Print this page
Tuesday, 10 September 2019 06:09

Tổng Quan Về Thánh Vịnh

Học Viện Đaminh

 

TỔNG QUAN VỀ THÁNH VỊNH

***

***

THÁNH VỊNH 1

HAI NẺO ĐƯỜNG

1. Thể văn

Tv giáo huấn, như loại sách khôn ngoan: dựa vào ý Chúa để dạy cách sống. Tv này như một nhập đề cho toàn tập Tv, mở ra hai nẻo đường : một đường theo người phàm, một đường theo Chúa.

2. Bố cục

- C. 1-3 : Đướng chính nhân.

- C. 4-5 : Đướng ác nhân.

- C. 6 : hai con đường.

3. Giải thích

- C.1 “Phúc thay” mở đầu một số Tv (32; 41; 112; 119; 128) và tám mối phúc (Mt 5,3-10) : không phải là một lời chúc phúc cho bằng là một lời nhận định, lời khen rằng có phúc. “Đường quân tội lỗi” : đường là cách ăn ở, cách sống.

- C.2 “Nhẩm đi nhẩm lại luật Chúa”: Người Ítraen xưa ít đọc Sách Thánh hoặc cầu nguyện hoàn toàn trong trí, nhưng đọc lẩm nhẩm, tụng niệm (Gs 1,8; 1 Sm 1,13; Cv 8,28-30).

- C.3 Chính nhân ví tựa cây trồng bên dòng nước : ăn rễ sâu và không sợ hạn hán.

- Số phận ác nhân thì ngược lại: chúng như trấu, cuốn theo chiều gió, do đó chúng không “đứng vững”.

- Kết luận bằng cách tóm lại hai nẻo đường. “Chúa biết đường của chính nhân” : “biết” là để ý đến, che chở, yêu mến.

4. Cầu nguyện của Cựu Ước

Định nghĩa thần học Thánh Kinh: Đường O. II. Israel gốc là du mục nên quan niệm cuộc đời như một hành trình : sống là đi. Vì thế vấn đề quan trọng là đi cho đúng đường : lạc bước trong sa mạc thì sẽ chết khô, còn đi đúng lối thì tới mạch nước. Gr 17,5-8 cũng so sánh kẻ tin tưởng vào người phàm và kẻ tin vào Chúa như cây cằn cỗi trong sa mạc và cây xanh tốt bên dòng nước.

5. Cầu nguyện của Kitô giáo

Tin Mừng cũng nói về hai con đường (Mt 7,13-14), về cây sinh trái tốt hay xấu (Mt 7,17-18), về trấu bị sàng sẩy và đốt (Lc 3,17).

1/ Chúa Giêsu là người công chính điển hình : khi bị cám dỗ trong vườn Ghếtsêmani, người đã chọn con đường vâng theo ý Cha. Hơn nữa, Người là chính con đường đưa đến sự sống (Ga 14,6), đường ta phải theo.

2/ Người Kitô hữu sống theo luật yêu thương (c.2), được sống nhờ nước thánh tẩy (c.3a) và được nuôi dưỡng nhờ hoa trái cây Thập giá (c.3b), nên ngày phán xét sẽ được Chúa Kitô nhìn nhận. Tiêu đề CGKPV: “Phúc thay những ai tin tưởng vào Thập giá mà xuống nước thánh tẩy”.

 

***

THÁNH VỊNH 4

CẦU NGUYỆN TIN TƯỞNG

 

1. Thể văn

Tv này có những yếu tố van xin và tạ ơn, nhưng tâm tình tin tưởng trỗi hơn, nếu có thể xếp vào loại Tv tín nhiệm : chỉ có Chúa mới ban hạnh phúc thật.

2. Bố cục

- C. 2 : Xin Chúa nghe lời tôi cầu xin.

- C. 3-6 : Nói với người khác.

- C. 7-9 : Trong Chúa, tôi được bình an.

3. Giải thích

1/ Tác giả gặp khó khăn, nhưng vẫn tin tưởng, vì Chúa đã từng mở lối thoát cho ông.

2/ Tái giả nói với người khác, có lẽ là những người đối nghịch với ông. Ông trách họ “ lòng chai dạ đá” (dịch theo ban Hy-lạp), chạy theo điều hư không giả dối, nghĩa là những cái phù vân, nhưng cũng có thể hiểu là các thần ngoại (trong Cựu Ứơc hay được gọi là “hư không”). Ông kêu gọi họ hãy hồi tâm suy nghĩ để sợ Chúa mà đừng phạm tội, và hãy dâng những “lễ tế công chính” (cũng gặp ờ Tv 51, 21), nghĩa là lễ tế mà luật truyền dâng, hoặc lễ tế có kèm theo lòng ngay thẳng.

3/ Trở lại với mình, tác giả thấy có Chúa thì ông được bình an và hạnh phúc hơn tất cả (niềm vui mùa gặt hái là niềm vui lớn nhất, Is 9, 2).

4. Cầu nguyện của Cựu Ước

Tv này nói lên niềm xác tín : người tín hữu có Chúa thì được bình an, niềm vui và hạnh phúc hơn tất cả.

5. Cầu nguyện của người Kitô giáo

1/ Chúa Kitô, sau cuộc Thương khó (c.2) được an nghỉ (c.5b.9). Trong mồ, người trong đợi và chắc chắn (c.6b.9) Chúa Cha sẽ ban cho Người ánh sáng (c.7) và niềm vui (c.8) phục sinh (c. 2.4.9; tiêu đề).

2/ Người tín hữu trước khi ngủ đêm, ăn năn các lỗi lậm (c.3-6; Ep 4, 26 dẫn c.5 theo bản Hy-lạp: “Anh em nỗi nóng ư ? Đừng có phạm tội”), tín nhiệm vào Chúa, xin Chúa đừng để cho lòng mình dính bén phù vân, và hy vọng sẽ được sống lại.

