Print this page
Friday, 24 January 2020 11:24

Ảnh Hưởng Một Số Lễ Nghi Trong Văn Hóa Kitô Giáo Nơi Đời Sống Gia Đình Công Giáo Việt Nam Featured

Phaolô Nguyễn Tiến Thành, SVD.

Cosma Hoàng Thanh Quốc, OP.

 

Dẫn Nhập

Quê hương là gì hả mẹ?

Mà cô giáo dạy phải yêu

Quê hương là gì hả mẹ?

Ai đi xa cũng nhớ nhiều.

Những vần thơ của Đỗ Trung Quân đã nói thay cho nỗi lòng nhớ quê của mỗi người chúng ta. Quê hương là máu là thịt, là phong tục, là tập quán, là nếp sống sinh hoạt,… Trong đó, họ nhớ nhất là mái ấm gia đình. Nơi đây, họ được nghe từ vành nôi những lời ru ngọt ngào của mẹ hiền. Nơi đây, họ được nghe ông bà, cha mẹ kể những câu chuyện cổ tích thần tiên. Nơi đây, họ có anh có em, có tình làng nghĩa xóm. Nơi đây, họ được nghe tiếng gõ mõ tụng kinh, tiếng chuông nhà thờ ngân vang,…

Tại Việt Nam, bên cạnh các đạo như Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo, Tin Lành, Hòa Hảo, Cao Đài thì còn có Công giáo. Ảnh hưởng của đạo Công giáo rất nhiều trong xã hội: ngôn ngữ, văn chương, mỹ thuật, kiến trúc, giáo dục, y tế,… Không dừng ở mức vi mô mà nó còn có ảnh hưởng bậc vĩ mô: gia đình. Nghĩa là đạo Công giáo còn ảnh hưởng đến đời sống của từng gia đình Công giáo. Điều này được thể hiện rõ nét nhất qua những lễ nghi trong văn hóa Kitô giáo như rửa tội - đặt tên thánh, đọc kinh chung, tưởng nhớ gia tiên, ma chay, cưới hỏi, giỗ chạp,…

Đây là đề tài mới mẻ với những người nghiên cứu xã hội học. Hy vọng qua việc tìm hiểu đề tài này sẽ giúp cho nhóm chúng tôi hiểu biết thêm về ảnh hưởng của vài lễ nghi trong văn hóa Kitô giáo trên đời sống gia đình vừa giải toả thêm cho nhóm được một số thắc mắc. Tuy nhiên, đó vẫn còn là lối ngỏ, vẫn còn là ngưỡng cửa mới cho chính những người tìm hiểu. Hy vọng rằng với sự chỉ bảo của giáo sư hướng dẫn, với đóng góp của người đọc, nhóm sẽ hiểu hơn và sẽ làm sáng tỏ nhiều vấn đề hơn. Đó là lý do chúng tôi chọn đề tài.

I. GIA ĐÌNH VIỆT NAM

1. Gia đình là gì?[1]

Gia đình là một tổ chức xã hội được hình thành từ lâu trong lịch sử. Gia đình là cái mà ai cũng có thể nhìn thấy, cảm nhận được. Hầu hết mọi người đều lớn lên trong gia đình và thừa hưởng những yếu tố vật chất và tinh thần từ nó. Tuy nhiên, khi cần phát biểu một cách chính xác về gia đình thì người ta lại cảm thấy rất khó khăn.

Từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây, có rất nhiều định nghĩa về gia đình. Chẳng hạn, theo ông Murdck, “gia đình là một nhóm xã hội được xác định bởi một nơi trú ngụ chung, sự hợp tác và tái sản xuất về kinh tế, gồm những người trưởng thành trong đó có ít nhất là hai người duy trì mối quan hệ tình dục được xã hội công nhận với một hoặc nhiều đứa trẻ là con đẻ hoặc con nuôi của những người trưởng thành có quan hệ với nhau”. Đã có một thời người ta coi đây là định nghĩa chuẩn mực về gia đình. Sau một thời gian, nó bộc lộ những khiếm khuyết, hạn chế. Rồi, người ta cũng biết đến những định nghĩa về gia đình của Rodney D. Elliott và Don H. Shamblin hoặc của E. W. Burgess và H. J. Locker, trong đó nói rằng: “Gia đình là một nhóm người đoàn kết với nhau bằng những mối liên hệ hôn nhân, huyết thống và những mối quan hệ con nuôi tạo thành một hộ đơn giản, tác động lẫn nhau và thống nhất với nhau trong vai trò tương ứng của họ là người chồng và người vợ, người mẹ và người cha, anh em và chị em, tạo nên một nền văn hóa chung”.

Đấy là những định nghĩa của phương Tây. Còn gia đình Việt Nam lại có những đặc thù riêng, nên định nghĩa về gia đình cũng khác. Ông Trần Đình Hượu có nhận định: “Gia đình là một tổ chức xa xưa, bắt nguồn từ quan hệ nam nữ, từ việc sinh con đẻ cái tự nhiên, về sau trong lịch sử mới thay đổi, thích ứng với những phương thức sản xuất, với cơ chế chính trị, với nền văn hóa,… Cho nên, Việt Nam là vùng đất Đông Nam Á. Trước kia là vùng sông hồ, cấy lúa nước, chịu ảnh hưởng nền văn minh Trung Hoa-mà phần tiêu biểu là cái đến sau,…”. Giáo sư Đỗ Thái Đồng thì càng làm rõ hơn đặc trưng của gia đình Việt Nam khi ông nói: “Gia đình truyền thống ở xã hội Á Đông là một định chế đặc trưng trên hai ý nghĩa: một định chế lâu đời nhất và cũng là định chế ít thay đổi nhất sau tất cả những biến thiên của lịch sử. Ở Việt Nam, tiếng nhà có ba nghĩa: ngôi nhà, gia đình, người vợ. Nghĩa chung nhất là gia đình,… gia đình phụ thuộc vào làng xã,… nó có luật pháp riêng, tôn giáo riêng, văn hóa riêng và một cơ chế tự quản mà các gia tộc, tức các gia đình mở rộng theo huyết thống về trực hệ có thể tham gia trong tư cách thành viên của một loại hội đồng tư vấn”. Như vậy, ở Việt Nam, gia đình là phạm trù xã hội để chỉ một cộng đồng nhỏ, một nhóm xã hội hình thành trên cơ sở hôn nhân và huyết thống; một đơn vị xã hội, một tế bào xã hội; một mắt xích trong chuỗi liên hệ cá nhân-gia đình-làng-nước; một thiết chế xã hội cơ bản; một đơn vị đạo đức, văn hóa, tín ngưỡng,…

Trong nghiên cứu xã hội học, các nhà nghiên cứu có thể tự do lựa chọn những định nghĩa mà họ cảm thấy tâm đắc.

