 73.
[5]Về việc này, xin xem vấn đề 83.