***

THÁNH VỊNH 8

OAI PHONG THIÊN CHÚA  VÀ PHẨM GIÁ CON NGƯỜI

1. Thể văn

Tán tụng TC vì việc Người làm trong công trình tạo dựng.

2. Bố cục

a. C. 2ab: Điệp khúc

b. C. 2c-5: Oai phong TC trong vũ trụ

c. C. 6-9; Phẩm giá con người do TC ban.

d. C. 10: Điệp khúc.

3. Giải thích

a. C. 2c-3 khó hiểu: trẻ thơ, địch thù là ai? Có lẽ đây là hình ảnh mượn của thần thoại Phêniki: tạo hóa dẹp cái hỗn mang nguyên thủy (=địch thù) và ngự trị trên trời giữa tiếng hoan hô của tinh tú mới mọc (=trẻ thơ), x.G 38,6-7. Trong Mt 21,16 Chúa Giêsu dẫn c.3: “Từ miệng trẻ thơ măng sữa, TC đã soạn ra một bài ca ngợi”, để nói: chúng nhận biết đấng TC sai đến dễ hơn các người tự cho là khôn ngoan (x.Mt 11,25). C.5 chuyển tiếp: nhìn vũ trụ bao la, thấy con người nhỏ bé.

b. C.6. Con người kém thần linh chút ít. Thần linh đây, không rõ là TC hay thiên thần. C.7-9. Nhưng con người làm bà chủ muôn loài.

c. C.10. Trở lại điệp khúc, đóng khung cho bài. Nhưng sau khi suy niệm thì điệp khúc có ý nghĩa dồi dào hơn.

4. Cầu nguyện của CƯ

Tv này nhìn ngắm uy quyền và vinh quang TC trong công trình sáng tạo, và suy niệm về chỗ đứng đặc biệt của con người trong vũ trụ: con người được TC ban cho bản tính thiêng liêng, nên con người cũng thuộc giới thần linh và do đó được thay mặt Chúa nắm quyền bà chủ muôn loài. Ngày nay, nhờ khoa học kỹ thuật, ta khám phá ra vũ trụ thật bao la kì diệu và con người càng ngày càng làm chủ vũ trụ. Vì thế ta lại càng phải thán phục ca ngợi TC hơn nữa. Và ta thay mặt các loài không có tiếng nói mà ca tụng Chúa.

5. Cầu nguyện của Kitô giáo

a. Đức Kitô là Ngôi Lời vĩnh cửu, khi Người nhập thể, TC đã hạ Người xuống dưới các thiên sứ trong chốc lát (Dt 2,6-9). Nhưng rồi Người lại được vinh quang danh dự và muôn làoi được đặt dưới chân Người (Ep 1,22: tiêu đề; 1Cr 15,27-28). Vì thế ta đọc Tv 8 để ca tụng Đức Kitô.

b. Trong Đức Kitô, chúng ta cũng được TC ban vinh quang danh dự. Phẩm giá con người do tự nhiên đã cao quí, nhờ Đức Kitô lại còn được nâng cao hơn nữa, vì sau khi nhận được bí tích thánh tẩy ta được cùng Người làm chủ tạo thành. Vì thế ta đọc Tv 8 để cảm tạ TC, nhất là để ca tụng vinh quang các thánh.

***

THÁNH VỊNH 15

AI ĐƯỢC Ở TRONG NHÀ CHÚA

1. Thể văn

Tv giáo huấn về đời sống luân lý.

2. Bố cục

1/ C. 1 : Câu hỏi : Ai đáng được Chúa tiếp đón?

2/ C. 2-5b : Trả lời : Những ai sống công chính.

3/ C. 5 : Kết.

3. Giải thích

1/ Tv này dùng trong phụng vụ Do Thái, nhắc cho những người đến đền thờ (= núi Chúa), biết phải sống thế nào để xứng đáng vào đền thờ.

2/ Những điều kiện:

- C.2ab: tổng quát;

- C. 2c-5b : chi tiết.

Nhấn mạnh đặc biệt đến việc không làm hại người khác.

4. Cầu nguyện của Cựu Ước

Tv này theo chiều hướng các ngôn sứ Cựu Ước, chống lại quan niệm vụ nghi lễ cho rằng chỉ cần chu toàn hình thức tôn giáo bên ngoài là đủ. Các ngôn sứ bảo : lễ vật muốn được Chúa chấp nhận phải đi đôi với một đời sống luân lý theo ý Chúa, nhất là công bình và bác ái...

5. Cầu nguyện của Kitô giáo

1/ Đức Kitô  là người công chính trọn hảo. Và Thiên Chúa đã đón Người vào núi thánh sau khi Người đã qua Núi Sọ.

2/ Các thánh đã sống theo tinh thần bài giảng trên núi. Nên nay được ở với Chúa Kitô và các thiên thần.

3/ Người Kitô hữu đã được tới núi Xion (Dt 12,22 : tiêu đề), cũng phải sống theo điều răn của Chúa, để mai sau đáng được Chúa cho vào nơi ở muôn đời.

***

THÁNH VỊNH 16

CHÚA LÀ PHẦN GIA NGHIỆP VÀ HẠNH PHÚC CỦA TÔI

1. Thể văn

Tv tín nhiệm. Sống với Chúa là hạnh phúc hơn mọi của cải, hạnh phúc bất diệt.

2. Bố cục

1/ C. 1-6: Tôi không thờ tà thần, nhưng trung thành với Chúa.

2/ C. 7-11 : Chúa ở bên tôi, Người không bỏ tôi.