2. Những đặc điểm của gia đình truyền thống Việt Nam[2]

Gia đình là một khái niệm mở, tùy địa vực, tộc người, lịch sử hay tùy giác độ quan tâm khác nhau mà có những cách định nghĩa khác nhau. Tuy nhiên, gia đình Việt Nam có những đặc điểm cơ bản sau:

Gia đình người Việt mang nhiều nét đặc thù Á Đông, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Khổng giáo. Chẳng hạn: trọng nam khinh nữ, con trai nối dõi tông đường nhằm lưu truyền nòi giống và thờ phượng, nhớ ơn sinh thành của tổ tiên,…

Vừa đề cao tính cộng đồng, tinh thần vì lợi ích chung, vừa coi trọng đúng mức vai trò cá nhân; vừa coi trọng tập thể gia đình vừa tôn trọng giới hạn tự do cá nhân. Tuy nhiên, rất dễ nhận thấy tính cộng đồng, tính tập thể thường lấn át, tới mức, người phương Tây cho rằng ở gia đình Việt có một “chủ nghĩa cộng đồng”.

Về cơ bản, phụ nữ có địa vị bình đẳng với nam giới, được quy định bởi nền văn hóa nông nghiệp lúa nước, tự cung tự cấp và hoàn cảnh sống của gia đình Việt. Về bản chất, nam giới đối ngoại còn nữ giới thì đối nội.

Không chỉ duy lý mà chủ yếu là duy tình. Tình nghĩa trong gia đình người Việt được đề cao và tình hàng xóm láng giềng cũng vậy.

Gia đình người Việt thuộc loại gia đình phụ quyền, ngoài chỗ trọng nam như đã nói thì con cái truyền theo dòng bố và mang tộc danh phía bố. Chồng là chủ gia đình quyết định những công việc quan trọng nhất.

Gia đình người Việt còn nổi lên tính chất gia tộc, dòng họ (quan hệ huyết thống), một cộng đồng lớn hơn, có nhà thờ họ, có tộc ước, gia phong, gia phạm, gia lễ, gia quy,... tức là sự gắn bó chặt chẽ quan hệ nhà-tộc họ-làng, nước,…

Giáo dục nghiêm khắc, theo những nếp sống lâu đời.

Hoạt động tính dục bị coi là phụ, đó chỉ là điều kiện cần thiết để có con; không được quan hệ tính dục trước hôn nhân.

3. Những đặc điểm của gia đình Kitô giáo[3]

Người Việt Nam dù theo tôn giáo nào thì yếu tố gia đình vẫn là yếu tố ưu tiên hàng đầu. Do đó, gia đình Kitô giáo Việt Nam vẫn là gia đình Việt Nam với những đặc tính của nó mà chúng ta vừa tìm hiểu. Tuy nhiên, là gia đình Kitô giáo, họ phải tuân giữ cũng như thể hiện lối sống gia đình theo giáo lý của Kitô giáo.

Đó là đời sống hôn nhân đơn nhất và vĩnh hôn. Bởi vì, “sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,6). Nếu gia đình truyền thống Việt Nam chấp nhận tục đa thê để có con nối dõi tông đường hoặc để thể hiện uy thế của gia đình thì hôn nhân Công giáo không chấp nhận tập tục này. Vì đó, gia đình Kitô giáo đầu tiên phải là gia đình hạt nhân một vợ-một chồng và không được phép ly dị.

Gia đình Kitô giáo cũng là mái trường đầu tiên dạy cho con cái niềm tin Kitô giáo, phát triển nhân cách như là một tín hữu và trên hết là biết phụng thờ Thiên Chúa qua những kinh nguyện và thánh lễ. Điều này chứng tỏ cho thấy gia đình Kitô giáo Việt Nam có những buổi kinh chung với sự tham gia của mọi thành viên, hoặc là trong những ngày lễ trong lịch phụng vụ, bổn mạng gia đình,… họ tổ chức hành hương, lễ lạc cho cả gia đình mình.

Một đặc tính quan trọng khác của gia đình Kitô giáo Việt Nam là họ luôn tôn trọng sinh mạng con người. Quan niệm trước kia của người Việt Nam là trời sinh voi sinh cỏ hoặc con đông là nhà có phúc,… điều này phù hợp với quan điểm của Tin Mừng. Một đặc tính nữa là tự tử, người Việt Nam anh hùng, khí tiết có thể tự vẫn vì lý do yêu nước, yêu chồng nhưng gia đình Công giáo Việt Nam không chấp nhận điều này.

Tóm lại, gia đình Kitô giáo và gia đình truyền thống Việt Nam không khác nhau là mấy, nếu không muốn nói là có nhiều điểm giống nhau. Chính sự bền chặt của gia đình làm hoàn trọn tính thuỷ chung của Giáo Hội với Chúa Giêsu và gia đình thánh Gia luôn là gia đình gương mẫu cho mọi gia đình Kitô giáo Việt Nam noi theo.

