Học Viện Đaminh
NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
***
CÁC DÒNG TU
(Điều 607 - 709)
***
VẤN ĐỀ 70
QUYỀN KINH LÝ VÀ CÁC CHẾ TÀI
(đ. 628 §2 và §3; 678 §l; 683 §l và 1320)
Đức Giám mục Giáo phận có quyền lợi và nghĩa vụ kinh lý các đan viện tự trị thuộc loại thứ nhất[1] và tất cả các nhà của các Hội Dòng Giáo phận, nằm trong lãnh thổ của mình (đ. 628 §2), kể cả trong lãnh vực kỷ luật Dòng. Các tu sĩ được “kinh lý” cần tỏ ra hoàn toàn tin cậy, thành thực trả lời những câu hỏi được đặt ra cách hợp pháp. Cấm không ai được làm cách nào để các phần tử trốn tránh nghĩa vụ này, hoặc cản ngăn mục đích của cuộc kinh lý (ibid.,§3).
Còn về quyền kinh lý của Bản quyền đối với những lãnh vực mà các tu sĩ phải phục quyền ngài (đ. 678 §l), nhất là trong các hoạt động tông đồ (đ. 683 §l) cũng như những chế tài mà ngài có thể thi hành.[2]
Chú ý: Về các mối quan hệ giữa các Giám mục Giáo phận và các Hội Dòng, xin xem Huấn thị Mutuae relationes tháng 5 năm 1978, được đồng thời ban hành bởi Bộ các Giám mục và Bộ các tu sĩ (xem Theo Chúa Kitô tập I, NXB Tôn giáo, Hà Nội 2015, tr. 355-405).
[1]Xem thêm vấn đề 69.
[2]Xem thêm các vấn đề 46 và 50.
Một Giám mục không thể tùy thuộc vào một người không phải là Giám mục, dù đó là linh mục đi nữa, và trong trường hợp xảy ra sự xung khắc, thì những nghĩa vụ do tác vụ Giám mục sẽ được ưu tiên
Học Viện Đaminh
NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
***
CÁC DÒNG TU
(Điều 607 - 709)
***
VẤN ĐỀ 71
CÁC TU SĨ ĐƯỢC THĂNG CHỨC GIÁM MỤC
(đ. 705-707)
Tu sĩ được nâng lên hàng Giám mục vẫn là thành viên của Dòng, tuy nhiên:
A. Về lời khấn vâng lời
Ngài sẽ chỉ tùy thuộc vào Đức Giáo Hoàng mà thôi, và không bị ràng buộc bởi những nghĩa vụ mà ngài nghĩ là không phù hợp với bậc sống mới của mình. Điều này dễ hiểu bởi vì một Giám mục không thể tùy thuộc vào một người không phải là Giám mục, dù đó là linh mục đi nữa, và trong trường hợp xảy ra sự xung khắc, thì những nghĩa vụ do tác vụ Giám mục sẽ được ưu tiên trên những nghĩa vụ của tu sĩ (đ.705).
B. Về lời khấn khó nghèo; nên phân biệt:
a/. Nếu do lời khấn, ngài đã mất quyền sở hữu tài sản, thì đối với những tài sản sẽ có, ngài lại được quyền sử dụng, quyền hưởng huê lợi và quyền quản trị; còn về quyền sở hữu, nếu ngài là Giám mục Giáo phận (hoặc giữ chức vụ tương đương lãnh đạo Giáo Hội địa phương nói ở đ.381 §2) thì sẽ thủ đắc cho Giáo phận; nếu là Giám mục hiệu tòa, thì sẽ thủ đắc cho Dòng hoặc cho Tòa Thánh, tùy theo Dòng có quyền sở hữu hay không.
b/. Trái lại, nếu do lời khấn, ngài đã không mất quyền sở hữu thì ngài lấy lại quyền sử dụng, quyền hưởng huê lợi và quản trị đối với các tài sản thuộc về mình; còn đối tài sản ngài sẽ thủ đắc, ngài sẽ hoàn toàn được quyền sở hữu.
c/. Trong cả hai trường hợp vừa nói, ngài phải sử dụng theo ý muốn của ân nhân nếu là tài sản nhận được không vì danh nghĩa cá nhân (đ. 706).
Một tu sĩ Giám mục về hưu sẽ được tự do lựa chọn nơi ở của mình, kể cả ở ngoài các nhà của Hội Dòng, trừ khi Tòa Thánh đã định liệu cách khác.
Việc chu cấp xứng hợp cho những vị tu sĩ này phải dựa theo các quyết định của Hội Đồng Giám Mục, đặc biệt là về phía Giáo phận nơi ngài đã phục vụ (đ.402 §2), trừ khi nào chính Hội Dòng tự lãnh việc chu cấp. Đối với một Giám mục hiệu tòa, Tòa Thánh sẽ định liệu cách khác (đ. 707).