3. Giải thích

1/ C. 3-4 rất khó hiểu; theo cách dịch trong CGKPV, hiểu là tác giả không theo tà thần, không kêu cầu và dâng lễ cho thần. C.6a: “Phần tuyệt hảo may mắn đã về con”, dịch sát là: “Dây thừng đã rơi xuống cho tôi nhằm chỗ tốt”, có ý nói đến việc chăng dây chia đất rồi bắt thăm phần mỗi người. Tác giả nói phần của ông là phần tót nhất: là chính Chúa.

2/ Tác giả nói lên lòng tín nhiệm nơi Chúa: có Chúa ở bên thì luôn luôn được bình an, ông còn tha thiết mong được ơ với Chúa mai mãi

4. Cầu nguyện của Cựu Ước

Đây là một trong những Tv diễn tả các đặc biệt thắm thiết lòng tín nhiệm của người tín hữu đối với Thiên Chúa. Trong sự gắn bó với Chúa, tác giả mong được sống mãi với Người, không rõ là mong được sống lâu trong tình thân với Chúa, hay được sống đời đời. Dầu sao Tv này chuẩn bị cho mạc khải về sự sống lại.

5. Cầu nguyện của người Kitô giáo

1/ Trong Tân Ước, thánh Phê-rô (Cv 2, 24-31) và Phaolô (Cv 13, 35-37) đã cho rằng những c.8-11 báo trước về Chúa kitô Phục sinh : Chúa Kitô nghỉ yên trong mồ phó thác vào tay Chúa Cha và biết chắc Người sẽ thoát tình trạng hư nát để về ngự bên hữu Chúa Cha (tiêu đề CGKPV: Cv 2, 24).

2/  Các tín hữu đã bỏ tà thần và chọn Chúa Kitô, nên được hưởng một gia tài đầy lạc thú và được hy vọng sau khi chết sẽ sống lại với Chúa Kitô và ở với Ngài mãi mãi.

3/ các giáo sĩ, tu sĩ đã từ bỏ tất cả để chỉ chọn Chúa làm phần gia nghiệp tuyệt hảo, có thể lấy Tv này làm lời nguyện của mình.

***

THÁNH VỊNH 23

CHÚA LÀ MỤC TỬ NHÂN HẬU

1. Thể văn

Tv tín nhiệm, nói lên lòng tin tưởng vào Chúa, mục tử nhân lành và chủ nhà hiếu khách.

2. Bố cục

1/ C. 1-4: Chúa là mục tử nhân lành: dẫn dắt, bênh vực, cho ăn uống.

2/ C. 5-6: Chúa là chủ nhà hiếu khách:  hậu đãi, cho ở nhà.

3. Giải thích

1/ Mục tử: Ít –ra-en gốc là dân du mục nên hình ảnh người chăn chiên rất quen thuộc đối với họ. Cựu Ước cũng nhiều lần gọi Chúa là Mục tử của dân. Đặc biệt chương 34 sách Ê-de-ki-en nói Chúa sẽ thu tập dân Chúa tản mác khắp nơi và đưa về quê hương. Mục tử tốt là người săn sóc đàn chiên, dẫn đến đồng cỏ, suối nước và bảo vệ chiên khỏi mọi nguy hiểm.

2/ Chủ nhà: xức dầu thơm cho khách trong những dịp vui, cho khách ăn tiệc ngon, uống rượu, và cho trú ngụ trong nhà.

4. Cầu nguyện của Cựu Ước

Đây là một Tv đầy thi vị, dùng những hình ảnh cụ thể để nói lên sự săn sóc che chở của Chúa đối với dân Người, và ngược lại dân Chúa đặt tất cả tin tưởng nơi Chúa.

5. Cầu nguyện của người Kitô giáo

1/ Tân Ước ví Thiên Chúa với người mục tử đi tìm chiên lạc (Lc 15, 4-7). Đặc biệt Chúa Kitô là mục tử tốt (Ga 10, 1-6; Kn 7, 17 : tiêu đề CGKPV) : Người đưa chúng ta ra khỏi bóng tối sự chết, dẫn chúng ta tới nước Thánh Tẩy, ban sức mạnh bằng dầu Thêm Sức và cho ta tham dự bàn tiệc Thánh Thể.

2/ Người tín hữu được những ân huệ đó, cũng xin Chúa dẫn mình bước đi trong chính lộ, để qua bóng tối sự chết được đưa vào nơi an nghỉ và dự tiệc trong Nhà Chúa mãi mãi.

Tv này có thể dùng trong nhiều dịp, nhất là khi cử hành bí tích Thánh Tẩy, Thêm Sức, Thánh Thể và trong lễ an táng.

***

THÁNH VỊNH 24

RƯỚC CHÚA VÀO ĐỀN THỜ

1. Thể văn

Tv vương quyền Giavê (c.1-2.7-10), pha với Tv giáo huấn (c.3-6).

2. Bố cục

1/ C. 1-2: Ca tụng TC, Đấng sáng tạo và làm chủ vũ trụ.

2/ C. 3-6: Những điều kiện luân lý để được vào đền thờ.

3/ C. 7-10: Nghi lễ rước Chúa (hòm bia giao ước) vào đền thờ.

3. Giải thích

Tv này có lẽ được dùng trong nghi lễ rước hòm bia về Giêrusalem thời Đavít (2Sm 6), và sau đó được dùng trong các cuộc rước long trọng vào đền thờ (trong lễ Cung hiến hay các đại lễ khác).

Ở c.3-4.7-10 có đối thoại giữa hai nhóm, nhóm ở trong thánh điện và nhóm ở ngoài.

1/ Chúa làm chủ cõi đất vì Người đã dựng nên nó. Theo vũ trụ quan cổ xưa, đất được đặt vững trên đại dương tức “nước phía dưới”, St 1,9-10) bằng những cột (G 38,4-6).