II. GIẢI THÍCH NHỮNG ẢNH HƯỞNG CỦA MỘT VÀI LỄ NGHI TRÊN ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO VIỆT NAM BẰNG LÝ THUYẾT KÍ HIỆU HỌC

1. Lý thuyết ký hiệu học về văn hóa[4]

Ký hiệu học (semiotics) là một môn học về các ký hiệu. Nó quan niệm văn hóa như là một mạng lưới truyền thông rộng lớn, qua đó các thông điệp được chuyển tải qua những con đường phức tạp và liên kết với nhau. Toàn bộ mạng lưới này tạo ra những hệ thống ý nghĩa.

Khi phân tích văn hóa, họ đều cố gắng làm bật lên các cơ cấu ý nghĩa trong các hiện tượng văn hóa, bằng cách giải mã những ký hiệu của nền văn hóa. Trong quan điểm của ký hiệu học, một ký hiệu tự nó không mang ý nghĩa mà nó chỉ có ý nghĩa trong một bối cảnh, khi được nhìn dưới góc độ nào đó: từ bên trong hay từ bên ngoài, góc độ của người nói hay người nghe, sự mô tả có tính cách nội truyền hay ngoại truyền. Kế đến, họ xác định các nét văn hóa. Nét văn hóa có thể là một ký hiệu duy nhất hay là một chuỗi các ký hiệu liên kết với nhau. Sau đó, họ xác định các ký hiệu, các mã liên kết các ký hiệu và các thông điệp được chuyển tải.

Điểm khởi đầu đặt nền tảng cho Thiên Chúa giáo tại Việt Nam là vào thế kỉ XVI, khi các vị thừa sai theo chân các thương gia Bồ Đào Nha vào buôn bán trên lãnh thổ Việt Nam. Từ đó đến nay, ảnh hưởng nghi lễ trong văn hóa Kitô giáo đến đời sống gia đình Công giáo rất lớn. Nó để lại cách cảm, cách nghĩ, nếp sống, và bầu khí gia đình không giống với các đạo khác. Lối sống gia đình không phải là sự tập hợp đơn giản những phương thức hoạt động sống của các thành viên trong gia đình mà là sự tổng hòa các hoạt động được tiến hành cùng nhau. Sau đây, dưới cái nhìn xã hội học, chúng tôi sẽ dùng lý thuyết ký hiệu học về văn hóa để giải mã những ký hiệu của một số nghi lễ văn hóa gia đình Công giáo nhằm làm bật lên các cơ cấu ý nghĩa trong các hiện tượng văn hóa. Cụ thể, chúng tôi sẽ giải mã những ký hiệu của một số nghi lễ: đọc kinh chung, dọn tất niên, hôn nhân, ma chay, giỗ chạp,… trong gia đình.

a/. Đọc kinh chung[5]

Nếu như các gia đình ngoài Kitô giáo không có thói quen đọc kinh chung thì gia đình đạo Công giáo lạ có thói quen tốt này. Bởi vì, giờ kinh gia đình là giờ hạnh phúc, đầm ấm nhất trong ngày. Giờ mà các phần tử trong gia đình được thân tình bên nhau. Cùng nhau trong một niềm tin hướng về cùng đích. Giờ kinh chung gia đình giữ được lòng đạo, cùng nhau cảm tạ Chúa về mọi ơn lành nhận được trong ngày, và xin ơn trợ giúp cho mọi người. Gia đình có dịp dâng cho Chúa mọi vui buồn sướng khổ, mồ hôi nước mắt đổ ra trong ngày. Đây là cơ hội tốt để giáo dục con cái, để mọi thành phần thông cảm, hòa giải cùng nhau. Đây cũng là lúc nhớ đến và cầu nguyện cho những người thân yêu đã qua đời. Nhất là khi có biến cố trong gia đình, như: kỷ niệm ngày cưới, sinh nhật, ngày giỗ,… nhờ đó, gia đình sẽ vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn. Về thời gian, giờ kinh chỉ nên kéo dài hơn kém 10 phút. Nên chọn giờ nào mà chương trình tivi ít hấp dẫn hơn. Về nội dung, bắt đầu hát hoặc đọc kinh Chúa Thánh Thần, kinh tin, cậy và mến. Sau đó xướng một mầu nhiệm kinh Mân Côi và đọc một chục kinh. Tiếp đến là đọc Lời Chúa, suy niệm, chia sẻ (cha mẹ lợi dụng giờ này để giáo dục con cái). Cuối cùng là hát kết thúc.

Như vậy, giờ kinh chung là giờ tràn ngập niềm vui, là giờ hồng ân, vì mỗi phần tử được cùng với Đức Kitô đi vào tương quan đối thoại với Thiên Chúa Cha.

b/. Dọn Tất niên[6]

Tết Nguyên Đán là dịp sum họp gia đình, kính nhớ tổ tiên và thăm viếng nhau để gia tăng tình thân ái. Khởi đầu là dọn Tất niên. Từ giữa tháng chạp là thời gian rất thuận tiện để mỗi gia đình tổng kết một năm sinh hoạt. Cả cha mẹ lẫn con cái sẽ cùng nhau: làm xong những việc cần thiết còn đọng lại. Tổng kết chi thu, thanh toán nợ nần. Tổng kết kinh nghiệm sống, kinh nghiệm làm việc một năm qua. Đó là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Riệng đối với gia đình Công giáo thì còn thêm một số việc khác. Chẳng hạn, chọn hướng sống hoặc chủ đề giáo dục gia đình trong năm mới. Dọn mình xưng tội cuối năm, cũng nên dành một tuần lễ kết bó hoa thiêng liêng tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho nhau (gồm: dâng lễ, rước lễ, đọc Lời Chúa, lần hạt, hi sinh,…). Những việc trên đây sẽ làm xong trước ngày ăn bữa tất niên. Bữa ăn này được coi như để kết toán mọi chuyện: còn gì phải xin lỗi nhau, hoặc góp ý xây dựng đều nói hết trong dịp này, để rồi ngày đầu năm sẽ không còn phải nhắc gì đến chuyện cũ, chỉ chúc tuổi nhau thật vui vẻ. Cũng nên nhân bữa ăn này mà trình bày chủ đề sống của năm tới và dự phóng trước việc vui xuân của gia đình, thu xếp sao để trẻ em khỏi lây nhiễm thói xấu cờ bạc ngoài xã hội. Trước bữa ăn có lễ cúng gia tiên.

c/. Tưởng nhớ gia tiên dịp Tết Nguyên Đán[7]

Dịp tết Nguyên đán, trong những gia đình theo đúng tinh thần Việt Nam, ẩn dưới những niềm vui rộn rã đầu xuân là cả một thực tại linh thiêng trầm mặc đầy ắp không gian: cõi hữu hình và cõi vô hình đan dệt vào nhau, ông bà tổ tiên đã khuất như thể đang có mặt giữa con cháu một cách thân thiết, gần gũi, linh thiêng và đầy an ủi. Có được bầu khí ấy là nhờ các nghi lễ rất nghiêm túc của phượng tự gia đình.

