Saturday, 04 April 2020 14:46

Bản Quyền Địa Phương Và Các Dòng Giáo Phận - Vấn Đề 67 Featured

Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC DÒNG TU

(Điều 607 - 709)

***

VẤN ĐỀ 67

BẢN QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG VÀ CÁC DÒNG GIÁO PHẬN

(đ. 594 và 595 §l-2)

 

Về các Dòng nam và nữ thuộc Giáo phận, điều 594 có ghi: “Tuy vẫn tôn trọng các quy định của điều 586,[1] một Hội Dòng thuộc luật Giáo phận được đặt dưới sự chăm sóc đặc biệt của Giám mục Giáo phận”.

A. Giám mục của trụ sở chính của Dòng

Ngài có các quyền riêng được kể ra ở điều 595 §l liên quan đến việc phê chuẩn và sửa đổi Hiến Pháp,[2] cũng như việc bầu cử Bề Trên Tổng Quyền.[3] Điều luật này cũng dành cho Giám mục của trụ sở quyền xử lý những công việc quan trọng liên quan đến toàn thể Hội Dòng và vượt quá quyền hành của nhà chức trách nội bộ, tuy nhiên ngài phải tham khảo ý kiến các Giám mục Giáo phận khác (chẳng hạn khi phải can thiệp để chuẩn bị những sự thống nhất hoặc sáp nhập nhiều Tu Hội với nhau, để lấy quyết định của Tòa Thánh).

B. Tất cả các Giám mục tại Giáo phận nơi Hội Dòng có tu viện

Đối với các tu viện và các phần tử, các ngài có quyền lập pháp (tất nhiên vẫn phải tôn trọng luật chung và “một nền tự trị chính đáng” của các Hội Dòng). Các ngài có quyền chuẩn miễn Hiến Pháp trong những trường hợp cá biệt (đ. 595 §2), cho phép một tu sĩ được vắng mặt khỏi cộng đoàn trong những trường hợp vượt quá quyền hạn của các Bề trên (đ. 665 §l),[4] ban cấp một số phép cho các tu sĩ,[5] chuẩn miễn khỏi giữ những luật của Giáo Hội phổ quát hoặc hoặc của của Giáo Hội địa phương do Quyền tối cao của Giáo Hội ban hành, với những điều kiện cũng giống như đối vói các tín hữu khác thuộc quyền tài phán của các ngài (đ. 87).

Về quyền hành của các Giám mục liên quan đến sự kiểm soát tài chánh của các nhà cũng như các hành vi hành chánh “ngoại thường”và các vụ di nhượng tài sản của các Hội Dòng Giáo phận.[6]

Bản quyền riêng của mỗi tu sĩ sẽ là người phải can thiệp trong việc thực thi đúng các ý muốn về các việc từ thiện do một người ủy thác khi còn sống hoặc di chúc cho tu sĩ, ngoài những trường hợp đã được đề cập ở vấn đề trước đây (đ. 1302 §3). Cũng vậy, những thiện quỹ được ủy thác cho một Dòng Giáo phận thì tùy thuộc Bản quyền sở tại (đ. 1304. §l và 1308). Trong một Hội Dòng Giáo phận, chính Đức Giám mục của nhà Dòng mà tu sĩ thuộc về sẽ là vị có thẩm quyền để phong chức (đ. 1015 §3) và cấp thư ủy nhiệm cần thiết (đ. 1019 §2). Về thẩm quyền của Đức Giám mục Giáo phận trong việc cho phép sống ngoại vi (đ. 686 §l).[7]

 

 


[1]Liên quan đến nền tự trị chính đáng được nhắc tới ở vấn đề 66.

[2]Xem thêm vấn đề 15.

[3] Xem thêm vấn đề 77.

[4] Xem thêm vấn đề 36.

[5]Xem thêm vấn đề 39.

[6]Xem thêm các vấn đề 87, 88 và 89.

[7]Xem thêm vấn đề 37, -về quyền cho hồi tục (đ. 688 §2 và 691 §2); vấn đề 97 và 98, - về việc trục xuất khỏi Hội Dòng (đ. 700); vấn đề 107.