2/ Muốn lên núi đền thờ phải trung thành với đức tin độc thần và luânlý trọn hảo (so với những điều kiện ở Tv 15). Quan niệm không vụ nghi lễ này gần với các ngôn sứ.

3/ Đám rước tới cửa đền. Các cửa này được nhân cách hóa: chúng được mời cất cao hơn nữa để đón Chúa cao cả. C.10. “Chúa Tể càn khôn”, dịch sát là “Chúa các đạo binh”, một danh hiệu hay được gắn liền với hòm bia (1Sm 1,3; 4,4; 2Sm 6,2; Is6,3). Đạo binh đây là quân đội Ítraen hoặc đạo binh trên trời (các thiên thần, tinh tú, các năng lực trong vũ trụ). Vì thế có bản dịch là “Chúa toàn năng” (TOB) hay “Chúa Tể càn khôn”.

4. Cầu nguyện của CƯ

Tv này ca tụng Chúa là Đấng tạo thành vũ trụ, Đấng uy quyền, đáng sợ. Đồng thời nhắc nhở: muốn ra trước mặt Chúa phải có đời sống xứng đáng.

5. Cầu nguyện của TƯ

1/ Đức Kitô, Vua vinh hiển, ngự vào đền thánh:

- Ngày nhập thể, Người đã vào thế giới, là cái thuộc về Người.

- “Cửa trời rộng mở đón Chúa Kitô khi Người lên ngư bên hữu Chúa Cha” (Thánh Irênê: tiêu đề)

2/ Đức Maria là đền vàng đã được đón rước Thiên Chúa.

3/ Toàn GH cũng sẽ được lên núi Chúa cùng với các thánh, và được chia sẻ vinh quang với Đức Mẹ.

***

THÁNH VỊNH 27

TUYỆT ĐỐI TIN TƯỞNG VÀO CHÚA

1. Thể văn

Tv tín nhiệm, nói lên lòng tin tưởng giữa mọi gian nguy.

2. Bố cục

Tv này gồm hai phần rất khác nhau: c. 1-6 nói lên lòng tín nhiệm tuyệt đối nơi Chúa, lời lẽ rất bình thản, còn c. 7-14 lại là tời khẩn cầu trong đau khổ. Do đó có người cho rằng đây là hai Tv khác nhau nhập lại làm một, hoặc nghĩ rằng phải xếp c. 7-14 trước c. 1-6. cũng có thể cho rằng đây là lời cầu nguyện của người bị vu cáo; do đó có bố cục sau:

1/ C. 1-6 : Lời càu nguyện tin tưởng khi còn ở xa Giê-ru-sa-lem.

a/ C. 1-3 : Tín nhiệm tuyệt đối.

b/  C, 4-6 : Mong tới Nhà Chúa để dược che chở.

2/ C. 7-13 : Lời khẩn cầu khi tới đền thờ.

a/ C. 7-10 : Xin Chúa đừng bỏ tôi.

b/ C11-13 : Xin che chở tôi khỏi kẻ thù.

3/ C 14 : Kết: Lời sấm của vị tư tế bảo cư tin tưởng vào Chúa.

3. Giải thích

1/ a/ Nói lên những lý do để tin tưởng: Chúa là ánh sáng, là Đấng cứu độ, là thành trì. Ánh sáng tượng trưng cho sự sống, ngược lại bóng tối là hình ảnh của sự chết.

b/ Nói lên lòng ao ước được tới Nhà Chúa là nơi trú ẩn an toàn.

2/ a/ Lời kêu van rất khẩn thiết, xin Chúa đừng bỏ rơi mình, nhưng một trật đầy tin tưởng: dù cha mẹ bỏ tôi, Chúa vẫn đỡ nâng tôi. Is 49, 15: “Một người mẹ có thể nào quên con mình? Nhưng cho dù người mẹ có quên con thì Ta cũng không hề quên ngươi”.

4. Cầu nguyện của Cựu Ước

Nói lên lòng tin tưởng bất diệt của người tín hữu, dù gặp nguy hiểm đến dâu cũng không nao núng.

5. Cầu nguyện của người Kitô giáo

1/ Chúa Kitô trong cuộc khô nạn cũng cầu nguyện với Chúa Cha và tin chắc sẽ được chiến thắng (x. Tv 22).

2/ Giáo hội cũng liên kết với cuộc khổ nạn của Chúa Kitô và mong được thấy mặt Người. Tuy còn phải chiến đấu, Giáo hội vẫn chắc chắn sẽ được Chúa trợ giúp.

3/ Người tín hữu cũng chắc chắn được Chúa che chở (Rm 8, 38-39) : không gì có thể tách ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa), và trông đợi được vào Nhà Chúa để nếm sự ngọt ngào của Chúa ( cũng có thể dùng trong lễ an táng).

***

THÁNH VỊNH 31

CON PHÓ THÁC HỒN CON TRONG TAY CHÚA

1. Thể văn

Tv tạ ơn (và tạ ơn) của mộ người sầu khổ.

2. Bố cục

Tv này có ba phần khác nhau. Có người cho là có hai Tv (c.2-9.10-25) hoặc ba Tv (c.2-9.10-19.20-25) ghép lại với nhau, hoặc là một Tv (c. 2-9.10-25) trong đó có những câu (c.10-19) được xen vào. Vấn đề khó giải quyết!

1/ C.2-9: cầu nguyện với lòng tin tưởng

2/ C.10-19: này van khẩn thiết

3/ C.20-25: tại

3. Giải thích

1/ Tác giả cầu nguyện, nhưng với lòng tin tưởng, vì biết rằng Chúa là núi đá, là thành trì vững chắc. Vì thế ông phó thác trong tay Chúa.