Các nghi lễ này mở đầu với giờ “cúng đón” (đón ông bà về ăn Tết với cháu con) vào ngày 29 hoặc 30 Tết, và kết thúc với giờ “cúng đưa” (tiễn chân ông bà) vào ngày mùng 3 hay mùng 4 tết (có nhà cúng đưa từ chiều mùng 2). Trong khoảng thời gian ấy, bàn thờ gia tiên lúc nào cũng dìu dặt khói tệ hương, mỗi ngày người ta cúng hai ba lần vào đúng giờ cả nhà quy định trước. Mỗi gia đình có người trực ở nhà để giữ cho hương đèn được ấm cúng liên tục, và để lo nấu thức ăn, đúng giờ thì bày lên bàn thờ, thành tâm cầu nguyện, người trực đóng vai đại diện gia đình, luôn ở trong tâm tình cung kính trước sự hiện diện của anh linh tiên tổ, để bày tỏ niềm biết ơn và tưởng nhớ. Ngày nay, cả người không có đạo cũng không mấy ai còn nghĩ ông bà tổ tiên cần “ăn tết”, nhưng người ta thấy rằng sự túc trực để bày tỏ lòng thành là điều cần thiết. Đó là một tâm tình rất thiêng liêng cao quý mà bầu khí của các lễ nghi gia tiên đã đem lại.

Người Công giáo biết rằng các linh hồn đã về với Thiên Chúa vẫn hiệp thông với các tín hữu ở trần gian thường xuyên chứ không riêng mấy ngày tết, cho nên không có chuyện đón ông bà về ăn tết và tiễn ông bà đi. Khi đón nhận các truyền thống tốt đẹp của dân tộc, người Công giáo nhằm đạt được phần tinh hoa, chứ không vụ vào những hình thức rườm rà. Tuy vậy, trong mức độ vừa phải, hình thức vẫn cần thiết. Để phục hưng và phát huy bầu khí linh thiêng thuận lợi cho tình cảm và hạnh phúc gia đình, rất cần giữ lấy những hình thức diễn tả tối thiểu và chính yếu.

d/. Cưới hỏi[8]

Việc cưới hỏi của Việt Nam từ lâu đã chịu ảnh hưởng của Trung Quốc. Người xưa quan niệm, cưới hỏi là việc chung của gia tộc, chứ không phải việc riêng của con cái. Chính vì vậy, tiến trình của phong tục hôn nhân liên quan đến rất nhiều người, từ trong gia đình, tộc họ đến làng nước, tạo thành nhiều mối quan hệ khác nhau. Hai người trai gái kết hợp với nhau thành vợ thành chồng được gọi là hôn nhân. Theo sách Thuyết văn thì “hôn” là nhà của người vợ. “Nhân” là nhà của người chồng, vì thế khi người con gái bằng lòng đi về nhà chồng gọi là hôn nhân. Hán văn cũng còn gọi việc dựng vợ gả chồng là giá thú, vì “giá” là gả chồng và “thú” là cưới vợ. Ngày nay, tại Việt Nam từ này thường được dùng để chỉ giấy chứng chỉ kết hôn, tức giấy giá thú, do cơ quan hộ tịch cấp. Theo Văn Công gia lễ, trong việc cưới gả có 6 lễ, đó là:

- Lễ Nạp thái hay dạm ngõ, tức là nạp lễ ngỏ ý xin cưới.

- Lễ vấn danh tức lễ hỏi tên tuổi và ngày sinh của cô gái.

- Lễ Nạp cát báo cho nhà gái biết tuổi của hai bên thuận hợp.

- Lễ Nạp tệ cũng gọi là lễ Đính hôn hay Ăn hỏi.

- Lễ Thỉnh kì là xin nhà gái ấn định ngày cưới.

- Lễ Thân nghinh tức là lễ cưới, đón rước cô dâu về nhà chồng.

Hiện nay, đa phần chỉ còn giữ lại hai hoặc ba lễ là cùng. Đó là lễ nạp thái, lễ nạp tệ và lễ thân nghinh. Có gia đình còn gộp lễ Nạp thái và lễ Nạp tệ làm một rồi mới tới lễ Thân nghinh.

Phần lễ cưới cử hành tại nhà gái được gọi là lễ Vu Quy, tức là lễ cho con gái về nhà chồng. Nhà trai đem sính lễ đến đặt trước mặt bàn thờ. Nhà gái kiểm điểm lại xem có đầy đủ như mình đã đòi hỏi không. Nếu thừa nhận là đầy đủ thì cho thắp hương trên bàn thờ để chú rể và cô dâu vào làm lễ gia tiên. Chú rể lễ bốn lễ trước để trình diện gia tiên, tiếp đó cô dâu lễ theo để xin phép xuất giá. Sau đó, cô dâu chú rể lễ ông bà, cha mẹ và chào họ hàng bên gái. Đây cũng là lúc cha mẹ và họ hàng nhà gái tặng tiền hay quà cho dâu rể mới. Tiếp đó là tiệc mặn hay lạt, và trước khi cho đón dâu, đại diện nhà gái nói những lời gởi gắm cô dâu cho nhà trai, xin nhà trai bảo ban dạy dỗ thêm cho cô dâu.