2/ Qua phần này, ta thấy tác giả là người bị sầu khổ, có lẽ vì bệnh tật (c.11), bị kẻ thù mưu hại, người thân xa lánh. Có nhiều nét gợi lại Giêrêmia (nhất là c.14,x Gr 20,10).

3/ Giọng văn đổi khác: tác giả vui mừng cảm tạ Chúa đã che chở. Hơn nữa, như trong nhiều Tv ta ơn khác, ông còn mời các tín hữu chung quanh chung vui và tin tưởng nơi chúa. C.25 giống Tv 27.

4. Cầu nguyện của Cực ước

Người tín hữu gặp nhiều đau khổ, có khi gần như ngã lòng (c.23), như vẫn tin tưởng vào Chúa là nơi nương náu vững chắc.

5. Cầu nguyện của Kitô giáo

1/ Đức Kitô trên thập giá bị coi như đồ bỏ (c.10,12-14), vẫn phó thác vào tay Chúa Cha (c.2-4.6-7.15-16a; Người lặp lại c.6, Lc23,46: tiêu đề), xin Chúa Cha cứu Người khỏi chết và khỏi tay thù địch (c.2.5.8-9. 16-18). Rồi Ngượi ta ơn vì đã được nhậm lời (c.20-25)

2/ Giáo hội khi gặp gian nan thử thách cũng phó thác và tin tưởng: thánh Têphanô khi bị ném đá lặp lại lời Chúa Giêsu (Cv 7,59)

3/ Người tín hữu, ban tối, trước khi đi vào giấc ngủ l;à hình ảnh của sự chết, cũng phó thác như Chúa Giêsu (xướng đáp Kinh Tối)

***

THÁNH VỊNH 33

CA NGỢI THIÊN CHÚA SÁNG TẠO VÀ QUAN PHÒNG

1. Thể văn

Tv tán tụng, ca ngợi Tc, Đấng sáng tạo trời đất và dẫn dắt lịch sử

2. Bố cục

a. C. 1-3: Mở: mời ca tụng TC

b. C. 4-9: Lời Chúa sáng tạo muôn loài.

c. C. 10-19: TC hướng dẫn lịch sử.

d. C. 20-22: Kết: nói lên niềm hy vọng và tin tưởng Chúa.

3. Giải thích

Các câu thơ đều là biền ngẫu đồng nghĩa:

a. Các câu này phản ánh một phụng vụ sống động, với nhạc khí và tiếng reo hò. “Bài ca mới”: từ ngữ này được dùng sáu lần trong các Tv (33,3; 40,4; 96,1; 98,1; 144,9; 149,1; và Is 42,10; Kh 5,9; 14,3). Từ ngữ này có ý nghĩa gì? Đây không phải chỉ là một bài ca mới soạn, nhưng là một bài ca phụng vụ ca tụng sự can thiệp quyết liệt của TC trong cuộc đời một người hay trong lịch sử. Sự can thiệp ấy lặp lại, làm mới lại trong hiện tại việc Chúa đã thực hiện trong quá khứ (sáng tạo, xuất hành, giao ước): việc Chúa làm vẫn chưa xong, vẫn còn đang tiếp tục, vẫn luôn luôn mới.

b. Ca tụng công trình của Lời Chúa: sáng tạo và sắp đặt muôn loài (St 1).

c. Thiên Chúa hướng dẫn lịch sử: Người thấy tất cả, điều khiển tất cả, nhưng đặc biệt để ý đến những kẻ trông cậy Người.

d. Vì thế dân Chúa đặt cả niềm hy vọng và tin tưởng vào Chúa.

4. Cầu nguyện của CƯ

Xác tín rằng công trình sáng tạo cũng như lịch sử cứu độ đều phát xuất từ một ý định duy nhất của TC (X. Tv 136; 147), người tín hữu đầy tràn niềm vui (c.1.12.21), lòng kính sợ (c.8.18), lòng trông cậy (c.18.20.22) và niềm tin (c.21).

5. Cầu nguyện của TƯ

a. ta có thể đọc Tv này cùng với Chúa Giêsu để ca tụng TC là Chúa tể vũ trụ và lịch sử, là Chúa quan phòng yêu thương con cái (Mt 6,25-34; 7,7-11).

b. Ta cũng có thể dâng Tv này lên Chúa Giêsu là Ngôi Lời, nhờ Người mà Tc sáng tạo muôn loài (c. 4-9; Ga 1,1-18: tiêu đề) và là Đấng cứu chuộc (c.10-19): qua Chúa Giêsu, Tc cho thấy ý định yêu thương của lòng Người đối với loài người (c.11.19: lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, ca nhập lễ). Và ta vui mừng vì được là dân Chúa (c.12).

***

THÁNH VỊNH 40

CẢM TẠ VÀ CẦU XIN

1. Thể văn

Tv này gồm hai Tv khác nhau:

- c. 2-12 là Tv tạ ơn của cá nhân,

- c. 13-18 là Tv van xin của cá nhân.

2. Bố cục

1/ C. 2-12 : Tạ ơn.

      a/ C. 2-4 : Chúa đã cứu thoát tôi.

      b/ C. 5-6 : Tôi muốn kể lại những kỳ công của Chúa.

      c/ C. 7-9 : Lễ phẩm của tôi là thi hành thánh ý.

      d/ C. 10-12 : Tôi loan truyền ơn cứu độ của Chúa

2/ C. 13-18 : Xin cứu giúp

      a/ C. 13 : Tai họa và tội lỗi quá nhiều.

      b/ C. 14-16 : Xin Chúa mau cứu con khỏi kẻ thù.

      c/ C. 17 : Xin cho kẻ tìm Chúa được vui mừng.

      d/ C. 18 : Lặp lại lời xin cứu giúp.