Lễ cưới cử hành tại nhà trai gọi là lễ Thân nghinh hay lễ Rước (đón) dâu, đây mới chính là lễ Thành hôn. Vừa tới nhà trai, cô dâu được đưa ngay vào trước bàn thờ để trình diện với tổ tiên để xin các ngài tác hợp cho. Sau đó, cô dâu lễ ông bà, cha mẹ chồng, chào họ hàng nhà chồng. Ông bà, cha mẹ, họ hàng bên chồng sẽ cho tiền hay tặng vật. Sau cùng là dự tiệc. Hai người đại diện nhà trai và nhà gái đều phải là những người có đông con, cả nếp lẫn tẻ, chồng vợ song toàn, để đôi bạn trẻ được nhờ phúc ấm. Trong ngày thành hôn, hầu như ai ai cũng đều chúc cô dâu chú rể: “Trăm năm hạnh phúc”.

Nghi thức lễ Vu Quy của gia đình Công giáo diễn tiến như sau:

- Nhà trai ngỏ lời giới thiệu lễ vật.

- Nhà gái đáp lời chấp thuận và xin đưa lễ vật đến bàn thờ gia tiên để làm lễ.

- Lễ gia tiên và cầu nguyện tạ ơn.

- Chú rể và cô dâu vào chào cha mẹ cô dâu và họ hàng bên vợ.

- Uống nước hoặc ăn tiệc.

- Cuối giờ, chủ hôn xin nhà trai đón dâu, nhà gái đáp lời.

Đoàn đưa dâu về đến nhà trai, nhà trai mời vào. Người mẹ đón con dâu vào làm lễ gia tiên. Nghi thức như sau:

- Nhà trai ngỏ lời chào mừng và mời tới trước bàn thờ gia tiên làm lễ.

- Lễ gia tiên và cầu nguyện tạ ơn.

- Cô dâu chú rể chào cha mẹ chồng và họ hàng bên chồng.

- Uống nước hoặc ăn tiệc.

- Cuối giờ, vị chủ hôn nhà gái gởi gắm, nhà trai giã từ.

Lễ cưới tại gia đình Công giáo hiện nay cũng có các mục tương tự như những lễ cưới của phần đông các gia đình không Công giáo. Tuy nhiên, dù hình thức có giống nhau, nhưng nội dung lại có nhiều điểm khác. Từ lời giới thiệu cho tới lời khuyên nhủ của các chủ hôn, lời chúc của khách dự tiệc, và cả nghi lễ cáo gia tiên đều được thấm nhuần tinh thần Tin Mừng và kiểu cách Công giáo.

e/. An táng[9]

Có thể nói: tuyệt đại đa số người Việt Nam đều tin rằng con người có hồn thiêng bất tử, và chết là bước vào một thế giới khác; rằng sống khôn thác thiêng, nghĩa là sống mà hợp đạo lý thì khi chết rồi sẽ linh thiêng, sung sướng, có thể hiểu biết tâm tư người còn sống và nhất là có thể phù hộ cho người còn sống. Vì chết là bước qua ngưỡng cửa của cõi nhân sinh để bước sang cõi khác, nên phải có cuộc tiễn đưa cho phải phép. Đây cũng là cơ hội để người sống tỏ lòng yêu thương, kính trọng và biết ơn đối với người chết, nhất là khi các ngài là những bậc sinh thành hay trưởng thượng. Một người tuy sinh thời có thể còn nhỏ tuổi hay vai vế kém cỏi, vị trí thấp hèn nhưng một khi đã nhắm mắt lìa đời thì người ta cũng vẫn có những cử chỉ tỏ lòng cung kính tôn trọng chẳng hạn như chắp tay vái, niệm hương, cúi đầu, ngả mũ chào. Bởi vì người ấy cũng như những người đã quá vãng khác từ nay coi như đã thuộc về cõi trên. Sau đây là một số nghi thức của tang lễ.

Lúc lâm chung

Ngay khi thấy người bệnh lâm cơn hấp hối, thì đưa giường của họ ra giữa nhà - hay là phòng danh dự, nơi thuận tiện để quàn linh cữu- đặt đầu người bệnh về hướng Đông. Mọi người im lặng để người hấp hối được yên ổn, đồng thời cũng lắng nghe xem người hấp hối có trăng trối điều gì không. Luôn có người ở bên, ân cần nâng đỡ, trấn an người bệnh. Khi thấy bệnh nhân lịm đi thì lấy chút bông gòn để trước lỗ mũi (chúc khoáng), khi thấy những sợi bông bất động thì biết người bệnh đã qua đời. Sau khi tắt thở một lát, người ta khiêng xác người thân đặt xuống đất ít phút (gọi là hạ tịch) rồi mới đặt lại lên giường, lấy tờ giấy hay miếng vải trắng phủ lên mặt ngườ chết, có ý để nguời chết không thấy con cháu đau khổ mà buồn. Nhưng cũng có ý nghĩ cho là làm như thế để người thân khỏi quá xúc động mỗi khi nhìn thấy mặt người chết.

Mộc dục và khâm liệm

Người ta thường tắm rửa cho người chết bằng nước sạch và thơm, gọi là mộc dục. Tắm rửa xong, người ta thay đồ cho người chết, gọi là tiểu liệm, sau đó lấy một tấm vải dài và lớn bọc toàn thân thì gọi là đại liệm. Người ta cũng lấy ba dải vải thắt ba đai ngang thi thể. Khi bắt đầu liệm thì người nhà quỳ xuống khấn vái xin vong linh người chết cho phép thực hiện việc này.