3. Giải thích

1/ a/ Hình ảnh hô sâu bùn lầy gợi lại hồ nước cạn, nơi Giê-ru-sa-lem bị nhốt (Gr 38,6), hoặc có nghĩa bóng là âm phủ hay một nguy hiểm đến tính mạng (Tv 69, 3)

b/ Từ hoàn cảnh riêng, tác giả nhắc nhở tới những kỳ công Chúa đã thực hiện trong Ít-ra-en.

c/ Để tạ ơn, phải dâng lễ tế. Nhưng các lễ tế luật truyền không đẹp lòng Chúa bằng sự lắng nghe và thực thi ý Chúa (“mở tai”, như Is 50, 4-5, là làm cho sẵn sàng nghe và vâng theo lời Chúa). Quan niệm vâng lời Chúa thì tốt hơn dâng lễ tế, ta cò gặp trong Tv 50; 51, 18-19 và nhất là trong các ngông sứ (1 Sm 15, 22-23; Am 5, 21-24; Hs 6, 6; Is 1, 10-16, v.v…).

d/ Người thụ ân có bổn phận phải kể lại cho người khác biết ơn Chúa đã ban cho mình (vd Tv 22, 22-27; 118).

2/. Phần này là một Tv van xin; ngoài c. 13 ra, thì c. 14-18 ta thấy hình như y nguyên ở Tv 70, chỉ trừ  mấy thay đổi nhỏ (như ơ Tv 40 là Gia-vê, ở Tv 70 là Thiên Chúa). Do hoàn cảnh nào mà hai Tv nhập lại với nhau, chúng ta không rõ.

4. Cầu nguyện của Cựu Ước

Tv 40 là một trong những lời tạ ơn đẹp nhất của Cựu Ước. Đặc biệt đặt chiều sâu tôn giáo theo hướng các ngôn sứ : không phủ nhận lễ tế, nhưng nhấn mạnh hơn vào việc thờ phượng nội tâm, tức là lòng yêu mến và sự vâng lời.

5. Cầu nguyện của người Kitô giáo

1/ Dt 10, 5-10 (tiêu đề CGKPV) dẫn Tv 40, 7-9 theo bản Hy-lạp (vì thế thay vì: “Chúa mở tai con”, thì viết: “Chúa đã tạo cho con một thân thể”) và đặt lời này vào miệng Chúa Kitô lhi vào trần gian. Những lời này đưa ta vào thái độ thâm sâu của Chúa Kitô khi nhập thể, đó là tâm tình hoàn toàn phó thác vào tay Chúa Cha và sẵn sàng thực thi ý Cha (x. Ga 4, 34; 8, 29; 17, 4). Cũng chính do thái độ vâng lời đó mà lễ tế Chúa Kitô dâng thân mình có giá trị vĩng cửu, một lần thay tất cả. Vì thế, ta đọc Tv này cùng với Chúa Kitô trong mầu nhiệm Nhập thể (Lễ Truyền tin) và Thương khó (CGKPV dùng ngày thứ 6 Tuần Thánh).

2/ Chúng ta cũng đọc Tv này để đi vào thái độ vâng lời đó. Đời Kitô hữu có thể tóm lại trong lời kinh của ĐGH Clêmentê XI : “Con muốn điều Chúa muốn, con muốn vì Chúa muốn, con muốn như Chúa muốn, con muốn bao lâu Chúa muốn” (volo quod vis, quia vis, quomodo vis, quamdiu vis).

Giáo hội cũng dùng c.14 để mở đầu mỗi giờ kinh.

***

THÁNH VỊNH 42 - 43

NGƯỜI LƯU VONG TƯỞNG NHỚ ĐỀN THỜ

1. Thể văn

Tv van xin. Một người (có lẽ một tư tế?)phải lưu vong, bị khổ sở và chế nhạo, tha thiết mong được về nhà Chúa

2. Bố cục

Hai Tv này, trong bản Híp-ri và hy-lạp chia làm hai, nhưng thực sự là một, vì có cùng một đề tài và có một điệp khúc lặp lại ba lần (42,6.12; 43,5). Do đó ta có ba phần, mỗi phần kết bằng điệp  khúc:

1/ 42,2-6: Hồi tưởng ngày xưa và khao khác Chúa (tha thiết)

2/ 42,7-12: Đau khổ như nước lũ tràn lên thân tôi (buồn thảm)

3/ 43,1-5: Xin Chúa cứu và dẫn tôi về nhà Chúa (sáng tươi hơn)

3. Giải thích

Tv này có chất thơ vì có nhiều hình ảnh, cảm xúc

1/ Tác giả có lẽ đang ở phíc bắc Palestin, dưới chân núi Khemon, chỗ các nguồi sông Gio-đan, vì thế có những hình ảnh suối, thác, nai…

- C.2-3. Từ hình ảnh cụ thể con nai tìm về suối, tác giả cũng nói lên lòng tha thiết muốn được thấy Thánh nhan, nghĩa là về đền thờ.

- C.4. “Thiên Chúa ngươi ở đâu?”, hiểu ngầm: mà không đến giúp ngươi? Đó là lời chế nhạo của kẻ hoài nghi, có thể lung lạc niềm tin.

- C.5. Hồi tưởng lại những lần hành hương xưa

2/ C.8. Thác nước đổ trong khe núi gợi cho tác giả hình ảnh tai họa Chúa cho tràn ngập lên mình. Trong Cựu ước, nước lũ hay chỉ những tai họa, nguy hiểm lớn lao (Tv 69,2-3; 88,8;Gn 2,4).

3/ C. 3. Xin Chúa ban ánh sáng và chân lý như người dẫn đường về núi thánh Xion. C. 4b. Theo bản hy-lạp và La-tinh, câu này là: “Tới gặp thiên Chúa, niềm hoan lạc của tuổi xuân con”. Một số bài hát cũ vẫn giữ câu này.

4. Cầu nguyện của Cực ước

Giữa các đau khổ, người tín hữu giải bày tâm sự và mong được gặp chúa tại đền thờ.

5. Cầu nguyện của Kitô giáo

* Tv 42

1/ Người dự tòng khao khát tới nguồn nước thanh tẩy nhờ đó họ được đến với Chúa Kitô. Với ý nghĩa đó, Giáo hội dùng thánh vịnh này trong đêm Vọng Phục Sinh với Ed 36, 16-28: “ta sẽ ban cho các ngươi nước trong sạch để thanh tẩy các ngươi”. Trong các nhà thờ cổ, ở giếng rửa tội, nhiều khi có vẽ hai con nay đến uống bên suối nước.

2/ Người tín hữu trong chốn lưu đày trần gian, giữa những khổ cực, vẫn hước về Chúa Kitô. Họ biết mình đã được sống nhờ phép Thanh tẩy, và trông đợi ngày sẽ được chiêm ngưỡng thánh nhan.

* Tv 43

1/ Chúa Kitô trong cuộc Thương khó cũng vầu nguyện với Chúa Cha, xin Chúa Cha đưa Ngài đến ánh sáng phục sinh

2/ Người tín hữu  đã được thanh tẩy vui mừng tiến tới bàn thờ dâng lễ.

***

THÁNH VỊNH 51

XIN CHÚA THỨ THA VÀ ĐỔI MỚI TÂM HỒN

1. Thể văn

Lời cầu của một cá nhân ý thức được thân phận tội lỗi của mình, nên xin Chúa tẩy rửa, đổi mới con người, hứa sẽ dâng lễ tế tạ ơn.

2. Bố cục

Có thể chia làm sáu phần:

1/ C. 3-4: nài xin Chúa thương xót

2/ C. 5-8: Thú nhận tội lỗi

3/ C. 9-11: Xin Chúa thanh tẩy

4/ C. 12-14: Xin chúa đổi mới tâm hồn

5/ C. 15-19: Hứa hẹn lễ tạ ơn

6/ C. 20-21: Nguyện cầu cho Xion

3. Giải thích

1/ C. 3-4. những câu này có vẻ khẩn thiết với nhiều lời xi dần dập: xin thương, xóa bỏ, rửa sạch. Tác giả muốn mình mau khỏi tội là cái gì ;àm cho mình ra ô uế

2/ C. 5-8. ý thức mình có tội là điều kiện đầu tiên để được ơn tha thứ. “Con đắc tội với Chúa” : tác giả nhìn nhận rằng tội phạm đến ai cũng là phạm đến Chúa (2Sm12,13). C. 7-8 nói con người bẩm sinh đã yếu đối và hướng chiều về tội (đây chưa có ý nói đến tội tổ tông) : nói thế để xin Chúa thông cảm.

3/ C. 9-11. hương thảo là một thứ rau húng, trong Cựu ước dùng để rảy nước và máu lên những người cần được thanh tẩy, nhất là người phong cùi (Lv 14; Ds 19). Tội lỗi cũng được coi như một thứ phong cùi của tâm hồn.

4/ C. 12-14. Người có tội không những cần được tha thứ mà còn cần được đổi mới bên trong để vững bền theo chúa. Việc đổi mới này được thực hiện nhờ “thần khí thánh”. Thấn khí thánh trong Cựu ước chưa được hiểu là một ngôi trong Thiên Chúa, nhưng là một sức mạnh Thiên Chúa đặt trong con người để thanh tẩy và lôi cuốn con người làm việc lành (x. Ed 36,27).

5/ C. 15-19. tác giả tin chắc rằng Chúa nghe lời và tha thứ. Một khi đã được ơpn tha thứ, ông hứa sẽ nói cho người khác biết tình thương bao dung của Chúa, để họ cũng trở về với Chúa. Đó là cách thức ông biết ơn để tỏ lòng đối với Chúa. Theo luật Dothái, ngượi thụ ân Thiên Chúa phải dâng lễ vật cảm tạ. Lễ vật của tác giả không phải là một cái gì bên ngoài, nhưng chính là tâm thần thống hối và lòng tan nát ăn năn.

6/ C. 20-21. Những câu này có lẽ được thêm vào sau thời lưu đày để làm cho tv trở thành lời kinh của cộng đoàn: xin Chúa tha thứ tội lỗi cho dân và tái thiết thành lũy Giêrusalem.

4. Cầu nguyện của Cực ước

Tiêu đề Tv (c.2) dường như muốn nói rằng vua Đavít làm Tv này say khi bị ngôn sứ Nathan trách vì phạm tội ngoại tình và sát nhân (2 Sm12). Thực sự Tv này có một số điểm phù hợp với hành cảnh vua Đavít (c.6: tôi đác tội với Chúa; c.16: xin Chúa tha nợ máu). Nhưng ta thấy tv náy chịu ảnh hưởng nhiều của các ngôn sứ thời sau, nhất là Giêrêmia và Edêkien, ở những điểm như: bẩm sinh con người sa đọa, Chúa tẩy rữa, ban thần khí đổi mới, lòng thành có giá trị hơn của lễ… Vì thế có lẽ được sọan sau này.

Tv này có chiều sâu thần học hiếm có:

- Quan điểm về tội lỗi, là một phản nghịch với thiên chúa và làm cho người trở nên dơ bẩn, đáng bị trừng phạt.

- Nhìn tội lỗi đưới ánh sáng lòng thương xót của Chúa: không những Người tha thứ, mà còn tái tạo nên người mới.