Lễ nhập quan

Để chuẩn bị, người ta trải ở đáy áo quan nhiều lớp trà khô, hay bỏng gạo, hay những thứ tương tự có tác dụng hút nước từ thi thể tiết ra. Thân nhân sắp hàng quanh áo quan để khóc và thi lễ từ biệt. Tang chủ cùng với thân nhân và những người phục vụ tang lễ quỳ khấn xin người chết cho phép nhập quan. Người kiêng xác đặt vào áo quan để sẵn giữa nhà và bỏ vào chung quanh và bên trên thi thể quần áo của người chết cùng với những bao trà khô, sao cho chặt chẽ, hầu người chết khỏi bị ngả nghiêng, rồi mới đặt nắp quan lại, đóng đinh và gắn sơn cho kín. Người ta đặt trên nắp áo quan, một bát cơm và một quả trứng luộc gọi là cơm bông. Từ lúc này trở đi cho đến khi đưa linh cữu đi, con cháu phải thay nhau túc trực hầu bên linh cữu để tỏ lòng kính trọng, gắn bó với người chết.

Lễ thành phục hay lễ phát tang

Đó là lễ phát tang phục cho con cháu họ hàng. Có tất cả năm loại tang phục, tùy theo liên hệ với người chết ra sao. Thông thường đồ đại tang được may bằng hàng sô gai, và chỉ dành cho con trai con gái, con dâu người chết. Những thân nhân khác chỉ cần chít khăn tang lên đầu.

Lễ phúng viếng

Sau khi nhập quan và tang chủ đã làm lễ thành phục, con cháu đã van vái khóc lóc rồi thì mới khởi sự lễ phúng viếng của khách. Đi phúng điếu hay phúng viếng là đến dâng lễ vật cho người chết và thăm viếng tang gia để chia sẻ nỗi đau buồn với thân quyến.

Lễ vật phúng điếu có thể là trầu cau, trà rượu, hương nến, hoa quả, trướng hay câu đối nói lên công đức người chết hay nỗi niềm tiếc thương của mình. Người ta cũng phúng điếu bằng tiền để chia sẻ những tốn phí của nhà hiếu. Cũng có những tang gia, vì lý do nào đó, không muốn nhận phúng điếu. Trong trường hợp này, nhà hiếu phải ghi câu “Xin miễn chấp điếu” ở ngay trên tờ cáo phó để khách biết trước khi đi viếng.

Khách đến phúng điếu sẽ chắp tay vái (xá) hay lễ (lạy) tùy theo mình ngang hàng hay là dưới bậc đối với người chết. Nếu có ý đi đưa tang thì chỉ vái hay lễ ba lần. Nếu không đi đưa tang được, hoặc đến viếng sau khi đã an táng, thì vái hay lễ bốn lần. Khi khách thi lễ trước linh cữu thì tang chủ hoặc thân nhân, con cháu phải lễ đáp lại.

Trong lúc khách phúng viếng thì có kèn trống trổi lên và con cháu khóc lóc. Sau lễ phúng, khách đến nói ít lời chia buồn cùng tang quyến.

Lễ di quan hay phát dẫn

Trước lúc động quan, tang gia làm lễ khiến điện tức là lễ từ biệt người chết lần cuối cùng. Rồi con cháu khóc lóc trong khi các đô tùy khiêng linh cữu ra khỏi nhà để đưa lên xe tang. Người nhà và thân bằng quyến thuộc thường đi đàng sau linh cữu gọi là tống tang. Có thể có một vài thân hữu muốn đi hộ tang ở hai bên linh cữu để tỏ lòng quyến luyến đặc biệt đối với người chết.

Lễ hạ huyệt

Tới huyệt, tang gia làm lễ cúng Thổ thần sở tại để xin phép an táng người chết tại đây. Sau đó là lễ hạ huyệt. Có thể đọc một bài điếu văn trước khi hạ huyệt. Kế đó, mỗi người có mặt ném một nắm đất hay một cành hoa vào huyệt rồi đô tùy mới lấp huyệt. Sau khi hạ huyệt, nhà hiếu đi cắm vài cây nhang ở các ngôi mộ chung quanh với ý hướng gây tình láng giềng giữa người vừa mới quá vãng với những người đã được an táng tại đây từ trước. Đô tùy đắp hoàn chỉnh ngôi mộ xong thì tang gia làm lễ thành phần, là lễ bái biệt người quá vãng lần cuối. Thân nhân lễ bốn lễ, thân hữu lễ hai lễ, rồi mọi người ra về.

Ở trên, chúng ta đã lược qua những nghi thức an táng cổ truyền trong xã hội Việt Nam. Nhiều nghi thức này, nay đã bị đào thải hoặc vì có tính mê tín dị đoan, hoặc vì không hợp với cách sống của thời đại mới hoặc vì quá tốn kém, rườm rà.

Có những nghi thức người Công giáo vẫn còn giữ, nhưng đã thay đổi hình thức và nội dung. Người ta vẫn còn để tang người chết, nhưng áo tang đã dần dần được biến đổi, thay vì những vải mùng sổ gấu, người ta chỉ dùng áo và khăn chít trắng. Hơn thế, trong khi làm phép áo tang trao cho con cái và thân nhân, nghi thức này nhắc nhở con cháu ngày Thiên Chúa “sẽ cất chiếc khăn tang đang bao trùm muôn dân, và tấm khăn liệm trên mọi nước. Vì Người sẽ tiêu diệt sự chết đến muôn đời” (Is 25,7). Màu trắng của vải tang là dấu chỉ của niềm đau thương tiếc nuối, nhưng với những người có đức tin nó cũng nói lên niềm hy vọng được mặc áo trắng phục sinh ra đón Chúa Kitô khi Ngài lại đến trong vinh quang.

Cũng sử dụng nghi thức tẩm liệm, nhập quan, động quan, di quan và hạ huyệt theo truyền thống dân tộc, nhưng người Công giáo nhìn vào những nghi thức ấy với những tư tưởng đã được thấm nhuần tinh thần Phúc Âm khiến họ dù có đau khổ nhưng không tuyệt vọng: biết rằng làm người ai cũng phải chết, nhưng bên kia nấm mồ vẫn còn sự sống đời đời; thân xác có tan ra tro bụi, nhưng rồi nhờ đây, nhờ quyền năng Thiên Chúa, sẽ được phục sinh để không còn chết nữa. Vì thế, giờ đây, dù phải chia lìa, cơ hội gặp lại và đoàn tụ mãi mãi vẫn còn trong tầm tay.