5. Cầu nguyện của Kitô giáo

Dụ ngôn người con phung phá (Lc 15,11-31) có nhiều nét gợi lại tv này: tình trạng khốn khổ của người con xa nhà cha; lời nhận tội của anh: “Con đắc tội với trời và với cha”; anh như đã chết mà sống lại; niềm vui của ơn tha thứ. Chúa Kitô là con Thiên Chúa nhập thể đã đến loan báo cho lòai người ơn tha thứ của Thiên Chúa và mang lại ơn tha thứ đó nhờ mầu nhiệm chết và sống lại của Người. Muốn nhận được ơn cứu độ đó, con người phải nhìn nhận rằng, do tội nguyên tổ (Rm5,12-21) và tôi riêng mình, con người ở trong tình trạng tuyệt vọng, và phải trông chờ ơn tha thứ Thiên Chúa ban xuống qua Chúa Kitô. Chính Thánh Thần của Chúa Kitô sẽ thanh tẩy và làm cho chúng ta trở thành con người mới (Ep 4,22-24: tiêu đề CGKPV). Ta có thể dùng Tv này để cầu:

- Cho chính mình: nói lê tâm tình thống hối (khi xưng tội, trong lễ nghi sám hối)

- Cho các tôi nhân biết nhìn nhận lòng Cha nhân lành và trở về

- Cho Giáo hội luôn được thanh luyện để trở nê tinh tuyền hơn (Ep 5,26-27)

***

THÁNH VỊNH 63

TÂM HỒN KHAO KHÁT CHÚA

1. Thể văn

Tv van xin. Một tín hữu phải xa đền thờ và bị kẻ thù ngược đãi, nói lên lòng khao khát được gặp Chúa trong đề thờ

2. Bố cục

1/ C. 2-4: Linh hồn tôi khao khát tìm chúa

2/ C. 5-9: Nơi chúa tôi tìm được mọi hoan lạc

3/C. 10-12: Kẻ thù tôi sẽ tiêu vong

3. Giải thích

1/ C. 2. Hình ảnh đất khô mong nước nói lên lòng khao khát Chúa của người xa Chúa bị khổ cực (Tv 42,2: như nai mong tới suối)

2/ C. 6. Có chúa con no thỏa như sau khi được ăn bữa tiệc béo bổ. C. 7. Ngay từ ban đêm con đã nhớ đến Chúa, nên sáng sớm con đi tìm Chúa (c,20).

3/ C. 10-11. Nguyền rủa thù địch. Phụng vụ không dùng những câu này. C. 12. Có lẽ câu này được thêm sau để áp dụng cho vua Đavít lang thang trong sa mạc khi trốn Ápsalon.

4. Cầu nguyện của Cực ước

Đây là một Tv rất hay, nói lê lóng gắn bó tha thiết của người tín hữu với Chúa và lòng tin tưởng bất diệt.

5. Cầu nguyện của Kitô giáo

1/ Chúa Kitô vẫn hay thức đêm để cầu nguyện với Chúa Cha. Nhất là trong cuộc Thương khó, Người tin tưởng Chúa Cha sẽ cho Người chiến thắng.

2/ Giáo hội cũng dùng Tv này vào buổi sáng để nói lên lòng ước muốn gặp Chúa, được Người cho dự tiệc Thánh thể. Giáo hội cũng xin Chúa cho những tính hữu đã qua đời được vào vinh quang Chúa, chiên ngưỡng và hưởng niềm vui của Chúa.

3/ Tiêu đề: “Kẻ từ bỏ công việc tối tăm mờ ám, ấy là người tỉnh thức trông chờ Chúa”: đêm tối tượng trưng cho hành động xấu.

***

THÁNH VỊNH 67

NIỀM VUI MÙA GẶT

1. Thể văn

Tv tạ ơn của cộng đòng, sau mùa gặt.

2. Bố cục

Một điệp khúc và ba tiểu khúc:

1/ c. 2-3: xin Chúa chúc phúc.

    c. 4: điệp khúc: nguyện muôn dân ca tụng Chúa.

2/ c. 5: Thiên Chúa hiển trị muôn dân.

    c. 6:điệp khúc.

3/ c. 7-8: biết ơn Chúa vì đã ban mùa gặt.

3. Giải thích

1/ c. 2. Lời chúc lành của tư tế, giống như Ds 6,24-25. C.3. Aân huệ Chúa ban cho dân là dấu chỉ cho dân ngoại biết Chúa.

2/ c. 5 Ân  huệ Chúa ban cho thấy Người cai trị thế giới thế nào: bằng sự công chính. C.6. điệp khúc có ý nghĩa hơn, sau c.5.

3/ c. 7. bây giờ mới nói đến nhân dịp nào có Tv này: màu gặt. C. 8. lặp lại lời xin chúc lành ở đầu, và ý hướng phổ quát.

4. Cầu nguyện của Cựu ước

Trong Cựu ước có nhắc đến việc dâng sản phẩm ruộng đất cho Thiên Chúa sau khi gặt hái, để nhìn nhận đó là ơn Chúa ban (Lv 23,9-21; Đnl 26,1-11). Những thứ đó còn được coi là cái gì tiên báo ơn cứu độ. Nước Thiên Chúa sẽ đến, không phải do dân Chúa mà thôi mà còn cho muôn dân nữa. Lưu ý đến chiều hướng phổ quát của Tv này (c.3.4.5.6.8).

5. Cầu nguyện của Kitô giáo

Giáo hội cảm tạ Thiên Chúa và cây Thập giá của Chúa Kitô (c. 7a). Chính cây Thập giá này đem lại cho ta ánh sáng của Thiên Chúa và muôn phúc lành. Giáo hội cầu cho muôn dân nhờ Thập giá mà tìm thấy ơn cứu độ và cùng nhau ca tụng Thiên Chúa (tiêu đề: Cv 28,28: ơn cứu độ cho muôn dân).

 

(Còn tiếp)