Thay vì những lời bùa chú có tính mơ hồ, dị đoan, những việc cúng bái dành cho những tà ma, yêu quái không ai biết rõ, tong các nghi thức, người Công giáo được nghe Lời Chúa, biết rõ chương trình cứu độ của Ngài, xác tín rằng Ngài là Cha nhân lành, là Đấng toàn năng, điều gì Ngài đã hứa sẽ được thực hiện, nên dù có buồn rầu vì mất người thân, họ cũng được an ủi, vì Chúa vẫn đồng hành với họ, và những người thân vẫn ở giữa họ để chăm sóc độ trì cho họ qua những lời cầu và những việc làm hữu hiệu khác nữa. Để tỏ lòng hiếu thảo với người đã khuất, ngưòi Công giáo cầu nguyện cho họ chóng được về với Chúa, và cố gắng sống tốt lành, thánh thiện, làm những việc hữu ích cho xã hội để làm rạng danh cha mẹ, ông bà, tổ tiên.

f/. Giỗ chạp[10]

Điều quan trọng nhất trong sự thờ phượng tổ tiên là cúng giỗ. Ngày giỗ chính là ngày kỷ niệm người chết đã qua đời, còn gọi là “kỵ nhật”. Người chết sau khi được an táng theo phong tục lễ nghi, nằm yên dưới mộ, con cháu cũng dẹp sầu nhớ thương để trở lại cuộc sống hàng ngày. Hàng năm cứ đến ngày người chết qua đời, con cháu dù bận rộn cũng phải nhớ để làm giỗ, cúng giỗ. Trong ngày giỗ, người ta làm cỗ bàn mời họ hàng cùng thân bằng quyến thuộc đến gia đình. Giỗ có thể làm to hay nhỏ, tùy theo gia cảnh, tùy theo con cháu đông hay vắng và nhiều khi lại tùy theo sự liên lạc giữa người sống và người chết.

Trong ngày giỗ, người ta phân biệt giỗ đầu, giỗ hết. Thông thường, giỗ cha mẹ, giỗ ông bà thường làm to còn giỗ anh em, chú bác cùng các vị cao tằng tổ khảo, tỉ, thường chỉ cơm canh cúng đơn sơ để khỏi bỏ giỗ. Những khách khứa tới ăn giỗ có mang đồ lễ để cúng người khuất, thường là vàng hương, trầu, rượu, trà, nến, hoa quả. Khi khách tới, con cháu phải đón đồ lễ đặt trên bàn thờ trước khi khách lễ. Khách sẽ đến lễ trước bàn thờ bốn lạy ba vái. Gia chủ phải tự bản thân hoặc cử đại diện đứng đáp lễ. Lễ bàn thờ xong, khách quay sang vái người người đáp lễ. Có sự đáp lễ bởi khách đã lễ tổ tiên mình, mình phải lễ lại, còn về phần khách phải vái người đáp lễ đó chỉ để chứng tỏ sự nhún nhường của khách. Khách lễ xong, người nhà mời khách ăn trầu uống nước rồi dự cỗ. Hương đèn trên bàn thờ luôn luôn thắp sáng để khách khứa tới lễ. Khi khách đã vãn, gia trưởng mới cúng thêm tuần cỗ nữa rồi lễ tạ xin hóa vàng.

Đối với người Công giáo, việc cầu nguyện trong ngày giỗ vừa là để cảm tạ Chúa đã giải thoát các bậc tổ tiên, đưa về hưởng nhan Chúa, vừa là để cầu xin Chúa sớm giải thoát những người đang phải ở luyện ngục (thường đối với những người mới qua đời, ta hướng tới việc cầu hồn, còn đối với những người qua đời lâu năm, ta có thể tin vào lòng Chúa nhân từ mà dâng lời cảm tạ). Ngay cả những vị đã chết mà không chịu phép rửa tội, ta vẫn có thể tin rằng Thiên Chúa nhân từ và đầy quyền năng đã có cách cứu vớt họ trong Chúa Kitô và nhờ Chúa Kitô.

Với quan niệm người qua đời chỉ hưởng dùng những công phúc nên giỗ chạp thường chú trọng đến việc xin lễ, đọc kinh chung và làm những việc lành, để chỉ về người đã khuất. Họ ít quan tâm đến việc sửa soạn đồ cúng, tuyệt đối không đốt vàng mã. Trên bàn thờ tổ tiên chỉ có cắm hương trước di ảnh tưởng nhớ ông bà cha mẹ, một đĩa trái cây, một bình hoa với mục đích tôn kính ông bà cha mẹ chứ không hàm ý mời ông bà cha mẹ dùng. Việc giỗ chạp cũng không phân biệt giai cấp, vì cứ có người qua đời là gia đình đều tổ chức lễ giỗ, không cứ người chết đó thuộc hàng nào. Bởi vì, bất cứ ai đã qua đời cũng đều cần đến công đức của người sống làm thay để đền tội. Chính vì thế, giỗ chạp trong Thiên Chúa giáo không chỉ để báo hiếu mà còn là một cách biểu lộ tình thương nhân ái đối với người đã qua đời nơi những người sống, qua việc sẵn lòng lập công phúc thay cho người chết để họ mau đền hết tội lỗi của mình.

Việc ghi nhớ ngày giỗ được truyền từ con cháu đến thế hệ tiếp nối. Những bữa ăn chung trong ngày giỗ cũng không phổ biến, có cũng được mà không có cũng không sao, nó tùy thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện kinh tế của từng gia đình dòng họ. Tuy nhiên vẫn có một số dòng họ vẫn giữ truyền thống ngày xưa, tổ chức giỗ chạp rất trang trọng, anh chị em vẫn phải buộc phải có mặt trong ngày đó. Những bữa ăn chung như thế được thực hiện trong tinh thần giữ tập tục của tiền nhân hay để kính nhớ tổ tiên là chính và đã được đơn giản hóa khá nhiều; họ không còn lợi dụng ăn giỗ để chén thù chén tạc với nhau, nhưng thường chia sẻ cho nhau về hiện trạng công việc của mình, những kinh nghiệm làm kinh tế, và có khi sau những bữa ăn như thế, họ thoả thuận cùng làm việc chung với nhau. Nếu mời khách thì nên liệu sao để sự hiện diện của họ không ngăn cản sự thân mật giữa mọi người trong gia tộc. Trước bữa ăn, người ta cử hành cúng lễ gia tiên và đọc kinh chung với nhau.

III. THAY LỜI KẾT

Con người là một sinh vật mang trong mình xã hội tính, nghĩa là con người sống là sống với, sống nhờ và sống cho người khác. Gia đình chính là xã hội đầu tiên và nhỏ bé nhất của con người. Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình là hạt nhân nền tảng cho xã hội. Gia đình có tốt thì xã hội mới tốt; xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn. Như mọi công dân khác, người Kitô hữu cũng là những thành viên sống trong xã hội, do đó chúng ta cũng phải biết hòa nhập vào xã hội, phải nhớ mình là ánh sáng, là muối mặn, là men tốt. Do đó, người kitô nên mang những nét đẹp của mình để tô điểm cho xã hội thêm phong phú, thắp sáng ánh sáng, ướp mặn và làm dậy những nấm men của sự công bình – bác ái – yêu thương,… Hãy sống là công dân tốt, để có thể là Kitô hữu đích thực; hãy sống là Kitô hữu tốt, để là công dân tốt.

Có lẽ ngày nay, chúng ta cần xác định lại ý nghĩa của những dịp sinh hoạt đặc biệt trong gia đình từ cách thức tổ chức các nghi lễ đến mức độ thực hành các nghi lễ. Trước hết là sự thay đổi trong quan niệm về gia đình. Nhiều người cho rằng gia đình hiện nay có phần lỏng lẻo. Đa số các thành viên trẻ không thích bị gò bó kìm kẹp mà họ thích tự do cởi mở và đồng hành. Họ mong muốn những bậc sinh thành vừa đóng vai trò cha mẹ, vừa là thầy và vừa là bạn. Gia đình phải là môi trường giúp họ thăng tiến được trong xã hội bằng sự “hà hơi tiếp sức” chứ không phải là bằng bao cấp hay áp đặt. Thực ra, giá trị về gia đình vẫn còn đó, có khác chăng là sự thay đổi cách thức thể hiện những mối liên hệ trong gia đình thông qua những lễ nghi.

Mỗi dịp đặc biệt trong gia đình có sinh hoạt riêng của nó. Tránh những chuyện rườm rà. Nên lưu ý nhiều đến những gì củng cố thêm tình gia đình, giúp mọi người biết nghĩ đến người khác: dọn nhà cửa sạch sẽ, nhắc nhở cầu nguyện cho nhau, làm bó hoa thiêng liêng tặng người được mừng lễ,… Khi đón nhận các truyền thống tốt đẹp của dân tộc, gia đình Công giáo nhằm đạt được phần tinh hoa, chứ không vụ vào những hình thức rườm rà.

Trong giới hạn của thời gian và khả năng của một sinh viên học Xã hội học trong 40 tiết, chúng tôi chỉ có thể bằng lý thuyết ký hiệu học văn hóa nhằm nêu lên một số vấn đề xoay quanh việc ảnh hưởng của vài lễ nghi trong văn hóa Kitô giáo có tác động trên đời sống gia đình Công giáo Việt Nam. Đề tài này vẫn còn là một “mảnh đất rộng”, chúng tôi ước mong mảnh đất ấy sẽ được tiếp tục khai phá bởi những bậc cha anh nhiều kinh nghiệm trong ngành xã hội học, đặc biệt là những ai yêu thích nghiên cứu về gia đình Công giáo Việt Nam. Chúng tôi rất mong được nhận thêm sự dạy bảo, hướng dẫn và góp ý của quý giáo sư, các bạn đồng học, để đề tài ngày càng được hoàn thiện hóa và trở nên hữu ích cho xã hội và giáo hội Việt Nam thân yêu của chúng ta.

 

 

 


[1] Xc. Trần Thị Kim Xuyến, Gia đình và những vấn đề của gia đình hiện đại, Nxb Thống kê, năm 2001.

[2] Xc. Nguyễn Khắc Viện, Từ điển Xã hội học, Nxb Thế giới, 1994.

[3] Xc. Toạ đàm về văn hoá công giáo Việt Nam, Toà Giám Mục Huế, năm 2000.

[4] Xc. Nguyễn Xuân Nghĩa, Giáo trình Xã hội học, năm 2003.

[5] Xc. Kinh nguyện gia đình của Giáo phận Nha Trang.

[6] Xc. Giáo lý hôn nhân, Giáo phận Nha Trang, Nxb Thuận Hóa, 1997.

[7] Xc. Sơn Nam, Nghi thức và lễ bái của người Việt Nam, Nxb Trẻ, 1997.

[8] Xc. Toan Ánh, Nếp cũ: Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, Nam Chi tùng thư, Sài gòn 1967; Phạm Côn Sơn, Gia lễ Xưa và nay, Nxb Đồng Tháp, 1996; Bùi Xuân Mỹ, Lễ tục trong gia đình người Việt Nam, Nxb Văn hoá-Thông tin, 2001; Lm. Trần Hữu Thanh, Giáo lý hôn nhân.

[9] Xc. Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb TP. HCM, 1990; Toan Ánh, Phong tục thờ cúng trong gia đình Việt nam, Nxb Đồng Tháp, 1965; Kinh nguyện gia đình, Nha Trang; Bùi Xuân Mỹ, Lễ tục trong gia đình người Việt Nam, Nxb Văn Hoá-Thông tin, 2001.

[10] Xc. Phạm Côn Sơn, Đạo nghĩa trong gia đình, Nxb Văn Hoá, 1998; Bùi Xuân Mỹ, Lễ tục trong gia đình người Việt Nam, Nxb Văn Hoá-Thông tin, 2001.